Nghiên Cứu & Bình Luận
Những nét tương đồng giữa Phan Bội Châu và Trần Thiên Hoa qua một số tác phẩm
14:55 | 06/08/2024

NGUYỄN XUÂN HÒA

Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam ta xuất hiện nhà tư tưởng, nhà cách mạng, nhà văn Phan Bội Châu, thì ở Trung Quốc cũng xuất hiện nhà tư tưởng, nhà cách mạng, nhà văn Trần Thiên Hoa.

Những nét tương đồng giữa Phan Bội Châu và Trần Thiên Hoa qua một số tác phẩm
Ảnh: wikipedia

Trần Thiên Hoa (1875-1905) quê quán ở Hồ Nam, Trung Quốc kém Phan Bội Châu 7 tuổi, nhưng hoạt động đồng thời với Phan Bội Châu.

Về trước tác văn học dung lượng tác phẩm của Phan Bội Châu phong phú hơn, đồ sộ hơn nhưng xét về mặt tư tưởng thì hai nhà văn có nét gần giống nhau. Trần Thiên Hoa đã góp phần quan trọng vào công cuộc cách mạng Tân Hợi Trung Quốc.

Trước tác ông có "Trần Thiên Hoa tập" trong đó có một số bài tiêu biểu như "Tiếng chuông cảnh tỉnh", "Tiếng rống con sư tử", "Mãnh hồi đấu", "Lời tuyệt mệnh"... Phan Bội Châu (1867 - 1940) là nhà tư tưởng nhà văn tiêu biểu thời cận đại. Tác phẩm của ông đã được sưu tầm, biên soạn xuất bản nhiều lần, năm 1990 nhà xuất bản Thuận Hóa cho in "Phan Bội Châu toàn tập".

Tác phẩm của Trần Thiên Hoa, Phan Bội Châu có những nét tương đồng. Vậy nét tương đồng đó là gì? Tại sao có sự tương đồng đó?

I. Hoàn cảnh thời đại của Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu

Nhà Thanh thống trị Trung Quốc gần hai trăm năm lịch sử, nhân dân Trung Quốc bị cảnh ép áp bức của dị tộc vô cùng đau khổ. Sau khi chiếm xong Ấn Độ, đế quốc Anh muốn xâm chiếm Trung Quốc. Năm 1840 Anh mượn cớ không cho chúng chở thuốc phiện đến Trung Quốc để gây cuộc chiến tranh nha phiến.

Sau cuộc chiến tranh nha phiến thất bại, các nước phương Tây lần lượt đến Trung Quốc, tranh giành, xâu xé chia cắt đất nước này.

Hoàn cảnh, xã hội Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 cũng có những nét tương tự. Năm 1858 bọn thực dân Pháp tấn công vào cửa biển Đà Nẵng và kéo dài gần nửa thế kỷ. Giai cấp phong kiến thống trị yếu ớt chống đỡ rồi thỏa hiệp đầu hàng quân xâm lược.

Tiếp tục truyền thống yêu nước của nhân dân hai nước Trung - Việt, tầng lớp trí thức của hai nước đã tìm đường cứu nguy cho dân tộc. Một câu hỏi đặt ra đối với họ là tư tưởng duy tân cải cách, đổi mới, tự cường dân tộc hay tự hủy diệt.

Ở Trung Quốc Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đã dâng thư lên vua Quang Tự đòi cải cách xã hội, cải cách chính trị nhưng bị phái ngoan cố thủ cựu đứng đầu là Từ Hi Thái Hậu phản đối đàn áp. Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu phải trốn sang Nhật Bản. Trong khi đó phái cách mạng Tôn Trung Sơn khởi xướng từ năm 1905 dần dần lan rộng ra cả nước và tiến tới giành thắng lợi cho cuộc cách mạng Tân Hợi 1941. Các nhà văn yêu nước như Trần Thiên Hoa, Thu Cẩn, Châu Dung, Chương Bình Lân đã góp phần tích cực cho cuộc cách mạng tư sản có ý nghĩa lịch sử này. Tiến đến, phong trào cách mạng Ngũ tứ vận động 1919 ra đời mới có sự chuyển biến thật sự: cuộc cách mạng dân chủ mới chống đế quốc, chống phong kiến triệt để hơn.

Ở Việt Nam, các sĩ phu, trí thức yêu nước như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch đã từng đi du lịch, và kinh lý, các nước Châu Âu, có kiến nghị đòi cải cách xã hội nhưng chưa thành một phong trào rộng rãi. Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu tuy biện pháp cứu nước có khác nhau, nhưng cả hai là nhà yêu nước, cách mạng xuất sắc đầu thế kỷ 20. Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu đã sử dụng vũ khí văn học để vạch mặt tội ác của bọn thực dân Pháp, phê phán sự chuyên chế bạo tàn của vua quan phong kiến thống trị.

II. Mấy nét chung giữa Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu.

Do biết hướng văn chương vào mục đích chính trị nên thơ văn Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu không có lối thơ văn thù tạc, không có lối thơ văn thưởng hoa vịnh nguyệt. Thể văn của hai ông mang tính thời sự, tính chiến đấu rõ rệt. Hai ông thường nói đến cảnh nước mất nhà tan, kêu gọi mọi người đứng dậy giành quyền độc lập dân tộc, đề xướng tư tưởng dân quyền, tư tưởng dân chủ bình đẳng. Nếu Trần Thiên Hoa viết “Tiếng chuông cảnh tỉnh” thì Phan Bội Châu viết “Hải ngoại huyết thư”, nếu Trần Thiên Hoa viết về “Trung Hoa cách mạng sử luận” thì Phan Bội Châu viết “Việt Nam quốc sử khảo”. Nếu Trần Thiên Hoa viết về “Địa lý và nhân chủng Trung Quốc” thì Phan Bội Châu viết “Người nước ta viết sử nước ta”.

Nếu trong tác phẩm của Trần Thiên Hoa thường hay nói đến khái niệm tự do dân chủ, lập hiến, ái quốc, ái chủng thì Phan Bội Châu thường nói "Thế nào là ái quốc" là "ái chủng”, thế nào là "hợp quần", thế nào là "dân chủ" là "bình đẳng".

Những bài văn nghị luận mà hai ông sáng tác nhằm tuyên truyền cho công cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nên thường dùng các thuật ngữ có tính hô hào kêu gọi "Nam quốc dân tu tri" (Phan Bội Châu). "Chủ vị tu tri" (Trần Thiên Hoa). "Lời khuyến dụ" (Phan Bội Châu), "Lời phụng khuyến" (Trần Thiên Hoa), "Điều mong ước" (Phan Bội Châu), "Điều cần học" (Trần Thiên Hoa)... Các đối tượng mà hai ông thường vận động tuyên truyền là "đồng bào", "liệt vị", "chư quân". Hai ông cũng sử dụng thuật ngữ nhân xưng như "bỉ nhân", "tội nhân". Đối với kẻ thù hai ông thường gọi "lũ tây dương", "loài bạch quỷ", "quân gian tặc".

III. Nét tương đồng giữa "Tiếng chuông cảnh tỉnh" (Trần Thiên Hoa), "Hải ngoại huyết thư" (Phan Bội Châu), "Lời tuyệt mệnh” (Trần Thiên Hoa), "Mấy lời vĩnh quyết" (Phan Bội Châu).

1. "Tiếng chuông cảnh tỉnh" và "Hải ngoại huyết thư".

"Tiếng chuông cảnh tỉnh" (1) là tác phẩm nhằm vạch trần âm mưu tội ác của bọn đế quốc phương tây xâm chiếm và chia cắt đất nước Trung Quốc qua đó kêu gọi mọi người đứng dậy chống giặc, bảo vệ Tổ quốc.

"Hải ngoại huyết thư" (2) là bức thư bằng máu của Phan Bội Châu từ Nhật gửi về, nhằm tố cáo tội ác của đế quốc Pháp, chỉ ra nguyên nhân mất nước, kêu gọi đồng bào đồng tâm đứng dậy cứu nước. Nét tương đồng giữa hai tác phẩm là: tố cáo tội ác của bọn đế quốc phong kiến, kêu gọi sự thức tỉnh của đồng bào và vận động 10 hạng người đồng tâm cứu nước.

a) Tố cáo tội ác của bọn đế quốc phong kiến.

“Tiếng chuông cảnh tỉnh" là bức tranh hiện thực về tội ác của bọn đế quốc phương Tây. Theo Trần Thiên Hoa thì bọn đế quốc phương Tây không chỉ bóc lột về mặt vật chất mà còn cả tinh thần. Quan chức phương Tây khinh thị người Trung Quốc là man di, dốt nát, xem họ chẳng khác nào con chó... Một cái bảng treo trước công viên Thượng Hải có viết: "Chó và người Trung Quốc không được vào nơi này" (Tiếng chuông cảnh tỉnh).

Trần Thiên Hoa cũng tố cáo tội ác của bọn phong kiến thống trị Mãn Thanh, bọn Hán gian bọn quan lại xuất dương các đảng phái ngoan cố thủ cựu không biết lo cải cách xã hội, chỉ biết sống vì lợi ích cá nhân của mình.

Trong "Hải ngoại huyết thư" Phan Bội Châu đã liệt kê hàng loạt tội ác của giặc Pháp, như tội bắt phu đi lính chịu hàng trăm thứ thuế, ốm đau, bệnh tật. Ông còn chỉ ra nguyên nhân mất nước là do sự "ăn chơi sa đọa của vua quan phong kiến".

b) Lời kêu gọi sự thức tỉnh.

Đồng thời với việc tố cáo tội ác của bọn đế quốc phong kiến, Trần Thiên Hoa, Phan Bội Châu đã rung hồi chuông thức tỉnh đối với mọi người. Trần Thiên Hoa viết: "Một phút đáng giá nghìn vàng, thời gian không quay trở lại đồng bào hãy mau mau tỉnh dậy” (Tiếng chuông cảnh tỉnh).

Phan Bội Châu lại viết: "Người Việt Nam ta thật là kỳ. Tình hình nông nổi đất nước bị đe dọa như vậy, không biết mọi người đã biết hay chưa? Hay là còn mê mẩn mơ hồ". (Hải ngoại huyết thư).

c) Bức tranh đoàn kết:

Sau khi vạch trần tội ác của bọn xâm lược, đoạn kết của tiểu phẩm Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu đều kêu gọi 10 hạng người(3) hãy đồng lòng đứng dậy cứu nước. Đối với người giàu có (phú hào), Trần Thiên Hoa khuyên họ là phải đưa tiền của ra giúp nước, theo ông giúp nước là có công đối với nước. Đối với người lính, khuyên họ "Không vì đồng lương mà quên nước quên đồng bào", còn Phan Bội Châu thì khuyên người lính phải biết giúp đồng bào để giết giặc cứu nước.

Đối với người trí thức kẻ sĩ, Trần Thiên Hoa khuyên họ biết nói điều hay phải biết hành động "Người ban bố ra hạt giống, phải có người thực hành, người khác chưa thực hành thì mình thực hành trước đó mới xứng là kẻ sĩ chân chính".

Phan Bội Châu kêu gọi trí thức phải biết "đạo giác tư dân” (đem đạo nghĩa mà thức tỉnh dân chúng).

Đối với người theo đạo Gia tô, Trần Thiên Hoa viết: "Khuyên giáo dân phải biết yêu nước, người theo đạo biết thờ phụng đạo nhưng nước quyết không để cho kẻ khác xâm chiếm". Phan Bội Châu kêu gọi đồng bào công giáo phải biết cứu dân, giúp nước, lương giáo phải biết đoàn kết:

"Bởi vì ta lại với ta
Lẽ nào lương giáo toan mà hại nhau".

Phụ nữ là tầng lớp luôn bị giai cấp thống trị khinh rẻ, Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu đã trả lại vị trí xứng đáng cho họ sánh ngang hàng với nam giới. Trần Thiên Hoa viết: "Người phụ nữ góp công góp sức cùng nam giới vào công việc cứu nước". Phan Bội Châu thì khuyên phụ nữ phải học tập gương Bà Trưng, Bà Triệu...

Khi nói đến mười hạng người cần đoàn kết Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu chỉ phân tích vị trí của họ theo quan điểm dân tộc chứ chưa có quan điểm giai cấp. Hễ ai có thù nhà nợ nước thì hai ông đều vận động họ đứng dậy cứu nước.

Nói đến người nghèo, hai ông cũng chỉ nói chung chung, nói người nghèo theo nghĩa rộng, chứ chưa nói đến họ như là một lực lượng giai cấp. Xã hội cận đại Trung Quốc, Việt Nam thời gian này đã xuất hiện giai cấp công nhân, thợ thuyền nhưng cả hai ông đều chưa nói đến vị trí của họ trong bức tranh đoàn kết đó.

2. "Lời tuyệt mệnh" và "Lời vĩnh quyết" (4)

Sự nghiệp cách mạng chưa thành công thì hai ông đã từ giã cõi đời để lại cho hậu thế "Lời tuyệt mệnh" và "Lời vĩnh quyết". Nói chung hai tác phẩm này chan chứa tình cảm dân tộc và biểu hiện niềm tin vào tương lai sáng sủa của đất nước mình.

"Lời tuyệt mệnh" của Trần Thiên Hoa viết vào tháng 11 năm 1905 trong hoàn cảnh chính phủ nhà Thanh liên hệ với chính phủ Nhật để bắt bớ đàn áp, đuổi lưu học sinh Trung Quốc về nước. Trần Thiên Hoa uất ức nhảy xuống biển tự tử để lại "Lời tuyệt mệnh". Trong bài "Lời tuyệt mệnh" Trần Thiên Hoa đã biểu hiện thái độ của mình về một số vấn đề thời sự của Trung Quốc như quan điểm về lẽ tồn vong của dân tộc, quan điểm về cách mạng, về tự do, về tôn giáo. Chẳng hạn như bàn về sự tồn vong của dân tộc Trần Thiên Hoa viết: "Nếu thanh niên Trung Quốc tự buông lỏng hèn kém thì chẳng những mất nước mà còn mất cả nòi giống nữa". Bàn về tự do tác giả cho rằng: "Tự do nhưng phải biết phục tùng nguyên tắc". Bàn về tôn giáo Trần Thiên Hoa cho rằng: "Được quyền tự do lựa chọn tôn giáo, nhưng không được vi phạm vào phong tục tự do của nước đó".

Cuối "Lời tuyệt mệnh" Trần Thiên Hoa mong rằng các "chư quân hãy chọn lấy điều hay trong trước tác của mình thì "bỉ nhân" này sung sướng biết chừng nào". Tác giả viết tiếp: "Sách Luận Ngữ" của Khổng Tử có nói: "Người quân tử không vì mình có khuyết điểm mà nói ra những điều đồi phế".

Phan Bội Châu viết "Lời vĩnh quyết" vào năm 1940 trước khi mất. "Lời vĩnh quyết" thấm đậm tình cảm đối với non sông đất nước. Phan Bội Châu phác họa lại đôi nét về cuộc đời hoạt động của mình mà nói một cách khiêm tốn rằng: "Phan Bội Châu từ xưa tới nay đối với đồng bào đã không chút gì là có công mà có tội mong đồng bào lượng thứ. Người xưa có nói: "Người đến lúc chết, lời nói hẳn lành". Nay tôi đã đến lúc gần chết, xin có mấy lời gan phổi tỏ lời hy vọng cuối cùng với đồng bào. Đồng bào hãy biết thương yêu nhau đồng lòng hợp sức, làm các bổn phận quốc gia đối với Tổ quốc".

* * *

Xét về mặt thế giới quan và tư tưởng của nhà văn Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu đến tiếp thu quan điểm nho giáo về "nhân nghĩa" về "ái dân", vừa tiếp thu ảnh hưởng của phái cách mạng tư sản phương Tây như Montesquieu, Rousseau.

Chúng ta còn biết rằng vào những năm 1904 - 1905 Trần Thiên Hoa và Phan Bội Châu đến ở Nhật Bản. Hiện nay chưa có tài liệu nói về hai ông có sự tương kiến lẫn nhau. Nhưng có điều cần thấy rằng Phan Bội Châu rất ngưỡng mộ Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn bấy giờ ở Trí Hòa Đường - Hoành Tân và Phan Bội Châu đã hai lần gặp gỡ Tôn Trung Sơn. Tôn Trung Sơn là thủ lĩnh của Trần Thiên Hoa và Trần Thiên Hoa là một thành viên của Đồng Minh Hội trong ban phụ trách tờ Dân Báo. Điều đó cho ta thấy sự liên hệ gần gũi về tư tưởng giữa Tôn Trung Sơn - Trần Thiên Hoa - Phan Bội Châu.

Nhiệm vụ chống đế quốc chống phong kiến là cảm hứng chủ đạo của hai nhà văn. Quan niệm về lẽ sống chết giữa hai ông cũng có những nét tương tự, điều đó dẫn đến sự giống nhau giữa các tác phẩm nói trên. Dĩ nhiên, trong sự giống nhau vẫn có những nét khác nhau do hoàn cảnh thực tại mỗi nước có những nét riêng biệt.

Sự giống nhau giữa hai tác phẩm của hai nước đã chứng minh cho sự gần gũi về hệ tư tưởng của hai nhà văn, sự kế thừa và giao lưu văn hóa nhất là các nước láng giềng ở trong cùng khu vực châu Á.

N.X.H
(TCSH58/11&12-1993)

___________

Chú thích:

(1) "Tiếng chuông cảnh tỉnh". Bản dịch in rônéo của Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nguyễn Xuân Hòa dịch).
(2) "Hải ngoại huyết thư" Bản dịch của Lê Đại. Nhà xuất bản Hà Nội - 1945 và bản dịch của Chương Thâu trong "Phan Bội Châu toàn tập". Nxb Thuận Hóa. 1991.
(3) Mười hạng người cần đoàn kết được viết trong "Tiếng chuông cảnh tỉnh" (Trần Thiên Hoa) là: quan lại, binh lính, nhà quý tộc, tri thức, người giàu, người nghèo, đảng phái, bạn giang hồ, giáo dân, phụ nữ.
"Mười hạng người" trong "Hải ngoại huyết thư" (Phan Bội Châu) xem "Hải ngoại huyết thư" sách đã dẫn ở trên.
(4) "Lời tuyệt mệnh", tuyển tập thơ viết về các liệt sĩ cách mạng Tân Hợi. Nxb Trung Hoa Thư cục (bản Trung văn).
"Mấy lời vĩnh quyết". Trích trong "Văn thơ Phan Bội Châu". Nxb Hà Nội 1967.

Các bài mới
Các bài đã đăng