Nghiên Cứu & Bình Luận
Vườn cấm sau núi xanh
09:45 | 23/12/2009
HOÀNG CẦMĐang những ngày hè oi ả, mệt lử người thì anh ấy mời tôi viết Bạt cho tập thơ sắp muốn in ra. Ai đời viết bạt cho tác phẩm người khác lại phải dành trang giấy đầu tiên để viết về mình? Người ta sẽ bảo ông này kiêu kỳ hay hợm hĩnh chăng? Nhưng cái anh thi sỹ tác giả tập thơ thì lại bảo: Xin ông cứ viết cho, dẫu là bạt tử, bạt mạng, thậm chí có làm bạt vía ai cũng được - Chết, chết! Tôi có thể viết bạt mạng chứ sức mấy mà làm bạt vía ai được.
Vườn cấm sau núi xanh
Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Trịnh Thanh Sơn - Ảnh: laodong.com.vn

Cũng không thể giải thích tại sao từ bảy năm nay, tôi mới gặp con người Trịnh Thanh Sơn, mới biết thơ Trịnh Thanh Sơn, tôi đâm ra khoái chơi với cái cậu làm thơ, viết báo, viết truyện này, có cái dáng dấp quê không hẳn quê, tỉnh không tỉnh hẳn, chẳng phải "Hà Nội - yêng" nghĩa là không phải "người Hà Nội chính cống". Mà nào phải anh ta luôn mời mọc bia rượu hoặc biếu tặng quà to cáp nhỏ gì. Mà chỉ vì cái câu thơ Rót biển vào chai tôi chợt nghe ở vỉa hè 51 rồi về viết luôn bài "bình" chơi, lại có anh anh đem đăng luôn trên báo Người Hà Nội, và từ đó tôi cứ nhớ đến cái CỌNG RƠM VÀNG của cậu ta, nhớ cả cái ngày cậu ấy lập gia đình tức là cái ngày em cắp nón theo tôi và một số bài thơ nữa, hễ đọc là y như rằng mình lại động tâm, vì có một luồng điện từ bài thơ bấm nút, cứ chạy rân rân, giật giật khắp người và nước mắt ứa ra (tôi nhớ không chính xác lắm đâu, chuyện vợ chồng nhà bác học Rôsenberg chết trên ghế điện của Tổng thống Mỹ Aisenhao năm 1950, luồng điện cho ông chết kéo dài 1 phút 45 giây, cho vợ chết dài hơn 2 phút) thì những luồng điện do đôi ba bài thơ Trịnh Thanh Sơn truyền nhập vào người mình sẽ kéo rất dài, vì sức điện của thơ hẳn phải yếu hơn, nhưng coi chừng! Cũng có thể, nếu giác quan người đọc tinh vi và yếu đuối như tôi thì nó cũng có thể khiến người ta xỉu đi đấy.

Càng thân thiết với Trịnh Thanh Sơn, tuy anh ra cũng chẳng kể tỉ mỉ gì với tôi về thời thơ trẻ, nhưng cứ đọc thơ (thơ đích thực) của một thi sĩ đích thực, là tôi có thể vẽ được chân dung anh ta (hay cô ta, chị ta) kha khá chuẩn xác. Tôi không nhớ rõ Biélinsky hay ai ở cái nước Nga vĩ đại đã nói đại ý: "Khi tôi đọc một bài thơ hay một tập thơ nào mà không thấy hiện lên trong đó một xứ sở, một quê hương nào cụ thể, thì chắc chắn tôi không thể gọi tác giả của nó là thi sỹ". Từ một định lý đồ sộ ấy, tôi thường đọc các nhà thơ nổi tiếng của thế giới và của ta, qua nhiều thời đại, bằng con mắt khe khắt để tìm hiểu được cái tuổi thơ trẻ của tác giả. Thời thơ trẻ, tôi cứ tự định ra một khoảng thời gian là 10 năm hoặc như ở ta, 12 năm, một thập nhị chi, tức là một phần năm cái vòng đời quy định của Dịch lý (60 năm) là một kỷ, hay còn gọi là một hội, một hội nhân sinh, một vòng đời, một hạn định trung bình cho một kiếp sống bình thường. Tôi nghĩ rằng một con người, một đứa trẻ khi bắt đầu ý thức được cõi đời (cái ý thức rất sơ sài vì chỉ là mấy đường vạch khởi thủy) là từ năm lên 4 tuổi. Nó biết được dãy núi xa ở ngõ làng nhìn thấy, một con sông nó thường được anh hay chị đưa ra tắm và tập bơi, biết được những đám mây, rồi mưa, rồi nắng, sấm, chớp, bão bùng, biết được ngôi nhà nó đang ở, cái ngõ làng, cái giếng làng, những lũy tre, con chim, con dế, và quan trọng hơn cả, nó được biết ai đấy nó gọi là bố, ai nó gọi là mẹ, rồi anh chị em, rồi mở rộng ra họ hàng, cô dì, chú bác, rồi hàng xóm, người cùng làng. Đó là cảnh nhà quê. Còn nó sinh ra ở tỉnh, thì nó lại biết những cái mà trẻ con nhà quê không biết. Ý thức nó cứ mở rộng, cái biết của nó từ gia đình rồi qua trường học, cái xã hội thầy và bạn ấy cho đến năm 16, 17 tuổi, nếu nó được học đến hết trung học phổ thông, là đến đó thì nó đã thành một con người hoàn chỉnh.Riêng ở các thi sỹ thì cái giai đoạn đầu đời (12 năm) ấy là nhân tố quyết định cho cả một đời thơ, một sự nghiệp thơ của anh ta (chị ta). Ở cái chu kỳ thứ nhất của đời sống bất cứ ai đó, tâm hồn đứa trẻ nào cũng như trang giấy trắng nõn. Cuộc sống quanh nó in vào hồn nó những đường nét, màu sắc, dáng hình, kể cả các vị đời: sung sướng hoan lạc, hay khổ cực, sầu bi, cay đắng, chua mặn, ngọt ngào, đều in đậm nét đến mức sau này không một chất hóa học tinh xảo nào, không một lý thuyết sâu sắc nào có thể gột rửa, tẩy xóa được. Chỉ cần đơn cử hai ví dụ Xuân Diệu và Nguyễn Bính, chỉ đọc những tác phẩm chính thôi, không cần hiểu rõ lý lịch, chúng ta đều thấy cái chất thôn dã (Nho học) khác xa biết bao nhiêu với cái chất tỉnh lỵ (Tây học) trong một bối cảnh lịch sử chung của thời thế cùng một giai đoạn thu gọn lại trong 12 năm niên thiếu của mỗi người đã hiện ra rất rõ nét trong thơ của mỗi ông.

Đương nhiên là ai cũng phải có một hồn thơ chực sẵn từ lúc mới là cái bào thai, ta thường gọi là bẩm sinh hoặc năng khiếu.

Có người giữa tuổi lên 10, đã bật ra những câu thơ hay đến ngạc nhiên, như Trần Đăng Khoa. Có người phát lộ tài năng khi sắp chấm dứt giai đoạn đầu đời ấy, đã viết ra thành tác phẩm đầy dấu ấn (như Chế Lan Viên với ĐIÊU TÀN, Đinh Hùng với MÊ HỒN CA). Có người chậm hơn đôi ba năm, như Huy Cận, Lưu Trọng Lư. Có người mãi đến gần 40 tuổi mới bật ra đầy đủ cảm xúc từ thời thơ trẻ (như trường hợp Đặng Đình Hưng với CỬA Ô, hoặc trường hợp Hoàng Cầm với VỀ KINH BẮC). Nhưng viết ra, dù sớm hay muộn thì cái hồn quán xuyến cả tác phẩm chủ chốt của một thi sỹ đều bay lên từ thần lực của 12 năm thơ ấu và non dại ấy.

Đem cái định lý ấy (có lẽ của riêng tôi nghĩ ra chăng) để soi vào cái anh chàng Trịnh Thanh Sơn này, tôi cũng bắt gặp được nhiều điều chứng minh.A, cái thằng cu Sơn, con nhà nghèo, thường tồng ngồng xuống tắm và nô rỡn ở con sông quê, gọi là sông Sung (Thanh Hóa).Gã nghịch ngợm lắm, cũng hay trêu ghẹo mấy cô hàng xóm đấy, chứ chẳng lù đù đâu. Gã không củ mỉ cù mì, và chắc chắn nếu có ai nhìn khuôn mặt gã lúc bấy giờ, sẽ không nghĩ là "thằng bé nhà quê ngớ ngẩn hay trì độn". Không, mắt hắn sắc và nhọn đấy, đừng đứa nào trêu vào, nó thụi cho đấy. Đừng dại mà bắt nạt cái thằng Sơn này. Giá như cách đây hơn hai thế kỷ, vào tuổi 24, 25 mà nó đã là ông Nghè, thì nó có thể tranh quyền làm chúa của Trịnh Sâm rồi. Vì trong máu gã có "gien" "làm Chúa" của họ Trịnh mà! Được học hành đến nơi đến chốn, ngang tài bảng nhỡn, thám hoa thì nó kém gì Trịnh Sâm. Trịnh Sâm làm thơ hay.Trịnh Thanh Sơn cũng có thể vịnh Chùa Hương chả kém phần kiêu hãnh! Còn về cái khoản mê gái, Trịnh Sâm mê cô gái Kinh Bắc nhan sắc tuyệt vời, thi Trịnh Thanh Sơn cũng say mê nhiều em chẳng thua gì Đặng Thị Huệ (1) để rồi cũng sẵn sàng chôn vùi cơ nghiệp cha ông.

Nhưng chao ôi! Bao giờ cũng có một chữ "Nhưng" khốn khổ cho mọi kiếp văn nhân tài tử, nhưng Trịnh Thanh Sơn hậu duệ của một dòng họ tài ba lỗi lạc, lắm tham vọng, ngang ngửa trời đất hơn hai trăm năm "phi đế, phi bá quyền khuynh thiên hạ" ấy lại sinh vào một thời oái oăm, vào nửa sau thế kỷ XX. Con mắt sắc sảo ấy lại phải chứng kiến nhiều nghịch lý khó hiểu (thực ra chẳng có gì khó hiểu lắm), nhiều nỗi đời ngang trái, ngược xuôi bề bộn, nhiều chuyện tình gai góc, gồ ghề, nhiều loại đạo đức phi đạo lý, nhiều tấm gương tối mò, nhiều vũng bùn chói sáng, nhiều hạt kim cương rởm, nhiều khối vàng mười phải nghiền vụn ra trộn với cát sông Mã và phù sa sông Hồng.

Anh ta say đắm từ nhỏ mấy cô gái hàng xóm, rồi chệnh choạng thế nào lại đi lấy một cô vợ nghèo, sinh con ra thì chạy vạy khốn khổ để lo cho đủ gạo nuôi con ăn học, yêu một cô gái đô thành thì chẳng mấy chốc cô ta đã là bồ của một anh học dốt mà gặp vận may, tiền tiêu như nước tháo cống, gặp được người chân thực yêu mình thì số phận lại đẩy cô ta vào hoàn cảnh khốn cùng đến nỗi phải xa nhau đằng đẵng mà Sơn nhớ thương đến nỗi đêm nào cũng ứa nước mắt xót xa. Vậy thì cái anh chàng dòng dõi họ Trịnh này bước vào đời thật vất vả, cực nhọc. Lúc 13 tuổi, đã có bạn rủ đi để đả đảo người bà nội hiền lành của mình, rồi Sơn trèo lên cây bàng vạch lá để xem người ta xử án bà. Dăm bảy năm sau, trầy trật mãi học xong đại học thì Sơn lại cùng cộng đồng sống trong khói lửa, đạn bom ác liệt, theo lý tưởng chung lúc đó là chống giặc cứu nước, giành cái quyền sống cho dân tộc, rồi sau, nghĩ đến phận mình, liệu Sơn có được cái quyền lớn lao và thiêng liêng ấy không,Sơn cũng lắm lúc nghĩ đến, mà cũng lắm lúc chẳng nghĩ đến nữa, tự nhủ rằng số phận nó thế nào thì cứ thế mà sống, sống cho ra một con người. Đã sống thì phải có bản lĩnh, yêu hay ghét, xót thương hay khinh thị những ai, vồ vập hay ghẻ lạnh cái gì, say mê hay đểnh đoảng nỗi gì đây, Sơn đều vận dụng trí tuệ và tình cảm thật minh bạch để rồi dấn thân.Vì yêu cuộc sống, không bao giờ tôi thấy một câu thơ yếm thế ở người bạn trẻ tuổi này của tôi, mà có thể thân mật gọi là em út hoặc trìu mến hơn gọi là con trai thứ, tôi rất quí, vì tôi thấy anh ta rất đắm đuối với cuộc đời, say mê những điều tốt lành đẹp đẽ,căm giận những cái tà ma quỷ quái, và lúc cần anh ta có thể tát bốp, tát đến rụng cả răng quai hàm vào những bộ mặt đểu cáng, quay quắt, đĩ bợm và lừa lọc, cả những thói giả đạo đức, cả những thói khệnh khạng, lên râu, hãnh tiến lố bịch, Sơn cũng đã từng nhổ vào giữa mặt. Một cách nói thế thôi, thực ra Sơn chỉ khinh bỉ họ bằng một ngòi bút đôi khi rất sắc. Ngoài ra, thơ anh lại rất nhân hậu. Những câu thơ anh viết về người mẹ, về ông bà, và bạn hữu đều khiến tôi xúc động. Thì chính mắt tôi nhìn thấy một lần Trịnh Thanh Sơn say rượu như điên, hát đến át cả tiếng ô tô ầm ầm qua lại, ở vỉa hè 51 Trần Hưng Đạo. Rồi ngày chiều hôm sau, tôi thấy anh ta ngồi một mình, úp mặt xuống hai đầu gối, khóc dấm dứt như bị bố đánh đòn oan. Thì ra anh ta có một người yêu tám năm rồi, cô ta bỏ cậu ta để đi lấy chồng.

Nhiều lúc Sơn rất nghênh ngang, tưởng như anh ta đang thách thức với cái ác, cái bất lương trong một xã hội đang phát triển, đang từ chỗ lạc hậu trì trệ, nay đi lên công bằng, văn minh, cũng đôi khi vô trật tự. Điều hay, lẽ phải cũng đang nảy nở, mà những điều không hay những lẽ không phải cũng đang sinh sôi rất nhiều. Vậy thì Sơn lấy lẽ gì mà sống cho yên ổn cái khối tâm thần đã nhiều khi tỏ ra mệt mỏi đây?

Thơ, và cả văn nữa. Chỉ còn có mỗi cái gậy ấy, để lần bước vào rừng rậm, chống được rắn rết, hùm beo và cời được hoa ngát, quả ngọt. Thơ..., Văn... cũng chỉ có cái ô (dù) ấy là có thể che chở, đùm bọc cho mình khỏi những bão bùng, gió độc, sương muối. Với cái gậy ấy, dưới ô dù ấy, Sơn mạnh bạo sống và chấp nhận mọi biến cố, kể cả những tai ương bất ngờ. Nhưng muốn cho cái gậy ấy, ô dù ấy phát huy được hiệu lực đích đáng, thì phải thế nào chứ? Khối người đấy, trời đã cho gậy mà không biết cầm, lóng nga lóng ngóng rút cuộc vẫn ngã đồng kềnh ra! Trời cũng cho cái ô khá rộng khá đẹp lại không biết che. Gió đằng Tây lại đi chặn ở phía Bắc, loay hoa loay hoay, đâm ra phí cả ô dù, để hở cả lưng, phơi cả bụng ra mà chịu cho mưa sa, bão táp và đòn roi số phận quật cho những trận phũ phàng khốc liệt! Vậy thì, phải tự rèn luyện. Gậy chống thế nào? Ô che ra sao, phải tự ý thức được bằng một tấm lòng. Trịnh Thanh Sơn có trái tim đa cảm. Đã yêu vợ, thương vợ, anh sống hết lòng với vợ con. Không ngại hy sinh, thiếu thốn, hy sinh cả một ngày vui để đổi lấy một bữa ăn đạm bạc cho con, phải xa lánh một niềm say mê đổi lấy một ngày yên tâm cho vợ.


(Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Trịnh Thanh Sơn - Ảnh: laodong.com.vn)


Những đặc tính ấy của Trịnh Thanh Sơn, đâu tôi phải hỏi để nghe anh bộc bạch?

Tôi đâu biết 45 năm trước, anh sống thế nào. Anh chưa hề cho tôi biết một chuyện riêng tư nào của anh cả.

Tôi chỉ đọc, năm kia, cái tập CỌNG RƠM VÀNG và năm nay, tập DẬU CÚC TẦN. Thế có nghĩa là tôi đến với anh từ 45 năm trước, chứ không phải như trên thực tế, mới quen nhau được vừa 7 năm. Cả hai tập thơ giúp tôi nói ra được, mà chắc là không sai sót lắm, những điều tôi vừa kể ra trên kia.

Ở cả hai tập thơ và rõ nhất là ở tập DẬU CÚC TẦN này, tôi thấy rõ hai mạch thơ tưởng như đối nghịch lại hóa ra đồng nhất trong một hồn thơ:

1. Mạch trữ tình, say và sâu.

2. Mạch hiện thực, phê phán, táo bạo, và sắc sảo.

Trịnh Thanh Sơn không hề cầu kỳ, trong công việc kết cấu một bài thơ, bất cứ ở mạch nào. Những bài thơ hướng nội, nghe tâm tình anh ta trong sáng, mặc dầu có thể rất đau buồn xót xa.

Kể từ bài DẬU CÚC TẦN, có đến hàng chục bài khác nữa, tôi đều thấy một tấm lòng chân thực. Có khi chua chát, có khi nói ngoa lên đôi chút, không một ý tứ nào vay mượn, giả tạo. Ở mạch trữ tình này, tôi càng trông thấy rõ một cậu bé Trịnh Thanh Sơn trong cái khoảng 12 năm ấu thơ, đầy kỷ niệm về một làng quê xa, một xóm nghèo gần, một con sông quê nho nhỏ. Hình ảnh độc đáo nhất, khi hai chị em cô hàng xóm đã lần lượt đi lấy chồng để lại anh chàng Thanh Sơn thất vọng dưới gốc bưởi đào, có lẽ là nỗi thất tình đầu đời của chú bé, là những dây tơ hồng to bằng chiếc đũa tre, xúm xít ôm cái dậu cúc tần, bỗng thõng xuống:

            "Đờ tay buông thõng thượt sợi tơ hồng"

thì thật là tuyệt vọng, thật tiếc, thật buồn mà lại là chua chát cay đắng nữa, tất cả những tính chất ấy của một kỷ niệm tình yêu thời niên thiếu lại rất sáng sủa và thật dân giã. Cũng là cảnh quê mùa, cũng là nỗi thất tình ở Nguyễn Bính nổi trội lên là con bướm và dậu mồng tơi, hoặc có ai đó nói cửa miệng rằng:

            "Em lấy chồng rồi... hết ước mơ"

Nhưng ở Trịnh Thanh Sơn thì sợi tơ hồng thõng tay buông, là một hình tượng độc đáo, rất truyền thống và mới lạ. Mà theo truyền thống trong tình vợ chồng ở Việt Nam thì sợi tơ hồng lại là sợi chỉ đỏ xe duyên trai với gái. Người ta còn phải tế tơ hồng đủ biết tơ hồng là thiêng liêng.

Ở đây thì cậu con trai làng đã thành sợi tơ hồng tuyệt vọng, còn sợi tơ hồng đã sống thành một Trịnh Thanh Sơn 15 hoặc 16 tuổi ôm cái thất tình lần đầu trong cuộc sống vừa mới mở ra, bao la và mờ mịt trước mắt.

Ở nhiều bạn trẻ làm thơ hôm nay, tôi đã thấy những gắng sức trau dồi nghệ thuật. Riêng ở Trịnh Thanh Sơn, tôi không thấy cái đó. Anh làm thơ như kể chuyện bình thường, rất giản dị, đôi khi gần như văn xuôi. Nhiều bài có những chữ thừa, hoặc những từ có sẵn. Nếu nói về nghệ thuật làm thơ thì phải gọi ra cái nhược điểm ấy của Trịnh Thanh Sơn là không điêu luyện, không tìm tòi, rèn giũa những con chữ, một sự rèn giũa rất cần thiết để câu thơ, có khi cả bài thơ trở nên quý hơn, đắt giá hơn.

Để chuộc lại cái nhược điểm ấy, may mắn cho những người đọc khó tính như tôi, anh con trai, người đàn ông họ Trịnh này lại phả cho mỗi bài thơ của mình một mảnh hồn chân thực. Hầu hết những bài thơ Trịnh Thanh Sơn tôi được đọc trong vòng 5 năm nay, đều không có cái gì làm bộ, làm dáng, làm duyên, không một ý tứ nào giả tạo. Từ đó, Trịnh Thanh Sơn dần dần tạo được bản sắc riêng cho thơ của anh. Đặc biệt ở mạch thơ mà tôi tạm gọi là mạch đời thường, có đôi ba bài độc đáo, lần nào đọc lại tôi cũng cứ phải cười khùng khục từ trong bụng lên cổ họng, nếu hoàn cảnh lúc đọc không cho phép tôi cười phá ra. Ví dụ bài "Với anh thợ cắt tóc", rồi đến bài "Đối thoại" hoặc vài ba đoạn Vô đề, vừa có humour lại vừa pha một chút chua chát, cay đắng thật sự.Tựu trung ở mạch tự sự đời thường này, dẫu là kể một câu chuyện (có tính cách ngụ ngôn) hoặc giãi bày một tâm sự, bao giờ anh chàng này cũng nói thật, dẫu cũng đôi khi nói gần nói xa, nói bóng nói gió. Đến đôi ba bài trữ tình, diễn được cái đẹp, nói được niềm thương nỗi nhớ mong manh, có khi biến ảo khó nắm bắt, thì Sơn cũng đã rèn ngọn bút một cách nghiêm chỉnh không phóng túng, như ở những bài mang tính cách riễu cợt, đả phá những cái lố lăng, hèn hạ.

Bài tứ tuyệt ở đầu sách, tôi nghĩ đó là một bài thơ hay, dung dị và chứa đầy xao xuyến, tiếc nhớ một thời ấu thơ trong vắt pha lê, nhất là hai câu 3 và 4, đọc bằng mắt thôi đã như nghe thấy tiếng gió đồng quê ngân dài nỗi tiếc nhớ từ năm xửa năm xưa đến tận bây giờ và có lẽ còn vang vọng mãi.

            Rơm vàng ta quảy đi gieo vãi
            Gà gáy mưa mạ chớp đông chờ
            Thì lúa em tóc xanh con gái
            Sấm rền thơ dại phía mây xưa

Vậy là cái hồn thơ Trịnh Thanh Sơn đã hiện lên rõ nét qua hai tập thơ không dày lắm. Một tâm hồn đam mê, nhiều khi đắm đuối, say mà vẫn không nhũn mềm, nhiều thất vọng nhưng không bi quan. Ấy, cuộc đời thì lắm nỗi rắc rối lắm, mà chuyện tình yêu lại là những bài toán khó cho mỗi người. Ở Trịnh Thanh Sơn, không hề thấy nhu cảm, sầu não, khổ sở, mặc dầu đau như cắt gân, rạch tim, xé phổi. Nhiều câu thơ chua chát lại gây ra một cái cười an thần. Có lời đắng cay mà hóa ra khích lệ.Thơ Trịnh Thanh Sơn nảy nở dù đôi khi non tay hoặc quá giản dị thành nôm na, đều là trên cái nền tươi tắn và vững bền, già dặn của cảm xúc yêu thương. Thật khó ngăn được nhiều lúc phẫn nộ, dữ dằn như muốn tát một kẻ láo xược đến gãy răng, lệch quai hàm nhưng ngẫm kỹ một chút lại thấy là vì anh ta quá yêu đời. Quá tin yêu, nhỡ có khi thấy mình bị đánh lừa, bị phản bội thì khó nén được cơn giận nên sinh ra bừng bừng nộ khí, văng ra đôi ba lời có khi chỉ là như bông đùa thôi, vì thực ra anh chàng này có xúc phạm đến ai đâu. Tất nhiên anh ta ngang bướng, có khi ngang tàng, quắc mắt coi khinh những kẻ cậy quyền cậy thế, hò hét quát lác bắt nạt người lành, vểnh râu ưỡn ngực khệnh khạng tưởng mình là vĩ đại nhất dưới gầm trời này, nhưng thường thường thì lúc nào anh cũng sinh ra những câu thơ lành hiền, cúi mình đi bằng cả hai tay, vươn dài lưng ra để cho những cháu bé tha hồ nhảy lên mà "nhong nhong ngựa ông đã về, cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn". Mặc dù ở mạch trữ tình, thơ Trịnh Thanh Sơn chưa nổi trội hẳn tuy đã có đôi bài thấm khá sâu trong lòng bạn đọc, nhưng sang mạch đời thường, lúc anh kể chuyện ngụ ngôn hoặc phác họa chân dung vài loại người nào đó trong xã hội hiện nay thì Sơn đã tỏ ra độc đáo như Với anh thợ cắt tóc, Vết đạn thành Cửa Bắc. Đôi ba bài như thế nếu in trên sách, báo, cứ thử bịt tên tác giả, nhiều người vẫn đoán ra "Lại Trịnh Thanh Sơn mới có giọng này!" Kể ra, đời sống xã hội Việt Nam hôm nay đang cần đến hàng chục Vũ Trọng Phụng, hàng trăm tác phẩm như SỐ ĐỎ, mà có được dăm ba kiểu thơ Trịnh Thanh Sơn đáp ứng tí chút cái đòi hỏi phi thường đó trên địa hạt văn học thì cũng là đáng khuyến khích lắm chứ. Vì văn học thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, đều có thiên chức góp phần chủ yếu vào việc cải tạo xã hội, làm cho con người đẹp lên, tốt lên. Nó đứng ở bậc trên cùng trong các nấc thang giáo dục con người. Văn học, đứng đầu là thi ca, nói nôm giống như bữa ăn hàng ngày. Đủ món đã đành, lại phải đủ vị nữa. Nhiều khi, với những cơ thể không lành mạnh, rất cần những vị cay chua, chát đắng nữa; nếu chỉ mặn ngọt thôi, nhiều khi vô bổ.

Anh chàng Trịnh Thanh Sơn lắm lúc bạo tay làm một vài món rất chua, và hơi đắng chát, có thêm khá nhiều ớt chỉ thiên hái từ hai bên lề đường Thái Nguyên, Tuyên Quang với liều lượng vừa phải thôi nếu không muốn nói là hơi ít.

Hẳn có một số người không chịu ăn đâu, vì sợ ngộ độc. Nhưng ở tập thơ DẬU CÚC TẦN này, rượu nhẹ men ngát khá nhiều, còn thì đã có gì đâu mà ta ngại ngần hoặc lắc đầu gạt ra khỏi mâm?Tôi tin là ta cứ vui vẻ gắp, nhai kỹ, ăn hết đừng bỏ dở, đừng chê bai thì này, nói se sẽ rất thật thà với nhau một lời nhé, có khi chúng mình khỏe hẳn người ra đấy!

Hà Nội ngày 7 tháng 7 năm 1997
H.C
(122/04-99)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tản mạn Balzac (17/12/2009)