Nghiên Cứu & Bình Luận
Về thơ trẻ hiện nay
14:25 | 13/05/2011
AN-ĐRÂY ĐÊ-MEN-CHI-ÉP(Phát biểu của nhà thơ An-đrây Đê-men-chi-ép - Tổng biên tập Tạp chí “Tuổi trẻ” trong cuộc hội thảo về thơ nhân Đại hội các nhà văn trẻ Liên Xô lần thứ VIII.)
Về thơ trẻ hiện nay
Nhà thơ Andrey Dementiev
Nếu xét đoán tình trạng ứ đọng của các tập thơ tại các hiệu sách thì có thể rút ra kết luận rằng, thơ của chúng ta đang rơi vào khủng hoảng. Nhưng tất cả đều có tính tương đối, bởi vì một loại sách này không thể mua được thì loại kia cũng không thể bán được. Vấn đề lại chính là thơ ra làm sao? Và câu chuyện bây giờ đúng là thơ trẻ tồn tại như thế nào? Tôi nói - tồn tại, bởi vì nhiều người trong số các nhà thơ trẻ được dựng lên và được xuất bản là không thể và không cần tồn tại.

Trong những năm gần đây, tôi cảm thấy rằng chúng ta quá lý thuyết hóa thơ trẻ. Những cuộc trao đổi của chúng ta về thơ trẻ gợi tôi nhớ đến chiều dài bất tận của loại bít-tất ống cao mà chúng ta cùng đan với những chiếc kim đan quen tay được giả định trong cùng một tiến độ. Và để dễ được việc, chúng ta cố sắp chúng theo hàng ngang. Những thế hệ hàng ngang - có vẻ như là một thế hệ, điều đó không hề là một cái gì trung tính, ngưng đọng, ăn cánh. Có thể các nhà phê bình không ủng hộ tôi, nhưng dù sao tôi vẫn nói rằng đằng sau khái niệm “thế hệ” thường khi chúng ta đã che lấp đi những thiếu sót riêng và những số phận cá nhân của những nhà thơ trẻ. Nhưng ai cũng biết rằng trong nghệ thuật nhân cách quyết định tất cả. Thế hệ trận mạc gọi như thế trước hết là ở nét chung của số phận đã xác định nên có tính sáng tạo, chứ không hề là sự trùng hợp tình cờ các lứa tuổi.

Chi-út-tsép trẻ hơn Puskin bốn tuổi, tức là cả hai đều cùng một thế hệ. Nhưng không ai nghĩ đến việc tập hợp một cách cố định họ trong cùng một khái niệm thế hệ, kể cả những người cùng tuổi nổi tiếng khác. Đấy là những tên tuổi - Puskin, Ba-ra-tưn-xki, Chi-út-tsép … Những tên tuổi!

Đáng tiếc thơ trẻ hôm nay còn ít tên mà nhiều họ. Thế mà chúng ta lại ghép họ lại trong một băng đạn, một binh đội, che họ dưới một “mái nhà”, “xếp lớp” một cách giả tạo những nhà thơ trẻ lứa tuổi khác nhau, đôi khi cách nhau đến 10 tuổi. Ngay cả cuộc tranh cãi về tính phức hợp và giản dị của sự tự biểu hiện nghệ thuật, theo tôi, trong điều kiện của thế giới hôm nay, khi con người không xích lại trong cuộc sống, mà cho đến chết vẫn còn là hai lực lượng đối kháng - lực lượng của lòng tốt và chủ nghĩa nhân đạo với lực lượng của tàn bạo và ngu dân, thì sự tranh cãi như thế, tôi nhắc lại, là xa rời với nhiệm vụ chính yếu của thời đại. Có ai đó trong các bậc vĩ nhân đã nói rằng vật chất tồn tại phức hợp còn tư duy về vật chất cần phải giản dị. Nhưng sự phức hợp thi ca đó là sự tổng hợp thẩm mỹ những phẩm chất tinh thần của người sáng tạo, trước hết đó chính là sự biểu hiện của nhân cách, chứ không phải là sự bộc lộ khả năng thích ứng với thời điểm. Đáng tiếc, trong nhiều người được gọi là thơ ca thức hợp lại không thấy rõ mặt nhân cách. Khi đó sự thuyết lý, sự đàm luận khó hiểu về những lẽ thường tình sẽ giống như trò chơi “cờ vua bị buộc đánh theo kiểu cờ nhảy”.

Khoa học khi thâm nhập vào những vấn đề của thi ca đã không dự đoán được những phương pháp nhận thức thế giới và cuộc sống của nó đã lan tới những ẩn dụ một cách máy móc. Tôi đọc những bài thơ tài tử khó hiểu về vũ trụ làm gì khi tôi có thể đọc được điều đó trong khoa học hay tệ ra trong các tài liệu phổ thông? Không ít khi những toan tính chân thành của nhà thơ trẻ mong muốn đi kịp bước đi thời đại đã giết chết sự khởi đầu sáng tạo trong họ, bởi vì tầm vóc nhỏ bé của nhân cách họ không nhào trộn được “chất liệu”. Và khi đó hình tượng nghệ thuật, lẽ ra phải là pháo sáng soi chiếu con đường đi tới cái bản chất, thì lại trở thành bảng chỉ đường mà trên đó thật khó nhận ra được một cái gì trong bóng tối của ngôi nhà thi ca.

Một nhà thơ phát biểu giản dị hay phức tạp về những gì anh ta có trong tâm hồn, đối với tôi, trong tư cách người đọc đằng nào cũng được. Vâng có lẽ là tôi đã không nhận ra (tất nhiên, nếu đó không phải là một xê-mi-na thơ, nơi cần nhận rõ tất cả mọi điều ở người làm thơ trẻ), tôi đã không nhận ra cái điều, bằng con đường nào - phức hợp hay giản dị - nhà thơ có khả năng làm tôi xúc động với tai họa, nỗi khao khát, niềm vui của mình, những điều mà sau khi gặp gỡ với nhà thơ cũng trở thành của chính tôi. Vâng, dĩ nhiên, chúng ta không cắt đứt giữa việc nói cái gì với nói như thế nào trong thơ. Nhưng từ bao đời mặt thứ hai cũng được hiểu ngầm là các giải pháp thi ca, khám phá nghệ thuật và đương nhiên, là tài năng thơ, chứ không tách ra khỏi nguyện vọng. Vào bất cứ thời buổi nào cũng có một lần vang lên câu nói “Ê ông vua này ở truồng!”, câu nói mà đôi khi chúng ta ngại nhớ đến, dù đối với ai đó việc “ở truồng” tuyệt nhiên không đáng xấu hổ, bởi vì họ đang tuổi nằm nôi, nhưng với cái nhìn nghiêm túc chúng ta cần xem xét cái tã lót thi ca, thì dường như ở đấy chẳng hề có một cái gì đặc sắc được phác họa. Cái kém cỏi cũng đã trở nên bình thường đối với các nhà phê bình, còn đối với những bài thơ khó hiểu thì người ta thốt lên những câu nói thiêng liêng: “Có thể tiếp cận với tác phẩm ấy theo một cách nào đó”. Và sự thâm thúy còn đi xa tới chỗ dường như chính là ở cái nhìn kỳ quặc, là sự khác thường trong biểu hiện v.v… Tôi cho rằng muốn có được một sức mạnh đầy đủ, cần phải đưa trí tuệ và tâm hồn vào các công trình thơ ca mà chúng ta đang đề cập. Nhưng với một điều kiện: tất cả đều phải cân bằng cả trí tuệ và tâm hồn, ngay cả tác giả cũng như vậy. Thế mà không ít khi thơ trẻ giống như sự hứa hẹn hay ho của một mạch vàng mà đi vào kiểm tra thì hóa ra chỉ là đất đá trống rỗng.

Độc giả thân mến, có khi nào đó bạn đã thử kể lại một bài thơ không? Có lẽ cũng là điều cần thiết đấy. Bạn hãy chú ý - bạn không thể kể lại nhạc điệu của bài thơ, cảm xúc của bài thơ. Nhưng ý tưởng thi ca thì luôn luôn có thể kể lại được. Pôn Va-lê-ri đã nhận ra điều đó rất chính xác: “Ý tưởng thi ca phải làm sao để về sau có thể kể lại bằng văn xuôi, nó còn làm rạng rỡ bài thơ hơn nhiều”. Còn nếu không có cái gì để kể lại?...

Thời đại không đòi hỏi ở một nhà thơ trẻ một sự cố tình phức tạp hóa, mà đi sâu vào cội rễ sự vật, chỉ bằng sức mạnh đó mới trang bị cho con người những vũ khí tri thức hiện đại. Nhưng đi sâu vào bản chất sự vật, tiến vào đáy sâu vũ trụ cũng chỉ mới phần nửa công việc. Cần phải tìm thấy những sức mạnh nâng đỡ tâm hồn người đọc, nói một cách có hình ảnh, phải tỏa sáng sức nặng tâm hồn mình, để chúng ta có thể nhìn thấy và đánh giá nó. Đánh giá…

Ai đó từng nói rất hay về bản chất sáng tạo: “Tôi đào đường hầm từ hai phía. Nếu tôi không phạm sai sót - con đường sẽ nối lại”. Thế mà để đào được từ hai phía tuổi trẻ thường lại không đủ kỹ năng.

N.K.Đ dịch
(15/10-85)







Các bài mới
Các bài đã đăng