Thế nhưng, từ khi nhà nước ra đời - xã hội loài người luôn luôn là một “Bàn cờ lớn” như cách nói của Zbignew Brzezinky. Có nghĩa là, khi chính trị bắt đầu can thiệp vào đời sống, toàn bộ các động thái lịch sử dần biến hóa thành một “trò chơi lớn”. Không đâu có nhiều máu và nước mắt; nhiều bi kịch và hài kịch hơn những thể hiện, những còn mất mà con người đã mưu toan và hành động trong các hoạt động chính trị. Chắc hẳn vì thế nên từ Đông sang Tây, tổ tiên của con người thời nay đã tìm mọi cách để giảm bớt những cay đắng và, để được làm “vua” qua trí tưởng tượng bằng một thể thức giản tiện là đưa chính trị lên bàn cờ!
Điều trước tiên là sự trùng hợp đầy thú vị trong cấu trúc của bàn cờ Đông - Tây. Nếu ở ngoài đời, luật pháp có 3 chức năng chủ yếu: quy định, tổ chức và bảo vệ hiệu quả cho sự hoạt động của bộ máy nhà nước thì trong trò chơi cũng vậy. Cờ tướng hay cờ vua đều có 32 quân, dù quan niệm và cách thức có khác nhau. Cờ tướng không có quân hậu; còn cờ vua không có sĩ, pháo.
Điểm tương đồng thứ hai là trong cả hai bàn cờ, vua hay tướng đều ở vị trí trung tâm, còn quân tốt - bao giờ cũng có số lượng đông đảo nhưng lại có “năng lực” thấp nhất. “Quần chúng nhân dân” - những con tốt, không bao giờ được phép đi lùi. “Nhiệm vụ” của chúng là cúi đầu tuân lệnh và cứ thế lao lên phía trước.
Thứ ba, trước giờ khai cuộc, quân số của hai bên lấp vừa đầy một nửa “bãi chiến trường”. Tôi không dám chắc ở đây có triết lý của sự tàn bạo, nhẫn tâm hay không, nhưng phải khẳng định rằng, nếu những “chiến binh” đó nằm xuống, một nửa vùng đất trống còn lại là vừa đủ để “mai táng” họ! Không gian trong cờ tướng có vẻ thoáng rộng hơn (90 điểm đến so với 64 ô đến), nhưng do luật chơi trong cờ tướng quy định quân pháo phải có điểm tựa (1 quân cờ ở giữa), nên về cơ bản, khoảng trống của hai bàn cờ bằng nhau. Đó là chưa kể quân sĩ chỉ có 3 nước đi, quân tượng chỉ có 5 nước, càng làm cho việc điều quân, khiển lính thật nhanh trong cờ tướng càng khó khăn hơn.
Xét về mặt binh pháp, tỷ lệ “người” và “vũ khí” trên một không gian nghiệt khó như thế chắc chắn sẽ làm cho “cuộc chiến” vô cùng khó khăn, đúng như hầu hết các cuộc chiến tranh trên trái đất này!
Bên cạnh ba điểm tương đồng trên đây, bàn cờ giữa Đông và Tây có khá nhiều khác biệt.
1) Trong cờ vua, người chơi có thể tùy ý nâng vua lên, đặt vua xuống và thậm chí buộc cả vua cũng phải ngồi đúng chỗ (!) Ngược lại trong cờ tướng, vua là một “ai đó” mơ hồ, trừu tượng, không thuộc về trò chơi mà thuộc về “mệnh trời”. Rõ ràng ánh phản của chế độ chuyên chế hiện lên thật đủ trên bàn cờ tướng. Tất nhiên cũng phải hiểu rằng trên thực tế, quân tướng chính là vua bởi con “tướng” có hẳn một lãnh cung với hai sĩ ở hai bên. Trong cờ tướng, quân mạnh nhất là quân xe. Một khái niệm chính xác về nghĩa đời bởi xe bao giờ chẳng chạy nhanh và xe, tức là phải hiểu có nhiều người trên đó. Xe là biến thể khác của tốt. Với cờ vua thì khác. Quân hậu là quân bận rộn nhất, nhiều sức mạnh nhất. Hậu là hóa thân của vua. Vua với hậu là một (Quyền lực của gia đình hay của vương triều). Nói cách khác, trong cờ vua, vua nhất thiết phải là người có năng lực thật sự.
2) Trong cách duy lý, người phương Đông đem đến với bàn cờ nỗi buồn của sự chặt chẽ, lối mòn của sự cam chịu và chấp nhận. Có sự phân biệt rất rõ trong bàn cờ tướng về mưu lược và sức mạnh. Con mã không thể đi, nếu bị cản. Quân sĩ thì chỉ loanh quanh với mấy bước đi để làm thành một dấu cấm (X) bảo vệ tướng. Khi bày quân, thấy rõ 3 tầng của cấu trúc. Tốt phải ở xa vua, không được đến gần. Thậm chí, mã nhập cung, quân tử khốn cùng. Người phương Đông cũng hiểu rõ sức mạnh của đường chéo trong một hình chữ nhật - đoạn ngắn nhất trong một hình chữ nhật; nhưng lại kềm giữ sức mạnh đó bằng mọi cách có thể. Vì thế, so với cờ vua; 3 quân sĩ, tượng, mã đi chéo nhưng luôn đi trong tình thế bị động.
Nếu như cấu trúc, đặc trưng của bàn cờ phương Đông là mưu lược + sức mạnh thì phương Tây là sức mạnh (phần trí tuệ trong cờ vua được thể hiện thông qua sự biến hóa và năng lực tối đa của sức mạnh tổng lực). Khi bày quân, cờ vua sắp hai lớp. Những quân tốt ở rất gần vua. Người phương Tây đem đến bàn cờ sự biến hóa, sự lấp lánh của trí tuệ và tính linh hoạt. Quân tốt trong cờ tướng cũng có sáu nước đi - con đường ngắn nhất có thể, để đến với thắng lợi - như cờ vua, nhưng tốt vẫn mãi... là tốt - Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa... Trong khi đó, ở cờ vua, nếu quân tốt đi đến tận cùng của cuộc “chiến tranh”, góp phần quyết định tạo nên chiến thắng thì sẽ được phong vương! Có lẽ đó là thí dụ rõ nhất về sự đột biến và thay đổi! Quả thật, mỗi khi chơi cờ vua, tôi lại thấy thấm thía hơn câu nói của Napoléon Bonaparte: Một người lính không có khát vọng trở thành nguyên soái thì tốt nhất là đừng làm lính! Bàn cờ vua cũng cho thấy sức mạnh to lớn của con người thông qua vai trò của Hậu. Hậu có khả năng kiểm soát cả tám hướng trên bàn cờ. Đấy là khả năng đích thực của những thiên tài chính trị.
3) Trước khi khai cuộc, trong cờ tướng, giữa hai bên là một đường biên giới. Vì vậy, mục tiêu của cuộc chơi là thôn tính. Trong khi đó ở cờ vua, không hề có một ranh giới nào trên “chiến trường”: Mục tiêu của trò chơi là thống nhất. Ý nghĩa duy lý của vấn đề này có thể được hiểu ở tầm xa hơn nữa. Cờ tướng là “bình thiên hạ” - một mưu đồ và khát vọng hầu như không có giới hạn bởi hết tướng này sẽ có tướng khác. Ngược lại trong cờ vua, chiến trường là một cuộc tranh chấp sòng phẳng, bình đẳng về lực lượng nhưng hơn nhau về trí tuệ (sức mạnh).
4) Trong cờ tướng có quân pháo. Đây là một vấn đề đáng chú ý. Điều chắc chắn là trò chơi này xuất hiện sau công nguyên, sau khi thuốc súng đã ra đời. Ngược lại, thời điểm ra đời của cờ vua phải xuất hiện trước những cuộc Thập tự chinh (Crossades, từ năm 1096 đến 1270), vì thuốc súng, từ Trung Quốc qua Arabs, chỉ đến với phương Tây trong thời kỳ Thập tự chinh. Pháo binh trong những cuộc chiến tranh ở phương Đông có sức mạnh rất hạn chế nhưng trong cờ tướng lại khá đáng kể. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn. Câu trả lời có lẽ phải vận về Kinh Dịch.
Nếu không kể pháo thì trên bàn cờ đã có năm quẻ trong bát quái (càn, khôn, khảm, cấn, đoài). Như vậy, trò chơi sẽ không tạo nên sự hoàn chỉnh vì còn thiếu ba quẻ nữa. Quân pháo đã đem đến cả gió rít (tốn), tiếng sét gầm (chấn) và cả sức nóng của lửa (ly).
Ông tổ của binh pháp là Tôn Tử có viết rằng: Đội quân chiến thắng là đội quân có đủ các điều kiện chiến thắng trước khi giao tranh; đội quân thất bại là đội quân giao tranh rồi mới tìm cách chiến thắng. Lời di lẽ đó của Tôn Tử là bất hủ. Cả hai cách chơi cờ của Đông và Tây đều dạy cho con người biết cách lựa chọn đối thủ trước khi bước vào cuộc chơi. Cuộc chiến sẽ tẻ nhạt và vô nghĩa biết bao khi đối thủ của Saddam Hussein là George Bush. Mặt khác, chiến tranh, dù chỉ trên bàn cờ, cũng không cho phép đưa ra bất kỳ một quyết định sai lầm nào, bởi Lạc nước hai xe đành bỏ phí; Gặp thời một tốt cũng thành công!
Ngồi trước bàn cờ bé nhỏ nhưng không hề đơn giản, con người có thể học hỏi biết bao điều. Người nóng nảy sẽ biết cách để bình tĩnh hơn; người nóng vội sẽ biết kiên nhẫn có giá trị như thế nào. Bàn cờ đòi hỏi sự tỉnh táo thường trực. Bàn cờ dạy cho con người biết cách sống sòng phẳng trong cuộc đời. Bàn cờ cho con người biết phần thưởng của chiến thắng nan giải, hao tâm, tổn trí đến mức độ nào. Bạn sẽ không thể là một người chơi cờ giỏi hay là một nhà chính trị giỏi nếu không biết nhìn xa, trông rộng. Bàn cờ là nơi dạy ta đủ đầy nhất nghĩa của chữ dũng: biết sợ những điều đáng sợ và không sợ những điều không đáng sợ. Bạn có tin rằng chơi cờ còn có thể cho ta biết cách để tiết kiệm không? Tiết kiệm đường đi để đến đích, tiết kiệm năng lượng và nhân lực trên bàn cờ chính trị đầy ma giáo, ỡm ờ. Chơi cờ cũng như sống ở trên đời, phải tuân thủ nguyên tắc: không khoan, không hoãn, cấm à à. Một khi đã sờ vào thì phải nắm lấy và trả giá ...
Đến với bàn cờ, bạn sẽ cảm nhận được tốc độ của tiếng vó ngựa dồn, thúc hối; bởi những đường chéo cắt xẻ và đan xen của những quân mã, quân tượng, quân hậu; sự bình đẳng có thể nhất giữa người cuối cùng và người trên cùng trong thang bậc xã hội...
Vậy, đã khi nào ta trăn trở với nỗi day dứt rằng, bài học hay ích lợi lớn nhất của môn cờ là gì? Có lẽ, chính bàn cờ đã cho ta biết rõ những điều không thể và có thể trong cuộc đời, trong chiến tranh... Bàn cờ còn nhắc nhở ta rằng: Dẫu có những lúc ta đứng yên, quay lui, đi vòng, gian khổ, bế tắc hay mất mát; nhưng phải nhớ, lẽ sống còn chỉ có một nguyên tắc: tiến lên phía trước là chiến thắng!
Huế, 10/09/2004 H.V.T (189/11-04)
|