Nghiên Cứu & Bình Luận
Nghĩ về ba bộ phận phê bình văn học hiện nay
15:53 | 05/04/2010
TRẦN ĐÌNH SỬTrong sách Phê bình văn học thế kỷ XX tác giả Giăng Ivơ Tađiê có nói tới ba bộ phận phê bình. Phê bình văn học ta hiện nay chủ yếu cũng có ba bộ phận ấy họp thành: phê bình báo chí, phê bình của các nhà văn nhà thơ và phê bình của các nhà phê bình chuyên nghiệp.
Nghĩ về ba bộ phận phê bình văn học hiện nay
GS Trần Đình Sử - Ảnh: sgtt.com.vn

Phê bình của báo chí có cội nguồn xa xưa là phê bình  miệng, tiến hành trong các phòng khách sang trọng trong nhà trường. Ngày nay phê bình miệng vẫn tiếp tục trong các phòng trà quán cà phê trên lớp học. Sự phát triển của báo chí làm cho lối phê bình miệng có thêm đất dụng võ với các thể loại phỏng vấn, tọa đàm, giao lưu ý kiến ngắn, trao đổi, điểm sách. Chức năng của phê bình miệng và phê bình báo chí là đưa tin, thông báo, nhận định chung, tạo không khí, quảng cáo, bày tỏ quan điểm. Thời gian qua trên văn đàn ta phê bình báo chí là bộ phận phê bình khá sôi động. Sức mạnh của bộ phận phê bình này là có thể tạo ra sự kiện văn học, gây sự, gây dư luận. Ai đó thường có ý nghĩ rằng phê bình hiện giờ im hơi lặng tiếng, vắng vẻ đìu hiu, có thể đúng ở bộ phận phê bình khác, chứ không hoàn toàn đúng với bộ phận này. Ưu điểm của phê bình báo chí là nhanh, nhạy, kịp thời, nhưng nhược điểm đi liền với nó là nhiều khi hời hợt, xô bồ vội vàng, thiếu phân tích sâu sắc, thấu đáo, chín chắn, nhiều khi có tính chất ap đặt. Dung lượng của bài phê bình báo chí cũng thường ngắn, không cho phép trình bày chi tiết. Nhiều cuộc trao đổi đã diễn ra nhưng ít cuộc có đưọc những kết luận có sức thuyết phục. Có những cuộc phải dừng lại nửa chừng. Tuy vậy, với sức mạnh áp đảo, kịp thời, phê bình báo chí đang là bộ phận thu hút sự tham gia ngày càng đông của các cây bút phê bình trong nước: các nhà phê bình chuyên nghiệp, các nhà văn, nhà thơ. Nhìn tổng thể có thể nói phê bình văn học đang được "báo chí hóa" mạnh mẽ. Nếu sự thể này đi tới chỗ phê bình báo chí độc tôn thì không biết nên vui hay nên buồn.

Phê bình nghệ sĩ là phê bình của các nhà văn, nhà thơ. Các nhà văn nhà thơ hay gợi nhớ những tác giả, tác phẩm bị bỏ quên, bàn luận những điều tâm đắc, những câu những chữ gây ấn tượng. Đặc biệt các nhà văn, nhà thơ thường mượn phê bình để thổ lộ tâm sự, trình bày quan niệm và đặc biệt là quan điểm sáng tác, hoài bão văn học. Trước đây các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu thường viết những bài như thế. Nay lực lượng các nhà văn nhà thơ viết phê bình cũng rất nhiều, hầu như chẳng ai là không viết, nhưng xu thế báo chí hóa quá mạnh, cho nên bản sắc của phê bình nghệ sĩ ít được bộc lộ đầy đủ. Bây giờ rất hiếm khi thấy các nghệ sĩ bàn về nghề, về thể loại, về ngôn từ, về phong cách. Có nhà văn viết cả một tập chuyện nghề mà chẳng thấy mấy bóng dáng nghề nghiệp, chỉ thấy chuyện đời. Phải chăng nghệ sĩ ngày nay ít suy nghĩ về nghề nghiệp? Một số nhà văn nhà thơ tham gia hàng ngũ phê bình báo chí, và lập tức họ chỉ còn là cây bút báo chí thực thụ, không còn thấy bản sắc phê bình của nghệ sĩ nữa.

Phê bình chuyên nghiệp - đây là nói theo tiêu chí phân loại, chứ nước ta đã có phê bình chuyên nghiệp chưa, có như thế nào lại là câu chuyện khác - tôi muốn nói bộ phận làm phê bình mà không phải nhà báo, cũng không phải là nhà thơ hay nhà văn xuôi - thường phê bình theo tiêu chí khoa học, lấy sự phân tích khách quan làm căn cứ đánh giá, thường vận dụng các thao tác khoa học, các quan điểm lý luận nào đó. Có người gọi đó là loại phê bình "đại học", phê bình "hàn lâm". Các nhà báo thường chê loại phê bình này là nặng nề, dài dòng. Các nhà văn, nhà thơ lại chê loại phê bình này khô khan, ít chất văn, đọc nhức đầu. Có khi họ trách các nhà phê bình quá khen người này, ít chú ý người kia, người yêu kẻ ghét đủ loại. Tuy nhiên dù cho không phải bao giờ cũng được yêu mến, nhưng bộ phận phê bình này thực hiện những chức năng không thể thay thế: một là, nó làm cho toàn bộ văn học (bao gồm cả văn học quá khứ) luôn luôn có được tính hiện thực, tính thời sự. Hai là do am hiểu tác phẩm, tác giả, thời đại một cách toàn diện, do am hiểu các khoa học nhân văn cho nên bộ phận phê bình này có thể cung cấp những cách đánh giá chuẩn xác nhất, có tính nghề nghiệp nhất, khoa học nhất. Như các chuyên gia côn trùng học, những người sưu tầm, nghiên cứu đủ các loại bướm, đắm say với các vẻ đẹp muôn màu của chúng, nhưng khi miêu tả, phân tích, họ không ganh đua vẻ đẹp với lũ bướm, mà cốt nghiên cứu đối tượng một cách chuẩn xác và toàn diện - nhà phê bình chuyên nghiệp không thi thố tài dùng hình ảnh với nhà văn nhà thơ, mà theo đuổi sự chuẩn xác và toàn diện. Tất nhiên đem nhiều thuật ngữ xa lạ, bắt chước để lòe dọa người đọc là một tác phong tầm thường, nhưng sử dụng những thuật ngữ mới mẻ, khoa học một cách thích đáng lại là hết sức cần thiết, nếu muốn bày tỏ một quan niệm phê bình sáng tỏ, mạch lạc. Chính bộ phận phê bình này đánh dấu trình độ phát triển của phê bình văn học theo hướng chuyên nghiệp hóa, tức là trình độ chuyên sâu. Một nền phê bình văn học mà bộ phận phê bình này ít phát triển hoặc phát triển chậm thì khó lòng mà đánh giá cao nền phê bình ấy. Bộ phận phê bình này hiện nay đang thể hiện chủ yếu ở các trường đại học. Cùng với việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nó đang được tập dượt, thể nghiệm. Tuy nhiên có chất lượng cao để phản ánh trên báo chí thì chưa nhiều. Nhiều cây bút vốn làm phê bình chuyên nghiệp nay chuyển sang viết báo hay nghiên cứu văn hóa. Những bài phê bình nghiên cứu đang thưa vắng dần trên các mặt báo và đó là một hiện tượng đáng báo động.

Nhìn chung cả nền phê bình văn học hiện nay đang có xu hướng báo chí hóa mạnh mẽ, các bộ phận  phê bình nghệ sĩ và phê bình chuyên nghiệp đang co lại hay biến dạng. Có một số nhà phê bình đang vươn lên chuyên nghiệp rất có tương lai, nhưng tiếc thay họ lại ít được chú ý. Làm thế nào để điều chỉnh sao cho mỗi bộ phận phê bình được phát triển bình thường, phát huy sở trường, chức năng riêng đang là vấn đề đặt ra cho cả giới văn học chúng ta.

T.Đ.S
(135/05-00)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng