- Thứ nhất, những ưu điểm hay những khuyết điểm mà người ta cấp cho Nguyễn Du đều không phải của riêng Nguyễn Du, mà của rất nhiều người. Nói rằng Nguyễn Du đề cao quyền sống con người, ca ngợi tình yêu… thì những điều đó hầu hết các nhà văn thời Lê Mạt - Nguyễn Sơ đều làm được. Như vậy là không nêu được những cống hiến chỉ riêng một mình Nguyễn Du làm được trong văn học cổ, và đó mới là tiêu chuẩn thực sự để đánh giá một thiên tài. - Thứ hai, Nguyễn Du trở thành một trung tâm tranh cãi, vì chỉ căn cứ vào cảm thụ thẩm mỹ của cá nhân người nghiên cứu, cho nên người này bảo Nguyễn Du là hiện thực, người nọ bảo là lãng mạn, người thứ ba bảo là ước lệ. Rồi người thì bảo Kiều là hiếu, người bảo Kiều là dâm… Cuộc tranh cãi không bao giờ có thể chấm dứt được. Chúng tôi có chuẩn bị một công trình nhan đề là “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều ” để tìm cho ra những cống hiến mà chỉ một mình Nguyễn Du làm được đối với văn học cổ. Dưới đây chúng tôi chỉ nói đến một điểm trong công trình này: Nguyễn Du, nhà phân tích tâm lý. Mục đích chúng tôi là nêu lên những thao tác kỹ thuật của nhà thơ trong đó không ai làm, để chứng minh những điều mới mẻ của nhà thơ với tính cách một người lao động nghệ thuật thực sự mẫu mực. Để làm điều đó, chúng tôi đối lập Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện để tìm ra những nét bất biến, có trong Truyện Kiều mà không có trong Kim Vân Kiều truyện, rồi đối lập những nét ấy với tiểu thuyết Trung Quốc, truyện nôm Việt Nam, thời đại của tác giả và truyền thống văn học Trung Quốc và Việt Nam để tìm tiếng nói mới về nghệ thuật mà tác giả đưa lại, làm thành niềm tự hào của văn học dân tộc. Cái mới lạ của Truyện Kiều về mặt nghệ thuật là: Truyện Kiều là một tiểu thuyết phân tích tâm lý, và Nguyễn Du là một trong những nhà văn đầu tiên trên thế giới đã dốc toàn bộ thiên tài của mình vào việc xây dựng một thể loại tiểu thuyết chưa có ở Việt Nam và Trung Quốc đã đành, mà ngay cả ở Châu Âu, trước ông cũng chưa ai đạt được một thành công to lớn như vậy, loại tiểu thuyết phân tích tâm lý. Vì phạm vi bài báo ngắn ngủi, chúng tôi chỉ có thể thu hẹp vào một số thao tác. 2- Thứ nhất con người cô độc ra đời Trong Truyện Kiều, các nhân vật làm một chuyện chướng tai gai mắt đối với truyền thống văn học cổ là họ ngồi không. Kiều ngồi một mình 17 đoạn, Kim Trọng 7 đoạn, Thúc Sinh 2 đoạn, Hoạn Thư, Mã Giám Sinh mỗi người một đoạn tổng cộng là 474 câu thơ chiếm 15,5 % tác phẩm. Con người trong tiểu thuyết cũ, dù đó là Tam quốc chí diễn nghĩa, Thủy Hử, cho đến Thạch Sanh… đều là những con người hành động, mưu mô, tính toán, không bao giờ ngồi không. Nếu rỗi rãi thì họ làm thơ: Trong Kim Vân Kiều truyện họ làm đến 89 bài thơ! Tiểu thuyết cũ chạy theo hành động. Với Truyện Kiều, đối tượng của tiểu thuyết thay đổi. Nó từ bỏ hành động, sự việc bên ngoài để đi vào nội tâm con người. Đây là một bước nhảy vọt của nghệ thuật. Và khi làm như vậy, toàn bộ hệ thống thao tác cũ bị đảo lộn. Những thao tác mới ra đời. Thứ nhất là thời gian nghệ thuật ra đời với tính cách một phạm trù nghệ thuật. Trước Truyện Kiều, tiểu thuyết chỉ sống trong hiện tại. Với Truyện Kiều, thời gian nghệ thuật xuất hiện. Nó gồm thời gian khách quan đối lập với thời gian nội tâm. Thời gian nội tâm lại tách ra làm ba. Con người ngồi một mình đối chiếu hiện tại với quá khứ và lo lắng cho tương lai. Một sự kiện mà trong tiểu thuyết cũ chỉ nhắc đến một lần thì ở đây nhắc đến bao nhiêu lần cũng được. Thí dụ cuộc thề thốt giữa hai người láy đi láy lại đến 11 lần trong tác phẩm. Tiểu thuyết từ bỏ kiến trúc đơn tuyến để đi vào kiến trúc đa tuyến. 3- Con người cô độc ra đời thì thứ hai thiên nhiên cũng ra đời với tư cách một phạm trù nghệ thuật, với ngôn ngữ của nó. Trong Kiều có 222 câu tả thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên ở đây có một chức năng giao tiếp riêng. Ngôn ngữ của con người vốn gồm những từ, chữ câu tức là những vật khô cứng chắp lại với nhau cho nên bất lực không thể diễn tả được sự hòa hợp giữa hai tâm hồn. Chính vì vậy trong Kiều từ đoạn đi thanh minh đến khi Kim Trọng dọn sang nhà trọ có 244 câu thì đã có 60 tả thiên nhiên. Sở dĩ như vậy là vì tâm trạng hòa hợp của đôi trai gái trong mối tình đầu là trái ngược với tính đứt đoạn (discontinuité) của ngôn ngữ con người. Trái lại, khi Kiều được phong làm phu nhân đến khi Từ Hải chết, bị ép lấy Thổ quan dài 340 nhưng không có một câu nói đến thiên nhiên cũng như từ khi Kiều gặp lại Kim Trọng đến lúc chấm dứt câu chuyện, thiên nhiên cũng vắng mặt. Cũng cần phải nhắc rằng thiên nhiên không hề tồn tại trong Kim Vân Kiều truyện cũng như trong tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc. Đó là vì tiểu thuyết xưa chạy theo sự việc, mưu mô, hành động. Đoạn miêu tả thiên nhiên duy nhất đáng chú ý trong tiểu thuyết Trung Hoa là đoạn Tam cố thảo lư trong Tam Quốc Chí, nhưng thiên nhiên ở đây rất công thức. Chức năng giao tiếp thứ hai là thiên nhiên xuất hiện khi con người cô độc: Kiều ở lầu Ngưng Bích, trước sông Tiền Đường, Kim Trọng khi trở lại vườn Thúy… Thiên nhiên lúc này đóng vai phản ảnh tâm trạng và phục vụ cho sự phân tích tâm lý. 4- Trong tiểu thuyết cổ không có ngôn ngữ tác giả. Tác giả chỉ xuất hiện để giới thiệu câu chuyện rồi biến mất để cho hành động tự nó diễn biến. Trong Kiều thì khác. Ngôn ngữ tác giả chiếm tất cả. Chỉ riêng những câu của tác giả dùng để phân tích nội tâm của nhân vật đã chiếm 775 câu thơ tức là 24,2 phần trăm tác phẩm, một tỷ lệ phải nói là khủng khiếp. Một thí dụ chứng tỏ cái tài phân tích tâm lý vô song, xứng đáng đứng bên cạnh Tôn-xtôi. Đó là đoạn Thúc Sinh về nhà Hoạn Thư gặp lại Thúy Kiều. Đoạn này dài 80 câu (1805-1884), chỉ có 11 câu đối thoại, còn toàn là ngôn ngữ tác giả để phân tích nội tâm nhân vật. Kiều bước ra lúng túng (một bước một dừng). Từ xa nhìn thấy Thúc Sinh, nàng hoảng hốt không tin vào đôi mắt của mình (Phải rằng nắng quáng đèn lòa. Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh?). Nhưng sự thực là sự thực. Nàng vỡ nhẽ nhận thức ngay tình trạng nguy khốn của mình. (Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai). Tuy bên ngoài nàng câm lặng nhưng cơn căm giận bốc lên (Người đâu mà lại có người tinh ma!) Nhưng nàng thấy rõ tình trạng lép vế của mình (Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?) Và cứ thế tâm lý của Thúc Sinh, của Hoạn Thư đều được phân tích. Tác giả không những phân tích nội tâm nhân vật mà còn phân tích cả nội tâm của mình. Và có nhiều lúc tác giả nhảy vào giữa câu chuyện để quát mắng, chửi bới. Đây cũng là thủ pháp phiếm luận trữ tình mà sau này ta bắt gặp trong mọi quyển tiểu thuyết của Tôn-xtôi. 5- Thứ tư, hành động bị rút xuống tối thiểu, trong khi nó là tất cả trong tiểu thuyết cổ, trong Kiều chỉ có 575 câu tự sự (17,5 phần trăm tác phẩm). Không có ai tàn nhẫn đối với hành động như Nguyễn Du. Nguyễn Du gạt bỏ mưu mô: mưu mô Thúc Sinh để cứu Thúy Kiều từ nhà Tú Bà trong Kim Vân Kiều truyện chiếm trên một phần hai mươi tác phẩm thì ở đây rút lại 6 câu (2.455-2.461). Ông gạt bỏ mọi chi tiết, dù chi tiết ấy hấp dẫn đến đâu. Câu “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” là tương ứng với 1.700 chữ trong bản dịch, câu “Thề sao thì lại cứ sao gia hình” là tương ứng với 1.850 chữ trong bản dịch. Nguyễn Du tìm tâm trạng và phanh phui tâm trạng. Chính vì vậy ngay trong phần tự sự, cái quan trọng đối với ông không phải là tự thân sự việc, mà sự việc ấy được đánh giá như thế nào. Chẳng hạn đoạn “Gia biến” ông ba lần khẳng định đây là một việc làm oan ức (tiếng oan dậy đất, rút ngược dây oan, oan này những muốn kêu trời). Ông chửi bới bọn sai nha, bọn này trở thành lũ đầu trâu mặt ngựa dưới địa ngục, mà hành động chỉ là “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”… Tất cả mọi sự phê phán như vậy đều không có trong Kim Vân Kiều truyện, vì một lẽ rất bình thường. Tiểu thuyết chương hồi chỉ nói đến sự việc một cách hoàn toàn khách quan không ngụ ý khen chê gì hết. Chưa hết ông đối lập sự việc này với sự việc kia để qua đó người đọc rút ra được những quan hệ mới mẻ. Đoạn trả ân báo oán là đối lập từng chữ một với các đoạn gia biến, Hoạn bà và Hoạn Thư trừng trị Kiều. Chính bằng phương pháp này mà Kiều tuy tự sự rất ít vẫn rành mạch lôi cuốn. Đây là phương pháp tự sự của tiểu thuyết hiện đại, trước kia không ai biết làm. 6- Quan trọng hơn nữa, Truyện Kiều là một tiểu thuyết phân tích tâm lý theo cái nghĩa hiện đại của từ này: con người bị phanh phui tàn nhẫn, hết kiệt, theo cái nghĩa hóa học của danh từ, không để lại một cái cặn nào hết, không chút nể nang nhân nhượng. Đồng thời tâm lý con người trải qua một quá trình phát triển biện chứng, nó không ngừng thay đổi, do những kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống, do lứa tuổi đưa đến. Chúng tôi chỉ xin phân tích một đoạn, đoạn phanh phui tâm lý của Kiều trước khi khuyên Từ Hải đầu hàng (2.473 - 2.486). Thời Nguyễn Du chưa có danh từ chủ nghĩa cơ hội. Nhưng mặc dầu rất quý trọng Kiều, tác giả cũng không thể gượng nhẹ nhân vật mà phanh phui đến cùng tâm lý cơ hội của Kiều. Trước hết là ngu (thật dạ tin người), bị lừa bịp (nghe lời dễ xiêu) do chỗ tham lam vật chất (của nhiều, nói ngọt). Sau đó là ngại gian khổ (nghĩ mình mặt nước cánh bèo) cho nên định hy sinh cái hiện có (chịu tiếng vương thần) để mong được cái tưởng tượng (thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì). Cái viễn ảnh giả dối làm nàng mê mẩn, nàng tự lừa dối mình (Công tư vẹn cả hai bề), rồi vênh váo (nở nang mày mặt)…, nghĩ đến chức tước quyền lực mua được bằng đầu hàng (cũng ngôi mệnh phụ). Để trấn áp những ý nghĩ xấu xa nhơ bẩn này, nàng cuối cùng đưa ra cái đạo lý phong kiến mà nàng trước đó không bao giờ nghĩ đến (Trên vì nước, dưới vì nhà)… Cuối cùng đạo đức được đưa ra để bào chữa cho hành động phản bội. Phân tích như thế là chính xác, đúng khoa học, khách quan và tàn nhẫn đến cùng. Cách làm này không những ở Việt Nam, Trung Quốc không ai làm được, mà ngay cả ở Châu Âu, phải đợi đến Xtan-đan tức là sau 1830 mới có người làm được. Nguyễn Du phân tích con người tới điểm tới hạn, nhưng lại biết tìm ra cái biện chứng pháp của tâm hồn. Về điểm này chỉ có Tôn-xtôi mới sánh được. Nguyễn Du cắt nghĩa hành động đầu hàng của Kiều bằng cả một quá trình diễn biến. Kiều chính là người dại dột, nàng đã bị Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh lừa. Nàng sợ gian khổ, luôn luôn lo lắng, ta thấy rất rõ điều đó ngay khi nàng gặp Kim Trọng. Nàng tham, ta thấy nàng lấy vàng bạc của Hoạn Thư. Nàng ham quyền lực, ta thấy điều đó khi nàng dưới quyền Hoạn Thư và khi làm phu nhân. Tóm lại, con người biến đổi nhưng vẫn là chính nó. Con người ấy trước Kiều chưa có trong văn học Châu Á. 7- Con người trong văn học tiền Nguyễn Du là con người nhất phiến, họ có thể làm những điều khác trước như Tào Tháo làm khác khi là viên quan nhỏ và khi là thừa tướng nhà Hán, nhưng sự khác nhau này là do hoàn cảnh đưa đến không phải do sự phát triển của bản thân tính cách. Tính cách của họ không có quá trình. Với Nguyễn Du tính cách con người là một quá trình. Ta hãy phân tích tình yêu của Thúy Kiều thì thấy rất rõ, cái gọi là biện chứng pháp của tâm hồn, danh từ mà phê bình văn học dùng để gọi cách phân tích nội tâm của Tôn-xtôi và Đô-xtôi-ep-xki. Tình yêu của Kiều với Kim Trọng lúc đầu là tình yêu đầu tiên của cô gái ngây thơ. Kiều có đủ can đảm hy sinh mình cho cha mẹ, nhưng không có đủ can đảm thấy người yêu đau khổ. Sau này, khi thất thân với Mã Giám Sinh và bị Sở Khanh lừa dối, nàng có kinh nghiệm. Nàng nơm nớp lo sợ bị lừa dối. Cho nên tình yêu với Thúc Sinh hoàn toàn là sự tính toán không có yếu tố đắm say. Đến khi gặp Từ Hải, tình yêu thành sự thán phục. Sau này gặp lại Kim Trọng chỉ còn lại một chút nghĩa cũ càng: Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi. Phân tích cái phép biện chứng của tâm hồn đến thế là cùng. Chính vì những nhân vật của Nguyễn Du đi theo cái biến chứng pháp của tâm hồn, phục tùng sự diễn biến nội tại của cái lô-gic phát triển của tính cách cho nên Nguyễn Du không chia nhân vật thành hai tuyến rõ rệt là nhân vật tích cực và nhân vật tiêu cực. Một người như Kiều, Kim Trọng đều có vô số những điều mà mới thoạt nhìn sẽ là mâu thuẫn. Hoạn Thư đáng yêu hay đáng ghét? Thúc Sinh dại gái, nhút nhát, nhưng chân thành. Từ Hải anh hùng nhưng hồ đồ, Kim Trọng chung thủy nhưng hiếu sắc. Đời sau hay dựa vào từng điểm một của tính cách để khen hay chê. Nhưng ai đã đi con đường biện chứng pháp của tâm hồn cũng đều dẫn tới tình trạng này: tác phẩm của họ là một thao trường tranh cãi không bao giờ dứt được. Có năm người như thế và các cuộc tranh cãi trên thế giới thường xoay chung quanh bốn người ấy. Trước Nguyễn Du có Sếch-xpia và Gơ-tơ, sau Nguyễn Du có Tôn-xtôi và Đô-xtôi-ep-xki. Việc khen hay chê là quyền mỗi người, nhưng khen và chê thì phải biết lý do nghệ thuật gì dẫn tới điều đó. 8- Những điều trên theo chúng tôi cũng đủ để chứng minh những đóng góp của Nguyễn Du mà ở Việt Nam trước tác giả không ai làm được. Nhưng trên thế giới vẫn có người làm được. Có điều Nguyễn Du là người duy nhất trong văn học loài người làm được là ở chỗ khác: Truyện Kiều là quyển bách khoa toàn thư của một vạn tâm hồn. Người ta bảo Sếch-xpia là tác giả của một vạn tâm hồn. Nhưng Sếch-xpia phải viết hàng chục vở kịch. Còn chỉ trong một tác phẩm ngắn có độc 3.254 câu thơ mà có đủ mọi tâm trạng thì đó là điều chỉ có cụ Nguyễn làm được. Ông làm được là vì dùng phương pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn. Người xem thấy chính tâm lý của mình được phanh phui đến mức độ chính mình cũng không thấy rõ đến thế. Thế rồi nẩy sinh tình trạng nghiện, mỗi lúc trong lòng có băn khoăn thắc mắc lại giở Kiều ra xem, lại thấy tâm trạng của mình ngay lúc đó. Điều này tạo nên ở người đọc một sự bàng hoàng khiếp sợ tưởng chừng như tác phẩm này chứa đựng một sức mạnh gì huyền bí. Từ chỗ giở Kiều để tìm tâm trạng, người ta giở Kiều, bói Kiều để tin hiểu về tương lai. Hiện tượng bói Kiều nẩy sinh từ đó. Trong phạm vi một bài báo ngắn ngủi, chúng tôi chỉ trình bày sơ bộ một vài suy nghĩ, giúp bạn đọc thấy rằng: ở nước Việt Nam vào thế kỷ trước có một người lao động nghệ thuật thực sự mẫu mực… Và nghệ thuật, ngay cả nghệ thuật của các nhà văn thiên tài cũng không phải là nơi bất khả xâm phạm đối với khoa học thế kỷ XX. P.N. (11/1&2-85) |