Trong không khí hợp tác văn hoá giữa hai dân tộc, cho phép tôi đặt câu hỏi: bản thân mỗi người chúng ta làm gì để góp vào sự hợp tác gắn bó ấy? Chúng ta theo dõi nhau, đọc nhau như thế nào? Học viện Gooc-ki đã 50 tuổi, có nhiều người đã tốt nghiệp ở đó như Xi-mô-nốp, Ep-tu-sen-cô, Ai-ma-tốp… Dân tộc Việt Nam trải 30 năm gian khổ giành độc lập. Nhưng sao trong suốt năm chục năm qua, tôi rất lạ không thấy một sinh viên Việt Nam nào đến học ở Gooc-ki trong khi ở đó có nhiều sinh viên các dân tộc thuộc thế giới thứ ba, cả các nước Mỹ la tinh nữa. Vì thế, cho phép tôi nói rõ mục đích của chuyến đi này của tôi ấy là từ điểm “chết” ấy, từ điểm không có sinh viên Việt Nam nào học ở đây, chúng tôi đang ký kết hợp tác với trường viết văn Nguyễn Du, trong đó có việc cử sinh viên Việt Nam sang học tiếp ở học viện Gooc-ki. Việt Nam có một truyền thống văn học rất lớn, nhất là thi ca. Văn học hiện thực cũng có nhiều tác phẩm lớn. Nhưng chúng tôi hiểu biết còn ít. Đó chính là vấn đề dịch thuật. Cũng vì thiếu sự song hành giữa thực chất văn học và công tác dịch thuật: có khi người ta dịch các tác giả theo chức vụ chứ không dịch theo tài năng. Và do đó, chúng ta chưa hiểu thật đúng các tác giả tiêu biểu nhất của văn học mỗi nước, vậy phải làm thế nào để sự nghiệp dịch văn học không phải là đơn lẻ, mà phải có tổ chức. Bên tôi có một vài người dịch Việt Nam có tên tuổi, như Ma-ri-an Tka-sốp. Lẽ ra phải có tổ chức, và nhiều người dịch khác. Tất nhiên không thể một lúc có nhiều Ma-ri-an được. Chúng tôi phải phấn đấu để cho có nhiều tài năng về dịch thuật. Tôi nói thật, tôi không hiểu biết gì mấy về nền phê bình Việt Nam, thậm chí không biết có tồn tại một nền phê bình như thế không. Ngược lại, các bạn Việt Nam có thể cũng không biết những người phê bình Liên Xô đang nghĩ gì. Vừa rồi, nhà nước Liên Xô đã đặt giải hàng năm cho ngành phê bình, đó là việc trước đây chưa từng có. Ở đây, Đảng chúng tôi cho rằng phê bình không phải chỉ là cho riêng nhà văn, mà là công việc cho toàn xã hội; phê bình phải đi trước chứ không phải đi bên cạnh, đi kề nhà văn. Thí dụ như về nhân vật lý tưởng: bây giờ người ta phủ nhận một mẫu người như thế (mẫu người không sai lầm, để có thể nêu gương cho người khác) trong văn học. Hiện thực văn học Liên Xô hai mươi năm qua cho thấy không thể bắt văn học theo một hướng hình thức nào cả. Dĩ nhiên, văn học phải dựa trên cái có thực, cái sự kiện, không phải dựa trên cái nhìn ốm yếu của một người nào đó. Trong suốt thời kỳ, văn học Xô Viết bao giờ cũng hướng đến trọng tâm: nhân đạo, nhân cách con người, lương tâm v.v… Nhân dân chúng tôi cũng nhiều lúc phải chiến đấu bằng vũ khí để giữ tự do của mình. Sau chiến tranh, nhân dân phải khôi phục lại những đổ nát, và bốn mươi năm nay chúng tôi sống trong hòa bình. Nghèo đói thì đã vượt qua, chúng tôi đã thoát khỏi cái đó. Bây giờ đi đến thử thách mới: phải vượt lên sự thừa thải vật chất, để sự thừa thải ki khỏi làm hư hỏng chủ nghĩa xã hội. Thực tế, có những người sống ở nhà mình giống như tư sản, không phải là xã hội chủ nghĩa. Đời ông cha sống nghèo khó, thì đời con nay đã sống sung sướng: trong anh ta, vật chất và tinh thần đã lẫn lộn, của cải, tài sản đã chiếm chỗ một cách nặng nề. Một lần nữa, bắt buộc chúng tôi suy nghĩ lại: bản chất cách mạng là gì? Văn học trong tư thế xã hội chủ nghĩa, phải trả lời những câu hỏi. Như vậy, vì rằng cũng có một số vấn đề tương tự đã vọng đến ta từ thế kỷ XIX, từ trong những tiểu thuyết vĩ đại của Tônxtôi, Đốt-xtôi-ep-xki. Nhất là Đôt, trong “Đầu xanh tuổi trẻ” và trong “Anh em Ka-ra-ma-dốp”. Có một đoạn đối thoại trong “Đầu xanh tuổi trẻ” đại để như thế này: Hôm nay tôi ngồi trên thảm bằng nhung, ngày mai trên đệm nỉ. Sau đó sẽ là cái gì? Và ngày mai, ngày kia, chúng ta sẽ ngồi trên cái gì quý hơn nữa! Nếu của cải như vậy mà cái xấu không tiêu tan đi, thì không dễ gì thu về tiến bộ xã hội trên sự giàu có vật chất! Và vấn đề tức là phải đặt song song nhau giữa sự xây dựng những của cải vật chất và tinh thần, cùng một lúc và đấy chính là nhiệm vụ nhà văn; con người cộng sản phải nghĩ gì về của cải tinh thần, chứ không phải đuổi theo vật chất kiểu phương Tây. Không hẳn rằng chúng tôi đã giàu có, nhưng thực tế là chúng tôi không phải như trước kia. Nhưng không phải đợi đến giàu sang, mà chỉ dư dật đôi chút như thế này, thì chúng tôi đã thấy phải đặt vấn đề làm sao để chống ô nhiễm về tinh thần; mình phải dâng cho đời hơn là tìm cách cướp giật lại của xã hội. Đó là những vấn đề đang được nêu ra trong tác phẩm của Rat-xpu-tin, Suc-sin, Bê-lốp, Ai-ma-tốp với cuốn sách mới là “Và một ngày dài hơn thế kỷ”. Còn nữa, I-u-ri Bôn-đa-rép, và một số nhà văn Gru-đia như Đom-bat-dê; một số thôi chứ không phải là nhiều, vì tài năng thì không có đâu cho nhiều. Cũng nhắc đến nhà thơ trẻ là Vôt-net-xen-xky thế hệ mới đang trưởng thành. Tôi chỉ nói một số ý nghĩ của tôi, chứ không muốn là cái loa qua đồng chí Bằng Việt. Từ lâu có cái chân lý này, là sự thật trong nghệ thuật chỉ có khi nhà văn nắm được suy nghĩ bằng đối thoại. Bởi vì nếu nhà văn chỉ nói cái mà mình tin thôi, mà không chịu lật đi lật lại, thì không thể có được chân lý, nhà văn nào chỉ nói một nửa sự thật mà dám khoác áo sự thật, đánh bóng con người, thì sự giả dối ấy bao hàm sự hạ thấp phẩm cách của độc giả của anh ta và của chính bản thân anh ta. Nguyên tắc của chủ nghĩa lạc quan là ở chỗ chúng ta dám tuyên bố rằng cái xấu này là xấu, nói tự nhiên như ở trong nhà chúng ta, để cho mọi người đều nghe thấy. Nhưng có kẻ lại muốn nói rằng trong xã hội tất cả đều tốt cả, và đó là chủ nghĩa bi quan thảm thiết nhất. Vì anh ta nghĩ đằng sau anh ta sẽ là nạn hồng thủy, và vì thế tất cả cần phải bịt mắt lại. - Về thơ - Có một thời của thơ và một thời của văn xuôi. Trong mười năm trở lại đây, nền thơ Xô Viết đã mất đi một số nhà thơ lớn. Còn một số tác giả trẻ như Ep-tu-sen-cô vẫn có một diễn đàn lớn, nhưng bây giờ hứng thú trong độc giả đã khác trước. Đã có một thời, thơ như là một diễn đàn lớn diễn tập kỹ cho mọi người đến nghe. Thơ Liên Xô đã hoàn thành sứ mệnh ấy trong những năm 1950-1960. Độc giả thời ấy bây giờ đã trưởng thành thành người khoảng bốn mươi tuổi. Tuổi ấy người ta phân hóa, mỗi người có một nhà thơ cho riêng mình, chứ không có tác giả trong toàn Nga, toàn liên bang; bởi vì thơ Liên Xô bây giờ đã bớt đi nhiều tính diễn đàn mà thủ thỉ, dịu dàng hơn. Chúng tôi có một số nhà thơ đang nổi tiếng. Họ không quan tâm đến cái bên ngoài lắm, mà đến nội tâm của thơ. Có một nhà thơ là V.Xô-cô-lốp, nhà thơ không giống Ep-tu-sen-cô một tí nào cả nhưng Ep-tu-sen-cô coi như bậc thầy; và có một nhà thơ khác được hâm mộ vì được xem như tái lập lại truyền thống Et-xê-nhin trong thơ Nga. Nói đơn giản là thơ bây giờ không đi ra quảng trường nữa, mà đi vào từng góc của tâm hồn, trong phòng riêng của mỗi người đọc. Và đó là ưu điểm hay là nhược điểm của thơ, tôi không biết. Tùy các bạn thử suy nghĩ xem… E. XI-ĐÔ-RỐP (8/8-84) |