Nghiên Cứu & Bình Luận
Tân hình thức, nhắc lại - 10 năm
15:31 | 20/12/2010
KHẾ IÊMGửi các nhà thơ Đỗ Quyên, Inrasara và Lê Vũ
Tân hình thức, nhắc lại - 10 năm
Nhà thơ Khế Iêm - Ảnh: TTVH

T
ân Hình Thức là một phong trào thơ Mỹ, khởi đầu từ thập niên 1980 và phát triển vào những năm 1990, (tuyển tập “Rebel Angels”, Những Thiên Thần Nổi Loạn, xuất bản 1996, tái bản 1998), chủ trương bởi một số những nhà thơ trẻ sáng tác theo thể luật truyền thống. Nhưng tại sao Tân Hình Thức mà không là gì khác? Thơ truyền thống phương Tây, bắt đầu với Homer, qua hai tác phẩm The Iliad and The Odyssey, (viết theo mỗi giòng 16 âm tiết), sau đó là thơ tự do (free verse), với nhà thơ Mỹ Walt Whitman (cuối thế kỷ 19). Thơ tự do, suốt thế kỷ 20, phát triển mạnh mẽ ở Mỹ sau thế chiến thứ hai, với rất nhiều phong trào tiền phong, cạn kiệt vào cuối thế kỷ, tạo nên phản ứng, hồi phục lại thơ thể luật.

Tiếng Anh là một ngôn ngữ trọng âm và đa âm, những thể thơ tùy theo số âm tiết trong một dòng thơ. Thí dụ một thể luật thông dụng, mỗi dòng 10 âm tiết, iambic pentameter (không nhấn, nhấn lặp lại 5 lần), cứ thế hết dòng này qua dòng khác, có vần ở cuối dòng. Nếu cuối dòng không có vần, gọi là thơ không vần. Những thể thơ Việt như 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, hay lục bát cũng phân biệt theo số chữ của một dòng thơ. Thơ Việt là ngôn ngữ đơn âm, nên trong một dòng thơ, ngoài vần ở cuối dòng, luật thơ được sắp xếp theo sự nhịp nhàng của âm thanh bằng trắc.

Thơ có trước luật thơ. Từ những thời xa xưa, thơ sáng tác với nhạc cụ đàn sáo, và được hát lên. Sau này lời và nhạc tách ra, nhưng sự liên hệ giữa lời và nhạc, giữa âm và điệu, giữa thực hành và thẩm mỹ, vẫn được lưu giữ và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thành luật thơ. Luật thơ vì thế, đã nằm lòng trong người đọc và người làm thơ, rút lại chỉ còn là luật vần, vần như thế nào ở cuối dòng. Khi luật tắc đã có sẵn, như một khuôn nhạc, tài năng của nhà thơ là làm sao phổ ý và lời vào, để khi đọc lên, nghe du dương và có hồn, đạt tới tiêu chuẩn hay. Thơ tự do ra đời, muốn thoát ra khỏi những âm điệu truyền thống, họ dùng tiêu chuẩn mới (make it new) thay cho tiêu chuẩn hay. Như vậy, cách tân hay làm mới thơ vần điệu là làm hỏng thơ, chỉ có thể thay thế bằng một tiêu chuẩn hay khác. Cũng như hội họa hiện đại, thay thế cái đẹp của truyền thống bằng thuật ngữ sáng tạo, làm ra cái mới.

Thơ ở thời kỳ nào cũng vậy, có lúc suy trầm có lúc nở rộ. Thơ vần điệu sau một thời gian dài, đến lúc phải lụi tàn vì hoàn cảnh xã hội thay đổi, thơ không chuyên chở nổi tâm tình con người, và thơ tự do mới có cơ hội ra đời. Thơ tự do và hội họa hiện đại phương Tây, phù hợp với tinh thần chinh phục (cuối thế kỷ 19) và đối đầu (thời kỳ chiến tranh lạnh) cùng sự phát triển về khoa học và kỹ thuật, với hậu quả hai cuộc thế chiến. Thời kỳ đối đầu tạo nên tinh thần cực đoan, và sự bất bình thường trong sinh hoạt thơ hậu chiến Mỹ, quá thiên vị thơ tự do, và đẩy thơ vần luật (meter and rhyme) ra ngoài lề, coi như một thể loại thơ đã lỗi thời. Trong lúc ở các nước khác, như nước Anh, thơ vần luật và thơ tự do phát triển song song với nhau.

Sự nổi lên của phong trào thơ Tân Hình Thức làm cho sinh hoạt thơ Mỹ trở nên quân bình. Nhưng khi quay về vần luật, một thời gian sau một số nhà thơ Mỹ cho rằng, không cần thiết phải có một thuật ngữ nào khác, thơ hay là được rồi. Như vậy, chẳng lẽ thuật ngữ “Tân Hình Thức” chỉ là chuyện hồi phục truyền thống? “Tân” ở đây có nghĩa là “trở về” (retro), chứ không có gì là “tân”. Đành rằng những yếu tố của thơ Tân Hình Thức đều có sẵn từ trước như vắt dòng, luật tắc, tính truyện và ngay cả ngôn ngữ nói thông thường, từ thời Lãng Mạn, đầu thế kỷ 19, nhà thơ William Wordsworth đã dùng trong thơ Không Vần. Thơ tự do, phái Hình Tượng, đầu thế kỷ 20 với T. S. Eliot và Ezra Pound… cũng chủ trương, dùng ngôn ngữ nói thông thường với những chữ chính xác trong thơ. Nhưng ngôn ngữ ở mỗi thời mỗi khác. Và khi dùng ngôn ngữ đời thường tuôn đời sống vào thơ, thơ trở nên sống động, lôi cuốn người đọc, và làm cho thơ vần luật hoàn toàn lột xác. Đó là một thành công không thể phủ nhận, và là một phong cách lớn. Một lý do nữa là người đọc ở thời đại văn minh điện toán, đã không còn chú ý mấy đến thơ, tiêu chuẩn làm mới của thơ tự do không còn đủ sức gây ngạc nhiên, và như thế những nhà thơ phải quay về với tiêu chuẩn hay truyền thống, bằng tài năng thật sự của mình, để mong duy trì sự tồn tại của thơ.

Còn thơ Tân Hình Thức Việt thì sao? Những nhà thơ Việt, vào đầu năm 2000, qua số báo đặc biệt “Chào đón thiên niên kỷ mới” của Tạp chí Thơ, mượn thuật ngữ “Tân Hình Thức” để giới thiệu vào thơ Việt thể thơ Không Vần của thơ tiếng Anh, thấm thoát đã 10 năm. Tiếp nhận một thể thơ là tiếp nhận phần thi pháp (cách làm thơ), áp dụng những yếu tố mới: vắt dòng, kỹ thuật lập lại, tính truyện ngôn ngữ đời thường.

1/ Trong thơ thể luật tiếng Anh, kỹ thuật vắt dòng rất thông dụng, so với kỹ thuật dòng gãy (line break) của thơ tự do. Khi chuyển qua thơ Việt, kỹ thuật này được định nghĩa như sau:

“Khi dùng cách vắt dòng (enjambment) phá đi cách đọc dừng lại ở cuối dòng, người đọc bị thúc đẩy đi tìm lại phần đã mất (của câu), tốc độ đọc nhanh hơn, và phải đọc bằng mắt. Điều này gợi tới ý niệm thời gian và không gian trong thơ. Cái phần mất đi ấy là phần gì, phải chăng là một phần đời sống, của quá khứ hay của tương lai, và như thế, hiện tại không lẽ chỉ là cái trống không? Nhưng cái trống không ấy lại chẳng trống không vì những chuyển động không ngừng của cái biết và chưa biết, đè lấp lên nhau. Thơ bật lên từ sự vặn vẹo và phức tạp của văn phạm và cú pháp (syntax), tạo thành nhịp điệu và nhạc tính. Điều rõ ràng, bài thơ và tri giác về nhịp điệu (perception of rhythm) không nằm ở ngôn ngữ (chữ), mà ở nội dung ngôn ngữ (the content of the language). Nội dung ngôn ngữ chính là những chuyển động của cảm xúc trong phạm trù văn phạm và cú pháp.”(1)

2/ Ngôn ngữ đời thường: Một thí dụ được trích dẫn:

“Nhà thơ Timothy Steele, khi ăn trưa tại một quán ăn bình dân, ông tình cờ nghe được sự cãi vã của một cặp tình nhân, sau cùng cô gái đứng dậy, trước khi bỏ đi, nói lớn:

x / x / x / x / x /

You haven’t kissed me since we got engaged.

(Anh chưa hề hôn tôi từ lúc đính hôn)

Câu nói đúng với iambic (không nhấn, nhấn) và lặp lại 5 (penta -) lần, thành iambic pentameter. Ông nhận ra, thể luật căn cứ và rút ra từ dạng nói bình thường, và Tân hình thức đưa ngược những câu nói đời thường vào thể luật.”(2)

Thơ thể luật tiếng Anh có hai loại thơ có vầnkhông vần. Một phần vì tiếng Anh là một ngôn ngữ đa âm, nhiều vần nên khi vắt dòng và đưa ngôn ngữ thông thường vào thơ dễ dàng, dù cuối dòng có vần hay không. Nhưng tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm, khó mang những câu nói thông thường vào thơ vì vướng phải luật vần. Khi bỏ vần, và thay bằng kỹ thuật vắt dòng để tạo nên những ý tưởng liền lạc, những thể thơ Việt không khác gì thể thơ Không Vần của thơ tiếng Anh. Ngôn ngữ thông thường tuôn vào thơ, xóa đi nhạc tính hay tiết tấu của thơ vần điệu, giúp người làm thơ tìm ra nhịp điệu hay nhạc tính mới. Ca dao lục bát tuy dùng ngôn ngữ đơn giản nhưng vẫn là những câu ru điệu hát, ngôn ngữ thông thường hay ngôn ngữ thường ngày không nói như ru hay hát. Thơ Tân Hình Thức là một hình thức thơ đọc.

3/ Trong luật thơ, ở bất cứ thể loại thơ nào, kỹ thuật lặp lại đều được sử dụng để tạo nhạc tính hay nhịp điệu cho thơ. Chúng ta thấy thơ Đường luật, lặp lại những âm thanh bằng bằng trắc trắc, và trong thơ tiếng Anh, là những âm không nhấn, nhấn, lặp đi lặp lại 5 lần trong 1 dòng thơ. Những cách trên của thơ truyền thống là lặp lại những âm tiết. Khi thơ tự do tiếng Anh, muốn thoát ra khỏi những luật tắc và âm điệu truyền thống, họ thay cách lặp lại âm tiết bằng cách lặp lại chữ câu chữ. Cũng vậy, khi thoát ra khỏi âm điệu của thơ vần, thơ Không Vần Việt tiếp nhận cách tạo nhịp điệu của thơ tự do tiếng Anh, lặp lại chữ và câu chữ trong bài thơ.

4/ Tính truyện: là một yếu tố thông dụng trong thơ truyền thống ở mọi nền thơ để kể một câu truyện. Trong thơ Không Vần Việt, tính truyện còn có ý nghĩa là tạo nên những ý tưởng liên tục và thuần nhất, không đứt đoạn như thơ tự do.

Đến đây, thơ Không Vần Việt đã tiếp nhận đầy đủ 4 yếu tố trong thơ Không Vần tiếng Anh để trở thành một thể thơ riêng biệt. Đối với thơ Mỹ, thuật ngữ “Tân Hình Thức” là do kẻ thù của dòng thơ này đặt cho, có ý mỉa mai. Sau này, hai nhà thơ sáng lập phong trào, Frederick Feirstein và Frederick Turner kết hợp thêm với Thơ Tự Sự (Narrative Poetry) thành lập phong trào thơ Mở Rộng (Expansive Poetry). Nhưng dù thế nào thì thơ Tân Hình Thức Mỹ đã làm xong công việc của mình, hồi phục thơ vần luật, và xóa bỏ hố ngăn cách giữa những nhà thơ. Bởi sự thống trị của thơ tự do suốt thế kỷ 20 đã tạo nên sự chia rẽ trầm trọng, tưởng như không bao giờ hàn gắn được giữa một bên truyền thống, đại diện là nhà thơ Robert Frost, từng cho thơ tự do giống như “chơi quần vợt không lưới”, một bên là thơ tự do với bảng chỉ đường “làm mới” của nhà thơ Ezra Pound(3). Kể từ sau phong trào thơ Tân Hình Thức, thơ Mỹ mới chấm dứt cơn sốt của những phong trào Tiền phong, nở rộ sau thập niên 1950, và thơ trở nên bão hòa, vần điệu hay tự do gì cũng được.

Nhưng thuật ngữ “Tân Hình Thức” lại rất đúng với thơ Việt. Thơ Việt cũng trở lại, nhưng chỉ lấy những thể thơ cũ, rót vào những yếu tố mới để chuyển thành những thể thơ mới. Không những thế, thơ Tân Hình Thức Việt còn là sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại, xóa bỏ mọi ranh giới phân biệt, giữa hai ngôn ngữ Anh và Việt, tạo nên sự giao lưu giữa hai nền văn hóa. (Ở đây cần ghi nhận thêm, ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt có khá nhiều tương đồng, không nhấn, nhấn, bằng trắc chỉ là sự nặng hay nhẹ của âm vực, còn tiếng Anh cổ, trước khi tiếp nhận thêm những chữ đa âm từ tiếng Pháp và tiếng La tinh, đa số chữ là đơn âm. Điều này giúp chúng ta dễ dàng tiếp nhận thể thơ Không Vần tiếng Anh, với kỹ thuật lặp lại, mà những ngôn ngữ đa âm khác không phải trọng âm, như tiếng Pháp, không tiếp nhận được).

Dùng phong cách diễn đạt và kỹ thuật lập lại để tạo nhịp điệu của thơ tự do, kết hợp với những yếu tố, vắt dòng và tính truyện, của thơ vần luật tiếng Anh, rồi sau đó rót vào nhữn
g thể thơ truyền thống Việt Nam thành những thể 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ và lục bát không vần. Quả là điều tuyệt vời, thơ Tân Hình Thức Việt, vừa có tiêu chuẩn mới, và trên đường tìm kiếm tiêu chuẩn hay, vì đã dung hòa được cả thơ thể luật và tự do. Nhưng tại sao không cứ làm thơ tự do mà lại nhốt vào những khuôn mẫu thể luật làm gì? Chúng ta biết, có nhiều yếu tố để phân biệt thơ với văn xuôi nhưng về hình thức, thể thơ là một yếu tố chính. Khi viết văn xuôi, chúng ta viết tới hết lề phải mới tự động xuống dòng, nên nếu không dùng những thể thơ thì bài thơ sẽ biến thành một đoạn văn xuôi. Tuy gọi là dung hòa với thơ tự do nhưng thơ Không Vần Việt lại gần với thơ văn xuôi hơn là những loại thơ tự do khác của thời hiện đại.

Ngoài việc tiếp nhận thể thơ Không Vần, nhân một phong trào tiền phong Mỹ, còn một lý do khác. Có lẽ trong sâu thẳm tâm thức của một người di dân, khi sống và chung đụng với nhiều sắc dân, chúng ta có thúc bách muốn họ hiểu mình và mình hiểu họ, và vì thế có nhu cầu tìm kiếm một thể thơ mới. Qua đó, nhân rộng ra, chúng ta có nhu cầu đưa thơ Việt, như một phương tiện tạo sự cảm thông giữa văn hóa Việt với những nền văn hóa khác. Và như thế, vấn đề dịch thuật được đặt ra.

“Mục đích của thơ Tân Hình Thức là muốn đưa thơ Việt ra ngoài thế giới, nên mới chú tâm vào dịch thuật, để tìm kiếm người đọc khác ngôn ngữ và văn hoá. Nếu quá đậm đặc trong phạm trù văn hóa hay ngôn ngữ, người đọc ngoại quốc sẽ không hiểu, ngay cả với thế hệ người Việt trẻ bây giờ ở trong nước. Nhưng ai cũng biết là thơ không thể dịch vì không thể dịch âm thanh (sound) trong ngôn ngữ, đặc biệt đối với những thể thơ truyền thống khi kết hợp những đơn vị âm thanh để tạo nên nhạc tính trong thơ.

Để đáp ứng điều kiện dịch thuật, thơ Tân Hình Thức phải thay đổi cách sáng tác. Về chữ, khi chuyển sang ngôn ngữ đời thường để sáng tác, thơ không còn những chữ hiếm chữ lạ, và người đọc không bị vướng vào chữ khi đọc thơ. Về phong cách, thơ gần với văn xuôi và sử dụng kỹ thuật lặp lại để tạo nhịp điệu, nên khi chuyển dịch vẫn giữ được nhịp điệu và làm biến mất dấu vết của văn xuôi, thành thơ.”(4)

Bởi vì khi chuyển dịch, âm thanh từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác sẽ bị lộn xộn, không ai hiểu được, nếu dịch chữ ra chữ. Hoặc nếu dịch cho xuôi câu văn thì sẽ biến thành một thứ văn xuôi tẻ nhạt. Mà trong thơ, âm thanh hay nhịp điệu là yếu tố xuyên suốt, xâu kết cảm xúc và ý tưởng. Vì vậy chuyện dịch thơ là điều không thể dịch, ai cũng biết. Để giải quyết vấn đề này, phải thay đổi cách sáng tác trước khi dịch ra một ngôn ngữ khác. Thí dụ, kỹ thuật lặp lại giúp cho thơ Việt có thêm một yếu tố nhịp điệu mới và khi dịch sang tiếng Anh vẫn không mất đi. Người đọc Mỹ sẽ đọc như một bài thơ chứ không phải một bản dịch. Một ưu điểm nữa là những người đọc Mỹ sẽ được đọc những bài thơ khác lạ, am hiểu thêm về đất nước và con người từ một nền văn hóa khác. Những người đọc Việt, qua bản dịch tiếng Anh, sẽ nhận ra cái hay trong những bài thơ tiếng Việt, vì một lý do đơn giản, người đọc khi đọc những bài thơ song ngữ sẽ đọc chậm và chú tâm tới chính bài thơ nhiều hơn.

Một nhà bình luận thơ Mỹ, Angela Saunders, đã nhận định như sau về thơ Tân Hình Thức Việt, khi bà viết lời giới thiệu cho tuyển tập “Thơ Kể”.

“Bản thân thơ, trong bất kì ngôn ngữ nào, là phương pháp văn học truyền thống để chuyển giao những mô tả và những chuyện kể bằng lời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhịp điệu và âm thanh của một bài thơ cung cấp phương tiện truyền đạt và phương thức ghi nhớ thi ca. Những âm thanh trôi chảy trong một ngôn ngữ bản địa đều có nét đặc thù về mặt ngôn ngữ và không dễ dàng để dịch sang một ngôn ngữ khác. Một bài thơ được sắp đặt theo những giai điệu và âm điệu trong một ngôn ngữ bản địa, khi được dịch sang ngôn ngữ khác, sẽ mất đi sức quyến rũ của nó về mặt thẩm mĩ. Do vậy, nảy sinh một vấn đề hóc búa. Trong một xã hội mà mức độ cơ động không ngừng gia tăng, làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, và thế hệ, trong khi vẫn duy trì được di sản truyền thống?”(5)

Và bà nhận xét những đặc tính của thơ Tân Hình Thức Việt rất rõ ràng như sau, “…số lượng âm tiết được đưa vào khuôn khổ, việc vắt dòng được thực hiện nhất quán cho toàn bài đúng theo số lượng âm tiết được đếm. Điều này có nghĩa là một ý thơ bắt đầu từ dòng này có thể tiếp tục hoặc bất chợt dừng lại ở dòng kế tiếp. Theo truyền thống, thì những chỗ vắt dòng, hoặc những điểm dừng, là để làm nổi bật những từ hoặc những ý đặc trưng. Còn khuôn khổ này, về điểm dừng bất thường, thường sẽ tăng cường tác động vào thị giác và vào cảm tính mà bài thơ tạo được. Mỗi cách sử dụng phương thức lặp lại, vắt dòng, và tạo hình ảnh đều cho phép chúng ta thực sự thấy được vẻ đẹp của những ý thơ mà mỗi tác giả đã nỗ lực để khắc họa. Vị trí của từng từ được bố trí để ta phải thấy rằng từng ý thơ đều được hàm ý trong việc định vị các từ, việc kết thúc câu, và trong việc tạo hình ảnh gây cảm giác mạnh. Bởi vì mỗi yếu tố đều khắc họa một hình ảnh theo mong ước của nhà thơ; mỗi từ khắc họa trọn một phần của bài thơ; và mỗi sự lặp lại và mỗi định vị đều cất cao giọng về những ý thơ của tác giả và dịch giả, và mỗi bài thơ có được cuộc sống riêng của nó”.(6)

Khi những bài thơ dịch được đọc như một bài thơ sáng tác, đưa tới kết quả, những nhà thơ Việt và Mỹ đã có thể đọc thơ của nhau ở cả hai ngôn ngữ(7). Sự gặp gỡ lý thú, qua đề mục “Thơ Song Ngữ” (A bilingual Edition) và “Tiếng Thơ Khác” (Other Poetry Voices), trên diễn đàn của dòng thơ này là một thí dụ. Trong lá thư mời gọi những nhà thơ Mỹ góp tiếng nói, viết, “Hãy đến với chúng tôi, nơi chốn nhỏ bé và ấm cúng này của thơ, để nâng ly rượu mừng trong ngày họp mặt. Các bạn biết không, chỉ thơ mới có đủ khả năng giúp mỗi người chúng ta và mọi người trên hành tinh này nhìn thấy nhau, trong bình đẳng và chia sẻ, cả hạnh phúc lẫn khổ đau, trong kiếp nhân sinh”(8).

Nhắc Lại - 10 Năm, thơ Tân Hình Thức Việt đã có được những thành quả đáng chú ý. Thật ra, không có thể thơ nào dở, chỉ có sự thực hành chưa tới. Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ thứ 14, khi Earl of Surrey chuyển thơ không vần từ thơ Ý sang thơ Anh, phải đợi đến nửa thế kỷ sau với William Shakespeare, và 1 thế kỷ sau với John Milton, thơ Không Vần mới có được vị trí xứng đáng. Chúng ta cũng cần nhắc tới những nhà thơ đã làm cho thể thơ này trở thành hiện thực, đó là 64 nhà thơ trong tuyển tập thơ song ngữ “Không Vần”, 21 nhà thơ trong tuyển tập song ngữ “Thơ Kể” (Poetry Narrates) và những nhà thơ kế tiếp sau này... Chúng tôi tin rằng, chừng nào còn những nhà thơ có nhu cầu thay đổi và giao tiếp với thế giới bên ngoài, tìm kiếm người đọc từ các nền văn hóa và ngôn ngữ khác, thì thể thơ Không Vần sẽ còn là phương tiện hiệu quả và cần thiết.

K.I
(262/12-10)



--------------
1 & 2/ Tân Hình Thức, Tứ Khúc Và Những Tiểu Luận khác, Ebook, website
www.thotanhinhthuc.org.
3/ Formal Poetry and Related Terms: Formalism, New Formalism, Neo-Formalism, Pseudo-Formalism, Neo-Classicism, Traditional Poetry, and the Multitudinous Variations Thereof by Michael R. Burch.
4/ ”Lời Nhà Xuất Bản”, tuyển tập “Thơ Kể”, nhà xuất bản Lao Động, 2010.
5 & 6/ “Lời Giới Thiệu” (Introduction), Angela Saunders, Phạm Kiều Tùng dịch, tuyển tập “Thơ Kể”, nhà xuất bản Lao Động, 2010.
7/ Được coi như sự thử nghiệm, vì thiếu nhân sự phụ trách, chỉ trong vòng 2 tuần, đã có 10 nhà thơ Mỹ gửi sáng tác tới tham gia. Đó là những nhà thơ Alden Alden, Bill Duke, Frederick Feirstein, Frederick Turner, Michael Lee Johnson, James Murphy, Rick Stansberger, Stephen John Kalinich, L. K. Thayer và Tom Riordan.
8/ Lời Nói Đầu (Foreword), “Come join us in this small, yet warm corner of poetry. Let us raise a glass and toast each other in this meeting of minds. Dear friends and colleagues, only poetry has the ability to transform us and let us see each other for what we truly are, as equals, and to share suffering as well as happiness in the human condition.”


Các bài mới
Các bài đã đăng