Nghiên Cứu & Bình Luận
Đôi điều về đọc thơ, phê bình thơ qua một trường hợp cụ thể
08:52 | 04/09/2008
HỒNG NHULTS: Những cuộc trao đổi mang tính nghề nghiệp về thơ ở tầm "vĩ mô" dường như đang co lại ở tầm "vi mô". Các ý kiến khác nhau, thậm chí ngược nhau trong tranh luận học thuật là chuyện bình thường. Song, sẽ không bình thường khi công cuộc đổi mới của Đảng đã bước vào nền kinh tế tri thức mà vẫn còn những "tư duy thơ" theo cơ chế suy diễn với những mục đích gì đó, ngoài thơ.Nhằm rộng đường dư luận, Sông Hương xin được trao đổi lại một trường hợp cụ thể sau đây.


Tình cờ trong tay tôi có tờ báo Quảng Bình chủ nhật số 4493 ra ngày 21/7/2002 đăng bài "Hồn quê đọng giữa mây trời" (đọc tập thơ "Đám mây lơ lửng" (1) của Hoàng Vũ Thuật -HVT) của tác giả Tạ Đình Nam (TĐN). Đây là một trong số bài tham luận trong cuộc hội thảo do Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức vừa qua trong dịp tập thơ này đoạt giải A Giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình.
Sau khi đưa ra những nhận định thành công của tập thơ mà tập trung nhất là "tình cảm đặc biệt của Hoàng Vũ Thuật với làng quê, với bao kỷ niệm nơi chôn rau cắt rốn"... tác giả đã dành phần quan trọng để vạch ra những thiếu sót, khuyết điểm, một số điều cần bàn (chữ của TĐN).
Nhận thấy bài phê bình có nhiều điều không ổn, không được; tôi xin bàn tới những điều cần bàn đó.
1. Tạ Đình viết: "Quan niệm của nhà thơ đối với cuộc sống thực tại vẫn còn nhiều uẩn khúc. Đọc một số bài trong "Đám mây lơ lửng" nhiều lúc tâm hồn ta cảm thấy bâng khuâng một nỗi buồn đối với cuộc đời thực tại". Tác giả dẫn câu "Ta vô vi trong khói hương cầu nguyện" (Cây trần gian) và hạ bút: "Do ảnh hưởng nhất định của học thuyết vô vi nên có lúc nhà thơ có cái nhìn cái nghĩ đối với cuộc sống thực tại còn mang nặng tâm trạng bi quan, buồn chán, thiếu niềm tin".
Tôi thực sự giật mình, ngơ ngác tự hỏi thầm: tác giả nói gì vậy? nghĩ gì vậy? Hay là mình đọc nhầm? Không! Rõ ràng giấy trắng mực đen. Quái lạ! Tôi dở tập thơ của Hoàng Vũ Thuật đọc lại bài "Cây trần gian" 5 khổ mỗi khổ 3 câu. Và đây là khổ thứ hai: "Những giọt lệ từ lâu quên chảy/ Giờ theo cùng ánh sáng hoà tan/ Ta vô vi trong khói hương cầu nguyện"... Có thể "tự sự hoá" bài thơ như sau: Mùa Phật Đản 2540 (1996) nhà thơ đi xem lễ, nhìn thấy những ngọn nến cháy như từ lâu quên cháy, giờ ròng ròng như những giọt lệ, hoà tan vào bao nhiêu ánh sáng lung linh của đêm hội lễ chùa. Cả vầng trăng lấp ló sau cành hoa đại, trăng cũng hiện về như quá khứ chợt hiện về. Và nàng ở đằng kia thì lơ đãng, nàng chẳng nhìn thấy gì cả, niềm vui, nỗi đau, cùng sự xô đẩy của đám đông xem hội như vòng luân hồi xô đẩy... Nhà thơ thốt nhiên xao động, nghĩ về lẽ đạo, về cảnh đời, về tình người trong trần gian cuộc thế...
"Ta vô vi trong khói hương cầu nguyện", tôi nghĩ đây là một câu thơ vừa đúng tâm trạng vừa hay! Có gì đâu mà tác giả phê bình Tạ Đình nặng lời qui chụp: "mang nặng tâm trạng bi quan buồn chán, thiếu niềm tin"? Thiết nghĩ cái "vô vi" mà Hoàng Vũ Thuật nói ở đây là cái vô vi của cung bậc tình cảm, của sự giằng kéo con tim vì... nàng; không phải là học thuyết vô vi như Tạ Đình đã gán ghép một cách thô thiển. Đó là chưa nói trong bài của mình, Tạ Đình đã dẫn giải sai lệch về học thuyết vô vi. Anh viết: "Như chúng ta đã biết, vô vi là tâm điểm của học thuyết Trang Tử..." Không phải! Vô vi chính là học thuyết của LãoTử (tức Lão Đam), nhà tư tưởng cổ đại Trung Hoa (vào khoảng thế kỷ 5-6 trước Công nguyên). "Đạo Đức kinh" là tác phẩm triết học của Lão Tử. Nét nổi bật của học thuyết Lão Tử nêu trong sách này là: Nó có một số nhân tố duy vật luận và phép biện chứng thô sơ. Lão Tử thừa nhận sự tồn tại của thế giới khách quan với các hiện tượng khách quan; thế giới đó luôn vận động theo những quy luật khách quan. Lão Tử gọi đó là ĐẠO. Còn ĐỨC là tên gọi các khái niệm của sự biểu hiện đặc thù của ĐẠO trong từng hiện tượng cụ thể, ví dụ như lửa thì đức của nó là nóng và bốc lên cao, như nước thì đức của nó là mềm và chảy xuống chỗ thấp. Lão Tử tuyệt đối hoá tác dụng và tính phổ biến của quy luật khách quan rồi từ đó rút ra thuyết vô vi, thực tế là phục tùng, giao phó số phận cho những quy luật đó, phủ nhận và thủ tiêu mọi khả năng đấu tranh và sáng tạo của con người.
Còn Trang Tử (tức Trang Chu, 355 đến 275 trước Công nguyên) được coi là người kế thừa học thuyết Lão Tử, nên người đời sau thường gọi là "Học thuyết Lão - Trang". Hoa kinh là tác phẩm triết học của ông. Trang Tử đã hệ thống hoá sâu sắc phần chủ nghĩa duy tâm của Lão Tử, còn phần phép biện chứng thì ông hạ thấp nó xuống thành thuyết tương đối luận. Do thế, ông chủ trương mạnh mẽ với "chủ nghĩa xuất thế" (tức thoát tục).
Như vậy Lão, Trang tuy người ta vẫn gọi gộp nhưng vẫn là hai. Học thuyết của các ông có điểm giống nhau, nhưng lại khác nhau, không thể lẫn lộn. Xin lỗi, tôi phải nói dài dòng như vậy vì theo tôi, người viết phải biết tôn trọng người đọc và về một mặt nào đó, phải xem người đọc là thầy của mình. Bút đã sa xuống rồi thì rành rành rọt rọt, đừng có dại dột mà nói, viết lơ mơ; dẫn giải sai sót!
2.Tác giả bài phê bình còn dựa vào một số câu, một số đoạn trong các bài thơ khác rồi vận dụng nhận thức vừa khô cứng vừa tư biện của mình để phê phán, bất chấp đặc trưng, ngữ ngôn, thi pháp... của thể loại. "Một pho tượng tạc bằng nỗi cô đơn/ Giữa dòng người lạc lõng " (Ngã tư thánh đường). Chỉ có một chữ "cô đơn" trong câu mà tác giả lên án là "nhà thơ cảm thấy mình cô đơn trong dòng chảy cuộc sống"(!) Rồi: "Đời người bao nhiêu khổ hạnh/ Niềm vui một kiếp bèo trôi" (Thi sĩ đen) là "buồn chán thất vọng"(!) Đến: "Người ơi người hay trăng muộn/ Mọc xế góc đời ta đây/ Ta mong manh và lơ lửng/ Vô hồn giữa những đám mây" (Vầng trăng hiền thục) là "mất niềm tin vào con người" v.v... và v.v...
Thơ là tình cảm, là tâm trạng. Đã là tâm trạng thì mỗi người mỗi vẻ. Đưa nó vào nghệ thuật một cách chân thực, tất cả đều được cảm thông, đều được trân trọng. Có như thế mới đa dạng, mới phong phú và mới thơ! Không ai lại có thể dở hơi áp đặt tâm trạng của nhà thơ phải khuôn bó theo như tâm trạng của mình, càng không nên suy diễn chủ quan rồi rút ra kết luận vội vàng hoặc phiến diện. Cuộc sống thực tại giờ đây bên cạnh bao nhiêu sự tích anh hùng, bao nhiêu hành động cao đẹp của con người mới, của xã hội mới hướng tới tương lai rạng rỡ; còn có cũng bao nhiêu là tệ nạn, là tham nhũng, dối gian lừa lọc... có cả những sự việc, những vụ án khủng khiếp làm ta đau đớn tận tâm can. Nhà thơ lẽ nào lại không xông vào cuộc bằng ngòi bút của mình, lại thờ ơ hoặc lại chỉ tô vẽ bên ngoài? Sự đau buồn trong thơ là một vẻ đẹp hiện hữu, hơn nữa là một vẻ đẹp khách quan. Tôi nhớ một nhà thơ đã nói đại ý: "Một trong những quyền của thi sĩ là quyền được buồn!" Như vậy, đau buồn đâu phải là thứ tình cảm không nên, tình cảm lạc điệu với cuộc sống thực tại? Đôttôiepxki chẳng đã từng nói: "Cái Đẹp cứu rỗi thế giới" đó sao! Lẽ nào trong Cái Đẹp của Đôt lại không bao gồm cả vẻ đẹp của sự buồn đau? Các nhà thơ buồn đau, thậm chí thất vọng đi nữa cũng là để nói lên điều muôn thuở mà con người trong cuộc sống luôn mong hướng tới: niềm vui và hi vọng! Từ khi Đảng ta chủ trương sự nghiệp đổi mới đến giờ (trong đó có đổi mới văn học nghệ thuật), điều này chẳng còn là "vùng cấm", chẳng còn là lạ đối với đông đảo người đọc nữa, kể cả những người đọc bình thường...
Hoàng Vũ Thuật viết: "Cuộc sống quăng tôi lên phía trước/ Dù gai đâm buồn tẻ dành cho..." (Người đàn bà ngồi bên cửa sổ) hay một đoạn trong "Những đứa trẻ không quê" mà Tạ Đình Nam đã dẫn ra: "Tôi hỏi gió, gió lặng thầm bay đi/ Tôi hỏi sương, sương rơi ngoài cửa sổ/ Tôi hỏi sao đêm, sao đêm ngấn lệ/ Tôi hỏi ánh chiều, chiều xế bên sông"... thì rõ ràng đấy là phương hưóng, một phương hướng tích cực, không chịu lùi trước khó khăn; đấy là lời giải đáp, một lời giải đáp đầy tính nhân văn rồi! Vậy không biết vì sao và không thể nào hiểu nổi khi tác giả Tạ Đình lại nói ngược, lớn tiếng la lên là: "nhà thơ mất niềm tin, mất phương hướng, tự đi tìm nguyên nhân nhưng vẫn không có lời giải đáp!". Hoặc là Tạ Đình Nam muốn thơ phải trình bày phương hướng, lời giải đáp một là hai là... như trong văn kiện, hoặc anh không đọc khổ cuối của bài thơ trên đây: "Tôi nhìn ra bốn phía mênh mông/ Đồng trĩu phù sa nhà cao mái phố/ Và tôi bỗng thấy mình xấu hổ/ Khi xuân về cùng những đứa trẻ không quê"!.
Tác giả bài tham luận còn một nhầm lẫn quan trọng, nếu không muốn nói là tai hại, khi cho rằng "thời kỳ 1930-1932 là thời kỳ các nhà thơ mới ta đang lột xác, từ bỏ tháp ngà nghệ thuật của mình để tìm đường về với Cách mạng!" bởi vì theo anh "các nhà thơ mới bế tắc trong thế giới quan và phương pháp sáng tác! ".
Phong trào thơ mới Việt Nam xuất hiện từ 1932 trở về sau, mà một trong những người khởi xướng là Phan Khôi với bài "Tình già". Vậy thì từ năm 30,31 làm gì có phong trào đó để các nhà thơ mới bế tắc?
Thời kỳ 1930-1932 càng không phải là thời kỳ lột xác để tìm đường về với Cách mạng của các nhà thơ mới. Để khỏi làm mất thì giờ của bạn đọc, tôi xin phép không phải dẫn giải nữa. Trong tiến trình văn học Việt , đến các năm 1935,1936 phong trào thơ mới đã chiếm lĩnh trên mọi thi đàn, và là buổi cực thịnh của nó. Trong nhiều sách báo, kể cả các giáo trình văn học, đã có nhiều nhận định và phân kỳ về giai đoạn này, chúng ta có thể đọc bất cứ ở đâu.
Hoàng Vũ Thuật là nhà thơ trưởng thành trong chống Mỹ, cứu nước. Sáng tác của anh nở rộ và đi sâu vào các ngõ ngách của cuộc sống từ sau công cuộc đổi mới của đất nước. Trong giàn hợp xướng thi ca hôm nay, Hoàng Vũ Thuật đóng góp phần của mình bằng một phong cách riêng, giọng điệu riêng không giống ai! Đó là-theo tôi-trên cảm hứng tình yêu, nói cách khác là lấy tình yêu "anh và em" làm chỗ tựa, anh mở rộng ra và len lỏi vào các góc nhỏ, khuất của nhiều mặt cuộc sống: trời trăng sông biển, nhân tình thế thái, chuyện đạo chuyện đời... cả những ngày tháng cụ thể và những con số 1,2...thảy đều lấp lánh ý nghĩa tình người trong đời sống chẳng phải dễ dàng gì hôm nay. Thơ Hoàng Vũ Thuật có nhiều khi nhoè nghĩa, nhoè cả tứ (cái nhoè của ý tại ngôn ngoại), tạo nên một cảm giác lạ lùng, khắc khoải, day dứt khôn nguôi. Anh không hề bị ảnh hưởng hay "đồng điệu tâm hồn" (chữ của Tạ Đình ) với các nhà thơ mới thời tiền chiến. Sự đau buồn của lớp nhà thơ như anh khác xa một trời một vực với sự buồn chán bế tắc của một số nhà thơ mới thời trước. Tôi nói một số bởi vì hoàn toàn không đồng ý với cách nói vơ đũa cả nắm của Tạ Đình : "các nhà thơ mói bế tắc trong thế giới quan và phương pháp sáng tác."Các nhà thơ mới trứ danh như Thế Lữ, Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ... với những tác phẩm như "Nhớ rừng", "Tiếng địch sông Ô", "Gửi hương cho gió", "Lửa thiêng", "Bức tranh quê" v.v...mà là bế tắc cả phương pháp cả cách nhìn à?
3. Một chi tiết trong phần kết của bài phê bình, tác giả Tạ Đình trở đi trở lại và nhấn mạnh: "nhà thơ (HVT) cô đơn, buồn chán, thiếu niềm tin để rồi đi tìm phương hướng giải thoát vào một thế giới khác".
Thế giới nào vậy? Anh suy ra làm tôi nghĩ mãi... Vô vi, Phật, Chúa hay thậm chí "tự giải thoát" bằng một phương tiện nào đó-chiếc cà vạt thay dây chẳng hạn-để rời cõi dương thế?... Tất cả đều buồn cười, đều oan uổng đối với một nhà thơ đầy trách nhiệm, đầy nhân bản với cuộc đời và đầy tình yêu mê đắm với con người như Hoàng Vũ Thuật!
Vậy thì cái gì đây? Tôi không tin là anh Tạ Đình quy kết Hoàng Vũ Thuật về chính trị. Điều này quá hoang đường! Song cái cách viết, cách nhấn của tác giả trong bài viết có dấu hiệu của sự biểu hiện ý định đó.
Nhân đây, tôi xin nói thêm một chút. Trong hai bài thơ... thất tình cuối tập "Đám mây lơ lửng" mà tôi cho là khá thành công, khá độc đáo của nhà thơ, đã bị tác giả bài báo phê: "nhà thơ cảm thấy bi quan về cả số phận tương lai của những đứa con tinh thần của mình". "Thơ chắp cánh cho tâm hồn bay lên chứ không bao giờ trở thành thanh gươm tự giết chết trái tim mình..."(!?)
Chúng ta hãy xem Hoàng Vũ Thuật viết ra sao: "Câu thơ như quả dại rừng sâu/ Như mái chèo bỏ sông đi biền biệt/ Như dòng chữ vẹo xiên vật vã cơn đau..." (Sao ngày xưa trăng tròn làm chi ) và: "Vì anh biết những bài thơ anh viết/ Là thanh gươm tự giết trái tim mình" (Những bài thơ anh viết).
Ôi! Đọc thơ như thế, phê bình thơ như thế... thì còn bàn luận với nhau làm sao được!

Tôi không hề có ý tranh luận hoặc trao đổi gì với anh Tạ Đình cả, tôi vốn rất không quen, thật lòng là rất ngại chuyện này. Nhận thức rằng giờ đây dân trí ta đã phát triển khá cao, xã hội và độc giả đối với văn nghệ chân chính đã từ lâu có con mắt nhìn xanh trong và ưu ái, chấp nhận tất cả những gì cần chấp nhận của các nhà thơ, miễn là trung thực và xây dựng. Đọc bài anh viết; chẳng đặng đừng, tôi phải nêu lên ý kiến của mình. Đó là lẽ thường tình vậy!
Huế, 31-7-2002.
H.N
(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)
-------
(1) NXB Hội Nhà văn - Hà Nội 2000

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)