"Kính tặng bà con Tây Linh" - phải đây là cái xóm mà Hoàng Đình Thạnh đã chèo xuồng bươn bả trong nước xoáy một ngày để cứu bà con lối xóm, và cuối ngày anh đã hy sinh cùng bà mẹ già và đưa con thơ dại?
"Mỗi năm đến tháng lụt cả xóm tôi đều lo chạy heo gà gạo củi lụt lần nào cũng to
Ôi! cái xóm tội tình mưa chỉ vài ba trộ đất đá đã nổi sình người đua nhau chổng vó
Trăm người làm trăm nghề đến ngày lụt, tháng lụt đều làm lính Thủy Tề lội ì à ì ộp
Chó cuống cuồng chạy chỗ gà táo tác tìm cây chuột hết đường nhí nhố ruồi ướt cánh ngừng bay
Có điều vui vẻ nhất thường ngày gặp, ít chào đến ngày lụt, tháng lụt í ới gọi tìm nhau
Chỉ buồn không hiểu sao dù năm nào cũng lụt phù sa không bám đất nên xóm tôi không giàu!"
Một bài thơ ngũ ngôn tự sự, viết như nói, nói như kể, kể như nửa khóc nửa mếu nửa cười. Đây là bài thơ viết trước khi có trận lũ lụt kinh hoàng vừa xảy ra tại Huế, nên chưa thấy cái không khí kinh hoàng trong từng câu chữ, nhưng nó cũng đủ nhói vào ta những cảnh tả thực về lụt ở một xóm trũng, xóm nghèo. Ở đời "nước chảy chỗ trũng", nhưng đây là nước lũ, nước lụt, chứ đâu phải tiền của gì cho cam! "Cái xóm tội tình" ấy, "mưa chỉ vài ba trộ" đã ngập lê mê, nói chi tới lũ quét, lụt tràn? "Chó cuống cuồng chạy chỗ- Gà táo tác tìm cây- Chuột hết đường nhí nhố...", chao ôi là cảnh chạy lụt, tả như thế sinh động đến muốn khóc, dù có câu thơ lại như cái nhếch mép cười cay đắng. Người Huế là vậy, bao nhiêu nỗi đau, bao nhiêu cay đắng lặn vào trong, nuốt vào trong, để cố nở một nụ cười. Cái nụ cười khiến ta chết lặng.
"Có điều vui vẻ nhất thường ngày gặp, ít chào đến ngày lụt, tháng lụt í ới gọi tìm nhau"
Đấy là cái tình làng nghĩa xóm, cái tình của người đồng bào không chỉ một xóm một làng. Đó là điều lạ lùng đến kỳ diệu của người Việt mình, mỗi khi một vùng nào trong nước gặp tai ương, cả nước chợt bừng tỉnh, siết chặt vòng tay quanh vùng hoạn nạn, chia sẻ đến từng miếng ăn miếng uống, chia sẻ cả tính mạng vì đồng bào, đồng loại. Riêng điều đó đủ cho ta tự hào mình là người Việt. Những "í ới gọi tìm nhau" ấy đang diễn ra trong cả nước giờ đây, trước tai ương và nỗi đau khôn cùng của Thừa Thiên Huế, của Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi... Miền Trung của tôi, giống như cái xóm nhỏ của anh Phạm Xuân Phụng, "chỉ buồn không hiểu sao, dù năm nào cũng lụt" mà "phù sa không bám đất", nên lá đã rách càng rách thêm. Dù có những "lá lành bất ngờ" cứ ăn vào lá rách, thì ở dải đất nghiệt ngã này, "lá rách" vẫn là đa số, vẫn 90%, vẫn "nhất trí"... nghèo khổ. Bao giờ cho tới... bao giờ, cho cây lúa trỗ ngập bờ nắng lên... Thơ không chỉ có tiếng cười, thơ còn là tiếng khóc, là nỗi đau. Dù ít, nhưng trong thơ Việt Nam chưa bao giờ ngưng "dòng thơ chạy lụt", kể từ những câu thơ nổi tiếng thương dân, thương người của Nguyễn Khuyến:
"Quay Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi Làng ta thôi lại lụt mà thôi..."
Quảng Ngãi 11-11-1999 N.C (130/12-1999)
|