Sự thật thì tỷ lệ những người hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình vốn xưa nay là rất mỏng so với số lượng áp đảo của người sáng tác trong tổ chức Hội Nhà văn, và đại hội này do tình hình trên nên càng vậy. Đó là điều không có gì đáng bàn, bởi vào ngôi nhà này, sáng tác là ở gian chính, là mặt tiền. Ở đây, lý luận phê bình chỉ là một phương diện phụ, nếu chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt của một Hội sáng tác như Hội Nhà văn. Còn về lâu dài, tôi tin số đông cũng chẳng mấy ai nghĩ khác, lý luận- phê bình đối với họ là câu chuyện có hay không chẳng có gì quan trọng. Sáng tác cứ đi con đường của nó. Thế nhưng nếu có sự thật về cách nghĩ đó, thì cũng lại có sự thật về một cách nghĩ khác, lý luận phê bình cũng có con đường của nó, tách riêng ra hoặc quay lưng với sáng tác, cũng chẳng sao. Anh đi đường anh, tôi đường tôi! Hình như trong quan niệm đó, cách nghĩ đó chẳng ai thiệt cả. Nếu có thiệt chăng là thiệt cho đời sống văn học nói chung trong tổng thể đời sống tri thức và tinh thần của dân tộc. Cố nhiên đó chỉ là một cái thiệt xa, và có phần mơ hồ, nên chẳng ai thấy cần báo động, còn nói gì đến chuyện cứu chữa. Tình hình này xem ra có khác với tình hình trước đây, trong chiều dài suốt hơn ba phần tư thế kỷ. Vào thập niên đầu thế kỷ, khi cuộc sống có nhu cầu khẩn thiết tìm một con đường mới cho sự nghiệp cứu nước thì sinh hoạt tư tưởng, học thuật, lý luận bỗng trở nên sôi nổi như chưa bao giờ có: Buổi diễn thuyết người đông như hội Kỳ bình văn khách tới như mưa. Giữa thế kỷ, trong nung nấu chuẩn bị cho một cuộc cách mạng, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 của Đảng ra đời được sự đón nhận, trao đổi, bàn luận của đông đảo các giới trí thức Việt Nam, rồi đi tới sự nhất trí đồng tình và thực hiện trong nhiều thập niên tiếp theo. Ba mươi năm cách mạng và chiến tranh kể từ sau 1945, hoạt động theo mục tiêu là một “phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ” (1), lý luận phê bình cũng đã được tôn vinh như một binh chủng quan trọng trong hai yêu cầu chống và xây. Dĩ nhiên tôn vinh là một chuyện, còn thực hiện được hay không, thực hiện ra sao, và hiệu quả như thế nào lại là chuyện khác. Nêu một vài ý nghĩa như trên tôi không có ý định so sánh hơn thua giữa các thời kỳ, các khu vực mà chỉ nói đến sự quan tâm, sự hứng thú và ham say lý luận - nó từng là đòi hỏi, là sản phẩm, thậm chí còn là đặc trưng của nhiều thời đoạn lịch sử. Thế nhưng bây giờ, ở chính vào thời điểm thâm nhập của nền Văn minh Trí tuệ thì hoạt động học thuật, bao gồm công việc nghiên cứu, lý luận, phê bình vốn là bộ phận của nó xem ra lại bị thờ ơ và lạnh nhạt? Xem cách bầu, cách chọn, cách tổ chức, chỉ đạo ở Đại hội Nhà văn thì đủ rõ. Mà thật ra đó cũng chẳng phải là hiện tượng gì đặc biệt. Nhìn rộng ra cả xã hội cũng thế. Xem ra có một thực trạng chán các sinh hoạt lý luận, học thuật, tư tưởng đang chi phối sinh hoạt tinh thần của chúng ta hôm nay? Những cuốn sách được viết rất khổ công chỉ dám in dưới 1000 bản mà vẫn lo khó tiêu thụ. Hệ thống thư viện bỗng trở nên khô kiệt chỉ còn báo ngày báo tuần. Vào thăm một trường Cao đẳng Sư phạm cách thành phố Hồ Chí Minh không xa tôi thật ngạc nhiên khi thấy báo Văn nghệ, Tạp chí Văn học và nhiều cuốn sách quan trọng rất cần cho giảng viên văn cũng không có. Những cuộc nói hoặc lớp học rất ít người dự (trừ khi bắt buộc dự để lấy bằng), hoặc có người dự nhưng lại chẳng mấy ai nghe, họ làm việc riêng, nói chuyện riêng, hoặc bỏ về rất sớm. Những cuộc hội thảo khoa học ghi là cả ngày nhưng chưa đầy nửa buổi đã vợi hẳn người, chỉ còn lại mấy hàng ghế đầu... Tìm vào nguyên nhân của các hiện tượng trên tôi nghĩ có phần do con người hôm nay có quá nhiều mối bận tâm khác cụ thể và bức xúc hơn mọi hoạt động tư duy trừu tượng. Chẳng hạn họ phải lo kiếm tiền, bởi dường như, ở thời này có tiền sẽ là có tất cả. Lại cũng có thể có nguyên nhân không có gì thật sự mới trong những điều đã quen nghe và quá cũ. Thế nhưng, có thực cuộc sống dã hết nhu cầu tìm kiếm về lý luận, và hiện tượng diễn ra như trên là bình thường? Phần tôi, tôi không tin điều đó là bình thường, khi cuộc sống đang đứng trước một bước ngoặt mới và những thử thách mới, như thời điểm hôm nay. Nếu có sự thờ ơ, lạnh nhạt một phía của số đông, thì phía khác, lại có sự vật vã, trăn trở trong tìm kiếm ở một số ít nhằm phân tích, nhận diện và giải thích thực trạng, để có định hướng đúng đắn cho bản thân và cộng đồng, và bản thân trong cộng đồng. Vẫn có, và có không ít người nung nấu đi tìm lời giải cho rất nhiều câu hỏi của hiện tại. Trước khối lượng đồ sộ và mới lạ của tri thức nhân loại hôm nay, con người phải hướng tới một suy ngẫm mới, một tổng kết mới có tầm triết học, và đó chính là xu thế khiến ta không thể thờ ơ và thụ động. II Ở trên tôi có nêu hiện tượng: tỷ lệ con số người hoạt động lý luận phê bình ở Đại hội này là rất thưa vắng. Có thể chỉ là con số một phần 30 hoặc một phần 40. Ít người nên không có tiếng nói của họ là dĩ nhiên. Nếu có chút ít ở những gì đã đọc và chưa được đọc thì cũng chỉ là lời than phiền vì sao lý luận phê bình không có vai trò gì trong đời sống văn học. Hoặc vì sao số đông những người mang danh lý luận, phê bình lại quay lưng làm các việc khác, còn cái thường xuyên hiện diện trong sinh hoạt đọc sách, điểm sách hôm nay thì rất xa lạ với họ? Thế nhưng bản thân tôi là hội viên Hội Nhà văn, trong thâm niên nghề nghiệp 40 năm, tuy thấy đó là hiện tượng “lạ” nhưng tôi không ngạc nhiên, cũng không thất vọng. Bởi, nếu lướt qua đi những hiện tượng đó, thì đời sống xã hội những năm cuối thế kỷ đang đi vào một chuyển động âm thầm đầy nung nấu nơi những tầng sâu của hoạt động trí tuệ, để tìm đến những nhận thức và lý giải còn chưa mấy sáng sủa về thực tại. Từ cơ sở một nền kinh tế thị trường mới phôi thai, hướng vào sự đua tranh trong phạm vi luật pháp, cả xã hội dường như đang chuyển vào một tiến trình phân hóa và khu biệt cho mỗi lĩnh vực hoạt động được xác định bởi chính những đặc trưng riêng và tính quy luật của nó. Và do thế, phải từ những hoạt động rất sâu của trí tuệ mới mong tạo được mô hình lý luận cho sự khái quát thực tiễn, và cho những dự án, vốn bao giờ cũng ở dạng trừu tượng, không dễ ai cũng có thể hình dung. Nhìn như vậy để thấy mối liên hệ giữa lý luận phê bình và sáng tác văn học trong khuôn khổ hoạt động của Hội Nhà văn cũng chỉ là biểu hiện tự nhiên của bối cảnh chung. Sự bức xúc của lý luận cho một mô hình phát triển đang là một thực tế, nhưng không dễ ai cũng công nhận điều đó, nếu không nói là còn coi thường nó. Nói cách khác, nếu có nói đến một nền văn học mang tính thời đại ở thời điểm hôm nay thì theo tôi, hệ thống lý luận cũ không còn đủ nữa. Nó đang đòi hỏi một hệ thống mới, một diện mạo mới, chứ không thể là bất chấp, hoặc bỏ mặc cho thói quen tự nhiên và hồn nhiên của các quán tính cũ. Cũng tựa như nền kinh tế hôm nay trong định hướng xã hội chủ nghĩa đang ráo riết đi tìm một mô hình mới cho sự phát triển gồm cả tư nhân và Nhà nước, cả doanh nghiệp và trang trại... đó là hiện tượng suốt mấy thập niên trước đây trên Miền Bắc tuyệt chưa hề có. III Bao giờ cũng vậy, và bây giờ càng vậy: hoạt động lý luận phê bình như là một ý thức tự nhiên và tự giác của quá trình sáng tạo nghệ thuật phải trở thành một hoạt động chuyên trong đời sống văn chương- nghệ thuật. Có thể nói đó là ý thức của ý thức - cố nhiên đây là ý thức nghệ thuật. Để cho nó có thể hoạt động theo chính mục tiêu của nó, gắn với sáng tác nhưng độc lập với sáng tác cần có tổ chức riêng cho nó, chứ không thể là một bộ phận phụ thuộc, luôn luôn thiểu số, luôn luôn bị xem là non yếu, là bất cập trong Hội Nhà văn. Tức là có một Hội nghiên cứu lý luận phê bình (và có thể cả giảng dạy) cho số rất đông, đông hơn rất nhiều lần số hội viên Hội Nhà văn. Đối tượng này - đối tượng đọc, thẩm định và tiếp nhận, rất cần một hội nghề nghiệp để, một mặt hoạt động theo hướng chuyên sâu vào nghề, và mặt khác, có tác động tích cực vào đời sống sáng tác nói riêng, và đời sống tinh thần của xã hội nói chung, qua tiếp nhận nghệ thuật, như một đối tác bình đẳng. Nếu đã có những Hội châm cứu, Hội nuôi ong, Hội làm vườn, cùng rất nhiều Hội tương tự... thì sao lại không thể có một Hội nghiên cứu phê bình và giảng dạy văn học. Chừng nào chưa có một Hội nghề nghiệp như thế thì những băn khoăn và kêu ca về vai trò và vị trí của nó là không tránh được. Là còn kéo dài mãi mãi. Ở đây tôi chưa bàn đến vị trí và vai trò của một Hội nghề nghiệp như thế đối với đời sống học đường, đối với việc học văn và giảng văn trong các nhà trường phổ thông và đại học, luôn luôn lúc nào cũng là mối quan tâm chung của toàn xã hội, và có lúc thật sự là bức bối như hoàn cảnh hôm nay. Rõ ràng đã có một thực thể nghề nghiệp rộng lớn như thế trong đời sống xã hội mà số người tham gia là rất đông, so với con số rất nhỏ những người có thêm chức danh hội viên Hội Nhà văn. Là hội viên không trong “biên chế” của Hội Nhà văn họ được xem là có trách nhiệm trong việc khen chê, định hướng cho đời sống sáng tác cùng thời. Công việc đó nếu là thuận, là vui, là có ích thì họ làm, một cách tự nguyện. Còn nếu bị vướng những trở ngại nào đó, khiến cho công việc không thuận và mất vui thì họ lùi về những thiên chức khác, ngoài tư cách hội viên, cũng chẳng sao. Nhìn từ bản thân tôi và nhìn rộng ra nhiều đồng nghiệp khác tôi thấy hầu hết đều có cách xử lý ấy. Công việc thường ngày của họ là nhằm vào các mục tiêu khác, không dính gì lắm với những bàn tán, khen chê chung quanh một cuốn sách ra đời, hoặc một cuộc cãi cọ không có trọng tài. Cố nhiên, trong mục tiêu xa của nó thì các mối quan tâm của họ cũng không ra ngoài những hoạt động tinh thần của xã hội, trong đó có sáng tác văn chương, nghệ thuật. IV Nhìn vào đời sống văn học hôm nay thấy có một diện mạo không hiểu là nên vui hay nên buồn? Số người sáng tác bỗng trở nên rất đông đúc, chỉ mới trong 5 năm một nhiệm kỳ Đại hội mà có đến ngót 200 người được xét là hội viên. Tức là ngót một phần ba tổng số hội viên. Cùng với lượng sách xuất bản không đếm xuể là lượng bài trong các mục Đọc và Điểm sách, Giới thiệu sách cũng không đếm xuể. Xem ra phê bình cũng có sự nhộn nhịp của nó... Thế nhưng, theo ý riêng, tôi chưa bao giờ nghĩ việc đọc sách, điểm sách, giới thiệu sách như đang diễn ra trên khắp các mặt báo hiện nay của chúng ta là diện mạo đích thực của hoạt động lý luận phê bình. Dẫu khối lượng đọc, điểm này là không nhỏ, thậm chí là tràn ngập nếu so với mấy chục năm trước đây, đến một bài điểm sách cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng trong các tòa soạn... Đọc, điểm theo tôi chưa phải là phê bình, càng chưa thể là hoạt động của lý luận phê bình. Bởi vấn đề còn là đọc sách gì, và nói được gì trong sách đó. Còn nếu đó là sự đọc điểm bất cứ sách gì đến trong tay, hoặc vì một gửi gắm, nhờ cậy nào đó thì là việc ai cũng có thể làm, đâu cần có người chuyên. Và lợi ích gì cho cái chung, sau những khen chê đó. Và thật ra trong thế giới đọc- điểm đó làm gì có chê. Bởi chê, đó thường là cả một chiến dịch, một chủ trương cho nhiều người làm, hoặc một người làm, khi có báo động, thật hay giả. Còn việc đọc, điểm ở đây trên khắp các mặt báo thường chỉ có khen, thậm chí không tiếc lời khen. Khen đến xa xỉ. Tôi đã đọc khá nhiều những bài đọc- điểm như thế, lớn thì một hai cột báo, nhỏ thì bằng bao diêm có ký tên, hoặc không ký tên tác giả, khen một cuốn sách mới ra mà lời chữ thì cứ y như là chỉ để dành cho các bậc thầy, các đại gia trong làng văn chương. Thế nhưng ngay các đại gia họ cũng có những khiếm khuyết, những tỳ vết chứ đâu được hoàn hảo như thế! Khen như thế, khen đến thế, chẳng ai mất gì, ngoài chuyện được lòng nhau. Còn nhìn chung cho cả một nền văn học thì nó đem lại một hình dung qúa xa lạ hoặc sai lạc. Vì với diện mạo đọc, điểm ấy bỗng thấy ai ai cũng sáng giá, ai ai cũng tài năng. Và thấy chẳng còn gì phải băn khoăn hoặc ao ước về một nền văn học lớn đã sừng sững ở mọi nơi, mọi lúc! V Thu thật hẹp nhiệm vụ của lý luận phê bình là sự thẩm định, đánh giá, khen chê thì thế tất lý luận phê bình phải có đời sống sáng tác làm đối tượng. Nhưng nói đối tượng không phải là nói tất cả những gì đã được ấn hành, mà số lớn tác giả, trừ rất ít người bôi bác, cẩu thả, coi thường nghề nghiệp của mình, còn thì ai cũng đều nghĩ là mình đã huy động tổng lực tài năng và tâm huyết để viết nên tác phẩm. Phê bình không có trách nhiệm, và tuyệt không thể ôm hết khối lượng đồ sộ đó. Giá số lượng hội viên làm phê bình có đông lên hàng chục lần đi nữa và được ăn lương của Hội Nhà văn, và nếu mỗi người có đủ ba đầu sáu tay để làm việc đó, họ vẫn chẳng thể làm, và cũng không nên làm. Phê bình, theo nghĩa đích đáng của nó là phải gửi gắm hoặc nhe nhắm một ý tưởng gì đó thật sự quan trọng được gợi ra trong diện mạo chung và chiều hướng phát triển của đời sống văn học. Nói đòi hỏi không phải viết về bất cứ quyển sách nào mà là những cuốn sách có chuyện nói, có vấn đề. Những cuốn sách như một phát hiện của đời sống văn học, như hiện thân của một mô hình phát triển hướng tới cái sâu sắc, cái đa dạng, phù hợp với bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Để từ đó đạt một hiệu quả tích cực cho nhận thức lý luận của người sáng tác và của người tiếp nhận là công chúng nói chung. Một sự hô ứng nhịp nhàng trong phân công nghề nghiệp như vậy không phải là điều thường xảy ra. Và nếu đời sống sáng tác thường đi con đường nhộn nhịp tưng bừng của nó thì lý luận- phê bình thường chọn lối đi âm thầm và muộn mằn tựa như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân với phong trào Thơ mới, và Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan với chặng kết thúc của 30 năm văn học đầu thế kỷ. Thế nhưng nếu nhìn rộng ra cả một thời kỳ và mở rộng sự quan sát cho cả đời sống tư tưởng, học thuật nói chung thì trong lịch sử lại có những thời điểm tích tụ và bùng nổ rất đặc biệt. Nếu thời kỳ 1930- 1945 chứng kiến sự phát triển lên đỉnh cao của nhiều trào lưu sáng tác với các tên tuổi đạt đến sự hoàn thiện của tiến trình hiện đại hóa thì thời kỳ 1940- 1945, ở giai đoạn cuối của nó cũng đã được chứng kiến sự tích tụ những năng lượng tinh thần để cho ra đời những cuốn sách có giá trị thế kỷ, ngoài Thi nhân Việt Nam và Nhà văn hiện đại, còn là Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, Văn học khái luận của Đặng Thai Mai... Đó là những tên sách, tên người mà các thế hệ học thuật đến sau như chúng tôi luôn luôn lấy đó làm gương cho cuộc đời nghề nghiệp của mình. Và tôi hy vọng sớm muôn rồi chúng ta cũng sẽ đến với một thời như thế! VI Vui buồn nghề nghiệp - đó là một đối ứng làm nên diện mạo chung của mọi nghề nghiệp trong đời, trong đó có lý luận phê bình. Có những cuốn sách được trao giải, được xưng tụng, hoặc gây sôi nổi dư luận, nhưng sau sự ồn náo nhất thời, giá trị để lại chẳng là bao. Lại có công trình phải sống trong âm thầm rất lâu, không được ai chú ý, bởi hàm lượng trí tuệ của nó rất khắt khe trong lựa chọn người đọc, khiến không dễ ai cũng hiểu, hoặc ham thích tìm hiểu. Và chung quanh câu chuyện số phận của những cuốn sách, và gắn với nó là số phận của tác giả - có bao điều để nói về mọi nỗi được- mất, vinh- nhục ở đời. Nhưng lịch sử thì dường như không bao giờ chịu “rút kinh nghiệm”! Đọc bài viết của Hoài Thanh về cuốn Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh cách đây hơn 60 năm, tôi tìm được sự chia sẻ này, và để càng khẳng định: đó là một tình hình chung, ở đâu và lúc nào cũng vậy, chẳng thể nào khác được (2). Có một chú buồn cho nghề trong sự quạnh quẽ, và cả sự bạc bẽo của nghề, nhưng mặt khác, có một cái nghề cho mình ham thích và theo đuổi lại là một niềm vui và hạnh phúc, như một sự bù đắp ít nhiều. Biết bao lao động âm thầm vẫn cứ diễn ra quanh ta theo một sự phân công tự nguyện của cuộc sống, và trong sự miệt mài đến lầm lũi đó, tôi chợt hiểu một điều đơn giản: theo đuổi để có một sự nghiệp là cực khó, nhưng cho nó một diện mạo khiêm nhường, không cần khua chuông gõ mõ, thậm chí như là vô danh, tựa như nhiều bậc thầy đã quá cố, còn khó hơn gấp nhiều lần. Kiểu lao động nghề nghiệp thuần túy bằng các ý tưởng và nhằm mục tiêu duy nhất là tạo nên các ý tưởng - như một định nghĩa về người trí thức của Edgar Morin, không phải là thứ lao động tạo ra của cải vật chất, tạo nên các lợi ích cụ thể cho con người phấn chấn, vui mừng. Trái lại, đó là loại lao động trừu tượng, nhằm hướng tới một khái quát lý luân, trên sự theo đuổi trường kỳ và nhẫn nại của tri thức, chứ không tùy thuộc chủ yếu vào cảm hứng xuất sáo, bất thần. Tôi hình dung lao động của lý luận- phê bình cũng là thuộc dạng đó. Và tôi hiểu vì sao con số những nhà lý luận- phê bình có tư chất học giả là rất ít ỏi, rất hiếm hoi vào bất cứ thời nào. Một sự hiếm hoi và trống trải đến phát sợ (3). Bởi con đường họ theo đuổi là con đường của tri thức được tích lũy và tiêu hóa, tức là con đường của học vấn, lại đồng thời là con đường ráo riết của tư duy trừu tượng. Phải như vậy họ mới nhìn được các mô hình cho sự phát triển, và đưa con người vào các phát kiến để nhận thức và làm thay đổi thế giới, trong đó có thế giới khoa học và nghệ thuật. VII Đời sống khó khăn, lao động trí tuệ rẻ giá - đó là thực tế diễn ra từ nhiều năm, nhưng chẳng nên là chuyện đáng phải kêu ca. Bởi kêu ca chẳng làm thay đổi được tình hình. Mặt khác, đối với các sản phẩm tinh thần, càng là sản phẩm tinh thần có giá trị, thì sự xuất hiện của nó tuyệt không phải do sự thúc bách của tiền. Biết bao áng văn được viết trong khổ cực, túng đói, thậm chí trong bủa vây và truy đuổi, mà vẫn hay, thậm chí còn là tuyệt tác, bởi trước hết nó là kết quả của một bức xúc tinh thần và nội tâm. Nhìn toàn bộ nền văn học trước 1945, tôi ít thấy có ai được thanh thản về tiền nong. Từ Tú Xương qua Tản Đà đến Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao... tất cả đều bị cái đói bao bọc. Viết để sống- sinh ra ở đời ít ai thoát nổi sự ràng buộc đó, nhưng sống để viết - đó mới chính là tự do lớn nhất không có bất cứ quyền lực nào can thiệp được. Nếu viết để sống vẫn có thể cho ta những ánh văn hay, thì sống để viết mới là con đường đưa đến các tuyệt tác. Tôi mong sớm có một diện mạo mới trong lý luận phê bình phản ánh trung thực những nỗ lực mới của đời sống sáng tác, và cũng phản ánh đúng tiềm năng và tâm nguyện của đội ngũ lý luận phê bình. Cần một nền phê bình có chiều sâu tư tưởng- học thuật, không kể sự công minh, để lấy lại vai trò và uy tín của nó như một khoa học của nghệ thuật, và với sức hấp dẫn, thậm chí còn là say người, của một nghệ thuật của khoa học. Đối với tôi, các bậc thầy sáng tác là nhiều, thậm chí là rất nhiều. Nhưng bậc thầy của nghiên cứu- phê bình thật hiếm hoi. Đó cũng là một cái khó cho mình.. Tôi đã “đọc” được, và còn tiếp tục tìm đọc về cuộc đời nghề nghiệp không ít chìm nổi, băn khoăn của Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn. Tôi đã có nhiều dịp chứng kiến sự vất vả của Đặng Thai Mai trên các trang bản thảo. Và chia sẻ nỗi phiền muộn của Hoài Thanh khi ông phải đọc những bài phê bình không có văn (hoặc “văn như bổ củi”- chữ dùng của ông), với những sai sót rất khó tha thứ, ở một vài người từng mang danh là nhà phê bình. VIII Trong một bài viết gần đây nhân Đại hội Nhà văn (4), tôi có nói, như một nhắc nhủ mình, về sự cần thiết phải tự lượng sức, tránh cái ham hố đưa duyên với mọi người, bao sân thảy mọi thứ, chen vai với tất cả trước một đời sống văn học quả rất bộn bề, nhiều giọng điệu và thường gây tranh cãi như hiện nay. Tự lượng không phải để né tránh, mà là để cân nhắc, biết mình nên làm gì và có thể làm được đến đâu. Và theo lẽ tự nhiên là để có thể lùi lại, lấy cái nhìn lịch sử soi vào hiện tại. Một thế kỷ văn học sôi động nhất trong lịch sử văn học dân tộc đang kết thúc, và để lại không ít bài học mà chỉ ai thật ngây thơ hoặc thật liều lĩnh mới dám quay lưng lại với nó. Lịch sử là lịch sử của những bài học, và con người chỉ có thể tìm được sự chủ động trong những am hiểu về nó, thay vì trải qua nó. Lịch sử thế kỷ XX mở đầu là phong trào duy tân và kết thúc là công cuộc Đổi mới. Ở hai định danh đó, con người phải thay đổi, hoán cải rất dữ dội những suy nghĩ đã thành nếp quen hàng nghìn năm, hoặc nhiều chục năm. Thế kỷ XX- ở phần cuối của nó lại tiếp cận với cuộc Cách mạng khoa học lần thứ ba sản phẩm của Văn minh trí tuệ và Kỷ nguyên thông tin, đưa đến hệ quả Toàn cầu hóa, với tất cả cơ may và thách thức của nó, càng hứa hẹn những bất ngờ khó có thể dự đoán, khiến con người không được nô lệ bởi các nếp quen. Tôi nghĩ, dẫu hoạt động ở bất cứ lĩnh vực nào, trong thời điểm hôm nay, con người đòi hỏi một tư duy, hoặc một cảm nhận có chiều sâu tư tưởng và triết học, phù hợp với trình độ nhận thức và tư duy của thời đại. Có được sự hứng thú đó và tìm được sự nhất trí đó- tôi nghĩ nền văn chương- học thuật của chúng ta sẽ có một tương lai không chỉ là đáp ứng mà còn nâng cao tầm người đọc, không chỉ là tương xứng với dân tộc, mà còn là không mờ nhạt trong hội nhập với nhân loại. Thành phố Hồ Chí Minh 15- 16/ 5- 2000 P.L (138/08-00) -------------------------------------------- (1) Trường Chinh - Về phê bình văn nghệ - TC Văn học số 11 - 1969 (2) Bởi những lẽ ấy, tôi tưởng đọc văn hóa sử Việt Nam là một điều cần với tất cả những ai lưu tâm đến vận mệnh nòi giống. Ấy thế mà quyển sách ông Đào Duy Anh ra đời, dư luận hết sức lạnh lùng. Đáng lẽ, không khen thì chê, dầu sao một quyển sách như thế phải được người ta nói tới. Đằng này công chúng dửng dưng như không. Ấy chỉ vì Việt Nam văn hóa sử cương là một quyển sách khảo cứu. Mà sách khảo cứu thì công chúng xứ ta mấy năm gần đây tuồng như không biết đến nữa. Người ta chỉ xem những thứ gì không cần phải nghiền ngẫm, suy nghĩ; người ta chỉ xem để giết thì giờ, để giải trí, không có mục đích gì khác..." (Tao đàn số 11-1939; Sách Bình luận văn chương; Nxb.Giáo dục; H;1998;tr.184). (3) Theo nhận xét của tôi, số người nghiên cứu có tư cách học giả trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn ở ta hiện nay là cực kỳ ít ỏi. Mở rộng ra đội ngũ có học hàm Giáo sư chung cho tất cả các ngành khoa học thì, theo một thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo gần đây, số người có học hàm Giáo sư công tác ở các trường Đại học và Cao đẳng trong cả nước là 327 người, chiếm tỷ lệ 1,17% tổng số giáo viên Đại học và Cao đẳng (Báo Tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh, số ra ngày 9-5-2000). Xét riêng trong khoa nghiên cứu văn học, thì số người có học hàm Giáo sư công tác ở các trường Đại học, Cao đẳng, và cả các Viện nghiên cứu chỉ có 19 người - chung cho cả Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài và Lý luận văn học - trong đó 11 người đã về hưu và trên 70 tuổi. (4) Chuyện đời - Chuyện nghề; Báo Văn NGhệ số 20, 13-5-2000. |