Nghiên Cứu & Bình Luận
Nhà thơ Tố Hữu trong các cuộc giao lưu với giới văn hóa - văn nghệ Đức
10:06 | 09/10/2009
TRẦN ĐƯƠNGTôi được làm quen và có quan hệ cởi mở với nhà thơ Tố Hữu từ mùa thu năm 1973, sau khi ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đức (DKP) họp tại thành phố cảng Hăm-bugr). Từ  miền Tây, ông sang Béc-lin, Cộng hòa Dân chủ Đức, theo lời mời của Bộ chính trị Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED) với mục đích thăm, nghiên cứu và trao đổi về công tác tư tưởng giữa hai Đảng.
Nhà thơ Tố Hữu trong các cuộc giao lưu với giới văn hóa - văn nghệ Đức
Nhà thơ Tố Hữu - Ảnh: pda.vietbao.vn

Lúc này, tôi là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Đức, được phân công đi theo ông để giúp đỡ và đưa tin. Tôi còn nhớ mãi các cuộc tọa đàm thân mật giữa nhà thơ Tố Hữu và đồng chí Véc-nơ Lam-béc-xơ (Werner Lamberz), hồi đó là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng của Bạn. Lam-béc-xơ ít hơn Tố Hữu 8 tuổi, nhưng ngay từ đầu hai người tỏ ra rất quí mến nhau. Công việc bận, nhưng Lam-béc-xơ không những tiếp chuyện Tố Hữu nhiều lần mà còn cùng vị khách quí Việt Nam đi một số địa phương, như Lai-xích (Leipzig) để dự lễ khai mạc Tuần lễ phim tài liệu và phim ngắn quốc tế lần thứ 16. Tại đây, Tố Hữu có những cuộc gặp gỡ, trò chuyện thân tình với các nhà điện ảnh Đức và quốc tế. Tôi đã cùng ông đi tham quan nhiều nơi như : Bảo tàng tranh Đre-xđen, Đài kỷ niệm các dân tộc chống Na-pô-lê-ông, các căn nhà của Gớt, Si-lơ, Brếch, nông trường hoa Éc-puốc, dự những đêm liên hoan với bà con nông dân miền Nam nước Đức. Tố Hữu không biết tiếng Đức nhưng ông không ngần ngại hòa cùng tiếng hát và vỗ nhịp với bài dân ca mà ông ưa thích. Ông cũng nhảy van-xơ trên tàu thủy lượn quanh Béc-lin. Ông say sưa nói về thơ Gớt, Si-lơ, Brếch. Những lúc ấy, tôi cảm nhận khá đầy đủ cốt cách nghệ sĩ ở Tố Hữu. Khi trao đổi công việc với các đồng chí phụ trách, ông cũng có cách diễn đạt hình tượng, chứ không khô khan, công thức. Chia tay đồng chí giám đốc bảo tàng quân đội, ông trao tặng chiếc nhẫn làm bằng xác máy bay Mỹ bị bắn rơi và nói: "Của riêng còn một chút này...". Dĩ nhiên, đồng chí Bạn không thể biết Tố Hữu đã lẩy một câu Kiều, song, khi dịch, chúng tôi cố gắng thể hiện cho được tình cảm thân ái của nhà thơ. Tại nông trường quốc doanh nhân giống hoa và cây cảnh Éc-phuốc, ông ghi vào Sổ vàng những câu mà Bạn rất thích thú :

"Bánh mì và hoa hồng-ước mơ ấy ngày xưa của Karl Marx đã trở thành hiện thực rực rỡ trên đất nước tươi đẹp của Cộng hòa dân chủ Đức.
Chúc vườn ươm giống hoa và cây này ngày càng phát triển, đem lại một nguồn vui cho nhân dân, cho đời thêm nở hoa".

Đồng chí Lam-béc-xơ biết tất cả hoạt động của nhà thơ Tố Hữu. Thật ra, cho đến thời gian này, đồng chí mới biết Tố Hữu còn là nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam. Dọc chuyến đi, ở nhiều nơi, tôi đã giới thiệu cho đồng chí Lam-béc-xơ về sự nghiệp thơ của Tố Hữu. Trong chuyến đi này, Lam-béc-xơ yêu cầu nhà thơ cho dịch và xuất bản một tập thơ của ông tại Đức. Chính vì thế mà tập Việt Nam Tổ quốc tôi ra đời. Kết thúc chuyến đi thăm Đức lần đầu của Tố Hữu, tại Nhà khách Trung ương Đảng bên sông Sprê đã diễn ra cuộc gặp mặt cảm động giữa ông và nhiều đồng chí lãng đạo về công tác tư tưởng-văn hóa của Trung ương Đảng Bạn. Tại cuộc gặp này, đồng chí Lam-béc-xơ nói :"Ở Đông Dương, có một hiện tượng rất đặc biệt. Đó là nhiều nhà cách mạng đã làm thơ. Trường hợp đồng chí Hồ Chí Minh thì ai ai trong chúng ta cũng đều biết. Thơ của Người đã được dịch và giới thiẹu ở nước ta. Hôm nay, ngồi với chúng ta cũng là một nhà thơ lớn. Tôi muốn nói rằng, thơ của đồng chí Tố Hữu đã góp phần làm cho đội ngũ những người cộng sản Việt Nam ngày một đông hơn, mạnh hơn".

