Tất nhiên ở đây tôi không nói tới nền văn học dân gian phong phú, vĩ đại và hết sức độc đáo của nước ta (Thử hỏi ở nước nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc với Kinh Thi, có một vốn ca dao bất hủ như Việt Nam, luôn luôn thắm thiết và tươi mới?). Muốn hiểu kỹ văn thơ chữ Nôm, lại cần hiểu chữ Hán và ngay tiếng nói của chúng ta bây giờ cũng còn nhiều duyên nợ với chữ Hán. Đấy là chưa nói tới việc chữ Hán còn là một công cụ không thể thiếu để tìm hiểu văn học, văn hóa và lịch sử cũ của Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc, Nhật Bản. Chung quanh vấn đề chữ Hán, thường xuyên được đặt ra nhiều vấn đề thời sự nóng hổi, to thì bao trùm cả lịch sử, nhỏ thì là khi bàn về một câu, một chữ. Chính vì nhiều học giả đã tìm hiểu tài liệu, thư tịch chữ Hán một cách cẩn thận nên đã chứng minh được rằng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đích thực là đất của Việt Nam. Trong bài này, tôi chỉ tìm hiểu chữ Hán vào Việt Nam như thế nào, tại sao nó lại đóng một vai trò quan trọng như trên trong lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam, có phải là do ta phải "học nhờ, viết mướn" như Phạm Quỳnh nói khiến cho Ngô Đức Kế phải phẫn nộ, hay không, đặc điểm của chữ Hán ở Việt Nam như thế nào. Tôi nghĩ đó là những vấn đề cơ bản. Nhiều nhà sử học nói đến “ chính sách đồng hóa” của Trung Quốc khi “ đô hộ” nước ta trong mười thế kỷ: Nhưng tôi nghĩ rằng phong kiến Trung Quốc không hề quan tâm gì đến vấn đề đó. Ngay từ đầu, họ đã chủ trương “ dùng tục cũ mà cai trị”. Phong kiến Trung Quốc phá hoại nền văn hóa trống đồng rực rỡ của chúng ta, nhưng chủ yếu làm sao giữ vững được sự đô hộ của họ mà thôi. Sách sử Trung Quốc có ghi lại thái thú Tích Quang “ lấy lễ nghĩa dạy dân”, thái thú Nhâm Diên dạy dân cầy cấy. Nhưng tài liệu khảo cổ học chứng tỏ người Việt Nam đã biết cấy lúa nước từ hơn bốn nghìn năm nay. Mấy anh thái thú trên họ làm thái thú cho nhà Hán từ sau năm 29 sống đồng thời với Tô Định, thời Hán Vũ đế, sau loạn Vương Mãng. Nếu họ tốt như thế thì Hai Bà Trưng đã không thể khởi nghĩa và các dân tộc Việt Nam thuộc tất cả các quận đã không thể (nhất tề nổi dậy" ủng hộ hai bà (Hậu Hán thư) và cho đến ngày nay, hàng mấy chục tướng tá của Hai Bà Trưng vẫn được thờ làm thành hoàng ở nhiều làng miền Bắc. Sử sách cũng có chép rằng Sĩ Nhiếp có công với Hán học nước ta. Nhưng theo chính cuốn sử Tam quốc chí của Trần Thọ, phần Ngô thư, Sĩ Nhiệp truyện, hết sức đề cao Sĩ Nhiếp, lại để lòi đuôi rằng: "Anh em Sĩ phủ quân đều làm quan coi quận,, hùng trưởng một châu, ở lánh xa muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết: kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người vợ cả vợ lẽ đi xe che kín, các con em cưỡi ngựa theo binh lính, quý trọng ở đương thời. Man Di đều sợ phục". Một tay như Đổng Trác thế thì còn nói gì đến đạo lý và dạy dỗ được ai. Sĩ Nhiếp trước theo Lưu Biểu, sau hàng Tào Tháo, cuối cùng lại đầu hàng Tôn Quyền, “ thường sai sứ sang nước Ngô, đem cống những thứ hương quí, vải nhỏ, kể có hàng nghìn, các của quí như ngọc trai, ốc lớn, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi và các thứ quả lại như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không tiến, lại cống mấy trăm con ngựa” (Sĩ Nhiếp truyện). Như vậy thì tha hồ "báo cáo láo", cũng như bọn Tích Quang, Nhâm Diên trước đó. Chính vì xét kỹ, nên Cương mục "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" mới xổ tọet Sĩ Nhiếp, cho rằng ông ta không có công gì với nước Việt Nam và cũng chẳng có tài cán gì. Của đáng tội, thời Trung Quốc đô hộ, cũng có những người "được cử làm mậu tài, hiếu liêm". Tất nhiên quan cai trị Trung Quốc ở nước ta hồi ấy cũng cần có người biết chữ nghĩa để làm lại, tay sai. Nhưng cùng thời Tam quốc, Lý Tiến, Lý Cầm có xin với Tào Tháo để người Việt Nam học làm bác sỹ, làm quan như người Trung Quốc, và một số rất ít người cũng đỗ cao, làm quan ở Trung Quốc. Nhưng nhất định phong kiến Trung Quốc phải dùng chủ nghĩa ngu dân ở Việt Nam, vì nếu để người Việt Nam học, đỗ cao, lại trở về làm quan ở Việt Nam, thì làm sao mà “ đô hộ” Việt Nam được? Việt Nam sẽ độc lập ngay, chẳng cần đấu tranh gì. Tóm lại, trong một nghìn năm bị đô hộ, người Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc một cách tự nhiên, những phong tục tập quán xấu thì chắc cũng có ảnh hưởng nhưng dần dần bị loại bỏ cho nên người Việt Nam không có các tục như phụ nữ bó chân, việc quàn người chết lâu năm trong nhà. Khi Giao Chỉ mới bị Trung Quốc đô hộ thì có 92. 440 hộ, 746. 237 nhân khẩu, dân số mỗi năm bị tiêu diệt dần đến năm 742, Giao Chỉ chỉ còn 27. 000 hộ, 108. 000 nhân khẩu. Sử sách chính thức của Trung Quốc ghi rõ trong nhiều thời kỳ, người Việt Nam bị tiêu diệt dần, số dân càng ngày càng ít đi chứ không tăng. Nhưng người Việt Nam vẫn giữ được tiếng nói của mình và bản sắc văn hóa dân tộc. Điều ấy chứng tỏ phong kiến Trung Quốc chỉ bóc lột và dùng chủ nghĩa ngu dân để thống trị Việt Nam chứ không quan tâm gì đến việc "đồng hóa" Việt Nam, dù ảnh hưởng tự nhiên của văn hóa Trung Quốc thực sự là sâu sắc và có nhiều mặt tốt. Chữ Hán có được dạy nhưng chỉ để đào tạo những viên nha lại biết qua loa chữ nghĩa làm tay sai. Thời Tam Quốc một vài người được cử làm mậu tài, hiếu liêm chứ làm gì có thi cử. Một số người đặc biệt, được đỗ cao, làm quan thì lại bị tách khỏi Tổ quốc, trở thành người Trung Quốc. Nhưng do đạo Phật chủ yếu do Trung Quốc truyền sang nên các nhà sư Việt Nam cũng có thể tự do học chữ nghĩa để đọc kinh. Chính vì vậy, nên khi nước được độc lập thì thời Đinh, thời Tiền Lê không có trí thức. Vua Đinh và triều đình vì chữ nghĩa kém cỏi nên đặt tên nước là Đại Cồ Việt, cũng không theo lễ nghĩa của phong kiến Trung Quốc nên lập năm hoàng hậu. Lê Đại Hành làm lãnh tụ quân sự thay vua Lê, lại lấy vợ vua Đinh làm một trong năm hoàng hậu của mình. Việc dẹp loạn một cách dễ dàng mười hai sứ quân cũng là phản ánh chế độ bộ lạc được Đinh, Lê thống nhất, chứ ngay bây giờ ta đi du lịch bằng xe hơi mười hai sứ cũng mất hàng năm, chứ nói gì đến việc dẹp loạn, chiến tranh lằng nhằng. Khi cần đến trí thức thì vua Đinh vua Lê lại phải mời đến mấy vị sư. Đạo Phật là quốc giáo. Bởi vậy việc róc mía trên đầu sư chắc để trừng phạt bị coi là một tội rất lớn của vua Lê, nghĩa là ngoài chữ Hán do nhà sư sử dụng thì nước Đại Cồ Việt chưa có đạo Nho sau một nghìn năm bị đô hộ. Tiếng nói, phong tục, tập quán căn bản khác Trung Quốc. Chính vì vậy cho nên ngoài một số rất ít người do đặc ân nên được thi đỗ, làm quan ở Trung Quốc, nói tiếng Trung Quốc (chứ làm sao có thể tưởng tượng Khương Công Phu để răng đen, nói tiếng Việt mà lại có thể làm quan ở Trung Quốc được?), thì trong một nghìn năm, nước Việt Nam chẳng có nhà văn nào cả mà đạo Nho có thể nói là căn bản chưa có, hoặc chỉ có theo kiểu Sĩ Nhiếp đi đâu cũng có năm bảy chục vợ đi theo, nghĩa là cùng một duộc với Đổng Trác. Vậy mà thời Đinh, Lê tức là thời Tống, đạo Nho lúc ấy đã phát triển đến đỉnh cao nhất với học thuyết của Chu, Trình. Ở đây cũng cần nói tới áng thơ chữ Hán đầu tiên của người Việt Nam, vì nó có những đặc điểm quan trọng. Nguyên năm 981, vua Lê Đại Hành đánh tan quân Tống xâm lược. Chính vì vậy nên năm 985, nhà Tống cử Lý Giác sang phong cho vua làm tiết độ sứ. Năm 987, Lý Giác là bác sĩ Quốc Tử Giám lại sang sứ Việt Nam, vua Lê cử nhà sư Pháp Thuận ra giao dịch với Lý Giác. Đó là một sự kiện quan trọng trong lịch sử, một việc vui mừng tưng bừng vì nước ta không muốn gì hơn là hai nước hoà hiếu. Bởi vậy, sự kiện này được ghi lại một cách trang trọng trong sử sách. Lý Giác có làm bài thơ tặng Pháp Thuận, bài thơ kết thúc bằng hai câu: Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu Khê đàm ba tĩnh, kiến thiềm thu. Ý của Pháp Thuận muốn nói là ngoài trời vẫn là trời mà trời chỉ có một "thiên tử" mà thôi, tức là vua Tống. Nhưng đã bại trận mà ông ta vẫn nói khoác là con trời ở Trung Quốc vẫn làm cho nước ta sóng yên, bể lặng. Vậy, phải dịch là: Ngoài trời vẫn là trời soi xa Sóng lặng, khe đầm bóng nguyệt thâu Nhưng nhà sư Khuông Việt lúc ấy lại hiểu câu thơ theo cách khác: “ Thiên ngoại hữu thiên” theo ông là “ ngoài trời còn có trời khác nữa”, cho nên nhà sư tâu với vua Lê là: “ Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống”. Hiểu như thế thì sai đấy, nhưng khó bắt bẻ là hiểu sai. Điều này lưu ý chúng ta về cách sau này người Việt Nam tiếp thụ đạo Nho một cách độc lập. Vua Lê lại sai Khuông Việt làm bài thơ để tiễn chân Lý Giác. Bài thơ kết thúc bằng hai câu rất hay. Nguyện tương thâm ý vự biên cương Phân minh tấu ngã hoàng. Dịch: Xin lưu ý đến việc biên cương Tâu rõ lên thánh hoàng. Bài thơ đầu tiên bằng chữ Hán này của lịch sử văn học Việt Nam rất đặc sắc. Nó tôn trọng vua Trung Quốc, coi sứ giả như "thần tiên", nhưng cũng lưu ý sứ giả là đường từ "đế hương" đến nước Việt xa xôi hiểm trở lắm đấy, và muốn gì thì gì, bờ cõi đất cát xin anh cũng phân minh cho, đừng có cả vú lấp miệng em, bắt nạt nhau. Tiếng la tinh của người La Mã từ xưa đến nay vẫn có cách đọc cách viết thống nhất, và cho đến thời Trung đại, tiếng La tinh vẫn là độc tôn trong văn hóa và học thuật Châu Âu. Nhưng văn học tiếng La tinh vĩ đại nhất chỉ là văn học La Mã cổ. Ngoài ra, cho đến tận bây giờ tiếng La tinh chủ yếu chỉ có giá trị về mặt truyền bá thống nhất giáo lý của đạo Thiên Chúa. Tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ý bắt nguồn từ một thứ tiếng La tinh bình dân, “ giả cầy”, “ ba dọi” lại trở thành tiếng nói và chữ viết của các nước trên. Văn học các nước đó lại gạt ra ngoài tất cả các tác phẩm viết bằng tiếng La tinh chính thống mặc dầu trong thời Trung đại và cả sau đó, đến tận cuối thể kỷ XIX, các nhà thơ nổi tiếng như Baudelaire, Rimbaud còn làm thơ bằng tiếng La tinh. Tiếng nói và chữ viết theo lối “ giả cầy” như vậy lại thành quốc ngữ với những nền văn học vĩ đại viết bằng quốc ngữ đó. Chữ Hán của người Việt Nam thì có khác không nên so sánh với tiếng La tinh về chữ viết thì y hệt chữ Trung Quốc, về khái niệm cũng y hệt nhau, chỉ khác nhau đôi tí thí dụ khi Nguyễn Du làm thơ chữ Hán nói về cây “ phong” ở Hà Tĩnh, thì ta phải hiểu đó là cây “ bàng” chứ cây phong thực chỉ mọc ở xứ rét. Nhưng về cách đọc thì chỉ phảng phất giống nhau. Có người cho cách đọc chữ Hán của ta đích thực là cách đọc của Trung Quốc, đời Đường. Tiếng phổ thông Trung Quốc bắt nguồn từ tiếng Bắc Kinh, không có các âm đ, b chẳng hạn, và chỉ có bốn thanh. Cách đọc văn ngôn của người Trung Quốc cũng như vậy. Còn cách đọc chữ Hán của ta lại có các âm đ, b, và có sáu (có nhà ngữ pháp học nói là tám) thanh y như âm thanh tiếng Việt. Không có lẽ tiếng Trung Quốc lại mất đi các âm thanh như vậy mà âm thanh ấy lại có sẵn trong tiếng Việt. Văn ngôn rất coi trọng âm thanh. Nhưng chúng ta đọc theo cách phát âm của ta nhiều bài thơ Đường của Lý Bạch, Đỗ Phủ, như bài Thục đạo nan của Lý Bạch, lại thấy nó rất lủng củng khó đọc, không có lẽ các ông ấy đọc như người Việt. Tất nhiên nếu chỉ phân biệt đại khái về luật bằng trắc thì cách đọc của người Việt Nam và Trung Quốc giống nhau, cho nên nhiều bài thơ luật Đường khác của các nhà thơ đời Đưòng, chúng ta đọc nghe cũng thuận tai, nhưng âm thanh của tiếng nói đâu chỉ có bằng, trắc? Bởi vậy khi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du làm thơ chữ Hán thì các ông phải cảm xúc với âm thanh Việt Nam chứ các ông nào có đọc văn ngôn như người Trung Quốc. Bởi vậy chữ Hán của Việt Nam có đặc sắc riêng của nó. Do đó văn thơ chữ Hán của người Việt cũng phải khác Trung Quốc. Đã vậy thì tại sao nước ta thời phong kiến lại phải lấy chữ Hán làm chữ chính thức. Một là, thời cổ đại, chúng ta chưa có chữ viết. Nền văn hóa nông nghiệp thời trống đồng phát triển chưa cần chữ viết. Khi nước ta được độc lập thì phải dùng ngay chữ Hán và thời Đinh, thời Tiền Lê đã dùng đạo Phật làm quốc giáo vì một nước thống nhất phải dựa vào một ý thức hệ thống nhất. Nhưng giáo lý của đạo Phật dù muốn xoay cách nào cũng căn bản là thoát tục, không phù hợp với sự đòi hỏi phát triển thực tế của xã hội. Hai câu đối đáp giữa sư ông và Nguyễn Công Trứ cho ta biết điều đó: S- Đọc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chẳng thần thánh phật tiên nhưng thoát tục. NCT- Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử, đếch ra người.. Bởi vậy cho nên đạo Phật phát sinh ở Ấn Độ và cũng phát triển ở đó, sau đó lan ra toàn châu Á, nhưng người Ấn Độ chủ yếu theo đạo Ấn Độ, sau nữa là đạo Hồi chứ vai trò của đạo Phật ngày càng bị hạn chế. Tây Tạng dùng đạo Phật để cai trị dân thì không phát triển được. Trung Quốc là một nước lớn, giai cấp phong kiến Trung Quốc có đầu óc bành trướng ngay từ thời Tần nên các nước bé hạt tiêu như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, muốn độc lập thì phải học tập đạo Nho của Trung Quốc, chọn lựa lấy phần thích hợp nhất. Bởi vậy thời Lý, thời Trần, đạo Phật tuy rất thịnh nhưng ngày càng nhường chỗ cho đạo Nho. Bí mật về lẽ sống chết xin nhường cho Phật còn việc đời thì xin để cho Khổng Tử giải quyết. Nước ta độc lập từ thời nhà Tống ở Trung Quốc mà lý thuyết của Tống Nho về mặt chính trị và đạo lý là lý thuyết hoàn chỉnh nhất để xây dựng và củng cố vương quyền phong kiến. Các vua thời Lý Trần tuy vẫn theo đạo Phật, nhưng dần dần cho đó là việc riêng, mà càng ngày càng đẩy mạnh việc học chữ Hán và đạo Nho, vì có thế thì mới giữ nước được. Một số nhà sử học cho đạo Phật thời Lý, Trần là quốc giáo. Điều ấy chỉ đúng với thời Đinh, Lê, vì quốc giáo thì toàn quốc phải theo, nhưng văn bia chùa Linh Xứng thời Lý đã chứng tỏ người theo đạo Nho khác với người theo đạo Phật, và đến thời Trần thì tuy vua theo đạo Phật nhưng các nhà nho đã tự do đả kích đạo Phật, vì lẽ các nho sĩ dựa vào tam cương, ngũ thường để chống đạo Phật thì vua cũng bắt buộc phải nghe, không trị tội họ được. Nhưng chẳng ai dám động đến lông chân Khổng Mạnh, Trình Chu. Nhưng dù là đạo Phật hay đạo Nho thì cũng cần phải được sử dụng để củng cố vương quyền thống nhất. Chùm thơ sấm thời Lý Công Uẩn, chứng tỏ các nhà sư đã dùng tín ngưỡng để vận động cho ông được lên ngôi một cách ngấm ngầm. Bia ký đời Lý tại các chùa chiền thường đề cao vua chúa có công với dân với nước, đề cao các tướng, các quan trung, hiếu, có công chống giặc ngoại xâm. Một điều gây ngạc nhiên là bia ký của nhà chùa đời Lý thường nói về thế tục với quan điểm đạo đức tương tự nho giáo. Hai phạm trù "sắc, không" căn bản là phủ nhận cuộc sống thế tục. Nhưng nhà sư Mãn Giác (1052- 1096) khi có bệnh gần chết làm bài thơ Cáo tật thị chúng: Xuân khứ bách hoa lạc Xuân đáo bách hoa khai... Ngô Tất Tố dịch: Xuân ruổi trăm hoa rụng Xuân tới trăm hoa cười. Nhà sư Chân Không (1046- 1100), trong bài thơ Trả lời đồ đệ hỏi về diệu đạo, khi đồ đệ hỏi: "Khi sắc thân đã bại hoại thì ra sao", cũng trả lời: "Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận, Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân" nghĩa là "Xuân qua, xuân lại, xuân tàn, hoa dù rụng, nở vẫn hoàn tiết xuân". Khi đồ đệ còn đang suy nghĩ để hiểu hai câu ấy thì sư lại quát to lên: "Bình nguyên kinh hỏa hậu, Thực vật các thù phương", nghĩa là “ Đồng bằng trải lửa thiêu, Cỏ cây thơm hơn nhiều” (Phạm Tú Châu dịch). Như vậy sinh tử bị lộn ngược lại, có tử mới có sinh, thực là lạc quan. Ở đây tôi chỉ gợi ý qua loa, nếu ta đi sâu vào văn, thơ của các nhà thơ đời Lý, sẽ phát hiện ra nhiều vấn đề rất lý thú chứng tỏ các nhà sư, ni cô thông thái của đạo Phật thời Lý suy nghĩ nhiều khi hết sức độc đáo. Đạo Phật vốn không trọng nam, khinh nữ như đạo Nho, cho nên đời Lý có những nữ sĩ như ni sư Diệu Nhân có bài Sinh lão bệnh tử hay tuyệt vời về mặt triết lý. Sinh lão bệnh tử Tự cổ thường nhiên Dục cầu xuất ly Giải phọc thiêm triền... Dịch: Sinh lão bệnh tử Xưa nay lẽ thường Muốn cầu sự thoát tục Như muốn cởi dây, lại bị ràng buộc thêm... Triết lý hết sức đúng đắn, nhưng lễ nghi về tôn giáo thực sự thì lại bị toàn bài Kệ bài xích. Nước cần được độc lập dưới một chế độ vua quan chặt chẽ để chống nạn ngoại xâm của nước lớn luôn luôn đe dọa "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" (Lý Thường Kiệt). Nhưng đạo Phật Việt Nam, tuy vẫn sử dụng chữ Hán, tuy cho phép tìm tòi suy nghĩ về mặt triết lý, tuy nói chung ủng hộ vương quyền, lại không có lý thuyết chặt chẽ về chính trị, quân sự, kinh tế, lý thuyết về các quan hệ xã hội với các thể chế nghiêm ngặt và phân minh, nhưng sử sách Trung Quốc và kinh, truyện của đạo Nho lại sẵn sàng cung cấp các thứ ấy một cách hết sức đầy đủ. Đó là lý do tại sao yêu cầu thời đại từ thời Lý, Trần trở về sau, nước ta phải lấy chữ Hán làm chính để tiếp thụ và sử dụng phần cần thiết trong kinh sử Trung Quốc. Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo chứng tỏ ông đã nghiên cứu kỹ lịch sử Trung Quốc và cả lịch sử đời Nguyên, cùng những kinh nghiệm về chiến tranh, quân sự của Trung Quốc để chống lại chính giặc Nguyên một cách có hiệu quả. Về sách vở, kinh truyện của đạo Nho thì đến nay cũng còn có giá trị lớn. Chẳng thế mà Hồ Chủ tịch ngay từ buổi đầu lập quốc đã kế thừa sáng suốt tư tưởng"cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" rút ra từ sách vở của Khổng Mạnh. Nhưng cái cốt lõi của đạo Nho là tư tưởng tôn quân, đề cao chế độ vua quan, chế độ gia trưởng và chế độ trọng nam khinh nữ, trên cơ sở đó có lý thuyết về tam cương, ngũ thường, về trung, hiếu, tiết nghĩa kiểu phong kiến với nhiều thể chế, lễ nghi hết sức nghiêm ngặt (Người cọng sản như Hồ Chủ tịch chống lại, lật đổ những cái cốt lõi đó cũng như chống lại chế độ ruộng đất phong kiến một cách kịch liệt "Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ, Lấp lánh bia xưa chút ánh tà", chứ sao lại bảo Hồ Chủ tịch theo đạo Nho?). Nên chú ý là ý thức hệ phong kiến của phương Tây về căn bản cũng bảo vệ chế độ ruộng đất của công hầu bá tử nam, của địa chủ, chế độ tôn quân, chế độ gia trưởng, chế độ trọng nam khinh nữ như đạo Nho mà thôi, chẳng khác mấy tí. Nhưng đạo Nho lại cần thiết cho nước ta từ sau khi nước ta thoát khỏi ách đô hộ của Trung Quốc trở đi. Trên đây tôi đã nói là từ thời Lý, nước ta đã đẩy mạnh việc học chữ Hán và đạo Nho, đến đời Trần thì đạo Nho đã dần dần thay thế đạo Phật về mặt chính trị và tổ chức xã hội, dần dần thành quốc giáo. Đạo Nho đã trở thành quốc giáo thực sự ngay từ thời nhà Lê nhưng vua Lê Lợi đã không tiếp thụ một cách nguyên si, một cách nô lệ. Ngay trên đoạn đầu bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, ta đã thấy điều đó. Đối với đạo Nho ở Trung Quốc thì chỉ có một ông hoàng đế ở Trung Quốc là “ thiên tử” mà thôi, các nước khác nếu không bị thôn tính thì cũng là chư hầu, là man di mọi rợ cả. Nhưng Nguyễn Trãi đã khẳng định "Sơn xuyên chi phong vực kỳ thú, Nam Bắc chi phong tục diệc dị. Từ Triệu, Đinh, Lê, Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc, Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương". Tư tưởng tự hào về "văn hiến chúa bang", "phong tục diệc dị" "các đế nhất phương" ấy đối lập với Khổng Mạnh. Vua Trung Quốc tế Nam Giao thì vua Lê cũng tế Nam Giao. Đến thời Lê Thánh Tông, nhà vua mắng đô ngự sử là Ngô Sĩ Liên rằng: "Ta mới coi chính sự, sửa mới đức chính, tuân theo điển cũ của thánh tổ, thần tôn nên mới đầu xuân tế Giao. Ngươi lại bảo tổ tôn đặt ra tế Giao không đúng. Ngươi bảo nước ta là phiên bang đời xưa, thế là ngươi theo đạo chết mang lòng không vua... Thực là kẻ gian thần bán nước" (Toàn thư, Kỷ nhà Lê). Vua còn mỉa mai Ngô Sĩ Liên là đã làm quan dưới thời Nghi Dân, nếu theo đạo “ trung” thì sao lại không chết theo Nghi Dân! Ngô Sĩ Liên sau được vua giao việc viết sử cũng không dám bỏ lời mắng rất đích đáng ấy trong Toàn thư. Không ai theo đạo Nho một cách nghiêm chỉnh như Lê Thánh Tông để xây dựng chế độ, nhưng nhà vua cũng phê phán phần "đạo chết". Nhà Trần đã phát triển chữ Nôm bên cạnh chữ Hán (nên nhớ chữ Nôm là “ chữ Nam”, nhưng vì kiêng húy đời Trần Anh Tông nên gọi là “ chữ Nôm”...) và Hàn Thuyên đã được dùng chữ Nôm vào việc tế lễ, dù là tế cá sấu. Lê Thánh Tông rất có ý thức về việc phát triển văn thơ Nôm, và nhà vua đã hạ chiếu chữ Hán dịch ra chữ Nôm cho tướng sĩ khi đánh giặc, và làm thơ Nôm để khắc trong đình chùa. Nhưng nhà vua vẫn bắt buộc phải dùng chữ Hán và phát triển đạo Nho, dùng kinh sử Trung Quốc vào việc thi cử. Từ Lê Thánh Tông cho đến thời nhà Nguyễn, đã rất nhiều lần vua, chúa, bàn bạc về cải cách thi cử chứng tỏ giai cấp phong kiến Việt Nam hiểu được sự hạn chế khi sử dụng chữ Hán và sách sử đạo Nho Trung Quốc, nhưng ngay đến vua Quang Trung vẫn thấy không bỏ được Khổng Mạnh, Trình, Chu. Nghĩa là rất cần học chữ Hán và tiếp thụ đạo Nho. Trong khi đó văn thơ Nôm vẫn dần dần phát triển với nhiều nhà văn, nhà thơ vĩ đại và nhiều kiệt tác, ở bên lề nền văn học chữ Hán chính thống. Tóm lại, dù đạo Nho ở Việt Nam với việc học, thi chữ Hán là cần thiết và cũng có màu sắc Việt Nam, bài trừ phần "đạo chết", nhưng tất yếu cản trở việc phát triển tư tưởng và văn học đích thực Việt Nam tức là văn học chữ Nôm. Nhưng nói cho cùng, tư tưởng và văn học Trung Quốc cũng trì trệ như thế mà thôi cho đến thời Ngũ Tứ. Ngày nay việc học chữ Hán vẫn được duy trì và Đảng và Nhà nước ta ra sức khuyến khích cho thành lập cả một Viện Hán Nôm và cho dạy chữ Hán trong một số trường đại học. Việc ấy rất cần thiết để tìm hiểu văn học, văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam và cả các nước bạn như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tôi rất mừng là chúng ta vẫn có một đội ngũ tuy ít ỏi nhưng vững chắc, thông thạo Hán Nôm trong số các nhà bác học, khảo cổ học, sử học, nghiên cứu văn hóa, văn học. Nhưng công việc càng đi sâu càng phức tạp. Một là người ta thường quên rằng phải kế thừa Nho giáo trên cơ sở tư tưởng khoa học và tiến bộ của chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp thụ tất cả tinh hoa của Nho giáo nhưng bài trừ phần cốt lõi của nó đã trở thành "đạo chết" như Lê Thánh Tông nói, phần cốt lõi ấy xưa kia gắn liền với chế độ địa chủ phong kiến, chế độ vua quan lỗi thời.v.v... Hai là chống lại việc không trung thực, phương pháp làm việc luộm thuộm, không khoa học, không có óc phê phán đúng đắn để phân biệt thật giả, đúng sai trong số vô vàn tài liệu sách vở chữ Hán và chữ Nôm hiện còn. 11. 1999 V.Đ.P (133/03-2000) |