Nghiên Cứu & Bình Luận
Phê bình văn học ở Việt Nam những năm gần đây
10:18 | 13/05/2010
ĐỖ ĐỨC HIỂU* Thưa ông, qua hai tác phẩm gần đây nhất của ông, tôi được biết ông quan tâm nhiều đến vấn đề Phê bình Văn học ở nước ta. Theo ý ông, Phê bình, Nghiên cứu Văn học ở Việt Nam những năm gần đây có biến đổi gì không? Hay nó dậm chân tại chỗ như một vài người đã nói?
Phê bình văn học ở Việt Nam những năm gần đây
GS Đỗ Đức Hiểu - Ảnh: 100years.vnu.edu.vn
- Cám ơn cô, đúng vậy, tôi rât quan tâm đến Phê bình Văn học, đến lý luận và nghiên cứu văn học ở nước ta. Sở dĩ trong hai tác phẩm gần đây của tôi, tôi nói nhiều đến Phê Bình Mới ở Pháp, về Thi pháp hiện đại, về Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, truyện ngắn ở phương Tây, bởi vì tôi thấy nhiệm vụ của tôi là phải phổ biến với người đọc Việt Nam những thành tựu to lớn của Pháp (và phương Tây nói chung) về lĩnh vực này. Có thể nói, ở phương Tây phê bình lý luận, nghiên cứu văn học ở thế kỷ 20 trải qua một cuộc “cách mạng” chưa từng thấy trong lịch sử văn học thế giới. Khởi đầu là ngôn ngữ học hiện đại của Saussure, tiếp đó các nhà “hình thức chủ nghĩa Nga” với những tên tuổi lừng lẫy, như Bakhtine, Jakobson, Lotman, Chklovski. Rồi Phê bình mới (New Criticism) ở Anh và Mỹ. Những năm 60 thế kỷ này, phong trào Phê bình Mới (Novelle Critique) nở rộ ở Pháp, từ trung tâm này, cuộc cách mạng Phê bình Văn học lan tỏa đi khắp thế giới và được thế giới chấp nhận. Tôi xin lỗi, tôi nói thừa, bởi vì tôi đã nói kỹ trong hai cuốn Đổi mới phê bình văn học (1994) và Đổi mới đọc và bình văn (1999) của tôi. Nhiều nhà nghiên cứu văn học phương Tây, hoặc am hiểu nó như Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Phùng Văn Tửu, Trần Đình Sử, Lê Hồng Sâm, Lộc Phương Thủy, Đào Duy Hiệp, Trần Hinh... đã giới thiệu nhiều thành tựu của Phê bình Mới, tôi nghĩ người đọc Việt Nam sẽ không thờ ơ trước những biến đổi lớn lao của phương Tây. Giao lưu văn hóa hiện nay là hiện tượng toàn nhân loại, toàn thế giới.

* Vậy theo ông đã có những thay đổi trong Phê bình Văn học ở Việt Nam những năm gần đây?

Đúng vậy. Cách đây trên mười năm, các nhà Phê bình Việt Nam hay dẫn Bielinski, Lukacs, Timofeev, Khrapchenco... Bây giờ Bakhtine, Jakobson, R. Barthes, Genete... đã hơi quen tai với một số người đọc Việt Nam. Tiếc rằng lực lượng am hiểu Phê bình Mới quá mỏng, quá ít ứng dụng vào Phê bình Văn học Việt Nam, nó chưa đủ sức tạo nên một “trào lưu” Phê bình Mới, cho nên những tiếng nói thường rơi vào im lặng. Có mấy ai nhớ Đặng Thị Hạnh đã phê bình rất hay thơ Quang Dũng, Thâm Tâm, Xuân Diệu hoặc Đặng Anh Đào viết về Nguyễn Huy Thiệp, về Nam Cao. Đầu năm 2000 này, tôi đọc được ba quyển phê bình, nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy: Con mắt thơ (in năm 1992, tái bản năm 1994, 1998), Hồ Xuân Hương- hoài niệm phồn thực (1999) và Từ cái nhìn văn hóa (1999), tất cả tổng cọng trên 1300 trang. Điều đáng ghi nhớ ở những tác phẩm phê bình, nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy là tác giả kết hợp được lý luận với xúc cảm mà trước kia, trước 1945 thường bị tách rời, hoặc như phương pháp Lanson, có thể kể các công trình của Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi... người ta chú ý nhiều đến lý luận, đến khách quan, nhẹ về tình cảm, cảm xúc, hoặc người ta chú trọng đến trái tim cảm xúc như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư... nhẹ về khách quan, về lý luận. Còn các tác phẩm hiện nay của Đỗ Lai Thúy đã kết hợp được hai vấn đề lý luận và cảm xúc một cách tự nhiên. Phải thật công bằng mà nhận xét rằng từ năm 1945 đến nay, một nửa thế kỷ đã trôi qua. Trong nửa thế kỷ này phê bình, nghiên cứu văn học của nhân loại đã đạt những thành tựu to lớn, văn học là nghệ thuật ngôn từ, tức là những ký hiệu văn chương chứa đựng trong bản thân nó biết bao ý nghĩa rõ ràng và tiềm ẩn, ý nghĩa bề mặt và ý nghĩa chièu sâu. Thứ hai, văn bản được khai thác dưới dạng cấu trúc, nó như một mạng lưới với một cấu trúc đặc thù, âm thanh với âm thanh, ngữ nghĩa với ngữ nghĩa, ngữ pháp với ngữ pháp, những yếu tố này liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một văn bản đa âm sắc.

* Đấy là nói đến sự đổi mới của phê bình hiện nay với phê bình trước đây một nửa thế kỷ. Thế còn phê bình hiện nay có biến đổi gì so với phê bình cách đây trên một chục năm?

Tôi nghĩ rằng có và biến đổi nhiều, chủ yếu về chất lượng. Song, tôi xin nhắc lại, số lượng bài phê bình sách phê bình qúa mỏng, không gây được sự chú ý của đa số độc giả. Biến đổi thế nào? Trước đây tiếng nói phê bình chỉ tập trung ở một kênh, kênh xã hội học, tất nhiên nó đã đạt được một số thành tích. Song do những hoàn cảnh xã hội lịch sử, nó không được hiện đại hóa. Nhiều người tưởng rằng trên thế giới chỉ có một tiếng nói của Phê bình Văn học ấy, hoặc nó là duy nhất đúng, không thể tranh cãi. Họ không hiểu rằng từ đầu thế kỷ này, Sausure, các nhà hình thức chủ nghĩa Nga, các trào lưu Phê bình Mới đã có những sáng tạo tuyệt vời trong lĩnh vực Phê bình Văn học. Có những nhà phê bình theo phương pháp ngôn ngữ học, phong cách học, hoặc phân tâm học Freud, Jung, phương pháp triết học, không loại trừ phương pháp xã hội học. Bởi vậy, một văn bản được soi sáng dưới nhiều khía cạnh nên nó trở nên phong phú bội phần.

* Ông có thể nêu một số thí dụ?

Tác phẩm Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực phát hiện phồn thực là nguyên lý triết học của thơ Hồ Xuân Hương, vấn đề được tranh cãi trong một thế kỷ nay, tôi nghĩ phương pháp giải quyết của Đỗ Lai Thúy là thuyết phục hơn cả. Nó có tầm nhìn sâu rộng về quá khứ, về lịch sử loài người. Phồn thực có tính thiêng liêng khi con người chưa tách biệt với vũ trụ, cây cỏ và động vật. Về sau với sự ra đời của đạo Phật, Đạo giáo, Nho giáo, phồn thực, Iinga và Yoni, hoạt động tính giao mới bị coi là cái gì tục tĩu, dâm đãng, phải cấm đoán và phồn thực phải bị che giấu dưới những tấm voan, nửa kín nửa hở để có thể tồn tại. Thơ Hồ Xuân Hương “hoài niệm” phồn thực là như vậy, đó cũng là một tìm tòi, một khám phá của Đỗ Lai Thúy. Bài học mà người đọc, nhất là người phê bình văn học rút ra từ ba tác phẩm của Đỗ Lai Thúy là phải có một trình độ văn hóa khá đầy đủ lịch sử phát triển của loài người, triết học (triết Đông và triết Tây), dân tộc học... mới có thể đánh giá được tác phẩm văn chương. Có một “nền” văn hóa trong con người mình, người phê bình văn học mới có khả năng sáng tạo. Một bài học khác có thể rút ra từ ba tác phẩm của Đỗ Lai Thúy là người đọc, người phê bình văn chương phải luôn hiện đại hóa bản thân mình, hiện đại hóa những kiến thức của mình. Làm công việc phê bình thật nhiều gian nan. Trong tác phẩm Từ cái nhìn văn hóa, tôi rất thích chân dung các nhà khoa học Việt Nam: Hoàng Xuân Hãn, Từ Chi, Thái Bá Vân, những cuộc đời trong sáng đầy hi sinh và lý tưởng cái Đẹp, vì vậy đầy sáng tạo không nề hà “những búa rìu” dư luận, định kiến sai lầm và ác độc. Từ Chi và Thái Bá Vân là những nhà khoa học như vậy. Các ông đã trả lời thẳng thắn các vấn đề Văn học là gì? Chức năng của nó? Với các ông, nghệ sĩ thường là những người “cô đơn”, xa lạ với thế giới xung quanh.

* Còn Con Mắt Thơ, thưa ông, có gì mới?

Con Mắt Thơ
viết về Thơ Mới (1932- 1945). Hoài Thanh đã viết về “thời đại thi ca” lớn lao đó. Gần đây, nhiều luận án tiến sĩ từ Nam chí Bắc viết về Thơ Mới, về Xuân Diệu... Và Đỗ Lai Thúy cũng viết về trào lưu Thơ Mới. Do hoàn cảnh lịch sử, sự biến đổi của phê bình văn học trên thế giới từ những năm 60 vừa qua. Đỗ Lai Thúy đã kết hợp được sâu sắc lý thuyết với cảm thụ, lý trí với trực giác. Theo tôi nghĩ cho đến bây giờ, về phương diện cảm thụ, xúc cảm, chưa ai vượt được Hoài Thanh, một cây bút đầy rung động tế nhị, tinh tế với phong cách dịu ngọt thấm sâu vào trái tim người đọc. Còn ngòi bút của Đỗ Lai Thúy lại “khoa học”, “khách quan” hơn, anh đã viết ba chương trong Con Mắt Thơ về ba nhà thơ Đinh Hùng, Bích Khê, Hàn Mặc Tử và có những đóng góp mới so với Thi Nhân Việt Nam.

Cuối cùng tôi xin lỗi nhà phê bình nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, bởi vì bên trên, tôi mới chỉ nói được những cảm nhận ban đầu của tôi về ba tác phẩm của anh. Còn nhiều bài học cho người đọc chúng ta có thể rút ra từ ba tác phẩm ấy. Như vậy, tôi thấy rằng phê bình văn học ở Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ này có nhiều biến đổi cơ bản, cần xem xét, định giá cho đúng.

Xin cám ơn giáo sư Đỗ Đức Hiểu

ĐÀO MAI TRANG thực hiện
Hà Nội 6 - 2000
(138/08-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyện nghề (10/05/2010)