Nhân vật, chủ đề, bối cảnh và đối thoại sẽ tuôn trào ra từ trong đầu nhà văn một cách nhẹ nhàng. Nhưng cốt truyện là nơi có thể khiến dòng chữ nghĩa của họ bị tắc nghẽn. Không thể đưa ra một giải pháp đơn giản cho vấn đề này. Phóng bút viết phần mở đầu tuyệt vời cho cuốn sách chỉ là một chuyện, nhưng để tiếp tục dẫn dắt nó đi đến kết thúc vừa ý, bạn sẽ cần phải dựng cốt truyện. Tác phẩm cần cốt truyện như là cơ thể cần một bộ xương vậy. Nhiều người thường cho rằng, chỉ có một nhúm ít ỏi cốt truyện trong văn học xưa nay, chẳng hạn: đàn bà gặp đàn ông, họ cấu véo rồi lại làm lành với nhau. Nhưng đó chỉ là một thứ công thức, ứng dụng cho Jane Eyre và hàng nghìn tác phẩm khác. E. M. Forster từng viết: “Truyện là sự trần thuật về một chuỗi sự kiện được sắp xếp theo một trình tự thời gian nào đó. Một cốt truyện cũng là sự trần thuật về chuỗi sự kiện, nhưng điểm nhấn rơi vào quan hệ nhân quả”. Thực ra, vấn đề phức tạp hơn thế, nhưng định nghĩa của Forster đã đưa ra một gợi ý bổ ích về sự khác biệt giữa trần thuật - cách chuyển tải, sắp xếp sự kiện đến người đọc và bản thân truyện. Phần lớn các nhà văn cho rằng, cốt truyện là sự kết hợp giữa hai yếu tố: chuỗi sự kiện và cách thức tác giả chuyển tải chúng đến người đọc. Một số tác giả thường vạch ra cốt truyện chi tiết trước khi bắt tay vào viết. Nhưng sự chuẩn bị quá kỹ càng có thể sản sinh ra một câu chuyện nhạt nhẽo, vô vị và khô cứng. Rất nhiều nhà văn viết khi trong đầu mới chỉ có phác thảo một vài chương và định hình lờ mờ về hướng triển khai của câu chuyện. E. L. Doctorow đã hình dung về phương pháp này như sau: “Viết tiểu thuyết cũng như là lái xe đêm. Bạn chỉ nhìn thấy đường trong vòng ánh sáng đèn pha, nhưng bằng cách đó, bạn vẫn đi hết cuộc hành trình”. Ngay cả các nhà văn trinh thám cũng thường áp dụng cách này, dù người ta thường cho rằng thể loại văn học này đòi hỏi tác giả phải biết trước mọi thứ. Reginald Hill, tác giả của rất nhiều cốt truyện phức tạp từng phát biểu, cốt truyện là thứ ông định hình về sau. Nhiều nhà văn trinh thám còn khẳng định, họ thay đổi cả kẻ giết người khi đã viết gần hết tác phẩm. Rất nhiều cuốn tiểu thuyết đầu tay có cốt truyện vô cùng phức tạp, bởi các tác giả chưa có kinh nghiệm tưởng có thể thu hút độc giả bằng cách đó. Nhưng một cốt truyện hay không nhất thiết phải phức tạp, nó thậm chí không cần phải được giải quyết một cách đầy đủ. Có lẽ, một cốt truyện thành công là cốt truyện mang đến cho độc giả cảm giác rằng khi gấp sách lại, câu chuyện vẫn tiếp diễn. Anton Chekhov từng nói, khi viết, bạn cần phải tìm cách vượt qua đoạn mở đầu và kết thúc, vì đó là những nơi “nhà văn mất nhiều thời gian chần chừ nhất”. Truyện cười hay truyện trinh thám đòi hỏi sự tổ chức cốt truyện rất cẩn thận và chặt chẽ. Cốt truyện không nhất thiết phải đáng tin nhưng nó phải có sự nhất quán bên trong, đặc biệt khi bạn viết để in ấn. Những cốt truyện thành công thường hàm chứa những yếu tố bất ngờ và độc đáo. Một khi đã đọc tiểu thuyết The Third Policeman bạn sẽ không thể quên con đường đi đến kết thúc của nó. Độc giả thích những cuốn sách mang đến cho họ những chi tiết không đoán trước được. John le Carré từng nói: “Con mèo ngồi trên tấm thảm không phải là câu chuyện. Nhưng con mèo ngồi trên tấm thảm của một con mèo khác thì chính là chuyện”. Không có một công thức cứng nhắc nào cho sáng tạo văn chương, chỉ có những gợi mở và chỉ dẫn. Nhiều người thường coi Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust và The Waves của Virginia Woolf làm thước đo cho phẩm chất của cốt truyện. Nhưng với Raymond Chandler, chúng ta lại đọc để thưởng thức ngôn ngữ của ông chứ không phải là những cốt truyện rời rạc không đâu vào đâu. Một biên tập viên xuất sắc chắc chắn sẽ chỉ trích cách tổ chức cốt truyện trong Đồi gió hú. Nhưng các thiên tài có thể vượt qua mọi thứ, kể cả sự hạn chế về kỹ thuật tổ chức tác phẩm. Các nhà văn còn lại cần nhớ kỹ tầm quan trọng của cốt truyện trước khi viết ra câu chuyện một cách lão luyện, có nghề. H.T. dịch |