Nghiên Cứu & Bình Luận
Về tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều
09:47 | 13/04/2010
ĐÔNG LACon đường đến thành công thường rất khó khăn, với Nguyễn Quang Thiều ngược lại, dường như anh đã đạt được khá dễ dàng kết quả ở hầu hết các lĩnh vực sáng tạo văn chương.
Về tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Ảnh: news.socbay.com

Có điều, lĩnh vực thơ ca mà anh lao tâm khổ tứ nhất, anh cũng giành cho nhiều kỳ vọng nhất, lại gây ra những mâu thuẫn nhất trong sự đánh giá. Sóng gió đã nổi lên trên diễn đàn khi tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”được Hội Nhà Văn trao giải, rồi từ đó, sau mỗi tác phẩm khác của anh ra đời, sự mâu thuẫn ấy vẫn tiếp diễn trong dư luận, tuy âm thầm nhưng không kém phần gay gắt. Mọt bên cho thơ anh ở hàng tiên phong trong sự đổi mới, ngược lại, một bên cho là “lai căng”, là rất “non kém về nghệ thuật”!

Vậy thử gác bỏ mọi thái độ của quan hệ cá nhân, mọi nhận thức cảm tính, chỉ bằng nền tảng của không chỉ mỹ học mà còn của cả tri thức văn hóa hiện đại phân tích, thơ Nguyễn Quang Thiều có giá trị gì không? Đây là một việc làm rất khó bởi phải hiểu sâu và chính xác nhiều lĩnh vực, phải biết đến sự liên quan, sự chi phối lẫn nhau của chúng; kể cả khoa học tự nhiên, lĩnh vực tưởng không liên quan gì lại chính là nền tảng đầu tiên, là vật chứng kiểm tra tính đúng sai của mọi tri thức. Nhưng nếu không vậy, có viết hàng ngàn bài khen chê cũng bằng không, bởi chỉ bằng cảm tính, người ta có quyền thích thế này hoặc thế nọ, mà cái thích này thực chất hoàn toàn vô nghĩa trong việc thẩm định giá trị tác phẩm. Bởi chúng chưa phải phê bình mà mới chỉ là sự phát biểu thái độ.

Hiện tượng thơ Nguyễn Quang Thiều có lẽ là một hiện tượng phức tạp nhất từ trước tới nay. Với người đọc, kể cả giới sáng tác, thơ anh rất khó hiểu. Có những người yêu mến anh, nhưng muốn tiếp cận thơ anh lại không tiếp cận được. Trong lần gặp nhau gần đây, tại một bàn cà phê tầng trệt khách sạn Rex nhìn ra công viên trước cửa Ủy ban nhân dân TPHCM, với giọng đầy ưu tư Thiều đã nói với tôi rằng: “Tôi với ông rồi sẽ cô đơn lắm, chẳng ai hiểu chúng ta ca”. Với người khác thì vậy, còn tôi được anh coi là bạn dốc bầu tâm sự, không lẽ cũng không hiểu được anh? Chính cái tâm sự ấy đã thôi thúc tôi viết nên bài phê bình nhỏ này.

Trước hết, Nguyễn Quang Thiều là một thi sĩ viết nhiều, tầm bao quát rộng, thay đổi được cách viết. Trong ba điều này, điều đầu tiên không khó, người viết chỉ cần chăm chỉ là được và nhiều người cũng đã đạt được. Điều thứ hai khó hơn nhiều, nó phụ thuộc vào tư tưởng của người viết, mà tư tưởng lại phụ thuộc vào tầm văn hóa, trình độ học vấn, khả năng tư duy... Muốn văn chương có được một tầm khái quát, một tầm cao triết lý, người ta buộc phải có một tầm nhìn rộng, bởi có nhìn rộng mới thấy được nhiều việc, mới có sự so sánh, đối chiếu, mới có sự hệ thống hóa, chiêm nghiệm;còn chỉ nhìn cái nào biết riêng cái đó thôi không thể có được sự khái quát. Người ta đã phân chia nhà văn lớn nhà văn bé từ đặc tính này chăng? Để có được khả năng thứ ba, khả năng thay đổi cách viết, có lẽ là khó khăn nhất, Thượng Đế thường keo kiệt khi ban phát khả năng này cho chúng sinh. Để thay đổi, người ta buộc phải vượt qua những thói quen, mà không gì khó khăn hơn khi phải vượt qua những thói quen, bởi phải vượt qua những quy chuẩn, phải bứt phá, phải phân thân, thoát xác;phải vượt qua được cả tập tính của một cộng đồng.

Nguyễn Quang Thiều cũng là một thi sĩ thường không viết những điều để người đọc thích thú mà anh viết nhiều về những điều buộc người ta phải suy nghĩ. Anh thường không viết những êm đềm, bóng bẩy, vui tươi mà viết nhiều những vấn đề gai góc, những bài toán lớn đặt ra trong cuộc sống. Thơ anh không bộc bạch, thổ lộ hoặc thủ thỉ, mà anh thường dựng lên những bức tranh, ở đó, anh dẫn người đọc vào những không gian kỳ lạ với rất nhiều luồng lạch, ngõ ngách khác nhau. Chúng hoàn toàn xa lạ và không cần thiết cho những ai sớm thỏa mãn với những gì quen thuộc gần gũi. Chúng chỉ cần cho những người thích khám phá. Có phải do chính điều này người ta đã khó tiếp cận thơ anh chăng? Có lẽ đây chỉ là một mặt, mà tôi thấy một mặt khác quyết định hơn, đó là kỹ thuật thể hiện. Phải chăng, khi chưa hiểu được thi pháp, giống như trong tay không có chiếc chìa khóa thì người ta không thể mở được cánh cửa để vào ngôi nhà thơ ca của anh vậy.

Nhưng để hiểu thi pháp của Nguyễn Quang Thiều cũng không dễ. Hành trình thơ ca của anh, về mặt thi pháp, chính là hành trình tăng dần tính ký hiệu của sự biểu đạt nghệ thuật, sự vật lộn trăn trở tìm kiếm ngôn ngữ riêng để thể hiện.

Thuở đầu, thơ anh cũng lẫn trong thơ mọi người, anh cũng cố gắng làm ra những câu thơ “đèm đẹp” có khi vẫn còn là cái “tài hoa” mà hôm nay nhiều người còn đang muốn đạt tới: “Nhớ thời phượng cháy trong tôi. Tiếng ve nhiều quá rối bời tóc em”, hoặc: “Có gì như một nỗi đau. Cứa trên lá cỏ gãy nhàu trưa nay”. Trong quá trình thay đổi cách biểu đạt ấy, Nguyễn Quang Thiều không thể không thực hiện một điều: sự lạ hóa. Mọi mặt cuộc sống, mọi sự việc, mọi đồ vật, trong con mắt anh mất dần hình dạng và tính chất vốn có, anh luôn dựng lên một không gian của trí tưởng tượng. Làm việc này, Nguyễn Quang Thiều chẳng phải làm một điều lập dị gì, mà chỉ phát huy tối đa cái đặc tính cơ bản của sự sáng tạo từ cổ chí kim. Có một sự mâu thuẫn, về trí tuệ, con người thường dễ tiếp nhận những trí thức quen thuộc, nhưng về mặt tâm lý, lại luôn tò mò, thích chú ý đến những cái lạ. Vì thế, sự lạ hóa làm tăng ấn tượng sức biểu đạt chính là một quy luật của sáng tạo nghệ thuật, chính nó đã biến những điều bình thường thành thơ. Ta thử lấy vài ví dụ. Cái gì đã biến hai câu thơ của Nguyễn Du: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi. Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” trở thành bất tử. Thứ nhất do ấn tượng của cái việc: Vầng trăng bị xẻ làm đôi mang lại!Sự lạ này lại được dùng để biểu đạt một tình huống gay cấn của tình cảm, còn được dùng một cách rất tương hợp. Nguyễn Du đã sử dụng một ẩn dụ đắc địa, mối tình đẹp, đắm say, tràn đầy được ví ẩn với một vầng trăng viên mãn, tưởng không gì có thể chia cắt được. Vậy, khi chia cắt, có khác gì người ta đã làm một điều nghịch thường, đang tâm xẻ cả một vầng trăng hằng tồn của tự nhiên! Hai câu: Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi cũng vậy, nếu viết cho đúng với thực tế hơn: Hỡi cô tát nước bên đàng sao cô múc nước nhịp nhàng đổ đi, chúng sẽ trở thành hai câu văn vần. Vậy cũng như cái việc Nguyễn Du đã “xẻ vầng trăng”kia, một ẩn dụ biến việc “múc nước” thành “múc ánh trăng”, đã làm cho hai câu văn vần thành hai câu thơ có sức lay động nhiều lần hơn …

Nguyễn Quang Thiều cũng vậy, anh đã tạo ra trong thơ mình nhiều cái lạ ở những cấp độ khác nhau: từ ngôn ngữ, hình ảnh, đến ý tưởng. Anh luôn thấy những sự vật, hiện tượng có những đặc tính khác đặc tính vốn có: “Những chân trời gập khúc xuống mùa đông”, anh luôn thực hiện sự biểu tượng hóa khiến chúng mang thêm những ý nghĩa: “Những hơi thở được đốt nóng trở lại”. Trong con mắt thơ của anh không có ranh giới của không gian: “Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi. Bàn tay kia bấu vào mây trắng”. Trong thế giới của trí tưởng tượng, anh luôn thấy tất cả đều là sinh thể, vì thế anh rất hay dùng thao tác nhân cách hóa:đây là một hình ảnh ngộ nghĩnh: “Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống”;ở đây lại được dùng kết hợp với biểu tượng hóa để chuyên chở tư tưởng: “Chiếc áo cần cù xé ra băng vết thương mùa màng hổ thẹn”, rồi: “Những cánh buồm khổ đau tự xé tự vá lại mình”; con sông trong thơ Nguyễn Quang Thiều là một dấu ấn rất sâu đậm của kỷ niệm nên được anh dùng rất nhiều và là một biểu tượng chính chuyên chở nhiều ý tưởng khác nhau của anh: “Sông gục vào bờ đất lần đi”; “Những dòng sông tự cào tướp họng”; rồi “Ánh đêm đoan trang đang bảo ban những dòng sông lười chảy”… 

Như thế Nguyễn Quang Thiều đã theo đúng quy luật sao lại còn gây ra mâu thuẫn? Sự lạ hóa của anh đã tạo ra hiệu quả như vậy sao người ta lại khó tiếp cận? Có như vậy bởi Nguyễn Quang Thiều dù theo đúng quy luật nhưng anh không sao chép, không dừng lại. Nếu trước nay sự lạ hóa người ta chỉ dùng như sự điểm xuyết, nó được tạo nghĩa trong một kết cấu logic của điều bình thường, còn trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng như một số người có tham vọng đổi mới như anh, sự lạ không điểm xuyết mà được dùng làm cách biểu đạt chính, nhiều khi sự lạ được tạo nghĩa trong sự lạ, các hình ảnh biểu đạt có thể có sự liên hệ, có khi độc lập với nhau. Nếu trong thơ trước đây phép ẩn dụ, hoán dụ, đề dụ chỉ dùng như một biện pháp tu từ lạ hóa một yếu tố, thì thơ hôm nay tính ẩn ví này được mở rộng biên độ, nó áp dụng cho cả một phương thức biểu đạt mới: phương thức ẩn biểu đạt. Một ẩn dụ giấu đi sự vật cần biểu đạt, còn ẩn biểu đạt, giấu đi cả ý tưởng, cả chủ đề. Và cũng có tác dụng như thao tác ẩn dụ làm tăng ấn tượng về một sự vật, sự ẩn biểu đạt làm tăng sự liên tưởng, tăng độ hàm chứa của thơ. Chính điều này khiến cho độc giả nếu không được trang bị tri thức ngôn ngữ, tri thức thơ ca, không đồng cảm được. Điều này người làm thơ không có lỗi, bởi quy luật của sáng tạo là phải hết mình, người nghệ sĩ chỉ có thể bứt phá vươn lên chứ có ai lại chiều theo sở thích bình dân mà tụt xuống? Ở đây người đọc cũng không có lỗi, chỉ bị thiệt thòi khi có nhu cầu thưởng thức mà không thưởng thức được mà thôi. Vậy lỗi trước hết phải thuộc về các nhà phê bình. Như tất cả những gì liên quan đến tri thức, đến kỹ thuật đều khó hiểu, nhà phê bình là nhà khoa học về sáng tạo nghệ thuật phải có nhiệm vụ phân tích chỉ ra cái kỹ thuật ấy. Tôi tin nền phê bình của chúng ta luôn phát triển ngang tầm với sáng tác, đã ở một trình độ rất cao, nhưng không hiểu sao nó vẫn không làm tròn được nhiệm vụ và chưa bao giờ có được một sự nhất trí! Trong khi đó vẫn còn khá thịnh hành lối phê bình quanh quẩn với những tri thức thẩm mỹ bình dân, không phân tích khám phá những tiềm ẩn của tác phẩm mà chỉ tán dương những cái mà không cần nhà phê bình người đọc cũng biết. Tiếc là cái thẩm mỹ bình dân này lại còn được gieo mầm ngay từ trường học, nên không thể nâng cao được trình độ thưởng thức của xã hội. Chính vì thế, đã dẫn đến trường hợp trong thực tế những tác phẩm giản đơn tếu táo thì được vồ vập còn những tác phẩm cao siêu thì người ta thờ ơ. Ví dụ như thơ của Brodsky, nhà thơ được giải Noben cả thế giới tôn sùng, nhưng ở ta chỉ in có hai trăm cuốn mỏng như lá lúa, mà không biết có bán hết không, người mua đọc có hiểu gì không?

Đi vào cụ thể điều vừa nói, tôi thử phân tích vài bài của Nguyễn Quang Thiều. Trong bài Cái đẹp (tập Sự mất ngủ của lửa), Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên một hành trình nặng nhọc không biết đâu là đích trong rét buốt, trong gió lộng, của một người đàn ông đẩy một chiếc xe bò chở một người đàn bà đẹp trên một thùng xe có đống đá; vì chiếc xe đi quá chậm, người đàn bà phải che bớt mặt lại. Thế là hết. Nếu hiểu đơn giản, thấy người đàn ông chỉ là người đàn ông, người đàn bà chỉ là người đàn bà, cái xe, con bò, đống đá, con đường… chỉ là chúng như vốn có, thì quả thực không biết ý anh viết về cái gì. Nhưng như lẽ thường, thơ cốt tả để gợi. Nếu hiểu mỗi chi tiết của bài thơ lại ẩn biểu đạt về một điều của một quá trình, về một sự vận động, biết hệ thống hóa lại, thì những câu thơ tưởng như không liên quan gì đến nhau lại ở trong một kết cấu chặt chẽ có nhiều dụng công.

 Nếu trong thơ trước đây có những câu thơ triết lý, ý thơ triết lý, hoặc những bộc bạch suy tư có tính triết lý thì với cách biểu đạt như vậy, Nguyễn Quang Thiều có cả những kết cấu triết lý về một quá trình, về một sự vận động. Hiện tại chỉ vài người đạt tới cái khả năng này, bởi nó không chỉ là thơ mà còn là thơ của một nhà tư tưởng. Cũng như vậy, bài “Bầy chó của tôi”, bài mà nhà phê bình Trần Mạnh Hảo đã cho Nguyễn Quang Thiều là: “nhìn con chó thật ghê tởm”, nhìn “một cách kinh hãi”;quả thật, nếu nhìn những con chó chỉ là những con chó, thì thấy việc nhà thơ tả cảnh chúng cắn xé, tranh giành nhau đúng là kinh hãi thật;và với một quan điểm thẩm mỹ cho tính thơ cao nhất chỉ là những mây trăng hoa lá, xanh xanh đỏ đỏ, thì không thể nào đồng cảm được thật:

Bầy chó gầy bẩn thỉu ốm đau
Ngày lùng sục kiếm ăn
Liếm cả vào lưỡi dao sắc ngọt
Lưỡi bị cứa máu trào ra ở đó
Con đến sau lại liếm máu bầy mình

Với tôi, đây là những câu thơ hay nhất có thể so với bất cứ câu thơ nào. Xuân Diệu đã rất tài tình khi chọn những hình ảnh tương hợp làm nên hai câu thơ để nói lên một vấn đề lớn của nhân loại là nỗi buồn chúng sinh: “Trái đất ba phần tư nước mắt. Đi như giọt lệ giữa không trung”. Nhưng nói nỗi buồn tức vẫn còn chung chung quá, mà Đức Phật cũng từng nói: “Đời là bể khổ”. Còn qua đoạn thơ trên, Nguyễn Quang Thiều tiếp cận sâu hơn, nói cụ thể hơn những vấn đề chính yếu, không chỉ buồn mà còn đau, còn khắc nghiệt, luôn hiện diện trong cuộc sống muôn loài, kể cả loài người chúng ta: sự đấu tranh sinh tồn! Nhắc đến Xuân Diệu như vậy không có nghĩa mang ông ra so sánh để hạ bệ mà vì nền phê bình chúng ta khi phân tích tác phẩm thường thiếu tính khoa học, thường không căn cứ vào văn bản mà lệ thuộc nhiều vào tên tuổi và vô vàn điều phi học thuật khác; người ta thường dị ứng với những việc so sánh như vậy, mà lẽ ra, thế hệ hôm nay không có gì so được với cha anh mới là điều vô lý và đáng buồn.

Sự biểu đạt ẩn không chỉ dừng lại ở cấp độ như vậy mà còn được Nguyễn Quang Thiều đẩy tiếp lên nữa. Tính ký hiệu, tính biểu tượng của ngôn ngữ còn được tác giả sử dụng triệt để hơn, “linh kiện ngôn ngữ” còn được lược bỏ nhỏ gọn hơn, và chỉ như thế, tác giả mới có điều kiện tạo ra được một kết cấu nhiều tầng, để có thể biểu đạt nhiều quá trình, nhiều vấn đề phức tạp của đời sống hơn. Nếu chỉ bằng cách cảm lười biếng, người ta còn khó tiếp cận hơn. Nếu những bài thơ ngắn như những bức chân dung tư tưởng đặc tả về một vấn đề, về một quá trình thì ba bài thơ dài có tính hoành tráng có thể là những ví dụ rõ nét nhất cho cách biểu đạt tầng tầng lớp lớp đó.

Trong “Chuyển dịch màu đen” (tập Nhịp điệu châu thổ mới), chỉ hai biểu tượng tối giản là “mầu đen” và “mầu trắng” tác giả đã biểu đạt một hiện thực đặc biệt của đất nước ta, về số phận những kẻ vì mưu sinh phải sống tha hương, về những mối quan hệ lớn lao có tính dân tộc không thể hoà tan trộn lẫn được, về sự biển đổi tất yếu đã làm thay đổi cả diện mạo thế giới trong thập kỷ đầy sôi động vừa qua, thập kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ này.

Trong “Nhịp điệu châu thổ mới”, bài thứ hai, khi tượng trưng hóa mọi cảnh vật, mọi sự việc, Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên một thế giới của trí tưởng tượng, mà ở đó không có ranh giới giữa sự sống và cái chết, tất cả đều là sinh thể, tất cả đều có linh hồn. Về mặt này, về sự phong phú của trí tưởng tượng, có lẽ Nguyễn Quang Thiều được xếp đầu bảng, anh đúng thực là nhà thơ có trí tưởng tượng phong phú nhất, kỳ lạ nhất. Qua con mắt của một đứa trẻ, cuộc tiễn đưa cái chết của người bà nội được dựng lên như một hành trình về một xứ sở kỳ lạ;ở đó “Nến được đốt lên sớm hơn mọi thế kỷ”, ở đó có “Vầng dương thổn thức trên cánh đồng vải liệm thơm tho”, nơi người bà “Thường bay qua cánh đồng mỗi ngày cuối chiều... Khâu lặng lẽ những hơi thở rách”, nơi tất cả đều mang một đời sống mới từ “Ngôi nhà”, “Chiếc giường”, “Dây phơi” đến “Ngọn đèn”…; và cái chết cũng không phải chỉ là cái chết mà là sự gieo cấy một sứ mệnh mới, một sứ mệnh thiêng liêng: “Thổ ngữ gieo từ bàn tay Người Nông Dân Già vào tay cậu bé. Cậu bé chầm chậm mở vương quốc của mình”;rồi từ đó là “Tuôn chảy một dòng sông”, là “Mọc lên một quả đồi”, là “Mở ra một con đường”, rồi “ Một cây cầu”được dựng lên mà đứa bé “Như một trụ cầu mọc lên để đỡ lấy một giọng nói”… Giọng nói ấy chính là THI CA.

Còn bài thứ ba: “Nhân chứng của một cái chết” trong tập mới nhất “Bài ca những con chim đêm”. Qua cái biến cố một thị xã ngập nước, tác giả đã đóng vai một nhân chứng, chứng kiến cái chết, cái kết thúc của những sự mục ruỗng, sự ngưng trệ trước một thử thách khắc nghiệt, của cái khoảng thời gian mà dòng sông chảy như “một dòng nước đục lạnh tanh”; “Bụi quá nặng làm mái nhà oằn xuống”;khi những câu hỏi “vang lên như bom” mà vẫn không có câu trả lời, khi những thông điệp của ngôn từ “không người nghe”, khi các thi sĩ, những người cất giữ tâm linh thời đại cô đơn đến cùng tận: “Họ không bao giờ được cộng vào đám đông và đám đông cũng không bao giờ cộng được họ”… Nhưng như có một sự thống nhất trong tư tưởng nghệ thuật, Nguyễn Quang Thiều luôn là con người mạnh mẽ, thơ anh không dẫn người đọc đến ngõ cụt, mà luôn hướng tới một “sự lột vỏ”, tới một “bình minh đang lên”, và trong “Nhân chứng của một cái chết” cũng vậy, trong sự tan rã, trong sự cuốn trôi cuối cùng, thi sĩ vẫn cho chúng ta thấy trên vòm trời mãi lấp lánh một vì sao “bền bỉ sáng”…

Đúng như ý kiến nhà phê bình Đỗ Minh Tuấn trong bài viết “Trốn lo âu về lại cánh đồng” (trong cuốn “Ngày văn học lên ngôi”) nhận xét, thơ Nguyễn Quang Thiều phát lộ một tâm thức thời đại. Có điều anh Tuấn đã nói ngược, không phải Nguyễn Quang Thiều chạy trốn ánh sáng, chạy trốn văn minh vật chất, mà ngược lại, anh còn muốn mang cả cánh đồng của quê hương mình, của đất nước mình ra ngoài ánh sáng văn minh hiện đại cho cả thế giới này được biết. Nếu anh có về lại cánh đồng cũng chỉ để “giải lao”, để nghỉ lấy sức mà thôi. Bao trùm lên toàn bộ tư tưởng thơ Nguyễn Quang Thiều là cái khao khát cháy bỏng một sự vận đông biến đổi về phía ánh sáng, về phía tốt đẹp. Anh cũng viết rất nhiều về sự ngưng trệ, tù đọng, ngòi bút anh rất quyết liệt không nương tay, nhưng cũng chỉ để nói lên cái sự khao khát ấy. Và đó không chỉ là cái khao khát của riêng anh mà còn chính là cái khao khát của cả thời đại này, mà cả đất nước ta đang từng ngày, từng giờ phấn đấu thực hiện.

Vì chưa tiếp cận được thơ Nguyễn Quang Thiều nên, như đã nói phần đầu, đã có rất nhiều ý kiến không đúng về thơ anh. Có thể chia làm ba loại.

Loại thứ nhất phủ nhận hoàn toàn, cho thơ anh là “lai căng”, là “thơ dịch xổi”, là “dịch tiếng Việt sang tiếng ta”, là “tây giả cầy” nhí nhố... Tiếc rằng đây lại là ý kiến của vài người đã thành danh. Có điều, họ chỉ nhìn với con mắt thẩm mỹ lạc hậu, cái thẩm mỹ đã làm nên tên tuổi họ, cái mà họ đã từng dùng tạo nên những bài thơ, đã “gọt rũa”chúng, mà giờ xem lại thấy chỉ như những bài văn vần, những bài mô tả trơn tuột. Ai cũng biết thơ ca chúng ta từng ảnh hưởng thơ Đường Trung Quốc, thơ lãng mạn, thơ tượng trưng Pháp, thơ Nga…Vậy tạo sao các nhà thơ hôm nay không có quyền nói giọng điệu của thời hôm nay? Nếu chỉ căn cứ vào hình thức rồi chỉ với những nhận xét cảm tính mà đánh giá bản chất đối tượng, tôi thấy là việc làm phản học thuật nhất. Tôi thấy thơ Nguyễn Quang Thiều, về hình thức là thơ hiện đại, nhưng về bản chất cũng mang đậm bản sắc dân tộc như bất cứ nhà thơ nào. Tràn ngập trong thơ anh là cảnh vật làng quê, là tình yêu quê hương, khi xa cái làng Chùa nửa vòng trái Đất, anh còn muốn: “…dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy” cơ mà. Một tình cảm thật mãnh liệt, một hình ảnh thơ thật lạ, thật hay!Trong thơ anh cũng tràn ngập những mối quan tâm, những thao thức, những âu lo, những buồn đau…những tình cảm mang đậm nét bản sắc tâm hồn con người Việt . Anh viết nhiều về cánh đồng, dòng sông, về ruộng lúa, bãi ngô, về hoa cải, rau khúc, về con châu chấu, con ốc;về ông, bà, cha, mẹ, vợ, con…về giỗ, tết, và cả về những cái tiểu sành…. Làm sao trong thơ nước ngoài chất chứa những điều ấy?!

Loại ý kiến thứ hai có phần ủng hộ sự đổi mới của Nguyễn Quang Thiều, nhưng cũng vì chưa tiếp cận được văn bản, chưa thực chất nắm được bút pháp thơ anh, nên với những quan điểm có phần cực đoan, đã có những đánh giá không đúng và tự mâu thuẫn. Một mặt đề cao cái mù mờ, vô nghĩa. Nhưng khi chỉ ra nét cơ bản nhất của thơ anh lại chỉ đơn giản xuất phát từ những cảm nhận trực quan, từ những nghĩa đen trần trụi nhất. Chỉ từ một bài “Trốn lo âu về lại cánh đồng” (tập Người đàn bà gánh nước sông) đã kết luận cả thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ thể hiện sự “khước từ”, sự chạy trốn nền văn minh. Hoặc chỉ từ câu “Hát lên bằng nọc đọc trong mình”đã cho “chấp nhận tiếng hú gào này là chấp nhận thơ Thiều” bởi đã nghĩ anh ảnh hưởng thơ Beat của Mỹ (vì ông chủ soái Ginsberg có tập thơ Hú gào). Như đã phân tích phần trên, thơ Nguyễn Quang Thiều rõ ràng không chỉ đơn giản lặp lại cái ý tưởng cũ kỹ có phần lập dị là chạy trốn nền văn minh vật chất, nếu có đôi bài thì chỉ là sự biểu đạt những trăn trở về sự tha thóa của con người trước vật vất;thơ anh cũng chẳng hề giống thơ Beat. Thơ Beat mang tính phản kháng và một thi pháp có phần cực đoan về phía tự nhiên chủ nghĩa, nói “thẳng tuột”mọi cái, mọi vật “chỉ là biểu tượng của chính nó”. Tôi không tán dương loại thi pháp này. Bởi thơ là nghệ thuật, đã là nghệ thuật phải “diễn”, cũng như những cô gái biểu diễn thể dục nghệ thuật, cứ “đi bộ” trên sàn thảm làm sao có thể gọi là nghẹ thuật? Trong khi thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ có nhiều dụng công và ám gợi, giống nhau thế nào được!Nếu nói sự ảnh hưởng, Nguyễn Quang Thiều chỉ có thể ảnh hưởng tính huyền ảo của văn xuôi Macket và một vài thao tác dựng không gian, cách biểu đạt biểu tượng của thơ Brodsky. Tôi tin là anh sẽ đồng ý với tôi điều này.

