Nghiên Cứu & Bình Luận
Cảm theo cách của “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”
08:15 | 05/10/2009
NGUYỄN THAM THIỆN KẾ... Đức Phật, nàng Savitri và tôi sẽ là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Hồ Anh Thái, đồng thời nó sẽ giữ ngôi vị lâu dài là tiểu thuyết duy nhất trong văn học Việt lấy cuộc đời giáo chủ Phật giáo làm nguồn cảm hứng. Và sẽ còn lâu lắm văn chương Việt mới có một nhà văn đủ tự tin cũng như tài năng để động vào bàn phím viết về đề tài này. Nó cũng sẽ là thời gian cộng trừ 20 năm, nếu như nhà văn nào đó bây giờ mới bắt đầu tìm hiểu văn hóa Ấn...
Cảm theo cách của “Đức Phật, nàng Savitri và tôi”

Đức Phật, nàng Savitri và tôi(*) của nhà văn Hồ Anh Thái xuất hiện đã hơn hai năm. Hơn hai năm đủ lắng để nói tới cách đọc khác về cuốn tiểu thuyết đã gây tranh luận ngay từ khi ra mắt. Và cho đến bây giờ vẫn còn chưa lắng đâu đó.     

Đã nhớ Hồ Anh Thái với sự giễu nhại, hài hước thâm trầm. Những nụ cười chậm được bật ra khi đã đọc qua vài ba trang hoặc có khi cả thiên truyện. Lớn hơn hết ở khu vực giọng điệu giễu nhại sâu thẳm vẫn là sự sẻ chia, thông cảm. Tinh thần của người có cơ duyên với Phật pháp. Và cũng không xa lạ với chủ nghĩa nhân văn phương Tây.

Điều này được thể hiện hầu hết qua các tác phẩm: Tự sự 265 ngày, Bốn lối vào nhà cười, Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm…

Và giọng điệu trữ tình tự sự trong trẻo ở thiên truyện ngắn đầu tiên: Nói bằng lời của mình, Chàng trai ở bến đợi xe và trở nên sâu sắc, cắn rứt người đọc ở Tiếng thở dài qua rừng kim tước.

Cho đến nay, Tiếng thở dài qua rừng kim tước là tác phẩm hiện đại của văn chương Việt về đề tài Ấn Độ được đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ đánh giá không kém cân lạng tác phẩm của chính nhà văn Ấn Độ đã dịch sang tiếng Việt. Thân phận con người Ấn Độ thể hiện qua tác phẩm khiến người đọc rùng mình thương cảm. Thấy văn hóa Ấn vị tha cao cả nhưng cũng đầy ứ ác nghiệt của những chia rẽ tầng nấc xã hội. Nhiều người cho rằng: Tiếng thở dài qua rừng kim tước có thể đọc lại bất cứ lúc nào, bất cứ thời điểm nào. Nó không hề gợn lên một cảm giác mòn cũ qua dòng chảy thời gian, bởi ý nghĩa nhân bản của nó, không chỉ gói trong không gian văn hóa Ấn: sự băn khoăn có nghĩa và vô nghĩa của kiếp người.

Dù Hồ Anh Thái trở lại nhiều lần với đề tài Ấn Độ: Người Ấn, Người đứng một chân, Chuyện cuộc đời Đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua; thì Tiếng thở dài qua rừng kim tước, vẫn là dấu mốc ám ảnh chói sáng.

Nhưng với tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái thiết nghĩ cần nhìn nhận và tiếp cận ở nhiều góc khác nhau một cách dân chủ, thì mới sáng rõ được tinh thần mà tự thân tác phẩm hàm chứa. Không phải vì cuốn tiểu thuyết đã được nhà văn thai nghén trong 20 năm, càng không phải vì tác giả là người làm luận văn tiến sỹ về Văn hóa Ấn. Cũng chẳng phải vì chính Đức Phật, nàng Savitri và tôi mang tính biểu tượng cao của tiểu thuyết hiện đại, mà bất kỳ tác phẩm nào cũng cần được đối xử một cách công bằng trong cách đọc.

Trong thực tế chẳng có thiên tiểu thuyết để đời nào lại được viết ra ngẫu nhiên. Chúng đều là sản phẩm kết tinh trải nghiệm của cả một đời văn, hoặc chiếm dụng không ít tinh lực văn hóa, thời gian cụ thể của một nhà văn. Tôi tin và khẳng định, Đức Phật, nàng Savitri và tôi sẽ là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của Hồ Anh Thái, đồng thời nó sẽ giữ ngôi vị lâu dài là tiểu thuyết duy nhất trong văn học Việt lấy cuộc đời giáo chủ Phật giáo làm nguồn cảm hứng.

Văn hóa Phật giáo cũng đã đến Đại Việt từ thời sơ khai của nó. Và phát triển rực rỡ ở các triều Lý, Trần. Trong dòng chảy tinh thần lịch sử, văn hóa Việt hôm nay, yếu tố Phật giáo là một phần quan trọng. Một số bạn đọc chắc cũng không quá ngạc nhiên khi tiếp cận Đức Phật, nàng Savitri và tôi… bởi trong tiềm thức, văn hóa Phật giáo ẩn tàng sẽ kịp thời thức dậy…

 Không tạo sự khác thường hay căng thẳng gây hứng thú tâm lý vốn có ở các tác phẩm trước đó của Hồ Anh Thái, Đức Phật, nàng Savitri và tôi với cách kể chuyện thoải mái, đầy cảm giác tạo nên sự giao tiếp nhu thuận tự nhiên với người đọc.


Nhà văn Hồ Anh Thái tại Thiền viện Bạch Mã


Đức Phật, nàng Savitri và tôi, không thể là cuốn sách khó đọc. Nhưng đọc nó theo tinh thần và vị thế nào lại là chuyện khác. Nó là cuốn sách không dễ gì để viết. Sự phối trộn nguồn sử liệu và truyền thuyết và hiện tại trên nền cảm hứng dài hơi của tiểu thuyết là một thách thức không dễ gì vượt qua của các tiểu thuyết gia.

Hồ Anh Thái hoàn toàn tự chủ và thoải mái nhuần nhuyễn ở trạng thái dung hòa giữa hư và thực.

Tôi định sẽ phải dành thời gian cho Đức Phật, nàng Savitri và tôi ngay. Nhưng rồi công việc cuốn đi. Không còn cách nào khác, tôi đành phải chọn cách đọc ngẫu hứng. Sách vứt đầu giường, rảnh thì lật đâu đọc đấy. Đọc lỗ mỗ rồi cũng xong. Và đọc lại nhanh một lượt. Cảm giác của hai lần đọc khác hẳn nhau. Đọc xôi đỗ thật thích. Vì được nhâm nhi. Mỗi dòng mỗi phân đoạn đều chứa thông tin đa chiều, nội dung tự thân và kỹ thuật và câu chữ với vẻ đẹp tinh tế. Đọc lướt thì cảm giác ấy không còn, mà là sự bị cuốn đi của câu chuyện với một không gian choáng ngợp bị nén lại của 2500 năm.

Và tôi đã đọc lại một cách chậm rãi.

Không phải ngẫu nhiêu Hồ Anh Thái lại cấu trúc theo con số 3, nơi phương Đông gặp phương Tây: Đức Phật/ Nàng/ Tôi/. Phật có Ba thì/ Chúa có Ba ngôi/ Trời/ Nhân/ Địa/. Và Bàlamôn Ấn giáo cổ với ba vị thần đứng đầu: Thần Sáng tạo (Brahma) Thần Bảo tồn (Vishnu) Thần Hủy diệt và Tái tạo (Shiva).

Đức Phật, nàng Savitri và tôi không nhằm đến một sự truyền bá văn hóa Ấn qua hình ảnh Đức Phật, tôi không nghĩ tầm bút lực như Hồ Anh Thái dụng công hai chục năm trong hơn bốn trăm trang sách chỉ để phát biểu vấn đề có thể giải quyết ở mức độ giản dị hơn rất nhiều.

Có những cuốn sách không cần chỉ ra bài học nào cụ thể, nhưng nó lại cho người ta tất cả những gì người ta thiếu hụt: đó là cảm giác sống với những đam mê sắc dục, của cải, địa vị, tội ác, cảm giác về ý nghĩa cuộc đời con người, cảm giác về thời gian, cảm giác vũ trụ, cảm giác về sự phản tỉnh cái tôi… Và cảm khoái được thỏa mãn thưởng thức văn chương với nội dung xác thực hấp dẫn của nó nữa.

Điều thu nhận trong trường hợp này là một cảm giác thấp thỏm, đeo đẳng, không thể cắt nghĩa, rồi trong một hoàn cảnh cụ thể của đời sống ta gặp, trùng hợp hoặc gợi mở đến cảm giác ta đang có từ cuốn sách kia, sẽ bùng lên một chân lý nào đó giúp ta chiêm nghiệm đời sống tốt đẹp hơn.

Tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi là một cuốn sách như thế.

Ba nhân vật: Đức Phật, Savitri, Tôi xuyên suốt tác phẩm, với dung lượng chữ khác nhau. Mặc dù Đức Phật được quan sát từ nhiều góc độ khác nhau của Tôi, của Savitri mang những thông điệp khác nhau, tạo cảm giác ảo Đức Phật là nhân vật trung tâm.

Nhưng với triết lý luân hồi nhân kiếp thì cả ba đều là nhân vật trung tâm, cả ba đều gắn bó hữu cơ với nhau dưới bề mặt câu chữ và tự cân bằng với nhau ở từng vị thế của nhân vật mà nhà văn Hồ Anh Thái đã dụng công chủ ý. Sự cân bằng chân vạc ấy, tạo nên cảm giác vững chãi, tịnh tiến mà cảm nhận đời sống theo từng li ti mạch đập trên móng nền đồ sộ của văn hóa và lịch sử Ấn.

Một sợi tóc chia hai, chia ba, chia sáu, chia và chia liên tục đến không chia nổi của khoảng không. Sợi tóc có đấy mà cũng không có đấy. Đưa tay ra khoảng không nắm được sợi tóc và không nắm được sợi tóc. Điều ấy có khác gì tiền kiếp của Savitri 2500 năm trước và sau 2500 năm nén lại trong hành trình.

Đức Phật, Savitri, tôi trong vòng xoay vũ trụ có thời khắc kiếp phận cụ thể là sự hoán đổi vị thế. Sự cảm nhận này rõ ràng, chợn rợn thoáng chút, nhưng không khiến ta sợ hãi. Vọng dục hướng tới Tà hay hướng tới Thiện của Savitri trong mỗi kiếp đều mạnh mẽ và cháy bỏng không kém nhau. Lại là hai mà một. Có và không. Một hình tượng đặc sắc nhuốm sắc màu thông linh Phật pháp.

Biết rõ con đường hầm hố, chông gai, bẫy cài, nhưng ta vẫn phải bước đi trên nó với sự truy đuổi của tình yêu, và đức tin, ngắm cái đích cuối của nó là sự sống chết trong cạn bóng ngày hay là ý nghĩa của đời người qua lớp sương mù huyền hoặc xứ Ấn mà vẫn có cảm giác an nhiên như câu chuyện đang diễn tiến ở nước Việt.

Mê mà tỉnh. Ngộ rồi không. Đây là cuốn sách được viết ra không bình thường trong thời đại hiện nay. Và sẽ còn lâu lắm văn chương Việt mới có một nhà văn đủ tự tin cũng như tài năng để động vào bàn phím viết về đề tài này. Nó cũng sẽ là thời gian cộng trừ 20 năm, nếu như nhà văn nào đó bây giờ mới bắt đầu tìm hiểu văn hóa Ấn.

Trong kế thừa nhất quán của phong cách đa thanh Hồ Anh Thái, nhưng ở thiên tiểu thuyết này, nhà văn kiến tạo được diện mạo văn chương mới: giễu nhại - tự sự - trữ tình, hòa quyện với nhau hoàn hảo không gợn dấu vết kết nối, mê dụ người đọc mà vẫn đặc sắc Hồ Anh Thái.

Thiết nghĩ Đức Phật, nàng Savitri và tôi là cuốn sách không cần phải đọc ngay, nếu bạn thiếu thời gian. Hãy thử đọc theo cách của tôi: hãy đọc nó bất cứ lúc nào có thể. Ta đừng cố tìm hiểu những điều gì bí ẩn mà nó hàm chứa. Trước hết hãy làm quen với nó từ từ, chậm rãi, đúng như tốc độ của chủ nhân đã sinh thành ra nó. Cảm nhận từng chút một, và lắng nghe cảm giác ở trong mình qua mỗi trang.

Theo cách này ta sẽ NGỘ nó. Dù câu chuyện có thời gian 2500 năm, bên xứ Ấn. Nhưng ta sẽ thấy Nó ngay trong con người mình nỗi kiếp làm người, trên mảnh đất ta đứng chân.

N.T.T.K
(247/09-09)


---------------
(*) Nhà xuất bản Đà Nẵng và công ty Văn hóa Phương Nam, 2007.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng