Nghiên Cứu & Bình Luận
Con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ: con đường từ trái tim
15:30 | 09/07/2010
TÔ NHUẬN VỸ(Nhân hội thảo con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội từ 31/5 đến 3/6)
Con đường văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ: con đường từ trái tim
Nhà thơ Kevin Bowen, giám đốc trung tâm William Joiner - Ảnh: laodong
1- Việc đưa văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ trong gần ba mươi năm qua, không một tổ chức nào có thể thay thế vai trò của William Joiner Center (WJC) thuộc Đại học Massachusetts (MA) tại Boston. Thành lập tháng 10/1982, WJC hướng hoạt động của mình vào nghiên cứu, quan tâm, giúp đỡ các cựu chiến binh, đa phần thuộc tầng lớp bình dân, trở về từ Việt Nam trong việc hòa nhập trở lại đời sống dân sự cũng như học tập, lập nghiệp, sức khỏe và đời sống tinh thần.

“Phải nói sự hình thành WJC là một sự kiện kỳ diệu vì nó chỉ có thể xẩy ra ở thành phố Boston,tiểu bang Massachusetts (MA) mà không thể xẩy ra ở bất cứ tiểu bang nào khác trên nước Mỹ giai đoạn đó. Là một Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đại học Công, nhận tiền tài trợ của ngân quỹ tiểu bang, nhưng nó lại mang màu sắc phản chiến và tiến bộ! Đó là vì MA là tiểu bang phản chiến mạnh nhất nước Mỹ. Trong cuộc tranh cử Tổng thống giữa Nixon và Mc. Govern năm 1972, Nixon đã thắng phiếu ở 49/50 tiểu bang, riêng MA bỏ phiếu cho ứng cử viên phản chiến Mc.Govern!”(1)

WJC đã chọn văn học là lĩnh vực hoạt động độc đáo trong các hướng hoạt động đa dạng của mình mà không một tổ chức cựu binh nào ở Mỹ có được về phạm vi và chất lượng như thế. Và vì Việt Nam, WJC hoạt động không chỉ trên lãnh vực văn học, thậm chí có vẻ như “xa” với Văn học, nhưng ngay ở tất cả những hoạt động “xa” văn học đó đều bằng trái tim nhân ái cao cả và chính tấm lòng đó cũng là những con đường nhánh, những ngõ ngách góp sức đưa nhanh Văn học tới với con người. Nhiều người lính quân dịch từ Việt Nam về đã quy tụ quanh WJC và dần trở thành những nhà văn nhà thơ, trong đó có người đã được giải thưởng quốc gia. Văn học xoa dịu vết thương tinh thần của chính họ và nó đã góp phần đặc biệt xóa bỏ mặc cảm tội lỗi khi họ đến với Văn học Việt Nam, khi họ trở lại Việt Nam, kiên trì giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Hoa Kỳ suốt hai mươi tám năm qua, thiết lập một nhịp cầu đặc biệt cho tình hữu nghị của hai dân tộc.

Từ ngay sau ngày ra đời, WJC đã dịch và giới thiệu cho người đọc tiếng Anh về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Hồ Chí Minh… tiếp đó WJC đã đưa đến độc giả Mỹ nhiều bản dịch chất lượng cao, với sự cộng tác của nhiều nhà thơ nhà văn Việt Nam: Thơ Thiền Lý-Trần, Thơ từ tài liệu chiến trường (Nhiều tác giả ), Người đàn bà gánh nước sông (Nguyễn Quang Thiều), Song núi (thơ Việt Nam qua các cuộc chiến), Đường xa (Nguyễn Duy), Sáu nhà thơ Việt Nam; Cây thời gian (Hữu Thỉnh), Từ góc sân nhà em (Trần Đăng Khoa), Thời xa vắng (Lê Lựu)… và nhiều đặc san về thơ văn Việt Nam.

 Vượt qua bao khó khăn về chính trị và tài chính, hơn năm mươi nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được WJC mời sang dự các cuộc hội thảo văn học hè hàng năm, tham gia một số chương trình nghiên cứu và thăm Hoa Kỳ đồng thời tổ chức cho đông đảo nhà thơ nhà văn Hoa kỳ, trước hết là các nhà thơ nhà văn cựu chiến binh, thăm lại Việt Nam và tham gia nhiều hoạt động văn học, văn hóa tại Việt Nam. Những cuộc đi-lại này có một tác động cực kỳ mạnh mẽ mà không có bất cứ hình thức nào thay thế được. Hàng nghìn cuộc nói chuyện, tiếp xúc, trao đổi, đọc thơ, đọc văn xuôi… vô cùng tâm huyết, trung thực giàu sức cuốn hút, với nội dung nhiều bất ngờ, của các nhà thơ nhà văn Việt Nam như Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lý Lan, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Tô Nhuận Vỹ… và cả của các nhà đạo diễn kiệt xuất Trần Văn Thủy, Đặng Nhật Minh… trên khắp nước Mỹ, suốt hơn hai mươi năm qua, từ thời còn bị cấm vận ngặt nghèo đến thời cởi mở hiện nay, đã giới thiệu một diện mạo sáng sủa của nền văn hóa cao cả, giới thiệu một dân tộc bất khuất mà khao khát tột cùng được sống trong hiếu hòa cùng bè bạn bốn phương, với đông đảo nhân dân Mỹ, đặc biệt với trí thức, sinh viên các trường đại học, các trung tâm văn hóa lớn của Hoa Kỳ. Công lao đó trước hết thuộc về các anh các chị của WJC do Kevin Bowen lãnh đạo!

Nhiều đoàn nhà văn nhà thơ cựu chiến binh, các nhà giáo, sinh viên… Hoa Kỳ đã được WJC tổ chức thăm Việt Nam, thăm chiến trường xưa. Người cựu binh Kevin Bowen bồi hồi khi đến Nghĩa trang Trường sơn. “Suốt một giờ đồng hồ tôi lẳng lặng tách riêng ra khỏi đoàn, một mình lang thang hết mộ này sang mộ khác, lòng bàng hoàng với một cảm giác mất mát không cùng. Tôi nhớ đã ghi tên của ba người lính nằm yên nghỉ ở đó, tử trận trong thời gian tôi có mặt ở Quảng Trị. Cuộc đời tôi lại một lần nữa thay đổi từ những chuyến đi này…”(2). Và những người lính phản chiến xưa cùng với lòng nhân ái của nhà thơ, nhà văn trong tâm linh họ lúc này đã giúp họ có sức mạnh để làm lại cuộc đời, một cuộc đời có ý nghĩa hơn những gì họ đã làm trước đó. Họ vận động cung cấp viện trợ giáo dục, y tế cho Hà Nội, Hội An, Tây Ninh, Hóc Môn… Ngay trên vùng đất đau thương Trị Thiên Huế, họ đã vận động giúp máy móc thiết bị cho Bệnh viện TƯ Huế, giúp máy trợ thính cho Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật và nhiễm chất da cam ở Nước Ngọt và Trường tiểu học Thuận Thành, phối hợp với Đại học Huế tổ chức chương trình tìm hiểu văn hóa Việt Nam thời gian ba tuần trong nhiều năm, giúp một số giảng viên tiếng Anh qua học chương trình thạc sĩ tại Đại học Massachusetts, “nối mạng” để đưa đoàn nghệ thuật Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ tham gia liên hoan dân nhạc quốc tế Lowell là Đoàn ca Huế của Hội Văn nghệ Thừa thiên Huế năm 1995…

Đặc biệt, vấn đề hòa hợp hòa giải của dân tộc hết sức nhạy cảm của Việt Nam, đã được WJC chú ý từ rất lâu, từ chính thực tế “xương máu” trong các tổ chức hoạt động của mình, từ những năm chín mươi của thế kỷ trước. Các cuộc biểu tình, ẩu đả, phá rối những buổi đọc thơ, đọc văn của các nhà thơ nhà văn từ Việt Nam sang, các tờ rơi đe dọa sát hại, các cuộc nghe lén điện thoại cho đến các viên đạn bắn thẳng vào nhà nào “chứa chấp nhà văn cộng sản”… của những thế lực cực đoan trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt khiến anh em WJC thực sự “toát mồ hôi”, vì họ không hề quen đối phó với loại miệng hô hào dân chủ đa nguyên nhưng hành xử như những kẻ lục lâm thảo khấu. Nhiều trường hợp những nhà thơ “đô con” như Bruce Weigl, Kevin… phải đưa thân mình ra đỡ đòn cho những nhà văn, nhà thơ “nhỏ thó” như Nguyễn Quang Sáng, Trần Đăng Khoa…! WJC cho rằng các nhà thơ, nhà văn Việt Nam trong và ngoài nước có thể và nên làm một nhịp cầu tiên phong cho quá trình hòa giải hòa hợp dân tộc. Cần phải và nên đi tiên phong trong việc xóa bỏ vết thương chiến tranh đau đớn đã quá lâu này của dân tộc Việt Nam. WJC ra sức tìm kiếm nguồn tài trợ để tổ chức chương trình nghiên cứu, khảo sát, đề xuất… các hoạt động theo ước vọng cao cả này.

Tại Thư viện Thơ Đại học HARVARD, hè 1994.
- Hàng sau, từ trái qua: Kevin, hai nhân viên Thư viện Thơ HARVARD, Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ M.Colline.
- Hàng trước từ trái qua: nhà thơ F.Marchant, Trần Đăng Khoa, Tô Nhuận Vỹ, Phạm Tiến Duật.

Chương trình đã mời nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà tôn giáo… trong nước và nước ngoài tham gia. Từ Việt Nam tham gia chương trình này có các anh chị Huệ Chi, Hoàng Ngọc Hiến, Trần văn Thủy, Đặng Nhật Minh, Lý Lan, Tô Nhuận Vỹ… Trong số các nghiên cứu này, chuyên luận Nếu đi hết biển của Trần Văn Thủy đã được WJC in thành sách và chuyên luận Nhà văn Việt Nam: Đổi mới và hội nhập của Tô Nhuận Vỹ được công bố trên liên mạng đã gây nên một chấn động đặc biệt, có lúc thật gay gắt, dữ dội trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Dù có không ít người đọc không tán thành, thậm chí phản đối gay gắt một số quan điểm, hoặc toàn bộ hai chuyên luận này (cũng như ngược lại), nhưng có một thực tế không thể chối cãi là: lần đầu tiên, sự gặp gỡ, sự đối thoại, sự tranh luận, sự thẳng thắn đối chọi tư duy của các nhà văn, của các nhà văn hóa vốn ở “hai đầu chiến tuyến”, đã diễn ra, được chấp nhận diễn ra. Không có tranh luận, không có trao đổi không thể đi đến chân lý, không có gặp gỡ, chia xẻ (kể cả sự khác biệt) thì không thể hòa giải, hòa hợp. Điều đó là cực kỳ quan trọng mà đến khi hai chuyên luận này được công bố, chưa một tổ chức nào trên thế giới quan tâm đến Việt Nam sau chiến tranh làm được, trừ WJC. Mới là sự khởi đầu nhưng là sự khởi đầu có một tầm nhìn đặc biệt này cũng thuộc về WJC!

Cũng cần biết rằng, để có các chuyên luận này, cũng như các chuyên luận có chất lượng khác của các tác giả được mời từ Việt Nam sang, WJC đã làm biết bao việc, từ dàn xếp, thuyết phục, bố trí chương trình, từ mua các loại vé tàu bay, tàu lửa, ô tô đến chỗ ăn nghỉ “đặc biệt” ở các “khách sạn 6 sao” là chính tại gia đình của các nhà văn, nhà thơ nguyên “ở bên kia chiến tuyến”. Để “hai phe” cùng ngủ, cùng ngáy, cùng uống trà buổi sáng, cùng cụng rượu nửa đêm, cùng rỉ rả tâm sự đến cùng đập bàn tranh luận… để rồi cùng ôm nhau mày tao ứa nước mắt thân thiết, cùng lên án những gì đã đẩy xa anh em đồng bào ở hai đầu chiến tuyến cho nhân dân đau đớn và Tổ quốc hoang tàn. Đó là việc làm tưởng đơn giản nhưng thật ra vô cùng phức tạp, nhất là gần chục năm trước đây và ngay tại những nơi nhạy cảm như ở trung tâm quận Cam, ở Washington DC…

2- Tôi không thể không nói thêm về những khó khăn, thách thức mà các anh chị trong WJC đã chịu đựng và vượt qua để có thể tồn tại và hoạt động như thế trong hai mươi tám năm qua.

Kevin Bowen nhớ lại: “Quả thực là ở Mỹ chúng tôi đã phải đối mặt với những chống đối, những đe dọa, những phá phách nhằm triệt tiêu nguồn ngân quỹ của chúng tôi”, “một thời các đại lý vé máy bay không tổ chức và không cho phép mua vé máy bay sang Việt Nam nếu không có giấy phép theo luật cuả Bộ Ngân khố Mỹ. Hoàn toàn lúc đó không có điện thoại, máy Fax và đường giây thư tín. Không có internet, không điện thoại di động. Du khách bay từ Mỹ qua Bangkoc chờ xin cấp visa vào Việt Nam và sau đó khi về nước, họ bị tách khỏi liên hệ với phần còn lại của thế giới”…(3)

Khi nhóm chúng tôi gồm Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa và tôi qua dự hội thảo hè 1994, lực lượng chống đối đã theo sát đoàn vì lịch trình làm việc đã được WJC thông báo công khai. Ví dụ cuộc đọc thơ của Duật, Thiều, Khoa ở nhà thờ khu trung tâm hoặc cuộc trích đọc tiểu thuyết Phía ấy là chân trời của tôi tại thư viện công cộng thành phố đã được thông tin công khai hơn hai tháng trước đó. Bạn phải tổ chức bảo vệ hoặc thuê cảnh sát bảo vệ các cuộc đọc tác phẩm này. Bởi mấy hôm trước chúng tôi đã bắt được tờ rơi giết chết bọn cộng sản thả ở lầu mười ngay văn phòng của WJC. Đêm về, trong căn nhà 26 đường Person mà WJC thuê cho bốn người ở, chúng tôi phải phân công nhau ngủ sao cho khi “lâm sự” sẽ dễ bề bảo vệ mình. Người “đứng mũi chịu sào” phải nằm sát cửa ra vào là Nguyễn Quang Thiều bởi thân hình rất “cụ trâu” mà chúng tôi chắc mẫm thế nào cũng biết đôi ba miếng võ. Thiều tỉnh rụi: “Anh yên tâm, bọn chúng muốn vô được phòng anh và Khoa phải… bước qua xác em!”. Duật giành chỗ tiếp giáp “mặt trận” để cuộn tròn trong cái chăn len và phân công tôi “mày nằm trong cùng vì là thương binh, lại có nhiệm vụ bảo vệ chú út Khoa!”. Sáng sớm hôm sau, khi chúng tôi đang ngủ vùi vì vừa qua cuộc đàm thoại viễn liên dài hơn ba tiếng đồng hồ với các anh Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường, Cao Xuân Huy… bên Cali, đúng lúc bốn chúng tôi đang mệt mề bởi giấc ngủ muộn thì Nguyễn Bá Chung tới, khẽ khàng bấm Thiều, Duật dậy. Duật bấm tôi và Khoa, ra dấu tuyệt đối im lặng, theo Chung ra xe ô tô đậu gần đó. Chung cũng mới về nhà sau cuộc đàm thoại kết thúc. Chung giăng trước mặt chúng tôi một mảnh giấy viết nguyệch ngoạc dòng chữ: Trong xe có thể có máy ghi âm, không nói chuyện.! Rồi Chung lái xe vòng vèo qua nhiều con đường, quặt trái rồi quặt phải, rồi lộn lui lộn tới như xiếc để kiểm tra xem có cái đuôi nào theo chúng tôi không. Giữa không khí im lặng căng thẳng cân não như trong phim hành động của Mỹ, Trần Đăng Khoa bật lên:

- Có ghi âm thì ghi này: bọn tớ đang muốn thành anh hùng nổi tiếng mà chưa biết cách nào đây. Thì quý vị giúp bọn tớ bằng cách ra tay đi!

Cả bọn ngớ ra một thoáng rồi bật cười xòa. Thằng Khoa này hay thiệt, mắc mẹ gì mà hết hơi sớm rứa! Chung dẫn cả bọn tới một quán Cà Fê dưới một tầng hầm và cho biết toàn bộ cuộc nói chuyện đêm qua đã bị ghi âm. Băng ghi âm đã bỏ ngay vào sọt thư báo của Chung sáng nay. Đây! Cả bọn quyết định ra bờ sông Charles, bỏ xe một nơi và đi tới một bờ cỏ cách xa xe đủ để nếu chúng có đặt máy ghi âm trong xe cũng mất tác dụng. Tranh luận, phân tích xem bọn xấu có âm mưu gì mà dọa nạt kiểu này. Cuối cùng thống nhất theo ý của Thiều: bọn này chưa phải tụi muốn xin chúng mình tý tiết bây giờ đâu. Chúng chỉ cho chúng ta biết rằng, chúng theo từng bước, không được làm gì chọc tức chúng. Và dĩ nhiên, với Chung thì sự cảnh cáo đó rõ ràng hơn: dừng ngay việc tiếp tay cho bọn văn hóa cộng sản này ! Chúng tôi yên tâm với phân tích của Thiều vì Thiều là người thường có sáng kiến giải quyết mọi trở ngại, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Với WJC, Thiều là người cần mẫn, kiên trì hỗ trợ việc dịch thuật, kiên trì giúp đỡ việc giới thiệu tác phẩm của Việt Nam tới độc giả Mỹ, là nhà văn Việt Nam có tác động to lớn và thường xuyên tới nhiều hoạt động của WJC và được WJC vô cùng quý mến, tin cậy.

Trên đây chúng tôi kể lại hơi chi tiết một trong nhiều vụ chống đối để những ai quan tâm đến quá trình đưa văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ hình dung phần nào những rắc rối mà anh em WJC phải chịu đựng khi hướng hoạt động chủ yếu của mình về phía Việt Nam.

Rõ ràng lực lượng chống đối WJC không ở đâu xa, mà có ngay trong đại học Massachusetts. Họ đã từng thành công khi liên tục gây sức ép đòi bằng được Ban lãnh đạo nhà trường hạ cờ đỏ sao vàng xuống và treo cờ vàng ba sọc đỏ lên, mà theo thông lệ trường đều treo tất cả cờ nước nào có sinh viên theo học tại đây. Lực lượng đó biểu tình đòi cắt ngân sách dành cho WJC vì họ cho rằng tiền họ đóng thuế không thể để tiếp tay cho Cộng sản Việt Nam. Sự chống đối WJC có lúc đã thành cao trào trên toàn cõi Hoa Kỳ, ở tất cả các nước có đông người Việt di tản sau 1975 nhân sự kiện WJC mời hai giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Hoàng Ngọc Hiến qua nghiên cứu mở đầu chương trình do Rockefeller tài trợ. Họ lên án Kevin Bowen là thiên tả, chỉ làm những việc có lợi cho cộng sản Hà Nội, phải cách chức. Và Nguyễn Bá Chung là cộng sản nằm vùng, đòi đánh bật Chung ra khỏi WJC và thay vào đó một người nguyên đại úy biệt kích nhảy Bắc những năm năm mươi thế kỷ trước (và bị bắt ngay khi xuống đất). Kevin và Chung đã phải lên Truyền hình Boston thuyết giải và cuối cùng phải ra hầu tòa. Cuộc đấu tranh dai dẳng kéo dài đến mấy năm và cuối cùng tòa tuyên “WJC làm đúng quy định của Đại học mà luật tiểu bang và liên bang cho phép”. Nhưng dù đã có phán quyết của Tòa án,lực lượng chống đối vẫn không ngừng biểu tình, không ngừng kiến nghị đòi cắt ngân sách, gây đủ khó dễ cho các hoạt động của trung tâm. Dai dẳng tới mức Kevin phát ốm và Chung phải gác chuyện cưới xin đến mấy năm, khiến cả hai vợ chồng khi thành gia thất đều “hết đát”, không con cái gì được nữa!

Đấy là chưa kể chuyện này, giữa những ngày WJC và Nguyễn Bá Chung tưởng tan xương nát thịt bởi cái mũ thiên tả, cái mũ Cộng sản nằm vùng thì khi về nước có người còn lo ngại đề phòng họ là… CIA! Nhưng dù “lưỡng đầu thọ địch” hay đúng hơn là “tứ phương thọ địch” như thế, họ đều bình tâm và tự tin vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác. Không có trái tim khỏe mạnh, không thể trụ nổi những thử thách như thế!

Những việc làm kiên trì, kiên định suốt hai mươi tám năm qua của WJC thật vô cùng ý nghĩa. Đó là những hoạt động xuất phát từ trái tim nhân ái cao cả của những con người chân chính và càng cao cả hơn, một khi họ khắc khoải trước những sai lầm của đất nước họ trong quá khứ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong dịp tiếp đoàn WJC tại Huế mùa xuân năm 2006, đã xúc động nói rằng: “WJC đã là cầu nối giữa hai nền văn hóa, đã là chiếc tàu phá băng giữa lúc quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ còn đóng băng. Các anh đã làm được nhiều việc mà ngay các nhà chính trị cũng phải ngạc nhiên”.(4)

T.N.V
(256/6-10)


------------------
(1) Nguyễn Bá Chung - Tạp chí Sông Hương số tháng 11/2007
(2) Kevin Bowen - Tạp chí Sông Hương số tháng 11/2007
(3) Kevin Bowen - Tạp chí Sông Hương số tháng 11/2007.
(4) Nguyễn Khoa Điềm - Tiền phong cuối tuần số Xuân 2006






Các bài mới
Các bài đã đăng