Nghiên Cứu & Bình Luận
Một số đặc điểm của văn xuôi Ivan Bunhin
08:40 | 03/09/2009
HÀ VĂN LƯỠNG1. Ivan Bunhin (1870-1953) là một nhà văn xuôi Nga nổi tiếng của thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông trải qua những bước thăng trầm gắn với nhiều biến động dữ dội mang tính chất thời đại của nước Nga vào những năm cuối thế kỷ XIX và mấy chục năm đầu thế kỷ XX.
Một số đặc điểm của văn xuôi Ivan Bunhin
Văn hào Ivan Bunhin - Ảnh: benpfeiffer.net

Do những hạn chế về thế giới quan của nhà văn nói riêng và của một bộ phận trí thức Nga xuất thân từ tầng lớp quý tộc Nga nói chung đối với việc nhìn nhận và đánh giá sự kiện Cách Mạng Tháng Mười, cho nên I.Bunhin rời Nga từ năm 1920 sang sống ở Pháp và mất tại đây vào năm 1953. Vì thế, sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn: thời kỳ ở trong nước và thời kỳ ở nước ngoài. Mặc dù sống và sáng tác ở những điều kiện khác nhau nhưng nổi bật trong toàn bộ văn xuôi của I.Bunhin là tấm lòng yêu thương đối với nước Nga, con người nông thôn Nga và thiên nhiên Nga. Và “những gì Bunhin viết ra thời kỳ Bunhin còn ở trong nước đến khi ở đất khách quê người đã thực sự trở thành một phần hữu cơ trong giá trị văn hoá, tinh thần quý báu của dân tộc Nga, một đóng góp vào kho giá trị tinh thần chung của nhân loại”.

Văn xuôi của I.Bunhin đụng chạm đến nhiều lĩnh vực trong đời sống của con người. Những vấn đề về lịch sử, đời sống sinh hoạt, triết học và chính trị, kinh tế và đạo đức, tôn giáo và văn hoá, cùng các mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, đời sống tâm lý con người và hiện thực... tất cả những cái đó đựơc nhà văn” thể hiện một cách tài tình, hấp dẫn với đủ loại sắc màu, âm nhạc, hương vị vừa chân thực cao độ vừa bi thảm quyết liệt vừa đầy tinh thần lạc quan yêu đời”. Truyện ngắn của I.Bunhin là một đại dương mênh mông mà muốn hiểu được nó đòi hỏi người đọc phải có một vốn kiến thức khá rộng về văn học Nga, và có khả năng suy nghĩ về nước Nga trong quá khứ, hiện tại và tương lai với nhiều mối quan hệ chằng chịt, phức tạp vừa có tầm quy mô lớn vừa mang tính chi tiết, cụ thể.

Tuy viết nhiều nhưng cho đến nay những tác phẩm của I.Bunhin được dịch ở Việt Nam còn quá ít ỏi. Chính vì thế, bài viết của chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu một số đặc điểm về nội dung và những hình thức nghệ thuật đặc sắc mà tác giả thể hiện nhằm khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà văn nổi tiếng được giải Nobel văn chương vào năm 1933.

2. Ivan Bunhin” là bậc thầy trong văn xuôi Xô Viết hiện đại” (M.Gorki). Ông không chỉ là người kế tục và phát huy những truyền thống của truyện ngắn Nga các giai đoạn trước mà nổi bật là Puskin, Turghênhép, Gôgôn, L.Tônxtôi, Chêkhốp...mà còn là con người có những cách tân đối với thể loại truyện ngắn. Có thể nói, sau khi Chêkhốp qua đời thì chính I.Bunhin là người tiếp tục mang lại sự đổi mới cho truyện ngắn Nga. Truyện ngắn của I.Bunhin lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ, giàu chất thơ trong cảm xúc và lời văn thể hiện sự khúc chiết, sắc sảo của một nhà triết học. Mỗi truyện ngắn của ông là một áng văn xuôi lại vừa như một bài ca trữ tình. Nhà văn đã viết chúng bằng tất cả trí tuệ và trái tim của một nhà tư tưởng, một nhà triết học, một nhà văn và một nhà thơ đầy tài năng. Khi nói đến văn xuôi I.Bunhin, L.Tônxtôi đã thừa nhận rằng ”I.Bunhin viết hay đến nỗi mà cả Turghênhép cũng không viết được như thế chứ đừng nói gì tôi”. Trong nội dung phong phú và đa dạng của văn xuôi I. Bunhin nổi bật là bức tranh thiên nhiên Nga, hình ảnh đời sống nông thôn Nga và con người Nga.

2.1. Viết về thiên nhiên Nga là một đề tài khá quen thuộc đối với các nhà văn Nga. Những trang viết của Puskin. Turghênhép thấm đẫm chất trữ tình, lãng mạn đã phác hoạ lên những bức tranh thiên nhiên Nga tươi đẹp. Văn xuôi của I. Bunhin mang hơi thở của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và những vùng thảo nguyên mênh mông lộng gió; những rừng bạch dương trải dài chạy tít tắp; những cánh đồng tuyết phủ, thấp thoáng ánh trăng và những sao sáng trên bầu trời và những cây sồi già vững chãi trụ vững trong giông bão... Những bức tranh thiên nhiên trong văn xuôi I.Bunhin hiện lên đa màu sắc, đẹp và buồn bao giờ cũng gắn với tâm trạng của con người. Cũng như tác giả, người đọc cảm nhận thiên nhiên trong tác phẩm của ông bằng tất cả các giác quan của mình. Đó là một thế giới huyền diệu đủ mùi vị, hương sắc và âm thanh. Bằng sự tinh tế trong cảm xúc và sự rung động của tâm hồn, Bunhin đã nghe được tiếng “reo vui “ của vạn vật. Một tiếng rơi khẽ của chiếc lá, một thoáng bồi hồi với ánh trăng khuya cũng làm cho Bunhin xao xuyến cả cõi lòng. Hương táo vào buổi ban mai và những tối mùa thu lan toả một mùi hương nhè nhẹ khắp không gian làm cho con người cảm thấy lâng lâng, khoan khoái. Mở đầu một ngày mới được tác giả miêu tả: “Buổi sáng đã đến trong ánh mặt trời vui tươi. Bầu trời xanh lơ với đường chân trời màu da cam cũng đã ngó vào trong cổng với dáng vui vẻ, trẻ trung. Những hạt sương lạnh lấp lánh trên ngọn cỏ”(Cỏ gầy).

Một huyện lỵ Nga vào ”những buổi sáng nắng nóng hạnh phúc với tiếng chuông nhà thờ, với cái chợ ở bãi trống trước khách sạn, với mùi cỏ khô, mùi nhựa chưng với lại tất cả những gì là phức tạp thơm tho của huyện lỵ Nga” (Say nắng). Và khi mặt trời đã khuất phía bên kia thảo nguyên thì ”bóng hoàng hôn tăm tối của mùa hạ đã dần tắt xa ở phía trước, mơ màng phản chiếu muôn màu trên con sông, đây đó còn lấp loáng ánh nước gợn lung linh ở đằng xa dưới bóng hoàng hôn và những đốm lửa rải rác trong bóng tối xung quanh cứ trôi, trôi mãi trở lại phía sau”(Say nắng). Ở đây, Bunhin đã gợi lên một cảnh hoàng hôn thật đẹp, lung linh nhưng thoáng chút buồn. Chính tình yêu nước Nga máu thịt đó đã làm cho những trang viết của ông về thiên nhiên vừa sống động, nên thơ vừa chan chứa tình người. Một đêm thảo nguyên hiện ra thật trữ tình nhưng thoáng buồn man mác: “Đâu đấy tất cả đều câm lặng và thoáng đãng, yên tĩnh và buồn bã - cái buồn của đêm thảo nguyên Nga, của thành phố thảo nguyên đang ngủ. Chỉ có những khu vườn là còn khe khẽ, nhè nhẹ rung rinh lá cành dưới làn gió tháng bảy đìu hiu, đều đặn”, và “mặt trăng vành vạnh như những tấm gương sáng tròn nổi luồn lách giữa những tán lá đen xịt” (Canh khuya).

Màu sắc, ánh sáng, âm thanh và mùi vị trong văn xuôi Bunhin đã tạo nên những bức tranh thiên nhiên thanh thoát, trữ tình. Về vấn đề này, nhà văn K.Pautốpxki đã từng nói: ”Thế giới được tạo ra từ vô số sự kết hợp màu sắc ánh sáng. Người nắm bắt được dễ dàng và chân xác những sự kết hợp đó là người hạnh phúc nhất”. Chính sự nắm bắt và hoà trộn một cách tinh tế màu sắc và ánh sáng thông qua các giác quan đã tạo nên ở Bunhin những trang viết sinh động giàu chất thơ. Đó là sự kết hợp giữa cái nhìn tinh tế của tâm hồn một nhà thơ đa cảm với lối suy tư về cuộc đời mang tính triết lý. Vì vậy, chỉ những giọt mưa rơi cũng làm lên điệu nhạc và sự lay động của những cành cây non cuốn theo chiều gió cũng được ví như những vũ điệu của người nghệ sĩ múa. Cảm nhận về thiên nhiên dù là mùa xuân tươi đẹp, mùa hạ ấm áp và mùa thu lá vàng rơi và mùa đông lạnh lẽo, băng giá; hay viết về các cảnh sắc của vạn vật... I.Bunhin thường đón nhận nó bằng cả tấm lòng nồng nàn trân trọng và với một nỗi buồn sâu lắng. Đó là nỗi buồn của một tâm trạng cô đơn, của niềm yêu thương tha thiết đối với quê hương đất nước, nhưng lại luôn mặc cảm với cuộc đời. Vì thế, nét đẹp độc đáo trong văn xuôi viết về thiên nhiên của Bunhin là nỗi buồn và thơ mộng. Thiên nhiên gắn chặt với con người với cái nghèo, với những căn nhà gỗ, chiếc ấm xamôva và tượng chúa. Sự ra đi của một ông lão thật nhẹ nhàng yên tĩnh và nhòa đi trong màu tuyết phủ: ”Bác đã qua đời trong một căn nhà gỗ tối tăm yên tĩnh mà ở ngoài ô cửa sổ bé nhỏ của ngôi nhà ấy trận tuyết đầu mùa đang nổi lên mờ trắng êm ả đến nỗi bà lão không hay biết gì cả” (Cỏ gầy). Phải là người tha thiết với quê hương đất nước, thấu hiểu hết quy luật của tạo hoá và có tâm hồn nhạy cảm như Bunhin mới viết lên được những dòng cảm xúc về con người và thiên nhiên sâu sắc đến như vậy.

2.2 Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi Bunhin là nhà văn của nông thôn Nga. Trong văn xuôi Bunhin, nông thôn Nga hiện ra một cách thú vị, êm đềm và hầu như ít có những xáo động lớn. I.Bunhin đã nhìn thấy cái tốt đẹp ở nông thôn: đồng thời biết khơi dậy các giá trị nhân văn, những nét đẹp văn hóa tiềm ẩn trong chiều sâu thiên nhiên và con người mà không phải ai cũng viết được. Nếu ở thơ ca, Xécgây Êxênhin được mệnh danh là “nhà thơ cuối cùng của đồng ruộng Nga” viết lên những vần thơ chan chứa tình người gắn với ”nước Nga vàng” thì trong thể loại truyện ngắn, I.Bunhin là người “viết về nông thôn sâu sắc, có tính chất lịch sử mà chưa có ai viết được như thế” (M.Gorki). Là người sinh ra và lớn lên giữa lòng thiên nhiên Nga tươi đẹp (ở tỉnh Vôrônét thuộc miền trung Nga), Bunhin gắn bó và am hiểu rất rõ đời sống của con người và cảnh vật nông thôn. Chính “Trong vùng lửa thảo nguyên bao la, giữa vùng đất cực kỳ màu mỡ và giữa những căn nhà gỗ nghèo nàn của nông thôn, tâm hồn chàng thanh niên đã cảm thụ được cái đẹp và buồn của nước Nga, cái bí ẩn bi thảm của lịch sử, tính cách dân tộc Nga”. Quang cảnh nông thôn vào mùa thu tháng tám ”đã có những trận mưa nhỏ ấm áp và những trận mưa này cố tình rơi xuống cho dân cày cấy” và “không khí trong trẻo đến nỗi hệt như hoàn toàn không có nó nữa, khắp khu vườn âm vang tiếng cười nói, tiếng xe ngựa tải kèn kẹt. Ấy là những nhà tiểu thương những thị dân trồng vườn đã thuê được nông dân” (Những quả táo Antônốp). Không khí ngày mùa tấp nập nhộn nhịp của những người đi thu hoạch hoa quả trong “một buổi sớm mai yên tĩnh... ở khu vườn lớn đã khô lá khoác bộ áo màu vàng óng... có lối đi giữa hai hàng cây phong thoáng mùi thơm nhẹ nhàng của lá rụng và mùi táo Antônốp” (Những quả táo Antônốp).

Hình ảnh căn nhà gỗ thông cổ kỹ, chiếc ấm xamôva mốc xanh, những bát đĩa, chiếc hòm gỗ, những đồ đạc linh tinh cũ nát, chiếc bánh mỳ khô và những củ khoai tây nóng trong truyện ngắn của I.Bunhin gợi nhớ về những gì thân thuộc, gắn bó với nông thôn Nga. Hình ảnh bác nông dân chăm chỉ làm việc; những đứa trẻ đang nô đùa hồn nhiên trên bãi cỏ, các cô thôn nữ duyên dáng trong trang phục dân tộc; ông chủ hiệu hiền lành đang say sưa thú săn bắt luôn xuất hiện trong văn xuôi nông thôn của Bunhin. Chính I.Bunhin từng tâm sự rằng “Đất nước và con người Nga bao giờ cũng làm tôi rung động... Làm sao chúng ta có thể quên được Tổ Quốc? Con người có thể quên được Tổ quốc sao? Tổ quốc trong tâm hồn mình. Tôi là một con người rất Nga, điều đó qua bao nhiêu năm cũng không thể mất đi được”. Viết về nông thôn Nga qua cái nhìn trực tiếp hay khi ở nước ngoài nhớ về Tổ Quốc qua hồi tưởng thì cảm xúc của I.Bunhin bao giờ cũng chân thành đằm thắm không chút lên gân hay gượng gạo.

Cảnh vật và đời sống của nông thôn Nga thường được Bunhin đặt trong mối giao cảm với con người. Những tác phẩm Cỏ gầy, Mêlitôn, Canh khuya, Say nắng... thực sự là những bài ca về người lao động. Bên cạnh việc khắc hoạ chân dung người lao động, tác giả còn chú ý đến chiều sâu đời sống tâm lý của các nhân vật. Nếu truyện Mêlitôn mới chỉ là những phác thảo sống động chân dung người nông dân Nga độc thân, cần mẫn với công việc thì ở truyện Cỏ gầy, đời sống nội tâm phong phú và khát vọng của nhân vật được khám phá rất tinh tế với những biến chuyển của dòng suy tư hết sức sâu sắc. Nhân vật Mêlitôn, côi cút trong khu rừng già với “đôi mắt màu xanh lam mờ nhạt, vóc người to cao, thân hình gầy gò, xương xẩu, cặp lông mày rậm xám, nom có vẻ khắc khổ...” nhưng “lúc nào cũng tỏ ra bình thản như để cố dấu nỗi buồn” và “đã sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị, nghèo nàn” (Mêlitôn). Trong khi đấu tranh với thần chết để giành giật sự sống, ông lão Averki trôi trong dòng ký ức: “Một vầng trăng khuyết mảnh như sợi chỉ lung linh trên khoảng đồng bằng thoai thoải, đen ngòm bên kia sông. Ở thôn xóm xa xa, các cô gái đang véo von ngân dài giọng hát một bài hát trẻ trung cổ xưa” (Cỏ gầy). Tất cả những hình ảnh, âm thanh đó trỗi dậy làm tăng nghị lực ham sống của ông lão để vượt qua được lưỡi hái của tử thần và bỗng Averki thốt lên những lời rất cảm động “Chao ôi! Trên đời này có tình yêu đẹp biết bao.” Mêlitôn và Averki là những nét đẹp của bản chất con người Nga, tâm hồn Nga. Nghị lực phi thường của họ đã vượt qua và chiến thắng mọi trở lực của cuộc sống.

Bên cạnh những người nông dân nghèo nhưng hồn nhiên và đôn hậu, dưới ngòi bút của I.Bunhin, tầng lớp quý tộc nông thôn cũng được tác giả khắc hoạ khá đậm nét đang sống thoi thóp trong nỗi lo bị phá sản. Nhà văn tỏ thái độ cảm thông với tầng lớp quý tộc này. Đó là những ông chủ hiền lành sống hoà đồng với những người nông dân như Acxêmi Xêmênưc trong “Những quả táo Antônốp” và Vâykốp trong “Những ngày cuối cùng”. Về mặt này, có thể nói đây là cách nhìn qua “thân thiện” của tác giả đối với những người cùng giai cấp mình và cũng là hạn chế của nhà văn. Nhưng xét đến cùng: “Tuy không trực tiếp thể hiện chính trị, xã hội, thậm chí có khi bị hạn chế, lầm lạc về mặt này, nhưng bằng sự cảm thụ và phản ánh thực tại siêu việt, Bunhin vô hình dung đã phản ánh xu thế khách quan của lịch sử xã hội, phơi bày những mối mâu thuẫn và sự bế tắc của xã hội đương thời: thấy được cái tai hoạ mà sự sụp đổ của nó dẫn tới những kết quả mà chính ông cũng không ngờ tới”.

