Nghiên Cứu & Bình Luận
Câu chuyện lao động của người trí thức (*)
17:10 | 08/09/2008
PHONG LÊViệc xác định một đề tài nghiên cứu cho bất cứ ai bước vào con đường khoa học, theo tôi là động tác quan trọng đầu tiên, có ý nghĩa quyết định, như là một ô cửa, một đột phá khẩu trổ ra cái bầu trời, hoặc quang đãng hoặc vần vụ mưa gió, rồi anh ta sẽ được bay lượn ở trong đó.

Từ thành công của một đề tài, một luận án được hướng dẫn chu đáo và được thực hiện nghiêm chỉnh, người tập sự trẻ sẽ có một tư thế, một điểm tựa cho sự tiếp tục và thúc đẩy các mục tiêu từng bước, từ nhỏ đến lớn, từ hẹp đến rộng, con đường khoa học còn rất dài dặc ở phía trước.
Cố nhiên, hành trình đường đời còn đầy các biến cố, các sự kiện, các bước ngoặt mà không tuyệt đối tuân theo các định lệ mang tính tất nhiên, không lệ thuộc vào các động lực ban đầu. Câu chuyện này quả là còn dài, đủ cho hàng pho truyện mà tôi không có ý định dông dài lạm bàn ở đây.
Tôi chỉ muốn trở lại một ý: Yêu cầu chiếm lĩnh một đề tài, lớn hoặc nhỏ, ở tư cách người khai phá, người khám phá, dẫu chỉ nhích hơn, nhỉnh hơn người trước một chút, đó chính là mục tiêu của người làm khoa học, và theo tôi, đây cũng chính là mô hình chung cho mọi tìm tòi khoa học của người nghiên cứu, trên con đường vươn tới tư cách chuyên gia.
Là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học cụ thể nào đó - nếu đúng là chuyên gia thực chất, chuyên gia thứ thiệt, được xã hội công nhận, thì tiếng nói của anh (qua giảng, nói, viết; qua việc thực hiện các đề tài lớn nhỏ) sẽ là tiếng nói có thẩm quyền. Tất nhiên quyền năng học thuật có khác với quyền năng hành chính. Mặt khác, quyền năng đó cũng không thể là tuyệt đối - một lần cho mãi mãi. Bởi bể học là không cùng. Và con đường khoa học là mở ra vô tận. Có thể tư cách chuyên gia ấy sẽ mất dần, khi anh ta hết khả năng tiếp cận với cái mới; khi quy luật tiếp nối, quy luật phủ định của phủ định phát huy tác dụng - một lớp người mới đã đủ sức thay thế và vượt lên.
Xét rộng ra thì khoa học đích thực phải luôn luôn chấp nhận sự tranh cãi, sự bác bỏ. Phải trong tranh cãi, trong nguy cơ bị bác bỏ mà mài sắc chính khả năng và chất lượng khoa học của người có tư cách chuyên gia. Không kể sự phát triển của khoa học cần đến nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng, chứ không thể là độc quyền của cá nhân nào nhóm phái nào.
Yêu cầu về sự tồn tại của các xu hướng, trường phái trong khoa học, trong văn chương - học thuật, tôi nêu như một lý thuyết của sự phát triển, hoặc như một ao ước cho tương lai. Còn thực tiễn, thì lại chưa phải lúc tìm được sự lạc quan và thật sự yên tâm trong câu chuyện này.

Nói về công tác nghiên cứu khoa học là nói về một dạng lao động riêng - nó là lao động trí óc, lao động của người trí thức. Tức là lớp người lao động bằng các ý tưởng, và nhằm tạo nên các ý tưởng, theo cách hiểu của nhà xã hội học Pháp Edgar Morin.
Kiểu lao động nghề nghiệp thuần tuý bằng các ý tưởng và nhằm mục tiêu cao nhất là tạo nên các ý tưởng, dứt khoát không phải là thứ lao động tạo ra của cải vật chất cụ thể cho con người phấn chấn, vui mừng. Trái lại, đó là loại lao động trừu tượng, nhằm hướng tới một khái quát lý luận, trên sự theo đuổi trường kỳ và nhẫn nại của tri thức, chứ không tuỳ thuộc chủ yếu vào cảm hứng xuất sáo, bất thần. Tôi hình dung lao động của người nghiên cứu khoa học là thuộc dạng đó, dạng của con ong, cái kiến, chứ không phải dạng con bướm "liệng vành mà chơi". Và tôi hiểu vì sao con số những người nghiên cứu có tư chất học giả ở ta còn là rất ít ỏi, rất hiếm hoi vào bất cứ thời nào. Bởi con đường họ theo đuổi là con đường của trí thức được tích luỹ và tiêu hoá, tức là con đường của học vấn; lại đồng thời là con đường vận hành ráo riết của tư duy trừu tượng. Phải như vậy họ mới nhìn được các mô hình cho sự phát triển, và đưa con người vào các phát kiến để nhận thức và làm thay đổi thế giới, trong đó có thế giới khoa học và nghệ thuật.

Cuối cùng, năng lượng của trí thức, của trí tuệ bất cứ thuộc dạng nào cũng phải được thể hiện vào các sản phẩm cụ thể. Đó là các công trình, các chuyên đề, các bài nói - giảng, và viết. Tất cả, tách riêng ra hoặc gắn với nhau đều nhằm vào sự phong phú và đổi mới thế giới tinh thần và trí tuệ con người.
Viếtnói, "trước thư" và "lập ngôn" trong hiện thực các chuyên đề, các đề tài - đó là chuyện ai mà chẳng có thể làm, ai mà chẳng làm hàng ngày, tựa như ông Jourdain trong kịch của Molière, hàng ngày vẫn thường xuyên "sáng tác" văn xuôi mà ông không tự biết! Thế nhưng, ở tư cách người trí thức, đó là sự chứa đựng mọi khổ công, mọi đam mê, mọi bền bỉ tu luyện, đến có thể vắt kiệt mình. Để bù lại, nó chính là nguồn vui, là hạnh phúc. Nguồn vui của sự chiếm lĩnh - đầu vào; và sau đó là nguồn vui dâng hiến - đầu ra. Cũng đã từ lâu tôi luôn có niềm say mê tìm đến các bậc thầy, trong đó Nguyễn Hiến Lê là một trong các tấm gương cho mình noi theo. Và cái kinh nghiệm ông rút ra, thật xác đáng: Muốn hiểu, muốn nắm thật vững một vấn đề gì đó thì hãy viết (hoặc nói, nếu như không tiện viết hoặc không muốn viết - tôi xin phép được bổ sung) về chính nó.
P.L

(nguồn: TCSH số 165 - 11 - 2002)

 


---------------------
(*) Từ góc độ một người nghiên cứu khoa học xã hội

Các bài mới
Các bài đã đăng