Nghiên Cứu & Bình Luận
Văn chương trước hết và cuối cùng là chuyện về con người, về sự sống
10:20 | 29/08/2011
NGUYỄN VĂN HẠNH …Xa rời cuộc sống, xa rời con người, xa rời chủ nghĩa nhân văn vốn là linh hồn của văn học nghệ thuật trong sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy văn chương là mối lo lớn và là nguyên nhân sâu xa khiến cho văn chương mất sức sống, mất sức hấp dẫn vốn có…
Văn chương trước hết và cuối cùng là chuyện về con người, về sự sống
Ztvetan Todorov - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

I. Văn chương lâm nguy (La literature en peril) của Ztvetan Todorov

Đây là quyển sách về lý luận văn học hay đúng hơn về phương pháp luận nghiên cứu văn học của nhà văn, nhà triết học Bungari nổi tiếng, do Nhà Flammarion xuất bản năm 2007, được Trần Huyền Sâm và Đan Thanh dịch và Trung tâm Quốc học ấn hành năm 2011, trình bày về sự vận động và thực trạng nghiên cứu văn học ở phương Tây từ thời cổ đại sang hiện đại, nêu lên những cách tiếp cận khác nhau đã được thực hiện trong lịch sử nghiên cứu văn học, đặc biệt nhấn mạnh cái khuynh hướng mà ông xem là không ổn, đáng lo ngại trong nghiên cứu văn học và trong giảng dạy văn học ở đại học trong mấy thập kỷ qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và học văn ở phổ thông như thế nào. Những nhận xét, đánh giá của tác giả nói chung đều có cơ sở, gắn với một thái độ phê bình và tự phê bình sâu sắc, đầy trách nhiệm và có sức thuyết phục. Tôi nghĩ đây là một quyển sách đến với chúng ta đúng lúc, có thể gợi mở nhiều điều bổ ích cho nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện nay.

Theo tác giả, chỗ không ổn, chỗ đáng lo ngại nhất trong nghiên cứu và giảng dạy văn học hiện nay là coi nhẹ, không thấy hết tầm quan trọng ý nghĩa của văn chương vốn nằm ở bản chất nhân bản, nhân văn của nó, do lẽ tồn tại của văn chương là suy ngẫm về con người, làm cho con người hiểu chính mình và người khác, là cuộc giao lưu phong phú, kỳ lạ, bất tận giữa những con người với nhau. Rất có thể có người coi đó là một ý kiến cũ kỹ, lỗi thời, không đáng bận tâm, nhưng từ hiểu biết, kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy văn học mấy mươi năm qua, tôi đánh giá cao quan niệm thức thời và khôn ngoan này.

Nhân đây, tôi muốn nói thêm một số suy nghĩ của mình về sáng tạo, nghiên cứu và giảng dạy văn chương, vì những lĩnh vực này liên hệ mật thiết với nhau, và điều khiến chúng ta lo lắng cho văn chương, nghĩ đến chuyện văn chương “lâm nguy” nằm trên cả ba lĩnh vực ấy.

II. Những bình diện của hoạt động văn học, của đời sống văn học

1. Sự sáng tạo văn chương, nhà văn tạo ra tác phẩm văn chương

Nhà văn tạo ra tác phẩm văn chương từ 3 nguồn cội: Từ cuộc sống; từ thành tựu của các lĩnh vực hoạt động tinh thần khác nhau, như triết học, văn hóa, khoa học và từ chính truyền thống văn học đã qua; từ tình cảm, trí tuệ, khát vọng, óc tưởng tượng của bản thân nhà văn.

Nói đến tác phẩm là nói đến cả nội dung và hình thức, tư tưởng và nghệ thuật, phần chủ quan và khách quan, cái riêng và cái chung, sự thật và hư cấu, truyền thống và cách tân… Những mặt đối lập này gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau, không thể nhấn mạnh mặt này mà bỏ qua mặt kia.

Sau một thời gian dài chỉ chú ý đến nội dung, tư tưởng, mà nội dung, tư tưởng cũng được nhận thức một cách hạn hẹp, cứng nhắc, thì việc quan tâm đến nghệ thuật, hình thức, kỹ thuật của văn chương là hợp lẽ, cần thiết. Nhưng từ đó đã xuất hiện một khuynh hướng đáng lo ngại trong sáng tạo văn chương hiện đại là chạy theo hình thức và kỹ thuật, coi nhẹ, thậm chí không quan tâm đến nội dung, tư tưởng, xa rời cuộc sống và con người, đề cao một chiều cái mỹ, bỏ qua hoặc coi thường cái chân, cái thiện, đào sâu thuần túy vào chủ quan và cá nhân người sáng tác, cắt đứt mối liên hệ với cộng đồng và thế giới rộng lớn bên ngoài. Một khuynh hướng sáng tác như vậy sẽ sớm đưa sáng tạo văn chương đến chỗ cằn cỗi, bế tắc và làm cho đông đảo người đọc xa lánh nó, không cần đến nó.