2.3. Trong những truyện ngắn của mình, I.Bunhin đã dành một số lượng khá lớn nói đến người phụ nữ, tình yêu và khát vọng sống của họ. Nếu Ph. Đôtxtôiepxki cho rằng “cái đẹp cứu rỗi thế giới” thì I.Bunhin lại quan niệm tình yêu là nhựa sống của con người. Trong số vài chục truyện ngắn của Bunhin thì đã có đến quá một nửa dành viết về tình yêu như Ruxia, Natali, Nàng Lika, Hơi thở nhẹ, Lần gặp gỡ cuối cùng, Tấm danh thiếp, Trên biển đêm khuya...Trong bản giao hưởng về con người thì giai điệu tình yêu trở thành âm hưởng chủ đạo trong văn xuôi của Bunhin và có sức âm vang, lan toả mạnh mẽ.

Viết về phụ nữ, nhà văn dành cho họ những tình cảm chân thành và thái độ trân trọng. Tác giả biết khơi dậy trong những con người này chất men say của tình yêu lứa đôi, làm bùng cháy khát vọng yêu đương và một tình yêu mãnh liệt, chung thuỷ. Đồng thời nhà văn cũng chạnh lòng khi phải nói đến những cái dang dở, những thoáng buồn thậm chí bi kịch của tình yêu. Thấm đượm trong các truyện ngắn về tình yêu của Bunhin là nỗi buồn và sự chia ly. Dường như khi yêu thì phải “chết trong lòng một ít” và “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, cho nên các nhân vật trong truyện của Bunhin ban đầu đến với tình yêu mãnh liệt, nồng cháy bao nhiêu thì thời gian hạnh phúc và giây phút chia tay càng ngắn ngủi bấy nhiêu. Kết thúc truyện thường là một khoảng trống và một nỗi buồn mông lung, man mác vừa luyến tiếc vừa như muốn níu kéo. Nhưng cái buồn ở truyện ngắn Bunhin là cái buồn thanh sáng, cái buồn muôn thuở của tình yêu không thành. Dẫu cho một chút tình thoáng qua như “say nắng” làm mát dịu tâm hồn, hay tình yêu sâu sắc như trong “Lần gặp gỡ cuối cùng” đều được nhà văn thể hiện trong những cảm xúc chân thành, sâu lắng.

Các sắc thái của tình yêu trong truyện của Bunhin cũng đậm nhạt và mang những cung bậc khác nhau. Có cuộc tình trăng gió thoảng qua (Tấm danh thiếp); có cuộc tình thực dụng (Chiếc cốc đời, Những lối đi dưới hàng cây tăm tối) lại có mối tình lẻ loi, bơ vơ (Natali, Nàng Lika), nhưng cũng có mối tình đằm thắm, ngây ngất tựa men say (Ruxia, Hơi thở nhẹ) và không thiếu những thứ tình yêu chiếm đoạt không khác sự thù hằn giữa con người với nhau (Chiếc cốc đời). Những giây phút hạnh phúc trong tình yêu của các nhân vật Bunhin thường rất ngắn ngủi và phần lớn cuộc đời còn lại họ chỉ sống trong sự hoài niệm về những kỉ niệm ngày xưa. Xtơrênhép và Vêra (Lần gặp gỡ cuối cùng) yêu nhau say đắm nhưng mối tình đó không thành, dang dở để đến bạc đầu họ vẫn đơn côi, hối tiếc. Nếu tình yêu đam mê với những giây phút dâng hiến của nhân vật trong “Say nắng” làm cho con người trở nên cao thượng thì thứ tình cảm ích kỷ nhỏ nhen chạy theo thị hiếu tầm thường (Chiếc cốc đời) làm vẩn đục tâm hồn con người.

Ở truyện Natali, tác giả nói đến cái trớ trêu của tuổi trẻ khi có sự phân thân giữa thể xác và tâm hồn, giữa bản năng trần tục và chất người trong con người. Nhưng kết cục, chính cái chất người giàu tính nhân văn đã chiến thắng. Người chị họ Xônhia biến mất và tình yêu của Natali trở thành nơi hội tụ đầu tiên và cuối cùng của sự xốn xáng, da diết nhất trong tâm hồn nhân vật “tôi”. Trong “Trên biển đêm khuya”, những dục vọng tột cùng của con người như sự đam mê, sự dửng dưng, tình yêu, lòng ghen tuông và thù hận... diễn ra và qua đi trong niềm xót xa, luyến tiếc giữa đêm khuya thanh vắng. Dẫu cho kết thúc những mối tình trong truyện của I.Bunhin phần lớn đều không trọn vẹn, chỉ là sự dang dở, nhưng những vẻ đẹp tâm hồn và những phút giây hạnh phúc của nhân vật vẫn còn lưu lại trong kí ức của họ. Vẻ đẹp trong trắng, hồn nhiên của Natali đã làm xao xuyến trái tim bao chàng trai (Natali); sự trẻ trung, tươi mát đáng yêu của Olya như đóa hoa hồng sắc thắm trong buổi sớm mai (Hơi thở nhẹ).

Tình yêu và hạnh phúc của con người phụ nữ trong truyện ngắn của I.Bunhin không bao giờ được tròn đầy. Nó luôn bị “vơi” đi và “khiếm khuyết”, thậm chí chỉ còn là hoài niệm, hay rơi vào bi kịch. Nhưng điều mà nhà văn nói đến không phải nhất thiết là một kết thúc có hậu mà lại là những “khoảnh khắc thần tiên”, những giây phút hạnh phúc, là vẻ đẹp về hình thức và tâm hồn của những người con gái Nga. Phải chăng, tiếp tục truyền thống của Puskin, Turghênhép, L.Tônxtôi, I.Bunhin muốn tìm tòi và thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn Nga? Những nhân vật như Natali. Lika, Xônhia, Ruxia... về nhiều khía cạnh là sự tiếp nối của Tachiana (Epghênhi Ônhênghin), Vêra (Làm gì?) Natasa (Chiến tranh và hoà bình) trong văn học Nga thế kỷ XIX.

3. Tài năng của I.Bunhin không chỉ bộc lộ ở vấn đề chọn đề tài, viết về nông thôn, thiên nhiên và con người Nga với một tình yêu thương tha thiết mà còn thể hiển ở một nghệ thuật viết truyện điêu luyện. Chính những yếu tố nghệ thuật đặc sắc đó đã chuyển tải được những nội dung phong phú, đa dạng của văn xuôi I.Bunhin.

3.1. Bao trùm lên toàn bộ sáng tác của I.Bunhin là chất thơ trữ tình đằm thắm. Sự xâm nhập mạnh mẽ của yếu tố trữ tình và chất thơ vào văn xuôi, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn đã làm cho truyện của Bunhin có sức cuốn hút và lay động tâm hồn người đọc, tạo nên đặc sắc trong văn xuôi của ông. Nhà văn K.Pautốpxki cho rằng: “Văn xuôi là sợi cốt, thơ là sợi ngang. Cuộc sống được miêu tả trong văn xuôi không chứa chất thơ sẽ trở thành thô thiển”. Chất thơ như dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng văn xuôi làm cho thể loại này trở nên nhẹ nhàng đằm thắm, bay bổng và dễ đến với tâm hồn đọc giả. Đối với truyện ngắn thì chất thơ và tính trữ tình lãng mạn càng hết sức quan trọng. Về vấn đề này, nhà văn R.Gamzatốp khẳng định: “Truyện ngắn hay nhất nếu bị ghép vần có thể biến thành bài thơ dở nhất. Thơ trong truyện có lẽ như muối trong thức ăn”. Ở một cách hiểu rộng hơn về văn chương đồng thời khẳng định vai trò của chủ thể sáng tạo, M.Prisvin chỉ ra: “Văn chương, đó là thơ ca của cuộc sống nhẹ nhàng. Còn như nghệ thuật, nó thực sự đi ra từ cuộc sống bên trong, một cuộc sống biểu lộ trong ấy cái cảm hứng của con người trước sự bất tử”. Sự thống nhất giữa cái đẹp của đời sống hiện thực và cái đẹp của tâm hồn nhà văn trên cơ sở trí tưởng tượng phong phú của người nghệ sĩ là biểu hiện của chất thơ trong văn xuôi Bunhin. Sự giao hòa giữa tâm hồn nhạy cảm của tác giả với vẻ đẹp của con người và thiên nhiên cũng là một nhân tố tạo nên chất trữ tình sâu lắng.

Từ một mảnh trăng khuya, một ánh sao đêm, những hàng cây run rẩy trong đêm đông, một cánh chim dưới ráng trời chiều cho đến những vẻ đẹp của những người con gái như Ruxia, Lika, Natali... cũng được nhà văn cảm nhận và mô tả bằng tất cả tâm hồn trân trọng và yêu thương vô bờ của mình. Nó như những nốt nhạc với đủ các cung bậc rung lên ngân nga trong tâm hồn tác giả. Các trạng thái cảm xúc về đối tượng miêu tả của Bunhin cũng đủ sắc màu. Đối với những cái đẹp của con người và thiên nhiên làm xao xuyến lòng người thì giọng văn và sự cảm xúc của tác giả thường nhẹ nhàng, sâu lắng và thiết tha (Những quả táo Antônốp, Ruxia...). Nhưng ở một số truyện khác (Chiếc cốc đời, Cuộc đời tươi đẹp) khi nói đến thói xấu xa, vị kỷ và giả dối thì tác giả tỏ ra cay nghiệt, lạnh lùng.

Ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích và mượt mà uyển chuyển trong từng câu văn của truyện cũng tạo nên chất thơ trữ tình. Dường như I.Bunhin rất tiết kiệm lời khi mô tả và thường chọn những từ ngữ rất đắt giàu nhạc điệu có sức gợi cảm. Các từ ngữ của Bunhin như những bông hoa nở lấp lánh, dậy hương từ chất men say của cuộc đời. Những ngôn từ đó, khi thì ồn ã như tiếng lá lao xao, khi róc rách như tiếng suối chảy, khi thánh thót vang xa như tiếng chim hót, khi thanh mảnh giòn tan như lớp băng giá đầu mùa, khi thì trầm hùng như tiếng vọng của núi sông... Tất cả tạo nên một bản nhạc điệu đầy âm sắc. Cảnh sắc mùa thu hiện ra thật thơ mộng, mờ ảo; “Khu rừng lớn đã khô và thưa khoác một màu vàng óng”, “mùi thơm nhẹ nhàng của lá rụng” và giữa những hàng cây phong là bầu “không khí trong trẻo hệt như hoàn toàn không có nó nữa”. Và đâu đây thoảng trong không gian “hương thơm của một chiếc lá vừa mới rụng” (Những quả táo Antônốp) và có thể lắng nghe được “hơi thở nhẹ tỏa ra trên khắp chốn dương gian này trong bầu trời đầy mây này, trong giờ xuân lạnh lẽo này” (Hơi thở nhẹ).

3.2. Nghệ thuật khắc hoạ chân dung, miêu tả tâm lý nhân vật và tính tạo hình cũng là một nét độc đáo trong văn xuôi I.Bunhin. Chính sự đam mê hội hoạ và âm nhạc từ nhỏ của nhà văn là yếu tố quan trọng tạo nên chất tạo hình và khắc họa chân dung trong sáng của ông. Các gam màu và ánh sáng được tác giả sử dụng thường rất khác nhau nhằm khắc họa nhân vật, cảnh vật trong những thời điểm riêng biệt. Có thể là gam màu tươi sáng của “một ngày thu lặng lẽ tỏa sáng qua bầu trời xanh xanh” (Lần gặp gỡ cuối cùng) hay “một mùa đông tuyết trắng, nắng vàng và băng giá... trong vườn tuyết phủ trắng phau” (Hơi thở nhẹ) hoặc gam màu tối sẫm biểu hiện của sự tàn tạ, chết chóc: “Trong một căn buồng xanh sẫm pha kim nhũ, giấy đã phai, đã bạc màu hình vuông sẫm, màu vàng nhạt” (Ngày cuối cùng)

Chân dung các nhân vật được tác giả mô tả không nhiều nhưng chỉ qua vài dòng đã xuất hiện một bộ mặt nhân vật khá hoàn chỉnh. Các nhân vật trong tác phẩm để lại những ấn tượng khá sâu sắc trong lòng người đọc với những dáng vẻ khác nhau. Hình ảnh của Mêlitôn, Olya, Ruxia, Lika...hiện lên đậm nét qua những phác thảo ngoại hình đầy tài hoa của nhà văn. Mêlitôn có “thân hình gầy gò, xương xẩu, cặp lông mày rậm xám, tua tủa ra hai bên má giống như người để râu quai nón” (Mêliôn) còn Vêra sắc sảo, tuyệt vời như tình yêu của nàng với “khuôn mặt dịu dàng, được thoa một lần phấn mịn như nhung. Nàng từ từ đưa mắt lướt qua môi chàng và hôn lên đôi môi của chàng...” (Lần gặp gỡ cuối cùng).

Tâm lý nhân vật trong văn xuôi Bunhin không được tác giả đi sâu khai thác tận sâu thẳm ngõ ngách của tâm hồn như những truyện của Chêkhốp mà thường là những xúc động rất sâu kín, được biểu hiện qua bề ngoài. Nhân vật hầu như không có sự xung đột hoặc cãi cọ nhau ồn ã. Sự thất vọng được thể hiện thông qua tiếng thở dài (Lần gặp gỡ cuối cùng); cái lắc đầu và nhắm mắt thay cho sự day dứt, luyến tiếc (Những lối đi dưới hàng cây tăm tối). Những mâu thuẫn giữa không và có, được và mất luôn giằng xé tâm hồn nhân vật diễn ra khắc nghiệt nhưng nó được nhà văn miêu tả như những con sóng ngầm âm ỉ trong lòng đất. Những hối tiếc về những gì tươi đẹp đã qua không phải là một sự hằn học, mất mát đau khổ mà là một kỷ niệm êm đẹp khó phai mờ.

3.3. Truyện ngắn của I.Bunhin phần lớn thuộc loại truyện không có cốt truyện. Các truyện viết chủ yếu là thông qua sự hoài niệm, nhớ lại của tác giả về những gì đã qua. Vì thế, tính chất tự truyện cũng là một đặc điểm nghệ thuật của văn xuôi Bunhin. Có thể là ký ức của chính tác giả, hoặc của nhân vật “tôi” trong truyện. Chính hình thức nhớ lại này đã giúp cho tác giả bộc lộ cảm xúc trữ tình của mình đối với con người và cảnh vật được mô tả. Trong các truyện ngắn của ông chúng ta thường thấy các cụm từ ”ngày ấy”, “vào thời gian đó”, ”hình như ngày đó”... nhằm diễn tả khoảng thời gian xảy ra chuyện nhưng cũng chính là hoài niệm của tác giả. Với lối kết cấu này, mặc dù đang sống thời hiện tại nhưng nhà văn có thể trở lại với quá khứ một cách dễ dàng thông qua những hồi ức, kỉ niệm. Nhân vật “tôi” trong tác phẩm “Những quả táo Antônốp” đã nhiều lần nhớ lại quá khứ tươi đẹp của mình. Quay về với kỷ niệm, thời gian trong một số tác phẩm (Cỏ gầy, Canh khuya...) dường như được kéo căng ra đến tột cùng. Hiện tại và quá khứ đan cài với nhau trải rộng trong không gian rộng lớn và thời gian kéo dài trong hàng chục năm.

Ngoài những đặc điểm nghệ thuật trên, trong văn xuôi I.Bunhin còn có sự kết hợp giữa những yếu tố trữ tình lãng mạn với yếu tố hiện thực và sự xâm nhập của những yếu tố triết lý vào tác phẩm.  

Ivan Bunhin là người sau Chêkhốp mang lại sự cách tân đổi mới trong thể loại truyện ngắn. Mỗi tác phẩm của ông là một áng văn xuôi vừa là một bài thơ được viết ra từ một tâm hồn nghệ sĩ đa tài, đa cảm và một trí tuệ anh minh. Ông xứng đáng là một trong nhà văn Nga hiện đại nổi tiếng được người đọc trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Sáng tác của I.Bunhin góp phần quan trọng tạo thành dòng văn học Nga ở hải ngoại và hoà chung vào nền văn học Nga thế kỷ XX.

H.V.L
(185/07-04)

-------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. I.Bunhin, Tuyển tập truyện ngắn,(Hà Ngọc dịch) NXB Văn học, Hà Nội, 1987.
2. I.Bunhin, Nàng Lika, NXB Văn nghệ, 1983.
3. I.Bunhin, Nông thôn, (Tuyển tập truyện vừa và truyện ngắn),NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988.
4. O.Mikhalốp, I.Bunhin, Cuộc đời Ácxênhép,(Tiểu thuyết và truyện ngắn),NXB Nga Xô Viết,M,1982.
5. K.Pautốpxki, Một mình với mùa thu, NXB Tác phẩm mới,Hà Nội,1988.
6. R.Gamzatốp, Đaghextan của tôi, NXB Cầu Vòng, M, 1984.
7. Nhiều tác giả, Chân dung các nhà văn Xô Viết, NXB Tác phẩm mới, H, 1982.

Các bài mới
Các bài đã đăng