NGUYỄN HỮU SƠN
Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều không chỉ là tác phẩm tiêu biểu bậc nhất cho thể loại ngâm khúc mà đồng thời cũng là tác phẩm xuất sắc trong nền văn học dân tộc giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, có vị trí quan trọng trong chương trình giảng dạy ở Khoa Văn các trường đại học và cao đẳng.
Việc giới thiệu, đi sâu tìm hiểu giá trị nhiều mặt của Cung oán ngâm khúc đã có quá trình và thu được nhiều kết quả. Ở đây chúng tôi không nghiên cứu tác phẩm từ góc độ thi pháp thể loại, thi pháp lịch sử, phương thức tư duy đặc trưng cho một thời đại thi ca mà chủ yếu áp dụng lý thuyết thi pháp thực hiện các thao tác cụ thể: phân lập và hệ thống hóa các tín hiệu thời gian nghệ thuật, cách thức quan niệm và cảm nhận về thời gian, vai trò sự biểu hiện thời gian tâm trạng trong tác phẩm và sự chi phối của yếu tố thời gian với các cách thức biểu hiện khác. Từ trên cơ sở đó góp phần chỉ ra những đặc điểm của mối liên hệ thời gian nghệ thuật với đề tài và những khái quát triết lý trữ tình đặt ra trong tác phẩm.
* * *
Thật không phải ngẫu nhiên mà chữ mở đầu của câu thơ mở đầu tác phẩm Cung oán ngâm khúc lại là Trải - Trải vách quế gió vàng hiu hắt. Ở đây, trải có nghĩa nói về thời gian đã qua, cảm nhận và dẫn giải về khoảng đời mình đã từng sống, đã từng chiêm nghiệm. Đó là khoảng đời của người cung phi sống nơi "vách quế", một khoảng thời gian vô vọng hòa nhập trong không gian của mùa thu tái tê ''Gió vàng hiu hắt".
Con người sống trong hiện tại nhưng không trăn trở nhìn về tương lai mà luôn hoài niệm quá khứ, ấy là con người chất chứa tâm sự buồn thương. Không cảm nhận được sức sống trong thời gian hiện tại, con người quay về ve vuốt những kỷ niệm xa xưa. Đó chính là hiện thực tâm trạng người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc. Sau tám câu thơ mở đầu, hình ảnh người cung nữ thể hiện qua những hồi ức về một thời dung nhan lộng lẫy, tuổi thiếu thời gắn liền với vẻ đẹp thiên nhiên hoa lá, con người đồng nhất với biểu tượng cao đẹp nhất của tự nhiên.
Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa,
Vẻ phù dung một đóa khoe tươi.
Nàng cung nữ - "vườn xuân" khi ấy vẫn là một biểu tượng giá trị vẹn toàn Vườn xuân bướm hãy còn rào. Khi đang được bề trên yêu dấu, nàng cung nữ trở thành nàng "xuân nữ", biểu tượng thời gian duy nhất vẫn là mùa xuân.
Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ,
Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu;
Cành hoa xuân chúm chím chào,
Gió đông thôi đã cợt đào nghẹo mai.
Cả bốn câu thơ đều hàm chứa biểu tượng mùa xuân: loài hoa thược dược, hải đường, cành xuân và thời gian chỉ mùa xuân: xuân tiêu (đêm xuân), gió đông (gió phượng đông gọi xuân về)...
Cho đến phần cuối khúc ngâm, sự biểu hiện thời gian vẫn chỉ là những ký hiệu biểu tượng, tượng trưng đấy thôi, song cách cảm nhận đã có sự thay đổi đáng chú ý. Trong khoảng thời gian hiện tại, tâm trạng nàng cung nữ gắn liền với biểu tượng mùa thu Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu, và Giọng bi thu gọi kẻ cô phòng. Toàn bộ hoạt động của người cung nữ cũng diễn ra trong khoảng thời gian ấy.
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong.
Ở tại lầu chờ ngắm trăng lên, nàng cung nữ bồi hồi, hết đứng lại ngồi, lòng tưởng đâu chớp bể mưa nguồn, ở nơi góc cao hóng gió mà bâng khuâng thức ngủ, cảm nỗi niềm se lạnh gió mùa thu. Bên cạnh sự tăng tiến các biểu tượng mùa thu thì biểu tượng mùa xuân cũng có bước chuyển hóa quan trọng. Bây giờ, mùa xuân chỉ còn là ký ức xa vời, ký ức thời quá khứ. Đã thế, gió xuân, cánh hoa xuân không được cảm nhận như một vẻ đẹp mà lại hàm chứa nỗi bực dọc, day dứt, ý thức bất bình.
Nào dạo lối vườn hoa năm ngoái
Đóa hồng đào hái buổi còn xanh...
Những đặc điểm thời gian nghệ thuật còn được biểu hiện sâu sắc qua các cung bậc tâm lý, thời gian tâm lý và tâm trạng. Lẽ thường các khoảng thời gian hạn hẹp thì trong một ngày, dài rộng thì một đời người thường được phân chia, đo đếm cụ thể thành khắc - canh - ngày - tháng - năm, nhưng tùy thuộc mỗi hoàn cảnh mà lòng người có sự cảm nhận khác nhau. Người xưa có câu "Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" (Một ngày tù dài như ngàn năm ở ngoài) và câu thơ "Sầu đong càng lắc càng đầy - Ba thu dọn lại một ngày dài ghê" (Truyện Kiều - Nguyễn Du) là nhằm chỉ trạng thái thời gian tâm lý ấy. Với người cung nữ, trong từng lúc nào đó chợt bàng hoàng nhớ lại, nàng cảm thấy thời gian vùn vụt trôi qua "Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi", thấy thời gian như vô tình vò xé lòng người bằng chính bước đi gấp gáp của mình.
Mắt chưa nhắp đồng hồ đã cạn,
Cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao.
Nhưng tất cả cách cảm nhận đó mới thoáng qua, bùng cháy trong từng lúc. Thực hiện một phép thống kê, chúng ta dễ dàng thấy rằng việc cảm nhận về thời gian như sự ngưng đọng, dừng lặng, tù túng mới chính là cảm quan chính, giữ vai trò chủ đạo và tạo thành mạch trữ tình chi phối toàn bộ nội dung tác phẩm. Thời gian chờ đợi của người cung nữ được dồn nén trong bước chuyển chậm chạp của sự vật, trong tiếng gió lạnh lùng, tiếng giọt mưa tí tách nhỏ trên tàu lá chuối.
Đêm phong vũ lạnh lùng có một
Giọt ba tiêu thánh thót cầm canh.
Trong khoảng thời gian ảm đạm, thê lương đó thảng hoặc lóe lên niềm hy vọng mong manh, mờ ảo.
- Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần...
Rõ ràng thời gian ở đây tự thân đã bao hàm nỗi cô đơn, trống vắng, thời gian chìm trong giấc ngủ cô đơn (hay giấc ngủ cô đơn chìm trong dòng thời gian lạnh lùng vô vọng), thời gian kết tụ không hề có hoạt động của con người mà chỉ là khung cảnh một bức tranh tĩnh vật Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u. Đặc điểm tạo nên tính đối lập sâu sắc giữa thời gian hiện tại và thời gian quá khứ, giữa hiện thực hôm nay và mơ tưởng về một thời xa xôi; tạo nên những nghịch lý khi thấy thời gian qua nhanh, khi lại thấy quá chậm. Toàn bộ những trạng thái cảm xúc về thời gian đó vừa mâu thuẫn vừa thống nhất với nhau bởi chúng là sản phẩm của cùng một hoàn cảnh, khác chăng là ở sự phân hóa các trạng thái tâm lý, tình cảm. Đến một mức độ nhất định, nội dung trữ tình đó đã thông qua sự cảm nhận về thời gian mà lên tiếng kết án kẻ đã dồn con người vào tình thế cô đơn, bế tắc, mất hết mọi nguồn vui.
Đêm năm canh lần nương vách quế,
Cái buồn này ai dễ giết nhau;
Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!
* * *
Ở trạng thái tâm lý hoang mang cao độ nhất, người cung nữ cảm nhận cả hai chiều thời gian nghịch lý, vừa thấy thời gian qua mau, vừa thấy chúng lặp lại, khép kín đến thành nhàm chán.
Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng,
Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa
Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng,
Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn.
Thời gian vùn vụt trôi nhanh, "nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng". Có điều, dòng thời gian đó chỉ tự thân vận động, trong nó không bao hàm biến cố, sự kiện nào khác, vì lẽ đó, sự thay đổi hoàng hôn - hôn hoàng kỳ thực là sự vận động quay lại cái cũ, sự chờ đợi buổi hôm nay vẫn không khác chút nào so với ngày hôm qua. Thời gian vẫn tiếp tục vận động theo quy luật nhưng đó là thời gian "chết", thời gian trống rỗng. Dòng thời gian đó càng qua nhanh càng làm con người đau khổ, kinh sợ, càng tạo nên cảm giác về sự tàn lụi "nguyệt tà", "hoa rụng" - tàn lụi về nhan sắc, tuổi tác, tàn lụi cả mọi niềm hy vọng. Như vậy, thời gian hiện tại trong Cung oán ngâm khúc biểu hiện sâu sắc trạng thái tình cảm vô vọng, tuyệt vọng, không còn đâu hương sắc sự sống. Đôi câu kết của tác phẩm càng bộc lộ rõ hơn điều này.
Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa.
Thấp thoáng đâu đây một niềm hy vọng mỏng manh. Thực ra đó cũng chỉ là ý nghĩ mơ hồ "phòng khi", mà liền đó là hoài cảm một thời quá khứ "má hồng như xưa". Không hề thấy đâu sự miêu tả về thời gian hiện tại, bởi hiện tại là trống rỗng, thất vọng, chán chường. Đặc điểm này càng cho thấy rõ hơn vai trò của sự biểu hiện thời gian nghệ thuật trong việc phản ánh tâm trạng người cung nữ, phản ánh nội dung trữ tình và nâng cao ý nghĩa khái quát, sức tố cáo của tác phẩm đối với những hành vi vô nhân đạo trong xã hội phong kiến.
* * *
Chừng như có mối liên hệ nội tại giữa các biểu tượng về thời gian trong cuộc đời thường (khắc, canh, ngày, tháng, mùa) với các khái quát có ý nghĩa nhân sinh, triết học cao hơn của một "thời", "thuở".
- Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa
- Trắng răng đến thuở bạc đầu...
Rõ ràng ở đây có sự chuyển hóa việc biểu hiện thời gian thường ngày tới phạm vi thân phận, kiếp đời, kiếp người. Mặt khác, sự mở rộng cảm quan thời gian gắn liền quá trình quan sát, nhìn nhận, xét duyệt lại cuộc đời mình trong mối liên hệ với đời sống xã hội, thế giới tự nhiên. Tần số xuất hiện cao các từ chỉ thị kia, kìa, này... nhằm giới thiệu về các sự vật, hiện tượng.
- Kìa thế cục như in giấc mộng
- Kìa điểu thú là loài vạn vật
- Mùi tục lụy dường kia cay đắng
- Đồ liên chi lần trỏ hoa kia
- Dầu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này...
Từ sự cảm nhận về thế giới bên ngoài, người cung nữ tự phản tỉnh, thấy rõ vạn vật điểu thú cũng có vợ có chồng ; khát khao hạnh phúc bình dị Thà rằng cục kịch nhà quê - Dẫu lòng nũng nịu nguyệt kia hoa này. Người cung nữ không sống trong cuộc đời xao động hiện tại mà sống với ước vọng, hoài niệm, sống trong thời gian quá khứ. Vì lẽ đó nàng cảm cảnh phận mình, luôn luôn trăn trở, luôn luôn trộm nhớ, gẫm, ngẫm.
- Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa
- Gẫm như cân trất duyên này
- Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế
- Chống tay ngồi ngẫm sự đời.
Đó là khoảng thời gian ít sự kiện, hành động, biến cố nhưng lại tràn đầy tâm trạng, nỗi ám ảnh, băn khoăn. Tương đồng với các động từ chỉ trạng thái suy tư trên là sự xuất hiện 8 lần từ nghĩ:
Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang - Nghĩ mình mình lại thêm thương nỗi mình. - Nghĩ thân phù thế mà đau - Nghĩ nên tiếng cửa quyền ôi - Nghĩ mình lại ngán cho mình - Vắt tay nằm nghĩ cơ trần - Từ sự ngẫm - nghĩ đó tất yếu nảy sinh sự đối chiếu, so sánh và nghiêm khắc đặt ra câu hỏi.
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ,
Xe thế này có dở dang không!
Nếu ở đôi câu thơ trên còn thở than, trách đấng siêu nhân lỡ để mình duyên phận hẩm hiu thì đôi câu thơ sau đã phát hiện rõ vấn đề, trúng đối tượng. Mặt trời - nhà vua từng một thời cùng tôi "cười sương cợt tuyết" mà nay coi thường, rẻ rúng. Lỗi ấy vì ai đâu? Ai đã làm cả một đời người thành tàn tạ, khổ đau? Câu trả lời tự đã rõ. Đó chính là nhà vua, kẻ quyền uy ăn chơi vô độ, ích kỷ và nhẫn tâm.
Phù hợp với tâm trạng cô đơn, khổ đau vô vọng của người cung nữ là tiếng nói triết lý trữ tình, những lời chiêm nghiệm, đúc kết, khái quát có ý nghĩa triết học về nhân sinh. Tiếng nói triết lý trữ tình đó có thể nhằm bộc lộ tâm sự người cung nữ, song cũng có thể là lời bình luận trữ tình ngoại đề của chính tác giả. Xét ở phạm vi nhất định, thông qua suy nghĩ của người cung nữ, tác giả đã thể hiện quan niệm về mối quan hệ giữa vật chất và đời sống tinh thần gần gũi với tư tưởng nhân dân lao động.
Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm,
Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon.
Cùng nhau một giấc hoành môn,
Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.
Người dân nghèo hiểu rõ rằng miếng ăn cầu xin ở kẻ quyền quí phải trả giá bằng cuộc đời tôi đòi, nhẫn nhục. Họ muốn sống một cuộc đời bình dị, có phần "an phận thủ thường" với món rau hoắc lê thanh đạm, với khung cửa hoành môn đơn sơ, với đàn con “lau nhau ríu rít”. Dẫu sao đó cũng chỉ là mơ ước xa xôi, còn cuộc đời đích thực vẫn là vô vọng, con người chỉ là một thực thể bé nhỏ, yếu đuối giữa cõi đời rộng lớn.
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.
Con người cá nhân ở đây được cảm nhận như một thứ bọt bèo nổi trôi vô định, một hình bóng nhạt nhòa trong đêm tối, chịu sự điều khiển của tạo hóa siêu hình. Con người khi đã không thấy được niềm tin và sức mạnh ở chính mình thì chỉ thấy sống là khổ đau, sống là mối ràng buộc tạm thời. Họ nhận thức về mình như sự tự ý thức về thân phận, nỗi khổ, ảo ảnh cuộc đời.
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.
Cuộc đời con người, rút cuộc lại, từ lúc mới sinh ra đã là đau khổ; cho đến hết cuộc đời trở về trong một nấm cỏ xanh. Đời người là vô định. Cái khoảng thời gian trăm năm chỉ là thoáng chốc. Đời người là hữu hạn. Không ai có thể cầm chắc được hạnh phúc trong tay. Rõ ràng những cách cảm nhận như thế của người cung nữ về cuộc đời đã chi phối chặt chẽ nội dung trữ tình của tác phẩm. Người cung nữ sống trong thời gian mà luôn luôn hoài niệm về quá khứ, luôn luôn vươn tới những ấn tượng, những khái quát triết lý trữ tình mang tính chất phi thời gian, tính chất muôn thuở như sự sống, cái chết, tính tương đối của sự sống và tính tuyệt đối, vĩnh hằng của cái chết.
* * *
Viết Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều không chỉ viết riêng về cuộc đời bất hạnh của người Cung nữ mà thông qua đó bộc lộ những phẫn uất, bất bình của mình trước xã hội đương thời. Trên phương diện nghệ thuật, cách thức cảm nhận và biểu hiện thời gian tâm trạng đặc biệt có ý nghĩa trong việc mô tả nỗi lòng người cung nữ và những nhận thức về xã hội, nhân sinh. Toàn bộ những khối mâu thuẫn đó đã được chuyển đổi thành nghịch lý trong sự biểu hiện thời gian tâm trạng, thời gian nghệ thuật: con người luôn mơ tưởng về quá khứ chứ không phải về tương lai; hy vọng về tương lai chỉ là vòng khép trả về với quá khứ, mong được như thời quá khứ. Tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều lớn lao bởi chính tác giả đã cảm nhận được nỗi đau của thời đại, gián tiếp phát hiện và khẳng định quyền được sống, được hưởng mọi hạnh phúc của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế này. Cho đến nay, mặc dù cách thức quan niệm của chúng ta về cuộc sống đã đổi khác nhiều, nhưng tư tưởng nhân văn và nghệ thuật viết văn bậc thầy của Nguyễn Gia Thiều còn là bức thông điệp không dễ giải mã, một giá trị tinh thần truyền mãi tới mai sau.
N.H.S
(TCSH59/01-1994)