Nghiên Cứu & Bình Luận
Cái đẹp là… cái gì?
15:34 | 25/01/2011
MIÊN DIVẫn biết, định nghĩa cái đẹp cũng giống như lấy rổ rá... múc nước. Vì phải qui chiếu từ nhiều yếu tố: góc nhìn, văn hóa, thị hiếu, vùng miền, phong tục... Tiểu luận be bé này xin liều mạng đi tìm cái chung cho tất cả những góc qui chiếu đó.
Cái đẹp là… cái gì?
Nhà thơ Miên Di - Ảnh: lucbat.com
Vì suy cho cùng cái đẹp là đứa con ruột của đời sống. Hư vô tuyệt đối không có gạch đá và vôi vữa, không có hạnh phúc lẫn bi ai, thì lấy gì để mà làm chất liệu tạo hình nên cái gọi là “Cái đẹp”? Đó là lý do câu hỏi Cái đẹp là... cái gì? cần có đáp án, để làm thành cái neo nhân văn, cái nền nhân bản, đưa nguồn năng lượng sáng tạo về hướng phục vụ cho đời.

Người nghệ sĩ thường phải đau khổ hơn người bởi sự vằng vặc của thiên tư, thiên tư ấy vừa là năng lực vừa là ân hình quá khổ ghép vào thân thể yếu đuối của một sinh linh. Mà sinh thể nào cũng cấu tạo như nhau, nên ân hình ấy đôi khi không vừa cho một số phận. Lịch sử từng ghi lại, có những cuộc đời nghệ sĩ vì một lý do nào đó không giải phóng được nguồn năng lượng thiên tư đó, họ đã xem cái chết không còn mang nghĩa đọa đày. Những người mang thiên tư như gánh nặng ấy, vừa phải cùng lăn lộn với đời sống để có được sự thật cận cảnh của nhân sinh quan, lấy sự thật ấy làm chất liệu, làm vôi vữa tạo hình nên cái đẹp. Và cùng lúc phải cho mình đôi kính nhận thức vũ trụ quan, để thấy cõi đời từng mảng tươi xanh, từng vùng ô trọc này không tồn tại Chân Lý Phổ Quát, nơi ấy đầy rẫy những nghịch lý thuận, điển hình: Người Đàn Bà Trộm Cắp tất nhiên phải chịu sự phán xét của pháp luật, nhưng cái đúng của pháp luật không thể đúng rộng đến được khu ổ chuột đang có những đứa con đói khát chờ mẹ mang thức ăn về.

Nghệ thuật lúc đó phải đi qua... công lý, để thấy được rằng: đôi khi nhân phẩm tối thượng là khi người ta sẵn sàng hy sinh danh tiết: “hạ thấp danh dự xuống ngang tầm tấm bánh” (chữ của Phạm An Hòa) vì một chính nghĩa nhân đạo, dám đánh đổi danh dự của mình để lấy một bữa ăn cho con đang cơn đói chết. Nghệ thuật, phải có trách nhiệm trải bày những nghịch lý thuận đó, để xoa dịu, để sẻ chia, để hướng công lý đến cõi miền Chí Thiện, Chí Mĩ. Nếu làm được như thế, thì cái đẹp là cái có thể gọi tên: đó là sự nhân bản, nó sáng hơn thần công lý vốn mang dải băng trên đôi mắt. Công lý của một hệ thống pháp luật không thể toàn diện cho tất cả mọi người, mà chỉ đại diện của một cộng đồng, một giai đoạn lịch sử. Pháp luật vốn phải mang bộ “mặt lạnh”, đôi khi đánh rơi những thân phận lạc ra ngoài những giao kèo số đông, những thỏa thuận hội đồng. Và cái đẹp chính là cái có thể vượt qua được sự hạn hẹp đó, để trường tồn.

Quan hệ giữa đời sống và vai trò người nghệ sĩ, có thể tạm gọi như viên ngọc thô chưa mài giũa và sự thăng hoa của người mang nghiệp sáng tạo. Vì thế, đôi mắt nghệ sĩ cần cùng chung tầm với kích mục của những sinh linh bị cuộc đời đày ải. Để lý giải nguồn cơn, để phản ảnh, để bảo vệ những thân phận có đủ lý do để oán trách ông Trời, và thậm chí căm thù... Thượng đế. ‘’Tại sao Thượng đế lại cho điều ác và sự thống khổ tồn tại trong trần gian?’’, là câu hỏi không thể trả lời bằng cơ sở số liệu của nhân sinh quan hạn hẹp, phải đi qua cái đúng của của một phạm vi xã hội mới cảm thông được, để trả lời, bằng hội họa, bằng văn chương, bằng thơ ca... Nghệ thuật lúc đó, mới thực sự thể hiện hết vai trò của nó: từ xoa dịu nhân sinh đến lý giải, tìm kiếm những khiếm khuyết vĩ mô, để mà cải thiện.

 

Ảnh: miendi.com


Vì thế, giá trị mĩ học phổ quát không thể có trong những sáng tạo chỉ để thỏa mãn cảm quan cá nhân, hay cổ súy đơn cực cho một tín lý giáo điều nào đó. Nó phải là sản phẩm từ đôi mắt khách quan như thiên sứ, vừa tô vẽ những đóa hoa đang tươi đẹp của cuộc sống, vừa lang thang trong mọi ngõ hẻm nhơ nhuốc của cuộc đời. Khi đó cần có sự dũng cảm liều mình, đôi khi chấp nhận phải khoác lên mình tấm áo ghẻ lạnh của sự phán xét mà lầm lũi độc hành, phải “Quăng mình đi trước quán tính chậm chạp của xã hội, đôi khi bị chính quán tính ì ạch ấy nghiền nát” (Phạm An Hòa), để tạo ra những góc nhìn khác, để mô tả cuộc sống xác tín và đầy đủ, nhằm kháng nghị - dự báo những cơn sóng thần của lịch sử... Phải lăn mình vào những cơn bão chờ đợi ánh chớp lóe lên, trong ánh sáng nhập nhoạng đó, hiện rõ những thống khổ, nhập nhụa của xã hội. Mà trong chan hòa phù hoa, giả tạo an bình không thể nào thấy rõ... Tiếc thay, đôi khi vì sự dũng cảm, nhiều người đã phải từ bỏ thứ “đạo đức cá nhân” trong một bối cảnh dung chấp, hoặc không thể là người cha, người mẹ vẹn toàn, để hoàn thành đạo đức chí thiện nhất là “đạo đức xã hội”.

Paul Claudel nói “Nếu cần tội ác, thì phải là tội ác nào có thể dung hòa được với điều thiện’’. Cái đẹp có đồng nghĩa với điều thiện không? Cái đẹp không tách rời khỏi cái Chân và cái Thiện, Chân-Thiện-Mĩ phải giao thoa nhất định, nhưng không tuyệt đối trùng khít vì sẽ xơ cứng, yếu tính nghệ thuật sẽ không còn. Cái đẹp không bị đóng khung trong trạng thái hoàn hảo, vì thế con đường hướng đến Chí Mĩ là con đường không có đích đến cuối cùng, nhân loại cứ còn có đường để mà đi mãi. Cái đẹp tồn tại như một trạng thái dự phóng chờ đợi hoàn hảo, không là điều thiện như một định dung, định lượng bất biến. Mà là lẽ thiện như con đường dẫn đến vô tận, cái “lẽ thiện con đường” ấy mềm dẻo như nước: lúc tròn, lúc dài trong bầu ống lịch sử. Cái đẹp cũng chẳng chịu co mình vào khuôn mẫu chân lý đã xác lập đã viên thành. Nó chỉ gợi ra, mạc khải cho những đôi mắt nhân gian tìm ra chân lý, rồi lại lang thang vượt ra ngoài... chân lý thủ cựu, chân lý ôi thiu để hình thành chân lý mới.

Cái đẹp không phải sự hoàn hảo tự thân, nó luôn khuyết để cho sự sống bù vào, phần khuyết không được hiển diễn ấy có thể là cái xấu, cái ác hoặc là một cái gì đó vô định. Cái đẹp sẽ không hoàn mỹ nếu không ẩn chứa phần nào cái xấu, như là hiện thực, như là tương phản, nếu khác đi nó sẽ rất xa cuộc sống và rất gần ảo tưởng. Chính cái khuyết ấy thể hiện sự dung chấp của nhiều góc chính kiến, cấu thành sự phổ quát, phản ánh được cuộc sống - xã hội vốn muôn màu, muôn vẻ, đa diện ngoài kia. Nghệ thuật chấp nhận sự phán xét, sẵn sàng trút bỏ lớp áo cũ kỹ, giáo điều, phiến diện, chủ quan. Nó đi trước cuộc sống, đôi khi biểu hiện ngược lại những gì mắt thấy tai nghe, dùng những cái quê kệch để diễn tả cái thanh tao, lấy cái xấu xa dẫn người ta đến cái đẹp đẽ. Sự hoàn hảo của cái đẹp chỉ mang nghĩa sự góp thân của nó như thế nào vào đời sống, vào lịch sử, vào tương lai. Nếu vắng giềng mối ấy thì cái đẹp cũng là vô nghĩa.

Khi vượt qua sự hạn hẹp của một góc nhìn, một quan điểm... Sẽ tìm thấy thêm cái đẹp phổ quát, đó là giá trị nhân văn. Giá trị ấy chính là nền tảng, từ đó mọc lên nhiều nhánh: trào lưu thẩm mỹ, quan điểm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ... Nghĩa là Cái Đẹp có mẫu số chung cho mọi người, mọi nền văn hóa, mọi chính kiến... Mẫu số chung gốc lõi ấy có thể ví von nôm na như cái rốn của cái mâm, mà những người đãi vàng sa khoáng hay dùng. Sự vận động của dòng lịch sử nhân loại tạo nên những giá trị nhân văn như những bụi vàng, tất yếu sẽ tập trung về nơi rốn ấy.

Ảnh: miendi.com


Tạo hóa đã trao cho tiềm cảm của con người, bất kể sống trong môi trường địa lý, văn hóa nào đều sẵn có lòng từ bi. Chúng ta hoặc từ bỏ nó, hoặc nâng cao nó bằng nghệ thuật, bằng giáo dục. Vì thế mọi sáng tạo nghệ thuật không phải là sản phẩm cuối cùng để tôn danh một cá nhân, mà phải được xem là phương tiện để lay động lòng từ bi tiềm cảm ấy. Đó chính là điểm thống nhất mọi quan điểm cảm mỹ. Tôi tin, sẽ không ai phủ nhận cái đẹp từ một tác phẩm nhiếp ảnh mô tả bàn tay khô héo vì đói của một em bé Châu Phi, tương phản đến nhức nhối khi đặt lên một bàn tay khác ấm áp sự quan tâm của một người thiện nguyện.

Cái đẹp không tự sinh - tự tại, nó không có sẵn trong vũ trụ. Nhân vị của con người là tuyệt đối trong việc hình thành nên cái gọi là “Cái Đẹp”. Chúng ta vẫn biết mặt Trăng là bản thể sẵn có, khách quan với sự tồn tại của con người. Vì thế mà “ngón tay chỉ trăng” của đức Phật mới cần thiết cho chúng sinh trong hành trình hướng về chí thiện, chí mĩ.

Tại sao thập giá, nguyên thể là một công cụ hành hình tàn ác lại trở thành Thánh Giá? Là vì chỉ khi hình hài Đức Giê-su với thân phận một-con-người biết chảy máu; biết đau, thứ đau đớn của kiếp người. Từ lúc Ngài ngự trì trên thập giá với cái nghiêng đầu vỡ kỷ hà, xót thương trần thế... Đức Giê-su với cái chết của một-con-người trên công cụ hành hình, đã là một biểu hiện tôn vinh Nhân vị, đã xác nhận cái Bi trở thành cái Trác Tuyệt, đã khiến công cụ hành hình trở thành một biểu tượng lay động triệu triệu con tim.

Cái đẹp phổ quát chỉ có thể sinh ra trong một nền mĩ học dung chứa toàn diện nhiều quan điểm mĩ học. Thể hiện được yếu tính đa chiều: chiều rộng xã hội, chiều sâu vật chất, và chiều cao tinh thần... Khi đó nền một nền nghệ thuật - mà đặc biệt là Văn học, mới có thể sinh ra những tác phẩm có giá trị rộng ra ngoài biên giới quan điểm. Mỗi giá trị khu biệt trong phạm trù của nó: Tổ quốc thiêng liêng trong tinh thần dân tộc; Tôn giáo, Đức Chúa, Đức Phật... thiêng liêng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh, v.v... Vì vậy, tất cả các hiện tượng khách quan của xã hội, phải được “đàng hoàng” trở thành đối tượng chính thống của một nền nghệ thuật, nếu muốn nền nghệ thuật đó sinh ra được những tác phẩm mang trong nó Cái đẹp phổ quát cho mọi góc nhìn. Hoặc lãng mạn hơn: có thể đoạt giải... Nobel.

“Cái đẹp là khoái cảm tinh thần, phát sinh trong quan hệ thẩm mĩ giữa khách thể thẩm mĩ và chủ thể thẩm mĩ”. Nghĩa là nó thoát kén từ các hiện tượng trong xã hội con người (cái Bi, cái Hài, cái Trác Tuyệt). Và mọi sự-vật tự tại nếu vắng sự chiêm ngưỡng của con người, và nếu thiếu tôn chỉ phục vụ con người thì cũng vô nghĩa. Điểm chung nhất trong mọi cách nhìn nhận Cái đẹp đều qui về một mối là giá trị nhân văn, nhân bản. Giá trị ấy ngẫu sinh trong hành trình hiện sinh bất tận của con người. Yếu tính ngẫu sinh luôn phủ định chân lý là bất biến, mà khẳng định rằng chân lý mọc lên từ nấm mồ... chân lý.

M.D
(263/01-11)





Các bài mới
Các bài đã đăng