Nghiên Cứu & Bình Luận
Mấy nét về màu sắc dân tộc ở trong sáng tác của Thạch Lam(1)
15:52 | 19/07/2024

LÊ THỊ ĐỨC HẠNH

Thạch Lam là một trong mấy cây bút chủ chốt của Tự Lực Văn đoàn, là em ruột Nhất Linh và Hoàng Đạo, nhưng trong khuynh hướng chung ấy, sáng tác của Thạch Lam có nhiều nét riêng.

Mấy nét về màu sắc dân tộc ở trong sáng tác của Thạch Lam(1)
Ảnh: tư liệu

Trong đó, màu sắc dân tộc là một nét nổi lên rất đậm đặc, phong phú hơn so với sáng tác của hai anh(2) và điều ấy càng khiến Thạch Lam trở nên gần gũi với chúng ta hơn.

Văn là người, đối với Thạch Lam điều này càng quá rõ, cho nên muốn nói tới màu sắc dân tộc thể hiện trong văn phẩm Thạch Lam thì không thể không nói tới tâm hồn, tình cảm, nhận thức của nhà văn, cũng tức là nói tới vai trò quan trọng của chủ thể sáng tạo. Đương nhiên, đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Bởi từ yêu tha thiết dân tộc có tâm hồn hòa cảm với tâm hồn dân tộc đến việc sáng tạo ra những tác phẩm đậm đà màu sắc dân tộc còn đòi hỏi những bước chuyển hóa cần thiết. Nói cách khác còn phải chú ý đến mối quan hệ giữa tâm hồn nhà văn với quá trình sáng tạo nghệ thuật, có nghĩa là tâm hồn dân tộc của người nghệ sĩ phải hoà nhập được vào và phải toát lên từ nội dung và hình thức của tác phẩm.

* * *

Ở Thạch Lam, nhiều bạn bè nhận xét là trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn băn khoăn "muốn sống cho ra một người dân đất Việt". Ông thích ở nhà tranh, thích dùng những đồ dùng đơn sơ, mộc mạc: ghế mây, giường gỗ, phên trúc, mành tre. Nhà ở sát ngay cạnh Hồ Tây, có cây liễu đổ nghiêng xuống gần mặt nước, do chính tay Thạch Lam trồng. Người chị của nhà văn có kể rằng: Lúc đã gần kề cái chết, Thạch Lam còn bảo chị "đẩy em lên cao một tí để em nhìn thấy cây liễu", và phàn nàn là người nhà đã chặt đi một cành rủ xuống, làm mất cả vẻ đẹp tự nhiên của cây. (3)

Thạch Lam yêu quê hương đất nước, nhất là yêu Hà Nội đằm thắm, tha thiết. Người ta thường thấy: hàng ngày, sau công việc của toà báo, Thạch Lam hay lang thang các phố, khi đi một mình, lúc cùng với bạn bè, có hôm đến hai ba giờ sáng mới về trước chợ Đồng Xuân, xem họp những phiên "chợ xanh".

Nhiều người còn nhận xét: dù uống một chén trà, hay một bát nước vối, dù nhấp một ngụm rượu hay thưởng thức một món ăn, Thạch Lam thường trầm ngâm, suy ngẫm, tỏ rõ một thái độ trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa tinh thần tiềm ẩn trong sự sống hàng ngày. Ông vừa như nhắc nhở mọi người, vừa như nêu lên một phương châm (cũng phù hợp với “10 điều tâm niệm” của Văn đoàn) để sáng tác: "Không bắt chước Tàu, không bắt chước Tây, phải có cái can đảm "mình dám là mình", và "chúng ta cứ việc diễn tả cái tâm hồn An Nam của chúng ta, những tư tưởng, những ý nghĩ mà chúng ta ấp ủ trong thâm tâm". Ông còn nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ có thể bằng các nhà văn ngoại quốc khi chúng ta đi sâu vào tâm hồn chúng ta mà thôi"(4). Và phải mang trong tâm hồn tình cảm lòng yêu dân tộc như thế nào Thạch Lam mới viết được "Chúng ta bây giờ và mãi mãi vẫn vui mừng những cái gì đã làm vui mừng ông cha ta, đau khổ những cái gì ông cha chúng ta đã xót xa, đau khổ"(5). Có thể thấy rằng, Thạch Lam muốn sống, muốn viết đúng như ý nghĩ của mình một cách chân thành. Qua sáng tác của ông, chúng ta luôn bắt gặp những hình tượng nhân vật gần gũi, quen thuộc, giàu sức sống cũng một phần vì chúng mang đậm màu sắc dân tộc.

