Nghiên Cứu & Bình Luận
Từ đặc trưng của nghề nghĩ về tổ chức và hoạt động của Hội
10:06 | 15/03/2010
PHẠM QUANG TRUNGHội Nhà văn Việt Nam, bên cạnh tính chính trị- xã hội, trước hết là một tổ chức nghề nghiệp. Muốn có sức mạnh, cơ cấu và hoạt động của Hội phải tương thích với đặc thù nghề viết văn.

Nghề văn là một nghề sáng tạo. Mục đích cao nhất của người cầm bút là tạo ra những tác phẩm văn chương có giá trị làm giàu có đời sống tinh thần của dân tộc, nhân dân và thời đại.

Sự sáng tạo của nghề văn bộc lộ ở hai đặc tính căn bản: Một là, sản phẩm của nhà văn phải luôn độc đáo; và hai là, lao động nhà văn là lao động của từng cá nhân. Xa rời những đặc tính này, hiệu quả hoạt động của Hội sẽ thấp, sức sống của tổ chức Hội sẽ giảm. Đó là điều chắc chắn.

Hơn 40 năm tồn tại, tổ chức và hoạt động của Hội Nhà văn đã gắng bám vào đặc thù nghề nghiệp, tạo ra bầu sinh khí sáng tạo cho từng nhà văn và cả đội ngũ. Nhiều tác phẩm xuất sắc của những nhà văn ưu tú được đông đảo quần chúng ưa thích và am hiểu văn chương đón nhận và thừa nhận là những minh chứng hùng hồn phần nào khẳng định đóng góp to lớn và quý giá của Hội đối với nền văn chương dân tộc.

Tuy nhiên, nếu trung thực và thẳng thắn mà nhìn nhận, thì cho tới nhiệm kỳ V sắp kết thúc, cơ cấu và hoạt động của Hội Nhà văn còn tỏ ra nhiều bất cập, cản trở không nhỏ tới sức sáng tạo của hội viên. Theo tôi, phải xem đây là một trong những nguyên do chính yếu làm cho nền văn chương đương đại Việt Nam chưa có những đỉnh cao, vì vậy, chưa đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng, ngày một lớn của bạn đọc, chưa thỏa mãn được lòng mong mỏi da diết của mỗi người cầm bút chúng ta.

Điều đó chắc gây ra không ít phiền lòng cho những nhà văn có trách nhiệm cao nhất của Hội. Tôi muốn nói tới các thành viên của Ban chấp hành khóa V bao gồm những nhà văn đáng nể trọng về tài năng, đáng cảm phục về nhiệt huyết, đáng chia sẻ về tâm tư. Với số lượng quá ít ỏi, năm rồi bảy, trước một chuỗi công việc đồ sộ, phức tạp và tế nhị, Ban chấp hành đã phải gồng mình lên, linh hoạt, chủ động triển khai những chương trình hoạt động sao cho có hiệu quả nhất, nghĩa là phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sáng tạo của các thế hệ cầm bút. Nỗi trăn trở của từng thành viên và của cả Ban chấp hành có thể dễ nhận ra ở từng việc làm nhỏ nhặt nhất. Đó là sự thật hiển nhiên không ai chối cãi, bác bỏ cho nổi.

Nhưng ở đời có nhiều cái nằm ngoài tầm tay với của chúng ta. Có cái ta nhận thức ra, khổ nỗi lực bất tòng tâm. Cũng có cái nằm ngoài nhận thức của mỗi người. Ở đây rất cần được trao đổi cho sáng nhẽ, tất thảy đều nhằm thúc đẩy hoạt động của Hội theo yêu cầu mới, cao hơn nhiều. Vậy, đâu là điều bất cập lớn nhất, trầm trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của Hội Nhà văn hiện giờ?