Loại ý kiến thứ ba là của những người đồng quan điểm thơ ca với anh, những người cũng có tham vọng thay đổi cách viết. Ở đây Nguyễn Quang Thiều được coi là người mở đường, luôn ở hàng tiên phong, là thần tượng của không ít cây bút trẻ. Ở loại ý kiến này, thật lạ, chính những ý kiến của vài tác giả còn chưa có vị trí hoặc chưa có nhiều uy tín trên văn đàn, tuy còn hơi “bốc”, mới là sự cảm nhận, hoặc có phân tích cũng mới ở cấp độ định tính, lại đúng với thơ Nguyễn Quang Thiều hơn cả;còn nói chung, cũng còn nhiều điều phải bàn. Không phải về thơ Nguyễn Quang Thiều mà về những khuynh hướng xuất phát từ sự cảm nhận thơ anh. Do chỗ tiếp cận được đúng bản chất thơ Nguyễn Quang Thiều không dễ, có người không hiểu anh viết gì vẫn ca ngợi, đơn giản chỉ vì sự chuộng lạ, nếu không thích sợ bị coi là lạc hậu. Một số người làm thơ theo khuynh hướng chủ quan cực đoan cũng đề cao thơ anh, có điều họ đề cao phần mù mờ rối rắm vô nghĩa, bởi bản thân họ cũng làm thơ rối rắm vô nghĩa. Tôi đã nói với Nguyễn Quang Thiều, khi thơ đạt được sự rối rắm như nhau thì ai sẽ hay hơn ai? Trong thực tế khoa học, một lý thuyết phức tạp có giá trị không ở sự phức tạp mà ở công dụng của nó. Một cấu trúc thơ cũng vậy, một sự phức tạp hơn chỉ có giá trị hơn khi nó có sức biểu đạt hơn, nếu không chỉ là một trò chơi vô tích sự. Vì thế người làm thơ, ngoài cách thể hiện, muốn đạt được giá trị đích thực phải luôn tìm kiếm cái gì đó để thể hiện;và như vậy người ta lại phải cần những điều muôn thuở của công việc sáng tác như đã nói: vốn sống, văn hóa, khả năng tư duy, tức là tài năng, và kể cả nhân cách nữa. Nếu không hiểu điều này, trong đầu không có gì lại luôn nghĩ cách làm thế này thế nọ, chẳng khác gì người ta nấu một món ăn mà trong tay chẳng có tí thịt cá nào, lại chỉ tìm cách thêm gia vị cho vừa miệng-một món ăn chỉ toàn là gia vị!

Tôi cũng đã nói vài lần, khi muốn phá bỏ mọi định chế cũ, thơ đa đa, siêu thực và các chủ nghĩa chủ quan cực đoan khác đã tìm cho mình một cơ sở khoa học là thuyết tương đối và nguyên lý bất định, cho thế giới ta nhìn thấy chỉ là giả ngụy, mà một hiện thực ngẫu nhiên vô định mới chính là một hiện thực đích thực-một siêu thực. Nhưng thực tế, đây chỉ là sự hiểu nhầm, bởi chỉ ở không gian vi mô và cực vĩ mô thế giới vật chất mới “ứng xử”như vậy, còn trong những điều kiện mà con người đang sống, thế giới luôn tồn tại trật tự theo những quy luật. Như vậy, dường như thơ Nguyễn Quang Thiều đã đạt được cơ sở khoa học cơ bản này, ở chỗ, ở phần chi tiết, những đơn vị cơ bản, ý nghĩa của chúng rất nhòe mờ, bất định, nhưng cả bài thơ lại là những kết cấu hoàn chỉnh như những sinh thể, luôn có khả năng biểu đạt một vấn đề gì đó trong cuộc sống. Thơ anh khó hiểu nhưng không phải loại thơ không có gì để hiểu.

Sáng tạo thơ ca có nét tương đồng với việc nấu nướng. Tôi không dám nói Nguyễn Quang Thiều đã nấu vừa miệng mọi người, mọi thao tác của anh là toàn bích là đắc địa cả, mà cũng chẳng có ai có thể làm thế được. Với một thực tiễn đã có nhiều khuynh hướng thơ khác nhau, tôi cũng không bao giờ nói rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều là hướng duy nhất đúng, công nhận thơ anh có nghĩa là phủ nhận những giá trị đích thực đã có. Nhưng nếu coi tính sáng tạo là đặc tính quan trọng nhất của lao động thơ ca thì Nguyễn Quang Thiều là người lao động chân chính, anh đã đạt được nhiều thành quả.

Bình Thạnh
Những ngày giao thừa thiên niên kỷ

Đ.L
(135/05-00)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng