Cuối thời tiền sử con người chưa biết chữ nhưng đã biết sử dụng hình ảnh để truyền đạt cho nhau những thông điệp khác nhau. Hình ảnh có thể được khắc, vẽ trên những thành vách hang động, nặn bằng đất sét hoặc khắc trên xương. Ngày nay một số hình ảnh cổ xưa vẫn còn tồn tại, dù trải qua bao nhiêu thời gian chúng vẫn cho ta biết và cảm nhận được những suy nghĩ, tình cảm của con người trong các giai đoạn lịch sử sản sinh ra chúng. Nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật, chúng ta thấy rõ: nghệ sĩ- tác giả của các tác phẩm chính là “người truyền thông” (communicator) chuyển tải vô số thông điệp trong xã hội họ đã, đang và sẽ sống. Thông qua các hình ảnh: từ các đường nét đơn giản đến các hình dáng phức tạp, từ hình tĩnh đến hình động, nghệ sĩ truyền đạt tới người xem nhiều nội dung khác nhau, mô tả được biết bao thứ cần thiết. Ngôn ngữ bằng hình ảnh như: tranh, tượng, phim, ảnh là trực quan, phong phú và mạnh mẽ. Cũng như những ngôn ngữ khác, cần phải học nó, nếu không, các hình ảnh sẽ trở nên câm lặng và sự truyền đạt thông tin sẽ không tự thiết lập. Điều này giống như một người không biết chữ giở xem một cuốn tiểu thuyết. Những dạng truyền đạt thông tin bằng hình ảnh thường gồm các thành phần sau: 1. Người phát thông điệp: chủ nhân của thông tin. 2. Thông điệp: nội dung của sự truyền thông. 3. Mật mã: hệ thống tín hiệu được sử dụng để truyền đạt thông tin, nó phải được biết đến và chỉ ra thông điệp. 4. Phương tiện: vật liệu, phương thức, kỹ thuật để biểu đạt thông điệp 5. Người cảm thụ: người được nhận thông điệp. 6. Bối cảnh: thời gian và môi trường sinh ra sự truyền đạt thông tin. 7. Chức năng: các yếu tố trong hình ảnh, tác phẩm đã phát ra được những thông điệp gì? Tác dụng của thông điệp. Một ví dụ về truyền đạt thông tin thị giác Chúng ta thử phân tích sự truyền đạt thông tin thị giác tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng “Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-xu với tông đồ” do Lê - ô - na đờ Vanh - xi (Leonardo da Vinci) vẽ. Tác phẩm nằm ở Milăng, trong tu viện Santa Maria delle Grazie. Đây là tác phẩm chứa nhiều yếu tố phức tạp, tốn công phu để xây dựng. Bằng ngôn ngữ hiện đại, chúng ta sẽ nói tác phẩm này hợp thành “một bài khóa” mang tính thị giác mà người quan sát (hoặc người thưởng thức) có thể “đọc” ở những trình độ khác nhau. Người phát thông tin là Lê- ô- na đờ Vanh- xi- một nghệ sĩ lớn và cũng là nhà bác học thiên tài sống cách đây hơn 500 năm. Thông điệp của tác phẩm là bức tranh tường tả cảnh bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê- xu với những tông đồ, trước khi ông bị đóng đinh vào cây thánh giá. Mật mã (code) là bức tranh thời Phục Hưng ý. Trong tranh, các nhân vật được tả rõ phần nửa người phía trên, mỗi chân dung đều rất sống động. Đặc biệt, luật phối cảnh được áp dụng một cách độc đáo, đem lại chiều sâu cho không gian trong tranh. Đây là cách diễn đạt tiêu biểu của hội họa Phục Hưng, khác với thời kỳ Trung Đại. Phương tiện là bức tranh tường lớn ở nhà ăn của tu viện. Trên nền thạch cao, Lê- ô- na đã vẽ tác phẩm bằng kỹ thuật “tranh tường” (còn gọi là “tranh nề” (penture à fresque). Ban đầu người xem tranh chỉ là các tín đồ tôn giáo trong tu viện. Ngày nay khách du lịch khắp thế giới đã được thưởng thức và hết lòng khâm phục tài năng của họa sĩ. Người ta nói đây là tác phẩm nghệ thuật đích thực dành cho loài người. Bối cảnh ra đời tác phẩm trong thời kỳ Chúa đế vương ở ý, thuộc thời Phục Hưng (thế kỷ XV và XVI). Lúc đó, những lãnh chúa giàu có đua nhau sử dụng các họa sĩ khéo léo để vẽ tranh phục vụ tôn giáo. Họ đã hùn vốn đặt tác phẩm của nhiều nghệ sĩ. Chức năng của tác phẩm là giáo dục tôn giáo. Trước khi ăn, ở phòng ăn của tu viện, những tín đồ tôn giáo tĩnh tâm và cầu nguyện trước bức tranh này. Hình ảnh trong tranh gợi lại nhiều lần lời dạy chủ yếu của đạo Cơ Đốc: sự dạy dỗ của Thánh thể (Eucharistie), sự phản bội của Giu- đa và tưởng niệm sự hy sinh của chúa Giê - xu.
|