Nghiên Cứu & Bình Luận
Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học
16:18 | 24/01/2011
INRASARA1. Điểm lại mười căn bệnh phê bình hôm nay
Khởi động một chiều hướng mới cho phê bình văn học
Nhà thơ Inrasara - Ảnh: internet
Qua tiếp nhận phát hiện của người đi trước và bằng sự quan sát của mình về hiện tình sinh hoạt văn học Việt Nam đương đại, tôi đã một lần gọi tên mười căn bệnh phê bình, nay xin điểm mặt lại:

Phê bình bình và tán, không trên nền tảng mĩ học nào, bình tán đầy tính may rủi.

Phê bình độn giai thoại, ở đó trong một bài viết, nhà phê bình tùy tiện độn vào cơ man giai thoại cũ và mới, rất nhảm nhí.

Phê bình chung chung, tránh né, vô thưởng vô phạt, là loại phê bình có thể áp dụng cho mọi nhà thơ, mọi tập thơ mà không sợ bị trật.

Phê bình hũ nút, lấy mình làm thước đo văn chương người thiên hạ; cho dù văn chương thiên hạ rộng và cao tới đâu, cứ lấy chuẩn mình ra đo.

Phê bình núp bóng, núp bóng và nhân danh. Nhân danh đạo đức, chân lí, truyền thống và cả nhân danh tên tuổi lớn trong lịch sử văn chương.

Phê bình bè phái, thể hiện mình cả ở thái độ khen chê, bênh vực hay cáo giác.

“Phê bình du kích”, để thỏa mãn tính thù vặt, nhân vụ này đá sang vụ khác đến đối tượng không lường trước, mà nếu có biết cũng khó chống đỡ.

Phê bình quan phương, là thứ phê bình hãnh tiến của kẻ đang nắm chặt chân lí trong tay, bao giờ và ở đâu cũng ăn nói ở thế đúng, thế thắng.

Phê bình hàng hai, nói theo vì đang kì ăn theo, nói theo để còn ăn theo lâu dài hơn.

“Phê bình liếc nhìn” vượt mặt phê bình hàng hai, nó còn biết đi rất nhiều hàng, nhưng chung quy nó thể hiện thói nịnh bợ, uốn ngòi bút để kiếm chác(1).

Sinh hoạt phê bình Việt Nam mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Các bài viết kia cuối cùng được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, rồi kêu đó là “tập lí luận - phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn... gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ nghe bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.

2. Chuẩn bị tinh thần thay đổi cách làm phê bình

Để dứt bỏ thứ bóng ma phê bình cảm tính đầy tùy tiện từng ám văn học Việt Nam, nhà phê bình tự trang bị tinh thần và cả thái độ mới.

Đòi hỏi trước tiên là nhà phê bình tự thức toàn diện và sâu thẳm về sự yếu kém của bản thân nền phê bình, nhận mặt căn bệnh và cương quyết rũ bỏ chúng.

Tư thế tự do. Tự do khỏi mọi ràng buộc định kiến nghệ thuật, ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, quyền lợi phe nhóm, quen biết anh chị em bằng hữu.

Có cái nhìn toàn cảnh văn học đương đại. Muốn thế, nhà phê bình học biết chấp nhận các quan điểm, các tác phẩm không cùng hệ mĩ học với mình.

Hướng về phía tương lai và phía mới. Nhà phê bình học biết suy tư trong chiều hướng đưa nền văn học phát triển ở ngày mai, chứ không phải ngược lại, một phê bình sẵn sàng cho thế hệ hôm nay sáng tạo cái mới trong tâm thế mở của thời đại toàn cầu hóa.

Vừa đảm bảo tiêu chí khoa học, cạnh đó nhà phê bình phải là một nghệ sĩ sáng tạo, để mỗi tác phẩm phê bình là một công trình nghệ thuật.

Làm thế nào để giải thoát khỏi phê bình cảm tính?

Câu trả lời là: Chỉ qua thao tác phê bình lập biên bản, nhà phê bình mới hi vọng thoát khỏi định mệnh từng bám đuổi văn học Việt Nam suốt cả thời gian dài dặc ấy.

3. Ba hình thức phê bình lập biên bản

Phê bình lập biên bản hiện hữu dưới ba dạng:

Bàn tròn văn chương

Ở Bàn tròn văn chương,
đề tài có thể là một bài thơ, tập thơ, tập truyện ngắn, một tác giả, một dòng văn chương hoặc một hình thức/ phương tiện thể hiện. Các hiện tượng này cả tốt lẫn xấu, hay, dở hoặc trung bình,... được soi chiếu từ nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau. “Biên bản BTVC” là bản ghi chép trung thực và đầy đủ các nhận định đó. Nó như kiểu tập thể phê bình.

BTVC tập hợp đa thành phần, đa xu hướng sáng tác, nhiều lứa tuổi khác nhau; đề tài được chọn tự do, vô phân biệt; thành viên tham gia và thảo luận tự do trong không khí cởi mở, vô ngại - một tự do đầy trách nhiệm. Là ba điều chưa từng xảy ra trước đó.

BTVC đảm bảo cho nhà phê bình cái nhìn toàn cảnh sinh hoạt văn học.

Biên bản lập chậm

Sau mỗi Hội thảo, Ra mắt sách, Cà phê văn học,... các báo đưa tin, bình luận. Mỗi nơi mỗi khác, thậm chí ngược hẳn nhau, tùy thế đứng, cách nhìn hay tâm cảm người viết. Người đọc do đó, tiếp nhận và hiểu nó mỗi khác. Bình luận trên thông tin thiếu và [lắm lúc] sai, như thể nhà phê bình đánh giá tác phẩm dựa trên văn bản bất toàn hay sai vậy. Chủ quan và phiến diện là khó tránh khỏi. BBLC: cụ thể, chính xác, đầy đủ và toàn diện. Sự việc sẽ nói lên tất cả. Biên bản trước/ trong/ sau và cả ngoài hành lang hội thảo. BBLC thể hiện thao tác công bằng nhất có thể có, làm cơ sở cho nhà phê bình đánh giá sự việc.

Chỉ dựa trên thông tin đầy đủ và chính xác, các nhận định hay phê bình mới mang tính tích cực như là tích cực. Qua đó, có khả năng đẩy nền văn học dấn tới. Đó là cách chuẩn bị cho lối phê bình văn học tuân thủ các thao tác rất khoa học.

Phê bình [như là] lập biên bản

Là các “phê bình” về một bài thơ, một tác phâm, tác giả, nhóm tác giả hay trào lưu văn chương đương đại. Nó nằm lấp lửng giữa nghiên cứu và phê bình. PBLBB cố gắng bày nó ra như là thế, “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó. Nghĩa là không từ hệ mĩ học này phê phán sáng tác thuộc hệ mĩ học khác. Với sự “đi vào trong” này, nhà phê bình sẽ có thái độ bao dung với mọi trào lưu văn chương, qua đó khả năng soi sáng các góc khuất chưa được soi sáng đầy đủ. Khi ấy, nhà phê bình có thể nhận ra bản chất văn học rằng, các hiện tượng nào bất kì hiện hữu có lí do của nó, chúng không loại trừ nhau mà cùng tồn tại để thúc đẩy nền văn học phát triển. Phê bình [như là] lập biên bản là song thoại đúng nghĩa, nghĩa là đầy tính dân chủ.

Thế nhưng với sáng tác của các khuôn mặt thơ thế hệ mới, thế hệ thơ sau hậu hiện đại [Việt Nam], ba hình thức Phê bình lập biên bản trên chưa thể đáp ứng được sự phát triển trương nở đến vô cùng của nó, tốc độ cập nhật và tương tác đa dạng và nhanh nhạy của nó. Các loại thơ đó cần đến thái độ khác, phương cách khác, tại đó “kiểu tập thể phê bình” như đã từng diễn tập tại Bàn tròn văn chương chỉ là một gợi ý ở phạm vi hẹp. Đó chính là Phê bình mơ(2).

4. Phê bình mở: độc giả nhập cuộc đồng sáng tạo

Một tác giả, một tác phẩm xuất hiện, vấn đề văn học đang nóng... nhận được ý kiến khen chê hay bị bỏ quên ngay khi vừa ra đời. Trên mạng internet! Kịp thời và nhanh nhạy là điều dễ thấy nhất của phê bình ở thời đại vi tính. Nó mang ở tự thân đặc tính của báo chí.

Còn hơn cả báo chí. Bởi điều mà báo giấy không kham nổi thì báo mạng, website, blog, facebook đảm đương mà không hề hấn gì. Có cả không gian mênh mông cho người quan tâm vào cuộc. Một bài thơ mới lạ kêu đòi nhiều diễn giải khác nhau. Ở Bàn tròn văn chương, nó chỉ dừng lại trong không gian hạn định đó, không thể làm gì hơn. Nhưng nếu bài thơ kia xuất hiện trên website hay blog, sự diễn dịch và tương tác sẽ được mở, rộng và xa hơn rất nhiều. Chẳng những không giới hạn về không gian, phê bình mở không giới hạn về thời gian.

Tác phẩm văn chương như một thế giới mở tồn tại vô vàn khoảng trống và những điểm trơn trợt bất định, mời gọi sự chấp nối cùng các diễn ngôn khác nhau. Mạng internet dung chứa tất cả. Sự chấp nối và các điểm nhìn này được phát ra từ những kinh nghiệm, cảm xúc, tri thức rất khác nhau của nhiều thành phần độc giả khác nhau qua các lần đọc khác nhau. Của kẻ vô danh hay người nổi tiếng, dân nghiệp dư hay chuyên gia hàng đầu.

Độc giả hôm nay mà trình độ thẩm định văn chương đã được nâng cao đáng kể, hết còn thưởng thức tác phẩm thụ động. Trên diễn đàn internet, không ai cầm cây gậy khua khoắng chỉ bảo, đe nạt; tất cả đều bình đẳng trong một không gian mở. Dân chủ và vô phân biệt. Ý kiến nào gởi trước thì được đăng trước, xóa nhòa lằn ranh đại chúng với đặc tuyển, chuyên hay không chuyên. Đại bộ phận các nhận định không bị biên tập hay sửa chữa.

Phê bình mở vừa tương tác với tác giả, với tác phẩm đồng thời tương tác với các tương tác khác. Phê bình mở không sợ sai. Sai thì sửa sai. Không có gì nghiêm trọng cả. Do đó, nó không cần độ lùi để ngoảnh nhìn lại cho chắc ăn. Nó nhanh nhạy đuổi bắt, song hành và có khi đi trước sáng tác(3).

5. Nền tảng thẩm định văn chương (thử chọn một thể loại: thơ)

Đòi hỏi đầu tiên với nhà phê bình là đủ bản lĩnh: bản lĩnh tri thức và tinh thần để thẩm định; thừa tự do, tự do thoát khỏi mọi gu thẩm mĩ “cổ điển” hay thời thượng, thoát khỏi mọi thứ quyền lực bất kì, đám đông công chúng hay ý hệ; dư tinh thần dân chủ, dân chủ để thật công tâm với mọi loại, mọi dạng sáng tác tác phẩm. Nghĩa là phê bình đặt hoàn toàn trên lí tính.

Nhưng trước muôn ngàn quan điểm về thơ, làm thế nào hòa giải chúng, để các “loài” thơ cùng tồn tại mà không bị loại trừ hay phải loại trừ nhau? Có ba loại nhà thơ (không có chút tâm phân biệt trong thái độ phân loại này cả):

Người làm vần để phục vụ đại chúng, gồm các nhà thơ phường xã, câu lạc bộ thơ hưu trí, thơ báo tường,… Thơ ưa chuộng của bộ phận này là thể thơ cũ, lục bát đậm đà bản sắc, thơ có vần điệu êm tai, dễ nhớ và dễ truyền.

Nhà thơ phục vụ cho một ý hệ, một tầng lớp nào đó bất kì. Bộ phận này luôn ở tư thế “tiếp hiện” các thành tựu gần. Họ sáng tác vừa với tầm mong đợi của đại đa số độc giả đương thời, bằng cách mở rộng và khuếch trương thành tích hôm qua của chính mình.

Kẻ sáng tạo đúng nghĩa. Luôn luôn trên đường khám phá, thay đổi và làm mới. Họ sẵn sàng làm mếch lòng độc giả đã từng yêu mến họ, bởi họ dám thay đổi cách viết, thay đổi cả mĩ học sáng tạo.

Khi biết nhìn nhận tất cả ba “loại” nhà thơ trên, nhà phê bình sẽ có cái nhìn công bằng, từ đó đưa ra sự thẩm định(4).

Một nhà văn được đánh giá qua bốn điểm cốt yếu: [1] Nhà văn có tư tưởng nào mới không, hoặc động cập đến các vấn đề cốt tủy nào của dân tộc, đất nước và thời đại không? [2] Bạn có dấn vào nhiều thể loại để mở rộng và đào sâu tư tưởng/ vấn đề đó không? [3] Bạn có khám phá bút pháp nào mới, để thể hiện tư tưởng/ vấn đề đó? [4] Cuối cùng là dung lượng để đo bề rộng, chiều cao và độ sâu, của một tác phẩm hay cả đời viết của một nhà văn; nghĩa là tương quan giữa tầm vóc và dung lượng.

Thẩm đinh đánh giá một tác giả cần dựa trên bốn yếu tố đó.

Cuối cùng, bởi một tác phẩm, mỗi nhà văn không tồn tại hay sáng tác cô lập nên, muốn biết nó hay, mới thế nào, lớn đến đâu thì cần đặt nó trong dòng chảy của sự phát triển văn học, so sánh với các tác phẩm hay tác giả vừa lịch đại vừa đồng đại, trong nước lẫn thế giới.

6. Triển khai một công nghệ phê bình toàn diện

Phê bình Việt Nam lâu nay quanh quẩn ở phê bình tác phẩm, tác giả, thời đoạn văn học,... mà chưa dấn lên một bước mới, khác.

Bởi văn học không tách rời khỏi đời sống xã hội, nó luôn chi phối và chịu tác động của môi trường xung quanh, nên công nghệ phê bình đòi hỏi cái nhìn xuyên suốt. Nó không dừng lại ở phê bình tác phẩm, tác giả mà còn bao quát nhiều đối tượng; nó nhấn vào cả việc phê bình đọc, phê bình viết và cả phê bình chính bản thân phê bình. Hình thức phê bình cũng rất đa dạng: Phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành hay phê bình lí thuyết. Cạnh đó, nó còn thể hiện qua sự đa diện ở góc nhìn, để đánh giá hay/ dở của tác phẩm, các diễn dịch văn bản khác nhau hay sự phát hiện cái đẹp, cái mới khác nhau của tác phẩm…(5)

Như thế, phê bình không chỉ phụ thuộc vào tác phẩm, nghĩa là cứ chịu phận lọt tọt đi sau sáng tác, mà còn có thể dũng mãnh đi trước sáng tác, một dạng phê bình khả năng dẫn đạo sáng tác.

Phê bình khám phá cái đẹp rồi quy phạm hóa cái đẹp để lập thuyết và phê bình mang ý hướng khai mở cho cái đẹp mới xuất hiện là hai loại phê bình song hành tồn tại ở một nền văn học lớn của đất nước nào bất kì. Công nghệ phê bình ra đời để tạo lực đẩy và trao cơ hội cho mọi khả tính của phê bình.

Cộng đồng văn học có nhiều bộ phận: Người sáng tác, nhà phê bình và độc giả; ở mỗi bộ phận tồn tại nhiều “loại” khác nhau. Có thể phân “nhà” phê bình làm ba loại: nhà phê bình đại diện cho thị hiếu chung của xã hội, nhà phê bình phát hiện cái mới khác trong sáng tác đương thời, và nhà phê bình lí thuyết mở hướng đi mới cho khai phá sáng tạo.

Mỗi loại phê bình hiện hữu có lí do chính đáng của nó. Và cần thiết. Bởi tất cả đều có ích cho cộng đồng và cho sự phát triển của văn học, miễn là nhà phê bình thức nhận và biết đặt nó vào đúng vị trí và vai trò của nó.

Sài Gòn, 8-5-2010
I.R.S.R
(263/01-11)


-----------------------
(1) Xem thêm: Inrasara, “Gọi tên căn bệnh của phê bình hôm nay”,
báo Văn nghệ, 30-8-2008.
(2) Xem thêm: Inrasara, “Từ phê bình lập biên bản đến phê bình mở”,
Tạp chí Tia sáng, 20-11-2009.
(3) Xem “Đặt nền tảng cho phê bình thơ Việt đương đại”, tạp chí
Hợp Lưu, số 110, 2010.
(4) Xem thêm: Inrasara, “Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay”,
Tạp chí Sông Hương, số 6, 6-2010.
(5) Xem Nguyễn Hưng Quốc,
Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, NXB Văn Mới, Hoa Kì, 2007, tr. 89-92.






Các bài mới
Các bài đã đăng