Rất cảm động trước những lời tốt đẹp của đồng chí lãnh đạo Đảng Bạn, nhà thơ Tố Hữu bày tỏ sự cảm ơn về sự ủng hộ toàn diện của Cộng hòa Dân chủ Đức đối với sự nghiệp chống Mỹ và công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta. Một trong những món quà quí mà nhà thơ Tố Hữu nhận được ở Béc-lin là các tở báo Đức đã đăng thơ ông, như báo Nước Đức Mới với các bài: Ta đi tới, Người con gái Việt Nam... Không đầy một năm sau, báo này còn đăng các bài: Với Lê-nin, Những ngọn đèn, Tiếng ru...

Trong những giờ phút thân tình tại Bec-lin, Lam-béc-xơ hỏi Tố Hữu:"Đồng chí đã có thơ về nước Đức chưa?". Tố Hữu chỉ vào thái dương "Có, trong này rồi đồng chí ạ!". Từ đó, tôi vẫn chờ ngày được đọc một bài thơ của ông về xứ sở này. Cuộc chờ đợi ấy không lâu lắm. Tháng giêng năm 1974, tức là chỉ 2 tháng sau, báo Nhân dân đăng bài thơ Đường của ta đi của ông, đó là "Đường sang Tây, tư biển Đông lên biển Bắc". Tôi đã hân hạnh dịch bài thơ và đến trụ sở Trung ương Đảng Bạn đọc cho đồng chí Lam-béc-xơ nghe.

Trong bài "Đôi dòng của một người dịch thơ Tố Hữu ra tiếng Đức", tôi đã kể việc đồng chí Véc-nơ Lam-béc-xơ hết sức trân trọng đón nhận các bài thơ của Tố Hữu được dịch ra tiếng Đức. Đồng chí đã say sưa đọc bài Với Lê-nin và Đường của ta đi. Giọng sang sảng, rất ấm, anh đọc to, hai tay đưa ra những động tác hệt như một nghệ sĩ biểu diễn, nét mặt rạng rỡ, đầu mãn nguyện.

Tập thơ Việt Nam Tổ quốc tôi của Tố Hữu ra đời đúng vào dịp miền Nam hoàn toàn giải phóng, được các bạn ở Đức nồng nhiệt đón chào, coi như món quà tinh thần, như tiếng nói đằm thắm, đầy tình nghĩa của nhân dân ta gửi đến bạn bè. Những ngày ấy, bất cứ tờ báo nào ở trung ương và tỉnh của Cộng hòa Dân chủ Đức cũng giới thiệu tập thơ này. Đài truyền hình và đài truyền thanh trích đọc nhiều bài trong tập thơ Việt Nam tổ quốc tôi. Đáng chú ý nhất là chương trình đặc biệt về thơ Tố Hữu do He-ran Qui-xơ đạo diễn và Clao-xơ Rai-sen biên tập, được giới thiệu trên màn ảnh nhỏ liền trong 2 ngày 21 và 22 tháng 8 năm 1975. Cũng không thể không nhắc đến cuộc tọa đàm nhân xuất bản tập thơ này, do nhà văn lão thành Cuốc Stéc-nơ Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Tiểu ban Đoàn kết quốc tế của Hội nhà văn Cộng hoà Dân chủ Đức chủ trì. Cuốc Stec - nơ nhắc lại lần gặp mặt với nhà thơ Tố Hữu tại Việt Nam - trong buổi tiếp thân tình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho hai vợ chồng ông khoảng 7,8 năm trước đó. Ông nói:"Có thể là cách diễn đạt của tôi chưa thật ổn, song tôi vẫn thích nói rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại làm thơ; còn Tố Hữu là một nhà thơ làm cách mạng. Hình như ông sinh ra là để làm thơ. Làm thơ như một nhu cầu tự nhiên của ông. Lớn lên, thơ trở thành vũ khí của ông trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Tôi muốn nói: Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu trong ngót nửa thế kỷ qua. Và thơ ông, đó là cả một bài ca cao cả về ý chí đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam. Biết bao sự kiện đã diễn ra trong mấy chục năm qua - như một bản biên niên sử - và các sự kiện ấy luôn luôn được ghi lại bằng những cảm xúc và kinh nghiệm riêng của thi sĩ. Những cảm xúc reo vui, những cảm xúc xót xa, đôi khi đau buồn nữa, song bao giờ cũng tràn đầy hy vọng. Cái độc đáo của thơ Tố Hữu là kết tinh được các truyền thống thi ca cổ điển và dân gian. Rõ ràng, một nhà thơ đang nói cùng chúng ta- và bằng tiếng nói thơ ca ấy, thông qua những bài thơ đầy cảm xúc và tuyệt vời, nhà thơ đã dựng cho dân tộc mình cả một đài kỷ niệm, qua những cuộc đấu tranh gian khổ và trước những thắng lợi vẻ vang”.

Cuốc Stec-nơ từng ở Việt Nam, hơn thế nữa, ông đã có mặt ngay trên những vùng tuyến lửa. Và ông cảm nhận rất rõ tác dụng của thơ Tố Hữu đối với quân dân ta trong chiến đấu của mình. Ông nói: "Ngay trong thời kỳ hoạt động bí mật, từ những bài thơ của Tố Hữu, người ta đã nghe thấy tiếng nói của một người cộng sản trẻ tuổi, tiếng nói thể hiện niềm hy vọng, niềm vui và cả nỗi lo âu, lòng căm giận của nhân dân. Thơ ông được học thuộc, được đưa giảng trong trường học, được chép trong sổ tay của người cán bộ, được ngâm trong những cuộc liên hoan... Thơ ông còn là quà tặng - nói đến đây, Cuốc Stéc-nơ mỉm cười - của những lứa đôi yêu nhau...". Lại vuốt mái tóc bạch kim của mình, Cuốc Stec-nơ nói với mọi người: "Là một nhà văn, tôi chào mừng tập thơ Việt Nam Tổ quốc tôi như một sản phẩm nghệ thuật. Là một công dân, tôi chào đón nó như tiếng nói của tình bạn. Với tập thơ này, lần đầu tiên thơ Tố Hữu được giới thiệu một cách trân trọng và toàn diện ra tiếng Đức. Thêm một bước quan trọng làm cho nhà thơ gần gũi với chúng ta hơn. Chắc chắn rồi đây, Tố Hữu vẫn tiếp tục xuất hiện trong đời sống văn học của chúng ta".

Các nhà văn và nghệ sĩ có mặt đều vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng ý kiến của Cuốc Stéc-nơ. Tiép đó, mỗi người một ý, đã nói lên cảm nghĩ của mình sau khi đọc thơ Tố Hữu. Riêng tôi, một nhà báo Việt Nam, là người dịch tập thơ, cảm nhận đầy đủ tình cảm của giới văn hóa, văn nghệ Đức đối với Tố Hữu và thơ Tố Hữu. Tôi cứ nghĩ: giá mà nhà thơ của chúng ta cũng có mặt ở đây hôm nay...

Như đã nói, báo chí Đức trong những ngày đó đã dành nhiều vị trí giới thiẹu và phân tích thơ Tố Hữu. đáng chú ý nhất là báo Nước Đức mới (Neues Deutschland), cơ quan trung ương của Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, đã có tới ba lần đăng bài bình luận thơ ông. Tôi đặc biệt thú vị trước "phát hiện" của báo này khi viết: "Tố Hữu thường sử dụng mô-típ "con đường" - đó là con đường của cách mạng, con đường chiến đấu của toàn dân tộc được hình tượng hóa".

Nhà xuất bản Cuộc sống mới, khi ấn hành tập thơ, đã có sự hợp tác chặt chẽ với nhà xuất bản Đam-nít-xơ ở Đuýt -xen-đốp. Về hình thức và nội dung, tập thơ được phát hành ở miền Tây nước Đức không có gì khác, trừ tên nhà xuất bản. Tôi rất vui, trong mấy chuyến công tác sang miền Tây đã nhìn thấy tập thơ Tố Hữu được bán rộng rãi ở các thành phố Đuýt-xen-đốp, Bon, Phrăng-phuốc bên sông Mai-nơ...

Trong thời gian nhà thơ Tố Hữu có mặt tại miền Tây nước Đức, có một sự việc làm cho các đồng chí cộng sản và giới văn hóa - văn nghệ ở đó bàn tán với vẻ cảm phục. Đó là việc nhà thơ muốn gặp sinh viên Việt Nam hiện đang ăn học ở đây. Điều ấy làm cho các đồng chí bảo vệ không yên tâm. Họ hỏi nhà thơ: "Đồng chí có biết họ là ai không? Có biết tên người nào không?” Dĩ nhiên đấy là những sinh viên từ Sài Gòn tới. Và Tố Hữu trả lời: “Tôi không biết tên ai cả,nhưng có điều chắc chắn đó là những sinh viên Việt Nam, những trí thức Việt Nam!". Họ hỏi: "Sao đồng chí lại gặp người Sài Gòn !". Nhà thơ của chúng ta cười: "Sài Gòn là đất nước chúng tôi !"- "Nhưng ít nhất đồng chí cũng phải biết họ là con cái ai chứ !"-"Có lẽ tôi cũng đoán được. Họ là con cái tư sản, đại công chức... và chắc chắn không phải là con những người lao động chân tay"- "Ồ vậy thì đồng chí gặp họ làm gì?". Nhà thơ đáp: "Ấy chính vì thế mà tôi lại cần gặp".

