Nghiên Cứu & Bình Luận
Những đường bay của mê lộ (Về Văn học kỳ ảo)
10:50 | 12/11/2009
NGÔ TỰ LẬP(Tiếp theo TCSH số 127/9-99)
Những đường bay của mê lộ (Về Văn học kỳ ảo)
Nhà văn Ngô Tự Lập - Ảnh: vietnamnet.vn

5.
Lý luận phương Tây về văn học kỳ ảo vấp phải những trở ngại không thể vượt qua nổi, đặc biệt là khi nó đụng chạm đến văn học phương Đông.

Ở phương Đông người ta chưa bao giờ phân biệt một thể loại "kỳ ảo" hiểu theo nghĩa chặt chẽ kiểu phương Tây của từ này. Mặc dù vậy, ở Trung Quốc cổ, đặc biệt từ thời Hán Ngụy, Lục Triều, các loại tiểu thuyết (18) chí quái đã rất phát triển với những tác phẩm như Oan hồn chí của Nhan Chi Thôi, Tục Tề hài ký của Ngô Quân, Liệt dị truyện được coi là của Tào Phi... và nhất là Sưu thần ký của Can Bảo cùng Sưu thần hậu ký, tương truyền do Đào Tiềm viết. Chính truyện ngắn Luyện kiếm của Lỗ Tấn mà độc giả gặp trong hợp tuyển này cũng là dựa theo chuyện Tương Can Mạc Da, từng được chép trong các sách cổ như Ngô Việt xuân thu, Việt tuyệt thư..., sau đó được Can Bảo kể lại tỉ mỉ và sinh động hơn trong Sưu thần ký.

Tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường (19) phát triển dựa trên những thành quả phong phú của tiểu thuyết chí quái thời Hán Ngụy, Lục Triều. Trong số các tác giả nổi bật có thể kể Vương Độ với Cổ kính ký, Trương Sác với Tiên du quật, Thẩm Kí Tế với Chẩm trung kíNhiệm thị truyện, Lí Công Tá với Nam Kha Thái Thú truyện, Bạch Hành Giản với Lí Oa truyện Tam mộng kí, Tưởng Phòng với Hoắc Tiểu Ngọc truyện, Quách Thực với Cao Lực Sĩ ngoại truyện, Diêu Nhữ Năng với An Lộc Sơn sự tích, Trần Hồng với Trường hận ca truyện, Ngưu Tăng Nhụ với Huyền quái lục, Tiết Dụng Nhược với Tập dị ký...

Từ truyền kỳ thường được dịch sang các thứ tiếng phương Tây, chẳng hạn tiếng Pháp, là "fantastique". Chẳng hạn chương VIII cuốn sách của Lỗ Tấn "Brève histoire du roman chinois", được dịch là: "Les contes fantastique (chuanqi) de la dynastie des Tang". Trên thực tế, thể truyền kỳ, một thể loại phát triển rất rực rỡ và có ảnh hưởng to lớn đến văn học Trung Quốc cũng như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản trong nhiều thế kỷ sau đó, đến tận thế kỷ XVIII, là một hiện tượng văn học rất phức tạp. Việc nghiên cứu tiểu thuyết truyền kỳ một cách kỹ lưỡng vượt quá khuôn khổ của bài tiẻu luận này, ở đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý rằng phần lớn các tiểu thuyết truyền kỳ nằm ngoài khuôn khổ truyện kỳ ảo theo quan niệm phương Tây.

Tuy vậy, một bộ phận tiểu thuyết truyền kỳ lại có thể coi như những truyện kỳ ảo mẫu mực. Chẳng hạn truyện sau đây, rút trong tập Tam mộng kí của Bạch Hành Giản, kể chuyện Lưu U Cầu, một viên quan dưới thời Vũ Tắc Thiên, trên đường về nhà đi qua một tu viện, trong đó người ta đang rượu chè cười nói vui vẻ. Đột nhiên, qua bức tường thủng, Lưu U Cầu trông thấy có vợ mình trong số đó. Mới đầu ông ta không tin, nhưng càng nhìn kỹ ông càng thấy mình không thể nhầm bởi từ giọng nói, điệu bộ, nụ cười đều đúng là của vợ ông ta. Lưu vừa định tìm cách lại gần hơn để xem cho kỹ thì cánh cửa tu viện đóng lại. Lưu dùng gạch ngói ném vỡ một bình rượu làm rượu chảy ra lênh láng. Sau đó, Lưu trèo tường vào, cùng đày tớ sục sạo tất cả các phòng, nhưng tất cả các thực khách đều đã biến mất dù cửa vẫn cài then chặt. Vô cùng kinh ngạc, Lưu vội vã thúc ngựa về nhà. Vợ Lưu đang ngủ, choàng dậy ra đón, cười và kể lại giấc mơ kỳ lạ; bà ta đang dự một bữa tiệc trong một lâu đài cùng những người không hề quen biết thì ai đó ném gạch ngói vào và chính tiếng cốc chén vỡ đã đánh thức bà ta dậy.

Tương tự như ở truyện Bản thảo tìm thấy ở Saragosse của Jean Potocki mà chúng tôi đã tóm tắt ở trên, câu chuyện về họ Lưu khiến cho người đọc phải ngờ vực, phải do dự trong việc lựa chọn giữa hai cách giải thích duy lý hoặc phi lý.

Điều đáng kinh ngạc ở đây là Tam mộng kí của Bạch Hành Giản, dù không phải là tác phẩm sớm nhất thuộc loại này ở Trung Quốc, đã ra đời trước những truyện kỳ ảo phương Tây đầu tiên tới gần mười thế kỷ! Chắc chắn, ở thời đại của Bạch Hành Giản trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc không thể sánh với trình độ khoa học kỹ thuật của châu Âu thế kỷ ánh sáng. Rõ ràng việc nhìn nhận văn học kỳ ảo như là sản phẩm, hoặc như là một phản ứng đối với sự phát triển đến trình độ cao của khoa học là không có cơ sở và trong trường hợp may mắn nhất, nó chỉ có thể phù hợp một cách tương đối với những hiện tượng văn học phương Tây.

Tôi nói tương đối bởi vì chính bản thân sự ngờ vực, sự đắn đo giữa hai cách lý giải mà đa số các nhà nghiên cứu phương Tây coi là bản chất của văn học kỳ ảo cũng là một điều rất đáng ngờ. Nếu coi sự ngờ vực là tiêu chí phân loại thì đó cũng là một tiêu chí bất ổn.

Trước hết, cần phải xác định đó là nỗi ngờ vực của ai - tác giả, nhân vật hay người đọc? Rõ ràng chúng ta phải loại tác giả ra khỏi đối tượng xem xét, bởi trong một tác phẩm hư cấu - ở đây chúng tôi đối lập với những văn bản ghi chép hiện thực - tác giả phải đứng ngoài tác phẩm, cho dù tùy theo tài năng anh ta có để lại dấu ấn của mình ở những mức độ khác nhau thông qua việc lựa chọn nhân vật, đề tài, bút pháp... Khi sáng tác, nhà văn tuân theo lô gích nội tại của tác phẩm, vì thế, mỗi tác phẩm, kể cả những tác phẩm tồi nhất, cùng là một thế giới đơn nhất, không lặp lại và độc lập, thậm chí với cả chính tác giả của nó. Giống như các diễn viên có thể đóng những vai khác nhau như nước với lửa và khác chính họ, một nhà văn "mê tín" vẫn có thể sáng tác những tác phẩm "duy vật", ngược lại, thật là sai lầm nếu qui kết một nhà văn viết truyện ma là "mê tín dị đoan".

Vậy kẻ ngờ vực ở đây có thể là nhân vật? Cũng không có cơ sở. Theo lý luận phương Tây thì sự ngờ vực chỉ nảy sinh ở những ai được trang bị những tri thức khoa học và triết học duy vật - chắc chắn là chỉ có được sau thế kỷ ánh sáng ở châu Âu, cho phép họ thôi tin vào những gì siêu nhiên, thần bí và chỉ khi họ gặp những hiện tượng bí ẩn làm lung lay những tri thức khoa học đó. Nhưng trong văn học, có bao nhiêu nhân vật có thể xếp vào hạng "thức giả" như vậy? Những nhân vật khác, thật đông đảo, sống vào đủ mọi thời đại, ở mọi lứa tuổi, xuất thân từ mọi thành phần, chưa được khoa học và triết học duy vật soi sáng, họ có thể ngờ vực hay không? Nếu có, lý luận nói trên là sai lầm. Nếu không, tại sao không? Không lẽ một người nông dân, hay thậm chí một chàng ngốc, không thể biết nghi ngờ? Nếu không, sẽ có bao nhiêu tác phẩm có thể coi là kỳ ảo, khi nhân vật của nó chưa đủ tri thức để biết ngờ vực? Nếu không, một tác phẩm như Tam mộng ký của Bạch Hành Giản mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên không thể là truyện kỳ ảo. Nhưng không lẽ ta có thể biến nó thành truyện kỳ ảo chỉ với một thao tác đơn giản nhất là gắn thêm vào cái tên Lưu U Câu một danh hiệu là "nhà triết học duy vật"!

Như vậy tiêu chí phân loại truyện kỳ ảo chỉ có thể là sự ngờ vực mà nó gây ra nơi người đọc?

Chắc chắn người đọc là đối tượng đáng quan tâm nhất, bởi như trên đã nói, người đọc không chỉ tham gia sáng tạo tác phẩm, trong đó có nhân vật, mà còn sáng tạo ra chính tác giả và hơn nữa là cả nền văn học. Có thể nói không quá lời rằng mỗi người đọc có một nền văn học của riêng mình. Với người này, văn học Pháp là lớn nhất, với người khác là văn học Nga, với người thứ ba lại là văn học Trung Quốc... Nếu tiêu chí phân loại truyện kỳ ảo là nỗi ngờ vực của người đọc thì chắc chắn đó không phải là của bất cứ người đọc nào. Vâng, lại vẫn chỉ là "những ai được trang bị những tri thức khoa học và triết học duy vật", bởi vì những người đọc "mê tín" trước và sau khi đọc Dracula hoặc Thần vệ nữ thành Ille vẫn chẳng hề nghi ngờ sự tồn tại của ma quỉ. Còn những người đọc "duy vật", đủ "tiêu chuẩn", thật khó tin rằng khi đọc những tác phẩm mà họ biết rõ rằng chỉ là hư cấu, là sản phẩm của trí tưởng tượng thuần túy, lại tin rằng đó là chuyện xảy ra trên thực tế, để mà ngờ vực. Liệu có một khán giả bình thường nào lại cho rằng những cuộc đấu trí của Tom Jerry là chuyện thật? Nhưng mặt khác, hàng ngày hàng giờ trong thế giới còn quá rộng lớn, quá bí ẩn đối với con người này, có vô số những sự kiện, những văn bản, những thông tin đủ loại vẫn buộc chúng ta phải đối diện, ở mức độ khác nhau, với câu hỏi của Todorov. Một người gặp tai nạn chẳng hạn, đó là định mệnh hay đơn thuần là chuyện ngẫu nhiên? Thảm họa Trernobưl có đơn thuần là một sự cố rủi ro của Liên Xô cũ?... Nhưng chắc chắn không ai lại cho rằng chúng thuộc về cái gọi là văn học kỳ ảo!

Rõ ràng sự ngờ vực kia chỉ là tiêu chí giả, và chính vì thế mà nảy sinh bất đồng. Một số tác giả trung thành với tiêu chí về "sự ngờ vực" trên thực tế đã thu nhỏ văn học kỳ ảo vào một nhóm những tác phẩm ít ỏi và loại bỏ những kiệt tác như Dracula của Bram Stoker, The turn of the screw (Ap lực) của Henry James... và phần lớn những truyện kỳ ảo phương Đông với những cái kết bị coi là "mê tín dị đoan", trong khi đó một số khác lại cố gán ghép một cách khiên cưỡng tiêu chí này vào cả những tác phẩm vốn chẳng có gì đáng phải ngờ vực như Miếng da lừa của Balzac hay Cái mũi của Gogol.

6.
Trong một bài thơ nhỏ của mình, tôi tự hỏi "... liệu con đường có thể tự bay lên?". Thú thật, con đường chỉ là một thứ xiêm áo đỏng đảnh của văn chương, bởi chẳng cứ gì con đường, ta có thể hỏi như vậy về bất kì thứ đồ vật nào khác, chẳng hạn chiếc gạt tàn ngay trước mắt kia, chiếc gạt tàn tầm thường mà bạn vẫn dùng hàng ngày khi uống trà, đọc báo hoặc trầm ngâm với những điều vặt vãnh. Liệu chiếc gạt tàn ấy có thể tự nó bay lên?

Chắc chắn là có, các nhà khoa học trả lời như vậy, và không phải nhờ bất cứ một phép lạ nào. Chúng ta ai cũng biết rằng mọi vật đều được cấu tạo từ những phần tử rất nhỏ: những phân tử, nguyên tử, những hạt cơ bản... Chúng ta cũng biết rằng những hạt này đều không ngừng chuyển động. Sự hỗn loạn khiến nó nằm nguyên ở đó, chính sự hỗn loạn khiến vẫn luôn còn nguyên là . Nhưng hãy tưởng tượng rằng vào một khoảnh khắc nào đó, vào một ngày đẹp trời nào đó, đa số các hạt nhỏ tình cờ chuyển động về phía trên và, khi lực nâng đủ lớn để thắng sức hút của trái đất, chúng ta sẽ được chứng kiến một chuyến bay ngoạn mục: chuyến bay của chiếc gạt tàn.

Hiển nhiên, xác suất xảy ra chuyến bay ấy là vô cùng nhỏ. Nhưng dù sao chúng ta vẫn không thể bỏ qua, hơn nữa, dù nhỏ, chắc chắn nó vẫn lớn hơn, triệu triệu lần lớn hơn xác suất của việc những hạt vật chất nhỏ bé hỗn độn trong vũ trụ sắp xếp lại theo một trật tự, cấu tạo nên những nguyên tử, phân tử, để rồi những nguyên tử, phân tử hỗn loạn kia kết hợp với nhau tạo nên những hợp chất, đầu tiên là vô cơ, rồi hữu cơ, những hợp chất hữu cơ đó lại kết hợp với nhau thành những cơ thể đơn bào, đa bào, những loài, những giống... và cuối cùng sự chọn lọc tự nhiên đã sản sinh ra con người, thứ sinh vật biết làm thơ ca, chế tạo máy điện toán và tàu vũ trụ!

Thế mà cái sự kiện với xác suất vô cùng nhỏ nhoi ấy trên thực tế đã xảy ra, con người đã xuất hiện, và chính ở trên Trái Đất! Bạn thử nghĩ xem, điều đó may mắn làm sao, kỳ diệu làm sao!

Nhưng, cho dù hân hoan là một điều chính đáng, tôi viết những điều này không phải muốn động viên hay khuyên bạn thưởng thức cuộc sống, bởi điều đó là thừa - cuộc sống tự thân nó đã tuyệt vời và đầy những lời khuyên thông thái - mà xin được cùng các bạn suy nghĩ thêm một chút về chuyến bay, chắc chắn bây giờ đã bớt phần ngoạn mục, của chiếc gạt tàn. Suy nghĩ, chứ không phải là làm ra một câu thơ khác, đại loại như "chiếc ghế kia rồi sẽ tự bay lên" để rồi trở thành, về bản chất, một môn đệ nữa của chủ nghĩa hiện thực cổ điển.

Chuyến bay ấy nói gì, có gì liên quan đến mê lộ và bộ sách văn học kỳ ảo mà các bạn đang cầm trên tay? Thưa, không có gì khác hơn là cái chân lý cổ sơ, vừa hạnh phúc vừa đau đớn của loài người: chân lý về sự sống, nói đúng hơn là về sự mong manh của cuộc sống. Người La Mã nói rằng mọi con đường đều dẫn tới Rôma, các nhà hiền triết nói rằng hãy đào sâu vào trái tim mình sẽ thấy thế giới. Để chiếc gạt tàn bay lên, như chúng ta đã thấy, sự hỗn loạn, hay ít nhất một phần sự hỗn loạn, phải đưọc thay bằng trật tự. Đó chính là hình ảnh giản luợc của toàn bộ nền văn minh nhân loại. Trình độ văn minh, ít nhất là theo cách quan niệm của chúng ta, đồng nghĩ với trình độ tổ chức của vật chất.

Trật tự chống lại hỗn loạn, hữu hạn chống lại vô hạn, nhất thời chống lại vĩnh cửu - một cuộc chống chọi thật không cân sức và cũng vì thế mà ngoạn mục. Cuộc chống chọi này thực ra đã được bắt đầu từ rất lâu trước khi xuất hiện loài người nhưng chỉ với sự xuất hiện loài người mới trở nên quyết liệt và ngày càng quyết liệt hơn. Từ bây giờ có thể nói đó là cuộc chống chọi giữa con người và vũ trụ. Những công cụ ngày càng tinh vi hơn. Họ bơm nước lên cao, làm băng giá nhân tạo, ngăn sông lấp biển, bay lên không trung, thay đổi chính bản thân mình... Họ tổ chức những xã hội ngày một chặt chẽ hơn, với những luật lệ ngày một phức tạp và một cuộc sống tinh thần cũng ngày một thêm xa lạ và đầy vẻ thách thức... Đã có lúc con người tưởng chừng cầm chắc chiến thắng trong tay. Descartes từng ca ngợi con người như một vị anh hùng làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân.

Bốn thế kỷ trôi qua, tiếng reo của Descartes hóa thành một nỗi lo âu. Cuối thế kỷ XX, đột nhiên vấn đề tồn vong của nhân loại được đặt ra và ngay lập tức trở nên cấp bách. Không ít những người bi quan dự báo sự diệt vong của nhân loại và không phải là họ hoàn toàn không có cơ sở. Trong vòng một thế kỷ nữa, con người sẽ thở bằng gì, khi mà mọi hoạt động của con người, từ nấu ăn, sưởi ấm đến đi lại, luyện thép... đều bắt đầu từ việc tàn phá bầu khí quyển: Hàng triệu, hàng triệu chiếc ô tô, hàng nghìn máy bay đang ngốn ngấu ô xy, còn những quạt gió khổng lồ đang quạt không khí vào những cái miệng khủng khiếp của những lò nung clinker, những nhà máy điện... Con người có làm chủ được thiên nhiên không, khi càng ngày khoa học, thứ mà con người ngạo mạn đã từng coi như vũ khí bách chiến bách thắng để chinh phục thiên nhiên, càng biến thành một thứ công cụ chữa cháy - một thứ công cụ ngày càng lạc hậu so với những đám cháy do chính nó tạo ra? Con người có làm chủ được xã hội không, khi nó trở nên bé nhỏ, vô nghĩa trong xã hội hiện đại, khi những thế lực kỹ thuật, chính trị mà nó tạo ra đã trở thành những con quái vật vô hình ngày một dữ tợn và lạnh lùng, nghiến ngấu nó, đè bẹp nó? Và con người có thể làm chủ bản thân mình không, khi ngay cả sự tồn tại của nó cũng đã bị lãng quên?

Ta đang lên đó ư, có thể là đang xuống đấy - Có lẽ chưa bao giờ con người hiểu sâu sắc lời nói thông thái của Đức Khổng Tử như khi đứng hoàng hôn của thế kỷ này. Tôi chợt nhớ đến so sánh của ai đó về "sự thông thái" của loài người và loài vi khuẩn. Trái với loài người, loài vi khuẩn không hề "tiến hóa" từ hàng vạn năm nay và có lẽ sẽ chẳng hề thay đổi trong hàng vạn năm sắp tới. Thế mà chúng lại là một loài mạnh mẽ đến mức vấn đề tồn vong gần như không cần phải đặt ra. Chúng sẽ tồn tại thậm chí cả sau những biến động lớn, sau một cơn đại Hồng Thủy hay một vụ nổ hạt nhân chẳng hạn. So với chúng, loài người mới yếu ớt làm sao. Con người đã không ngừng tiến hóa, không ngừng thay đổi, nhưng tất cả những điều đó có nghĩa lý gì nếu như nó không góp phần bảo tồn nhân loại với tư cách một loài?

Vậy phải chăng văn minh nhân loại là một sai lầm của Chúa? Tôi không cho rằng có thể có một phán quyết đơn giản như thế. Điều chắc chắn chúng ta có thể nói là văn minh nhân loại đồng nghĩa với phiêu lưu - chính Đức Phật đã răn dạy chúng ta, từ 2500 năm trước, về sự mong manh của kiếp người - và, ở một chừng mực nào đó, là sự đồi bại. Đồi bại ở đây cần được hiểu với ý nghĩa triết học, hàm ý một xu hướng tự thoái hóa. Mỗi bậc thang trên con đường tiến hóa kéo theo những nguy cơ tự hủy diệt mới ngày càng lớn hơn.

7.
Sự xuất hiện của mê lộ không phải là tình cờ. Và cũng không phải tình cờ mà hai trong những dạng nổi tiếng nhất của mê lộ, mê cung trận đồ bát quái, lại thuộc về Hy Lạp và Trung Quốc (tôi tin rằng những dạng mê lộ khác cũng đã nảy sinh ở những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử nhân loại, như Ấn Độ hay Ai Cập...)

Sự phát triển của văn minh nhân loại, như trên đã phân tích, là quá trình ngược với tự nhiên và vì thế chứa đựng những nguy cơ ngày càng to lớn. Goethe, và sau này là Marx, đã mô tả quá trình ấy như một đường xoáy trôn ốc. Đó là một đường xoáy trôn ốc ngược và chúng ta có thể hình dung đến một lúc nào đó thế cân bằng sẽ không còn nữa.

Chắc chắn những nhà hiền triết Hy Lạp và Trung Quốc đã nhận ra điều đó. Chắc chắn là mê lộ đã nảy sinh như là ký ức về vũ trụ, chính là cội nguồn của nhân loại, cái cội nguồn vô tận, hỗn loạn và vĩnh cửu. Mê lộ chính là sản phẩm của nỗi khắc khoải ngày càng lớn, đeo đuổi con người suốt toàn bộ cuộc phiêu lưu văn minh của mình.

Mê cung và bát quái trận đồ là hai trong những dạng mê lộ nổi tiếng nhất nhưng cũng đơn giản và trực quan nhất. Thực ra, mê lộ xuất hiện, ở những thời đại nhất định, với những điều kiện nhất định, trong mọi lĩnh vực hoạt động sống của nhân loại, khi cuộc phiêu lưu văn minh nhân loại đạt đến một trình độ nhất định khiến nỗi khắc khoải tồn vong bắt đầu lên tiếng. Nếu xem xét lịch sử, chúng ta sẽ thấy điều đó thể hiện qua việc những tộc người du mục kết hợp lại thành những xã hội có tổ chức ngày càng cao, dần dần hình thành nhà nước với những thể chế chặt chẽ, cho đến khi các nhà triết học dự báo sự diệt vong của nhà nước. Gia đình cũng hình thành để thay thế chế độ quần hôn, một vợ một chồng thay cho đa thê đa thiếp, những bộ luật hôn nhân và gia đình bảo vệ nó cho đến khi nó bị tan rã trong những xã hội phương Tây, nơi tự do tình dục đã khiến cho hôn nhân ngày càng trở nên vô nghĩa...

Cuộc tranh luận của các học giả phương Tây về văn học kỳ ảo từ mấy chục năm nay chưa ngã ngũ chính là vì họ luôn luôn xuất phát từ một định kiến, cho rằng đó là một thể loại với những tiêu chí phân loại võ đoán. Tuy nhiên, những nghiên cứu của các học giả phương Tây hoàn toàn không phải là vô ích. Ít nhất, họ cũng đã dẫn dắt chúng ta đến và đối mặt với bản chất của hiện tượng đang ẩn náu đâu đó sau tất cả những từ gần gũi nhau do chính họ đưa ra: ambiguité, hésitation, inexplicable, insolite, incertitude, doute (nhập nhằng, lưỡng lự, không giải thích nổi, khác thường, không chắc chắn, ngờ vực)...

"Sự lưỡng lự giữa hai cách lý giải..." - Câu cửa miệng của những nhà nghiên cứu phương Tây ấy mô tả điều gì, nếu không phải là cảm giác khi đứng giữa ngã ba đường? Và vô số ngã ba đường nghĩa là gì nếu như không phải là mê lộ?

Đến đây, chắc bạn đọc đã hiểu rõ ý kiến của chúng tôi. Xin nói thêm rằng thực ra kỳ ảo không phải chỉ có trong văn học, mà có trong tất cả các loại hình nghệ thuật khác. Kỳ ảo, đó chính là mê lộ nghệ thuật, và cũng như trong những lĩnh vực khác, nó xuất hiện ở mọi nơi, khi trật tự đã trở nên bó buộc, vừa đáng ghét vừa đáng sợ và tính hợp lý của trật tự ấy bị đặt thành câu hỏi. Tuy nhiên, những thiết chế văn minh càng chặt chẽ, càng ráo riết thì sự xuất hiện của nó càng kịch tính, như những gì chúng ta chứng kiến ở phương Tây. Âm nhạc đã tìm thấy mê lộ của nó ở nhạc Jazz, nhạc Rock... sau những thành tựu rực rỡ của nhạc cổ điển với qui tắc hòa âm và khúc thức chặt chẽ. Trong hội họa, các chủ nghĩa siêu thực, lập thể... lần lượt phá tan những chuẩn mực vay mượn từ khoa vật lý. Trong sản xuất, những phương pháp dây chuyền với hàng triệu hàng triệu sản phẩm giống nhau như đúc sớm hay muộn sẽ phải những chỗ cho những phương pháp sản xuất đơn chiếc. Trong toán học người ta nói nhiều đến khái niệm tập mờ...

Mê lộ trong văn học cũng xuất hiện theo cách tương tự. Thơ hiện đại chối bỏ vần, luật và thậm chí cả ngữ nghĩa, những thứ đã tạo nên cả một hệ thống chặt chẽ và phức tạp sau hàng ngàn năm lịch sử của thơ ca. Trong văn xuôi, điều đó diễn ra trên cả hai phương diện hình thức và nội dung. Không phải tình cờ mà Henry James, với kiệt tác kỳ ảo The turn of the Screw được coi như người mở đầu cho tiểu thuyết độc thoại nội tâm hiện đại. Độc thoại nội tâm, một mê lộ thực thụ với vô vàn những khúc quanh, những chỗ rẽ, những ngõ cụt, những ảo ảnh... trở thành lối viết nổi bật của văn học thế kỷ XX. Cũng trên phương diện hình thức, ta còn phải nói đến hiện tượng hòa trộn giữa các thể loại, giữa văn xuôi và thơ, giữa văn học với các ngành khoa học..., ở Michel Butor chẳng hạn. Với Jorge Luis Borges thì mê lộ chính là lối viết. Gabriel Saad mô tả một cách trực quan và hết sức thú vị điều đó bằng cách nối những khoảng trắng trên một trang văn của Borges như ta thấy dưới đây:

Những gì mà các nhà nghiên cứu nói về văn học kỳ ảo dường như tập trung vào phương diện nội dung, nói đúng hơn là vào một vài khía cạnh của nó. Ambiguité, hésitation, inexplicable, insolite, incertitude, doute... tất cả là sự hỗn loạn về nội dung, được thể hiện dưới nhiều dạng với mức độ và hiệu quả khác nhau: thủ pháp đồng hiện chối bỏ lối cảm nhận thời gian theo một chiều truyền thống, hòa trộn quá khứ, tương lai và hiện tại; những cái bẫy đủ loại cài vào cốt truyện khiến cho người đọc hoàn toàn mất phương hướng; tính cách nhân vật hoặc biến đổi liên tục, hoặc hoàn toàn bị triệt tiêu... Nhân vật của Prust vật lộn một cách tuyệt vọng để tìm lại các khoảnh khắc thời gian đã mất. Đó là thứ mê lộ thời gian. Ở Kafka, đó lại là mê lộ của hình ảnh, trong đó chẳng có gì là rõ ràng, cả thời gian, không gian, cả những biến cố xảy ra trong đó...

Toàn bộ những tìm tòi của nghệ thuật hiện đại là hướng tới sự hỗn loạn, là sự phá vỡ. Tất cả đều lần lượt bị phá vỡ, từ nhân vật, cốt chuyện, thời gian, không gian, hành động, đồ vật, tính cách, phong cách, ngôn ngữ đến các thể loại... Càng ngày nghệ thuật càng trở nên rối rắm, thách đố.

Không phải vô cớ mà giấc mơ xuất hiện nhiều đến thế, và ngày càng nhiều thêm, trong tranh của Sanvador Dali và Marc Chagall, văn chương của William Faulkner và Borges... Các nhà thơ siêu thực Pháp cũng thường xuyên tìm đến giấc mơ, cho dù họ đã không mấy thành công. Hơn thế nữa, ngay cả hiện thực cũng chỉ là một giấc mơ, một giấc mơ hỗn loạn, vô tận, giấc mơ với những đường bay của mê lộ.

Những giấc mơ ấy, những mê lộ tinh thần bi quan chủ nghĩa ấy - ở đây là văn học kỳ ảo nói riêng và nghệ thuật kỳ ảo nói chung - sẽ đi về đâu?

Tôi không biết, tôi chỉ biết rằng nó sẽ còn tồn tại chừng nào nhân loại còn tồn tại. Giống như nhân vật K. của Kafka tôi "nhìn vào khoảng không".(20) Flaubert cũng từng nhìn vào khoảng không như thế, ông mơ ước viết một cuốn tiểu thuyết chẳng nói lên bất cứ điều gì, một cuốn tiểu thuyết hư vô.

Rất có thể đó là tiểu thuyết kỳ ảo nhất: cuốn tiểu thuyết cuối cùng, chuyến bay cuối cùng của mê lộ.

Hà Nội, 1-1999
N.T.L
(128/10-99)


---------------------------------
(18) Thuật ngữ tiểu thuyết ở Trung Quốc phải đến triều Minh mới có ý nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay. Với Trang Tử đó là những lời vụn vặt, nông cạn (Ngoại vật), với Hoàn Đàm - là "tập hợp những lời nói chưa hoàn chỉnh" (Tân Luận). Theo Ban Cố thì tiểu thuyết là những câu chuyện bắt nguồn từ những chuyện dân gian truyền miệng. Sự phát triển của tiểu thuyết chí quái và truyền kỳ đã đóng vai trò to lớn trong sự hình thành tiểu thuyết Trung Quốc sau này. Xin xem thêm Lỗ Tấn, Brève histoire du roman chinois, Gallimard, Paris, 1993, tr. 19.
(19) 618 - 960.
(20) Kafka,
Lâu đài, tiểu thuyết, Trương Đăng Dung dịch, Văn học, Hà Nội, 1998, tr. 19.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng