Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn chương như là đức tin tôn giáo
15:37 | 08/11/2024

PHẠM PHÚ PHONG

(Đọc Văn học và cái Ác của Georges Bataille)

Văn chương như là đức tin tôn giáo
Ảnh: tư liệu

Suy nghĩ là một việc khó
nên rất ít người chịu khó suy nghĩ
                      Albert Einstein


Tôn giáo bao hàm, một mặt, một sự tìm kiếm sự thật về nguồn gốc của thế giới và cứu cánh của nó, về nguồn gốc con người và những quan hệ của nó với thần thánh, mặt khác, một tập hợp những tín ngưỡng, một nhu cầu thương yêu và cảm xúc, một quan hệ hài hòa giữa vũ trụ vi mô và vũ trụ vĩ mô” [1]. Nhìn từ mục tiêu tối thượng, nghệ thuật đi tìm cái Đẹp, tôn giáo đi tìm cái Thiện, xét cho cùng, cả hai hình thái ý thức đều đối lập với cái Ác, từ trong cõi tâm linh mê đắm của con người và có khi được đẩy đến mức tận cùng làm biến đổi trong tư thế tương thông có ý nghĩa nhị nguyên. Khi nghệ thuật cố sức huyền thoại hóa con người, thì tôn giáo cũng nỗ lực huyền thoại hóa đấng tối cao sáng thế, đấng chí tôn thiêng liêng, do vậy, cả hai đều không thoát khỏi vòng sinh quyển của thế giới kỳ ảo, thần bí, huyền thoại. Nhưng từ “tính nhị nguyên bất khả tương hợp giữa thượng đế và loài người, giữa thiên định và tự do, giữa mặc khải và lịch sử, giữa niềm tin và lý trí đã tạo ra một sự căng thẳng trong tâm hồn và đời sống phương Tây mấy nghìn năm nay, mầm mống chính yếu và dai dẳng của bao cuộc chiến tranh tôn giáo, nhưng cũng là động cơ của thám hiểm, chinh phục, kết nối địa cầu, và thúc đẩy khoa học, kỹ thuật học, khám phá vũ trụ” [2]. Hơn nữa, từ phép biện chứng tất yếu trong hoạt động nhận thức của con người, có thể nhận ra rằng, trên con đường đi đến mục tiêu tối thượng, luôn kích thích nảy sinh những trạng thái đối lập, có sự va quẹt, vi phạm những giới hạn, bởi cuộc sống vốn đa nguyên, giữa các mặt đối lập luôn có mối quan hệ phổ biến, có sự tương tác, tác động chi phối lẫn nhau. Và, chính sự vượt ngưỡng, sự vi phạm, với văn học đã tạo nên những giá trị kết tủa lâu bền trong tâm tưởng người đọc. Theo Lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ngay trong lần xuất bản đầu tiên tại Pháp (1957), trên bìa bốn của công trình Văn học và cái Ác, tác giả Georges Bataille đã có lời dẫn luận rằng: “Người ta khác với loài vật ở chỗ tuân thủ các điều cấm, nhưng các điều cấm có tính hai mặt. Mọi người tuân thủ chúng nhưng lại có nhu cầu vi phạm chúng. Sự vi phạm các điều cấm không có nghĩa là không biết chúng và đòi hỏi phải có sự dũng cảm và sự quả quyết. Nếu một người có sự dũng cảm cần thiết để vi phạm giới hạn thì có thể nói hắn đã xảy đến. Nói riêng, văn học vốn thích sự thách thức bùng nổ cũng xảy đến qua điều đó. Văn học đích thực giống như Promete. Nhà văn đích thực dám làm những cái ngược với quy luật cơ bản của xã hội. Văn học dám nghi ngờ những nguyên lý của sự điều hòa và thận trọng. Nhà văn biết rằng mình có tội. Hắn có thể thừa nhận các tội lỗi của mình. Hắn có thể vờ sung sướng hân hoan -dấu hiệu của sự tuyển chọn. Tội lỗi, sự phán xét đứng trên đỉnh cao.” [3, tr.14].

Georges Bataille (1897-1962) là nhà tiểu thuyết, nhà triết học, nhà tiểu luận, nhà thơ, nhà phê bình văn học người Pháp, từng tham gia quân đội, rồi vào học trường dòng nhưng chưa thụ phong linh mục đã từ bỏ lý tưởng, từng tham gia nhóm siêu thực tại Madrid, thành viên thành lập nhóm chống phát xít Contre-Attaque, rồi về làm thủ thư tại thư viện Quốc gia Paris (1920-1944), sáng lập tạp chí Critique (1946) và là ngôi sao chói ngời trên bầu trời văn học phương Tây thế kỷ XX bởi lý thuyết về sắc dục và thần bí. G.Bataille tiểu thuyết hóa những quan niệm về sắc dục thông qua các tiểu thuyết như Lịch sử con mắt (1928), Bà Edwarda (1937), Màu xanh của trời (1945); tác giả của những công trình nghiên cứu triết học thần bí chủ nghĩa như Kinh nghiệm bên trong (1943), Phương pháp suy tưởng (1947), Phần bị nguyền rủa (1949) hoặc về lịch sử đời sống sắc dục và cưỡng bức như Nước mắt của Eros (1959), và nhất là công trình ông vận dụng quan niệm triết học thần bí vào phê bình văn học Văn học và cái Ác (1957), đã được Ngân Xuyên dịch và giới thiệu tại Việt Nam qua “chương trình hỗ trợ xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh” và Nxb. Thế giới ấn hành năm 2016.

Về lý thuyết, đã có nhiều cách giải thích về cái kỳ ảo, đã được Tzevan Todorov dành hẳn một công trình mang tên Dẫn luận về văn chương kỳ ảo, trong đó đã dẫn nhiều ý kiến khác nhau của các học giả, nhưng chung quy, lặp đi lặp lại vẫn là “kỳ ảo là cái bí ẩn, không giải thích được” [4], hoặc “một sự kiện xảy ra mà lý trí không thể giải thích nổi được nữa” [5], thì tôn giáo, nhất là Ki-tô giáo, là phạm trù ngược với tự nhiên và lý trí con người, khi dạy cho con người tin để mà hiểu, chứ không phải hiểu để mà tin. Bản thân G.Bataille là người cải theo đạo Công giáo, là người đã từng “vào học một trường dòng để làm linh mục” (tr.10) và cả tám tác giả mà G.Bataille lấy làm đối tượng để tiếp cận, cảm thụ, nhận thức, khám phá nhằm khắc họa chân dung, đều là những người Ki-tô hữu, trong đó có một tác giả người Czech (Franz Kafka), hai tác giả người Anh (Emily Bgronte, William Blake), còn lại đều là người Pháp, đồng hương với ông. Khi nhận thức về khách thể tinh thần do họ tạo ra, tất nhiên, không thể thoát khỏi phạm trù của đức tin. Người sáng lập ra chủ nghĩa Marx kinh điển, đã từng cho rằng “Tôn giáo là thuốc phiện”. Vấn đề cần được nghiền ngẫm theo nhiều khía cạnh khác nhau, bởi sự nguy hiểm nhất đối với con người là sống mà không tin tưởng vào bất cứ điều gì. Sống mất niềm tin cũng là dạng tha hóa đến mức tận cùng về nhân cách. Nhưng ở một phương diện nào đó, cũng phải thừa nhận rằng, trên con đường tìm đến mục tiêu tối thượng là cái Thiện và cái Đẹp, nếu quá đà, quá vì đức tin mê muội, tất yếu sẽ dẫn đến cái Ác, như niềm tin mê muội của tôn giáo và sự lung lạc tâm hồn mê đắm của văn chương.

2. Trong năm tác giả văn xuôi xuất hiện trong tập sách này, là năm gương mặt tiêu biểu cho nền văn học hiện đại ba nước khác nhau. Trước hết là nữ nhà văn người Anh, tác giả nữ duy nhất trong tập sách này, người mà G.Bataille khẳng định trong sự so sánh không một chút đắn đo rằng: “Nếu như cần phải điểm lại danh sách các nhà văn Anh đã gây cho tôi những cảm xúc mạnh mẽ hơn cả, thì tôi, có lẽ không cần nghĩ ngợi, có thể nhắc ngay đến John Ford, Emily Bronte và William Blake. Quy họ về một thứ hạng nào đó là việc làm vô nghĩa, nhưng khi cùng nhau, những tên tuổi này hóa ra cùng sở hữu một quyền lực giống nhau. Họ đã vượt ra khỏi bóng tối nhập nhoạng đã lâu, nhưng ở nơi họ vẫn tồn tại một sự khắc nghiệt đặc biệt tuyên ngôn về sự thuần khiết của cái Ác/ Ford đã tạo nên từ tình yêu tội lỗi bức tranh không gì sánh nổi. Emily Bronte đã thấy trong tính cách độc ác của đứa con hoang câu trả lời rõ ràng duy nhất cho tiếng gọi đã giết chết cô. Blake, bằng những câu từ đơn giản đến mức tầm thường đã có thể dẫn cả nhân loại đến với thơ ca” (tr.123). Emily Bronte (1818-1848), tuy là người “xa lánh các giáo điều” của đạo Thiên chúa, “nhưng tinh thần tôn giáo của gia đình ở trong bà mạnh đến mức Thiên chúa giáo theo sát điều Thiện do lý trí đưa ra” (tr.37). Từ đó, đưa đến quan niệm thần bí mang ý nghĩa phục sinh rằng: “Trong thực tế, chúng ta hiện hữu cùng cái chết mà kế tiếp nó là sự tái sinh, trong khi xuất hiện một cách tồn tại khác ở dạng giải thoát” (tr.42).

Khám phá thế giới tiểu thuyết của Emily Bronte, tác giả xuất phát từ những định đề có ý nghĩa triết học, coi sắc dục là sự khẳng định cái sống trong cái chết, từ đó hình dung ký ức tuổi thơ, lý trí và cái Ác, thể hiện sự vi phạm giới hạn, sự trói buộc tự do và những kinh nghiệm thần bí, để cuối cùng chỉ ra ý nghĩa của cái Ác nằm trong chính mục tiêu hướng thiện của con người. Điều đó, phần nào lý giải được, trong số ba chị em nhà Emily (người chị Emily Charlotte, người em Emily Anne), ông quan tâm nhiều đến Bronte và tiểu thuyết Đỉnh gió hú (1847), bởi “đây là cuốn tiểu thuyết hoàn hảo, hoàn hảo một cách tuyệt vời, cuốn tiểu thuyết đáng chú ý nhất ở Anh, cuốn tiểu thuyết hay nhất xưa nay do một phụ nữ viết ra” [6], và ra đời trước khi tác giả mất một năm, khi bà mới tròn ba mươi tuổi.

Đối với nhà văn người Czech Franz Kafka (1883-1924), người cũng chỉ đi ngang qua cuộc đời trong vòng bốn mươi mốt năm, nhưng đã kịp để lại một di sản tinh thần dài gấp mấy lần thời gian sống, tưởng như muốn được thiêu hủy đi, hóa ra nó lại thiêu hủy đời sống tinh thần của bao thế hệ. G.Bataille đã đi từ di nguyện của F.Kafka muốn đốt hết tác phẩm của mình sau khi chết, ông lần đến thổ ngơi miền đất hứa và một xã hội cách mạng, trong đó thể hiện tính ngây thơ về lý tưởng của Kafka, coi sự duy trì tình trạng trẻ thơ là vũ trụ vui sướng, quay lại với tính bột phát hạnh phúc của đứa trẻ cuốn vào sự vận động của cái tự do độc quyền cái chết, rồi lại biện hộ cho sự căm ghét của những người cộng sản và cuối cùng chính Kafka đã đồng ý, bởi vì “Kafka có lẽ là nhà văn khôn ngoan nhất - bất kể trong tình huống nào ông cũng không để mình bị lừa phỉnh... Khác với quan điểm của nhiều người đương thời, đối với ông “làm nhà văn” là điều ông khao khát. Ông hiểu rằng, văn chương và cái điều ông muốn không đem lại cho ông sự mãn nguyện như mong đợi, thế nhưng ông vẫn tiếp tục viết. Nói văn chương làm ông thất vọng có lẽ là không chính xác. Tức là, nếu so sánh với các mục đích khác, thì nó không làm ông thất vọng” (tr.228). G.Bataille còn cho rằng, những sự Hóa thân (1916), Trại cải hối (1919), Vụ án (1925), Lâu đài (1926), Nước Mỹ (1927), đã không bị ngọn lửa thiêu hủy mà tồn tại cùng với thế giới tinh thần sừng sững của Kafka, “đó là lý do tại sao ông hạ thấp mình trước cái quyền lực phủ nhận ông, dẫu sự hạ mình của ông có mạnh mẽ hơn và gay gắt hơn một lời bật thét gào; ông hạ mình bằng tình yêu, bằng cái chết và đặt sự thầm lặng của tình yêu và cái chết đối lập với cái không thể bắt buộc ông lùi bước, bất chấp tình yêu và cái chết, một khi ông tồn tại trong toàn bộ sự độc quyền của mình” (tr.254).

Ba tác giả văn xuôi người Pháp là Sade, Proust và Genet. Trước khi phân tích có tính triết luận về Marquis de Sade (1740-1814), tác giả đã dẫn lời của nhà thơ, nhà phê bình văn học người Anh Algernon Charles Swinburne (1837-1909), người được mệnh danh là“Baudelaire của Anh”, đã phác thảo hình tượng Sade rằng: “Giữa toàn bộ thiên sử thi huyên náo này của đế chế trong những ánh lửa hiển hiện của một cái đầu trời đánh, một bộ ngực vạm vỡ bị những tia chớp xé rạch; một con người với cái chuyên môn trâng tráo rất khủng và cái cười gằn của một bạo chúa khủng khiếp và đầy uy phong; trên những trang viết đáng nguyền rủa này dường như cái vĩnh cửu đang run sợ, từ đôi môi khô nẻ này dường như bật phóng ra hơi thở của một lý tưởng sục sôi. Tiến lại gần và bạn sẽ nghe thấy như trong cái xác thú đẫm máu nhớp nhúa này các huyệt mạch của tâm hồn cả vũ trụ đang xung động và như thể dòng máu thần thánh đang chảy trong những ven căng phồng. Trong đường cống này tinh khiết một màu thanh thiên, nơi chuồng tiêu này có một cái gì đó từ Chúa Trời. Hãy bịt tai lại để không phải nghe tiếng lưỡi lê ghê rợn và tiếng đại bác gầm gào; đừng nhìn vào con sóng cồn của những chiến thắng và thất bại, và khi ấy bạn sẽ thấy như thể từ bóng tối hiện ra lừng lững một bóng ma, chói lòa, không thể diễn tả nổi, bạn sẽ thấy: diện tướng khổng lồ, hung dữ của Marquis de Sade trùm lên cả một thời đại được phủ đầy những chòm tinh tú” (tr.161). Từ đó, ông dẫn lại sự kiện chiếm ngục Bastille khi nổ ra cách mạng Pháp, trình bày những khát vọng hủy diệt trong tư tưởng của Sade, rồi chất thơ trong số phận của Sade (chứ không phải trong tác phẩm), để chỉ ra rằng: “Chúng ta hãy cùng nhất trí rằng, tiếp nhận Sade một cách chân thật và theo đúng nghĩa đen là hoàn toàn vô ích. Có tiếp cận ông từ phương diện nào ông cũng sẽ tẩu thoát. Không thể nhớ một triết lý nào mà ông đặt vào miệng nhân vật của mình (...). Khi thì trở thành một kẻ vô thần, nhưng không phải vì ông là một người điềm tĩnh; chủ nghĩa vô thần của ông thách thức Chúa Trời và báng bổ Chúa” (tr.170-171). G.Bataille đã đi sâu phân tích những trớ trêu trong số phận cuộc đời, sự vận dụng những yếu tố thần bí, kỳ ảo nên thế giới tác phẩm mang tính bạo liệt, mang sức nóng của sự hủy diệt, nhưng mặt khác, “các tác phẩm này, thật sự, cũng khác biệt với cái mà người ta thường coi là văn chương. Chúng như một không gian gồ ghề hoang vắng, xám xịt và buồn chán, khác biệt với phong cảnh đa dạng muôn màu muôn vẻ, mà chúng ta yêu thích, có sông suối ao hồ, đồng ruộng. Nhưng liệu chúng ta có thể hay không đến một lúc nào đó đo lường sự hùng vĩ của cái không gian này” (tr.179). Marcel Proust (1871-1922), tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ Đi tìm thời gian đã mất dài bảy tập với hơn ba nghìn trang, được coi là quá trình tiểu thuyết hóa tư tưởng triết học về thời gian của Bergson (1859-1941) và triết học về cái tiềm thức, cái vô thức của Z.Freud (1856-1939), được bầu chọn là một trong mười cuốn sách Pháp hay nhất cho đến năm 2000 và là một trong mười cuốn tiểu thuyết hay nhất nước Pháp từ trước đến nay. Nhà nghiên cứu Pháp Bernard Raffalli cho rằng “toàn bộ nền văn học Pháp sẽ được đọc trước hoặc sau Proust; cuộc cách mạng tiểu thuyết của Proust được coi như cuộc cách mạng của Copernicus (1473-1543), hay của Einstein (1879-1955)... Cho đến nay, sau Proust, tiểu thuyết Pháp thế kỷ vừa qua chưa từng chứng kiến trở lại hiện tượng nào tương tự mà tác phẩm làm “cạn kiệt” thể loại như thế” [7]. G.Bataille đã từ việc phân tích văn hóa tri thức về tình yêu chân lý, chính nghĩa và chủ nghĩa xã hội, đến các quy luật đối lập luân lý gắn liền với sự vi phạm các nguyên tắc luân lý, công khai cởi bỏ những thể hiện về sự khoái lạc dựa trên ý nghĩa tội lỗi của tình dục, để đi đến khẳng định chính nghĩa, chân lý và dục vọng trong sáng tác của Proust và cũng như nhiều con chiên ngoan đạo khác, ông cũng “chờ đợi từ chân lý một cái gì đó thần thánh” (tr.218). Chính vì thế mà tác giả Đi tìm thời gian đã mất đã trở thành “một trong những người đặt nền móng cho tính huyền thoại về con người trong văn học hiện đại phương Tây” [8]. Một tác giả trẻ hơn trong văn xuôi Pháp thế kỷ XX, là Jean Genet (1910-1986), là người chủ yếu thành công về văn học kịch, với các tác phẩm Đám hầu gái (1947), Diễn viên đi dây (1948), Những người da đen (1959), Ban công (1960), Những vết sẹo (1962). Tiếp tục những luận giải của J.P.Satre về Genet, mà ông gọi là Thánh Genet: “Tôi cho rằng Genet mong muốn trở thành thánh” (tr.310). Bất cứ ở lĩnh vực nào, khát vọng đi đến tận cùng để dẫn đến vượt ngưỡng, cũng dễ phát sinh trong lòng nó điều ngược lại. Những lý giải và phân tích kỹ lưỡng về Genet, từ việc hiến trọn thân mình cho cái Ác, sự độc quyền và tính thần thánh của cái Ác, trượt tới sự phản bội và cái Ác đê nhục, xuất phát từ sự bế tắc của việc vi phạm vô tận các giới hạn, sự giao tiếp bất khả, tác giả nhận ra thất bại của Genet, đi đến nhận thức mang tính lịch sử về sự tiêu dùng không sinh lợi và xã hội phong kiến, tự do và cái Ác, sự giao tiếp thật sự và tính độc đoán...

Ba nhà thơ bị G.Bataille buộc dây treo dốc ngược lơ lửng quanh vòng vây Thiện - Ác, là nhà thơ, họa sĩ người Anh William Blake và hai nhà thơ Pháp thời danh Michelet và Baudelaire. Như đã nói, W.Blake (1757-1827) là một trong ba tác giả người Anh và là nhà thơ trữ tình mà G.Bataille yêu thích. Xuất phát từ cuộc đời và sáng tác của William Blake, ông đi sâu phân tích tính độc đoán của thơ, tìm ra những lý lẽ để giải thích thần thoại thông qua tâm phân học Jung, để rồi soi cái nhìn vào tác phẩm cuộc hôn phối giữa Thiên đường và Địa ngục và cuối cùng đo lường sự tác động của tư tưởng - nghệ thuật Blake và cách mạng Pháp, để nhận diện cuộc đời và tác phẩm: “Thực tế cuộc đời ông không phong phú sự kiện và tất cả trôi qua thế giới nội tâm của ông, nơi những hình ảnh thần bí cư ngụ là sự phủ nhận hiện thực bên ngoài, phủ nhận những quy tắc đạo đức và các trách nhiệm gắn liền với chúng” (tr.127-128). Bởi vì “thế giới nơi chúng ta đang sống không sinh ra những huyền thoại mới, nhưng đằng sau những huyền thoại sinh ra trong thơ ca, nếu như chúng ta là đối tượng của niềm tin, lại là sự trống rỗng” (tr.133). Viết về Michelet (1798-1874), nhà sử học, nhà thơ theo khuynh hướng lãng mạn, từng nổi tiếng với các công trình Lịch sử nước Pháp, Lịch sử cách mạng Pháp và các bút ký về tự nhiên (Chim, Côn trùng, Biển, Núi) và nhiều tiểu luận triết học về Phụ nữ, Tình yêu, G.Bataille cho rằng: “Tôi có cảm giác rằng ông đã lạc lối. Những con đường mà ông đi qua - không chủ định, được vạch nên bởi trí tò mò “không lành mạnh”. Những con đường này dĩ nhiên là con đường của cái Ác. Nhưng không phải cái Ác mà chúng ta đang phạm phải khi dùng vũ lực để gây tổn hại cho kẻ yếu, mà trái lại, là cái Ác đi ngược với quyền lợi của bản thân chúng ta, sinh ra từ khát vọng tự do điên cuồng. Michelet đã nhìn thấy ở đây một lối mòn quanh co mà cái Thiện đã rẽ ngoặt vào” (tr.101-102). Xoay quanh tác phẩm hay nhất của Michelet là Phù thủy, tác giả đã khảo sát sự hiến sinh, phép thuật phù thủy và thánh lễ đen, Thiện, Ác “giá trị” và cuộc đời Michelet, ông chỉ ra rằng: “Ở một phương diện lịch sử, đó là một trong những cuốn sách kinh tởm về địa vị của ma thuật Cơ đốc giáo - nghĩa là trong số những công trình hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của khoa học hầu như không tồn tại trong thể loại này - còn về phương diện thi ca thì là một kiệt tác của Michelet” (tr.102). Đối với Baudelaire (1821-1867), người đã từng khẳng định một cách rành mạch rằng “Thơ là tôn giáo”, điều mà trong tiểu luận có tính tuyên ngôn Nghệ thuật mang tính triết học, Baudelaire cũng đã lý giải một cách dứt khoát rằng: “Nghệ thuật là gì theo cách hiểu hiện đại? Đây là sự sáng tạo ra một thứ ma thuật ám thị chứa đựng đồng thời cả khách thể và chủ thể, thế giới bên ngoài người nghệ sĩ và chính bản thân người nghệ sĩ” (tr.93). Qua hai tập thơ Những bông hoa Ác (1857), được tái bản nhiều lần, mỗi lần được tác giả bổ sung vài chục bài, và Những bài thơ nhỏ trong văn xuôi (1869), Baudelaire đã phát hiện ra những mặt đối lập có ý nghĩa triết học như con người không thể yêu mình đến cùng nếu hắn không tự kết án mình, thế giới tầm thường của hoạt động và thế giới của thơ, thơ luôn luôn theo nghĩa nào đấy là sự đối lập của thơ, Baudelaire và bức tượng của sự bất khả, từ đó mới rút ra ý nghĩa lịch sử của hoa Ác: “Chúng ta nhận thấy ở đây mối quan hệ của cái Ác và thơ: khi, thêm vào đó, thơ lấy cái Ác làm đối tượng thì hai kiểu sáng tạo có trách nhiệm hạn chế sẽ gắn vào nhau và tan ra, chúng ta có hoa Ác. Nhưng sáng tạo cái Ác có cân nhắc, tức một tội lỗi, là sự chấp nhận và thừa nhận cái Thiện; nó đề cao cái Thiện và khi tự coi mình là xấu, nó thừa nhận mình là tương đối và phái sinh, nếu không có cái Thiện nó sẽ không tồn tại” (tr.54-55).

Có thể nói, Văn học và cái Ác không đơn thuần là tác phẩm thuộc tiểu loại phê bình chân dung tác giả, mà là những triết luận liên quan đến nhiều vấn đề lý thuyết và thực tiễn sáng tạo văn chương, về đặc trưng và đời sống nghệ thuật, lại thể hiện ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Người viết dường như bỏ qua các lý thuyết văn chương hiện đại như tượng trưng, siêu thực, trực giác, thực chứng, hiện sinh, phân tâm học, tâm thần học... mà chủ yếu dừng lại để nhận diện từng con người và tác phẩm cụ thể, nhưng lại là những khái quát xác tín, cốt lõi có tính nguyên lý, thể hiện rõ tư tưởng chủ đạo: “Văn học là cơ sở của tồn tại hoặc không là gì. Nó là hình thức thể hiện rõ nét cái Ác, một cái Ác theo tôi nghĩ, có giá trị tối thượng. Quan điểm này không đòi hỏi sự thiếu vắng đạo đức, nó yêu cầu một “siêu đạo đức” (tr.18), như trong Lời nói đầu Bataille đã dẫn luận và dịch giả đã đưa thành lời cuối sách ở trang bìa bốn. Và, vì không có điều kiện và trình độ để tiếp cận trực tiếp tác phẩm của những tác giả mà G.Bataille đã chọn làm đối tượng để nghiên cứu khảo sát, nên khó mà chỉ ra những nhược điểm của công trình này, nhưng tôi vẫn có cảm giác hơi hàm hồ rằng, nhà phê bình văn chương phạm giới của chúng ta vì quá chú trọng đến cuộc đời tác giả mà ít nhiều bỏ quên tác phẩm, rồi đến tác phẩm lại quá chú trọng đến nội dung mà ít quan tâm đến hình thức một cách thích đáng.

3. Cũng trong Lời nói đầu trên đây, G.Bataille còn gợi mở rằng: “Văn học là sự giao tiếp. Sự giao tiếp đòi hỏi sự trung thành: theo đó đạo đức nghiêm khắc được đưa ra xuất phát từ sự đồng thuận trong hiểu biết về cái Ác, đó chính là cơ sở của sự giao tiếp mạnh mẽ” (tr.18). Tôi có thể nói ngay rằng, dịch giả Ngân Xuyên (một bút danh của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên) khi tiếp nhận và giới thiệu Văn học và cái Ác lần đầu đối với độc giả Việt Nam, cũng giữ đúng các nguyên tắc trung thành, nghiêm khắc, đồng thuận, mạnh mẽ mà nguyên tác đã đề ra. Trong Lời giới thiệu sơ lược về tiểu sử, các công trình chính, sự tiếp nhận về tác giả G.Bataille và tác phẩm Văn học và cái Ác, người dịch đã cẩn trọng trình bày rằng: “Văn học và cái Ác là một công trình nghiên cứu quan trọng nhưng không phải là dễ đọc của Georges Bataille. Trong số tám tác giả được Bataille khảo sát nghiên cứu thì gần như hầu hết là chưa có tác phẩm nào của họ được dịch sang tiếng Việt, hay nói cách khác là độc giả Việt Nam hầu như chưa biết gì về họ. Bản thân người dịch cũng chưa hiểu biết nhiều về các tác giả này. Điều này khiến cho trong quá trình dịch, ngoài những khó khăn về ngôn ngữ, thuật ngữ, khái niệm, người dịch còn gặp khó khăn về chính sáng tác của những nhà văn được nói đến” (tr.16). Một người có được công cụ tối ưu, có thể sử dụng được ba thứ tiếng Nga, Pháp, Anh (có thể đối chiếu, so sánh nhiều bản dịch khác nhau) như Ngân Xuyên, và theo tôi biết, anh đã từng là dịch giả của không ít các công trình nghiên cứu, phê bình văn học, lại còn cẩn thận trong các thao tác, rằng “trong bản tiếng Pháp các bài này được kèm theo những chú giải văn bản học chi tiết so sánh bản thảo sơ bộ, bản thảo của sách Văn học và cái Ác và hai văn bản đã công bố trên Critique - một có sửa chữa về sau của Bataille, một thì không. Trong bản dịch tiếng Việt, chúng tôi đã lược đi một số những chú giải này. Khi dịch chúng tôi có tham khảo thêm bản tiếng Nga” (tr.16), làm cho người đọc có thể tin tưởng rằng dịch giả là người trung thành với các nguyên tắc mà nguyên tác và tác giả đã đề ra. Ngay cả phần chú thích, chú giải, tác giả đã cẩn thận, dịch giả lại càng tỏ ra thận trọng hơn.

Như chính một tiểu mục Bataille đã viết về Genet - Sự giao tiếp bất khả, trong đó ông chỉ ra rằng: “Văn học - đây là sự giao tiếp. Nó xuất phát từ một tác giả độc đoán; bằng cách chối bỏ các giới hạn của một độc giả riêng lẻ, nó hướng tới cả nhân loại độc đoán. Tác giả phủ nhận chính mình, tính độc đoán của mình vì tác phẩm, nhưng đồng thời anh ta phủ nhận cả tính độc đoán của độc giả vì sự đọc. Sáng tạo văn chương - theo mức độ mà nó có quan hệ với thi ca - là quá trình độc quyền giữa sự giao tiếp ở dạng một khoảnh khắc ngưng đọng hoặc một chuỗi những khoảnh khắc như thế, và trong trường hợp này ngăn cách sự giao tiếp với tác phẩm, nhưng đồng thời ngăn cách cả với độc giả” (tr.284). Ngày nay, trong quá trình hội nhập và hiện đại hóa văn học, với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của lý thuyết tiếp nhận văn học, không dừng lại ở mức giao tiếp, giao lưu mà còn tạo ra một môi trường văn hóa thẩm mỹ chung của từng khu vực và trên toàn thế giới, càng khẳng định những vấn đề có tính nguyên lý trên đây. Sự tồn tại của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới này, trong đó có con người, là tồn tại cùng, tồn tại với, điều đó thể hiện tính người của con người. Và, chúng ta tin vào điều may mắn ấy. G.Bataille cho rằng, ông “tin vào điều này chính vì: nhân loại hình thành nên không phải từ những cá nhân riêng lẻ, mà từ sự giao tiếp giữa họ với nhau; chúng ta luôn luôn đại diện, ngay cho cả chính mình, thông qua hệ thống giao tiếp với những người khác: chúng ta chìm ngập vào sự giao tiếp, chúng ta hướng tới sự giao tiếp thường xuyên, thậm chí trong sự hoàn toàn cô đơn chúng ta vẫn cảm nhận sự thiếu vắng nó như vô số khả năng đang xuất hiện và như sự chờ mong cái khoảnh khắc nó bật lên tiếng thét mà mọi người đều nghe thấy. Chính vì sự tồn tại mang tính người trong chúng ta, ở những điểm xuất hiện theo chu kỳ, nơi nó chỉ còn là những những tiếng thét, cơn co thắt dữ dội, tiếng cười điên loạn, nơi mà do nhận thức bị phân liệt về tính không thẩm thấu của chúng ta và thế giới chung quanh mà sự hài hòa đã ra đời” (tr.302).

Như đã nói, G.Bataille không chỉ là nhà nghiên cứu phê bình văn học, mà còn là nhà nhân loại học, triết học, kinh tế, lịch sử nghệ thuật và xã hội học. Mỗi tác phẩm của ông là sự xuyên thấm nhiều tầng, nhiều lớp, trầm tích nhiều vỉa tầng tri thức văn hóa. Đọc ông đã khó mà dịch ông càng khó hơn. Chính ông cũng thừa nhận rằng: “Tuyệt đối là vô ích cái việc tìm kiếm ý nghĩa trong tác phẩm văn học, trong đó thường hiển hiện cái điều không có trong thực tế, hoặc là giỏi lắm là có một cái gì đó còn ẩn dấu, chưa kịp xuất hiện cho dù sự kiến lập cực nhỏ chẳng mấy có giá trị” (tr.231). Nhưng ở con người “được coi là một trong những nhân vật quy định cho nền văn minh châu Âu hiện đại”, được Martin Heidegger coi là “bộ óc tư duy xuất sắc nhất của người Pháp” này, tuy mới lần đầu được giới thiệu ở Việt Nam, song vẫn tạo được một niềm tin xác tín rằng, chúng ta có thể tiếp cận được bản chất tinh thần các quan niệm về văn chương phạm giới, các lý thuyết về sắc dục và thần bí của ông, cho dù nó biến hóa kỳ ảo và huyền thoại mang màu sắc văn hóa tôn giáo có tính ma thuật, cũng như tôi tin tưởng vào năng lực chuyên môn của dịch giả Ngân Xuyên, rằng anh đã nắm “thóp” được nó: “Dường như khó có thể tập hợp tất cả những cái viết của Bataille lại để nhìn như một tổng thể. Nhưng sự thống nhất trong sự nghiệp trước tác của Bataille và tính độc đáo của ông là ở chỗ cội nguồn luôn là một, đó là: ý hướng thể hiện cái không thể có được, cái không thể tư duy được, cái không thể nghe thấy được, ý hướng đẩy ngôn ngữ đến tận giới hạn, cố gắng thể nghiệm các ranh giới của tư duy, tìm cách diễn đạt chính xác hết mức có thể cái chết, khoái cảm, nghĩa là tất cả những cái được coi là mất mát” (tr.13). Việc cố gắng chuyển ngữ tác phẩm này để giới thiệu cho độc giả Việt Nam, cũng là một nỗ lực của dịch giả, trên tinh thần và ý hướng biến cái bất khả thành cái khả thể trong thế giới tinh thần đầy năng động, như một sinh thể luôn đòi hỏi phải đi đến tận cùng giới hạn của Bataille.

P.P.P
(TCSH428/10-2024)

_________________

Tài liệu tham khảo

[1] Marguerite, Marie Thiollier (2001), Từ điển tôn giáo, (Lê Diên dịch), Nxb. Khoa học Xã hội, tr.537.
[2] Friedrich Nietzsche (2011), Kẻ phản Ki tô (Lời giới thiệu của Tiến Văn), Nxb. Tri thức, tr.8.
[3] Georges Bataille (2016), Văn học và cái Ác, Nxb. Thế giới. Những trích dẫn có đánh số trang, đều lấy từ sách này.
[4,5] Tzevan Todorov (2008), Dẫn luận về văn chương kỳ ảo (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch), Nxb. Đại học Sư phạm, tr.34-35, 38.
[6] Phùng Văn Tửu (2004), Từ điển văn học, Nxb. Thế giới, tr.158.
[7] Lê Huy Bắc (2011), Văn học Âu - Mỹ thế kỷ XX, Nxb. Đại học Sư phạm, tr.37-38.
[8] Đỗ Đức Hiểu (2004), Từ điển văn học, Sđd, tr.1466.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng