Nghiên Cứu & Bình Luận
Kiểm duyệt sách ở Trung Kỳ trước năm 1945
15:58 | 16/08/2024


ĐỖ MINH ĐIỀN

Kiểm duyệt sách ở Trung Kỳ trước năm 1945

Kiểm duyệt sách ở Trung Kỳ: “Một cổ hai tròng”

Kiểm duyệt sách được hiểu là một hình thức kiểm soát hoặc ngăn chặn, hạn chế nội dung thông tin của chính quyền đối với các ấn loát phẩm dưới dạng sách và được áp dụng cho tất cả các hành vi như in ấn, phát hành, tàng trữ, mua bán sách trái phép.

Dưới thời thuộc Pháp, Trung Kỳ là xứ bảo hộ, vua quan nhà Nguyễn trên danh nghĩa nắm quyền cai quản, song, thực tế toàn bộ quyền lực ở đây nằm trong tay người Pháp. Trong chính sách kiểm soát hoạt động xuất bản sách, chính quyền ở Trung Kỳ phải thực thi tất cả các quy định được cụ thể hóa bằng các văn kiện (sắc lệnh, đạo luật…) do người đứng đầu ở Đông Dương phê duyệt. Bên cạnh đó, với quyền tự quyết của mình, thời kỳ này, các vị vua nhà Nguyễn được quyền ra lệnh tịch thu sách và cấm lưu hành trên địa phận do Nam triều quản lý, trong trường hợp nội dung các cuốn sách có dấu hiệu vi phạm. Đây là lý do mà có không ít cuốn sách dù được cấp phép xuất bản ở Nam Kỳ hoặc Bắc Kỳ, nhưng lại cấm phát hành ở Trung Kỳ.

Cho đến đầu thế kỷ XX, tại một số tỉnh ở Trung Kỳ, ngoài hệ thống nhà in nằm trong hệ thống quản lý của các giáo xứ Thiên Chúa giáo, thì các cơ sở ấn loát tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng tại Huế, phải đến năm 1919, mới bắt đầu xuất hiện Nhà in Đắc Lập, do kỹ nghệ gia Bùi Huy Tín thành lập. Chính vì thế, hoạt động kiểm duyệt ở đây chủ yếu là tịch thu, cấm phát hành các cuốn sách có nguồn gốc từ hai trung tâm in ấn lớn nhất của Việt Nam bấy giờ là Sài Gòn và Hà Nội.

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, hoạt động xuất bản sách ở cả ba miền đất nước bước sang một giai đoạn mới. Thời kỳ này, đánh dấu sự góp mặt của rất nhiều ấn phẩm do các nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng biên soạn. Nhiều tác phẩm mang tư tưởng tiến bộ từ Trung Quốc và các nước phương Tây cũng lần lượt được các học giả trong nước tiếp nhận và sau đó tuyển dịch, in ấn. Trước tình trạng đó, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu thực hiện biện pháp kiểm soát đối với các đầu sách có khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc, như: Ngô Đức Kế với cuốn Phan Tây Hồ di thảo, văn tập ông Phan Chu Trinh, bị tịch thu theo nghị định số 1400, do Khâm sứ Trung Kỳ ký ngày 13/6/1927; Võ Liêm Sơn với cuốn Hài văn, nhà in Châu Tịnh, tịch thu theo nghị định số 1774 (06/7/1928); hoặc Nguyễn An Ninh với tác phẩm Hai Bà Trưng, in tại nhà in Bảo Tồn (NĐ số 2624, 04/10/1928).

Vào tháng 9 năm 1929, Khâm sứ Trung Kỳ ký quyết định tịch thu, cấm phát hành đối với 6 cuốn sách: Mười năm tù quốc sự, Tiểu sử và tập diễn văn Lương Khải Siêu (Cường học thư xã xuất bản), Câu chuyện chung (Cường học thư xã xuất bản, in tại nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn), Cô đào mai, Thuốc hoàn hồn (tác giả Phan Bội Châu, Duy Tân thư xã xuất bản) và Chiêu Anh văn tập (quyển thứ II, quyển thứ III, quyển thứ IV do Chiêu Anh thư quán phát hành, in tại Mỹ Tho)1. Ngoài ra, theo thông tin từ “Nghị định cấm các thứ sách và các thứ báo, chí không được truyền bá, phát mại và tàng trữ trong hạt Trung Kỳ”, chúng ta còn thấy rất nhiều cái tên, như: Trần Hữu Độ, Nguyễn Mạnh Bổng, Trúc Viên, Phan Văn Hùm, Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Tích Chu, Đào Khắc Nhượng, Nhượng Tống, Phan Văn Trường, Hoàng Thị Tuyết Hoa2

Kể từ những năm 30 của thế kỷ XX, rất nhiều những ấn phẩm được xác định có nội dung truyền bá chủ nghĩa Cộng sản hay những cuốn sách góp phần cổ vũ quần chúng đấu tranh…, đều lần lượt đưa vào danh sách tịch thu, cấm lưu hành. Do lo ngại sự lớn mạnh của các phong trào đấu tranh yêu nước đang dâng cao và các cuốn sách này nếu để lan truyền rộng rãi sẽ gây ra nhiều bất lợi, vì vậy, Khâm sứ Trung Kỳ và chính quyền Nam triều tiếp tục cho ban hành hàng loạt văn bản nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý để từng bước siết chặt đối với hoạt động xuất bản sách, báo ở các tỉnh miền Trung.

Tháng 9 năm 1932, vua Bảo Đại hồi loan, chính thức tuyên bố chấp chính. Đến ngày 03 tháng 7 năm 1933, ông vua thứ 13 của nhà Nguyễn ký ban hành bộ Hoàng Việt hình luật (Code pénal de l’Annam), đây được xem là một công cụ pháp lý đắc lực bảo vệ quyền lợi chính quyền thực dân và chính quyền Nam triều. Bộ Luật này bao gồm 29 chương, 424 điều, trong đó ở mục thứ III (Sự biến loạn hay là cổ động sự biến loạn và sự phản kháng), thuộc chương XII (Nói về tội đại hình và tội trừng trị làm rối trật tự của công chúng), quy định khá chi tiết về hoạt động in ấn, phát hành, tàng trữ sách báo trên địa phận Trung Kỳ. Chẳng hạn, tại điều 133, ghi rõ: “Người nào tàng trữ cho lưu hành hay là bán ở trong nước những sách vở hay là nhật báo có lệnh quan cấm, thời sẽ bị phạt giam từ 2 tháng đến 10 tháng hay là phạt bạc từ 20$00 đến 100$00 hay là nhất thiết phạt giam. Những sách vở hay là nhật báo cấm sẽ bị thâu tịch3.

Trích xuất trang sách kiểm duyệt. Nguồn: Lữ trung ký sự của Nguyễn Tường, Nam Ký thư quán, 1932.


Sau đó, vào ngày 13/02/1934, vua Bảo Đại ký ban hành chỉ Dụ về luật trừng phạt những người dùng báo chí, sách vở để cổ động phiến loạn. Theo đó, “tất cả những người nào du nhập, xuất bản, tàng trữ, lưu hành, phát mại, triển lãm hay chiếu bóng trong địa phận Trung Kỳ những sách vở, báo chí, truyền đơn, đĩa hát, tranh vẽ, huy hiệu, phim ảnh công bố hay xuất bản ở Trung Kỳ mà không được nhà chức trách cho phép sẽ bị phạt tù từ 2 tháng đến 10 tháng và phạt tiền từ 20 đến 100 đồng4. Gần 5 năm sau, trước những áp lực đến từ phía Khâm sứ Trung Kỳ, chính quyền Nam triều tiếp tục tái khẳng định quan điểm của mình thông qua bản đạo Dụ về việc “nghiêm cấm tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản”. Bản Dụ được ký vào ngày 05/10/1939, gồm có 3 điều, trong đó, điều thứ I quy định kể từ ngày Dụ ban hành, “các hành động mà có trực tiếp hay gián tiếp để thực hành hay là truyền bá chủ nghĩa Cộng sản đều nghiêm cấm5. Tại điều III, bản Dụ cho biết sẽ chiếu theo điều 130 Luật Hình để xử lý tất cả những cá nhân vi phạm. Văn bản này theo như nhận định của tờ báo Sài Gòn (số 14248, 17/10/1939) là “sắc lệnh” đầu tiên, mặc dù việc truyền bá chủ nghĩa Cộng sản đã có lệnh nghiêm cấm từ trước6. Đến ngày 02/10/1942, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép “các sở Thông tin Tuyên truyền và Báo chí ở mỗi xứ được quyền kiểm soát việc dùng giấy trong nghề ấn loát. Những sách viết ra để đem in mà không phải là báo chí đều phải xin phép trước tại sở Thông tin Tuyên truyền và Báo chí7.

