Nghiên Cứu & Bình Luận
Một bài thơ thắm tình bằng hữu
14:53 | 05/09/2008
HỒ TIỂU NGỌCLTS: Nhân dịp kỷ niệm 53 năm Quốc khánh nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài thơ sau đây của tác giả Đoàn Duy Thành. Bài thơ thể hiện tình hữu nghị cao quý của nhân dân hai nước Việt - Trung.

             SONG ĐIỂU TỀ PHI

            Hoàng Oanh phi đáo Bắc Kinh đô,
            Hội ngộ Kim Bằng diệc lạc hồ!
            Đại sự vị thành, hành tiểu sự,
            Song điểu tề phi chí thiện đồ...!
                                          
Đoàn Duy Thành

Bản dịch sang tiếng Việt của tác giả:

            HAI CON CHIM CÙNG BAY

            Hoàng Oanh bay đến Bắc Kinh đô,
            Gặp gỡ Chim Bằng thoả ước tình!
            Việc lớn chưa thành, làm việc nhỏ,
            Vỗ cánh cùng bay đến điểm lành!

Chú thích của tác giả:
Tháng 2 năm 1991, tôi làm Phó đoàn sang Trung Quốc nghiên cứu kinh tế, đồng chí Vũ Oanh - Bí thư Trung ương Đảng làm trưởng đoàn. Trong buổi tiếp đồng chí Vũ Oanh, đồng chí Lý Bằng - Thủ tướng Trung Quốc nói: "Việc bình thường quan hệ ngoại giao giữa hai nước còn cần có thời gian chuẩn bị, trong khi chờ đợi việc lớn, chúng ta hãy làm những việc nhỏ..."
Tôi đã làm bài thơ này tặng hai đồng chí Lý Bằng và Vũ Oanh. Tên hai đồng chí theo âm Hán có nghĩa một loài chim. (Bằng có nghĩa là chim Đại bàng (Eagle), còn Oanh có nghĩa là chim Hoàng Oanh (Phenix) nên tôi lấy tên bài thơ là
Song điểu tề phi.

Lời bình:
Hoàn cảnh sáng tác bài thơ được xác định cụ thể qua trục không gian - thời gian và ý nghĩa thú vị mà tác giả đã chú thích. Sự sâu sắc của bài thơ còn thể hiện ở chỗ: Cuộc hội ngộ của hai nhân vật đều là cán bộ cao cấp của hai nhà nước: Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng và Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Vũ Oanh. Theo âm Hán, tên của hai nhân vật đều mang tên hai loài chim đẹp, có sức mạnh hiên ngang (chim Oanh hay còn gọi chim Hoàng Oanh hoặc Hoàng Anh, có tiếng hót hay, lông màu vàng; chim Bằng là một loài chim biển bay rất cao và xa, thường ví với người có ước mơ vẫy vùng ngang dọc). Họ gặp nhau để học tập, nghiên cứu bàn việc lớn của hai nước trong tình cảm bằng hữu thiêng liêng, tình bang giao lân quốc trọng đại. Điều đó tự nó đã gợi tứ hấp dẫn, thú vị, giúp tác giả cấu tứ thành tiêu đề bài thơ: Song điểu tề phi, biểu trưng tình đoàn kết, đồng tâm cùng bay đến chân trời của ước mơ và nhân ái tốt đẹp.
Hai câu đầu là niềm vui mừng khôn xiết của hai tâm hồn cách xa nhau nghìn trùng giờ gặp lại nơi thủ đô Bắc Kinh tuyệt đẹp sau bao lâu xa cách:
Hoàng Oanh phi đáo Bắc Kinh đô,
Hội ngộ Kim Bằng diệc lạc hồ!
Niềm vui ấy là có thật, là cảm xúc cao quý. Thảo nào trong sách Luận ngữ, thiên Học nhi, Khổng Tử đã thổ lộ niềm vui của mình khi gặp bạn từ phương xa đến: "Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ!" (Có bạn từ phương xa đến cũng chẳng vui sao!). Tác giả đã mượn tinh thần qua câu nói của Khổng Tử để nói lên tình cảm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng và Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Vũ Oanh khi đến nghiên cứu những vấn đề kinh tế là rất có ý nghĩa. Từ "bất diệc lạc hồ!" của Khổng Tử đến "diệc lạc hồ" của tác giả Đoàn Duy Thành đã có một quá trình học hỏi để thể hiện tâm lý, thời gian - không gian xác định và cụ thể. Niềm vui trong bài thơ Song điểu tề phi không còn mang nghĩa nghi vấn tán thán nữa do đã lược bỏ từ "bất" ("Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ!" có ý nghĩa nghi vấn nhưng hình thức là câu tán thán xác định chứ không phải câu hỏi). Câu thơ "Hội ngộ Kim Bằng diệc lạc hồ!" của Đoàn Duy Thành là một niềm vui sướng có thật được khẳng định, thắm tình "bằng hữu chi giao".
Hai câu sau là ý tưởng trọng tâm của bài thơ tứ tuyệt:
Đại sự vị thành, hành tiểu sự,
Song điểu tề phi chí thiện đồ...!
Hai câu này thể hiện mục đích chính của cuộc hội ngộ. Niềm vui vô hạn khi gặp nhau không thể kéo dài mà liền phải nhường cho những tình cảm và nhiệm vụ nhân nghĩa trọng đại, có lợi cho nhân dân, cho hai nước cả trước mắt và lâu dài. Câu "Song điểu tề phi chí thiện đồ...!" chính là "minh đức" cho những gì cao đẹp dù đó là việc lớn hay việc nhỏ: "Đại sự vị thành, hành tiểu sự". Ở câu này, tác giả đã vận dụng ý tưởng của Tăng Tử, trong sách Đại học để nói lên mục đích của cuộc hội ngộ: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện!". (Cái đạo của sách Đại học là ở chỗ làm sáng cái đức sáng của con người, ở chỗ đổi mới người dân, ở chỗ chỉ dừng lại ở điều tốt, điều lành). "Chí thiện đồ" của câu thơ trên chính là mục đích và ý nghĩa trong chuyến sang Trung Quốc của đồng chí Vũ Oanh gặp thủ tướng Lý Bằng.
Bài thơ bốn câu mà ý hiển minh, tình hàm súc bởi nhờ mượn các ý tưởng của Khổng Tử và Tăng Tử như vừa đề cập. Điểm mới của bài thơ còn toát lên ở vẻ đẹp tâm hồn và tính chất cách mạng của nó; ở câu chữ và vần điệu; ở sự vận động và chiều hướng tích cực trong cảm xúc và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Bản dịch sang tiếng Việt bám chặt nguyên bản nhưng chưa thoả mãn một vài chi tiết. Ví như "diệc lạc hồ!" mà thành "thoả ước tình!" làm mất đi nghĩa "lạc" (vui) hoặc từ "chí thiện đồ...!" mà thành "đến điểm lành!" là hay và hòa âm vận với câu thứ hai nhưng cũng mất đi ý nghĩa sâu xa và rộng lớn của từ "đồ" (con đường) vậy! Thế mới hay dịch là khó lắm thay!
                                                                         H.T.N

(nguồn: TCSH số 164 - 10 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng