Nghiên Cứu & Bình Luận
Thi trung hữu quỷ
16:21 | 04/09/2008
NGUYỄN QUANG HÀHình như trong máu của người Việt đều có một chút máu thi nhân. Cho nên thấy ai cũng mê thơ cả. Chả thế mà tít mãi vùng hẻo lánh, các bà mẹ ru con bằng Kiều, bằng ca dao. Lời ru giống như một sự ngẫu hứng, cứ thế tự trào ra từ tâm hồn mình.

Sống trong cái không gian thơ mênh mông ấy, nên mỗi lần cầm bút muốn làm thơ là sợ, một sự choáng ngợp cứ trùm lên đầu mình. Thơ của các bậc tiền nhân, của các anh tài thời nay quả thật là một nỗi kinh hoàng, là một thử thách nghiệt ngã đối với người cầm bút, nhất là đối với người làm thơ.
Hình như không có ngóc ngách nào là thơ không tới.
Từ nỗi đau quằn quại trong tình yêu:
                        "Người đi, một nửa hồn tôi mất
                         Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ".
Đến một triết lý sống:
                        Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến
                        Gang không mật mỡ kiến bò đi".
Và rồi đến cả vận nước, một điều thật cao sang, xa vời, mênh mông, thế mà chỉ một câu thơ đã khái quát được tất cả:
                       "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".
Từng mảng thơ nhỏ thì nhiều người đã làm. Nhưng cái nhìn tổng quát lớn chưa có. Nếu tổng quát mọi nền thơ trên thế gian này, chắc chắn thơ sẽ là một cuốn đại từ điển khổng lồ về cuộc đời này.
Chữ "quỷ" là một danh từ chỉ một con vật không có thật trong đời. Song chữ quỷ được dùng với nhiều nghĩa. Ví như "quỷ quái", "quỷ quyệt" chỉ sự tàn ác, nham hiểm. "Quỷ thật" lại là một lời khen chỉ sự tuyệt vời, kể cả chỉ sự tột đỉnh. Với nghĩa này, chữ "quỷ" trong thơ giống như chỉ cái thần thái trong thơ vậy.
Đọc thơ cho bạn nghe, câu nào được bạn vỗ đùi thốt lên: "quỷ thật", ấy là một lời khen tuyệt vời.
Sông Hương ở Huế là một dòng sông được nhiều người ca ngợi, mỗi cách nhìn là một phát hiện đầy sắc sảo. Và đều rất thơ.
Đây là cách nhìn của Nguyễn Bính:
                        "Con sông không rộng mà dài
                         Con đò không chở những người chính chuyên"
Thu Bồn thì lại bâng khuâng:
                        "Con sông dùng dằng, con sông không chảy
                         Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu".
Nếu nói thơ viết về sông Hương, không thể không nhắc đến Cao Bá Quát. Một con người cao đạo, ngang tàng, đã tuốt gươm đâm vào cái xã hội đang băng hoại, mất hết nhân tâm. Ông đã tả sông Hương vào một buổi sáng bằng một câu thơ như chí khí ông vậy:
                        "Trường Giang như kiếm lập thanh thiên"
Dịch nghĩa là sông Hương như kiếm dựng trời xanh. Có người dịch là "dựng giữa trời xanh" đã hay, nhưng dịch là "dựng trời xanh" thì càng tuyệt diệu.
Đọc thơ thấy người là vậy.
"Thi trung hữu quỷ" cũng là vậy.
Những câu thơ đọc lên cứ giật mình thon thót, bởi vì nó hay quá. Nó "quỷ quá". Với những chàng trai biết chữ, có đọc, có lẽ không ai không thuộc câu thơ này của Nguyễn Bính:
                        "Chao ôi ba bốn tao ân ái
                         Cũng đủ tan tành một kiếp trai"
Có nhiều cuộc anh em ngồi với nhau, xung quanh chuyện thơ, đều nhất trí với nhau nhận định này: nhà thơ thì nhiều mà thi sĩ thì ít quá. Như thế quả là điều thật may. Bởi đền thơ thiêng liêng lắm. Xưa các cụ đốt trầm lên rồi mới đọc thơ. Đủ biết các cụ ngưỡng vọng thơ biết nhường nào. Có lẽ nên nói một câu với những người cầm bút làm thơ bây giờ là: "Xin đừng đùa với thơ".
Thơ tình thời nay đang lâm vào cảnh khủng hoảng. Làm thì dễ mà hay thì khó. Xưa, đâu phải các cụ không làm thơ khoả thân.
Cụ Nguyễn Du viết:
                        "Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
                         Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên".
Đó là một bức tranh toàn cảnh. Hay tột đỉnh. Đọc xong ai cũng nhớ.
Hồ Xuân Hương tả cô gái ngủ ngày:
                        "Yếm đào trễ xuống dưới nương ong
                        Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
                        Một lạch đào nguyên suối chửa thông".
Mỗi chữ đều rất thật mà sáng ngời. Người đọc không cảm thấy có gì là "tục", là "dâm" cả. Dù "toà thiên nhiên" cứ lồ lộ, không hề che đậy một chút nào.
Đến như cụ Hồ cũng có một câu thơ tình ái, không là người sâu sắc, cảm thông, từng trải không thể có được câu thơ nặng tình đến thế này:
                        "Anh ở trong song sắt
                         Em ở ngoài song sắt
                        Gần nhau trong tấc gang
                        Mà biển trời cách mặt".
Bốn chữ "biển trời cách mặt" quả là chữ thần. Đọc lên hiểu hết, hiểu tận cùng nỗi đau của người vợ tù đi thăm chồng, có thể tay cầm tay, mặt chạm mặt mà vẫn cứ vời vợi nghìn trùng.
Trong thơ trữ tình không thể không nhắc tới Nguyễn Công Trứ. Cụ viết sát sạt:
                        "Giang sơn một gánh giữa đồng
                         Thuyền quyên ư hử anh hùng nhớ chăng?"
Đâu phải các cụ "hoa hoè, hoa sói", mà hết sức cụ thể, cụ thể trong miêu tả, cụ thể cả trong tâm trạng. Những câu thơ mãi mãi là của muôn đời.
Bây giờ các nhà thơ trẻ của chúng ta cũng làm thơ tình. Nhiều người làm rất hay. Có bốn câu thơ viết ngay về sự tan vỡ trong tình yêu:
                        "Bây giờ trăng xẻ làm hai
                         Phần em em muốn tặng ai thì tuỳ
                        Phần anh anh cất nó đi
                        Để đem ra ngắm những gì đôi ta".
Một nỗi đau thật thấm thía.
Thiên chức của nhà thơ là rất thiêng liêng. Không ai nhạy cảm bằng các nhà thơ. Đúng như Inrasara, một nhà thơ người Chăm viết:
                        "Không có ai
                        trái tim dễ cháy hơn tim chúng ta
                        phía khổ đau linh thánh.
Sự nhạy cảm ấy, sự thấy ấy có lẽ cũng nên nhớ lời khuyên rất có ích này: "Viết cái gì? Viết cho ai?" để mãi mãi giữ linh thiêng cho chốn đền thơ của chúng ta. Đừng để con cháu chúng ta nguyền rủa những câu thơ "mất nết" của chúng ta bây giờ.
N.Q.H
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)