Nghiên Cứu & Bình Luận
Chất thơ của một vùng thơ
10:29 | 06/05/2010
HỒ THẾ HÀNhìn vào tiến tình văn học đương đại Việt Nam, căn cứ vào các giải thưởng văn học, các hiện tượng văn chương nổi bật trong hơn hai thập kỷ qua, - so trong tương quan các thể loại, nhiều người không khỏi lo lắng và lên tiếng báo động về sự xuống cấp của thơ.
Chất thơ của một vùng thơ
TS Hồ Thế Hà - Ảnh: clbxuandieu.vnweblogs.com
Nhưng bình tĩnh, công bằng mà nói thì thơ Thừa Thiên Huế cũng không nằm ngoài đặc điểm ấy nhưng nó có những nét riêng đặc sắc, đóng góp vào nền thơ chung của cả nước mà chúng ta có thể nhận diện được qua đặc trưng thể loại. Bởi lẽ, xét trong bản chất thể loại, thơ giúp ta hiểu được nhân tố loại hình với những đặc điểm thi pháp của nó, đồng thời, hiểu được bối cảnh lịch sử xã hội đường thời.

Sau ngày thống nhất đất nước, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Huế được sát nhập thành một đơn vị hành chính với những đặc điểm bề bộn, phức tạp, những niềm vui, nỗi lo cần phải được nhìn nhận và đánh giá đúng. Đi tiên phong nhạy cảm trong vấn đề này, không gì ngoài văn học. Với chức năng và sứ mệnh cao cả của mình, văn học nói chung, thơ nói riêng đã vươn lên nắm bắt, "khám phá và sáng tạo" phục vụ cuộc sống mới một cách tích cực. Các nhà thơ thật sự đoàn kết trong hội nghề nghiệp và nhanh chóng nhìn nhận đúng bản chất cuộc sống từ thời chiến chuyển sang thời bình. Nhờ đó thơ đã thực sự hướng góc phản ánh, quan sát của mình vào những nỗ lực có tính thay đổi về chất, mở ra một giai đoạn mới cho thơ. Chuyển biến, phát triển hay dự báo của một vùng thơ không phải dễ dàng nhận diện ngay mà phải mất hàng thập kỷ hoặc lâu hơn, bởi lẽ, những biến động về thi pháp của thơ Việt đương đại vẫn chưa chúng minh bước đột biến của mình so với mô hình Thơ Mới (1930 - 1945) và các giai đoạn sau từ (1945 - 1975). Nhưng rõ ràng, xuất phát từ nội dung, thể tài và quan niệm nghệ thuật, ta dễ dàng nhận thấy thơ sau 1975 đến nay đang vận động theo chiều hướng khác. Từ hướng ngoại trở về hướng nội là đặc điểm nổi bật không chỉ riêng thơ Huế. Khảo sát điều này, chúng tôi đặt thơ Huế trong sự phát triển liên tục các giai đoạn trước và hướng nhìn về tương lai. Có sự phân chia chủ đề, đề tài cũng chỉ là tương đối, tạm thời siêu hình trong thưởng thức và khảo sát. Thực tế, một bài thơ, một tập thơ bao giờ cũng có sự hòa trộn, đan xen nhiều mặt. Với những kết quả có được, giúp ta nhận ra đặc điểm của chúng cả mặt thành công cũng như thất bại. Tuy thơ Huế đang diến biến theo chiều hướng tốt nhưng ta không thể nhìn một chiều mà phải thấy mặt trì trệ, bế tắc, tình hình không đồng đều giữa các thế hệ cầm bút, hoặc trong từng tác phẩm của từng tác giả. Cần lưu ý rằng, tính thống nhất của nền thơ Việt Nam nửa thế kỷ quả là có thật. Do vậy, đặc điểm của từng vùng, từng miền, rộng ra trong cả nước là đặc điểm có tính chung, phổ biến. Vì vậy, nét riêng của thơ Huế cũng là xét trong ý nghĩa tương đối, căn cứ ở ngôn ngữ, chất thơ, đối tượng phản ánh, nét riêng của con người và mảnh đất mà thơ thâm canh, phản ánh. Còn những biến động chung về thi pháp, chúng tôi thiết nghĩ thơ Huế không khác gì mấy so với nền thơ cả nước.

Thơ Huế ngay từ những ngày đầu sau hòa bình tuy âm thầm mà quyết liệt trong việc định hướng thi ca của mình. Các nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là lực lượng chủ lực trong vấn đề này. Các thế hệ trẻ xuất hiện sau 1975 có sẵn điều kiện và thừa khôn ngoan để xuất phát từ bệ phóng của các thế hệ trước bằng tiếng nói của thế hệ mình. Vì vậy, diện mạo thơ Huế, đứng về mặt tổng thể mà nói, có sự thống nhất, đồng thời có sự cộng sinh, kết hợp, biến đổi, biến hóa một cách sáng tạo đa dạng, tạo thành đặc trưng thi pháp mới.

Trước hết, thơ đang cố tìm một hướng đi thích hợp, tuy buổi đầu còn lúng túng khó khăn. Hơn thể loại nào khác, thơ là sự tự nhận thức nhanh nhạy nhất. Những ký ức chiến tranh, những niềm vui sum họp thiêng liêng, những nỗi niềm riêng chung day dứt đều đi vào thơ với giọng điệu mới. Cảm hứng ngợi ca, hào hùng giờ đây vẫn âm vang nhưng đã đằm thắm, lắng sâu hơn. Thơ mở rộng diện phản ánh những mối quan hệ nhiều lớp, nhiều chiều. Giọng điệu và hướng cảm xúc của các nhà thơ có sự biến đổi rõ rệt, ngay cả khi viết về đề tài chiến tranh. Dễ dàng nhận thấy khoảng 10 năm đầu (1975 - 1985), bên cạnh việc thể hiện cuộc sống và con người thời bình, thơ Huế đã dành nhiều trăn trở để ghi lại một hiện thực chiến tranh và con người trong chiến tranh. Tái hiện lại đề tài này, các nhà thơ đều muốn làm sống lại vốn ký ức bỏng cháy về chiến tranh; bản chất và giá trị đích thực của nó trong một thời điểm đầy ý nghĩa một đi không trở lại bằng cái nhìn khách quan, nhân ái. Các mặt từ nhỏ nhất đến trọng đại của chiến tranh và hậu quả kéo dài ra trong thời bình được nhà thơ cố gắng ghi lại một cách trung thực. Tiêu biểu khuynh hướng này là các nhà thơ đã từng kinh qua khói lửa chiến trường như Hải Bằng, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải với các trường ca: "Con đường của những vì sao " (1981), và " Tình ca người lính" (1984) của Nguyễn Trọng Tạo; Với các tập thơ: " Dấu võng Trường Sơn" (1977) của Thanh Hải, "Bài thơ không năm tháng " (1983) của Lâm Thị Mỹ Dạ, "Trăng cứu rỗi", "Những bọt bóng màu" (1995) của Hà Khánh Linh, "Hát về ngọn lửa" (1979), "Đề lên năm tháng" (1995), "Trăm năm rừng cũ" (1996) của Hải Bằng; "Dải đất vùng trời" (1975) của Xuân Hoàng, "Miền gió hoang vu" của Nguyễn Quang Hà, "Ngợi ca" của Võ Quê, "Mây đá nhớ nhau", "Tình yêu đâu có muộn màng" của Vĩnh Nguyên.

Các tác phẩm này đã khắc hoạ hiện thực tương đối dài, rộng với những suy tư về bi kịch chiến tranh và những giá trị đích thực của những con người đã hy sinh, gánh chịu để Tổ quốc bất tử. Những tên sông tên núi, tên làng, tên người của vùng đất lửa anh em: Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị, đi vào tác phẩm, làm hiện lên một khung cảnh và phẩm chất của con người Thừa Thiên Huế anh hùng mà nhân hậu, khắc khổ và trữ tình. Các tác phẩm này đều được tác giả sáng tác, ấp ủ trong chiến tranh, giờ đây bổ sung, sửa chữa nên hình tượng thơ, cảm xúc thơ khách quan và thuyết phục hơn, góp phần vào mảng thơ viết về chiến tranh trong cả nước làm hiện lên "vết thương thời gian" của một thời trận mạc, một quãng đời máu ứa để yêu thương và trân trọng.

Một số cây bút xuất hiện muộn trong kháng chiến chống Mỹ như Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Nguyễn Quang Lập, Lê Thị Mây... cũng góp một tiếng nói mới về chủ đề này. Lê Thị Mây tinh tế đi sâu khai thác những bi kịch nhỏ của người phụ nữ và trẻ em trong và sau chiến tranh. Thơ chị là tiếng lòng dịu dàng, sâu thẳm lẫn những niềm vui chát đắng được chắt chiu qua nhiều kỷ niệm. "Mùa thu mùa trăng" (1980) đã bổ sung cho thơ Huế sau 1975 ở khía cạnh này với nhiều hình ảnh xúc động.

Anh khoác ba lô về
Đất trời dồn chật lại
Em tái nhợt niềm vui
Như sao mọc ban ngày.

Hà Khánh Linh dành nhiều tâm sức cho chủ đề này ở văn xuôi nhưng vẫn ưu ái đưa vào thơ những tình cảm xúc động, ghi dấu một thời Trường Sơn gian khổ.

Trường Sơn như mái nhà
Như người mẹ
Như đền thờ
Như khúc ru vĩnh cửu
Ấp yêu - nuôi dưỡng - phụng thờ
Những đứa con
Không có phần hương lửa.

Có tác giả tái hiện chiến tranh bằng cái nhìn khái quát, tổng hợp, khẳng định những chân lý bất biến như Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Hoàng, Hải Bằng, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh... Thế mạnh về vốn sống, vốn văn hóa trước đây, giờ được suy ngẫm dồn nén, thâm trầm hơn trong " Ngôi nhà có ngọn lửa ấm" (1986) của Nguyễn Khoa Điềm, " Hát về ngọn lửa" (1979) của Hải Bằng, "Phía nắng lên" (1985) của Ngô Minh, " Gửi người không quen", "Sóng thủy tinh" của Nguyễn Trọng Tạo... Ở đấy, mỗi cá nhân, tập thể được miêu tả chân thật nhưng đầy phát hiện ở bề sâu.

Viết về chủ đề này, các nhà thơ đều thống nhất ở cách đánh giá khách quan, đặt con người, sự việc trong mối quan hệ nhiều mặt, để cắt nghĩa. Nguyễn Quang Hà làm xúc động lòng người qua bài thơ "Lá rụng", với hình ảnh nấm mồ người liệt sĩ nằm lại giữa rừng:

Đây rồi mộ anh, nấm đất
Riêng anh nằm lại giữa rừng
Chúng tôi bốn đứa rưng rưng
Lặng nhìn mộ anh không nói

Với cảm hứng nói sự thật cả những bi kịch và mặt trái của chiến tranh, các tác phẩm này thật sự là bản hòa tấu về một thời chiến trận, tạo thành nỗi day dứt khôn nguôi trong thời kỳ hậu chiến. Qua đó, phần nào giúp người đọc hiểu thêm vì sao trong những năm ác liệt, gian khổ, cả sự sống hầu như đi vào lòng đất mà con người Thừa Thiên Huế vẫn " hồng hào qua muôn ngàn gian lao và khát vọng", chứng minh một sự thật kỳ lạ là vùng quê này vẫn thừa đất thừa trời để con người tin yêu và hy vọng, để bất tử.

Công bằng mà nói, thành công về chủ đề này không phải riêng các nhà thơ Thừa Thiên Huế, nhưng mặt đóng góp của họ chính là ở chất thơ của một vùng đất. Chất dữ dội, khốc liệt, ngôn ngữ chắc đằm, có khi bộc trực của con người đất lửa lại là nét riêng của thơ Thừa Thiên Huế đóng góp vào thơ cả nước về mảng đề tài này.

Chủ đề này càng về sau tuy có đề cập, nhưng ít hơn với những bình diện, góc độ khác hơn. Cuộc sống thực tại có sức cuốn hút mạnh đối với các nhà thơ. Thưo quay về trò chuyện với chính mình và đi sâu vào những sâu thẳm của tình đời, tình người. Bên cạnh tính trữ tình thế sự, tính trữ tình đời tư được quan tâm thể hiện đậm nét như một nhu cầu bù đắp cho quãng thời gian dài văn học quan tâm nhiều hơn đến con người chính trị, xã hội. Thơ dành nhiều suy tư cho những vấn đề hiện tại, với nhiều bình diện và khía cạnh mới, sâu hơn, có tác động đến những biến động tình cảm và cuộc sống. Nhu cầu hướng nội đã cho phép cá nhân có thể tự thú, tự vấn, độc thoại với chính mình. Từ đó, nhìn ra tha nhân và cắt nghĩa mọi hành vi đạo đức, nhân cách và những giá trị vĩnh hằng đó.

Về phương diện nhận thức, môi trường, thời đại... nhu cầu này là hợp lý và tạo thành đặc điểm nội dung của văn học đương đại nói chung. Hoàn cảnh nào cũng có hình thái ý thức tương ứng. Thơ Huế đang ngày càng hướng sâu ngòi bút của mình vào chiều sâu hiện thực bằng cái nhìn biện chứng để tìm cách phát hiện, giải đáp những vấn đề thuộc đời sống cá nhân và cộng đồng đang đặt ra. Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật được xem như cơ sở khách quan để cắt nghĩa đời sống có hiệu quả. Các nhà thơ nhìn nhận sự vật, con người trong mối quan hệ đa dạng: quá khứ - hiện tại - tương lai, trong môi trường chủ quan - khách quan, cá nhân - cộng đồng, dân tộc - quốc tế, truyền thống - hiện đại... và những phạm trù khác; do vậy, tiếng thơ sâu hơn, nhiều tầng nghĩa hơn. Trong số lượng thơ xuất bản từ 1975 đến nay, qua khảo sát ta dễ dàng thống nhất với đánh giá trên. Thơ hay ở Huế ngày càng nhiều là một thực tế.

Với chủ đề này, từ 1975 đến nay, các thế hệ cầm bút Thừa Thiên Huế đã thật sự chín sâu những trăn trở, tìm tòi. Khác với chất bụi, bộc trực của thơ miền Nam, chất đài các, màu mè, cao đạo của thơ miền Bắc, thơ Huế lặng lẽ đi về một hướng khác phù hợp với con người và vùng đất của mình. Dồn nén, thâm trầm, sâu lắng pha nét khắc nghiệt, buồn thương đến lặng lẽ là chất riêng dễ thấy của thơ Thừa Thiên Huế đương đại.

Thơ băn khoăn lật trở trước hiện thực "Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi - Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi" (Nguyễn Trọng Tạo); đồng thời thơ cũng là những bay bổng siêu thực, tình cảm mạnh mẽ, có khi duy lý đến bức bách với niềm tin sáng tạo.

Nhưng tôi người cầm bút than ôi
Không thể không tin gì mà viết

Tiêu biểu cho chủ đề đời tư, thế sự này có Ngô Minh với "Chân dung tự hoạ" (1989), "Nước mắt của đá" (1991), " Chân sóng" (1995), Nguyễn Trọng Tạo với "Sóng thủy tinh" (1988), "Đồng dao cho người lớn" (1994), "Thơ trên may chữ và tản mạn thời tôi sống" (1994), Hoàng Vũ Thuật với "Gửi những ngọn sóng" (1986), "Thế giới bàn tay trái" (1989), Nguyễn Khắc Thạch với "Dòng sông một bờ" (1990), "Nơi ta sẽ về" (1993), Xuân Hoàng với gần 10 tập thơ, trong đó đặc biệt nổi trội có "Về một miền gió thổi" (1984), "Quãng cách lặng im" (1984), Nguyễn Khoa Điềm với "Ngôi nhà có ngọn lửa ấm" (1986), "Thơ Nguyễn Khoa Điềm" (1991), Thanh Hải với "Mưa xuân trên đất này" (1982), Lê Thị Mây với " Một mình" (1990), "Tặng riêng một người" (1990), Hoàng Phủ Ngọc Tường với "Người hái phù dung" (1992), Hồng Nhu với "Ngẫu hứng về chiều" (1988), "Nước mắt đàn ông" (1992), "Chiếc tàu cau" (1995), Hà Khánh Linh với " Trăng cứu rỗi" (1995), "Những bọt bóng màu" (1998), Võ Quê với " Ngợi ca" (1993). Ngoài ra, Lương An, Nguyễn Văn Dinh, Hải Bằng, Vĩnh Nguyên, Lý Hoài Xuân, Hà Khánh Linh, Võ Quê, Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao cũng tỏ ra xuất sắc với nhiều tập thơ liên tục ra mắt, góp tiếng nói thơ mới mẻ của mình về chủ đề này, làm thành đặc điểm chung của thành tựu thơ Thừa Thiên Huế sau 1975.

Lớp trẻ ngày càng vươn lên nhưng băn khoăn, day dứt và "lãng mạn" hơn, tuy không tránh khỏi có người tỏ ra đại ngôn, làm dáng nhưng sáo rỗng. Loại trừ những cá biệt ấy, trong họ nhiều người bình tĩnh, học hỏi và thật sự trưởng thành để đồng hành các thế hệ trước mà không e dè, tự ti. Lớp này phải kể đến Hải Kỳ với "Ngọn gió đi tìm" (1987), " Đồng vọng" (1989), Phạm Tấn Hầu với "Thế giới anh đã ngỏ lời" (1991), Đỗ Hoàng với "Khách trọ" (1993), "Khát khao" (1992) và nhiều tập khác, Nguyễn Quang Lập với "Kỷ niệm thời trai trẻ" (1986) và các cây bút khác như Hồ Thế Hà, Lê Đình Ty, Hồng Thế, Mai Văn Hoan, Nguyễn Loan, Văn Công Toàn, Văn Cầm Hải, Đỗ Văn Khoái, Hải Trung, Phạm Nguyên Tường... Các tác giả trẻ này thường nghiêng về đề tài tình yêu với những bi kịch tan vỡ muôn đời hoặc những day dứt về thời gian, khát vọng. Nét riêng này cũng bổ sung một khía cạnh trẻ trung, hồn hậu cho đặc điểm chung vừa nêu trên.

Điều cần ghi nhận là viết về chủ đề đạo đức, đời tư - thế sự, nhiều tác giả nổi lên như những nhà thơ có phong cách, bản sắc riêng như: Nguyễn Khoa Điềm sâu sắc triết lý, Nguyễn Trọng Tạo tài hoa hiện đại, nhiều phát hiện, Mỹ Dạ nội tâm, ám ảnh về thời gian và kiếp người, Nguyễn Khắc Thạch dại ngộ đến đốn ngộ, Xuân Hoàng càng về già càng ám ảnh về không gian và thời gian, Hồng Nhu nhiều phát hiện ở bề sâu, bề sau của những chi tiết đời thường, Lê Thị Mây khát khao dại ngộ, Hà Khánh Linh nhân ái, độ lượng và phóng khoáng với chất thơ văn xuôi lạ... Có thể nói tất cả những nét riêng của từng nhà thơ đã hòa tấu bổ sung nhau, tạo thành nét phong phú cho thơ Thừa Thiên Huế lan tỏa như mong muốn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo "thơ phải lấp lánh và trong suốt như thủy tinh, rắn chắc và dễ vỡ như thủy tinh, mịn màng và buốt sắc như thủy tinh để qua đó, người ta có thể nhìn tận đáy nội tâm phong phú và khát vọng vô cùng của con người". Đó cũng là những thao thức của nhiều thế hệ cầm bút Thừa Thiên Huế hiện nay. " Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng - Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi".

Nỗi khắc khoải về thời gian là đặc điểm nữa của chất thơ Thừa Thiên Huế. Thời gian khái niệm, thời gian cụ thể, thời gian sinh học, thời gian của giấc mơ, của mùa hoa quả là cách triển khai của các cây bút Thừa Thiên Huế, Hải Bằng ám ảnh đến xót xa về mùa mưa xứ Huế, mưa tuổi thơ hồn nhiên vô tư lự đến tuổi về già nhức nhối trong tiếc thương.

Tóc trắng đầu mới nhìn rõ mẹ hơn
Trăm bận ướt mới ngấm mùa mưa xứ sở
Đừng hỏi tại sao trời còn nức nở
Vì mẹ thường gạt nước mắt nuôi ta.

"Đề lên năm tháng" (1995) là tập thơ thể hiện nỗi khắc khoải thời gian của Hải Bằng. Anh đứng ở hiện tại quay về quá vãng nhìn những mùa thu đang trôi mà hiểu đời, hiểu mình. Lại có một Nguyễn Khắc Thạch đăm chiêu mà vững chãi đang đối thoại cùng quá vãng để tiếc nuối cho quãng đời cứ mãi mãi ra đi. Nhưng anh vẫn hướng về ngày mai với niềm tin hướng thượng dẫu còn nhiều trắc ẩn và hệ luỵ trong "Dòng sông một bờ" (1990).

Anh còn đi có thể trắng cuộc đời
Mọi con đường đến tận cùng vẫn đất
Em có thấy những gì không mất
Giống bầu trời xui mãi cánh diều lên.

Hà Khánh Linh, Mỹ Dạ lại nhìn thời gian với ý thức tự thú " Trăng cứu rỗi" (1995), "Hái tuổi em đầy tay" (1989), là tiếng nói mới, là sự quay về gấp gáp và quyết liệt hơn với những nhu cầu khám phá, trước hết với chính mình. Hành trình này chân thật nhưng không kém phần trách nhiệm và dữ dội đến nỗi nhà thơ phải trải lòng mình, trải hết vui buồn, tốt xấu của chính mình để tự nhận thức, yêu thương, Lâm Thị Mỹ Dạ lần về quá khứ để tìm lại tuổi thơ vô tư lự.

Theo thời gian tôi về tìm lại
Khoảng thời gian xanh biếc dưới cỏ mềm
Cái khoảng đời vô tư trong sáng
Lại rộn ràng từ hoa cỏ mọc lên.

Hà Khánh Linh lần về cổ tích tình yêu để giữ nguyên " ước nguyền dang dở" mong neo giữ một niềm tin đã rạn vỡ trong nhau.

Niềm tin rạn vỡ trong em.
Chiều dân gian ướt sũng giọt buồn
.....

Xin đừng trách nhau lời cổ sơ
Anh và em
Đi dọc trên hai bờ cỏ lau
Lạc lối
Nhận ra nhau rồi
Ngại dòng nước đục
Không dám bước qua.
Thôi cứ để ước nguyền dang dở
Ngàn năm sau
Cổ tích
Vẫn còn nguyên

Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo và các cây bút trẻ cảm nhận thời gian với nhiều khía cạnh khác nhau. Với Nguyễn Trọng Tạo là sự đồng hiện quá vãng vàng son, tốt đẹp để đánh thức những xấu xa trong hiện tại. " Đồng dao cho người lớn" chính là những suy tư ấy. Với Ngô Minh lại là miền quê đầy gió, cát với tuổi thơ chua chát, dại khờ, Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật là sự nuối tiếc trong tình yêu tan vỡ. Võ Quê có " Thơ tặng một đàn tranh" đầy nhạc, tưởng thấy rõ " Khuya lênh đênh thuyền trôi đắm say" với nỗi buồn ly biệt.

Mười sáu giây tình tự mỏng manh
Em không còn ở lại
Rót vào lòng anh những giọt buồn
Khắc khoải
Cung bổng cung trầm.

Lại có tiếng thơ chín lại trong những cảm nhận sâu, pha màu triết lý của Xuân Hoàng khi anh nghĩ về thời gian và quãng cách. Ở đó, mọi vui buồn dồn tụ để an ủi, vực dậy những tâm hồn mòn mỏi, bởi vì "Chút phát hiện trong phút giờ gặp lại - Phải đi qua bao năm tháng bão bùng".

Nguyễn Khoa Điềm lai có cách tư duy lạ về thời gian. Điềm tĩnh, vững chãi trong cách nhìn hiện tại, quá khứ để phát hiện ra một khát vọng sống, một cuộc đua với thời gian để tồn tại có ích.

Và chúng tôi một thứ quả trên đời
Bảy mười tuổi mẹ mong chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả xanh non.

Vẫn cách quan niệm về thời gian sống một đời người nhưng Hoàng PHủ Ngọc Tường lại có cách triết lý khác. Anh cho rằng cuộc đời con người và mọi vật đều hữu hạn, chỉ có khát vọng là vĩnh hằng. Không có khát vọng này, con người sẽ nghèo nàn vô nghĩa. Vì vậy, mà anh luôn luôn đối chiếu với các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên để triển khai và chứng minh phạm trù thời gian bằng cái nhìn triết học đầy sức ám ảnh về sự xuẩn ngốc của thời gian. "Dù năm dù tháng", "Tình sử Hy Lạp" là khát vọng cháy bỏng ấy. Nó như những vì sao trên trời đêm sáng mãi đến thiên thu, mang khát vọng con người.

Dù năm dù tháng em ơi
Tim anh chỉ đập một đời
Nhưng trái tim mang vĩnh cửu
Trong từng hạt máu đỏ tươi.

Thơ Hải Kỳ, Phạm Tấn Hầu, Ngô Minh, Hồng Nhu, Lê Thị Mây, đặc biệt là các cây bút trẻ: Phạm Nguyên Tường, Văn Cầm Hải, Nguyễn Loan, Hải Trung... đang tìm tòi về hướng này với những quan niệm mới mẻ. Dù ở góc độ nào, vốn sống và vốn ký ức nào, các nhà thơ đều gặp nhau ở cáchlý giải. Thời gian không còn là dòng chảy một chiều, không còn là mục tiêu định sẵn mà nó là nỗi lo âu trăn trở trên cơ sở đối chiếu với các kinh nghiệm sống (vécu) của từng cá nhân và sự ý thức sâu sắc về quy luật thời gian khách quan để tìm ra cách sống và mơ mộng hợp lý. Vì vậy, thời gian ở đây sâu sắc hơn, triết lý hơn và cũng nhân ái hơn, đánh thức ở người đọc khả năng hoàn thiện mình, tự cắt nghĩa ý nghĩa và khả năng tiềm tàng trước sự hiện sinh của chính mình.

Tương ứng với kiểu thời gian như trên, không gian nghệ thuật trong thơ cũng có sự thay đổi. Không gian đời tư được quan tâm tối đa như một môi trường cần thiết để con người chiêm nghiệm,. Một con đường, một ngôi nhà, một dòng sông, một động cát, một văn phòng làm việc của cơ quan, thậm chí một chiếc giường hẹp cũng trở thành không gian đối tượng để thơ vươn tới. Tiêu biểu cho kiểu không gian hồi ức, kỷ niệm này có Ngô Minh với "Phía nắng lên" (1986), "Chân dung tự hoạ" (1989), "Chân sóng" (1995), Lâm Thị Mỹ Dạ với "Hái tuổi em đầy tay" (1988), Hải Bằng với "Mưa Huế" (1992), "Mưa lại về" (1993), Xuân Hoàng với "Dải đất vùng trời" (1975), "Về một miền gió thổi" (1984), Hồng Nhu trong "Chiếu tàu cau" (1995), Nguyễn Trọng Tạo trong " Đồng dao cho người lớn" (1994), Hoàng Vũ Thuật trong "Cỏ mùa thu" (1994), Lê Thị Mây trong "Tặng riêng một người" (1990), Vĩnh Nguyên với " Mây đá nhớ nhau" (1989), "Cửa sổ nhìn ra" (1994), Hà Khánh Linh trong " Trăng cứu rỗi" (1995), "Những bọt bóng màu" (1998), Mai Văn Hoan trong " Trăng mùa đông" (1995)... Nhà thơ không ngừng đối diện với chính mình để tìm hướng mới cho thơ mà Hồng Nhu gọi là "Với thi pháp của đêm trường giá rét - Tôi viết lên nắng ấm chuyện ngày buồn" và cuối cùng ông tự dựng lên một không gian - thời gian của chính mình để độc thoại trước bóng mình.

Buồn xé ruột, tôi ngồi xem bóng tôi
Hóa ra bóng tôi đời hơn tôi thật
Đốt nén hương tôi tạ từ trời phật
Để bóng tôi ở lại làm người.

Còn Vĩnh Nguyên thì có niềm tin rất hoang dã, anh mong tìm đến cái đích cao đẹp của tình yêu, tình người bằng sự hòa hợp.

Đời ta rồi thua cả loài cỏ dại
Cứ tin như thế vững lòng hơn
Để bàn tay với bàn tay lại nắm
Và làn môi tìm đến nụ môi hôn

Ở đấy tên đất, tên làng, tên sông núi cụ thể của quê hương hiện lên trên từng trang viết.

Chất Huế trong thơ Hải Bằng, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng PHủ Ngọc Tường... không chỉ là địa danh, thắng cảnh mà còn là cái bàng bạc sương khói mờ ảo, cái xanh biếc dịu dàng, chất mộng mơ và văn hóa.

Sông Hiếu, Đông Hà và bao tên làng tên xã đi vào thơ Lê Thị Mây, Lương An, Chất Quảng Bình càng rõ với những bến bờ: Đồng Hới, Nhật Lệ, với cát vàng Đồng Thành, gió mưa từ làng Thượng Luật, phía nắng lên trên sông, với những sự tích anh hùng, nhớ những làng địa đạo, và những vùng giáp ranh xưa trong thơ Ngô Minh, Hải Kỳ, Hoàng Vũ Thuật, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Thị Mây...

Tất cả làm hiện lên trước mắt chúng ta một không gian vừa cụ thể, vừa đồng hiện đến bâng khuâng về những tháng năm, những tâm hồn như ngọc của một thời và hiện tại.

Chất thơ Thừa Thiên Huế một lần nữa tô đậm thêm nét riêng của mình từ những đặc điểm trên. Bên cạnh ấy, ta còn bắt gặp trong thơ của nhiều cây bút khác nhiều kiểu không gian phát sinh như: Không gian tâm lý, không gian tâm hồn, không gian khát vọng... Đó là những kiểu tư duy mới về không gian. Qua đó, tác giả bày tỏ nỗi lòng mình cùng mọi người. Đây là hướng tìm tòi của thơ hiện đại nói chung. Tiêu biểu kiểu không gian này có Nguyễn Khắc Thạch, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, có thể kể thêm Lê Thị Mây, Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Chính các kiểu không gian này giúp người đọc có điều kiện phát hiện thêm ý nghĩa của cuộc sống và sự hiện hữu của chính mình ở nhiều cấp độ khác nhau. Thơ bao giờ cũng phải dựa vào nội tâm, cảm xúc. Nhà thơ Xuân Diệu luôn nhắc nhở các nhà thơ trẻ: "Qui luật lớn nhất của nhà thơ là nội tâm". Dù kiểu không gian, thời gian gì, thơ cũng phải dựa vào hiện thực lớn lao của cuộc sống và nhân dân, trước hết là cuộc sống và nhân dân mình đang sinh ra với cảm xúc chín muồi mà thành. Hiện thực Thừa Thiên Huế trước đây và ngay nay đã thật sự đánh thức ở bề sâu nội tâm của từng tác giả, có đối chiếu với phạm trù thời gian khách quan cộng với những suy tư triết lý cá nhân nên càng sâu sắc, hấp dẫn.

Với kiểu không gian, thời gian như thế, thơ Huế mấy mươi năm qua đã thực sự tiếp cận dần với bản chất đời sống thực tại của quê hương mình và đặc trưng thể loại trên con đường đi tìm tiếng nói mới cho thơ.

Cùng với thơ cả nước, thơ Thừa Thiên Huế 1975 - 2000 ngày càng tăng cường yếu tố văn hóa và tính triết lý. Đây là hướng thăm dò và thể nghiệm tốt, phù hợp với tư duy và cách thưởng thức hiện nay, làm hiện lên những khát vọng sống và những giá trị mới của những phạm trù Chân - Thiện - Mỹ. Đạo đức, lẽ công bằng, lòng thủy chung, ân nghĩa giờ đây đã có những thuộc tính mới. Thơ chắt chiu những tình cảm tốt đẹp:

Có phút trên đời thành vô giá
Đêm nay chẳng thể có đêm nào
Ta sống cùng nhau như quả ngọt
Mai rồi, tất cả chỉ chiêm bao.
     
      (Lâm Thị Mỹ Dạ)

Yếu tố văn hóa là cái gốc để nâng con người lên, làm cho họ tốt hơn, biết hy sinh cao cả cho lẽ phải, đồng thời biết phẫn nộ, gay gắt trước những xấu xa: " Nhà thơ cũng giống như tia nắng - Dọi lối đi về chuyện sớm hôm". Nhưng trước hết nhà thơ tự soi rọi vào chính mình để từ đó có cái nhìn nhân thế cũng đúng đắn hơn. Lâm Thị Mỹ Dạ " Hái tuổi em đầy tay", Nguyễn Trọng Tạo "Tản mạn thời tôi sống", " Đồng dao cho người lớn", Xuân Hoàng "Về một mùa gió thổi", " Quãng cách lặng im", Nguyễn Khắc Thạch "Nơi ta sẽ về", Ngô Minh "Chân sóng", "Nước mắt của đá", Hồng Nhu "Nước mắt đàn ông", "Chiếc tàu cau", Nguyễn Khoa Điềm " Ngôi nhà có ngọn lửa ấm"... là tiêu biểu cho hướng thăm dò này. Mỗi nhà thơ đều có cách nói riêng, có lúc nhọn sắc, lúc nhẹ nhàng, điềm đạm, tách dân các lớp vỏ của vấn đề để tìm ra cái cốt lõi nhân bản bên trong, khơi gợi từ đó những vấn đề thuộc về đạo đức, triết lý, nhân sinh. Nhưng dù gì yếu tố văn hóa được đặt ra như một điểm tựa của tâm hồn, lẽ phải. Xuân Hoàng nhân ái:

Lúc nào đó lòng mang thương tích
Những vết thương vô ý tự gây nên
Em hãy đến tìm tôi chiều tĩnh mịch
Tôi xin làm con suối, tắm cho em...
        
     (Xuân Hoàng)

Ngô Minh xót xa hơn nhưng vẫn điềm tĩnh tìm sự tương thân tương ái:

Cay đắng trong veo, nồng nàn cũng trong veo
Trong veo câu thơ thương người biết khóc.

Bởi vì nhà thơ nghiệm ra một chân lý "Nỗi đau nào cũng long lanh sắc đẹp - Hãy yêu đi rồi sẽ biết ngọn nguồn".

Như vậy là biết cách riêng của mình, mỗi nhà thơ đều cố gắng làm nổi bật đặc trưng văn hóa ở nhiều suy nghĩ khác nhau. Một mơ ước cháy bỏng trong thơ Lê Thị Mây. Một nỗi niềm trầm uất thâm trầm trước những đam mê trần tục con người trong thơ Nguyễn Khắc Thạch, một niềm tin trước bao bộn bề cuộc sống trong thơ Nguyễn Trọng Tạo, một khát vọng đến không thành vẫn ngọt ngào, thủ thỉ với chính trái tim mình trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một niềm tin cao sang, một tình yêu hiện đại " mang trái tim nhân tạo" trong thơ Hà Khánh Linh, một ngọt ngào dịu êm mà mãnh liệt, bứt phá trong thơ Trần Thùy Mai... Tất cả làm thành tiếng nói thao thức trước những biến động của thời hậu chiến, của đời sống con người. Mặc dù bất bình trước cảnh "Tôi trở lại cơ quan gặp nụ cười ẩm mốc" nhà thơ vẫn tin tưởng ở tình người bất tử "Ở đâu đó người vẫn yêu người lắm - Nước đục ơi? Qua bể lọc trong ngần" (Nguyễn Trọng Tạo).

Với yêu cầu tăng cường tối đa chất triết lý, chất văn thơ trong thơ đã buộc nhà thơ có cách nói, cách lập ngôn khác trước. Câu thơ sắc, gọn, không còn réo rắt như trước. Cố gắng chỉ ra những đối lập, những liên tưởng lạ để làm rõ vấn đề. Sức khái quát của thơ trở thành cái đích vươn đến của nghệ thuật. Đây là một cố gắng mới của thơ Thừa Thiên Huê, đặc biệt những năm gần đây.

Có thể thấy trong thơ chung cả nước, thơ Thừa Thiên Huế sâu sắc hơn, hướng vào chiều sâu, ít hô hào, to tiếng hoặc triết lý xa vời như thơ Bắc, bông đùa, tiếu như thơ Nam. Điều này đã làm cho thơ kiệm lời hơn và súc tích hơn, vang xa hơn phù hợp với tố chất miền Trung của Huế.

Cũng cần nhấn mạnh thêm ở đây để thấy một nét mới trong thơ của Thừa Thiên Huế. Đó là các nhà thơ đã bắt đầu ứng dụng những khái niệm mới vào thơ. Siêu thực, ấn tượng, vô thức, tiềm thức, thiền đã được các nhà thơ vận dụng thành công, làm giàu chất thơ, nâng hiệu cảm thẩm mỹ cho người đọc. Giấc mơ, và các biện pháp tu từ khác được biến hóa linh hoạt trong thơ Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Thạch. Cách nói trong thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng mới:

Mà thuyền vẫn sông, mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Có thương có nhớ, có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.

Và Hồng Nhu:

Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi.

Luật hài âm, tương giao cũng được các tác giả chú ý. Các nhà thơ lớp trước như Xuân Hoàng, Hải Bằng dần ổn định lại trong các thể lục bát, 5 chữ, 8 chữ... còn lại, các nhà thơ lớp sau biến hóa linh hoạt, tạo ra những biến thể, hợp thể mới, thơ tự do. Các cây bút ra đời sau 1975 tuy có cố gắng nhưng chưa có dấu hiệu gì đáng kể trong sáng tạo hình thức.

Nhưng dù gì, thơ đang cố gắng rút ngắn lại hình thức. Ít thấy những bài thơ dài năm mươi, sáu mươi câu như giai đoạn trước, thơ quay về dạng rút gọn, kết tinh. Các nhà thơ chú ý tứ thơ và hình ảnh, nhịp điệu trên cơ sở nhịp điệu, tình cảm của nội tâm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Thạch... có những cố gắng trong mặt này. Trường ca trong thơ Thừa Thiên Huế hiện nay không thấy xuất hiện. Điều này có nhiều lý do, nhưng có lẽ để phù hợp với tư duy hướng tâm, nhu cầu tự trò chuyệnnên thơ không chuộng hình thức trường ca (trừ những trường ca viết từ trước, được in sau 1975). Trong bài viết ngắn ngày, rất tiếc, chúng tôi chưa có điều kiện để khảo sát những hình thức câu thơ, đặc điểm thể loại, để thấy sự cách tân của thơ Thừa Thiên Huế. Lại nữa, để phù hợp với một bài viết có tính tổng thể, văn học sử, chúng tôi không thể đi sâu phân tích từng tác giả để thấy bản sắc, phong cách riêng của từng người. Công việc này, chúng tôi đã và sẽ thực hiện ở các công trình viết về chân dung nhà thơ xứ Huế.

Hai mươi lăm năm thơ, nhìn lại không phải để tự ngợi ca trong ảo tưởng mà để tìm hiểu thực chất vấn đề. Điểm lại những mảng lớn của thơ, những vùng đất quen thuộc, những đặc điểm trong bút pháp, quả là, thơ đã đi vào đúng nhiệm vụ trọng tâm, phản ánh những mặt cơ bản của vùng đất nơi mình đã sinh ra. Ngoài những nội dung chung, thơ ưu tiên thể hiện vùng đất và con người Thừa Thiên Huế một cách trăn trở. Những vấn đề, những cảm hứng mới về quê hương đất nước, về dân tộc và thời đại được nhìn nhận sâu hơn. Tất cả những yếu tố ấy đã tạo cho thơ những phẩm chất mới. Chất thơ của Thừa Thiên Huế 25 năm qua chính là được kết tinh từ những giá trị tinh thần đó. Nghiêm túc điểm lại những mặt ưu khuyết điểm của giai đoạn thơ, chúng ta có quyền lo âu và hy vọng. Nhìn đến hết thế kỷ, thơ Huế không thể không vững vàng làm cuộc tổng kết để tiếp tục cuộc hành trình vào thiên niên kỷ mới.

H.T.H

(137-07-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng