1. Có người đã đi tìm nguyên nhân ở đội ngũ các nhà phê bình nghệ thuật. Lớp già thì không còn viết nữa. Lớp cứng tuổi thì bận làm việc khác như quản lý, viết báo. Lớp trẻ thì quá mỏng. Hình như trong hội nghị toàn quốc viết văn trẻ họp 1998, điểm danh chỉ còn 5 nhà phê bình trẻ tuổi thường xuyên hành nghề phê bình.
Nếu làm một tổng duyệt cho giới phê bình nghệ thuật thì thấy như thế này:
- Trước năm 1945, gia tài của họ để lại chẳng là bao. Đáng chú ý có một vài công trình tuyển chọn và bình thơ văn. Phần đóng góp về lý luận của họ không có gì đáng kể, ngoài một số khảo cứu có tính trực cảm và kinh nghiệm chủ nghĩa. Họ để lại tác phẩm chứ không xây nổi nền móng, dù chỉ là vài viên đá tảng cho các thế hệ phê bình nghệ thuật tiếp sau.
- Từ năm 1945 đến 1975: Một đội ngũ đông đảo các nhà phê bình nghệ thuật được đào tạo ở trong nước và các nước XHCN khối Liên Xô cũ. Phương pháp khảo sát của họ chủ yếu là Phán xét. Có một câu nói nôm na mà lại gần như là lời của "Chúa" ban cho công việc phê bình nghệ thuật "Biểu dương cái tốt. Phê phán cái xấu". Mọi lao động chủ yếu trong phê bình nghệ thuật chỉ là cố tìm ra cái đúng và cái sai trong nghệ thuật. Phương pháp khảo sát theo lối phán xét này được bảo hiểm bởi một loạt tiêu chuẩn và nguyên lý chung. (Mà những tiêu chuẩn, nguyên lý đó luôn được coi là bất biến và có giá trị như chân lỹ mỹ học). Cho tới nay chưa có một công trình nào tổng kết một cách toàn diện sòng phẳng và khoa học về giai đoạn 30 năm này. Nhưng phải xác nhận đây là một giai đoạn rất có trật tự. Và có lẽ nó đã xây dựng xong một cái móng khác chắc cho phê bình nghệ thuật Việt Nam đương đại.
- Giai đoạn từ 1975 đến 1985: Đó là một giai đoạn ngắn và hết sức kỳ quặc. Trên một cái móng vững chắc đó, đáng nhẽ phải hăm hở tiếp tục xây cất lên những tòa lâu đài tráng lệ, thì hình như có một do dự. Sự do dự này hoàn toàn xuất phát từ những nhu cầu có tính trắc nghiệm và đầy ngờ vực về chính ngay cái nền móng vừa xây.
Và điều đó dẫn đến một đòi hỏi Đổi mới trong phê bình nghệ thuật. Đòi hỏi này thoạt đầu là đòi hỏi về phương pháp khảo sát. Và sau đó là những đòi hỏi, xem xét lại các tiêu chuẩn và nguyên lý chung. Đã có mấy năm rất náo nhiệt. (hình như là từ 1985 đến 1990). Nhưng cuối cùng thì trật tự lại được lập lại. Sự bình yên lại ngự trị trên nền móng cũ đó. Có nhiều nguyên nhân "Trở về mái nhà xưa". Một trong những nguyên nhân đó là do chính các nhà phê bình gây nên đó là sự chuẩn bị không kỹ lưỡng về học thức. Và tính nhẹ dạ, cả tin, lại hay thay đổi trong phương pháp luận của họ. Những năm tháng này khiến ta nhớ câu nói vu vơ: "Cao Biền giậy non".
- Giai đoạn mười năm gần đây: Giai đoạn này có thể tóm gọn một câu sỗ sàng: Chẳng có cái gì cả. Cảnh trí phê bình nghệ thuật buồn như một nẽ vẽ nghệch ngoạc, cô độc và thỉnh thoảng ồn lên một vụ xì- căng đan.
2. Đi tìm câu trả lời cụ thể, nôm na cho cái sự phê bình dĩ hòa vi quí, nhạt hơn nước ốc hiện nay. Đã đến lúc chưa? Và nếu đó là việc phải làm ngay thì bắt đầu từ đâu và như thế nào? Phương thức khảo sát bằng kinh nghiệm và trực cảm.
- Có một thú vị trong phê bình nghệ thuật là vài năm trở lại đây, không ai khác, chính những văn nghệ sĩ sáng tác lại hăm hở xông ra làm cái công việc cần làm ngay này. Phải xác nhận là họ chứ không phải các nhà phê bình, thỉnh thoảng lại khoắng lên rổn reng như vậy. Và họ đã làm được gì và làm theo phương pháp nào.
Nói ngay thôi. Đọc các bài phê bình nghệ thuật của các văn nghệ sĩ sáng tác thì thấy họ đều sử dụng phương thức trực cảm và kinh nghiệm chủ nghĩa. Một phương thức cổ xưa như trái đất. Cần phải hiểu phương thức khảo sát này như thế nào cho đúng? (Nói tóm tắt): các tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo chủ yếu bởi trí tưởng tượng phóng khoáng, tự do. Và các yếu tố cấu thành đặc thù của nghệ thuật là tình cảm, trực giác và cảm giác. Vì vậy thông qua trực cảm và kinh nghiệm có thể tiếp cận được với các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên đừng có giả vờ mà quên đi rằng: trí tưởng tượng tự do, phóng khoáng thường hay thăng hoa quá đà dẫn đến tình trạng võ đoán, lố bịch và phóng đãng, vì vậy sẽ phá vỡ sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa khái niệm và hiện thực. Khảo sát nghệ thuật bằng kinh nghiệm, trực cảm có thể có những phát hiện sắc sảo, kỳ lạ về cái đặc thù của nghệ thuật - những phát hiện này xuất hiện như nhũng bóng chớp thoáng qua rực rỡ, ngắn ngủi. Tất cả chỉ có vậy. Cách khảo sát này tỏ ra bối rối không thể tiếp cận nổi cái khái quát của nghệ thuật mà phương pháp tư duy hình tượng lại rất dễ dàng tiếp cận và khảo sát có hiệu quả cụ thể cái khái quát này.
Một đáng tiếc cho các văn nghệ sĩ sáng tác làm phê bình nghệ thuật. Họ có thể tạo ra những vụ việc gây sự chú ý. Họ gây được "không khí". Nhưng về lý luận họ chẳng đóng góp được giá trị gì khả dĩ có thể gọi là quí báu và mới mẻ cho phê bình nghệ thuật đương đại Việt Nam. Hôm nay đột nhiên họ đến. (Vì sao họ đến - có thể vì họ đang bí sáng tác). Họ làm rộn ràng ầm ĩ lên như vậy. Còn ngày mai? Chắc là họ sẽ lại bỏ đi đột ngột như khi họ đến. Và bỏ lại cái sân chơi phê bình nghệ thuật cho các nhà phê bình chuyên nghiệp mà thôi.
3. Còn một cách khảo sát tác phẩm nghệ thuật dựa trên thị hiếu xã hội đương thời. Nhưng, nói sòng phẳng, cái cách khảo sát này không có đủ tư cách của một phương thức khảo sát nghệ thuật. Nó không có chỗ đứng trong ngôi đền nghệ thuật. Phải nhắc đến nó vì hiện nay nó có nguy cơ lộng hành.
Gần đây thấy xuất hiện không ít kiểu khảo sát tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn không dùng tư duy trừu tượng không dùng trực cảm, kinh nghiệm mà chỉ dựa vào thị hiếu xã hội. Cái cách khảo sát này không có và không bao giờ có khả năng tiếp cận tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy người khảo sát chỉ có thể đứng ở xa xa nhìn ngó, lắng nghe, hóng hớt. Toàn bộ công việc của họ chỉ là để thiết lập một mối quan hệ nào đó mờ ám ngoài văn nghệ giữa công việc của họ với người đọc. Mục đích của họ chỉ là tìm mọi cách hầu hạ thỏa mãn thị hiếu xã hội đương thời. Cách khảo sát kiểu này không có một giá trị nào nghiêm túc, và tỏ rỏ ra vô nghĩa với tác phẩm nghệ thuật đang được họ khảo cứu. Có 1 nhà phê bình trực cảm, kinh nghiệm lớn đương đại ở Mỹ đã từng tỏ ra kinh ngạc và khinh bỉ gọi những kẻ xử dụng cách khảo cứu này là những tên "bồi tào lao" của một nền thị hiếu xã hội luôn thay đổi thất thường đỏng đảnh.
Ở một khía cạnh nào đó, thị hiếu có thể hiểu là tình cảm về cái đẹp được văn hóa xã hội nhào nặn. Với một xã hội có nền văn hóa cao thì thị hiếu, đôi khi cũng có thể trở thành một giá trị nào đó ở một cấp độ nào đấy của nghệ thuật. Và tất cả cũng chỉ vẻn vẹn có như vậy mà thôi.
4. Tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm vô giá kỳ diệu của con người. Vị trí của nó rất lớn và rất cần thiết cho từng dân tộc. Bởi vì: thông qua các tác phẩm nghệ thuật, các dân tộc đã ký thác vào đó những chiêm nghiệm nội tâm và những biểu tượng của mình. Chúng tôi trích dẫn câu nói nổi tiếng trên của một triết gia vĩ đại về mỹ học cũng là muốn bày tỏ một suy nghĩ: Việc khảo sát một tác phẩm nghệ thuật là vô cùng khó khăn. Nó đòi hỏi một phương pháp tư duy khoa học chặt chẽ và một trực cảm kinh nghiệm sâu sắc. Điều đó càng thấy để trở thành 1 nhà phê bình nghệ thuật đích thực thì khó khăn biết nhường nào. Và qua đó trước tiên cần phải có 1 thái độ ứng xử hết sức thận trọng với công việc phê bình nghệ thuật và cá nhân những người làm công việc phê bình nghệ thuật.
N.Đ.C (126/08-99)
|