Nghiên Cứu & Bình Luận
Nửa thế kỷ văn học Việt Nam (1975 - 2025), một phác thảo mở(1)
09:44 | 28/04/2025

LÊ HỒ QUANG

Chỉ cần nhìn qua danh mục các công trình nghiên cứu (bao gồm hơn 30 tác phẩm in riêng và chủ biên), có thể thấy gần như cả cuộc đời nghiên cứu của GS Phong Lê gắn liền với văn học Việt Nam hiện đại.

Nửa thế kỷ văn học Việt Nam (1975 - 2025), một phác thảo mở(1)
Ảnh: tư liệu

Các công trình nghiên cứu, phê bình của ông tập trung vào hai hướng chính: a) Khảo sát các khuynh hướng vận động, các vấn đề, hiện tượng văn học nhằm nhận diện và khái quát các quy luật, đặc trưng của văn học; b) Nghiên cứu các tác giả văn học nổi bật, gắn liền với từng thời kỳ, giai đoạn văn học, qua các tác giả tiêu biểu để xác định diện mạo và đóng góp của các giai đoạn, thời kỳ văn học. Bám sát tiến trình và hiện tượng văn học, đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng với hoàn cảnh chính trị, văn hóa - xã hội phát sinh để cắt nghĩa và lý giải, các tác phẩm nghiên cứu, phê bình của ông thường đem lại cái nhìn mang tính toàn cảnh, bao quát và hệ thống về đối tượng nghiên cứu. Điều này cũng thể hiện rõ trong công trình mới nhất của ông bàn về văn học Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay.  

Có thể nhận ra tính chất tổng hợp và khái quát của cuốn sách trên nhiều phương diện, từ bố cục, cấu trúc đến các nội dung trình bày, triển khai. Với hơn 300 trang in, ngoài Lời đầu sách, phần MởKết sách, công trình được chia thành ba phần, cụ thể như sau: Phần 1: Tổng quan; Phần 2: Các mối quan hệ trong đối ứng và tương tác; Phần 3: Về vị trí của giới trí thức và về vai trò của văn hóa, văn học - nghệ thuật… Đấy là một cấu trúc mạch lạc, chặt chẽ, vừa đáp ứng mục tiêu bao quát đối tượng, đồng thời, vẫn đảm bảo tính mở, tính linh hoạt, cho phép tác giả tập trung vào những điểm chính yếu mà ông quan tâm, tâm đắc. Để cung cấp một cái nhìn mang tính toàn cảnh về văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, ở phần Tổng quan, tác giả đã trình bày giản lược nhưng sáng rõ về những thành tựu của hơn một thế kỷ văn học Việt Nam hiện đại, nhằm giúp người đọc hình dung ra bối cảnh và diễn trình lịch sử văn học Việt Nam hiện đại mà giai đoạn văn học sau 1975 vừa nêu là một bộ phận khăng khít không thể tách rời. Ở đây, các phần viết (được đánh theo số thứ tự) bàn về văn học với khát vọng độc lập tự do trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975); Góc khuất 8 năm văn học Hà Nội trong chống Pháp (1947 - 1954) và 20 năm văn học miền Nam trong toàn cảnh cuộc chiến đấu chống Mỹ (1956 - 1975) qua tấm gương nghiên cứu phê bình; đến với những mô tả về văn học từ Đổi mới đến Hội nhập; tiếp đến là những chuyển đổi trong văn học mở đầu thế kỷ XXI nhìn từ phương diện cảm hứng, thế hệ viết (sáng tác) hay phê bình… Có thể hình dung đấy như những mảnh ghép cốt lõi tạo nên diện mạo khá toàn diện và sắc nét của hơn một thế kỷ văn học Việt Nam hiện đại, giúp nhận ra mạch vận động, mối quan hệ biện chứng giữa bối cảnh lịch sử và các hiện tượng văn học tương ứng, cũng như những thời điểm và giai đoạn văn chương đáng/ cần chú ý. Không khó để nhận ra, khi đặt trên nền bối cảnh văn học Việt Nam hiện đại với nhiều khúc quanh, lối rẽ, văn học Việt Nam giai đoạn 1975 - 2005 vẫn mang diện mạo riêng, có tính đặc thù, xuất phát trên bối cảnh xã hội, kinh tế, văn hóa, công nghệ tương ứng và sự vận động nội tại.

Thế mạnh của một chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại - với quá trình lao động nghiên cứu miệt mài và hàng loạt công trình nghiên cứu, phê bình chuyên sâu - khiến GS Phong Lê có khả năng nắm bắt và khái quát rất nhanh, trúng đặc điểm của các hiện tượng văn học mà không nhất thiết lúc nào cũng phải dẫn giải minh chứng. Đồng thời, ý thức kết hợp giữa việc cảm thụ về các hiện tượng văn học với các thao tác, phương pháp tiếp cận, nghiên cứu (phổ biến là phương pháp nghiên cứu lịch sử) khiến những mô tả, khái quát, định giá của ông có căn cứ và điểm tựa khoa học. Ông thường dùng một số từ ngữ cô đọng, hàm súc, có thể hình dung chúng như những “từ khóa” để nhận diện và chính xác hóa, cố định hóa đối tượng. Chẳng hạn, để xác định diện mạo và quá trình vận động của văn học Việt Nam ở thế kỷ XX, ông khẳng định sự hiện thân, hóa thân của chúng nằm trong “một chữ hóa, một động từ hóa”, “là đặc trưng của thế kỷ XX, thế kỷ sôi động và đầy ắp những chuyển động theo gia tốc lớn của lịch sử”2. Cụ thể, đó là “Thực dân hóa (gắn với hai cuộc khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây); là “Hiện đại hóa” (gắn với bối cảnh đời sống văn hóa, tinh thần như một hệ quả vừa cưỡng chế vừa tự nguyện trong thời đại đế quốc chủ nghĩa”3; là “Cách mạng hóa” với đỉnh cao tháng Tám - 1945; là “Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa” nhằm xây dựng nền móng cho nền văn hóa mới sau 1945; là “Kháng chiến hóa văn hóa và Văn hóa hóa kháng chiến nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi; “Hợp tác hoá, Công nghiệp hóa, Điện khí hóa” trong những năm 60, 70… Sau tất cả, là “Toàn cầu hóa”4, cùng với công cuộc đổi mới đất nước vào cuối thế kỷ XX, cuộc hội nhập từng bước với nhân loại trong cuộc Cách mạng thông tin. Các hiện tượng văn học được đặt trong diễn trình lịch sử, trên nền bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội tương ứng, được cắt nghĩa, lý giải từ quan điểm nghiên cứu biện chứng, khoa học. Ý thức về độ phức tạp của đối tượng, tính chất tổng kết của công trình và giới hạn phạm vi tiếp cận của cá nhân người nghiên cứu (được ông nói tới nhiều lần trong công trình này) tạo nên một cái nhìn khách quan, chừng mực, không cứng nhắc, cực đoan.

Một trong những điểm nhấn của cuốn sách là phần bàn về các “góc khuất” trong văn học chống Pháp (1947 - 1954) và văn học miền Nam (1956 - 1975). Với một cái nhìn khoa học, cởi mở, GS Phong Lê khẳng định: “Nhưng điều quan trọng hơn, sau yêu cầu nhận thức toàn diện, đầy đủ mọi bộ phận cấu thành của nó, là một chuyển đổi trong cách nhìn, đánh giá để bớt dần những nghiệt ngã khe khắt ban đầu do sự chi phối của cuộc đấu tranh ý thức hệ và cuộc đối đầu giữa hai phe trên toàn thế giới - trong suốt hành trình lịch sử từ sau 1945 đến 1990”5. Một cách tiếp nhận, đánh giá khách quan, khoa học đối với các hiện tượng văn học - vốn bị xem là “góc khuất”, “nhạy cảm” trước đây - theo ông, là hết sức cần thiết, điều đó làm cho “di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc sẽ càng giàu có hơn rất nhiều”6. Hiện lên trong các trang sách là chân dung một nhà nghiên cứu có kiến văn rộng rãi, am hiểu sâu sắc văn học hiện đại Việt Nam, đã theo sát và gắn bó với nhiều thế hệ tác giả. Văn phong phê bình của ông tự nhiên, giản dị nhưng giàu hình ảnh và tính chủ thể. Ông thường sử dụng cấu trúc trùng điệp và cách nói nhấn mạnh, nhằm tạo ấn tượng và nhạc tính. Đằng sau những thông tin khoa học, ta nhìn thấy một tâm nguyện tha thiết của một người viết một đời dốc lòng gắn bó với văn chương, hiểu đời, hiểu người, hiểu mình; hiểu những gì đã làm, có thể làm và cả những giới hạn không thể tránh khỏi. Ông tin vào văn chương, tin vào thế hệ những người viết mới với tấm lòng đôn hậu, chân thành; mong mỏi, khao khát những thành tựu mới, thực sự có giá trị, đáp ứng yêu cầu của thời đại, dù vẫn còn đó những mối băn khoăn, nghi ngại, ưu tư. Thái độ chọn đối thoại với người viết trẻ (trường hợp tác giả Hoàng Đăng Khoa là một ví dụ) thật thẳng thắn mà cũng thật thấu hiểu, trân trọng.

Văn học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX đến nay, trên thực tế, đã được nghiên cứu khá sâu trên nhiều phương diện, vấn đề, hiện tượng... Nhiều lý thuyết hiện đại đã được vận dụng để tiếp cận, nghiên cứu đối tượng này, mở ra nhiều cách lý giải và đánh giá mới, phong phú, đa chiều. Dẫu vậy, đây vẫn là một đối tượng nghiên cứu rộng lớn và phức tạp. GS Phong Lê ý thức rất rõ về điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà tên cuốn sách lại là Phác thảo của phác thảo, nửa thế kỷ văn học Việt Nam trong hòa bình - đổi mới và hội nhập (1975 - 2025). Cũng không ngẫu nhiên mà cụm từ “phác thảo” (thậm chí là “phác thảo của phác thảo”), “cảm nhận sơ bộ”, “một ít ghi chép chủ quan” xuất hiện ngay từ trong tiêu đề cuốn sách và không ít lần trong nội dung. Tên gọi ấy cho thấy đối tượng, mục đích cũng như tâm thế, hướng tiếp cận của tác giả, được ông nói rõ ngay trong Lời đầu sách: nhằm “nhìn lại nửa thế kỷ văn học Việt Nam”, tính từ năm 1975 đến nay, một hoạt động tổng kết, đánh giá cần thiết cho một quá trình đọc, trải nghiệm, nhận thức “trong tư cách một người đọc chuyên cần”. Đó là lý do vì sao nội dung của công trình đặt ra và hướng về nhiều vấn đề có tính khái quát, ví dụ, tổng quan về thành tựu, diễn trình và các vấn đề, hiện tượng văn học nổi bật; các mối quan hệ trong đối ứng và tương tác; vị thế của giới trí thức và vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật… Dẫu vậy, đi cùng với mục tiêu đó là “một tâm trạng e ngại”, bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, bởi mọi tham vọng tổng kết rất cần những khoảng lùi. Thứ hai, với bản thân người viết, việc tổng kết một thời kỳ văn học 50 năm là một công việc “đối với tôi là rất khó”, và “trong gắng gỏi để không quá lạc hậu với thời cuộc”, ông “chỉ mong xem đây là một ít ghi chép chủ quan cho riêng mình về những chuyển động mới của văn học”7. Rõ ràng, hơn ai hết, tác giả ý thức rất rõ về độ phức tạp của đối tượng cũng như những đòi hỏi tất yếu về khối lượng công việc và các thao tác khoa học phải thực hiện. Tuy nhiên, với ông, quan trọng hơn cả, “lịch sử (hoặc quá khứ) luôn luôn là điểm tựa, là chỗ dựa chứ chưa bao giờ là nơi giam giữ tương lai”8. Đây là một quan điểm hoàn toàn xác đáng. Cuốn sách này, vì thế, thể hiện niềm “mong mỏi được chứng kiến sự thay thế, sự chuyển giao” giữa các thế hệ sáng tác, trong xu hướng vận động đi lên mang tính tất yếu của văn học Việt Nam hiện đại. Trên thực tế, cuốn sách là một lời kêu gọi tiếp cận mở chứ không phải là một sự kết luận hoàn tất, đóng kín. Dẫu vậy, tính chất phác thảo và tổng quan - xuất phát từ mục đích và ý thức, tâm thế tiếp cận hết sức rành rõ của tác giả - tự nó lại tạo nên giới hạn và rào cản nhất định đối với chính hoạt động phê bình, khiến ông khó đi sâu vào việc phân tích các trường hợp cụ thể, làm điểm tựa cho sự khái quát hóa. Những nghiên cứu về văn học Việt Nam sau 1975 của ông chủ yếu dừng lại ở ngưỡng cuối thế kỷ XX về trước và có phần “ưu ái” hơn với những tác giả, tác phẩm đã có vị trí tương đối ổn định trên văn đàn. Quả thực, người đọc vẫn mong chờ được tiếp xúc nhiều hơn với những hiện tượng tác giả, tác phẩm giai đoạn đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là các hiện tượng phức tạp, gây tranh cãi gay gắt, không hiếm gặp trong thời gian gần đây và những lý giải, đánh giá cần thiết từ phía nhà phê bình.

Viết - với GS Phong Lê - chính là Sống, một hình thức sống vẹn tròn và thiết tha, đẹp đẽ nhất. Cuốn sách chốt lại một hành trình đọc và viết lâu bền, tận tụy của ông, người luôn thấy văn chương là ý nghĩa tồn tại đích thực của đời mình, đồng thời, cùng với văn chương, đã trải nghiệm biết bao ấm lạnh của đời văn, đời người. Những hiểu biết, trải nghiệm nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn đó đem lại cho ông một tâm thế viết khoan hòa, bình tĩnh, dù vẫn luôn khao khát một sự thấu hiểu, chia sẻ. Với ông, Văn không chỉ là văn, mà hơn thế - Văn là Đời, là Người. Ông mong muốn cống hiến, chia sẻ, đồng thời luôn ý thức về sự khác biệt và sự cần thiết phải đổi mới, thay thế như một quy luật tất yếu của sự phát triển văn học. Cuốn sách, do đó, mang lại những khái quát đầy ý nghĩa về nửa thế kỷ văn học Việt Nam trong hòa bình - đổi mới và hội nhập (1975 - 2025), mở rộng thêm nhận thức, suy tư về những yếu tính để tạo nên một nền văn học dân tộc thực sự hiện đại, văn minh, dân chủ và tiến bộ. Với ý nghĩa đó, cuốn sách, như tác giả nhấn mạnh một cách khiêm nhu, nhún nhường, là “phác thảo của phác thảo”, nhưng là một phác thảo mang tính toàn cảnh về một giai đoạn lịch sử văn học cần thiết phải quan tâm, chú ý hiện nay. Đó cũng là một bản phác thảo mở, kêu gọi những bước tiếp tục của người đọc, người viết về văn học Việt Nam đương đại. Là một công trình khoa học, cuốn sách cũng cho thấy rõ chân dung chủ thể người viết phê bình ẩn sau từng trang sách: nhạy bén, ưu tư nhưng cũng đầy thiết tha, nồng nhiệt, chưa bao giờ nguôi lặng tình yêu và mối quan tâm với văn chương, đời sống, con người.

L.H.Q
(TCSH56SDB/03-2025)

----------------------
1 Về công trình nghiên cứu, phê bình của GS Phong Lê: Phác thảo của phác thảo, nửa thế kỷ văn học Việt Nam trong hòa bình - đổi mới và hội nhập (1975 - 2025), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2024.
2 Phong Lê (2024), Phác thảo của phác thảo, nửa thế kỷ văn học Việt Nam trong hòa bình - đổi mới và hội nhập (1975 - 2025), Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2024, tr.11.
3 Phong Lê (2024), Sđd, tr.12.
4 Phong Lê (2024), Sđd, tr.12.
5 Phong Lê (2024), Sđd, tr.57 - 58.
6 Phong Lê (2024), Sđd, tr.58.
7 Phong Lê (2024), Sđd, tr.58.
8 Phong Lê (2024), Sđd, tr.8.

 

Các bài đã đăng