Nghiên Cứu & Bình Luận
Đi tìm cái mới lạ cho thơ
16:24 | 04/09/2008
NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Không nhà thơ nào muốn lặp lại những gì thơ ca đã có, kể cả lặp lại chính mình. Đi tìm cái lạ cái mới, chính là bản chất của sáng tạo.

Nghiên cứu các tác phẩm đoạt giải Noben văn chương, một nhà nghiên cứu cho rằng, tất cả những tác phẩm ấy đều mang tới những trạng thái sống kỳ lạ, thậm chí dị biệt. Đấy là một thế giới riêng do nhà văn tạo ra, không có thật trên thế gian (ví dụ như làng Ma-Côndo trong tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" của G.Máckét) nhưng lại mang tới cho người đọc những miền tăm tối hay sáng láng chưa từng thấy ở con người. Tôi coi "trạng thái sống" như một thuật ngữ để soi rọi văn chương, và soi rọi riêng vào thơ ta thì nhìn chung, thơ ta đã mang tới nhiều điều sâu kín của tâm hồn. Những bí mật được phơi bày lần đầu tiên sẽ không còn bí mật nữa, nó biến thành phẩn nổi của tảng băng trôi. Cuộc sống mãi mãi còn chứa đựng vô số những bí mật chìm của tảng băng đó. Một vùng đất miền Trung nghìn năm còn chứa đầy bí mật sau những ngôi mộ được đắp lên bởi chiến tranh. Những ngôi mộ không chỉ liên quan đến một vài người thân mà liên quan đến cả dân tộc này. Ở trong sự liên quan đó có vô số những trạng thái sống mà văn học ta chưa nhìn thấy hết. Cái lạ cái mới đang ẩn mình trong đó. Ngòi bút của nhà văn nhà thơ nếu biết hướng vào đó sẽ tìm được chính tài năng của mình, nghĩa là anh sẽ mang tới cái lạ cái mới, cái trạng thái sống chưa từng có trong thơ ta, văn ta, làm cho văn học không giống một cái mẹt vừa tròn vừa dẹt, mà nó nhấp nhô như đất, cuộn chảy như sông và mênh mông như biển. Nghĩa là văn học thoát ra khỏi những chai lì mòn cũ của những trạng thái sống ẩm mốc.
2. Theo tôi, cái mới lạ không chỉ nằm trong nội dung mà còn nằm trong chính hình thức của nó. Việc cách tân hình thức đối với văn học là vô cùng quan trọng. Quá khứ đã tạo ra những hình thức ổn định, nhưng cũng nên nhớ rằng trước khi nó được tạo ra, vốn là nó chưa hề có. Tôi không tài nào hình dung nổi câu thơ lục bát Việt đã ra đời như thế nào. Nhưng nó đã ra đời và ổn định hàng mấy trăm năm nay. Tạo ra hình thức tuyệt vời cũng có nghĩa là tạo ra "mốt". Nhà tạo mốt thơ lục bát là ai, nếu biết, có thể dựng tượng đài thật hoành tráng cho thơ Việt. Liệu trong những nhà thơ của chúng ta, ai sẽ tạo được "mốt" mới cho thơ Việt trong tương lai? Đấy là một điều đáng suy nghĩ đối với những nhà sáng tạo thơ. Tuy nhiên, việc sáng tạo và việc chấp nhận cái mới cái lạ không chỉ phụ thuộc vào nhà sáng tạo, mà còn phụ thuộc vào cả người thưởng thức. Người ta nói nhiều về việc "nâng cao dân trí" nhưng lại rất ít chú ý đến việc "nâng cao dân trí thơ". Thưởng thức nghệ thuật tự nhiên và thưởng thức nghệ thuật bằng tri thức là rất khác nhau. Dân trí nhạc của ta chưa đạt tới trình độ nghe nhạc giao hưởng, trong lúc dân trí Tây đã tiếp cận được nhạc giao hưởng hiện đại. Những sự phê phán vô lối đối với thơ, kể cả một số nhà thơ đầy chủ quan tự mãn hay những nhà phê bình "lý loạn" đôi khi thật ấu trĩ, ngăn trở việc cách tân thơ, cần phải tự xem lại chính mình hơn nữa. Bởi cách tân luôn là bản chất của sáng tạo. Hiện tượng những người mặc áo quần của kẻ khác lại lên tiếng chê bai những người mặc kiểu áo quần của chính họ tạo ra, vẫn luôn xảy ra như "chuyện thường ngày ở huyện".
3. Trong sáng tạo thơ, tôi luôn kính nể những tài năng lão làng, nhưng tôi cũng phải biết kính nể những tài năng trẻ. Những đại thụ có thể xẻ gỗ dựng nhà, những mầm non sẽ làm nên rừng mới, rồi sẽ thành đại thụ hay cổ thụ. Một điều hiển nhiên là người ta ít hy vọng vào cái đã già mà hy vọng vài cái non trẻ. Lực lượng thơ trẻ của chúng ta hôm nay rất đông đảo và đã có những hiện tượng nổi trội trong cánh rừng non xanh ấy. Môt số bài thơ của Văn Cầm Hải được in ở nước ngoài, được dịch ra tiếng Anh. Một số bài thơ của Vi Thuỳ Linh được giới thiệu trên tạp chí Europe . Thơ Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, v.v... được người Việt ở nước ngoài quan tâm. Những Lê Thị Mỹ Ý, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Tiến Dũng và gần đây là Lý Đợi là những tác giả trẻ thật đáng lưu tâm. Chúng ta chống lại sự tranh cãi hàng tôm hàng cá về thơ vì thơ không phải là tôm cá, và chúng ta tôn trọng sự tranh luận có lý có tình về thơ. Theo tôi, một nhà thơ tạo ra được tranh luận là một nhà thơ không bình thường. Chính nhà thơ trẻ Vi Thuỳ Linh đã tạo ra được hiện tượng trong thơ ta vài năm gần đây. Nhiều luồng ý kiến khác nhau được đăng tải trong nước. Nhiều tờ báo, đài phát thanh nước ngoài phỏng vấn tác giả. Và hơn 2 tháng nay trên mạng Internet phát đi từ Đức luôn có bài tranh luận về thơ Vi Thuỳ Linh. Chỉ có chính tác giả mới chịu trách nhiệm về thơ và người của họ. Và cái đáng khích lệ là sau tranh luận về mình, Vi Thuỳ Linh đang chuẩn bị cho in tập thơ thứ 3 tên là Vili tiếp theo Khát và Linh. Tôi nghĩ rằng thơ trẻ đã khác, bởi thế hệ viết bằng máy vi tính, thông thạo nhiều ngoại ngữ, với lối tư duy lập trình của thời đại mới (kể cả nội dung và hình thức), họ sẽ mang đến cho thơ những điều mới lạ chưa từng có. Là một nhà thơ, tôi đứng về phía thơ ca, và về thế hệ, tôi muốn được đứng về phía các nhà thơ trẻ.
Sầm Sơn, 19.9.2002
N.T.T
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)