Nghiên Cứu & Bình Luận
Giản Tư Hải - Ngọn hải đăng của truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI
14:28 | 06/09/2024


PHAN TUẤN ANH

Giản Tư Hải - Ngọn hải đăng của truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI
Nhà văn Giản Tư Hải và tác phẩm 'Minh Mạng mật chỉ'

1. Mã văn hóa - lịch sử trong truyện trinh thám Giản Tư Hải

Như chúng ta đã biết, so với Đức Anh Kostroma, Di Li hay Kim Tam Long, nghệ thuật trinh thám của Giản Tư Hải không nổi bật hơn trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, xây dựng bản sắc và cá tính nhân vật thám tử, hay nghệ thuật suy luận, phá án. Ở những phương diện này, truyện trinh thám Giản Tư Hải có phần thua kém so với Kim Tam Long hay Di Li khá rõ. Hạn chế trong lối viết trinh thám của Giản Tư Hải làm chúng ta dễ dàng liên tưởng đến tác gia trinh thám đương đại lừng danh là Dan Brown (Mật mã Da Vinci, Thiên thần và ác quỷ, Nguồn cội, Biểu tượng thất truyền, Điểm dối lừa, Hỏa ngục, Pháo đài số). Nhưng những điểm mạnh trong nghệ thuật trinh thám Giản Tư Hải cũng chính là điểm mạnh trong lối viết của Dan Brown, chất li kỳ, trí tuệ, huyền bí của các mật mã, biểu tượng văn hóa - lịch sử - tôn giáo. Giản Tư Hải biết phát huy điểm mạnh nhất của anh mà hiếm có nhà văn đương đại nào của Việt Nam sánh được, đó là nguồn tư liệu văn hóa - lịch sử vô cùng chi tiết, xác thực và phong phú. Tôi đánh giá kiến văn của Giản Tư Hải hoàn toàn ngang ngửa những nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử hàng đầu ở Việt Nam trong thế hệ của anh. Để viết được Minh Mạng mật chỉ, Thiên địa hội An Nam Mật mã Champa, rõ ràng Giản Tư Hải phải có một thời gian rất dài đọc, sưu tầm, nghiền ngẫm, chọn lọc từ những tư liệu lịch sử. Khối lượng tri thức trong truyện trinh thám của anh khiến người đọc ngạc nhiên và choáng ngợp/váng.

Quan sát và sưu tầm khá kỹ mảng truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI, tôi chỉ thấy duy nhất Giản Tư Hải đưa phần “Tài liệu tham khảo” vào cuối những tác phẩm của mình, y hệt như những công trình nghiên cứu khoa học trường quy như luận văn hay luận án. Điều này cho thấy ý thức liêm chính khoa học của Giản Tư Hải, song nó cũng hé lộ với chúng ta ở một góc độ khác, những truyện trinh thám của anh thực sự có giá trị nghiên cứu, suy ngẫm về văn hóa, lịch sử. Những tác gia khác không có mục này bởi tác phẩm của họ là thuần túy hư cấu, là sáng tạo cá nhân. Giản Tư Hải hư cấu nhiều, song lại dựa trên một chân đế tư liệu lịch sử, văn hóa rất xác tín, vững chãi. Riêng với Mật mã Champa, ở [3, tr.370] - trang cuối của tác phẩm, anh ghi rõ những tài liệu được tham khảo như sau:

1. Thánh địa Mỹ Sơn, Ngô Văn Doanh, Nxb. Trẻ, 2010.
2. Văn khắc Champa, Arlo Grifiths, Amandine Lepoutre, William A.Southworth, Thành Phần, 2012.
3. Người Champa xưa và nay, Nguyễn Duy Hinh, 2010.
4. Văn hóa Chăm - nghiên cứu và phê bình, Sakaya, 2010.
5. Nghệ thuật Ấn Độ giáo và Phật giáo, Nguyễn Lệ Thị, 2009.
6. Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn Độ, Huỳnh Thị Được, 2010.

Tuy cách ghi không thật thống nhất và chính xác so với quy định nghiên cứu khoa học hiện hành, song có thể nhận ra tính liên văn bản, tính chính xác, cụ thể về văn hóa lịch sử trong sáng tác của Giản Tư Hải.

Với Minh Mạng mật chỉ, từ góc độ cá nhân (quê quán và nơi sinh ra, công tác của tôi đều ở Huế), cuốn tiểu thuyết làm tôi ngạc nhiên nhất về trình độ, phông văn hóa - lịch sử của Giản Tư Hải. Giản Tư Hải không chỉ đọc nhiều, biết rộng về Huế, anh còn sống trải nghiệm với mảnh đất Cố đô và có nhiều tri thức bản địa đáng kinh ngạc. Đầu tác phẩm, trong một mục hiếm thấy đối với truyện trinh thám nói riêng và cả văn học nói chung là “Những sự kiện lịch sử có thật” [4, tr.5-7], Giản Tư Hải đã cung cấp những sự kiện có thật trong lịch sử (chính sử) liên quan đến kho báu của vua Minh Mạng như sau:

- Năm Thành Thái thứ 11 (1899): Kho báu này được phát hiện lần đầu, bởi Khâm sứ đại thần Boulloche dưới tin báo của Hoằng Trị Quận vương Hồng Tố.

- Năm Duy Tân thứ 9 (1915): một hầm vàng khác được phát hiện khi đào đất sau cửa Tường Loan.

- Các tư liệu lịch sử của nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Đại Nam điển lệ đều nhắc đến kho báu thời nhà Nguyễn.

- Sự kiện thất thủ Kinh đô tháng 7 năm 1885, Pháp lấy được tấm bản đồ ghi chỗ giấu 950 thùng vàng, theo tư liệu của nhà truyền giáo Henri de Pirey viết trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue năm 1914.

- Thậm chí, Giản Tư Hải còn phỏng vấn cả TS. Phan Thanh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, đương kim Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - một người bạn của tôi về kho báu này.

Rõ ràng, Giản Tư Hải đã bỏ rất nhiều công phu, thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử Huế, lịch sử triều Nguyễn nói chung, lẫn lịch sử kho báu của vua Minh Mạng. Anh cũng tiến hành điền dã, thực địa sống ở Huế nhiều nên có một lượng tri thức khá đồ sộ về mảnh đất Cố đô. Có thể xuất phát từ nghề nghiệp kiến trúc sư, nên Giản Tư Hải có niềm đam mê lẫn tri thức khá phong phú về những địa danh lịch sử gắn liền với những kì quan kiến trúc Việt Nam: Hoàng thành Thăng Long, hệ thống hang động Tràng An - Ninh Bình, hệ thống đền tháp cổ Champa và quần thể kiến trúc Cố đô Huế (chùa chiền, kinh thành, lăng tẩm…).

Trong Minh Mạng mật chỉ, cho thấy Giản Tư Hải có kiến văn nhất định về chữ Hán, thông qua những văn bản cổ lẫn bức mật thư được viết trên ngực của một cô gái. Ở [4, tr.40-49], lần đầu tiên trong lịch sử truyện trinh thám Việt Nam xuất hiện những hình ảnh chụp (chữ Hán - Nôm) được chèn vào trong văn bản diễn ngôn tiểu thuyết. Lối viết liên văn bản, đa phương tiện này cho thấy Giản Tư Hải đã lai ghép tài tình yếu tố cổ điển (chữ Hán) với hậu hiện đại (ảnh chụp) vào trong tiểu thuyết trinh thám đương đại. Việc làm này quả chưa từng thấy xưa nay, cũng rất hiếm trong văn học đương đại, trừ một vài tiểu thuyết văn học mạng hậu hiện đại như 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của tác giả khét tiếng Đặng Thân. Giản Tư Hải còn cho thấy sự hiểu biết nhất định về văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc Huế qua những đoạn viết về lối trang trí “Nhất thi nhất họa” tại cung đình Huế [4, tr.86]; sự hình thành các chùa liên quan đến các vua triều Nguyễn (chùa Diệu Đế với vua Thiệu Trị, chùa Thiên Mụ với vua Tự Đức…); cơ cấu tổ chức, lịch sử hình thành, quy tắc hoạt động của Hội đạo sĩ cơ mật cũng được diễn ngôn tiểu thuyết đề cập đến [4, tr.140-143]; không gian và thời tiết xứ Huế cũng được cảm nhận đầy tinh tế, với một góc nhìn văn hóa rất riêng “mưa dầm dề vốn là đặc tính riêng của xứ Huế… nhưng với dân Huế gốc lại xem đó như một ân huệ của trời đất dung dưỡng cho long mạch và linh khí xứ sở” [4, tr.157]; những suy ngẫm của Giản Tư Hải về văn hóa đương đại của xứ Huế cũng có giá trị tham khảo như một nghiên cứu, hơn đơn thuần chỉ là một diễn ngôn trinh thám thuần túy: “Huế đang thay da đổi thịt nhờ hàng loạt di sản được phục dựng ồ ạt trong hơn thập kỷ nay nhưng mặt trái của nó thì ít ai thấy… Một số lăng tẩm lai căng biến tướng, chùa chiền xa hoa phù phiếm nổi lên phá vỡ không gian truyền thống vốn đã hài hòa giữa thiên nhiên và con người” [4, tr.254]; những tri thức của Giản Tư Hải về cuộc đời Nguyễn Du, sự gắn bó của đại thi hào dân tộc với quãng đời làm quan ở Huế cùng kiến thức sâu rộng về Truyện Kiều cũng làm chúng ta ngạc nhiên.

Những kiến thức này là hiếm thấy ngay cả với những nhà nghiên cứu văn học trung đại chuyên nghiệp: “Tôi từng đếm được 382 chữ vàng trong số 3254 câu toàn tập chưa kể từ ngọc, bạc, đồng… Trung bình cứ bảy câu thì có một câu nói đến vàng hoặc bạc, một điều hiếm có trong thi ca thế giới… Cô hãy nhớ cho Nguyễn Du là một vị quan với chức Đông các đại học sĩ dưới triều vua Gia Long và làm quan đến đầu triều Minh Mạng. Nguyễn Du từng là một trong bốn vị tứ trụ triều đình…” [4, tr.323]. Những sự kiện quan trọng của Huế, mà những người Huế bản địa ngày nay dường như đa phần lãng quên, cũng được tác giả nhắc lại, chứng tỏ anh đọc nhiều, đọc kỹ và nhớ lâu về lịch sử Huế: trận lũ thế kỷ năm 1929 tàn phá hệ thống sông ngòi, thủy lợi, tên họ hàng trăm công chúa hoàng tử thời Minh Mạng… Ngay cả con phố Phạm Ngũ Lão vốn có nhiều gái... cave ăn chơi cũng được anh nhắc đến trong tiểu thuyết này, chứng tỏ một “quá trình sống trải nghiệm” tại Huế của nhà văn. Chính vì lượng tri thức rộng, sâu, chiêm nghiệm kỹ càng này, mà tôi đặt vị trí Giản Tư Hải ở một tầm vóc không có nhà văn trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XX nào có thể sánh được.

Với Mật mã Champa, người đọc không lạ khi Giản Tư Hải cũng trình hiện một kiến văn văn hóa - lịch sử rất đáng kinh ngạc, bởi anh tham khảo rất nhiều sách được ghi rõ vào cuối tác phẩm tiểu thuyết. Ngay trong lời nói đầu của Mật mã Champa, tác giả đã cung cấp cho chúng ta hàng loạt dữ liệu lịch sử về những báu vật của người Chăm rất cụ thể, chi tiết, có giá trị nghiên cứu: “Bia A1 nói lên giá trị khủng khiếp của đồ tế lúc đó: Kosa vàng nặng 137 thil và 200 thil bạc nạm ngọc bích. Đồ cúng khác có 1096 thil vàng và bạc phủ lên một con antargrha 26 thei. Bốn con rắn naga 30 thei vàng... Nếu gom số vàng này lại đủ để phủ kín lên tất cả đền tháp Champa” [3, tr.5]. Anh còn tham khảo nhiều nguồn sử liệu khác nhau để viết tiểu thuyết, bao gồm: chính sử Trung Hoa, các công trình nghiên cứu của các học giả Phương Tây đương đại như Lịch sử Đông Nam Á của Hall, Un royaume disparu - Les Chams et leur art của Jeane Leuba, các tác phẩm của Sơn Nam, của toàn quyền Paul Doumer, George Coedès, Louis Finot, cũng được nhắc đến...

Với những ghi chép cụ thể, chi tiết về Campuchia, cả ở Mật mã Champa lẫn tiểu thuyết Âm mưu thay não, tôi cho rằng Giản Tư Hải đã có một thời gian quan sát và sống tại Campuchia. Một số từ ngữ, thuật ngữ của người Champa cũng được Giản Tư Hải nhắc đến trong tiểu thuyết, tạo ra một không gian văn hóa Chăm khá đặc sắc. Văn bản tiểu thuyết còn kì công sao chụp, viết lại nguyên văn chữ kí tự Bà-la-môn và kí tự Champa cổ [3, tr.89]. Các sự kiện quan trọng liên quan đến dân tộc Champa, như việc đánh chiếm Langbian, Nam Champa năm 945 của người Khmer (Campuchia ngày nay), Đàn Hòa Chi (đời Tống) đánh phá Champa năm 445, Lưu Phương (người Trung Quốc) đánh cướp Mỹ Sơn năm 605, vua Khmer Suryavarman II đánh Mỹ Sơn, thủy quân Java tấn công Champa... từ đó đánh cắp nhiều bảo vật, vàng bạc cũng được nhắc đến khá rõ. Những kiến thức về Hội kín Naga - Hội bảo vệ kho báu vật của người Champa trên đất Campuchia ngày nay cũng làm chúng ta kinh ngạc, lẫn băn khoăn đó là sự thật lịch sử hay hư cấu tiểu thuyết [3, tr.119-120]. Nghi lễ hiến tế và trừng phạt đẫm máu của hội kín này, con trăn quái vật được nuôi làm vật giữ cửa... tất cả khoác lên một màu huyền bí, đáng sợ nhưng cuốn hút bạn đọc vào diễn ngôn tiểu thuyết.

Điểm đáng ngạc nhiên nhất của Giản Tư Hải trong Mật mã Champa, đó là kiến thức sâu rộng của anh về Bà-la-môn giáo, Ấn Độ giáo, với những vị thần như Shiva, Vishnu, Brahma cùng những biểu tượng văn hóa như linga hay yoni [3, tr.131]. Lịch sử khai thác, phát hiện, chiếm giữ cùng những lời nguyền tai ác, bí hiểm liên quan đến kho báu của người Champa cũng được Giản Tư Hải điểm đến khá kĩ. Như sự kiện cuối năm 1906, Parmentier tìm thấy kho báu giấu trên đỉnh một tháp Champa. Bản di chúc của vua Khmer Ponhea Yat về việc trao trả lại kho báu của tiền nhân cho người Champa cũng được nhắc đến [3, tr.354-362]. Tất cả hệ thống thông tin và kiến thức này cho thấy Giản Tư Hải có một niềm đam mê lớn đối với kiến trúc Champa nói riêng và nền văn minh Champa nói chung. Có lẽ nhà văn trinh thám đã bỏ rất nhiều tâm sức để đọc và nghiền ngẫm về quốc gia (trong quá khứ) và tộc người này ở hiện tại. Chính vì thế, tiểu thuyết trinh thám Giản Tư Hải luôn đầy ắp thông tin đáng tin cậy, có giá trị nghiên cứu cao, thay vì là những hư cấu, sáng tạo tùy tiện của cá nhân người cầm bút trên một thể loại giải trí khá tự do là văn học trinh thám.

Thiên địa hội An Nam cũng làm tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, trước trình độ và sự hiểu biết của Giản Tư Hải về lịch sử dân tộc ta. Ngay mở đầu tác phẩm, trong mục Lời dẫn, Giản Tư Hải đã cung cấp một lịch sử hình thành hội kín Thiên địa hội ở Trung Quốc, trong bối cảnh lịch sử kháng chiến “phản Thanh phục Minh” của người Hoa [7, tr.28]. Những tổ chức hội kín Trung Hoa tràn vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, tạo ra những biến động lớn về mặt xã hội, kể cả tích cực lẫn tiêu cực. Thiên địa hội An Nam là một chi nhánh hoạt động của những kẻ lưu vong từ hội kín gốc ở Trung Quốc. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam cận - hiện đại, Thiên địa hội rõ ràng đã để lại những dấu ấn nhất định về văn hóa, chính trị, quân sự. Hội kín này được xem cũng nắm giữ nhiều bảo vật quốc gia, lẫn những bí mật về các kho báu thời phong kiến.

Tiểu thuyết Thiên địa hội An Nam ngay từ đầu đã tạo ra được sự hấp dẫn đến từ sự bí hiểm của những hội kín, khêu gợi sự tò mò của bạn đọc trong việc phiêu lưu truy tìm những kho báu khổng lồ của tiền nhân. Kiến thức của Giản Tư Hải về những sự kiện lịch sử, nhân vật và báu vật thời Trần là rất đáng kinh ngạc. Bức tranh cổ “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” có nhiều giả thuyết bí ẩn, được cho với hai lần vẽ và chéo khác nhau bởi hai tác giả là Trần Phồn [năm 1304] và Trần Giám Như [năm 1364] ở hai thời điểm lịch sử cũng khác nhau. Lai lịch đầy thăng trầm và bí ẩn của tác giả Trần Phồn cũng được nêu lại [7, tr.243]. Bức tranh gốc được chia thành hai nửa và cất giấu ở hai nơi khác nhau ở Việt Nam [7, tr.125-126], [7, tr.134], với hai hệ thống kí tự cả phương Tây và phương Đông, do Thiên địa hội An Nam quản lý, sau nhiều năm lưu lạc tại Trung Quốc. Bức tranh là một kiệt tác hội họa thời phong kiến ở Việt Nam, song quan trọng hơn, nó thực chất là một dạng mật mã, một kiểu bản đồ để có thể dẫn đến kho báu lớn nhất đời Trần tại Tràng An - Ninh Bình. Đây cũng có thể xem là kho báu lớn nhất thời phong kiến, hoặc lớn nhất lịch sử dân tộc ta. Nguồn gốc bức tranh cổ được hai lần vẽ lại, tẩy xóa một nhân vật được nhà văn hư cấu do liên quan đến Trần Ích Tắc [7, tr.244], một nhân vật phản diện trong lịch sử Việt Nam, nhưng sau khi qua Trung Hoa lại rất thành công, các hậu duệ của ông như Trần Hữu Lượng suýt nữa lên ngôi hoàng đế Trung Hoa [7, tr.295-297] - đó đều là những tri thức có thể làm bạn đọc kinh ngạc.

Thiên địa hội An Nam rõ ràng đã chấm dứt hoạt động từ rất lâu, có thể giữa thế kỷ XX, song Giản Tư Hải bằng sức sáng tạo hư cấu đặc biệt, cùng lượng tri thức sở hữu rất phong phú, đã gần như “khai quật lại” hội kín này, thông qua những thông tin mà không nhiều người Việt Nam đương đại biết được. Chợ Bến Thành ở Sài Gòn từng do Thiên địa hội An Nam xây dựng và mang những biểu tượng kín của hội này [7, tr.72]. Tiểu thuyết cũng làm rõ vai trò và từng chức danh cụ thể trong tổ chức hội kín này, như chức Đà chủ hay chức thảo hài (giày cỏ - trợ lý cho Đà chủ) [7, tr.267].

Những hiểu biết về Hán tự và câu đối cổ của nhà văn Giản Tư Hải cũng làm chúng ta ngạc nhiên [7, tr.73]. Nhà văn cũng cho thấy mình có hiểu biết đáng kể về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phát tích từ các vua Trần [7, tr.86-87], kiến trúc ngầm của Hoàng thành Thăng Long, các chùa chiền cổ ở đất Thăng Long xưa kia trong tiểu thuyết Thiên địa hội An Nam. Lịch sử di dân Trung Hoa sang Việt Nam, nhất là qua khu vực địa chính trị miền Nam Việt Nam, đặc biệt là sự kiện năm 1679 với ba ngàn lính nhà Minh dưới sự chỉ đạo của hai vị tướng Tàu đã vào Đàng Trong cũng được Thiên địa hội An Nam nhắc đến [7, tr.89]. Lịch sử đầy thăng trầm, bị truy quét dữ dội của Thiên địa hội tại An Nam cũng được tiểu thuyết kể đến ở trang 123-124. Qua Thiên địa hội An Nam, Giản Tư Hải làm tôi ngạc nhiên bởi những hiểu biết của anh về lịch sử Trung Hoa, bên cạnh lịch sử Việt Nam. Anh không chỉ rành sử triều Trần, mà còn biết khá thông tỏ lịch sử thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, giai đoạn 13 vua triều Nguyễn cũng như lịch sử nhập cư vào phương Nam của người Minh Hương gốc gác Trung Hoa. Những kiến thức về mặt kiến trúc, điêu khắc, về sự khác biệt giữa rồng thời Lý và thời Lê [7, tr.166] thì khá bình thường, do Giản Tư Hải là một kiến trúc sư. Những tri thức rất tường tận về Phật hoàng Trần Nhân Tông của Giản Tư Hải, như sự kiện năm 1294 ngài vào tu thiền hai lần tại Hành cung Vũ Lâm (Tràng An - Ninh Bình), đem theo rất nhiều kinh sách và châu báu giúp cho bạn đọc khá nhiều hiểu biết về lịch sử dân tộc. Những tri thức về sự giúp sức của hải tặc gốc Hoa và Thiên địa hội với những chiến công của vua Quang Trung cũng là những tri thức đáng chú ý [7, tr.212], chứng tỏ nhà văn đã đọc sử liệu từ nhiều nguồn khác nhau, cả chính thống lẫn sử phi chính thống. Hệ thống kiến trúc của Pháp tại Hà Nội cũng được Thiên địa hội An Nam phản ánh khá kĩ, điểm đến cả sự kiện năm 1904, lãnh tụ Tôn Trung Sơn của Trung Quốc từng ở một biệt thự ở Hàng Buồm cũng làm cho chúng ta ngạc nhiên về hiểu biết của nhà văn.

Tóm lại, rõ ràng Mật mã Champa hay Minh Mạng mật chỉ đã đưa chúng ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về trình độ văn hóa - lịch sử của Giản Tư Hải, song thật ra cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh là Thiên địa hội An Nam mới là công trình đồ sộ nhất, có tính chất nghiên cứu tổng thể và có sự bao quát rộng rãi nhất về lịch sử, văn hóa dân tộc. Không chỉ gói gọn trong phạm vi nhiều triều đại khác nhau trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mà mở rộng ra với lịch sử Trung Hoa, lịch sử Pháp thuộc lẫn Việt Nam thời cận đại. Những trang viết của Giản Tư Hải trong Thiên địa hội An Nam đầy ắp tri thức, giả thuyết, suy đoán, sự kiện chính sử có thật, huyền thoại dã sử. Tất cả đan cài vào nhau tạo nên một diễn ngôn tiểu thuyết đặc sắc, khi đọc có phần nặng nề, mệt mỏi, gián đoạn vì các số liệu, năm tháng, trích dẫn… song không thể phủ nhận rằng, Giản Tư Hải là một trong những nhà văn có phông văn hóa, trình độ nghiên cứu lịch sử và sức sáng tạo, hư cấu lịch sử hàng đầu của nền văn chương Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỷ XXI. Truyện trinh thám với Giản Tư Hải chính vì thế, không chỉ là loại văn chương giải trí thuần túy, một loại diễn ngôn cận văn học, mà ngược lại, nó là thứ văn chương hàn lâm, nghiền ngẫm lịch sử, quá khứ và tương lai của dân tộc, trong một biên độ tri thức đáng kinh ngạc. Đọc tiểu thuyết trinh thám - lịch sử của Giản Tư Hải, đòi hỏi bạn đọc một tầm đón đợi nhất định, cũng như sự kiên nhẫn đáng kể. Tính giải trí ít đi thì tính hàn lâm, tính chiều sâu văn hóa tăng lên, chính vì vậy, tôi xếp Giản Tư Hải đứng ở vị trí đỉnh cao nhất của kim tự tháp văn học trinh thám Việt Nam đương đại.

2. Những vấn đề đương đại của Việt Nam và thế giới

Giản Tư Hải không chỉ có thế mạnh về việc phân tích, tái hiện lại những tư liệu lịch sử, văn hóa trong tiểu thuyết trinh thám, mặc dù đó là thế mạnh lớn nhất, đặc trưng và là giá trị quan trọng nhất mà tác phẩm của anh đạt được. Anh còn tỏ ra mình được trang bị đầy đủ bộ kỹ năng thượng thừa mà bất cứ tiểu thuyết gia trinh thám lừng danh nào cũng cần xác lập: đó là khả năng xây dựng lập luận, logic phá án, khả năng hư cấu nên những âm mưu tội ác đương đại gay cấn, ly kỳ, khả năng tạo ra những mật mã bí hiểm, hóc búa và giải mật mã kỳ tài… Tôi xin nhấn mạnh đến tính đương đại của truyện trinh thám, như một đặc trưng quan trọng của thể loại văn học này. Thật ra, có đến hơn 90% các nhà văn trinh thám thường viết về những đề tài đương đại, trong số này chúng ta có Vũ Khúc, Bùi Anh Tấn, Tạ Duy Anh, Nhất Duy, Kim Tam Long, Di Li, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Đào Trung Hiếu, Trần Thái Minh Thư, Yên Ba, Nguyễn Dương Quỳnh… với các đề tài đương đại nổi bật của Việt Nam đầu thế kỷ XXI như: buôn bán ma túy, ngoại tình, điệp viên và phản gián, giết người hàng loạt, đồng tính luyến ái, bạo lực gia đình, ly hôn, mại dâm, tội phạm mạng, tham nhũng hối lộ, sự đổ vỡ trong quan hệ gia đình và xã hội, sự tan rã của nông thôn, tội phạm cuồng tín giáo phái…

Như chúng ta đều biết, truyện trinh thám ra đời ở phương Tây vào nửa đầu thế kỷ XIX, phát triển mạnh vào giữa thế kỷ XX. Truyện trinh thám phương Tây gắn liền với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, văn hóa tư sản, bí mật đời tư, những tội ác gia đình và bi kịch xã hội dân sự hiện đại. Trước đó, những chuyện kỳ án, công án thời kỳ phong kiến chủ yếu liên quan đến phạm vi rộng hơn, liên quan đến tôn giáo, quốc gia và những lực lượng giai cấp đấu tranh. Truyện trinh thám hiện đại/cổ điển như của Conan Doyle hay Agatha Christie chỉ chủ yếu miêu tả những tội ác diễn ra trong không gian, phạm vi gia đình, trong những chuyến xe, tàu dân sự, hung thủ đa phần là người quen biết, thân thiết với nạn nhân (không phải tội phạm chuyên nghiệp hay lực lượng tình báo, quân sự đối lập), động cơ vụ án chủ yếu xuất phát từ dục vọng cá nhân, sự tham lam, trả thù tình ái. Tính dân sự và tính đời tư có thể nói là đặc trưng cơ bản của truyện trinh thám cổ điển. Giản Tư Hải trên một khía cạnh nào đó, đã đi lệch ra khỏi định hướng thể loại này, với bộ ba tiểu thuyết trinh thám văn hóa - lịch sử thuộc nhóm 1 mà chúng ta đã phân tích kĩ ở phần 2 của tiểu luận. Đi theo hướng văn hóa lịch sử trong trinh thám như Giản Tư Hải (ở nhóm tác phẩm 1) là rất hiếm hoi, ta chỉ có thể kể thêm Thục Linh (Tứ trấn huyền linh, Khế ước bán dâu, Rừng than khóc), Hoàng Yến (Dưới cánh đại bàng). Tuy vậy, hai tiểu thuyết thuộc nhóm 2, những sáng tác đầu tay của anh trên lĩnh vực trinh thám lại cho thấy nhà văn này không thiếu sự quan tâm đến những vấn đề đương đại của xã hội dân sự Việt Nam.

Ổ buôn người là tác phẩm đầu tay của Giản Tư Hải, mang lại cho anh một giải thưởng văn học, được sáng tác vào năm 2010, sau này được tái bản nhiều lần. Bạn đọc hiện nay chủ yếu đọc qua bản tái bản năm 2019. Ổ buôn người phản ánh một trong những vấn đề nhức nhối của một xã hội Việt Nam hậu thực dân - nạn buôn bán người, mà chủ yếu là buôn phụ nữ, trẻ em gái qua biên giới (Trung Quốc). Những tập đoàn tội phạm xuyên biên giới, có cả quốc tịch Trung Quốc lẫn Việt Nam, bao gồm những tay đồ tể, những tay trùm tội phạm như Mãnh, Hulk, Ô Phú, Lã, Jack… đã tàn hại cuộc đời của biết bao cô gái trẻ Việt Nam. Chúng dụ dỗ, mua chuộc, lừa đảo hoặc thậm chí đánh thuốc mê những cô gái trẻ đẹp để mang sang biên giới Trung Quốc. Ở đó, những cô gái bị đánh đập, bị cưỡng hiếp tập thể, bị nhốt và ép làm gái mại dâm, bị ép lấy chồng là những lão già Trung Quốc, bị tẩy não và có khả năng bị giết chết nếu chống cự hoặc bỏ trốn. Ổ buôn người đã động chạm đến những mối quan hệ gần gũi, song đầy phức tạp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán trẻ em gái trở nên nóng bỏng ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XXI, khi nhiều quốc gia do lựa chọn giới tính (trọng nam khinh nữ) đã không có đủ phụ nữ cho đàn ông sở tại có thể kết hôn. Từ đó, một làn sóng xuất ngoại lấy chồng (cả chính ngạch, tiểu ngạch lẫn lừa đảo, buôn người) của phụ nữ Việt Nam qua Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan, Trung Quốc đã diễn ra, tạo nên những bi kịch gia đình và hệ lụy đời tư rất nghiêm trọng. Thân phận người phụ nữ Việt Nam đương đại khi xuất ngoại lấy chồng đa phần là cô đơn, bị bạo hành, bị cưỡng hiếp, bị sát hại và không có con đường quay về lại quê hương.

Gần đây, nhà văn nữ tâm linh, kinh dị Thảo Trang cũng công bố tác phẩm Ngủ cùng người chết với chủ đề buôn bán phụ nữ trẻ xuyên biên giới Việt -Trung y hệt như mối quan tâm của Giản Tư Hải trong Ổ buôn người. Điều này cho thấy mối quan tâm trong tiểu thuyết trinh thám Giản Tư Hải thuộc về vấn đề lớn của xã hội Việt Nam đương đại. Tiểu thuyết Âm mưu thay não lại giống với thể loại khoa học giả tưởng trên nhiều phương diện. Ứng dụng nhiều hiểu biết và thông tin khác nhau về những tiến bộ của nền y học thế giới trong việc cấy ghép mô nói riêng và cấy ghép não, khoa học thần kinh nói chung, Giản Tư Hải đã có một hư cấu đáng chú ý, mang tính dự báo tương lai về việc những nhà khoa học có thể thay não cho bệnh nhân, nhằm đạt được sự trường sinh bất tử thông qua việc cấy ghép não người già, người mắc bệnh nan y vào một cơ thể trẻ trung, cường tráng và không bệnh tật. Dĩ nhiên, Âm mưu thay não đậm tính hư cấu và giả tưởng, song những vấn đề vĩ mô hơn trong tiểu thuyết này đặt ra, thì lại gắn bó mật thiết với lịch sử Việt Nam đương đại. Đó là vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố, chảy máu chất xám cũng như quá khứ tàn quân Khmer Đỏ vẫn còn để lại những nỗi đau tại Campuchia lẫn Việt Nam. Son Sen là một trùm Khmer có thật, đã được Giản Tư Hải “cho sống lại” để trở thành nhân vật chính của tiểu thuyết. Vấn đề này nhắc nhở cho người Việt Nam đương đại về một quá khứ bi thương chưa xa, và cả sự cảnh giác ở thời điểm đương đại.

Tiểu thuyết trinh thám Giản Tư Hải cũng tạo ra được sự lôi cuốn đặc biệt bởi hệ thống mật mã, kí hiệu, sự giải mã thiên tài của nhân vật Kỳ Phương cùng các cộng sự. Đây là đặc điểm của truyện trinh thám cổ điển, được nhà văn bảo lưu trong quá trình hiện đại hóa và cách tân thể loại truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Mật mã Champa giới thiệu với chúng ta nhiều chuỗi mật mã hóc búa, như dãy kí hiệu bí ẩn A5D6 - E3C8 [3, tr.43], liên quan đến các chữ cái viết tắt, cùng các chữ cái khắc trên tháp Chăm [3, tr.77-91]. Để giải mã được hệ thống mật mã phức tạp này, bạn đọc phải trực tiếp đọc tác phẩm. Lối vào kho báu Naga dưới lòng đất cũng cực kì phức tạp, kẻ thám hiểm phải giải mã được ba ẩn số: vị trí, thời điểm và quy luật; chưa kể con rắn khổng lồ canh cổng. Chỉ một sai sót nhỏ người thám hiểm sẽ đánh đổi bằng mạng sống của mình [3, tr.97]. Tỷ lệ xích cũng ảnh hưởng lớn đến việc tham khảo bản đồ kho báu [3, tr.236]. Cánh cửa mở vào kho báu Naga chỉ mở ra 1 lần trong 12 năm, và phải đúng mật mã để đi vào cánh cửa cho phép, nếu sai sẽ bỏ mạng vì những chiếc bẫy nguy hiểm.

Tất cả hệ thống bẫy, mật mã, kí hiệu đặc biệt trong Mật mã Champa sẽ cuốn trôi bạn đọc trong niềm đam mê khám phá những bí ẩn và những kho báu vô giá của tiền nhân. Minh Mạng mật chỉ lại là một cuộc truy đuổi, truy tìm, giải mã và chiến đấu liên tục như một bộ phim hành động, khám phá đích thực qua các địa danh nổi tiếng ở Cố đô Huế. Minh Mạng mật chỉ có thể ví von, so sánh với độ hấp dẫn, ly kỳ của bộ phim Hollywood lừng danh Indiana Jones. Cuốn tiểu thuyết này là cuộc truy đuổi liên tục giữa hai phe nhằm giải mã các mật mã để truy tìm kho báu thời vua Minh Mạng, lần lượt qua chùa Diệu Đế, chùa Thiên Mụ, chùa Phật Quang, lăng Minh Mạng và cuối cùng là hệ thống thủy đạo dưới Hoàng thành Huế. Hệ thống những mật mã cần phải giải rất đa dạng, phức tạp, đòi hỏi tri thức văn hóa, lịch sử rất cao, đầu tiên là những câu thơ Hán - Nôm rời rạc: “lút… mụ… em… thôi” [4, tr.73], thực chất là câu ca dao cổ của người Huế, được Kỳ Phương thông tuệ làm rõ [tr.90]. Sau đó là biểu tượng quả trứng cần giải mã [tr.106] lẫn những dòng chữ còn lại trong dạ dày sư bà Thích Bằng Lăng, hệ thống biểu tượng và kí hiệu trong Truyện Kiều [4, tr.323-432].

Phức tạp và công phu nhất là hệ thống mật khẩu hình khối - mô phỏng không gian ba chiều Kinh thành Huế [4, tr.343-393-395-428]. Để giải mã hình khối này, cần thuộc Truyện Kiều như một dạng mật khẩu, lại cần kết hợp tính toán nhằm đổ chất lỏng vào một cách tuyệt đối chính xác để tìm ra ba chữ cái chỉ cánh cửa giữ kho báu dưới hệ thống hầm/cống ngầm của Kinh thành Huế. Nếu tìm sai, mở ra cánh cửa không đúng, một cái bẫy chết người sẽ chờ đón họ. Sự phức tạp nằm ở chỗ, kẻ giải mã cần thuộc làu Truyện Kiều từng câu, thứ tự của từng câu, cũng như nếu không có mật ong (dung dịch chuẩn để sử dụng nhằm giải mật mã), có thể thay thế bằng các dung dịch lỏng khác như nước, rượu, hay máu, nhưng cần tính toán tỷ lệ chênh lệch trọng lượng so với mật. Có thể nói, hệ thống mật mã trong Minh Mạng mật chỉ là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử truyện trinh thám thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam, ngang tầm với những sáng tạo của Conan Doyle hay Dan Brown. Đây có thể xem là thành tựu lớn nhất của truyện trinh thám Việt Nam đương đại.

Hệ thống bản đồ và mật mã trong Thiên địa hội An Nam cũng bí hiểm và li kỳ không kém. Bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cần hai nửa để ghép thành, được cất giấu ở hai nơi [hầm ngầm chùa của Sư Bà và hầm ngầm của Hoàng thành Thăng Long] cần kiến thức cả phương Đông lẫn phương Tây nhằm giải mã. Bức tranh thật ra là một dạng bản đồ bí mật chỉ kho báu của triều Trần, nhưng muốn giải mã bức bản đồ này, cần tìm thấy lối vào một hang động nước hiểm trở ở khu vực Tràng An - Ninh Bình, sau đó dùng một cây đèn mỡ động vật đặc biệt để soi chiếu bức tranh giấy lên vách đá. Bức tranh thật sự được khắc trên vách hang động đá như một tác phẩm điêu khắc khổng lồ, kỳ vỹ [7, tr.320-326]. Nhưng tìm được bức điêu khắc khổng lồ cũng chưa phải tìm ra kho báu, nếu xác định sai điểm đào, dẫn đến đào sai vị trí sẽ bị những cái bẫy chết người hại chết… Có thể nói, chúng ta thán phục với phông văn hóa, nền tri thức lịch sử của Giản Tư Hải bao nhiêu, thì sự ngưỡng mộ với khả năng hư cấu, sáng tạo mật mã, giải mã của anh cũng nhiều bấy nhiêu. Với tất cả sự kế thừa lẫn sáng tạo trong hành trình viết tiểu thuyết, tôi đánh giá Giản Tư Hải không có người sánh bằng trong nền truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Tạm kết

Truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI, qua trường hợp Giản Tư Hải đã chứng kiến nhiều bước phát triển mới, cách tân về mặt hệ hình so với truyện trinh thám giai đoạn nửa sau và nửa đầu thế kỷ XX. Từng bước một, truyện trinh thám Việt Nam đương đại qua các tác giả tiêu biểu như Kim Tam Long, Di Li, Đức Anh Kostroma… mà đặc biệt là Giản Tư Hải đã bắt kịp với trình độ chung của truyện trinh thám thế giới. Tuy vẫn còn đó những hạn chế về mặt tư tưởng, về cách xây dựng cốt truyện, cách xây dựng tính cách nhân vật, hệ thống tri thức khoa học (đặc biệt là khoa học tự nhiên, khoa học hình sự) được nhà văn vận dụng trong sáng tạo còn chưa nhiều, chưa hiệu quả… song có thể nói, không có giai đoạn nào trong lịch sử văn học Việt Nam mà thể loại trinh thám đạt đến một trình độ văn hóa, lịch sử, khoa học tự nhiên cao đến như vậy. Do đó, chúng ta có quyền tin vào một tương lai mới của truyện trinh thám Việt Nam ở nửa sau thế kỷ này, từ ngoại biên đời sống văn học di chuyển vào trung tâm và trụ vững ở đó, trong một thời gian dài phía trước.

P.T.A
(TCSH426/08-2024)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Tuấn Anh (2024), “Những cách tân nghệ thuật của truyện trinh thám Việt Nam đầu thế kỷ XXI”. Tạp chí Khoa học và công nghệ (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), Chuyên san Văn học, Tập 23, Số 3A, Trang 91.
2. Nguyễn Thế Bắc (2023), Thể loại truyện trinh thám trong văn học Việt Nam hiện đại (Luận án tiến sĩ văn học), Bảo vệ tại Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Giản Tư Hải (2018), Mật mã Champa, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
4. Giản Tư Hải (2018), Minh Mạng mật chỉ, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
5. Giản Tư Hải (2019), Ổ buôn người, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
6. Giản Tư Hải (2019), Âm mưu thay não, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
7. Giản Tư Hải (2021), Thiên địa hội An Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
8. Nguyễn Thành Khánh (2016), Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - từ đặc trưng thể loại (Luận án tiến sĩ văn học), Bảo vệ tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Huế.
9. Nguyễn Thành Khánh và Nguyễn Phong Nam (2016), “Bàn về quá trình vận động của truyện trinh thám Việt Nam”, Tạp chí Khoa học và công nghệ (Đại học Đà Nẵng), Số 2 (99), Trang 71.
Tiểu luận này được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ có mã số B2023-DHH-01 do TS. Phan Tuấn Anh làm chủ nhiệm.

 

Các bài đã đăng