Nghiên Cứu & Bình Luận
Ý nhỏ trong việc lớn
16:27 | 04/09/2008
THÁI BÁ LỢIMột nhà văn lớp đàn anh của tôi tâm sự: Chỉ có miền Trung mới có văn xuôi thôi, vì ở đây từ đất đai, khí hậu con người luôn luôn được thử thách, được cọ xát, được tôi rèn, với hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy mới bật ra tư tưởng, mà văn xuôi là tư tưởng.

Tôi chăm chú nghe ông nói, chỉ nghe mà không dám đàm đạo gì. Thực lòng tôi cũng không biết có phải miền Trung là mảnh đất của văn xuôi hay không? Mà cũng không thể nói ở đâu có điều kiện cho văn xuôi và ở đâu thì không có điều kiện đó. Tôi giữ thái độ lễ phép trước bậc đàn anh khi nghe những lời tâm sự cực đoan của ông.
Một dải đất từ Bỉm Sơn đến Hàm Tân, xe chạy phải tính hàng ngày. Địa hình thay đổi qua hàng trăm cây số: từ Thanh Hoá, vùng đất đã sinh ra hai triều vua đến làng tôi ở Quỳnh Lưu Nghệ An, nơi là bối cảnh mà nhà văn Bùi Hiển viết truyện ngắn đặc sắc "Nằm vạ" cách nhau chưa đầy một trăm cây số mà đã có biết bao nhiêu điều khác biệt, mỗi điều khác biệt đó là một chi tiết lạ làm nên xương thịt của các truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết.
Trong những năm chiến tranh tôi có điều kiện đi đến nhiều nơi, từ vùng đất vĩ tuyến 17, đường 9 ác liệt đến chiến trường Huế trong Tết Mậu Thân và chiến trường khu năm từ năm 1969 đến năm 1975, tuy lúc đấy chưa có ý thức tích luỹ chi tiết để làm tăng vốn sống cho mình để trợ giúp viết văn sau này, nhưng những chi tiết đời sống, những cảnh sắc thiên nhiên cứ dần dà nhập vào mình, tích tụ lại và cũng tự nhiên chúng sẽ hiện ra trên các trang giấy mỗi khi chủ đề xuất hiện.
Hiện nay người ta đang bàn cãi rất nhiều về những điều mà đời sống đang đặt ra, đang vận động một cách chóng mặt với các phương tiện mà khoa học đem lại ngày một tinh vi hơn thì văn xuôi phải thay đổi như thế nào để bắt kịp và phản ánh được cuộc vận động đó. Thời gian đang dồn ép lại. Nhưng các thế hệ có sự xích xa nhau hơn quy trình sự phân biệt giàu nghèo, mà kinh tế thị trường đang mang đến. Nhiều điều của những người 20 tuổi, người 40 tuổi thậm chí 50 tuổi cũng không thể hiểu hết. Tiếng nói chung của các tầng lớp trong xã hội không còn giữ được sự đồng nhất trên nhiều phương diện. Con người ngày càng ít quan tâm đến những giá trị nhân văn vì giá trị đó không phục vụ cho nhu cầu cấp thiết trước mắt họ. Vì vậy, họ sẽ hành động rất bộc phát và nhiều khi không có tính toán gì nhiều. Trước một bối cảnh như vậy văn xuôi phải làm gì?
Phải nói một cách thẳng thắn rằng trong những chục năm gần đây văn xuôi trong địa bàn miền Trung chúng ta và trên cả nước, chưa có những tác phẩm làm xao động đời sống xã hội, nói được những điều mà đời sống xã hội đang quan tâm, đang đặt câu hỏi, đang cần lời giải đáp. Điều đó không có nghĩa là các nhà văn không làm việc, và cũng không phải là không có những tác phẩm đặc sắc. Nhưng với một quỹ thời gian có hạn sau những việc kiếm sống để tồn tại, con người lại có nhiều phương tiện để tiếp thu kiến thức, để giải trí tiện lợi khác thì các tác phẩm văn xuôi phải tung được những đòn mạnh hơn nữa vào đời sống xã hội. Đó là các tác phẩm hay để người đọc không thể xa lánh nó được.
Theo tôi công việc của người viết văn hiện nay cũng chẳng có gì khác mấy so với những người đi trước, có khác chăng thì có người vẫn viết tay và có người làm việc trên máy vi tính. Lại vẫn là phải đề cao những giá trị tinh thần vốn có của con người mà họ chưa bộc lộ hết, hoặc bị vùi lấp dưới những thói hư tật xấu do điều kiện xã hội tạo ra. Các nhà điêu khắc chỉ cần đục bỏ những phần thừa của tảng đá để có tác phẩm tuyệt hảo. Còn những người viết văn xuôi chúng ta dù viết về tiêu cực hay tích cực, viết về điển hình anh hùng hay các vụ án, viết về người lớn hay trẻ con, viết về thiên nhiên được bảo vệ hay đang bị phá hoại, viết về bất cứ đề tài nào thì cũng đạt được mục đích cuối cùng là tôn vinh con người, tôn vinh Con Người viết hoa luôn luôn tiến hoá, bút pháp có lạnh lùng đến đâu sự thật về cái xấu cái ác có được bộc lộ sâu sắc đến đâu thì cái đích đến của văn xuôi cũng như các nghệ thuật khác là làm bộc lộ phần trong trắng, phần sáng suốt nhất, phần nguyên vẹn nhất của con người. Còn tất cả những thứ như thể loại đề tài, chủ đề chỉ là phương tiện. Tất nhiên nhà văn phải dũng cảm. Trong những năm 50 của thế kỷ trước có cuộc đối thoại giữa nhà văn Mỹ Wiliam Faulkner và nhà văn Pháp Allbet Camus, hai nhà văn được giải thưởng Nôben vẫn còn giá trị thời sự bây giờ (đại ý).
A.Camus: Ông nghĩ gì về văn chương hiện nay?
W.Faulkner: Sẽ chẳng có gì cả, muốn có nền văn chương chân chính nhà văn phải thâm nhập vào sự đau khổ, phải có lòng trắc ẩn, có sự thông cảm và một tình thương lớn lao với con người. Các nhà văn lớp trước thành công vì họ đã làm như vậy.
A.Camus: Cái gì cản trở con người làm nên những kiệt tác?
W.Faullkner: Sự sợ hãi, khi con người hết sợ hãi, khi ấy họ sẽ khởi sự viết những kiệt tác.
Quay về hiện thực về mảnh đất và con người miền Trung mà nhiều tác phẩm văn học xuất sắc từ đầu thế kỷ đến nay đã khắc họa một diện mạo văn xuôi với những nét độc đáo riêng. Tuy không được bác học, thanh nhã với ngôn ngữ đẹp như văn xuôi phương Bắc, không được phóng khoáng tươi vui như văn xuôi phương Nam, văn xuôi miền Trung được cái mộc mạc, mạnh mẽ, chắt lọc. Đó là những viên ngọc quý của lớp lớp nhà văn để lại cho hậu thế. Việc tiếp tục sự nghiệp ấy là của thế hệ nhà văn hôm nay. Tôi xin kể chuyện về một con người, mà bản chất cuộc sống của ông rất văn xuôi. Ông là một Thượng tướng, Anh hùng quân đội, trong suốt chặng đường chiến đấu của ông, người ta hình dung ra ông là một người kiên cường, dũng cảm, quyết đoán, có nhiều cách đánh sáng tạo để chiến thắng quân thù. Ông thường nói nếu nhân dân giao lực lượng vũ trang cho tôi dù một tiểu đội hay đến cả quân đoàn tôi đều tìm mọi cách để chiến thắng kẻ thù với thời gian ngắn, hiệu suất cao, tiết kiệm xương máu. Tất cả những điều trên đều đúng về con người ông. Một hôm khi đang làm việc với ông về kinh nghiệm của một trận đánh, trong bản tổng kết có ghi: Thương vong không đáng kể. Ông đưa bản thảo cho tôi và hỏi: "Này ông nhà văn, ông nghĩ gì về mấy chữ này? "Tôi chưa kịp trả lời thì ông nói: "Không thể nói không đáng kể được. Thương vong nào dù nhỏ nhất cũng rất đáng kể phải không ông". Sau đó tôi cầm bút chữa lại thành: thương vong thấp.
Những con người như vậy và vô vàn con người khác quanh ta với đầy đủ bản chất nhân văn của họ đang chờ chúng ta thể hiện lên trang viết. Nhưng anh chị em cầm bút chúng ta đã biết phải có một cơ duyên nào đó, có thể là cảm hứng, phần lớn là do lao động, thì những suy nghĩ, cảm nhận của ta mới truyền đạt một cách thuyết phục đến người đọc qua những con chữ để cùng chúng ta suy ngẫm về những con người sống trên mảnh đất được ví như cái đòn gánh gánh hai đầu đất nước và nếu như tất cả anh chị em chúng ta ngồi đây cùng với những bạn viết đang có mặt ở khắp nơi của đời sống xã hội chân tình giúp đỡ nhau, trân trọng sự lao động của nhau, nói như Maxim Gorki hãy bỏ đi sự chỉ huy nhau và giành lấy quyền dạy bảo nhau tôi tin rằng chúng ta không sợ thiếu những tác phẩm văn xuôi đặc sắc về miền Trung.
T.B.L
(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đọc Lão Tử (28/08/2008)