Như trong Nhà mẹ Lê, tác giả dựng lên hình ảnh một bà mẹ Việt Nam đông con, lam lũ, chịu thương, chịu khó, yêu chồng, thương con, một thứ tình cảm chân thật, sâu sắc mà thầm lặng. Người ta chú ý đến cử chỉ Bác Lê nâng niu, yêu dấu thằng con thứ chín, không chỉ vì nó ốm yếu, xanh xao nhất nhà mà còn vì "nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc". Và cứ sau mỗi lần khoe với hàng xóm, người mẹ ấy lại ôm con ngồi lặng đi, như để nhớ đến người chồng (đã mất). Rồi cái chết của người mẹ nghèo đó (cho đi vay gạo, bị nhà giàu xua chó cắn) báo hiệu số phận của mười một đứa trẻ thơ dại, đồng thời đè nặng lên tâm tư những người ở lại trong cái xóm chợ tồi tàn. Âu cũng là một nét, một cảnh của đời sống nông thôn ta trước cách mạng Tháng Tám.

Thạch Lam thường chú ý đến những cảnh ngộ khác nhau, với những tâm tư, tình cảm, cảm xúc, cảm giác... nổi đậm những nét riêng của tâm hồn Việt Nam. Ở Tối ba mươi, ông phác họa cảnh sống của hai người con gái giang hồ vào một đêm ba mươi Tết: một căn buồng nhà xăm bẩn thỉu, một không khí lạnh lẽo bao trùm lên hai tâm hồn cô đơn, lạc lỏng, và trong họ vẫn lóe lên một thứ tình cảm trong lành vào những giây phút thiêng liêng: lúc hết năm cũ, bước sang năm mới. Như "Huệ tưởng nhớ đến những căn nhà ấm cúng và sáng đèn, then cửa cài chặt, mọi người trong nhà đang tấp nập sửa soạn đón năm mới trong sự thân mật của gia đình”. Rồi đến cái bàn bày lễ, cái cốc để cắm hương đều ô uế, nhơ nhớp, gợi lên sự tương phản với lòng thành kính đối với trời đất, tổ tiên, càng tô đậm nỗi chua xót của hai người phụ nữ; Quả là, con người dù ở hoàn cảnh nào cũng không quên được những phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Ngòi bút tinh tế của Thạch Lam còn đề cập đến những người phụ nữ mà cuộc đời không có gì éo le, như "cô hàng xén" một cách trân trọng, mến thương. Hơn thế, "cô hàng xén" còn được tác giả nhấn vào cái chất điển hình "có phải đâu chỉ một mình cô. Trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em”. Đẹp người, đẹp nết mà suốt đời hy sinh cho những người thân, không chút nào nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình, lúc nào cũng lụi cụi, buồn buồn, tẻ lặng, "toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ".

Ở đây, Thạch Lam không chỉ ca ngợi những đức tính truyền thống tốt đẹp mà chủ yếu biểu lộ sự băn khoăn, day dứt, thương cảm cho số phận của những người phụ nữ lao động Việt Nam phải sống mòn mỏi trong xã hội thực dân phong kiến trước đây. Tác giả kết thúc truyện bằng hình ảnh "nàng cúi đầu đi mau vào ngõ tối" làm người đọc không khỏi bùi ngùi, xót xa...

Xuất phát từ một ý thức rõ ràng, một cảm nghĩ dân tộc đằm thắm, chân thành, khi nói về cô hàng nước, Thạch Lam đã viết: "cô nhũn nhặn lắm, cô mặc một cái áo tứ thân cũ, giản dị và đảm đang như các cô gái Annam" (Hà Nội băm sáu phố phường). Liền đó, ông nói luôn tới "các cô hàng xén lũ lượt đi chợ Đông, chợ Đoài). Ông coi đây là "cái tinh hoa thuần túy" của người Việt Nam từ "xửa xưa đến giờ".

Nhiều khi chỉ một hình ảnh thoáng qua, một cảnh nhỏ ở sáng tác của Thạch Lam cũng những nét riêng thật ý vị, như cảnh người cháu về quê thăm bà:

“Thanh bước xuống dưới giàn thiên lý. Có tiếng người đi, rồi bà chàng mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ chạy lại gần.

- Cháu đã về đấy ư?

Bà cụ nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu âu yếm và mến thương". (Dưới bóng hoàng lan).

Hoặc cảnh phiên chợ tàn ở một phố huyện: "Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ấm bốc lên, nơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi, quen thuộc quá, khiến chị em liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này" (Hai đứa trẻ).

Hoặc cảm giác của một chàng trai vào một buổi sáng ở thôn quê.

"Yên tĩnh và mát quá, một cái yên tĩnh mát hay một cái mát yên tĩnh, chàng cũng không biết nữa". Chàng quan sát từ "cái sân đất khô hãy còn vết chổi quét của mẹ chàng chiều hôm trước" đến "qua dậu thưa, thấp thoáng người đi chợ sớm, tiếng cười nói vang lên với tiếng đòn gánh kĩu kịt, vì những bì gạo nặng..." (Buổi sớm).

Có thể tìm thấy không ít thí dụ tương tự trong những truyện ngắn, cũng như truyện dài Ngày mới của Thạch Lam.

Rồi trong Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam trân trọng, nâng niu biết bao khi nói đến hàng mấy chục thứ quà mặn ngọt của Hà Nội, và chỉ Hà Nội mới tạo được cho nó một hương vị riêng một sự hấp dẫn riêng, từ "bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy và trong như lụa", từ bát phở đầy đặn và tươm tất "nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu Bắc, giọt chanh cốm ngát lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như nghi ngờ", đến món bún chả "đáng gọi là mê hồn" của Hà Nội thì đặc biệt từ sợi bún đến gắp chả, đến nước chấm và đặc sắc hơn là có rau húng láng v.v...

Vẫn một cảm thụ tinh tế, nhưng Thạch Lam dành tình cảm cao nhất dường như "thành kính" đối với những món quà đặc sản của dân tộc. Từ món đơn giản, mộc mạc như xôi cháo mà tác giả cũng viết thật gợi cảm, thú vị "cháo hoa quánh mùi gạo thơm, xôi nồng mùi nếp mới". Đến cốm thì thật không còn những dòng nào có thể tuyệt diệu hơn: "Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thứ dân của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị, và thanh khiết của đồng quê, nội cỏ An Nam". Nhân nói đến cốm, tác giả còn suy rộng ra mà tiếc cho những thức quý của đất nước mình thay dần bằng những thứ bóng bảy, hào nhoáng và “thô kệch bắt chước người ngoài”.

Cũng không thể không nói đến công của Thạch Lam trong việc sử dụng sáng tạo tiếng nói dân tộc. Văn ông giản dị, tinh tế, nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, nhiều khi đậm chất thơ, không nặng nề về chữ Hán như đương thời không ít người viết mắc phải. Thạch Lam đã thâu nhận và phát triển được tinh hoa của tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc nên ông luôn luôn mới mẻ, đến hôm nay vẫn gần gũi với chúng ta. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét: "Bằng sáng tác văn học Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ hơn, phong phú thêm ra, mềm mại ra và tươi đậm hơn. Thạch Lam đã đem sinh sắc vào tiếng ta"(6). Đến Thế Uyên, thế hệ tiếp sau của gia đình Nguyễn Tường cũng một lần thốt lên "chính Thạch Lam mới là người viết văn hay hơn cả trong Tự Lực Văn đoàn". Ngay khi tập Gió đầu mùa vừa ra đời đã có ý kiến đánh giá: "Thạch Lam khiến chúng ta biết trọng và yêu mến xứ nhà, và chỉ một chỗ đó cũng khiến cho chúng ta sủng ái nhà văn chân chính ấy của đất nước ta”(7). Hoặc "Tác giả Gió đầu mùa tiêu biểu nhất cái thiên năng của chúng ta, là Annam nhất trong tất cả các nhà văn của ta"(8). Gần đây, trong Lời nói đầu Tuyển Tập Thạch Lam (XB. 1988), Phong Lê cũng viết: “Trong văn Thạch Lam có cái cảm nghĩ dân tộc tinh tế, đằm thắm”.

Có thể nói, ở sáng tác của Thạch Lam, cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm của dân tộc thấm đượm trong mỗi nhân vật, mỗi cảnh, mỗi tình tiết, mỗi ý, mỗi lời... nhiều khi chân thành cảm động, khiến người đọc cảm thấy như "có cái gì dịu ngọt chăng tơ đâu đấy".

* * *

Vượt qua được thử thách của thời gian, chưa kể tới những đóng góp đáng kể trong việc phản ánh hiện thực với những giá trị nhân văn sâu sắc, chỉ riêng về phương diện màu sắc dân tộc đậm đà trong văn phẩm đủ để chúng ta yêu mến, trân trọng và đánh giá cao Thạch Lam, một nhà văn thực sự có tài năng.

L.T.Đ.H
(TCSH58/11&12-1993)

 

-------------------
(1) Về khía cạnh này, nhiều người cũng nhận thấy, nhưng chỉ mới nói qua trong những bài viết chung về Thạch Lam. Ở đây, chúng tôi thử phân tích và tập trung vào một số yếu tố nổi đậm trong sáng tác của Thạch Lam, mà không đi vào vấn đề lý luận về tính dân tộc.
(2) Đương nhiên là với nhiều người khác nữa.
(3) Theo Nguyễn Thị Thế, trong hồi ký về gia đình Nguyễn Tường.
(4) (5) Theo giòng. Đời nay. Saigon in 1972. Tr.25, 88.
(6) và (7): Lời nói đầu Thạch Lam (tuyển tập) - Nhà XB. Hội nhà văn 1957.
(8) Tìm kiếm Thạch Lam - Văn số 36 (15-6-1965).

Các bài mới
Các bài đã đăng