Những bài thơ thích hợp với giọng ngâm là những bài thơ thuộc dạng cách luật dân tộc: lục bát, song thất lục bát, 7 chữ, 5 chữ... Hình thức ngâm thơ đến nay vẫn được nhiều người yêu thích. Người nghe có khi "lịm đi" theo giọng trầm bổng của nghệ sĩ. Ngâm thơ, người nghệ sĩ hoàn toàn chủ động theo sự cảm nhận chủ quan về cảm xúc ý nghĩa của bài thơ, câu thơ. Có thể dựa vào giọng ngâm sẵn có: "giọng ngâm Kiều", "giọng ngâm thơ Đường", có thể biến tấu từ những làn điệu dân ca như cò lả, sa mạc. Nghệ sĩ khi đó trở thành người "hát thơ". Những năm 60 thế kỷ trước, ngâm thơ là một tiết mục, một loại hình có vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật và xã hội. Giọng ngâm có sự bổ trợ đắc lực "lợi hại" của âm thanh nhạc cu: tiếng sáo, tiếng đàn, dàn nhạc. Có người ngâm thơ chỉ chú ý đến nhả tiếng, xuống trầm lên bổng, thu hút người nghe vào giọng ngâm và thủ pháp luyến láy của mình hơn là cái thần thái, cái "hồn" của bài thơ. Người nghe thơ chỉ còn cảm được cái tình của giọng ngâm mà ít khi hiểu được cái sự, cái nội dung đích thực của bài thơ. Vì thế, có khi một bài thơ "thường thường bậc trung" nhưng được ngâm với một giọng tốt, luyến láy điệu nghệ lại hấp dẫn hơn nhiều bài thơ khác. Khi nghe ngâm thơ như thế, khó mà phân biệt được thơ hay, thơ dở.
Ở phương Tây không ngâm thơ, mà chỉ đọc thơ, đọc diễn cảm, có khi lên giọng xuống giọng theo ngữ điệu âm thanh của ngôn ngữ. Đọc thơ, trước đám đông, ngoài việc chuyển tải nội dung, còn được nhân lên bằng chiều kích của nhiệt tình, tạo không khí sôi nổi, lôi cuốn người nghe. Nhà thơ lúc này thể hiện trọn vẹn con người hành động và con người nghệ sĩ, tài năng và thi hứng. Chúng ta đã nghe nhiều về nhà thơ Nga, Maiacôpxki - nhà thơ lớn của thế kỷ XX, nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt và mê hoặc người nghe bằng giọng đọc thơ hùng hồn, sang sảng ở các cuộc họp, ở đường phố, quảng trường đến mức "đứt cả đường gân thớ thịt ở họng". Trong một cuộc mít-ting, không khí náo nhiệt, Maiacôpxki đã đọc một sáng tác tiêu biều của mình: Hành khúc trái! (1918). Lời thơ trực tiếp đến thẳng trái tim quần chúng, tạo một hiệu lực, cộng hưởng lớn chưa từng có trong lịch sử thơ ca:
Chống đau thương đói khát, rã rời trăm vạn chân người bước mạnh Mặc bọn cướp địch thù vây đánh mặc trận mưa thép lỏng xối dầu nước Nga không chịu Khối hiệp ước đâu, Trái! Trái! Trái! (Bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến)
Tiếng thơ sôi động, hùng dũng vang dội khắp quảng trường. Cả quảng trường gào lên lặp lại: " Nước Nga không chịu Khối hiệp ước đâu. Trái! Trái! Trái! ".
Nhà thơ Xuân Diệu kể lại: Những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, trong một buổi họp, trên nhà sàn, quanh bếp lửa với đồng bào miền núi, xen vào đó là người hát, người đọc thơ. Buổi họp tan, mọi người tản về những xóm nhà sàn rải rác ven núi. Anh bạn đọc thơ vừa chợp mắt ngủ thì thấy một ánh đuốc... Một chị Thổ ở bên nhà sàn hội họp ban nãy cầm đuốc sang. Chị quơ ánh đuốc tìm trên các mặt người đã nằm ngủ, nhận ra người đọc thơ, chị lay chân gọi và mời "cái người đọc thơ ban nãy" trở sang bên nhà. Anh đi một cây số tới nơi, thì thấy cả gia đình ông cụ Thổ đang ngồi đó chưa ngủ. Mấy nhà sàn bên cạnh cũng đã kéo sang, mười mấy người ngồi quanh lại đợi chờ. Thì ra họ rất thích những bài thơ anh đọc ban nãy, họ mời anh đến để nghe nữa. (Triều lên. NXB Hội nhà văn. H, 1957 trang 44 - 45)
Có lẽ, ở ta, Xuân Diệu là người nói chuyện, đọc thơ nhiều nhất: gần 500 buổi. Ông đã đến nhiều vùng đất nước từ địa đầu Đồng Văn đến chót Mũi Cà Mau để làm thơ và đọc thơ trước công chúng. Ông không từ chối một buổi nói chuyện, đọc thơ nào, kể cả khi không có xe đưa đón. Các thầy giáo đèo ông bằng xe đạp, hoặc lội bùn đẩy xuồng cho ông như ở Nam Bộ. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, một lần ông đến nói chuyện thơ ở một trường đại học tại nơi sơ tán. Trên một sườn đồi thoai thoải trung du, đêm trăng, hàng nghìn thầy giáo cô giáo, sinh viên và nhân dân trong vùng kéo đến nghe thơ. Ông đang đọc thơ say sưa hào hứng thì bỗng micrô hỏng, chữa mãi không được, mọi người vẫn im lặng chờ đợi. Nhà thơ khum hai bàn tay đưa lên miệng tiếp tục đọc thơ. Một người nào đó nhanh trí chạy tìm được một cái loa sắt. Bằng cái loa này, nhà thơ đã đọc hùng hồn trọn vẹn mấy bài thơ. Trong tiếng vỗ tay kéo dài của người nghe, nhà thơ Xuân Diệu chắp hai tay, cúi gập người vái 3 vái, cám ơn sự nồng nhiệt của quần chúng yêu thơ.
Đọc thơ mới hợp với tinh thần khí thế chống Mỹ. Hai giọng đọc thơ khá quen thuộc với chúng ta lúc đó là Văn Thành và Phạm Thành. Văn Thành được hoan nghênh với giọng đọc thơ hào hùng sảng khoái các bài: Êmily, con..., Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng, Cái hầm chông giản dị, Sao chiến thắng của Chế Lan Viên. Phạm Thành gây ấn tượng bằng giọng đọc thơ ấm, vang, luôn tôn trọng nội dung tình cảm ý tứ các bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu, Niềm tự hào của Huy Cận..
Mấy năm gần đây, ở Pháp và một số nước khác châu Âu lại rộ lên và thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo về Thơ âm thanh. Các nhà thơ sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại cho việc sáng tác và đọc thơ của mình trước công chúng, nhất là với giới trẻ thích cuộc sống phóng khoáng, sống động. Nhà thơ, ngoài năng khiếu sáng tạo thơ, còn là những người có giọng khỏe, truyền cảm, có sức hút mạnh. Những phương tiện kỹ thuật như micrô, máy ghi âm, kể cả internet được dùng để đọc thơ trước công chúng. Đối với thơ âm thanh việc in ấn không còn quan trọng mà thay vào đó là đĩa từ, băng video, CD-Rom, kỹ thuật phát thanh, kỹ thuật đọc kèm các động tác thân thể, tức là các yếu tố phi ngôn ngữ như nét mặt, cử chỉ, dáng điệu... Chính các yếu tố này có tác dụng tích cực trong việc chuyển tải ý tưởng nhà thơ một cách trực tiếp hơn. Công chúng yêu thơ lĩnh hội thơ ở cả hai kênh: nghe và nhìn.
Vậy thì, từ ngâm thơ đến đọc thơ là một cách tân trong quá trình trình diễn thơ. Xu hướng đọc thơ gia tăng và hầu như phủ khắp nhân loại. Đọc thơ là hình thức trình diễn thơ có nhiều ưu thế hơn.
Thơ để ngâm phải có giọng điệu thích hợp: giọng tâm tình, riêng tư dễ được chấp nhận. Người nghe nhiều khi quên hết câu chữ mà rung cảm theo giọng ngâm mượt mà, theo tiếng đàn, tiếng sáo. Lời thơ được chắp cành bay lượn. Xung quanh nghệ sĩ ngâm thơ là hàng rào nhạc công. Người ngâm và người thưởng thức luôn giữ một khoảng cách.
Thơ để đọc, ngôn ngữ có thể phóng túng, tự do, giọng trầm hùng âm vang, có khi giục giã thôi thúc. Trước đám đông, trên quảng trường, đường phố, không khí hội hè sôi động, ồn ào, thì đọc thơ là đắc địa nhất. Nhà thơ tự thân, có thể ứng tác, một mình tung hoành với tiếng nói trực tiếp từ trái tim mình đễn thẳng công chúng. Lời thơ, ý thơ không bị khúc xạ qua tiếng đệm đàn, sáo và tình cảm chủ quan của nghệ sĩ ngâm thơ. Người đọc thơ hòa với mọi người trong một môi trường sống.
Đọc thơ, tự đọc hay người khác đọc, nhà thơ mới giữ được hồn cốt đứa con tinh thần của mình.
M.G.L (187/09-04)
|