Các đồng chí Đức tổ chức bảo vệ cho nhà thơ rất cẩn thận. Vì đây là một trưởng đoàn đại biểu của Đảng anh em sang dự đại hội Đảng của họ cơ mà. Đảng Cộng sản Đức (DKP) gọi là công khai, nhưng thực chất là bí mật. Đồng chí Việt Nam này phải được bảo đảm an tòan tuyệt đối. Nếu xảy ra chuyện gì thì phiền về trách nhiệm quốc tế. Cho nên, Bạn đã bố trí cho nhà thơ một căn gác, cũng không rõ là gác thứ mấy, vì đi đêm mà không được để đèn sáng. Nhà thơ đã đi thầm trong một tình cảnh khá bí mật. Trong khi đó, Tố Hữu muốn công khai. Và sinh viên cũng công khai. Các đồng chí không yên tâm nên đi theo nhà thơ sát từng bước. Tố Hữu muốn đi trước nhưng họ không đồng ý, đã đòi đi trước. Khi tới cửa, nhà thơ lấn đi trước, nhờ cái bụng nhỏ hơn cái bụng của đồng chí bảo vệ.

Cảnh tượng đầu tiên diễn ra làm các bạn Đức hoàn tòan bất ngờ : tất cả sinh viên ôm lấy nhà thơ và khóc. Tố Hữu dỗ mãi họ mới chịu ngồi yên và nghe ông nói chuyện.

Tên tuổi nhà thơ Tố Hữu thì họ từng nghe đến nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên họ được gặp. Và thơ ông, họ đã từng đọc. Ông nói chuyện với họ, thân tình như anh em, chú cháu. Chuyện nhà, chuyện đất nước. Có người vừa nghe vừa thút thít khóc: "Nhớ quá chú à! Hôm nay thấy chú sang như thấy người nhà sang!". Rồi họ yên lặng nghe nhà thơ dặn dò, khuyên bảo. Rằng họ hãy gắng mà học, học càng nhiều càng tốt để sau này xây dựng Tổ quốc...

Điều chủ yếu mà các bạn Đức bàn tán là sự cuốn hút của một tâm hồn đầy nhân bản, thấm đượm niềm tin tưởng, đầy sức cảm hóa. Làm chính trị đến như vậy là tuyệt vời, họ bảo thế. Đây là câu chuyện giữa con người với con người, giữa trái tim với trái tim, trên cơ sở của tình cảm dân tộc, của lòng yêu nước. Văn hóa - Văn nghệ, xét cho cùng, phải đạt được sự giao hòa, đồng cảm với con người như thế...

Sự việc trên đây diễn ra trước khi nhà thơ Tố Hữu đến dự cuộc tọa đàm với các nhà văn, các nhà họat động điện ảnh, nghệ thuật tạo hình và âm nhạc ở thành phố Muyn-sen (mà lâu nay ta vẫn gọi là Muy-ních). Địa điểm là tòa sọan Tạp chí Hạt dưa (Kuerbiskern), diễn đàn của giới văn hóa - văn nghệ tiến bộ, dân chủ ở khu vực này. Mở đầu cuộc gặp mặt, họa sĩ Các-lô Sê-lê-man (Carlo Shelleman) trao tặng đồng chí Tố Hữu một số tác phẩm mới ấn hành dưới chủ đề Việt Nam. Họa sĩ còn biếu nhà thơ quyển Hạt dưa số 3/69 có đăng bài thơ Mẹ Suốt. Đồng chí Kéc Đôi-mơ-lích (Gerd Deumlich), Ủy viên Đòan Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức (DKP), cũng là một nhà văn hóa, chủ trì cuộc tọa đàm, nhiệt liệt chào mừng nhà thơ, Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Tố Hữu. Nội dung chính của cuộc tọa đàm là nhà thơ sẽ trả lời các câu hỏi của những người tham dự về tình hình hiện tại ở việt Nam và nhiệm vụ của phong trao đòan kết quốc tế. Ngay từ phút đầu, câu chuyện của Tố Hữu tạo ra không khí thân mật, thỏai mái giữa những đồng nghiệp có chung lý tưởng. Ai cũng chăm chú nghe ông, nhiều lần vỗ tay tán thưởng. Nhà thơ Tố Hữu nói:

- Mọi người chúng ta đều biết chiến tranh là gì. Thế nhưng, lòai người chưa bao giờ phải trải qua cái mà dân tộc Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé đã trải : một diện tích chỉ có 300.000 kilômét vuông mà hứng chịu số bom nhiều gấp ba lần số bom trong tòan bộ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Mảnh đất này đã thấm bao nhiêu máu và nước mắt. Cũng không cần phải nói gì ghêm về nỗi đau khổ của nhân dân chúng tôi, bởi vì thế giới biết cả rồi. Vì biết rõ, nên lòai người tiến bộ đều đứng về phía chúng tôi. Không chỉ những người cộng sản mà tất cả những ai tôn trọng dân chủ và nhân phẩm, tất cả những ai có lương tâm đều coi đó là sự xúc phạm đối với lòai người - qua những gì mà kẻ thù đã gây ra ở Việt Nam.

Dân tộc chúng tôi bị đưa vào một tình thế là phải chiến đấu, nếu muốn tồn tại. Dân tộc chúng tôi đã chống trả  biết bao nhiêu kẻ thù trong lịch sử 4.000 năm của mình. Nhưng tất cả chúng đều không ghê gớm bằng cuộc xâm lược của Mỹ. Trong một bức tranh, Gúttusô đã so sánh cuộc đấu tranh của chúng tôi với cuộc đấu tranh giữa Đa-vit và Gô-li-át. Kết quả của cuộc đấu tranh ấy đã rõ: chúng tôi là người chiến thắng.

Không cần phải vạch rõ rằng, chúng tôi có một chính đảng mạnh, có các lực lượng vũ trang hùng mạnh. Song, những nhân tố ấy chưa đủ đảm bảo cho thắng lợi của mình. Nếu không có sự giúp đỡ của Liên xô, của Cộng hòa Dân chủ Đức và các nước xã hội chủ nghĩa khác, không có sự ủng hộ của lòai người tiến bộ đã lên án cuộc chiến tranh này và cùng chúng tôi chiến đấu với tất cả sức mạnh - vâng không có tình đòan kết quốc tế - làm sao chúng tôi có thể giành được thắng lợi này. Tôi xin một lần nữa nhấn mạnh sự thực đó. Bởi vậy, xin phép được gọi thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam là thắng lợi của chúng ta. Tôi nghĩ rằng, không một ai trong chúng ta sẽ phản đối điều tôi vừa nói".

Tiếng vỗ tay nổi lên vang dậy. Từ bấy lâu, những người nghệ sĩ ở miền Tây xa xôi này, vẫn lặng lẽ ủng hộ hết mình cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, cuộc chiến đấu của lương tâm, của chính nghĩa. Bằng tác phẩm nghệ thuật của mình, bằng sự tham gia vào các cuộc mít tinh, biểu tình chống cuộc xâm lược của Mỹ, bằng sự quyên góp vật chất, họ đã góp phần làm nên chiến thắng hôm nay.

Các nghệ sĩ Đức càng đặc biệt thú vị về câu chuyện của Tố Hữu khi ông kể những điều ông chứng kiến trong chuyến đi miền Nam dài ngay vừa qua "Tôi đã đi - Đường vào Nam - đường đi đánh giặc". Và ai cũng cảm nhận rằng, đây là câu chuyện sinh động của một thi sĩ, một chiến sĩ, một nhà lãnh đạo luôn luôn gắn bó với nhân dân. Ông không nói những điều to tát, những khái niệm trừu tượng. Ông chỉ kể những chuyện bình dị mà ý nghĩa thật sâu sắc. Như chuyện một ông già miền Nam :

- Cụ già 80 tuổi. Sau khi ký kết hiệp định Pa-ri, chính quyền Sài Gòn đã mở cuộc tấn công chống dân thường. Chúng dùng hai trung đòan để "bình định" và chiếm khu vực này. Việc này có ý nghĩa chiến lược: làng ở sát bờ biển. Du kích chống lại cuộc tấn công. Nhân dân trong làng đi sơ tán cả. Riêng cụ không đi. Cụ nói: "Đây là làng tôi, đây là nhà tôi". Thế nhưng, một ông lão thì làm sao chống nổi hai trung đòan địch. Chúng nó đến, phá làng, đốt nhà và lôi cụ già đi. Không vũ khí, không sức lực, vậy mà cụ đã cắn bọn lính. Chúng đưa cụ đến căn cứ điểm của chúng. "Tại sao ông lại làm như vậy? Ông đói à?" Dĩ nhiên là cụ đói. Chúng đưa cho cụ một hộp thức ăn. "Ai làm ra cái hộp ấy?", "Người Mỹ". Vậy thì tao thèm vào!". Về sau, chúng hỏi cụ: "Ông có khát không?". Dĩ nhiên là khát. Chúng mời cụ uống Coca-cola. Lại câu trả lời như cũ. Chúng đánh đập cụ. Thế nhưng, chúng có thể làm gì được cụ? Cuối cùng, chúng thả cụ ta. Cụ trở về ngôi nhà bị tàn phá của mình. Cụ dọn dẹp đống tro tàn. Ban đêm, du kích đến. Họ hỏi cụ: "Chuyện gì đã xảy ra?" "Chẳng có gì cả. Chúng nó thua rồi. tôi đã về đây. chỉ có một điều làm tôi tiếc mãi. Tôi cắn chúng, nhưng tôi chẳng còn răng, cho nên chúng không thấy đau. Tôi mà có răng thì bọn lợn ấy đã nếm mùi rồi!".

Trả lời câu hỏi về các văn nghệ sĩ Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu nói:

- Các văn nghệ sĩ chúng tôi sống và chiến đấu như nhân dân chúng tôi vậy. Không có đặc quyền đặc lợi gì cả. Sự khó khăn, thiếu thốn mà nhân dân chịu đựng thì các nghệ sĩ cũng phải chịu đựng. Mỗi người chiến đấu như một người lính. Hàng trăm văn nghệ sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu. Nhiều người bị tù đầy, tra tấn, nhưng đã đều giữ khí tiết cho đến hơi thở cuối cùng và đến ngày toàn thắng.

Trong giới văn nghệ có nhiều chị em phụ nữ. Trong chiến tranh, các chị, các mẹ chịu nhiều đau khổ hơn, vậy mà dường như họ lại hăng hái hơn đàn ông. Một dân tộc không thể tồn tại nếu không có phụ nữ. Và không có tiếng nói của họ thì nghệ thuật cũng không là nghệ thuật nữa. Tiếng nói của họ gây xúc động trong lòng chúng tôi biết nhường nào! Cũng có thể, thường họ chưa được học hành gì nhiều, song, giọng hát của họ cất lên từ trái tim, họ hát với tất cả tâm hồn.

Nhân dân chúng tôi cần nghệ thuật. Họ nói: tiếng hát át tiếng bom. Vì thế, dân tộc tôi hát, kể cả trong đau khổ và về nổi khổ của mình. Dường như là, trong đấu tranh, nhu cầu văn hóa càng lớn. Trách nhiệm của nghệ sĩ chúng tôi là tạo ra thức ăn tinh thần cho nhân dân. Tác phẩm của chúng tôi chỉ thành công khi nói được điều mà nhân dân chúng tôi nghĩ và cảm. Kinh nghiệm đã dạy chúng tôi rằng: hoàn cảnh mới đòi hỏi cách biểu hiện mới. Trẻ em lớn lên, chúng không thể mặc quần áo cũ được. Vậy thì, phải tìm ra những hình thức mới của nghệ thuật. Thế nhưng, chúng tôi nghĩ rằng, các hình thức mới phải xuất phát từ truyền thống dân tộc. Nhưng, chỉ có truyền thống không thôi thì sẽ không hợp với thời đại mới. Mặt khác, con người ta rất gắn bó với nghệ thuật dân gian. Các nghệ sĩ chỉ đạt được kết quả khi nhận thức đầy đủ : nghệ thuât phải là nghệ thuật của nhân dân. Một nghệ sĩ muốn tỏ ra thông minh hơn nhân dân mình và sáng tạo những tác phẩm mà nhân dân không hiểu được thì anh ta không đạt được kết quả. Có lẽ ở Đức cũng vậy thôi. Sự thống nhất giữa truyền thống và sáng tạo mới bao giờ và bất cứ ở đâu cũng thời sự cả. Tại đại hội Đảng Cộng sản (DKP), chúng tôi đã được nghe các bài ca chính trị, trong đó có những bài ca nổi tiếng của phong trào công nhân Đức. Những bài ca ấy cũng là món ăn tinh thần của chúng tôi. Chúng tôi rất cần nền nghệ thuật chiến đấu như vậy, vì nó có thể giúp chúng tôi rất nhiều. Đối với chúng tôi, nghệ thuật luôn luôn là vũ khí. Câu trả lời cho câu hỏi: bằng cách nào, các bạn có thể giúp đỡ chúng tôi thì xin nhường lại các bạn, bởi vì nó tùy thuộc lương tâm các bạn, sự cảm thông của các bạn: khi người ta sống vì nhau, thì sẽ tự tìm ra con đường của mình. Khỏi phải dạy người ta cách nói với người yêu của họ như thế nào, người ta tự biết cách nói với người mình yêu. Những gì mà các bạn đang làm để vạch trần bộ mặt đế quốc cũng là cần cho chúng tôi. Mỗi bước tiến vì hòa bình và tiến bộ ở đất nước các bạn cũng là một thắng lợi của chúng tôi!".

Trong không khí hết sức thân tình, nhà thơ Tố Hữu kể chuyện cổ tích về quả dưa hấu. Dưa hấu, có gì đó gắn với cái tên Hạt dưa của tạp chí. Các nghệ sĩ Đức lấy làm thú vị khi nghe đến lời kết của câu chuyện: một ngày kia, chàng trai từ đảo trở về đất liền theo lệnh của nhà vua. Anh mang rất nhiều hạt dưa về và chia cho mọi người. Từ đấy, nhân dân ai cũng được ăn thứ quả ngọt ngào quí giá này...

Nhà thơ Tố Hữu tươi cười nói với các bạn văn nghệ Đức:
- Theo ý nghĩa đó, tôi chúc hạt dưa của các bạn không ngừng nẩy nở!

Như tôi đã có lần đề cập, nhà thơ tỏ ý muốn xuất bản một tập thơ gồm các bài ông dịch từ trước tới nay. Về Đức, ông muốn dịch Gớt và Brếch. Ông bàn với tôi: tôi sẽ dịch nghĩa và ông chuyển thành thơ. Tiếc rằng, việc đó đến nay chưa thực hiện được bao nhiêu. Trong tập thơ Đợi anh về (thơ dịch nước ngoài) mới có hai bài của B.Brếch, đó là: "Anh tôi xưa lái máy bay" và "Những thợ dệt ở Ku-jan Bu-lác tưởng niệm Lê-nin". Thơ Brếch, nhưng vẫn lộ rõ phong cách Tố Hữu. Dù còn ít, chúng ta có thể ghi nhận sự đóng góp của nhà thơ vào việc giới thiệu văn học Đức ở Việt Nam. Tôi biết, với Brếch, ông có tình cảm sâu sắc. Ngày 2/7/1979, đến thăm nhà bảo tàng B.Brếch ở phố Sau-dơ, Béc-lin, Tố Hữu viết: "Béc-tôn Brếch mãi mãi là nhà thơ của chân ly, sắc bén, dũng cảm, là nhà nghệ thuật kỳ diệu làm sống cuộc đời của mọi nỗi đắng cay, mà lòng vẫn luôn luôn ngọt ngào tình yêu nhân loại".

Ông cũng từng nói một câu có sức khái quát rất cao về nhà thơ này mà tôi đã trích dẫn trong bài"Béc-tôn Brếch, người làm rung chuyển nền sân khấu thế giới" (đăng báo Nhân dân cuối tuần, số 6, ngày 8/2/1998). Đó là câu: "Đốt cháy trái tim lên đến thành trí tuệ đó là Hích-mét. Đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim là Brếch đây rồi!". Đọc bài báo của tôi, Tố Hữu bảo :"Thế mà mình đã quên mất câu ấy !"

Đối với Giô-han Vôn-căng Gớt, Tố Hữu đặc biệt trân trọng. Với Si-lơ cũng vậy. Theo ông, ở Silơ, tính chiến đấu cao hơn, mạnh hơn. Còn ở Gớt là cả một sự nghiệp sáng tạo khổng lồ. Tố Hữu có may mắn dược đến thăm nhà Gớt ở Frăng-phuốc bên sông Mai-nơ và cả ngôi nhà của đại thi sĩ ở Vai-ma. Nhớ lại cuộc thăm ở Frăng-phuốc, Tố Hữu kể: "Thành phố này nổi tiếng với những ngân hàng rất lớn và những côn đồ hung bạo, cũng là quê hương của Gớt, nhà văn lớn của Đức và của loài người. Đến thăm ngôi nhà xưa của ông trong một khu phố nhỏ, tôi ngạc nhiên thấy đường phố tối om, ngay giữa một thành phố rực rỡ ánh đèn. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, bọn tư sản độc quyền và bọn phát xít mới mặc sức hoành hành, tôi cảm thấy:

Như đi trong bóng tối sương mù
Dữ dội chiến trường không tiếng súng...

Ôi Gớt vĩ đại, người ta viết cách đây một thế kỷ:"Không muốn làm đe, hãy làm búa!" Câu thơ tuyệt đẹp tưởng như viết cho ta hôm nay!".

Câu thơ ấy được Tố Hữu nhắc lại trong Đường của ta đi.

Còn ở Vai-ma, trong chuyến thăm sau đó 6 năm, Tố Hữu viết trong Sổ khách Nhà bảo tàng Gớt như sau:

"Kính chào Goethe, tác giả bất hủ của "Faust", nhà thơ vĩ đại, nhà nhân văn kiệt xuất mà nhân loại mãi mãi có thể tự hào. Goethe là một trong những người con tuyệt vời của nhân dân Đức".

Ông tỏ lòng cảm ơn Đảng và Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức "đã xây dựng viện bảo tàng này cho con cháu muôn đời học tập di sản quí báu của Goethe".

Có lẽ cũng cần nhắc đến một vài cuộc gặp khác với giới báo chí và văn nghệ trong dịp Tố Hữu trở lại Đức, vào mùa hè năm 1979. Trưa 2-7, nhà thơ Tố Hữu tiếp Hoóc-xtơ Sê-pô-ních(Horst Szeponik), một nhà báo nổi tiếng, chuyên viết về đề tài Bác Hồ và Việt Nam. Anh là trưởng ban quốc tế báo Bưu điện hàng tuần (Wochenpost), xin gặp Tố Hữu với tư cách là đại diện của báo này. Tôi đã dịch và chứng kiến đầy đủ nội dung câu chuyên giữa nhà thơ lớn Việt Nam và nhà báo Đức. Nhưng, tôi sẽ không thuật lại như một người ghi biên bản mà xin giới thiệu nội đung bài viết của Hoóc-xtơ Sê-pô-ních sau cuộc gặp ấy, đăng trọn một trang trên Bưu điện hàng tuần, số 32/1979. Tít lớn của bài báo là câu thơ của Tố Hữu, lấy ý từ một câu nói của Bác Hồ năm 1954: "Giờ thêm sông biển, lại thêm ban ngày", tít phụ là "Gặp gỡ với Tố Hữu, nhà cách mạng và nhà thơ Việt Nam". Bằng một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng, Hóoc-xtơ Sê-pô-ních giới thiệu Huế, quê hương của nhà thơ Tố Hữu. Theo anh, thiên nhiên không ở đâu lại có vẻ đẹp hài hòa như Huế, với núi non, sông, biển, những vườn cam, vườn quýt ngát hương, những cung đền, miếu mạo. Nhà thơ đã ra đời và lớn lên ở đấy. Anh làm thơ từ thuở nhỏ, anh ca ngợi phong cảnh tươi đẹp của quê hương và những cô gái Huế dịu hiền "nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai..." Nhưng đất nước chìm trong chế độ thực dân, phong kiến, chịu bao đau khổ, bất công đã làm thức dậy trong anh những đề tài mới về quần chúng lao khổ, và vì vậy anh đã buộc lòng anh với mọi người, "để hồn trang trải với trăm nơi"... Thơ đã trở thành vũ khí của nhà cách mạng trẻ tuổi. Trong tù, anh cũng làm thơ... Hoóc-xtơ Sê-pô-ních viết: "Mái tóc đen của nhà thơ nay đã điểm hoa râm... Thật khó tưởng tượng: người đàn ông 59 tuổi này đã trở thành một trong những vị lão thành của cách mạng Việt Nam. Một vị lão thành, nhưng giọng vẫn trẻ trung, cuốn hút...". Tác giả bài viết nhắc lại việc Phrít-xơ Gien-xen (Fritz Jensen), nhà báo, nhà văn người Áo vốn là người đầu tiên dịch thơ Tố Hữu ra tiếng Đức. Nhờ ông mà độc giả ở Đức được đọc bài Ta đi tới viết năm 1954. Cũng như họa sĩ Ghéc-hác Bôn-xin (Gerhard Bondzin), người vừa ở Việt Nam về, mang theo những bức ký họa và đồ họa với nội dung Việt Nam chống Mỹ, H.Sê-pô-ních xúc động được đọc thơ Tố Hữu, qua tập Việt Nam - Tổ quốc tôi ấn hành năm 1975. Anh viết: "Những vần thơ của Tố Hữu đã trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh suốt mấy thập kỷ nay của Việt Nam - trong những ngày đau khổ và chiến thắng. Tố Hữu không chỉ là nhà thơ, ông còn là nhà cách mạng, nhà chính trị”.

Có hai điều tôi rất nhớ qua cuộc tọa đàm giữa Tố Hữu và Hoóc-xtơ Sê-pô-ních, cũng đã được anh ghi lại trong bài viết của mình. Anh hỏi nhà thơ: "Xin đồng chí cho biết: vì sao một dân tộc suốt bao năm trời chịu đựng gian khổ, thiếu thốn trong lửa đạn, trong hầm hào của chiến tranh lại vẫn ham mê và tìm thấy ý nghĩa của thi ca?". Tố Hữu cười:

- Ấy, chính nhờ thơ ca, nhờ tiếng hát mà chúng tôi vượt qua tình hình đó!

H.Sê-pô-ních chợt nghĩ tới những bài thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong nhà tù Trung Quốc, được tập hợp lại thành tác phẩm Nhật ký trong tù nổi tiếng thế giới. Đó là thơ của niềm hy vọng, của sự tự tin, tự cổ vũ, mà cũng để khuây khỏa trong những giờ phút đen tối nhất.

- Theo như tôi biết, đồng chí bận rất nhiều công việc do những trọng trách của một Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng... Đồng chí lấy đâu ra thời gian để sáng tác thơ?

Nhà thơ lại cười, vui vẻ trả lời:

- Quả là tôi rất ít thời gian. Nhưng tôi tận dụng từng phút rỗi rãi quí hiếm để làm thơ. Đó cũng là cách giải bày tâm sự, là dịp trò chuyện với mọi người. Tôi biết rõ: nhân dân tôi luôn luôn chờ đợi những bài thơ mới. Thơ tôi viết, có bài đạt, cũng có bài chưa đạt lắm về nghệ thuật. Nhưng, khi đói, khi cần thì ăn khoai, ăn sắn cũng tốt, chưa dám nghĩ đến các món bánh ngọt có kem cao cấp...

Hoóc-xtơ Sê-pô-ních rất cảm động vì được nhà thơ dành thời gian tiếp anh. Về phần mình, Tố Hữu cũng tỏ lòng biết ơn nhiệt tình của giới báo chí Đức. Ông vui vẻ viết tặng những dòng sau đây:

"Xin gửi đến các bạn đọc thân mến của báo Wochenpost lòng yêu quí và kính trọng, tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân và những người viết văn Việt Nam".

T.Đ
(189/11-04)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng