Sau này do truyền khẩu tôi thuộc rất nhanh thơ Bút Tre - thơ ép vần. Bút Tre là một hiện tượng thơ độc đáo, có lẽ sống mãi trong dân gian Việt Nam
.
Là người có thú chơi sách, nhất là sách thơ, nhưng tôi thật sự khó khăn khi đọc thuộc một bài thơ văn xuôi. Có chăng là những bài phú bị bắt buộc học thuộc lòng thời học sinh như “Bạch Đằng Giang Phú” của Trương Hán Siêu, “Hịch Tướng Sỹ” của Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi. Còn thông thường rất ít bạn đọc yêu thơ người Việt Nam thuộc các bài thơ văn xuôi của các tác giả ngày xưa và đương đại. Tôi chưa bao giờ được nghe ngâm thơ văn xuôi ở trên đài hoặc trên truyền hình.
Như vậy nếu so sánh Thơ - Thơ văn xuôi và Văn xuôi thì có những nhận xét sơ bộ như sau:
1/ Có lẽ Thơ văn xuôi là phần giao nhau của hai vòng tròn Thơ và Văn xuôi. Phần giao nhau của hai vòng tròn thể hiện hai đặc điểm ngang nhau của Thơ và Văn xuôi. Nếu vượt ra khỏi vùng giao nhau thì sẽ thành Thơ có vần hoặc trở thành Văn xuôi.
2/ Nếu cố ý xếp thứ tự thì dễ thuộc nhất là thơ Bút Tre ép vần, sau đó đến lục bát, song thất lục bát, thơ tứ tuyệt, thơ 8 chữ, kiểu thơ Đường. Dễ thuộc vì nó có vần. Còn thơ văn xuôi khó thuộc vì không có vần như thơ truyền thống. Do đó tính phổ biến hẹp, nó chỉ đáp ứng một số độc giả rất hạn chế, có lẽ số độc giả này ít nhất phải học xong phổ thông trung học và có năng khiếu về văn chương và am hiểu ngữ pháp tiếng Việt.
3/ Theo thống kê, bài thơ văn xuôi mà ngắn thì độc giả còn chấp nhận được, nếu dài quá độc giả có cảm giác là văn xuôi. Tâm lý ngại đọc càng tăng lên. Tất nhiên những bài thơ nổi tiếng ví dụ như “Chơi giữa mùa trăng” của Hàn Mặc Tử là ngoại lệ.
4/ Tại sao thơ văn xuôi cứ mặc nhiên tồn tại:
- Thời đại mở cửa giao lưu văn hoá giữa các nước càng mạnh mẽ; số người có ngoại ngữ ngày càng tăng, số người có thể đọc trực tiếp văn học nước ngoài không phải là ít. Nếu họ là người làm thơ văn xuôi thì chịu ảnh hưởng không nhỏ.
- Người làm thơ văn xuôi có ngoại ngữ và công chúng thích thơ văn xuôi có vốn ngoại ngữ hoặc đã lưu học ở nước ngoài rất dễ chấp nhận thể thơ văn xuôi.
Thơ văn xuôi đã có độc giả từ xưa, nếu đọc “đất thơm” của Nguyễn Xuân Sanh viết từ những năm 1940-1941, mà nay đọc lại vẫn thấy hay, thế hệ ngày nay vẫn chấp nhận được.
Có lẽ không thống kê hết, nhiều nhà thơ nổi tiếng được bạn đọc mến mộ làm thơ có vần rất hay, nhưng cũng rất thích làm thơ văn xuôi.
Thơ văn xuôi cũng ngắn.
Ngắn như:
Khuya đường về Mỗi khóm nhà, một chùm đời thơm ngát. Bước đặt lên bước xưa, tư tưởng đè lên tư tưởng cũ. Ngày hái quả trong gió ngọt nỉ non chưa? Nguyễn Xuân Sanh
Tập qua hàng Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm cũng thêm màu trên cánh đang bay. Chế Lan Viên
5/ Triển vọng của thơ văn xuôi:
Thơ văn xuôi công chúng ít, ít người thuộc, nhà thơ thành danh chỉ thơ văn xuôi rất ít.
Nhưng chúng tôi tin tưởng thơ văn xuôi có tương lai rất sáng sủa.
Công chúng trong tương lai sẽ rất nhiều, nó phù hợp với nhu cầu công chúng thời công nghiệp hóa, nhịp sống mạnh mẽ khẩn trương.
Để tạo điều kiện cho thơ văn xuôi phát triển lành mạnh, theo chúng tôi nên:
a- Đưa vào sách giáo khoa các cấp các bài thơ văn xuôi hay đã được sàng lọc qua nhiều năm tháng.
b- Nên có giải thưởng riêng cho thơ văn xuôi.
c- Nên có các khóa học riêng để sáng tác thơ văn xuôi.
d- Sớm tổ chức hội thảo trong nước và quốc tế tại Việt Nam
về thơ văn xuôi.
e- Định kỳ hàng quý nên có phụ san của báo Văn nghệ về thơ văn xuôi.
Chúng tôi là tác giả tuyển chọn và sưu tầm “Thơ văn xuôi Việt Nam
” bởi tình yêu tha thiết với ngôn ngữ tiếng Việt yêu quý.
Chắc chắn không tránh khỏi sai sót, rất mong sự chỉ bảo của các tác giả và độc giả.
N.V.H. (132/02-2000)
|