Nếu cuối thế kỷ XIX các nhà nho còn đọc những tác giả lớn của văn hóa Pháp như: Voltaire, Montesquieu, J. J. Rousseau qua bản dịch chữ Hán, thì đầu thế kỷ XX các vị trí thức - một phần tuy ít - đã đọc thẳng Pháp ngữ. Thế hệ này đã có một số vị rất am hiểu không những Pháp ngữ mà cả phần nào nền văn minh châu Âu. Một số đã dịch văn thơ Pháp sang Việt ngữ, và cũng có những tác phẩm Việt Nam dịch sang Pháp ngữ. Trên phạm vi học thuật này, không kể về chính kiến, thì chúng ta có những trí thức uyên bác, thông thái. Phải làm thống kê mới xác định được có bao nhiêu công trình dịch thuật từ hai phía: Thơ, văn Việt Nam và các nước ngoài; Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ v. v... Các vị này đã xứng đáng là học giả trong công việc giao lưu văn hóa, giới thiệu nền văn minh Việt Nam. Riêng hai tiếng Pháp Việt từ thời ấy đã có vài vị đã biên dịch một cách hữu hiệu với tinh thần khách quan, bình đẳng... không mặc cảm. Những công trình của họ vẫn giữ nguyên giá trị cho đến hiện tại. Một trường hợp khá rõ và đáng nhắc nhở đó là: Nguyễn Văn Vĩnh với bản dịch KIM VAN KIEU. Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) có lẽ là một trong những trí thức đầu tiên thông thạo Pháp ngữ thời đầu thế kỷ XX ở miền Bắc. Miền Nam vì do chế độ thuộc địa, nên tiếng Pháp đã được dạy sớm hơn so với chế độ bảo hộ ở Bắc. Cho nên giới làm thông ngôn và một số công chức trung cấp thuở ấy đa số là người miền Nam (Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, trang 16). Tuy vậy, tại Hà Nội đã có một dịch giả, mà tôi nghĩ nên trân trọng và giới thiệu ngay cả đối với độc giả hiện nay: "Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang Quốc ngữ từ năm 1906. Rồi từ Quốc ngữ ông dịch sang Pháp văn và đã giới thiệu trên báo tiếng Pháp vào những năm 1908 đến 1910 trên hai tơ: Notre Journal và Notre Revue. Có lẽ đó là những bản dịch đầu tiên. Từ năm 1913 đến 1917 ông lại in trên nhiều số Đông dương tạp chí bản tiếng Pháp, dịch lần thứ hai. Và ông lại vẫn chưa ưng ý, nên vẫn tiếp tục sửa chữa cho đến năm 1933. Kỳ này ông đã công bố trên tờ L'Annam Nouveau, nhưng chỉ đến năm 1942 mới được nhà xuất bản Alexandre de Rhodes in tại Hà Nội" (Trích trong Lời tựa của Hữu Nhuận, trong bản dịch trên do NXB Văn học tái bản năm 1994). Tôi được một người bạn nhà văn tặng cho tập sách quý này, song ngữ với chú thích bình luận, có những minh họa của Mạnh Quỳnh. Sách đã tái bản... một cách muộn màng vào năm 1994. Đối với tôi, lần đầu tiên tôi đọc bản dịch này... dù muộn còn hơn không. Vì thật là một niềm vui lớn, tôi đã khám phá nhiều điểm son trong dịch phẩm này. Có thể nói là một hạnh ngộ. Vì đối với tôi đó là một công trình văn hóa đầy đủ ý nghĩa trong phạm vi dịch thuật. Ai cũng biết câu: dịch là phản. Thật có phần đúng trong một vài khía cạnh nào đó. Chẳng hạn dịch thơ, không thể đòi hỏi dịch được chất thơ, mà chỉ là ý nghĩa câu thơ là chính. Chủ quan tôi cho là thơ không thể dịch, mà chỉ có thể phóng tác. Vì mỗi ngôn ngữ có chất nhạc riêng, hình ảnh riêng và linh hồn riêng của nó. Chắc ai cũng công nhận trong tiếng mẹ đẻ của mỗi nước đều có chiều sâu lịch sử, và văn minh đã quyện vào với sức sống và sự tiến hóa song song của dân tộc ấy. Cho nên người ta đã mệnh danh là langue vivante: ngôn ngữ sống. Vì ngôn ngữ chuyển mình cùng thời đại. Chính vì vậy, khi đọc dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã chiêm nghiệm qua công việc này, ông đã thể hiện tinh thần một sĩ phu và với tư cách một trí thức tân học một cách vừa thông thái lẫn đĩnh đạc. Ông không đao to búa lớn nhưng đã thể hiện nhân cách của người có ý thức tự trọng, độc lập. Ông đã biên dịch văn bản của Nguyễn Du kèm những phần chú thích và bình luận thật khúc chiết và thông minh bằng Pháp văn. Đồng thời ông cũng diễn nghĩa những vần thơ cổ Hán văn, giải đáp những thành ngữ trong thơ, văn hoặc phong tục Trung Quốc, Việt Nam từng thời đại một cách rõ ràng, minh bạch. Những gì ông nghi ngại thì cũng tỏ thái độ, chính vì vậy độc giả cảm nhận sự thận trọng từng câu, từng chữ của tác giả. Còn đối với độc giả Pháp thì phần dịch, tuy chỉ khuôn vào tác phẩm Kiều, nhưng khi đọc những lời chú thích và bình giải của ông, là có thể nắm bắt được khá nhiều về phong tục, cách xử thế, phong cách sống v. v... nói chung là bản sắc dân tộc của người Việt. Một công mà hai việc, ông đã khơi gợi sự hiểu biết, sự thông cảm mối khác biệt giữa hai sắc thái văn minh Âu và Á. Rất có thể ông đã cố ý tạo nên sự giao lưu cần thiết giữa hai cộng đồng Pháp Việt ở Việt Nam thời bấy giờ? Ít ra... đối với giới trí thức Pháp. Đó là một phương tiện dùng văn hóa cho mục đích chính trị chăng? Có thể suy luận như vậy khi ta là người dân bị lệ thuộc, gò bó trong chính sách hà khắc, lẫn nham hiểm và khôn khéo của tập đoàn thực dân Pháp, vào những năm đầu của phần ba thế kỷ này. Thời ấy, đa số đồng bào ta bị chính quyền Pháp khinh thị, vì thất học và nghèo khổ. Thế hệ tân học đầu tiên - ở miền Bắc - được Pháp đào tạo với mục đích là để thành những công chức, mà Tản Đà đã ngán ngẩm sau một dịp đi thi: Cử, tú, ấm sinh vài chục kẻ. Tây, Ta, quốc ngữ bốn năm kỳ. Đĩa nghiên, lọ mực, bìa bao sách. Thước kẻ, đanh ghim, ngọn bút chì... Tâm trạng của những người sống vào lúc giao thời ấy chắc là cảm thấy chông chênh, hoang mang trong cảnh xã hội bị thay đổi tận gốc rễ. Việt Nam bị đảo lộn hệ thống văn minh của nghìn đời. Tâm thức họ hẳn bị giằng xé, nhất là đối với những người có tình thần dân tộc... Những người năng động và không chịu cúi đầu trước số phận, họ đã bước tới sự tìm hiểu văn hóa của... kẻ cai trị. Sự kiện ấy gây thành nhiều tâm trạng. Có thể có người rất thấm thía khi họ đạt đến trình độ hiểu biết văn hóa, văn minh Tây phương. Nhất là khi thấy Nhật Bản đã trở nên hùng cường vì đã áp dụng bài học duy tân sớm. Niềm tự ái của lớp sĩ phu lại càng xót xa nhức nhối... và bế tắc. Những bài trần tình, của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch trước dó và kế tiếp là các vị nhà nho thời Đông kinh Nghĩa thục. Không phải các vị ấy thiếu óc canh tân, nhưng họ bị trói buộc trong hoàn cảnh bế tắc; nhân dân yếu kém, đất nước nghèo khổ, bị kìm cặp trước đó là trong chế độ phong kiến, sau là chế độ thực dân. Ông cha ta đấm cửa cuộc đời. (thơ Chế Lan Viên) và đời của đa số những ai dám đấm cửa ấy đã tàn tạ trong tù ngục... Cho nên NGuyễn Văn Vĩnh khi bình giải hai chữ: = đề huề bằng Pháp văn, ông đã khen cụ Phan Chu Trinh đã rất khôn khéo dùng bốn chữ Pháp Việt đề huề. Ông cho là dịch sát ý; chữ collaboration sẽ phải dùng chữ Việt là: hợp tác, hoặc là cộng tác, nhưng sẽ hơi khô khan không nói lên tinh thần thân thiện, thông cảm nhau, bạn bè bằng hai từ đề huề. = (trang 72 số chú thích 67). Độc giả Pháp đọc những kiểu giải nghĩa như vậy, nếu là giới trí thức thì tác động đối với họ có thể là rất tốt. Họ không có thiện cảm thì ít ra cũng có mỹ cảm đối với ngôn ngữ và sự ý nhị trong cách sử dụng câu chữ của tiếng Việt. Và hiểu thêm ý trong câu thơ rất trang nhã của Nguyễn Du: Đề huề lưng túi gió trăng, đã gợi được vẻ thong dong, nhàn tản. Còn người Việt thời ấy, khi nghe chủ trương của cụ Phan là; Pháp Việt đề huề thì có lẽ cũng dễ gây cảm tưởng... không quy lụy quá đáng đối với chính quyền thực dân... (nhưng có lẽ cũng vì vậy mà Phan Chu Trinh bị nghi là thân Pháp?). Để giành lại quyền làm người, các nhà nho thời ấy không thể chơi chữ được với kẻ thù ngoan cố... Nguyễn Văn Vĩnh cũng biết vậy, nhưng ông vẫn không dừng bút khi có dịp nêu lên sự bất công của chính sách thực dân là che chở nhóm quan lại tay sai của Pháp, vì chính họ là những kẻ tham nhũng, bất tài... Ông đã mượn hai câu thơ trong cảnh nàng Kiều đành phải bán mình để giải thoát cho cha, và khéo léo bình luận: Một ngày lạ thói sai nha. Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền. " Ngày nay, dưới chế độ bảo hộ Pháp, báo chí của chúng tôi đều bị kiểm duyệt kỹ càng những bài dù hơi có ý chỉ trích quan trường. Nhưng tờ báo nào dám lên tiếng đả kích dữ dội các quan lại, thì tác giả những bài ấy bị tù đày đến chết. So sự kiện ấy với đoạn này trong Truyện Kiều thì quả thật là Nguyễn Du đã trở nên nhà thơ bất tử". Ông dụng ý cho là Nguyễn Du có tinh thần trọng công lý hơn tập đoàn thực dân. Trong câu văn Pháp rất rõ điều ấy (trang 212 chú thích số 267). Cách nhìn này đối với hiện tại vẫn có giá trị đối với xã hội kinh tế thị trường! Bây giờ chúng ta đọc những câu như vậy có lẽ không cảm thấy sức nặng của sự hàm ý và thái độ can đảm của dịch giả, như những năm 1908 đén 1933, thời gian ông in Kiều bản tiếng Pháp. Điều đáng chú ý là với tinh thần dịch giả, ông nhắm vào độc giả Pháp với thâm ý phải làm cho họ hiểu được đúng những điều ông muốn. Vì lẽ đó ông đã bỏ công để chữa đi chữa lại cho thật hoàn toàn. Một phần tư thế kỷ dành cho công trình, một sự kiên nhẫn với thái độ đáng kính phục. Vì những năm tháng ấy, chính quyền Pháp đã dùng rất nhiều thủ đoạn để ngăn chặn những mầm mống, ý chí chống đối của đồng bào ta dù nhỏ bé mỏng manh nhất. Kể cả sự chống bọn tay sai của thực dân, là tập đoàn quan lại. Vì suốt những năm từ thời Đông kinh nghĩa thục bị đàn áp, đa số các nhà nho ở tại ba miền đất nước - tuy không công khai - nhưng ngấm ngầm phản kháng Pháp (biến cố đẫm máu năm 1908 ở miền Trung là một thí dụ). Các trí thức tân học, những ai có tâm huyết cũng... cảm thấy nỗi nặng nề ám ảnh tâm hồn. Có nhiều nhà văn, nhà thơ thời ấy, tâm tư họ là sầu muộn, chán đời, thương vay khóc mướn, lạc lõng bơ vơ và đôi lúc cảm thấy gần như mất cả hy vọng. Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời... (thơ Tản Đà) - Hai bờ sống chết đời ru võng. Trăng rộng, triều xa, gió cảm thông (thơ Huy Cận) Căn cứ vào tâm trạng của các nhà thơ như trên, chúng ta ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Văn Vĩnh đã diễn tả nỗi buồn bực của ông một cách công khai. Ông không có tự ty mặc cảm ngay đối với kẻ đang có chức có quyền. Ông đã lên tiếng... gần như chê Pháp ngữ. Trong khoa tâm lý, cử chỉ này là do một số ẩn ức, khó chịu đã ăn sâu trong tâm thức, nên người mang nó khi cần giải tỏa thì có dịp là bung ra, hoặc thổ lộ bằng nhiều hình thức... Nhưng ông lại có đủ lý luận để đưa ra những thí dụ rõ ràng, chứng minh là tiếng Pháp... có khi nghèo hơn tiếng Việt thật. Thí dụ trong cách diễn tả, về những cảm giác hoặc mùi vị. Về chữ xót, chẳng hạn. Ông không có sự dè dặt, thậm chí luồn cúi đối với người Pháp như một số trí thức tân học thời bấy giờ. Ông bình luận về chữ này: "Xót không có chữ tương đương trong tiếng Pháp. Vì chữ xót này không chỉ sự xót trên một vết thương thân thể, khi vết thương ấy bị một thứ nước chua hay mặn dính vào, hoặc bị lạnh. Chữ xót còn diễn tả cho cả nỗi đau tinh thần, trong tình gia tộc hay tình cảm đối với những kẻ thân yêu; xót xa, xót thương v. v..." (trang 330 chú thích số 397). Ông cũng định nghĩa về chữ bùi, và cho là trong tiếng Pháp không có từ này (trang 437 chú thích số 562). Hoặc về chữ nói của tiếng Pháp, đối chiếu sang tiếng Việt, chúng ta có khá nhiều từ để diễn tả tùy theo từng trường hợp như: thưa, bẩm, trình là đối với người trên, dạy, truyền, bảo là người trên nói với người dưới. Nhưng nhủ, dạy là cha mẹ nói với con, hoặc với người thân tình có tính cách mến thương" (trang 78 chú thích số 106). Ai biết tiếng Pháp, đọc so sánh trên thú vị biết bao... Tất nhiên là phải đặt ta vào bối cảnh của thời ấy mới thấy được thái độ ngang nhiên của một người dân bị lệ thuộc đã lên tiếng... như vậy đối với tiếng của mẫu quốc. Tôi cũng hơi phân vân trong cách đánh giá này. Vì có khi chính ông với cách nhìn khoa học đã không có ý gì ngoài sự nhận thức khách quan. Ông đã có thái độ thẳng thắn trong khi cần bình giải? Chẳng hạn ông cũng dám.. phê Nguyễn Du là... tả những đêm có trăng không mấy khi đúng hướng và ngày (trang 331 chú thích số 401, 402). Thậm chí có câu thơ, ông cho là rất đẹp như vô nghĩa (trang 331 chú thích số 403) - Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh... Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã nói lên một ý, đó là sự thiếu tự do trong sáng tác. Nên kể cả thời trước Pháp thuộc, mà chính trình đình Huế đã cho là... khi quân khi Kiều đã thốt: - Tấn Dương được thấy mây rồng có phen. Ngụ ý là những kẻ cướp mà tài giỏi cũng có khi trở thành vua chúa. Vì vậy nên bản Huế đã đổi: Rồng mây rõ mặt anh hùng có phen.. Chú thích này đã hé cho độc giả thấy một vài nét câu nệ kiểu phong kiến. Đó là thái độ của các quan triều Nguyễn đã ghiêm khắc thái quá, đối với một tập truyện bằng thơ. Chính quyền Pháp không thể trách ông, vì ông cũng đề cập về sự gò bó chặt chẽ trong sáng tác ở Việt Nam khi vua quan để mắt tới... (trang 610 chú thích số 688). Ông Vĩnh cũng đã nhắc là vua Tự Đức đã không thích câu: Dọc ngang nào biết trên đầu có ai. (trang 675 chú thích số 743). Đọc một công trình như bản dịch Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh, độc giả nếu chú tâm sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích. Vì ngoài những điểm kể trên, trong phần bình giải chú thích, ông đã ghi chú những tư tưởng Phật giáo mà Nguyễn Du đã lồng vào Truyện Kiều. Qua đó, những ai chưa hề biết gì về đạo Phật - đối với độc giả Pháp - thì cũng sẽ hiểu được đôi phần về quan niệm sống của người theo đạo Phật. Đời người với sự thăng trầm là do hệ luỵ của nhân quả từ nhiều kiếp. Ông cũng đề cao tinh thần bác ái, nhân nghĩa là những điểm cốt lõi trong nhân sinh quan của người Việt Nam. Tóm lại, qua phần bình luận và chú thích ông đã dùng ngòi bút một cách thông minh, khéo léo trong công việc dẫn dắt độc giả Pháp, giúp cho họ hiểu biết văn hóa Á Đông. Trong đó có văn hóa đặc thù riêng, phong cách sống, tâm linh riêng của người Việt. Với sự hiểu biết sâu rộng cả hai văn hóa Đông Tây, ông tỏ ra rất thông thạo về các điển tích trong thơ Trung Quốc của từng thời đại, và biết cách cắt nghĩa cho độc giả Pháp tiếp thu... Có điều gì ông đoán là họ sẽ bỡ ngỡ là ông không ngại giải thích tường tận. Phần dịch từng chữ Việt sang chữ Pháp cũng thật công phu. Đây là một tác phẩm có ích về nhiều địa hạt văn thơ, điển tích và đặc biệt cho những ai đang học Pháp ngữ. Nguyễn Văn Vĩnh xứng đáng là một trong số các nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ XX. Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề của Tạp chí XƯA và NAY: (số 1 - Xuân 1996, tr. 13) "... "đánh giá một nhân vật lịch sử là một việc làm không đơn giản". Vì lý do ấy, tôi xin trích một vài ý của Phan Khôi, là một học giả sắc sảo, từng sống một thời với Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một bài vào dịp ông Vĩnh qua đời vào năm 1936, mà tạp chí trên đã đăng lại. Phan Khôi đã cân nhắc về văn nghiệp và thái độ chính kiến của ông Vĩnh, rồi đặt bút ngay ở những dòng đầu: "Tôi phục ông Vĩnh ở chỗ có chí tự lập, không mộ hư vinh.. " Phan Khôi đã kể qua một vài điều mà thời ấy có kẻ yêu, người ghét ông Vĩnh, nên có người đòi đúc tượng ông để đời ngưỡng mộ, có kẻ thì lại có ý ngược hẳn. Riêng tôi rất mong ước sẽ còn nhiều người tiếp tục nghiên cứu về nhà học giả này. Phan Khôi đã kết luận: "Trong con mắt tôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh là một trang hào kiệt, Mạnh Tử có nói: Đến như kẻ sĩ hào kiệt thì dù không có Văn Vương cũng dấy lên. Trong câu nói ấy thấy người hào kiệt đầy cái khí phách tự lập đúng như cái khí phách của ông Nguyễn Văn Vĩnh chúng ta". Phan Khôi đã công nhận ông Vĩnh một người có khí phách. Trong cách nhìn của kẻ hậu thế sau hơn 60 năm, với bối cảnh khác hẳn, tôi ngẫm nghĩ khí phách ấy có thể là tương đồng với nét hiên ngang trong phong cách của một nhà văn hóa lớn. Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã xứng đáng là một tấm gương mẫu mực trong địa hạt giao lưu văn hóa, một nhà dịch thuật thông thái, một trí thức độc lập, tự trọng mà nhiều thế hệ cần học tập. Nhất là vào dịp xu thế hoàn cầu hóa hiện nay. Việt Nam cần mở các cánh cửa của nền văn minh Lạc Hồng bằng cách nên dịch những tác phẩm cổ kim nhiều thể loại có giá trị đích thực. Hiện nay lác đác đã có một vài nhà văn đã được dịch. Cần giới thiệu nhiều hơn với độc giả thế giới về văn hóa, cội nguồn của ta, cùng với các ngành nghệ thuật khác để họ biết một vài phần một nước đã có bao nghìn năm văn hiến. Paris những ngày gần Tết Canh Thìn Tháng 1/2000 T.T (137-07-00) |