Kiểm duyệt sách ở Trung Kỳ thời kỳ này về hình thức bao gồm hai dạng chính, đó là kiểm duyệt toàn phần, tức là tịch thu và cấm phát hành toàn bộ cuốn sách (đã xuất bản, đang chuẩn bị xuất bản) nếu phát hiện nội dung vi phạm. Trong khi đó, ở dạng thứ hai, chính quyền sẽ yêu cầu lược bỏ hoặc xóa đi một số chữ/ dòng chữ/đoạn văn tại từng trang sách. Sách cấm ở Trung Kỳ là dạng sách in (giấy), gồm các loại sách bằng Quốc ngữ, sách ngoại văn (tiếng Pháp, Hán văn…), được xuất bản bởi các nhà in trong nước và sách in tại nước ngoài nhập về Việt Nam. Quy định này được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các cá nhân, tổ chức, các cửa hàng, hiệu buôn sách báo ở Trung Kỳ. Như vậy, với một cuốn sách được lệnh tịch thu, thì tất cả các hành vi mua bán, in ấn, phân phối, tàng trữ đều được xem là vi phạm pháp luật.

Toàn văn Nghị định tịch thu 8 cuốn sách ngày 30/7/1937. Nguồn: Bulletin administratif de l’Annam, Année 1937, N015. p: 929, 930


Lược điểm các thông tin trên báo chí, có thể thấy, trong khoảng thời gian từ cuối năm 1930 đến tháng 8 năm 1942, đã có ít nhất 98 cuốn sách sau khi xuất bản thì bị thu hồi và nghiêm cấm buôn bán trên toàn bộ khu vực các tỉnh ở Trung Kỳ. Theo quyết định có hiệu lực kể từ tháng 3 năm 1931, Khâm sứ Trung Kỳ nghiêm cấm việc truyền bá, phát hành tất cả những đầu sách bằng Hán văn, xuất bản ở Thượng Hải (Trung Quốc)8. Ngày 01/10/1936, căn cứ nội dung nghị định được Thượng thư Bộ Lại phê chuẩn, cuốn sách Dân Việt Nam dưới những sự khủng bố của Trọng Miên chính thức thu hồi9. Tiếp đến, theo bản tin trên tờ La Revue Franco-Annamite (ra ngày 16/8/1937), “người ta đã ra lệnh không được lưu hành, bán và tàng trữ trong địa phận xứ Trung Kỳ những sách này: Xã hội vận động của Bùi Văn Lê10; Công nhân vận động của Huỳnh Phương, in tại Hà Nội; Những sách của Quốc tế Xã hội xuất bản cục (Editions Sociales Internationales) ở 24, rue Racine, Paris; Chánh trị kinh tế học chỉ nam, xuất bản ở Chợ Lớn; Đế quốc chủ nghĩa, do nhà in Bảo Tồn ở Sài Gòn xuất bản; Chánh đảng của Nguyễn Thị Kim, in tại nhà in A.Dupas, Sài Gòn; Chủ nghĩa xã hội, do Trịnh Thúc San ở hiệu sách Mai Lĩnh, Hải Phòng xuất bản; Nước Nga mới, do nhà Chung Đông xuất bản, in tại nhà in Lê Cường”11.

Năm 1938 Khâm sứ Trung Kỳ và chính quyền Nam triều đã cấm hàng loạt các cuốn sách mang tư tưởng dân tộc, canh tân đất nước và chủ nghĩa Cộng sản. Từ ngày 17 tháng 3 năm 1938, hai cuốn sách của tác giả Đào Trinh Nhất là cuốn Đông Kinh nghĩa thục Đời cách mệnh của Phan Bội Châu được đưa vào danh sách cấm phát hành12. Tháng 4 năm 1938, chính quyền ở Trung Kỳ phát đi thông báo về việc cấm lưu hành, tàng trữ, phát mại trên địa hạt Trung Kỳ hai cuốn sách: Phái Staline và Liên bang Sô Viết, in ở Trung Bắc tân văn và cuốn Ngày 8 tháng 3 với phụ nữ lao động của Nguyễn Thị Phụng13. Tháng 7 năm 1938, Bộ Lại tiếp tục ban nghị định, nghiêm cấm việc đem thâu nhập, lưu hành, phân cấp, phát mại và tàng trữ cuốn Liên Á chính sách xâm lược của Nhật Bản (nhà in An Thịnh) và cuốn Cái họa Phát - Xít, xuất bản tại Huế14. Vào cuối năm đó, ngày 30/12/1938, quan Khâm sứ Trung Kỳ trên cơ sở kiến nghị của Bộ Lại đã duyệt y lệnh tịch thu đối với cuốn sách Chủ nghĩa Mác - xít phổ thông do Hải Triều soạn15.

Trang bìa hai và ba cuốn sách bị cấm phát hành ở Trung Kỳ. Nguồn: BNF


Đến ngày 09 tháng 6 năm 1939, theo quyết định từ quan Thượng thư Bộ Lại, cuốn sách Nhật ký tuyệt thực 9 ngày rưỡi, một cuộc tranh đấu của tù chính trị Côn Lôn do nhà xuất bản Sự thực (224 Boulevard Paul Bert, Nam Định) phát hành cũng bị cấm xuất bản. Đây là cuốn sách mà nội dung của nó được giới chức bấy giờ đánh giá sẽ gây “nguy hại” lớn lao cho chính quyền thực dân16. Theo nghị định của Bộ Lại vào ngày 28/7/1939 do quan Khâm sứ Trung Kỳ duyệt y vào 30/7/1939 cho biết sẽ cấm “thâu nhập, lưu hành, phát mại và tàng trữ ở địa phận Trung Kỳ” quyển Lọng cụt cán của Chàng Ba soạn, Tam Lang xuất bản [Sao Mai, số 285, 11/8/1939]. Sau đó, vào ngày 11 và ngày 13 tháng 10 năm 1939, Bộ Lại tiếp tục ra thông báo đối với việc cấm xuất bản, lưu hành cuốn Lột mặt nạ của Hồ Khắc Trang (Trung Bắc tân văn xuất bản) và cuốn Kẻ thù là Nhật Bản của Nguyễn Vỹ17. Cũng trong tháng 10 năm 1939, theo bản tin trên báo Tràng An, Bộ Lại ban hành nghị định (19/10/1939) và quan Khâm sứ duyệt y vào ngày 21/10/1939, theo đó cấm lưu hành đối với 6 cuốn sách sau: Vấn đề dân tộc Đông Dương, Chế độ chính trị các nước, Đời chị em, Gót sắt, Ai làm chấn động hoàn cầu, Muốn hiểu rõ tình hình quân sự ở Tàu18.

Nhìn chung các cuốn sách kể trên đều được in ấn ở các tỉnh thành khác nhau. Đây là những trường hợp sách in rồi mới tịch thu, tuy nhiên có một số cuốn thì không được may mắn như thế, chẳng hạn như cuốn Ngòi bút thanh niên của ông Phạm Bá Nguyên (Chủ nhiệm tuần báo Kinh Tế tân văn, tờ báo của Xứ ủy Trung Kỳ), ấn phẩm này chuẩn bị lên khuôn in tại nhà in Đắc Lập (Huế) thì có lệnh tịch thu theo quyết định số 3278 (05/12/1928).

Sau khi lệnh tịch thu, tàng trữ và buôn bán sách có hiệu lực, thì chính quyền ở Trung Kỳ cấp tốc yêu cầu quan viên ở các tỉnh, thành ráo riết kiểm tra từng hiệu buôn, nhà in, nhà riêng các tác giả. Vào ngày 30 tháng 6 năm 1929, sở Mật thám Trung Kỳ ở Phan Thiết tiến hành khám xét nhà cụ Nghè Trương Gia Mô, thân sinh ông Trúc Viên (chủ bút tờ Thanh Niên tân tiến), ông chính là tác giả cuốn Gương kim cổ, một trong những ấn bản đã có lệnh tịch thu của chính quyền (cuốn thứ nhất in tại nhà in Bảo Tồn, cấm phát hành theo nghị định số 1937, 23/7/1928 và cuốn thứ hai cấm phát hành theo nghị định số 2232, 25/8/1928). Theo tường thuật báo Công Luận, sau một hồi kiểm tra “xét chẳng gặp giấy má gì lạ cả, chỉ có một tờ Đuốc Nhà Nam, số 100, một quyển Trí khôn và một quyển Văn minh Âu Mỹ, hai quyển sách nầy do Quan Hải tùng thơ ở Huế xuất bản mà chẳng có nghị định cấm ở Trung Kỳ, nhưng vì ngoài bìa có đóng con dấu Gương kim cổ là bộ sách bị cấm ở Trung Kỳ, nên viên Mật thám mới lấy đi19.

Quyết định thu hồi 3 cuốn sách liên quan đến Hoàng Hoa Thám ngày 03/9/1935.
Trang bìa cuốn Chuyện Đề Thám của soạn giả Thanh Vân, Bảo Ngọc văn đoàn xuất bản tại Hà Nội. Nguồn: BNF


Trên tinh thần của chỉ Dụ về việc cấm lưu hành đối với ba cuốn sách có nội dung liên quan đến Hoàng Hoa Thám20, vào lúc “6 giờ chiều 3/9/1935, tại quận Đệ Nhất phường [nay là phường Đông Ba, thành phố Huế], ông Bang tá cùng Lý trưởng Hoàng Xuân Mai đi với hai phái viên của Bộ Lại đến khám xét những tiệm sách đường Paul Bert [nay là đường Trần Hưng Đạo, Huế]. Theo chỉ Dụ mới chưa kịp in vào Nam triều Quốc ngữ Công báo, Bộ Lại thu rồi cấm thông hành và tàng trữ trong xứ Trung Kỳ những quyển sách sau này: (1) Chuyện Đề Thám trọn bộ (Bảo Ngọc văn đoàn, 67 phố Cửa Nam, Hà Nội); (2) Những trận đổ máu hồi người Pháp mới sang ta; (3) Giặc Bãi Sậy (Nhật Nam thư quán xuất bản). Bắt đầu từ hôm ấy, trong châu thành Huế, lần lượt phái viên Bộ Lại sẽ đến các nhà sách làm biên bản và thu hồi sách cấm”21.

Báo L’Écho Annamite đăng tin về việc thu hồi cuốn "Sách thuốc chữa dân nghèo".


Có thể kể đến một số tác giả có tác phẩm mang tư tưởng dân tộc, yêu nước nằm trong danh sách tịch thu sách, ở Huế chúng ta thấy có những cái tên đã quá nổi tiếng trên văn đàn cũng như trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc: Võ Liêm Sơn, Phạm Bá Nguyên, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn... Cụ Phan Bội Châu là một trong số những người đứng đầu danh sách kiểm duyệt của Khâm sứ Trung Kỳ. Chỉ riêng trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 1928 đến tháng 7 năm 1929, đã có 8 tác phẩm của cụ bị chính quyền ban bố lệnh tịch thu, cấm phát hành, như cuốn: Sách thuốc chữa dân nghèo, in tại Sài Gòn (NĐ số 404, 14/02/1928)22; Lời hỏi các anh em thanh niên (NĐ số 1228, 08/5/1928); Cao đẳng quốc dân do Duy Tân thư xã xuất bản (NĐ số 2153, 16/8/1928)23; Pháp Việt đề huề, nhà in Nghiêm Hàm xuất bản; Tuyên cáo quốc dân, nhà in Tân Dân (NĐ số 2231, 25/8/1928); Luân lý vấn đáp, nhà in Bảo Tồn (NĐ số 2667, 09/10/1928); Thuốc hoàn hồn, Duy Tân thư xã xuất bản (NĐ số 1485, 21/5/1929); Vấn đề phụ nữ, Duy Tân thư xã xuất bản (NĐ số 2117, 18/7/1929)24. Ngoài ra, những cuốn sách khảo cứu về tư tưởng và sự nghiệp đấu tranh của chí sĩ Phan Bội Châu gần như cũng cùng chung số phận.

Tiếp đến là trường hợp nhà văn, nhà hoạt động cách mạng Đẩu Nam Trần Huy Liệu. Vào khoảng năm 1928, ông cùng với Đào Hinh chủ trương thành lập Cường học thư xã với mục tiêu “độc thư dĩ cứu quốc”. Về tôn chỉ của Cường học thư xã, trong một số lời nói đầu có đoạn viết: “Chúng tôi vì nghĩ như vậy nên lập ra cái thư xã nhỏ mọn này, đặt tên là Cường học thư xã. Người trong thư xã đều là các bạn đồng chí, cùng nhau theo đuổi một mục đích là giữ đạo đức, mở tri thức, chấn tinh thần để nâng cao cái trình độ quốc dân ta lên”25. Vào giai đoạn này, hầu hết các trước tác của ông hoặc sách dịch thuật đều có chung nội dung là cổ vũ tinh thần yêu nước, khai mở dân trí và “giác ngộ quần chúng”. Chính vì thế, sách in ra chưa kịp ráo mực đều lần lượt được đưa vào danh sách nghiêm cấm phát hành trên toàn địa phận Trung Kỳ, có thể kể đến như cuốn: Một bầu tâm sự, xuất bản tại Sài Gòn (NĐ số 1421, 17/6/1927); Ngục trung ký sự, in tại nhà in Đông Pháp (NĐ số 660, 08/3/1928); Khai quốc vĩ nhân của Trần Huy Liệu, Đào Khắc Hưng xuất bản tại nhà in Ardin, Sài Gòn (NĐ số 835, 23/3/1928); Hiến thân cho nước, Cường học thư xã xuất bản (NĐ số 1647, 26/6/1928); Gương phục quốc, Cường học thư xã xuất bản (NĐ số 1647, 26/6/1928); Tân quốc dân viết chung với Đào Khắc Hưng, xuất bản tại Sài Gòn (NĐ số 2624, 04/10/1928); Anh hùng yêu nước, Trần Huy Liệu dịch, Cường học thư xã xuất bản (NĐ số 686, 04/3/1929); Gương chí sĩ Phan Tây Hồ, nhà in Đông Pháp xuất bản (NĐ số 2699, 09/9/1929).

Trang bìa hai ấn phẩm của Trần Huy Liệu bị tịch thu. Nguồn: BNF


Kiểm duyệt trở thành nỗi ám ảnh của không ít nhà in, các cửa hàng bán sách ở Trung Kỳ, nhưng với những người cầm bút, thì rắc rối sau đó đến với họ lại vô cùng lớn, một số người phải đánh đổi cả sự nghiệp, thậm chí còn đối diện với vòng lao lý. Ngạc Am Võ Liêm Sơn (1888 - 1949) là một dẫn dụ điển hình. Năm 1915, ông từ Phú Yên ra Huế để tham gia giảng dạy tại trường Quốc Học. Thời gian này, bên cạnh viết báo, Võ Liêm Sơn gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng, sau đó ông tham gia sáng lập Quan Hải tùng thư do Đào Duy Anh chủ trương26. Vào ngày 06 tháng 7 năm 1928, cuốn sách mang tựa đề Hài văn của ông vừa ra khỏi nhà in thì có lệnh cấm phát hành và tịch thu theo nghị định số 1774. Cũng vì thế mà ông được mật thám Pháp ở Trung Kỳ đưa vào danh sách theo dõi và ông “đành phải bước chưn [chân] ra ngoài giáo giới”27.

Người viết sách, in sách bị nghiêm cấm là lẽ đương nhiên, nhưng đọc sách, tàng trữ và phát hành sách cấm cũng được xem là đồng phạm. Chúng tôi xin nói đến trường hợp của ông Nguyễn Chưng ở Thu Xà (Quảng Ngãi). Năm 1927, ông bị bắt giam vì lý do đọc các sách dịch của tác giả Trần Hữu Độ28. Tiếp đến phải kể đến vụ bà Phan Thị Nga (vợ của nhà phê bình văn học Hoài Thanh, tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam). Trong loạt bài với nhan đề “Mười một tháng trong lao Thừa Phủ”, được báo Tràng An cho khởi đăng liên tục từ số 122 (ra ngày 12/5/1936), số 123 (15/5/1936), số 124 (19/5/1936), số 125 (22/5/1936); tác giả (Phan Thị Nga) cho biết nguyên nhân dẫn đến việc bà bị bắt giam vào lao Thừa Phủ chỉ vì tội tàng trữ “sách cấm”, mà theo cách lập luận của Khâm sứ Trung Kỳ, đó là hành động tiếp tay truyền bá chủ nghĩa Cộng sản29.

Năm 1937, 15 người dân quê ở Triệu Phong (Quảng Trị) bị chính quyền kết án tù do đã đọc cuốn Chiến sĩ xã hộicủa Léon Blum (Đường Mới thư xã ấn hành), đây là vụ án được báo giới cả nước quan tâm và để lại nhiều tai tiếng nhất ở Trung Kỳ trước năm 1945. Theo cáo buộc từ chính quyền Trung Kỳ, nội dung cuốn sách “có tư tưởng cực đoan, làm rối cuộc trị an trong xứ”. Để phản đối sự vô lý của bản án, tất cả các “phạm nhân” đã đồng loạt tuyệt thực. Cùng thời điểm đó, các thành viên tham dự hội nghị báo chí ở Trung Kỳ phải can thiệp và đánh điện tín gửi quan Toàn quyền. Trên tờ Sài Gòn(số 1073, ra ngày 06/4/1937) không tiếc lời bày tỏ sự bất mãn của dân chúng đối với chế độ kiểm duyệt sách, báo Trung Kỳ. Bài báo có đoạn viết: “Chúng tôi thấy vụ án nầy lại ngậm ngùi cho chế độ báo, sách ở Trung Kỳ. Dân trí muốn mở mang phải cần có báo sách. Vậy mà một cuốn sách được lưu hành khắp Đông Dương lại bị một viên quan ở Trung Kỳ cấm đoán. […] Viên Tri phủ Triệu Phong muốn thực hành chánh sách dân ngu để trị chăng?30. Tiếp đó, vào khoảng tháng 10 năm 1939, ông Phạm (Văn) Diên, 43 tuổi, trú tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng bị áp giải, sau khi “c nhà chuyên trách có tìm thấy mấy tờ báo và mấy quyển sách cấm31.

Tạm kết

Trong khoảng 40 năm đầu của thế kỷ XX, chính quyền Nam triều và thực dân ráo riết thực hiện chính sách kiểm soát hoạt động xuất bản sách ở Trung Kỳ. Thông qua các văn bản pháp lý, tất cả những giải pháp kiểm duyệt mà chúng tôi nói ở trên cho thấy những người đứng đầu tại đây đã kiểm soát toàn diện hệ thống ấn loát.

Sách cấm lưu hành thời kỳ này bao gồm các sách do cá nhân hoặc tổ chức biên soạn, có tinh thần dân tộc, yêu nước, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, được xác định in ấn tại các nhà in ở Trung Kỳ và các nhà in trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, những cuốn sách xuất bản ở nước ngoài nếu nhập về mà nội dung vi phạm cũng nghiêm cấm tuyệt đối. Dưới một góc nhìn đối sánh với các tỉnh thành ở hai đầu đất nước, có thể thấy, số lượng sách cấm được xuất bản bởi các nhà in ở Trung Kỳ là khá ít. Tương tự, trong danh sách kiểm duyệt, thì những tác giả sinh sống trên địa phận Trung Kỳ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn so với một số địa phương khác. Công bằng mà nói, điều kiện in ấn và chế độ kiểm duyệt gắt gao là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nói trên.

Đ.M.Đ
(TCSH425/07-2024)

-----------------------
1 Báo Công Luận (1929), Sách cấm, số 1572 (07/9/1929), tr. 2.
2 Trung Kỳ Khâm sứ tòa (1929), Nghị định cấm các thứ sách và các thứ báo, chí không được truyền bá, phát mại và tàng trữ trong hạt Trung Kỳ, tr. 3 - 13.
3 Hoàng Việt hình luật. Nxb. Hồng Đức (2021), tr. 69, 70.
4 Dương Trung Quốc (2003), Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919 - 1945), Nxb. Giáo dục (Hà Nội), tr. 234.
5 Báo Tràng An (1939), Nghiêm cấm việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, số 469 (7/11/1939), tr. 2.
6 Báo Sài Gòn (1939), Trung Kỳ cũng nghiêm cấm sự tuyên truyền của Đảng Cộng sản, số 14248 (17/10/1939), tr. 1.
7 Báo Nước Nam (1942), Muốn in sách, phải xin phép trước đã, số 170 (17/10/1942), tr. 1.
8 Báo Công Luận (1931), Tin Trung Kỳ, Huế: Sách cấm, số 2020 (17/3/1931), tr. 3.
9 Báo Tràng An (1936), Sách cấm, số 163 (09/10/1936), tr. 2.
10 Nguyên văn Nghị định chép là: Bui-Vo-Lê. Xem thêm: République Français, Bulletin administratif de l’Annam, Année 1937, N015 (23/10/1937), p. 929.
11 La Revue Franco-Annamite (1937), Sách cấm, N0220 (16/8/1937), tr. 31, 32.
12 République Français, Bulletin administratif de l’Annam, Année 1938, N06, p. 541.
13 Báo Tràng An (1938), Sách cấm, số 316 (29/4/1938), tr. 3.
14 Báo Tràng An (1938), Sách cấm, số 341 (26/7/1938), tr. 2.
15 Báo Công Luận (1939), Sách cấm, số 7900 (11/01/1939), tr. 3.
16 Báo Tràng An (1939), Sách cấm, số 428 (16/6/1939), tr. 2.
17 Báo Tràng An (1939), Sách cấm, số 465 (24/10/1939), tr. 2.
18 Báo Tràng An (1939), Sách cấm, số 469 (07/11/1939), tr. 2.
19 Báo Công Luận (1929), Ông Trúc Viên bị xét nhà và bị bắt, số 1317 (04/7/1929), tr. 1.
20 République Français, Bulletin administratif de l’Annam, Année 1935, N017, p. 1307.
21 Hà Thành ngọ báo (1935), Cấm sách, xoát [soát] nhà, khám các nhà bán, báo sách, số 2395 (06/9/1935), tr. 2.
22 L’Écho Annamite, A9 - N01128 (23/3/1928), p. 1.
23 République Français, Bulletin administratif de l’Annam, Année 1928, N016, p. 972.
24 Hà Tĩnh tân văn (1929), Bản liệt kê các thứ báo và các thứ sách có nghị định cấm không cho thâu nhập, phát mại, truyền bá và tàng trữ trong xứ Trung Kỳ. Phụ trương, số 12bis (15/7/1929), tr. 1.
25 Lương Khải Siêu (1928), Gương phục quốc, bản dịch Trần Huy Liệu. Cường học thư xã, Imprimerie Thạnh Thị Mau, Sài Gòn.
26 Đỗ Minh Điền (2022), “Đào Duy Anh và Quan hải tùng thư (1928 - 1929)”. Tạp chí Sông Hương, số 403 (9/2022), tr. 92.
27 Báo Công Luận (1933), Khoa học vẫn không có tội, ông Phan Khôi có tội với khoa học, số 6424 (19/12/1933), tr.1.
28 Báo Công Luận (1927), Tin Trung Kỳ: Ông Nguyễn Chưng bị bắt, số 528 (18/01/1927), tr. 1.
29 Đỗ Minh Điền (2022), “Nhận diện tình hình xuất bản sách ở Huế, từ 1919 đến 1945”. In trong sách: Vị thế thành phố Huế trong chiến lược phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr. 111.
30 Báo Sài Gòn (1937), Chung quanh cuốn Chiến sĩ xã hội: Cái nạn cấm sách, chi đảng xã hội ở Sài Gòn đã xin quan Toàn quyền can thiệp vào vụ 15 người bị tù ở Triệu Phong, số 1073 (06/4/1937), tr. 1.
31 Báo Sài Gòn (1939), Yết thị mộ lính, số 14249 (18/10/1939), tr. 2.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng