Trong thực tế, một khi lên giấy trắng mực màu để quảng cáo hay phổ biến rộng cho người nước ngoài biết thì việc trốn dịch từ TÂN, can thứ tám của 10 thiên can đi liền trước từ gọi chi thứ tư, chi MÃO của 12 địa chi là khiếm khuyết. Tính uẩn khúc, uyên áo về ngữ nghĩa của thiên can và địa chỉ kết hợp đã định rõ tên gọi của năm theo âm lịch. Thông thường vì khó dịch nổi một cách vắn gọn và chuẩn xác, người dịch để y nguyên xem như danh từ riêng vậy. Mừng Xuân Tân Mão, 2011; đất trời đang mở ra một vận hội mới ý nghĩa thâm hậu của câu đối cổ được tìm thấy từ trong cảo thơm của tiền nhân thông tuệ hiểu biết thiên văn địa lý: NGỌC THỐ SINH HUY CHIẾU KHOAN CẢI CÁCH LỘ XUÂN PHONG ĐẮC Ý XUY TRÁN VĂN MINH HOA Văn minh là từ ghép Hán Việt cổ nghĩa lý sai khác với thuật ngữ “văn minh” của phương Tây dùng để dịch ra Việt ngữ chữ cilivisation. Vì vậy, xin tạm dịch: Ngọc thỏ hiện sáng khôn thêm đường cải tiến, Gió xuân về phơi phới rõ nét tinh anh. Tu Trai Nguyễn Tạo, Cử nhân Hán học đã tra cứu Từ Nguyên để chú giải nghĩa lý chi Mão trong 12 địa chỉ mang tính cách vừa biểu trưng vừa ẩn dụ mang mang hồn sử thi. Bản dịch sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên phủ, tập thượng, ở các trang 32 - 33 cho biết sao Mão trong quần thể 28 ông sáng sao. Đó là các sao Phong Nhật thố, Mão Nhật kê. Còn tập hạ thì ở trang 92: Mẹo là thỏ, cả hai tập đều do nha Văn hóa, Sài gòn xuất bản năm 1961 và 1962. Từ “Mão” còn đọc chệch là “Mẹo” theo văn cảnh cho thuận âm hưởng, chẳng hạn như: Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Tuyệt nhiên không nói theo lối tượng âm con mèo kêu “ngao ngao”: Con mèo con mẻo con meo, theo lối nói líu lo của đồng dao. Ai đó đã giải thích rằng “Mão” là con mèo thì lập luận ấy có vững không? Một câu đối cổ còn được lưu truyền trong dân gian: XUÂN TỰ HỒNG MAI BÁO KHỞI NIÊN TÒNG NGỌC THỔ NGHINH LAI. Tạm dịch: Xuân đến mai hồng báo hỷ Năm theo thỏ ngọc nghinh về. NGỌC THỔ đối với HỒNG MAI thật chỉnh. Đúng là mừng Xuân, mừng năm tháng có từ “Mão”, chi thứ tư trong 12 địa chi, ứng với 5 can (thứ hai, thứ tư, thứ sáu, thứ tám, thứ mười ứng với năm dương lịch có số lẻ ở hàng đơn vị). THỐ (兔): con thỏ. Sách Đại Nam Đại Nam Nhất, quyển thượng, trang 97 nói rõ tướng tinh của thỏ, dù là thỏ rừng hay thỏ nhà như sau: “Sách “Lễ ký” nói tên là Minh Thị (明視). Ý nói con mắt không nháy mà thấy rõ, dưới đít có 9 lỗ. Con cái liếm lông con đực mà chửa, đến 5 tháng mửa ra con. Kinh Thi có câu: dược dược sàm thố, ngộ khuyển hoạch chi: con thỏ nhảy nhanh, gặp chó bắt được “tức là con vật này”. Xem chừng nghĩa lý của từ “Mão” thật cao sang. Sao Mão là một chùm sao. Ngự chế của vua Minh Mạng sáng tác vào những năm đầu niên hiệu có tựa đề liên quan đến ảnh hưởng của khí hậu đối với nhà nông gồm 11 bài ngũ ngôn. Bài thứ 5 dài 8 câu, tách 4 câu đầu thành một bài tứ tuyệt: TRỌNG HẠ MÃO TINH XUẤT KHẢ NGHIỆM THÙY TINH MINH NHẤT TINH, NHỊ TINH LÃNG TIÊN HẠ GIÁ GIẢ THÀNH Tạm dịch: Tháng 5 sao Mão hiện Nghiệm xem sao nào sáng Hai sao đầu sáng rạng Lúa cấy đầu mùa tốt. Chữ “Mão” trong “Mão tinh” đồng âm với chi Mão của các tướng tinh của 12 con vật giữ vai trò điều hành vòng quay năm tháng vận hành của trái đất xoay quanh hai tinh cầu làm nên sự sống cho muôn loài. Đó là mặt trời và mặt trăng mà Nguyễn Trãi đã viết ở bài “Trần Tình” trong Quốc Âm Thi Tập: Ác thỏ tựa thoi xem lặn mọc Cuốc cày là thú những chon chăn. Chon chăn là từ Nôm cổ có nghĩa thích thú lui tới, đi về thăm lúa ngó đồng của nông dân chịu cảnh một nắng hai sương bán mặt với đất trời. Ác là kim ô hoặc ác vàng. Thỏ gốc tên chữ là “thố”, “ngọc thố” là con thỏ bạch ẩn hiện tờ mờ trên cung quảng Hằng. Ác thỏ hàm ý chỉ chi thứ tư của 12 địa chi, nét khác biệt là có thêm chữ “viết” (曰) đặt bên trên. Tiết “Mang thực” vào tháng 5 âm lịch, sao này hiện rõ. Nếu sáng đều là năm ấy được mùa, thành ngữ chữ Hán gọi là HÒA CỐC PHONG ĐĂNG nhờ mưa thuận gió hòa. Trong Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Trãi sáng tác dưới dạng thơ vịnh hai gia súc: Mèo và Lợn. Tuy thế, không thể vin một cách thiếu cơ sở để kết luận suy đoán mèo là con giáp thứ tư của thập nhị thời thần được. Thật mơ hồ nếu không muốn nói là mơ màng vì thiếu luận cứ. Bài thơ có tựa đề “Mèo” mang mã số 251, bài có tựa đề “Lợn” lấy số thứ tự tiếp theo. Nội dung bài thơ vịnh con mèo nhắc đến điển tích “Ngọc diện miêu” nói về nguồn gốc loại mèo gốc ở phương Tây tức xứ Tây Trúc. Phương Tây có mèo, phương Đông cũng có mèo; chớ không phải mèo gốc ở phương Tây được đưa sang phương Đông. Mèo yêu chuộng sự công minh trong xử kiện, nhưng lại có thói xấu là mỗi khi thầy đi vắng lại leo lên bàn thờ làm mất vẻ tinh tấn và trang nghiêm chốn thiền môn. Lọ vằn sinh hạ chốn phương Tây Phụng sư Như Lai trộm phép thầy. Trộm phép thầy do bản chất mèo lung tính, vượt rào lén làm trái lời dặn của thầy, không biết giữ mình sống trong khuôn phép. Theo Cổ thư, mèo có tên chữ là Miêu (貓), phát âm theo giọng Bắc kinh, đọc “mào”. Mèo có biệt tài bắt chuột làm hại lúa. Không ai đọc trại chữ “Miêu” thành “Mẹo” tuy rằng nhìn thẳng vào tròng mắt mèo người ta có thể phân định được thời khắc của ngày và đêm. Cứ đến các giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu thì tròng mắt mèo như một sợi chỉ; vào giờ Dần, Thìn, Tỵ, Hợi thì tròng mắt nó như mặt trăng tròn; giờ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì tròng mắt như quả táo. Linh miêu là con cầy hương, chứ không phải là con mèo linh thiêng. Truy tìm nghĩa lý của từ Mão ở sách Kinh Dịch do Ngô Tất Tố biên soạn lại tái bản năm 2004, tại trang 27, soạn giả đã chú giải như sau: “Mão là cửa của mặt trời. Thái dương ở đó mà ra. Dậu là cửa của mặt trăng. Thái âm ở đó mà ra. Chẳng những mặt trời, mặt trăng ra vào nơi đó, lớn ra thì đến công việc trời đất mở ra các vật tuy đầu ở Dần tới Mão, cửa càng mở càng rộng; công việc trời đất đóng khép các vật tuy đầu ở Tuất mà tới Dậu thì cửa khép chặt.” Năm Canh Dần, 2010 sắp hết; vai trò Hành khiển của con cọp sẽ được kế nhiệm cho con thỏ, từ 0 giờ đêm 30 tháng chạp. Đã có câu đối Tết đón Xuân sang theo lối tống cựu nghinh tân từ những kỷ nguyên phương đông thời xưa, cách đây 60 hoặc 120 hoặc 180 năm và cứ thế theo đà luỹ tiến đi lùi thời gian về quá khứ: HỔ KHỨ DO LƯU MÃNH KHÍ THỔ LAI CẢNH HIỆN TIỆP TÀI Tạm dịch: Cọp đi qua còn lưu dũng khí Thỏ đến rồi sáng tỏ anh tài. Đã tìm thấy rất nhiều câu đối cổ được tiền nhân sáng tác trong khoảng dưới 1000 năm trước cho đến ngày nay. Thế thì ai dám bảo rằng vì ý thức tự chủ dân tộc, người Việt Nam đã dùng con mèo để thay thế cho vai trò của thỏ ngọc canh giữ thời gian các năm từ Đinh Mão đến Quý Mão theo chu kỳ luân hoán với trường độ 60 năm. Lập luận để bảo vệ cho vị thế và vai trò của con mèo cầm chịch đếm thời gian chứ không phải con thỏ e khó lòng đứng vững vì không có sức thuyết phục. Tinh hoa của văn hóa đạt đến đỉnh cao của bất cứ một dân tộc nào đã trở thành tinh hoa của nhân loại. Một tình tiết khác liên quan đến thuật ngữ Mão là giờ Mão, tháng Mão tức tháng 2 âm lịch. MÃO THỜI MỸ CẢNH DUNG TỬ KHÍ THỐ TUẾ LƯƠNG THẦN DỤC XUÂN HUY. Màu tím Huế là biến thể hợp thành do tia tử ngoại phản chiếu từ phía thượng nguồn miền sông Hương núi Ngự. Đồng âm mà dị nghĩa của từ ghép “tử khí” (紫氣) gợi tả sự chia lìa. Vì vậy có thể tạm dịch: Giờ Mão cảnh tươi hòa khí tía Lịch thỏ giờ lành tắm ánh dương. Công việc mở đầu cho một ngày mới xuất phát từ nguồn tâm trong sáng, khởi động từ giờ Dần; khai thông mở lối vào giờ Mão (5 đến 7 giờ sáng) là giờ đi làm việc ở công sở. Tháng giêng năm Tân Mão, 2011 có các ngày Tân Mão tức ngày mồng 3, Quý Mão tức ngày rằm, Ất Mão tức ngày 27 âm lịch. Tháng hai hằng năm là tháng Mão. Phương đông ứng với hướng Chấn hoặc hướng Mão. Hướng Đông Tây còn được gọi là hướng Mão Dậu hoặc Chấn Đoài. Sau hết, một tình tiết nhỏ cần lưu ý. Năm cùng tháng tận, trước giờ giao thừa còn là năm cũ, ông Táo hạ giới đúng vào giây phút thiêng liêng ấy: mồng một Tết. Hai anh em hoặc chị em sinh đôi, đứa khóc chào đời vào năm cũ, đứa vào năm mới. Theo âm lịch mỗi người mỗi tuổi sai kém nhau một năm. Còn tính theo dương lịch lại cùng năm đồng tuổi. Cụ thể hóa, ngày 30 tháng chạp năm Canh Dần ứng với dương lịch ngày thứ Tư, 02-02-2011; ngày mồng 1 tháng giêng năm Tân Mão ứng với ngày 03-02-2011. Ai cất giữ được 60 quyển lịch âm từ năm Nhâm Thìn đên năm Tân Mão (1952 - 2011) thì sang năm mới cứ lấy lịch cũ ứng khớp theo số thứ tự mà dùng. Ngày cuối cùng năm 2010 ứng với ngày thứ sáu, ngày Ất Mão tức ngày 26 tháng 11 năm Canh Dần, 2010. Ngày Tết dương lịch 2011 ứng với ngày thứ bảy, ngày Bính Thìn tức ngày 27 tháng 11 vẫn năm Canh Dần. Những ngày trọng đại trong đời người như ngày sinh, ngày lập gia đình, ngày mất rơi đúng vào giữa tháng 11 âm lịch cho đến nửa đầu tháng giêng năm sau mà không ghi kèm theo ngày dương lịch thì sẽ khó khăn cho việc truy tìm đối chiếu sau này để dựng bia hoặc biên chép vào gia phổ. Phần nhiều ngày sinh, ngày mất trên giấy khai sinh, khai tử hoặc văn bằng đều không mấy thực. Xưa nay vẫn có nạn man khai hộ tịch với nhiều lý do khác nhau, không tiện bề nói hết và nói rõ ra. Tình huống này đã đi vào thâm cung bí sử. Ai đâu trở lại ngày xưa cũ để nhặt lấy những lá sầu như tâm trạng của Nguyễn Trãi đã ừng thổ lộ cuối đời: “Anh hùng dĩ hận kỷ thiên niên”. Chúng tôi là người trắc nết, “thấy chướng”, “thấy kỳ”, “thấy lạ” là đi tìm người để hỏi, lục sách để tra, đi điền dã để nhờ nguồn dã sử bổ sung hoặc “bật mí” địa chí viết sai, quốc sử được chép và dịch tréo hèo. Có rất nhiều trường hợp, tình huống “thấy bí” thì lại viết để cầu thị, cầu thế vấn ở quý thầy, bậc thượng thừa cao minh. Cây nêu đón Tết mới đã lên rồi, tôi tìm đến nhà người Thầy tôn kính giữ lịch cũ bằng chữ Hán để hỏi chuyện thỏ - mèo. Thầy tôi cho biết hiện nay trong mớ lịch cũ dày mỏng khác nhau có nhiều quyển lịch của các năm Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão và Quý Mão. Cái quý giá là ở các trang đầu sách có khắc hoạ hình con thỏ. Xin ghi lại một số hình ảnh kèm theo bài viết này để làm bằng. Trên báo Tết Kiến Thức Ngày Nay và Thừa Thiên Huế năm Tân Mão, Phan Thanh Hải đã viết bài đắt giá liên quan dưới tựa đề: ĐẦU NĂM, KỂ CHUYỆN 12 CON GIÁP Ở VIÊN MINH VIÊN ở trang số 32: Trong 4 khung hình minh hoạ có hình số 2, được chú thích: Tượng đầu thỏ (Mão). Tác giả bài báo nói trên đã viết ở cột 4: “Điều độc đáo là, 12 con giáp này lại được thể hiện trong hình hài của 12 vị thiên sứ với các tư thế hết sức sinh động. Từ trong nhìn ra, bên trái gồm: Tý (chuột) - Dần (hổ) - Thìn (rồng) - Ngọ (ngựa) - Thân (khỉ) - Tuất (chó); bên phải gồm: Sửu (trâu) - Mão (thỏ) - Tỵ (rắn) - Mùi (cừu) - Dậu (gà) - Hợi (lợn).” Cẩn thận hơn Phan Thanh Hải đã đánh số 2 treo cao lên sau nhóm từ “Mão (con thỏ)2 bằng vế chữ “…chỉ có Việt Nam lấy Mèo (tượng cho Mão)”. Chúng tôi hơi băn khoăn về lời giải ấy. Từ sau năm 1949 không rõ ở Trung Hoa lục địa có dùng lịch, in lịch rõ ràng và đầy đủ nguồn sử thi và huyền sử liên quan đến phần “hình nhi thượng” không, chứ ở các nhượng địa Ma Cao, Hồng Kông và một phần lãnh thổ của Trung Quốc là đất Đài Loan vẫn phát hành lịch âm. Tại Ma Cao, Hồng Kông và Đài Loan vẫn có nhiều tác giả cho rằng Mão là con thỏ hoặc con mèo. Lằng nhằng như rứa đó. Chúng tôi là người tỉnh lẻ sống ở Huế khá lâu năm và lại có cơ may được làm học trò thân cận với giới nghiên cứu Cổ học ở tỉnh Thừa Thiên từ năm 1961 đến 1975. Các nhà Nho trong Tỉnh hội Cổ học Quảng Trị, sinh hoạt từ năm 1958 - 1972, cụ thể như cụ Tú tài Hán học cũ Nguyễn Hữu Hiệt, hậu duệ Thượng thư Nguyễn Hữu Thận, người làng Đại Hòa, huyện Triệu Phong đã từng kiêm quản Khâm Thiên giám. Cụ Hiệt đã từng nhàn đàm về thập nhị thời thần. Các nhà Nho thời ấy đều truyền dạy cho con cháu rằng “Mão” là con thỏ. Quý cụ lại nói rõ cho trẻ con hiểu bằng cách chú giải cho tuổi khai tâm: con thỏ ăn rau khoai. Cha tôi là khóa sinh đồng thế hệ với cụ Hiệt, cụ là thầy của cha tôi về văn học, lịch sử, triết học nhưng về Đông y thì cụ phải cần đến cha tôi. Bản thân tôi học cùng lớp với con trai tuấn tú của cụ là Nguyễn Hữu Niên, cho nên tôi thường đến nhà bạn một cách không ái ngại. Cha tôi có đứa cháu ngoại sinh vào năm Quý Mão, 1963 được cụ đặt cho cái tên Nguyễn Phong Lai. Năm nay cháu đã 48 tuổi tây, 49 tuổi ta, ở phường 4 thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Các cụ nhà Nho tập cho cháu Phong Lai nhớ Mão là con thỏ theo lời chú giải đã nói ở bên trên cho dễ nhớ năm sinh. Cháu Lai nhớ đời câu nói ấy mỗi lần nhắc đến bên ngoại. Cố đô Huế trước năm 1945 có Khâm Thiên giám, cơ quan trung ương phụ trách xem thiên văn, làm lịch và thậm chí coi ngày tế tự ở triều miếu, ngày cưới hỏi, tống táng liên quan đến hoàng gia, ngày xuất binh dẹp yên bờ cõi. Trước ngày Đông Chí có lệ vừa là lễ ban lịch năm mới các tỉnh thành lên lịch nông vụ cho thích hợp với mỗi loại cây trồng và chăn nuôi loài vật. Bài thứ 3 trong 11 bài Ngự chế của vua Minh Mạng còn rõ nét: HẠ THIÊN MANG THỰC NHẬT ĐÔNG CHẤN YẾU THÀNH TRỪNG HẬU THIÊN NHẬT HỮU VŨ THỊ TUẾ BỐC PHONG ĐĂNG. Tạm dịch: Mùa hạ ngày Mang thực Phương đông trời sáng trong Trước hoặc sau có mưa Năm ấy chắc được mùa. Tuyệt nhiên, không tìm thấy một chữ nào trong Ngự chế liên quan đến “chi Mão” mà lại khơi gợi về “tượng Mão” tiềm ẩn qua câu đầu: “Hạ thiên Mang thực nhật”. Sao Mão xuất hiện vào đầu canh 5 ở phương đông vào tháng 5 âm lịch ứng với quẻ Chấn trong bát quái hay “chi Mão” trong 12 địa chi. Thiết nghĩ, từ đó mới tổ chức lễ Tịch điền vào khoảng đầu đến giữa tháng 5 âm lịch dưới các triều vua Nguyễn. Thì ra, làm quan huyện, quan tỉnh thậm chí cả quan làng đều chủ động đoán biết thời tiết, khí hậu. Chớ không đợi sổ lồng, thỏ tháo chạy rồi mới toi công đuổi bắt. Đầu xuân Tân Mão gợi lại chuyện liên quan đến con thỏ (ngọc thố) ở cung quảng Hằng hiện hữu quanh năm khi thì tờ mờ, khi thì sáng toả từng giờ Mão, ngày Mão, tháng Mão của vòng quay năm tháng. Có loài vật nào có nét vẻ cao sang, thâm hậu, phong phú phẩm chất như con thỏ. Sao lại chọn con Mèo để cho người đời sau đua nhau tán về con mèo, phía chuyện con mèo trên các báo Tết năm Tân Mão, 2011. Cố đô Huế, ngày 01. 02. 2011 L.Q.T (265/3-11) |