Dù nhìn nhận từ góc độ nào, phê bình vẫn nằm trong hệ hình của khoa nghiên cứu văn học, là khâu cuối cùng hoàn tất quá trình văn học. Với chức năng luận giải, thẩm định và phán đoán “những bí ẩn” của các hiện tượng văn học, phê bình tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học, trên hai phương diện cơ bản: sáng tạo và tiếp nhận. Chính vậy mà nhà văn Victor Hugo, mặc dù rất “cay cú” và đau đớn, bởi nhà phê bình Seinte-Beuve đã “cuỗm” mất trái tim của vợ mình, nhưng ông vẫn không thể không thừa nhận vị trí đặc biệt của Seinte-Beuve đối với Nhóm Tao đàn(2) và văn học Pháp thế kỷ XIX. Sứ mệnh của phê bình, đó là góp phần: thúc đẩy nhanh một thứ văn chương “lẽ ra đã chết, mà không chịu chết”. Điều mà chúng ta quen gọi một cách triết học là: mỹ học của sự vận động. Tính chất vừa khoa học, vừa nghệ thuật, khiến cho phê bình trở thành một lĩnh vực nhạy cảm nhất trong khoa nghiên cứu văn học. Trí tuệ và tỉnh táo, đối mặt và cọ xát, nhưng nhà phê bình cũng là nghệ sĩ khi họ đắm chìm vào “những khoái cảm của văn bản” (R. Barthes). Phê bình, vì vậy là một nghề cao cấp và hiểm nguy. Họ “đánh đổi” bản thân mình cho vận mệnh của một hiện tượng, một khuynh hướng, một nền văn học. Và tôi nghĩ, một nền văn học hiện đại, được xem là tiến bộ, đó chính là sự “hưng thịnh” của phê bình, chứ không chỉ lấy sáng tác làm tiêu chí đánh giá. Không phải ngẫu nhiên, mà thế kỷ XX, người ta đã mệnh danh là thế kỷ của phê bình văn học. 1. Đoản khúc hai mươi lăm năm của Sông Hương... Một phần tư thế kỷ qua, song hành với sáng tác, Lý luận - phê bình đóng một vai trò rất quan trọng, để Sông Hương có thể hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình, trước những yêu cầu bức thiết của đời sống văn học. Dù có lúc thăng - trầm, hay thịnh - suy, Sông Hương vẫn chứng tỏ được “bản thể” của mình, trước những chuyển biến mạnh mẽ của văn học trong nước và trước “Nền văn chương đang lâm nguy” của nhân loại. Sông Hương đã vượt qua giới hạn của một tạp chí có tính chất đường biên “vùng”, để hiện diện trước công chúng bạn đọc - với tư cách là Sông Hương. Đặt trong tiến trình văn học Việt Nam, Sông Hương đã có những dấu ấn đặc thù gì? Sông Hương đã nói gì với Sông Hương, và Sông Hương đã nói gì với bạn đọc trong nước? Từ bình diện của lý luận - phê bình, Sông Hương đã thực sự là một tờ báo hàm chứa hai chuẩn mực: khoa học và nghệ thuật? Đó là những vấn đề cần đặt ra, khi chúng ta có dịp nhìn lại một chặng đường hai mươi lăm năm đã qua của Sông Hương. Xét từ góc độ lý luận - phê bình văn học, có thể khái quát những đặc điểm sau về Sông Hương trong suốt hai mươi lăm năm qua. Tất nhiên, những phác nét nào cũng bỏ qua những “góc khuất” quan trọng và thú vị. Thứ nhất, Sông Hương đã cho thấy tính tự trị của nó, bằng chính bản sắc văn hóa-văn học, nơi mảnh đất nảy sinh và nuôi dưỡng nó. Các nhà lý luận- phê bình đã phản ánh khá trung thực và nhạy cảm về dòng chảy của văn học Thừa Thiên - Huế với những khoảnh khắc lịch sử khác nhau và những biến động đa dạng của đời sống xã hội. Dù cho, đã có những khuất tất, những “kìm hãm” phi lý, ngoài sự mong đợi, nhưng về cơ bản, có thể khẳng định như vậy. Có thể nói, diện mạo, đặc điểm và các chân dung văn học tiêu biểu của Huế đã được khái quát, đánh giá, thẩm định một cách khá xác đáng. Qua “kênh” phê bình, người đọc cảm nhận được chiều sâu về văn hóa - lịch sử tàng ẩn trong các tác phẩm văn học. Từ những chân dung văn học truyền thống như: Tùng Thiện Vương - Miên Thẩm, Đặng Huy Trứ, Ưng Bình Thúc Dạ Thị, Nguyễn Khoa Vy,... đến các tác gia hiện đại và đương đại như: Thanh Tịnh, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Như Ý, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Thùy Mai, Tô Nhuận Vỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường... đều hiện diện một cách sinh động trên Sông Hương, thông qua những tiếng nói khác nhau của phê bình văn học. Sông Hương đã giúp người đọc nắm bắt được tính Chủ âm (la dominante - chữ dùng của Jakobson) của bản sắc Huế thống ngự trong sáng tác văn học. Trong một xu thế đa tạp của đời sống văn học hiện nay, tôi nghĩ, đây là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để Sông Hương tự tin tồn tại và phát triển. Mất đi tính Chủ âm về bản sắc Huế, Sông Hương sẽ không còn là Sông Hương, hay nói đúng hơn, nó sẽ chìm khuất vào vô số những tờ báo, trên thị trường thông tin. Thứ hai, Sông Hương trở thành một dòng hợp lưu của lý luận - phê bình - đối thoại trong cả nước, mà các tạp chí địa phương khác, e rằng, khó có thể sánh được. Có chủ quan không, khi tôi khẳng định như vậy? Kỳ thực, Sông Hương đã thu hút được nhiều nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình có uy tín. Về lý luận văn học: Sông Hương dù chưa phải là “nơi chốn” để bàn luận học thuật, một cách có hệ thống như các tạp chí chuyên ngành, nhưng sự có mặt khá đều đặn của các nhà lý luận, khiến cho Sông Hương có một tính chất trí tuệ - khoa học, rất thú vị. Và, nó có thể đáp ứng được phần nào, nhu cầu bạn đọc, đặc biệt là giới “siêu độc giả”. Từ số đầu tiên vào 6 - 1983 cho đến nay, Sông Hương đều có sự hiện diện của các nhà lý luận - nghiên cứu có tên tuổi, như: Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Phan Ngọc, Phong Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Văn Dân, Trương Đăng Dung... Nhờ vậy, những vấn đề quan trọng của khoa nghiên cứu văn học, như: Thể loại văn học, Tiếp nhận văn học, So sánh văn học,... về cơ bản, đã được Sông Hương đề cập đến. Có thể kể đến một số bài nghiên cứu có dấu ấn, trên Sông Hương: Lý thuyết tiếp nhận và phê bình văn học, Số 6, 1999, của Trần Đình Sử, Nghiên cứu văn học so sánh ở Việt nam, của Nguyễn Văn Dân, số 5, 1998, Những đặc điểm của hệ thống lý luận văn học Mac xit thế kỷ XX, của Trương Đăng Dung, số 1, 2003... Về phê bình văn học: Sông Hương có một quan điểm tự do và mới mẻ trong phê bình và đối thoại. Dù cách nhìn của các Tổng biên tập, qua các “triều đại” có khác nhau (từ Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê đến Nguyễn Quang Hà, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Thạch), nhưng họ luôn tìm cách, đưa Sông Hương tham dự vào các tầm đón nhận văn học trái chiều của công chúng bạn đọc. Những hiện tượng có số phận lịch sử đặc biệt, có sự đối lập, xung khắc trong tiếp nhận, đều được Sông Hương quan tâm. Chẳng hạn như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Đỗ Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh,... và kể cả những tác giả thuộc vào “nhân văn giai phẩm”. Sông Hương đã dám đương đầu với những thách thức của dư luận công chúng bạn đọc. Sự có mặt của các nhà phê bình như: Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Lai Thúy... đã chứng tỏ quan điểm nghệ thuật và bản lĩnh của Sông Hương. Đặc biệt, những bài phê bình gần đây của tác giả Đỗ Lai Thúy về phân tâm học, về tình dục trong thơ Xuân Diệu, đã mang lại cho Sông Hương một sinh khí mới. Với tinh thần trên, Sông Hương đã đưa đến cho bạn đọc một cái nhìn đa chiều về văn học và hiện thực cuộc sống. Bi kịch con người qua các tình huống của lịch sử dân tộc (tình yêu và chiến tranh, tự do và thể chế, bổn phận và khoái lạc...) trong các sáng tác văn học, nhìn chung, đều được Sông Hương đề cập và giải mã, thông qua kênh phê bình - đối thoại. Thứ ba, Sông Hương có một “Cứa sổ nhìn ra thế giới” rất thú vị. Từ “điểm nhìn” này, Sông Hương đã thu nhận được nhiều kiến thức lý luận -phê bình văn học mới mẻ, nhạy cảm trên thế giới. Các lý thuyết về Ký hiệu học, Cấu trúc học, Tự sự học, Mỹ học, và một số vấn đề về thể loại văn học đều xuất hiện trên Sông Hương. Để có được cánh cửa này, trước hết, phải kể đến công lao của PGS. Bửu Nam, người đã khởi xướng và dành nhiều tâm huyết cho Sông Hương. Tất nhiên, quyết định cho sự tồn tại đầy sức hấp dẫn và lý thú của nó, đó chính là sự tham gia của các dịch giả, tiêu biểu: Bửu Ý, Bửu Nam, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm... Khi mà văn học dân tộc đang “gồng mình” để thoát khỏi sự tù đọng và bế tắc, nhằm tiến đến hội nhập văn hóa - văn học thế giới - một cách tự tin, thì “Cửa sổ nhìn ra thế giới” không chỉ cần thiết với Sông Hương”, mà thực sự quan trọng đối với văn học Việt nam hiện nay. Hy vọng rằng, người cầm chịch mới Hồ Đăng Thanh Ngọc sẽ đặc biệt lưu tâm cho Cánh cửa này... Thứ tư, phong cách phê bình nghiệp dư, trên Sông Hương, đó cũng là một đặc điểm thú vị. Ngoài sự quyến rũ của khoái cảm văn bản, đã đi vào họ một cách tự nhiên do bản năng sáng tạo, thì tính lý luận - khoa học, như một yêu cầu tất yếu của nghiên cứu - phê bình, đã được bộc lộ sắc sảo qua các cây bút phê bình nghiệp dư. Đọc lại Sông Hương một cách có hệ thống, tôi rất ngạc nhiên và lấy làm thú vị, khi nhận thấy rằng, không ít bài phê bình của các nhà sáng, còn có sức thuyết phục hơn một số nhà phê bình chuyên nghiệp. Không cần đến sự biện minh của tôi, bạn đọc cứ tìm đến phong cách phê bình của giới nghệ sĩ này trên Sông Hương, và chắc chắn, nhận định của tôi, sẽ không bị chối từ: Thanh Thảo, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh, Mai Văn Hoan... Trong đó, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, vốn được xem là “nhà tiểu thuyết hiền lành ngầm”, không chỉ trở thành người phát ngôn đương thời, mà còn sắp tiến tới đoạt danh hiệu của nhà báo, nhà phê bình chuyên nghiệp. Hàng loạt bài phê bình của Nguyễn Khắc Phê trên Sông Hương nói riêng và các báo khác nói chung, đã chứng tỏ bút lực và bản lĩnh của ông. Thì ra, nhà tiểu thuyết thuần nho xứ đồ Nghệ, cựu Tổng Biên tập Sông Hương, về già mới phát lộ hết tài năng đa diện của con nhà nòi - Nguyễn Khắc... Cũng vậy, bài phê bình Cảm nhận thơ hôm nay của Nguyễn Khắc Thạch và Tản mạn về thơ của Thanh Thảo đã có những kiến giải sắc sảo về bản chất của thơ ca. Nguyễn Khắc Thạch xem phẩm chất của tu sĩ là Đức Tin, còn phẩm chất của thi sĩ là sự hoài nghi” (xin xem số 11-1994). Thanh Thảo đã nhìn thơ, từ một không gian rỗng, và tìm nghĩa từ những khoảng trống vô nghĩa (xin xem số 7-1998). Và cuối cùng, phong cách phê bình mang tính chất hàn lâm và mô phạm của các nhà nghiên cứu - giảng dạy ở hai trường đại học kề cận, góp phần làm cho Sông Hương mang một "màu sắc " của phê bình trong thế giới học đường. Có thể kể đến: Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Hà Văn Lưỡng, Nguyễn Xớn, Nguyễn Hồng Dũng,... (ĐHKH Huế); Trần Đại Vinh, Trần Hoàng, Bích Hải, Bửu Nam, Lê Thị Hường, Trần Huyền Sâm... (ĐHSP Huế). Trong số kể trên, có một tác giả rất ít xuất hiện trên Sông Hương, nhưng lại khẳng định uy tín bằng một bài phê bình rất đáng lưu tâm: Nguyễn Xớn. Tôi đọc lại nhiều lần bài: “Lý luận văn học trước thử thách của thực tiễn sáng tạo”, cách đây hơn mười năm trên Sông Hương và không khỏi ngạc nhiên và suy tư trước vấn đề lý luận văn học mà tác giả này đã đặt ra. Ngắn gọn, sắc sảo và nhất là có chủ kiến táo bạo, bài viết chưa đầy bốn trang, đã đề cập được những vấn đề quan trọng và bức thiết của lý luận Việt nam: “Nhìn tổng thể, hình như lâu nay, các lý thuyết gia văn chương nước ta đã bỏ bao nhiêu công sức để đan tấm lưới bằng thuật ngữ, các khái niệm, nhằm cố bắt cho được “tính chân thật của cuộc sống”. Nói rõ ra là hệ thống lý thuyết văn chương lâu nay, là hệ thống lấy cái chưa biết để giải thích cái chưa biết” (xin xem số 1-1995). Tất nhiên, nhân định trên chưa phải là hoàn toàn chân xác về thành tựu lý luận Việt Nam, nhất là những thập niên gần đây, nhưng nó cho chúng ta một sự tự ý thức tối thiểu của người trí thức làm công việc nghiên cứu và giảng dạy lý luận văn học. Chúng ta nhận ra: cái chưa biết, nhưng vẫn chấp nhận cái chưa biết đó, cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự giả dối trong khoa học? Câu hỏi này đã chạm đến nhiều vấn đề sâu xa trong học thuật, khiến chúng ta không thể không suy tư... Tóm lại, nhìn từ phương diện lý luận - phê bình văn học, hai mươi lăm năm qua, Sông Hương - với một bản sắc đặc thù, đã góp phần phản ánh qui luật vận động đa diện và phức hợp của văn học Việt nam, trong một xu thế đầy thách thức của văn học thế giới. Qua Sông Hương, người đọc có thể nhận thấy phần nào, sự đổi mới trong tư duy nghiên cứu - phê bình và sáng tác văn học. Văn học Việt nam đã và đang đi từ phản ánh hiện thực đến lý giải, nghiền ngẫm hiện thực, từ chấp nhận hiện thực, đến chỗ chống lại sự đồng hóa của hiện thực, từ cái dĩ nhiên, đến cái khả nhiên. Trên cơ sở đó, phê bình đang đi vào chiều sâu cấu trúc nhân cách của con người cá thể; cố gắng lý giải tính hai mặt, cũng như sự hệ lụy của chúng được thể hiện trong các sáng tác văn học. Đó là các phạm trù: giữa cái biết tới và cái chưa biết tới, giữa hữu thức và vô thức, giữa con người bản năng - tự nhiên và CON NGƯỜI viết hoa. Tất nhiên, để đạt đến: Nghệ thuật như là chính nó (l’Art pour lui-même), đó không phải là điều dễ dàng của Sông Hương cũng như văn học Việt Nam nói chung. 2. Những thách thức của Sông Hương và phê bình Việt Nam nói chung... Ở trên là tôi đã “nhìn” những ưu trội của Sông Hương trong hai mươi lăm năm qua. “Nhìn lại”, mới là cái nhìn đáng ngại và đáng sợ. Nằm trong một thực trạng chung, Sông Hương không thể thoát khỏi những mặt trái, những hạn chế của văn học Việt Nam hiện nay: Tính tự phát, tính cá nhân và vụ lợi; sự can thiệp thô bạo, phi nghệ thuật của những vấn đề ngoài văn học; thiếu trình độ khoa học chuyên sâu, ảo tưởng, và tự phụ... Đó là những hạn chế nổi bật, mà tôi đã rút ra, từ những ý kiến đánh giá trong cuộc Hội thảo Lý luận - phê bình văn học Việt Nam, tại Viện Văn học, năm 2005(3). Giới nghiên cứu - phê bình Hà Nội, lần đầu tiên, đã thẳng thắn đề cập đến thực trạng tệ hại của phê bình Việt Nam. Có thể dẫn ra ý kiến của ba phong cách phê bình tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho phê bình Việt nam nói chung và Sông Hương nói riêng. Phạm Xuân Nguyên khái quát phê bình Việt nam trong hai chữ: Thiếu và Yếu. Thiếu dân chủ và yếu lý thuyết văn học, và xem phê bình ở nước ta hiện nay như một anh mù cầm gậy (xin xem 3 - tr.1076). Còn Nguyễn Đăng Điệp thì bộc lộ sự hoài nghi, khi cho rằng, phê bình hiện nay thiếu chuẩn mực trong đánh giá các giá trị: tâng bốc nhau theo kiểu cánh hầu; thiếu dũng khí, thiếu bản lĩnh và thiếu những phát hiện cá nhân; tranh luận biến thành cãi vã (xin xem 3 - 1039). Vương Trí Nhàn thì thất vọng vì phê bình Việt Nam: đơn điệu, tẻ nhạt, thiếu sinh khí, mạnh về phong trào, thiếu tính chuyên nghiệp (xin xem 3 - 1068)... Nhân nhìn lại Sông Hương, tôi đã đọc phê bình của sự phê bình với một trạng thái hưng phấn. Hầu hết, các nhà phê bình có tên tuổi, đội ngũ chủ chốt làm nên diện mạo phê bình Việt Nam, đều gặp nhau một điểm: nhận ra và phê phán rất mạnh mẽ những thực trạng yếu kém của phê bình Việt Nam hiện nay. Cũng chính vì lẽ đó mà tôi băn khoăn: vậy, những thực trạng đó là do đâu, nếu không phải là từ chính những nhà phê bình? Vậy nên, tôi nghĩ: những điều mà các nhà phê bình đề cập, nên gọi là: Sự tự ý thức của phê bình. Đó là tên gọi chân thực và trúng nhất, cho những vấn đề, mà chính các nhà phê bình đã đặt ra. Tôi không có tham vọng khái quát những vấn đề của phê bình văn học hiện nay, vì đó là một vấn đề quá lớn và quá phức tạp. Tuy nhiên, ngoài những cái thiếu mà các nhà phê bình đã nêu, tôi nghĩ, nên nhấn mạnh hai vấn đề cơ bản: 1. Thiếu một tri thức cơ bản về Mỹ học tính dục trong văn học; 2. Thiếu một “phép đọc mới” để khai mở giá trị của văn bản tác phẩm hậu hiện đại. Một hiện tượng văn học gây ra tranh cãi, thông thường rơi vào ba trường hợp sau, hoặc là cả ba: a.Tác phẩm đó làm thay đổi đột ngột quan điểm về các thang giá trị cuộc sống, b. Đề cập đến vấn đề tình dục, c. Gây “sốc” bởi những thủ pháp nghệ thuật tân kỳ. Chỉ lướt qua một tác phẩm tiêu biểu, điều tôi vừa nêu sẽ được minh định: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Trăm năm cô đơn (M.Marquez), Tiếng chim hót trong bụi mận gai (C.M.Cullough), Người Tình (M.Duras), Buồn ơi chào mi (F.Sagan), Hạt cơ bản (Houellbecq), Tình ơi là tình (Jelinek), Điên cuồng như Vệ Tuệ (Vệ Tuệ)... Nếu câu chuyện trung tâm của văn học là con người, thì tôi nghĩ, một trong những điều quan trọng nhất, đó là câu chuyện tính dục. Liệu một nhà phê bình có thể thẩm định được giá trị tác phẩm, khi anh ta không hiểu “Mỹ học tính dục trong văn học” là gì? Một điều mà M. Duras, tác giả “Người tình” (L’Amant) lo sợ nhất, đấy là, bà sợ nhà đạo diễn dựng phim, các nhà phê bình không hiểu hết được giá trị thẩm mỹ về vấn đề tính dục mà bà thể hiện trong tác phẩm. Có lẽ, đó cũng là sự lo ngại của những nhà tiểu thuyết chân chính, khi họ viết về thế giới tính dục. Khi dục tính là nhân tính, thì vấn đề này cần phải được các nhà phê bình coi trọng và tôn trọng. Phải chăng, Augustin trở nên cuốn hút, là bởi vì, trước lúc ông bàn đến Kinh thánh, ông đã từng bàn nhiều đến dục tính? Vấn đề mỹ học tính dục hệ lụy đến cả một hệ thống các phạm trù thẩm mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thuộc khoa học xã hội nhân văn. Chúng ta chưa dựa trên một chuẩn mực giá trị, một nền tảng lý thuyết nào để đánh giá một tác phẩm có giá trị nhân bản đích thực, hay là sex đồi trụy? Dẫn đến, những phán xét có tính chất tùy hứng, theo sự phỉ báng quá trớn hoặc khen ngợi quá lời, biến vấn đề tính dục trong văn học, một vấn đề nghiêm túc, trở thành những câu chuyện mua vui cho những kẻ hiếu kỳ, hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi nghĩ, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy là người trong số ít ở Việt Nam, đã nghiên cứu một cách nghiêm túc vấn đề này. Dưới góc độ mỹ học tính dục, tác giả đã thể nghiệm thành công hai hiện tượng văn học tiêu biểu: Hồ Xuân Hương và Xuân Diệu. Phép đọc mới, hay là một qui ước đọc (Le concept de pacte de lecture) là một yêu cầu đối với nhà phê bình văn học khi nghiên cứu các tác phẩm viết theo khuynh hướng hậu hiện đại. Mỗi hiện tượng văn học là một mã riêng. Susan Adams khi nghiên cứu về J. Joyce, ông đã ví tác phẩm văn học như một củ hành, và người phê bình cần có một kỹ thuật bóc củ hành, mới có thể khai mở tác phẩm. Khám phá tác phẩm là một hình thức bóc các lớp vỏ hành, để “vén ra” những tầng nghĩa ẩn chìm trong văn bản. Khi nhà phê bình trào ra nước mắt, đấy là lúc anh ta chiêm nghiệm được chân lý nghệ thuật, thông qua các lớp vỏ hành. Không nắm được “mã” của văn học hậu hiện đại (Phép giản lược tối thiểu, ngụ ngôn đen, kỹ thuật xử lý yếu tố tính dục, hệ thống ngôn ngữ thân xác, hệ thống chuyển hóa của điểm nhìn trần thuật...), nhà phê bình chỉ biết cách “vờn” ngoài tác phẩm. Đó là lý do, có thể giải thích vì sao, các tác phẩm của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Đoàn Minh Phương và các giải Nobel văn học trong những năm gần đây, không được các nhà phê bình Việt Nam thật sự chú trọng... Đặt ra vấn đề trên, để thấy rằng, Sông Hương nói riêng, và văn học Việt Nam nói chung, đang đặt các nhà phê bình đứng trước những thách thức lớn lao. Vị trí của người làm công việc: phê bình của sự phê bình trên Sông Hương, liệu đã đáp ứng được nhu cầu của đời sống văn học hiện nay? 4. Cho một tương lai của Sông Hương... Sông Hương đi về phía tương lai bằng cách, trở lại tìm dấu tích của bước chân công chúa Huyền Trân... Bản sắc của Sông Hương, niềm kiêu hãnh của Sông Hương, chính là ở đó. Và chính cái Chủ âm của bản sắc này, đã thống ngự và cám dỗ bạn đọc. Nói, nhìn lại hai mươi lăm năm,… nhưng thực ra, Sông Hương đã từng có một cội nguồn lịch sử dài lâu hơn thế, vì nó vốn là tiền thân của một tờ báo nổi tiếng trước 1945: báo Sông Hương. Báo Sông Hương - một thời vang bóng của bao nhiêu thi sĩ, nhà phê bình nổi tiếng đã hội tụ về đất Huế... Cội nguồn truyền thống này, cũng là một niềm tự hào, để Sông Hương đi tiếp cuộc hành trình về phía tương lai... Một lợi thế lớn nhất của Sông Hương, đó là sự yêu mến, gắn bó đầy tâm huyết của đông đảo bạn đọc. Người ta yêu mến Sông Hương không chỉ thuần túy như một tờ báo văn học, mà đôi lúc, vì nó hiện diện một điều gì đó khó lý giải. Một điều gì, mà khiến cho dịch giả Bửu Ý phải đặt ra câu hỏi, Huế, anh là ai? (xin xem số 10 - 2004)... Liệu, rồi đây, Sông Hương có đáp ứng được sự hoài vọng của bạn đọc? Một tạp chí là gì? Có thể mượn lời của Frédéric Bandré - chủ bút của tờ tạp chí Ligne de risque, để nêu lên chủ đích của Sông Hương: “Một tạp chí không phải là một điều thiết yếu - một cứu cánh tự bản thân. Tạp chí phải có tác dụng với một dự phóng nhất định. Nó phải thách thức với tương lai, đồng thời phải có ý nghĩa cho hiện tại” (Cho một tương lai văn học)(4) Sông Hương có thể mở ra một cánh cửa lịch sử cho tương lai văn học? Đó thực sự là một thách thức đối với người phụ trách Sông Hương hiện nay, cũng như những ai có tâm huyết với Sông Hương.
T.H.S
(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)
---------------- (1) Nhân nhìn lại hai mươi lăm năm phê bình trên Sông Hương, người viết mạn phép bàn thêm một số vấn đề... (2) Tờ Tao Đàn do anh em V.Hugo sáng lập và có sự cộng tác của nhà phê bình Seinte - Beuve. Thời kỳ này, Seinte - Beuve yêu say đắm vợ V.Hugo, và kết quả của mối tình là sự ra đời cuốn tiểu thuyết “Khoái lạc” - cuốn sách mà V. Hugo rất thù ghét. (3) Nhiều tác giả, Lý luận và phê bình văn học - đổi mới và phát triển, Nxb Khoa học xã hội, 2005. (4) Frédéric Bandré, Cho một tương lai văn học, Nxb Đà Nẵng, 2006 (Đa Huyên và Nguyễn Thanh Xuân dịch từ L’avenir de la littérature, Edition Gallimard, 2003).
|