2. Nghiên cứu, tiếp cận hiện tượng văn chương, tác phẩm văn chương

Có nhiều cách tiếp cận, nhiều phương pháp nghiên cứu văn chương: chú ý mối liên hệ giữa văn chương và cuộc sống, văn chương và các hoạt động khác của con người, văn chương với cấu trúc và phẩm chất nội tại của nó, phần chủ quan và khách quan trong nghiên cứu văn chương, xem xét riêng biệt hoặc tổng hợp các mặt nội dung và hình thức, tư tưởng, nghệ thuật và ngôn từ của tác phẩm văn chương… Những cách tiếp cận khác nhau, những phương pháp nghiên cứu văn chương khác nhau không có gì đáng chê trách, mà trái lại đáng hoan nghênh, vì có như vậy mới phát hiện được mọi chiều kích thế giới phong phú, lạ lùng, bí ẩn của văn chương. Vào một thời điểm nào đó, trong những trường hợp cụ thể nào đó, có nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào nghiên cứu hình thức, kỹ thuật của văn chương, ngay cả hình thành một trường phái chỉ nghiên cứu mặt hình thức, kỹ thuật của văn chương thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng, đáng báo động, khi chủ nghĩa hình thức tự quảng bá hoặc muốn được nhìn nhận là khuynh hướng ưu việt nhất, duy nhất đáng quan tâm, duy nhất có giá trị trong nghiên cứu văn chương thời hiện đại, khi nghiên cứu văn chương chỉ chú ý, đề cao một chiều việc nghiên cứu hình thức, kỹ thuật của văn chương, không quan tâm, thậm chí cho là cổ lổ, ấu trĩ việc nghiên cứu nội dung, tư tưởng, ý nghĩa nhân văn của văn chương, tách rời nghiên cứu với sáng tạo văn chương, và không ít trường hợp cái nổi lên trong công trình nghiên cứu chình là hình ảnh người nghiên cứu với những suy nghĩ, sáng kiến “độc đáo” của ông. Bình diện nghiên cứu có thể có ít hoặc nhiều giá trị, nhưng nhất thiết phải gắn với văn chương, không thể thay thế cho sáng tạo văn chương, cũng như không thay thế được sự tiếp nhận tác phẩm văn chương của từng người đọc.

Thái độ cần thiết đối với chúng ta lúc này là phải biết gạn lọc những mặt khả thủ trong các khuynh hướng hình thức được xem như một bộ phận của mảng nghiên cứu văn học ở phương Tây. Đồng thời, cần ý thức rõ rằng còn ba mảng nghiên cứu mà chúng ta phải chú trọng nghiên cứu để tiếp thu: Một là, mảng nghiên cứu theo quan điểm mác xít ; hai là, mảng nghiên cứu ở phương Đông ; ba là, mảng nghiên cứu ở nước ta trong quá khứ và trong hiện tại. Chúng ta cần nỗ lực đi sâu tìm hiểu và tiếp thu ba mảng nghiên cứu này vì giá trị đã được khẳng định và tiềm ẩn của chúng, vì sự gần gũi của chúng đối với chúng ta, nhưng thời gian qua do sa đà với các khuynh hướng nghiên cứu hình thức ở phương Tây, chúng ta đã lơ là và có không ít thành kiến đối với các mảng nghiên cứu này.

3. Dạy văn, học văn

Quan tâm, chú trọng bình diện nào, yếu tố nào của tác phẩm, của hiện tượng văn chương trong dạy văn, học văn, phổ biến văn, điều này tùy thuộc vào ngành học, cấp học, người học, nhưng đối với học sinh phổ thông, đối với đông đảo người đọc, thì bình diện nội dung, tư tưởng, hình ảnh con người, cuộc sống, giá trị nhân văn phải được chú ý hàng đầu, vì những đối tượng này đến với văn chương chủ yếu là để hiểu ý nghĩa của văn chương và cuộc sống, để học cách sống, cách làm người.

Xa rời cuộc sống, xa rời con người, xa rời chủ nghĩa nhân văn vốn là linh hồn của văn học nghệ thuật trong sáng tạo, nghiên cứu, giảng dạy văn chương là mối lo lớn và là nguyên nhân sâu xa khiến cho văn chương mất sức sống, mất sức hấp dẫn vốn có.Tôi muôn lưu ý ở đây một tư tưởng, một lời khuyên của Marx rằng khi bối rối, không tìm thấy lối ra trong nghiên cứu, thì cần trở lại cái cơ bản, cái gốc, mà cái cơ bản, cái gốc đối với con người chính là bản thân con người.Trong hoạt động tinh thần nói chung là vậy, trong văn chương càng nên như vậy.

III. Sự tiếp thu các học thuyết, trường phái, phương pháp nghiên cứu văn học phương Tây ở Việt Nam

Nhìn chung sự tiếp thu này là không có hệ thống, không triệt để, chủ yếu chỉ vận dụng một số luận điểm thích thú nào đó, có biểu hiện đi từ phủ nhận đến chấp nhận xô bồ, không có chọn lọc, không phản biện, phê phán. Trên bề mặt, có thể nói do cách tiếp thu này mà ảnh hưởng tiêu cực của các khuynh hướng hình thức, “hư vô”, “duy ngã” trong nghiên cứu văn chương phương Tây không ảnh hưởng thật sâu sắc và phổ biến trong đời sống văn chương ở ta, nhưng ở chiều sâu tình trạng “lâm nguy” ít hơn chính là do truyền thống của văn học dân tộc vốn rất nhân bản, nhân văn, rất “đời “ và do ảnh hưởng sâu đậm của quan điểm mác xít vốn coi văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, đặc biệt nhấn mạnh bản chất tư tưởng của văn chương, mối liên hệ sống còn của văn chương đối với con người và cuộc sống. 

TP HCM, 15/6/2011
N.V.H
(270/08-11)








Các bài mới
Các bài đã đăng