Các nhạc sĩ sáng tác là người đi tiên phong trong việc khai thác, phát triển nền âm nhạc của dân tộc mình và tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới để xây dựng phong cách riêng cho mình, đồng thời góp phần làm phong phú cho trường phái âm nhạc dân tộc mà họ được sinh ra (Glinca, Tchaikovsky, Rimxky – Korsakov (Nga), Debussy, Ravel (Pháp), Chopin (Ba Lan), F.List, Bartok (Hungary), Greshwin (Mỹ) . . .
Ở Việt Nam tuy nền “âm nhạc mới”, Ra đời tương đối muộn so với một số nước (những năm 30 thế kỷ XX mới xuất hiện những bài hát Tân nhạc đầu tiên nhưng mối quan tâm về tính dân tộc trong bài hát Việt Nam đã được đặt ra từ khi đó, nhiều nhạc sĩ như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Vũ, Đặng Thế Phong, Nguyễn Đình Phúc, Phạm Duy, Văn Chung . . . đã vận dụng một cách khéo léo dân ca các vùng miền vào những bài hát của mình.
Đặc biệt từ khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra đời (1957), việc chú trọng khai thác âm nhạc dân tộc trở thành mối quan tâm xuyên suốt trong sáng tác của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam từ thập kỷ 60 thế kỷ XX cho đến nay. Đã có nhiều cuộc hội thảo về chủ đề giữ gìn và phát huy tính dân tộc trong nền âm nhạc mới. Xin trích một đoạn trong bản báo cáo “Xây dựng nền âm nhạc hoàn chỉnh” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận – Nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã viết năm 1979: “Nền âm nhạc hoàn chỉnh như một cái cây có gốc, có ngọn, có cành, lá, hoa quả xum xuê, bao gồm từ kho tàng âm nhạc cổ truyền thuộc các vùng trên đất nước ta, đến những thành tựu mới của ngành âm nhạc chuyên nghiệp. Về phương diện bảo tồn và phát triển vốn âm nhạc cổ truyền, các cơ quan nghiên cứu âm nhạc và nhiều địa phương, nhiều cá nhân đã rất quan tâm đến sưu tầm vốn dân tộc; Công việc này không chỉ có viết sách, ghi âm để cho khỏi thất lạc; chúng ta còn phải quan tâm, giới thiệu, phổ biến nhiều hơn nữa trong đời sống hiện nay những gì là truyền thống, đẹp nhất, quý nhất; Muốn vậy, phải có các thế hệ nghệ sĩ kế tục, đạt tới trình độ cao nhất về các môn đàn, hát dân tộc. Cái trống đồng Ngọc Lũ, một di vật lịch sử đáng tự hào của chúng ta về truyền thống văn hóa nghệ thuật âm nhạc và tạo hình, nhưng đã trải qua bao đời, vẫn không được đưa vào đời sống quần chúng. Chúng ta chỉ nhìn thấy trong bảo tàng mà chưa được nghe như nghe tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống, phổ biến trong nhân dân ta ngày ấy. Có cần thiết phải đưa vào dàn nhạc dân tộc tiếng trống đồng hay không?
Việc đưa âm nhạc truyền thống dân tộc vào đời sống âm nhạc hiện nay không phải khó khăn, nhưng điều cần thận trọng trước hết là: Quần chúng có tiếp nhận tất cả hay chỉ tiếp nhận bộ phận nào đó kho tàng âm nhạc dân tộc? Chúng ta dựa vào tính khoa học của âm nhạc và tâm lý quần chúng để cân nhắc chủ trương này. Muốn có nền âm nhạc hoàn chỉnh phải có một đội ngũ chuyên nghiệp vững vàng đầy đủ về số lượng và có trình độ để làm nòng cốt cho phong trào. Cơ sở quần chúng trong phong trào lại là miếng đất nẩy mầm ra nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nhân tài trong chế độ ta không phải như cây lan mọc tự nhiên, mà phải có công phu đào tạo, gây trồng. Nhân dân ta ưa ca hát, nhưng tỷ lệ người hát hay trong dân số rất hiếm. Có thể nói: Trong hàng triệu người mới có được một người có giọng hát bẩm sinh. Việc đào tạo các giảng viên âm nhạc cho các trường phổ thông còn làm rất chậm. Bởi thế, các em thiếu niên, nhi đồng bị thiệt thòi về phát triển năng khiếu âm nhạc. Âm nhạc không những cần thiết cho tâm hồn, tình cảm của các em mà nó còn giúp cho các em trở thành những người công dân hoàn chỉnh, giúp các em phát triển trí tuệ khoa học và mơ ước. Lớp các em sẽ kế tục việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong đó có công trình xây dựng nền âm nhạc dân tộc hiện đại. Người làm công tác văn hóa giáo dục âm nhạc nên nhìn xa, thấy trước được những nhu cầu của thế hệ tương lai. Nền âm nhạc hoàn chỉnh không phải chỉ có nhạc dân gian, cũng không phải chỉ có ca khúc, mặc dầu ca khúc rất có ích lợi cho nhân dân, được quần chúng cảm thụ dễ dàng. Còn nhiều loại âm nhạc khác cần được từng bước đưa đến với quần chúng để phát triển trình độ nghe của quần chúng. Quần chúng có trình độ thưởng thức thì phong trào âm nhạc càng mạnh. Nhạc không lời là một bộ phận quan trọng trong nền âm nhạc hoàn chỉnh. Nhân dân ta có truyền thống nghe nhạc không lời . . .”
Về bản chất sáng tạo, trong mỗi thời đại các nhạc sĩ đều tìm đến giá trị truyền thống và kết hợp với tinh hoa nhân loại để xây dựng cho mình một ngôn ngữ âm nhạc, một phong cách âm nhạc mang hơi thở dân tộc. Dân tộc và hiện đại có mối quan hệ biện chứng với nhau, dân tộc là nền tảng, hiện đại là xu thế tất yếu. Vấn đề phụ thuộc vào vai trò cá nhân của người sáng tạo mà trong âm nhạc là các nhạc sĩ sáng tác. Khai thác kho tàng âm nhạc dân tộc đến đâu? Cải biên nâng cao các giá trị âm nhạc truyền thống thế nào? Tiếp thu tinh hoa âm nhạc nhân loại ra sao? Đó là những câu hỏi mà mỗi cá thể sáng tạo – nhạc sĩ phải trả lời. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tính dân tộc là một khái niệm động, nó không như một cổ vật khi khai quật được thì vĩnh viễn nằm trong bảo tàng. Tính dân tộc luôn chuyển động theo thời gian và được phát triển qua từng giai đoạn trong con đường đi lên, bản thân tính dân tộc cũng bị chi phối bởi yếu tố hiện đại (như đàn bầu được lắp phóng thanh để âm lượng vang xa, từ tổ chức dàn nhạc bát âm – 8 đàn được xây dựng thành một dàn nhạc giao hưởng dân tộc với các bộ hơi, bộ kéo, bộ gõ như một dàn nhạc giao hưởng châu Âu . . .). Đó là sự biến đổi về hình thức nhưng nội hàm vẫn mang tính dân tộc sâu sắc. Tình hình đã thay đổi từ giữa thế kỷ 20, nhất là từ khi đất nước thống nhất (1975), các nhạc cụ điện tử, phương tiện nghe nhìn ngày càng đổi mới đem lại tiện nghi cho người sáng tạo và cả người thưởng thức. Ngày nay mối quan hệ tương tác giữa tính dân tộc và tính hiện đại càng có sự cọ sát, va đập mạnh hơn lúc nào hết. Trong các thể loại âm nhạc từ âm nhạc cổ truyền dân tộc đến âm nhạc giao hưởng thính phòng và ca nhạc nhẹ giải trí, hai yếu tố dân tộc và hiện đại đều có điều kiện phát huy hết công suất và khoe sự nổi trội của mình. Đó là chưa kể đến ảnh hưởng vô cùng lớn của nền âm nhạc quốc tế làm dung hòa và pha loãng tính dân tộc trong các tác phẩm âm nhạc, đặc biệt trong lĩnh vực ca khúc giải trí. Tiếp thu những yếu tố mới đã trở nên thông dụng ở hầu hết các nền âm nhạc từ Âu sang Á, Mỹ, Phi, Úc đó là những mô hình tiết tấu, hòa thanh, nguồn âm điện tử . . . Âm nhạc giải trí đã xóa nhòa ranh giới giữa những giá trị mang tính dân tộc và cái gọi là âm nhạc Pop phổ thông.
Âm nhạc dân tộc cổ truyền và âm nhạc bác học giao hưởng thính phòng đứng trước sức ép vô cùng lớn của nền nhạc Pop toàn cầu nên không có điều kiện để thể hiện hết những giá trị dân tộc và hiện đại trong thể loại của mình, đồng thời cũng để mất đi một số lượng đáng kể khán thính giả ham mê các thể loại âm nhạc này. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ lại cho được vốn quý âm nhạc dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được chân giá trị của âm nhạc truyền thống dân tộc để học tập tiếp thu và phát triển?
Chủ thể sáng tạo luôn là các nhạc sĩ, họ vẫn sáng tác theo cảm xúc, sở trường nhưng một bộ phận không vào cuộc để cạnh tranh được với những sản phẩm của các nhạc sĩ trẻ nên bị lệch kênh ngoài dòng chảy của thị trường. Các tác phẩm tốt, giàu tính nhân văn, tính dân tộc, có tìm tòi sáng tạo thì không tìm được đầu ra, ít ca sĩ mặn mà với những tác phẩm mang tính tìm tòi sáng tạo này, ngược lại ca khúc nhạc trẻ ngày càng có tính Tây hóa. Đã có một nhạc sĩ trẻ từng tuyên bố trên báo chí rằng tác phẩm của tôi càng Tây càng tốt. Họ quan niệm như một sản phẩm công nghiệp, như một chiếc xe máy được lắp ráp càng nhiều phụ tùng ngoại thì xe càng có giá trị. Đây là một sự lệch lạc khi hiểu về tính hiện đại trong dòng âm nhạc đại chúng hôm nay.
Cần đào tạo một đội ngũ sáng tác cho tương lai, đó là các nhạc sĩ được trang bị kiến thức âm nhạc đầy đủ, hiểu sâu sắc về nền âm nhạc dân tộc, nắm được kỹ thuật sáng tác hiện đại, tiếp cận được nền âm nhạc thế giới từ cổ điển đến đương đại. Việc tìm hiểu sâu về âm nhạc truyền thống, âm nhạc dân tộc, dân ca dân nhạc các dân tộc Việt Nam, lịch sử phát triển âm nhạc dân tộc và lịch sử nền âm nhạc mới Việt Nam sẽ là nền tảng để thế hệ nhạc sĩ trẻ sáng tác những tác phẩm mang tính dân tộc và mang hơi thở thời đại. Trong xu thế toàn cầu hóa, thế giới trở nên một mặt phẳng về kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hóa, đặc biệt là văn hóa đại chúng, trong đó có âm nhạc được dàn bằng không biên giới, xu thế hướng ngoại, lấy thước đo của văn hóa phương Tây làm chuẩn, bắt chước dập khuôn theo những mẫu hình, thần tượng của nền ca nhạc đại chúng phương Tây chính là những thách thức đối với nền âm nhạc dân tộc của chúng ta. Hy vọng trong hội thảo lần này sẽ có nhiều ý kiến đóng góp cho vấn đề Dân tộc và Hiện đại trong lĩnh vực âm nhạc nhằm tìm ra những giải pháp về sáng tác, lý luận, biểu diễn và quảng bá âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ mới, phấn đấu có được những bài hát, bản nhạc, tác phẩm âm nhạc xứng với kỳ vọng của công chúng, mang đậm tính nhân văn, tính dân tộc và tính thời đại.
Theo vnmusic.com.vn
|