Tính hành chính, có lẽ là nặng nề và dễ thấy hơn cả. Chẳng hạn, việc tổ chức các chi hội. Đến giờ, Hội đã có nhiều chi hội trực thuộc theo ngành nghề (Chi hội Nhà văn Quân đội, Chi hội Nhà văn Công an), theo địa phương (Chi hội Nhà văn Thanh Hóa, Chi hội Nhà văn Hải Phòng, Chi hội Nhà văn Thừa Thiên- Huế...), và theo giới tính (Chi hội Nhà văn nữ). Sắp tới chắc sẽ còn ra đời nhiều chi hội nữa nếu nơi nào nghề nào có đủ điều kiện. Thú thật, tôi chưa thật thông lắm về cách tổ chức này. Mặt mạnh cơ bản của nó là dễ quản lý; dễ triển khai phương hướng hoạt động nghề nghiệp chung; dễ phát huy được kinh nghiệm của các nhà văn có nhiều điểm gần gũi về đời sống, về các vấn đề thường quan tâm, trăn trở. Nhưng theo tôi, không có cái gọi là “nhà văn quân đội”, “nhà văn công an”, “nhà văn xứ Thanh”, “nhà văn Vùng mỏ”... Chỉ có một danh hiệu duy nhất là “nhà văn Việt Nam”. Mặt đáng băn khoăn nhất là cách thức tổ chức này rất dễ tạo ra sự tương đồng ở các nhà văn trong chi hội- một trong những điều tối kỵ trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy đội ngũ các cây bút chủ lực hiện nay của Hội có quá trình sống và viết khá giống nhau. Hoặc họ được đào tạo ở miền Bắc, tham gia các cuộc chiến tranh, sau 1975 chuyên làm báo- viết văn, quản lý các hội địa phương. Số này đông nhất. Hoặc họ là người miền Nam tập kết ra Bắc, trở về Nam hoạt động tuyên truyền và văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày toàn thắng lại kiên trì theo đuổi nghề viết. Số này ít hơn. Ngoài ra, có thể kể đến các nhà văn từng có đóng góp cho trào lưu văn chương yêu nước và tiến bộ ở các đô thị miền Nam thời tạm chiếm, hiện vẫn đang ấp ủ những dự đồ sáng tác lớn. Các cây bút kế cận trưởng thành sau 1975 dồi dào sức trẻ và sức sáng tạo, tuy có đa dạng hơn, song cũng còn khá giống nhau về điểm xuất phát và cách thức hành nghề. Cách tổ chức mạng lưới chi hội vô tình càng làm gia tăng sự giống nhau giữa các nhà văn, cản trở tới sự sáng tạo đích thực. Nên chăng ta để các nhà văn thuộc các vùng lãnh thổ và các ngành nghề khác nhau có sự tương hợp về phương hướng tìm tòi nghệ thuật, hoặc về xu hướng thể tài, tự giác tìm đến với nhau, ban đầu là những nhóm bút dần dần trở thành các trào lưu văn chương? Thật lành mạnh cho sự phát triển biết bao, nếu trong sự chỉ đạo tập trung cao độ của Hội Nhà văn, ta lại được chứng kiến sự đua tài đua sức của các trào lưu sáng tạo đa dạng, như nhóm các nhà văn viết kịch bản, các nhà văn viết tiểu thuyết hình sự, các cây bút thơ thể nghiệm, các nhà văn viết tiểu thuyết sử thi, các nhà văn viết tiểu thuyết thế sự, vân vân và vân vân... Ở các nhóm, nếu có thể, sẽ có các nhà sáng tác cùng các nhà lý luận, phê bình của mình. Hội có thể tạo điều kiện thủ tục và kinh phí cho các nhóm bút ra báo nếu thật sự có nhu cầu và khả năng. Tôi xin nhấn mạnh là các nhóm bút chỉ được hoạt động trong tính thống nhất về tư tưởng và tổ chức của Hội Trung ương, mọi ý định ly tán đều phải sớm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Điều lệ Hội, nhất là điều 3 quy định rõ: “Hội Nhà văn Việt Nam tự nguyện hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong khuôn khổ phát luật, thể chế của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” sẽ là cơ sở pháp lý ràng buộc và ngăn ngừa mọi nguy cơ ly tán.

Đến đây, tôi xin bàn đến tính hành chính trong hoạt động của các Ban chuyên môn và Ban chức năng. Chỉ xin có ý kiến về Ban sáng tác- một ban chủ chốt và trong nhiệm kỳ vừa qua có lẽ đã làm được nhiều việc nhất như: tổ chức trại, đi tham quan và thực tế; xét giải văn chương hàng năm; xét đầu tư cho các nhà văn... Tuy nhiên, khách quan mà nói, Ban sáng tác chưa làm tốt một nhiệm vụ quan trọng (nếu không nói là quan trọng hàng đầu) là tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, nêu bài học cho sáng tác từng năm và cả nhiệm kỳ. Có thể là do Ban biên chế ít người; cũng có thể do các nhà văn trong Ban ngoài công việc quản lý bất đắc dĩ ra, họ còn lo hoàn thành những dự đồ sáng tác của bản thân mình. Hoàn toàn cảm thông được với họ! Nhà văn tồn tại bằng tác phẩm, chứ đâu ở cương vị, chức tước này nọ. Trong khi bao công việc tổ chức sáng tác của cả Hội đổ lên đầu họ. Thời gian bị rút tỉa và xé vụn. Tôi nhớ tới trại viết mới đây ở Đà Lạt vào tháng 8 vừa rồi. Đây là trại phối hợp giữa Hội Nhà văn và Bộ Công an. Vậy mà Trưởng, Phó Ban sáng tác của Hội- nhà văn Ma Văn Kháng và nhà văn Nguyễn Trọng Tân ngày 7/8 bay ra và rồi ngày 22/8 lại bay vào. Vắng mặt các anh không được. Tự các anh thấy có gì đó áy náy không yên. Mà đi là mất thời giờ. Ở nhà còn túc tắc viết được, đi là chỉ có công việc của Hội. Đấy là chưa nói bao nhiêu chuyện xã giao, hoan hỉ kèm theo, không thể khước từ. Mệt mỏi lắm, cả sức lực lẫn tâm lực. Tôi nói vậy cho thấu tình thấu lý. Nhưng mong mỏi thì vẫn không thể đừng. Giá như các anh chọn được một cây bút lý luận, phê bình có trách nhiệm với Hội đảm đương công việc theo dõi, đánh giá sáng tác, rồi cứ định kỳ nửa năm, một năm lại có bản tổng kết, phân tích rõ những tác phẩm mới xuất hiện, đưa ra các xem xét, đánh giá của Ban, có thể mạnh dạn lý giải và đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhân rộng những bài học tích cực- thiết tưởng như vậy sẽ rất có ích cho hoạt động sáng tạo của từng nhà văn. Nếu được, Ban sáng tác đi vào từng vấn đề, từng đề tài, từng khu vực (như Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...), có chấn chỉnh, có định hướng cụ thể, thiết thực. Đối với những hiện tượng văn chương có ý kiến khác nhau (như các bài phê bình của Trần Mạnh Hảo, cuốn sách “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa hay như tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa”...), Ban sáng tác nên chủ động tổ chức các cuộc hội thảo, trên cơ sở đó, đưa ra nhưng bản tổng thuật kèm theo chủ kiến của mình, góp phần lành mạnh hóa công luận theo những chuẩn mực thẩm mỹ tiên tiến. Điều này chắc sẽ dần dần làm chấm dứt cái nghịch lý trớ trêu sau đây: hướng dẫn bạn đọc lại do một vài phóng viên văn hóa của một số tờ báo không chuyên về văn chương đảm trách. Đời sống văn chương do thế mà rối tung lên, chẳng biết lần tìm đầu mối từ đâu!

Vậy là tính hành chính nặng nề, hậu quả của thời kỳ bao cấp, của việc ít chú trọng tới đặc thù của nghề văn đã cản trở không nhỏ tới hoạt động sáng tạo của các nhà văn. Hệ quả tất yếu của nó là ý hướng tìm tòi, khả năng khám phá nghệ thuật của từng nhà văn không được khuyến khích phát huy. Đây có lẽ là điều cần quan tâm nhất. Hội sáng tạo mà không kích thích được mong muốn chiếm lĩnh những đỉnh cao nghệ thuật thường đi liền với những thử thách gieo neo lắm khi hiểm nguy, thì cần nghiêm chỉnh tự rà soát lại toàn bộ cơ cấu tổ chức và phương hướng hoạt động của mình. Chỉ xin nêu một ví dụ: chất lượng của tuần báo “Văn Nghệ”- cơ quan ngôn luận chính thức có truyền thống nhất của Hội. Một lần ở Hà Nội, vào đầu năm 1999 này, tôi có được tiếp kiến với một nhà văn giữ trọng trách ở báo “Văn Nghệ”. Ông buồn rầu phàn nàn về số lượng phát hành quá thấp của báo. Nguyên do vì đâu? Ban biên tập đã nhiều lần họp và cùng trao đổi về vấn đề cốt tử này, và sau đó không ít giải pháp đã được thực thi. Ta thấy "Văn Nghệ" có thêm những chuyên trang, chuyên mục mới thể hiện ro quyết tâm đổi mới của tòa soạn. Nhưng tôi nghĩ tinh thần chung của báo vẫn chưa thay đổi mấy. Ấy là chưa có những bài thật sự mới mẻ về cách nhìn nghệ thuật đặng đưa lại cách nhìn mới mẻ về đời sống đang vươn tới theo xu thế tốt đẹp, đầy triển vọng nhưng hiện vẫn còn ngổn ngang bao điều trớ trêu đến mức đau lòng. Hình như Báo rất ngại đụng chạm. Thôi thì cứ trơn tru, suôn sẻ để mà tồn tại trong yên ổn hơn là có vấn đề thêm đau đầu, rắc rối. Đã vậy thì cứ nói theo đúng câu chữ của Chỉ thị, Nghị quyết. Có vận dụng thì cũng suy tính đắn đo, thà chưa thật hay mà ngay đường thẳng lối còn hơn hay mà nổi cộm đến mức gai góc. Như thế sẽ dễ sinh chuyện rầy rà. Tôi nhớ tới nhận xét nửa đùa nửa thật của một nhà văn ở Đồng Nai: “Chỉ cần phấn đấu thêm một chút nữa thì báo Văn Nghệ của ta sẽ thành báo Nhân Dân đấy!”. Nếu đúng như vậy thì buồn quá. Một nhà văn khác đến từ Hà Nội bình luận thêm vào: “Đảng chỉ cần báo Nhân Dân là đủ. Văn Nghệ mà phấn đấu để thành báo Nhân Dân, thì Đảng chả cần đến làm gì, nó trở nên thừa, không chỉ vô bổ mà còn gây vướng víu, khó chịu”.

Tôi nghĩ là các bạn chỉ nói đùa, nhưng quả thật khả năng chấp nhận những cái mới lạ trong sáng tác và trong phê bình của Ban biên tập “Văn Nghệ” là rất có giới hạn. Một lần, bạn tôi, là hội viên Hội Nhà văn từ cuối những năm 80, gửi bài tới tuần báo của Hội mình, Ban biên tập đăng những chữa khá nhiều, cả ý tứ lẫn giọng điệu. Ôi! Sinh ra nghề biên tập là phải đẽo gọt thôi. Nhưng đẽo gọt đến mức ấy, thì làm sao cộng tác viên có đủ nhiệt tình và can đảm để tiếp tục giửi bài. Đành nhờ tới những tờ khác vậy. Cũng may, hiện giờ Hội ta ngoài “Văn Nghệ” ra, hàng tháng cũng còn có nhiều tờ báo và tạp chí khác để hội viên có thể chọn nơi mà ủy thác sinh mệnh những hài nhi tinh thần, vừa mới sinh ra, thường yếu ớt, rất cần bàn tay khéo léo, nhất là tấm lòng quảng đại của những bà đỡ khả kính. Bài viết của một hội viên mà còn bị cắt xén vậy, không biết bản thảo của các cộng tác viên khác số phận sẽ như thế nào! Không, tôi tuyệt nhiên không có ý nói đã là hội viên thì chỉ có viết đúng và hay, bài của hội viên thì Ban biên tập không có quyền thò bút vào sửa. Tôi chỉ muốn nói rằng, đã được công nhận là một nhà văn thì chúng ta bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm rất cao với tất cả những con chữ mình viết ra- trách nhiệm trước bạn đọc đương thời và cả với bạn đọc mai hậu. Chúng từng được thai nghén dài lâu đầy ưu tư trong tâm trong trí chúng ta mà. Chúng hành hạ ta không cho ta sống yên ổn đến một giây cho nổi. Viết được ra, ta được giải tỏa, giải thoát. Vậy mà người khác đã cư xử với chúng cứ như không ấy, lạnh lùng và khắc nghiệt. Sao chúng tôi không nhức nhối cho được.

Vì vậy, theo ý tôi, muốn đổi mới báo “Văn Nghệ” trước nhất phải đổi mới tư duy của người biên tập báo. Họ phải biết đau trước nỗi đau của người sáng tạo vốn là đồng nghiệp thân thiết của họ, đâu có cách ngăn xa lạ. Điều cốt yếu là biên tập viên phải biết cảm thông, chia sẻ với những ý tưởng táo bạo, những cách thức thể hiện ý tưởng mới mẻ. Thế giới này tồn tại đến 90 % là theo cách nhìn của con người. Vấn đề là phải luyện cách nhìn sao cho đúng mà mới, nghĩa là phù hợp với sự biến đổi không ngừng của đời sống và của văn chương. Ôi! Thật khó khăn thay! Nhưng không thể có con đường nào khác thế, nếu như ai đó còn muốn góp tay góp sức thúc đẩy sự nghiệp sáng tạo của Hội đi xa về phía trước...

Cuối cùng, tôi xin có một đôi lời về việc đầu tư sáng tác. Một vài năm gần đây Nhà nước đã quan tâm tài trợ cho mọi hoạt động sáng tạo trong khoa học và nghệ thuật. Số tiền đầu tư chưa nhiều, nhưng đó thật sự là một khích lệ lớn. Ban chấp hành Hội ta đã gắng sử dụng những đồng tiền ít ỏi ấy sao cho công bằng và thiết thực. Riêng ở điểm ấy có lẽ không có điều tiếng gì lớn. Tôi chỉ muốn chúng ta phân biệt việc đầu tư cho sáng tác với việc giải quyết khó khăn của một số nhà văn, nhất là những nhà văn cao niên từng có cống hiến lớn lao cho nền văn chương cách mạng dân tộc trong những bước đầu tiên. Tấm lòng ơn sâu nghĩa nặng của mỗi chúng ta đối với những nhà văn mở đường từng gặp thiệt thòi do chiến tranh và cơ chế cũ gây ra- tấm lòng ấy là không thể diễn tả bằng lời cho hết được. Tuy nhiên, Hội ta nên mở quỹ riêng nhằm đền ơn đáp nghĩa như các ngành nghề khác trong xã hội đang làm. Quỹ này cần có quy chế trong đóng góp và trong chi phí. Không nên nhập nhằng với quỹ đầu tư cho sáng tác vốn chỉ dành cho những nhà văn hoặc đang thực hiện những ý đồ nghệ thuật dang dở hoặc đang có nhu cầu công bố tác phẩm. Được vậy thì bất cứ ai khi cầm đồng tiền của Nhà nước cấp trong tay cũng đều cảm thấy yên lòng. Mà Hội đồng đầu tư sáng tác của Hội cũng đỡ áy náy: sao nhận tiền rồi mà suốt cả năm trời đề cương vẫn chỉ là đề cương! Đối với một vài nhà văn tuổi già sức yếu, thậm chí ta không nên giục họ viết để có cơ sở nghiệm thu hợp đồng. Nếu số tiền không phải rút từ Quỹ đầu tư mà từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, thì mọi chuyện có lẽ đỡ phiền hà hơn nhiều.

Trên đây, tôi mạnh dạn trình bày một số điều bấy lâu suy nghĩ về tổ chức và hoạt động của Hội Nhà văn- một Hội sáng tạo danh giá mà tôi được vinh dự gia nhập vào đầu năm 1997. Chắc sẽ có người chê trách. Tôi chỉ mong phần đông các đồng nghiệp sẽ hiểu cho nỗi lòng của tôi. Tất cả chỉ vì tình yêu lớn của tôi luôn đặt nơi Hội của mình. Có tình yêu lớn nào lại không đi cùng một đòi hỏi cao đâu, thưa các anh các chị. Đó cũng là cơ sở khiến tôi vững tin vào triển vọng của nền văn chương dân tộc trước thềm thiên niên kỷ mới.

Đà Lạt, 6/9/99
P.Q.T
(133/03-2000)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lời xông đất (05/03/2010)