Gần nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhân dân Việt
đã tạo dựng cho mình một nền văn học nghệ thuật cách mạng. Gắn với nền văn học nghệ thuật cách mạng, chúng ta đã có những tác giả và nghệ sĩ lớn của các chuyên ngành Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Nhiếp ảnh, Kiến trúc, Văn nghệ dân gian.. Có những tác giả đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, nhưng chỉ một thời gian hoạt động văn học nghệ thuật ngắn ngủi, họ và những tài năng khác đã để lại những tác phẩm gắn bó với chặng đường lịch sử, cách mạng hào hùng của dân tộc. Có thể nói, những tác phẩm văn học nghệ thuật về lịch sử, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mãi mãi là viên ngọc sáng chói, lấp lánh mang dấu ấn, trí tuệ và cả xương máu của các thế hệ văn nghệ sĩ hoà mình vào lịch sử dân tộc, cách mạng và kháng chiến. Nếu nhìn nhận ở góc độ lý luận trong sáng tác, thì một điều hiển nhiên, như tự các tác phẩm đã nói lên toàn bộ mong muốn, tư tưởng của người sáng tác: Dùng văn học nghệ thuật phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Lấy bối cảnh, mẫu nhân vật từ ngay trong đời sống chiến đấu, lao động xây dựng đất nước làm trung tâm để xây dựng tác phẩm. Có thể nói, một thời gian dài xuyên suốt, đến tận bây giờ, đại đa số các văn nghệ sĩ vẫn lấy phương pháp sáng tác ấy làm nền tảng để xây dựng tác phẩm. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở hai miền Nam Bắc, chúng ta có thể thấy trong tác phẩm văn học nghệ thuật của các chuyên ngành, từ bối cảnh lịch sử, xã hội, hình tượng nhân vật hầu như được lấy từ ngoài đời, các nhân vật được coi là trung tâm từ giai cấp công nhân, nông dân, bộ đội và có một số ít tác phẩm được lấy từ người trí thức. Một cuộc sống thật sinh động, một con người, một tập thể dũng cảm chiến đấu hoặc lao động quên mình... trong cuộc sống đã khơi nguồn sáng tạo cho các tác giả để rồi, các cá nhân, tập thể ấy bước vào tác phẩm văn học nghệ thuật. Và đến khi, từ trang sách, từ bức tranh, từ phim ảnh, âm nhạc, vở diễn bước ra, đến với công chúng, các cá nhân, tập thể ấy trở thành lung linh hơn, có sức hấp dẫn, có sức tập hợp, dẫn dắt các thế hệ dám sống và chiến đấu, dám đi vào những nơi khó khăn để lao động, cống hiến. Sức hút của tác phẩm văn học nghệ thuật ngót nửa thế kỷ của các thế hệ tác giả đã cổ vũ, động viên, tạo dựng tình cảm và đời sống tinh thần làm nên đời sống văn hóa của một xã hội mới.
Cuộc chiến đấu hào hùng đã trở thành lịch sử. Những năm tháng lao động quên mình vì chiến trường, giải phóng đất nước đã lùi xa. Cuộc sống đang ngày càng phát triển. Chúng ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chúng ta đã bắt tay, tìm kiếm bạn bè trên toàn thế giới để nhanh chóng đưa đất nước đi lên. Mọi vùng miền trên khắp đất nước đang chuyển mình. Hơn 20 năm qua, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn. Thực tế đời sống đã đẩy lùi được cách nhìn hiện thực đời sống xã hội lệch lạc, không đúng với bản chất xã hội. Những tác phẩm có nội dung xa lạ, đề cao hình thức, thể hiện cực đoan, xa lạ với thẩm mỹ của đại bộ phận công chúng không được đón nhận. Nhưng để các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng, trở thành đời sống tinh thần của các bộ phận trong đời sống xã hội, những người lao động mới, đang đặt ra cho giới văn học nghệ thuật, phải có một cách nhìn nhận mới về xã hội nhằm tạo ra những tác phẩm có nội dung, hình thức gắn bó với đời sống thực tại. Sức sống của các tác phẩm văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội, chính là ở lĩnh vực tư tưởng, đạo đức và lối sống. Đấy cũng là thế mạnh của văn học nghệ thuật. Xa rời điều đó, có nghĩa là tác phẩm văn học nghệ thuật cũng rời bỏ luôn sức mạnh và chức năng cao đẹp của mình.
Những câu ca dao, tục ngữ khuyết danh, những bài dân ca các vùng miền có từ xa xưa vẫn có sức sống và sự truyền cảm mãnh liệt, dẫn dắt, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của bao thế hệ người Việt Nam, vẫn là những câu ca dao tục ngữ với những bài dân ca nối tiếp đạo lý, tình cảm đã trở thành lối sống văn hoá của người Việt. Bởi vậy, vấn đề đặt ra cho tác giả của các chuyên ngành văn học nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay là: Muốn có tác phẩm đi vào cuộc sống, được công chúng đón nhận, đòi hỏi các tác giả phải thâm nhập đời sống, nhất là đối với các tác giả làm các công tác hành chính, nghiên cứu tỉnh tại, do nhiều năm vì công việc, vì điều kiện sức khoẻ và điều kiện sống đã bỏ lỡ thực tế xã hội đang thay đổi, khiến mình như trở thành lạc hậu. Mặt khác, muốn nắm bắt được đời sống, muốn nhận thức được xã hội, đòi hỏi tác giả phải học, phải có thêm kiến thức mới để có thể đi sâu được vào đời sống xã hội, mới tìm hiểu được đời sống các tầng lớp xã hội đương đại mà ở dưới gốc là các tầng lớp nhân dân lao động. Cái lõi quyết định cho sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội là đội ngũ những người công nhân, nông dân, trí thức mới đang có những biến chuyển lớn về cách thức lao động, sinh sống cũng như về trình độ khoa học kỹ thuật, về trình độ tư duy, hiểu biết trong thời kỳ thế giới đang chuyển giao công nghệ, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngay trong thực tế xã hội đang có nhiều chuyển biến lớn, cũng đã có sự phân hoá: Người có trí thức - người không được học hành, đào tạo; người giàu - người nghèo; người chủ - người làm thuê. Vai trò của các tầng lớp ấy trong xã hội như thế nào? Ảnh hưởng của họ trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá ra sao? Đấy là vấn đề lớn mà tác giả của các chuyên ngành văn học nghệ thuật rất đáng quan tâm, gần như khác hẳn với những gì đã quen tư duy, quen làm. Đành rằng, trước đời sống xã hội như vậy, các tác giả có quyền tự do sáng tác, tự do nghiên cứu, sưu tầm các công trình văn học nghệ thuật dân gian lưu truyền trong nhân dân, đem đến cho đời sống xã hội. Nhưng tự do sáng tạo, tự do công bố những công trình nghiên cứu, sưu tầm còn phải nghĩ đến trách nhiệm xã hội của tác giả. Dù tác giả có sử dụng mọi phương pháp, mọi phong cách sáng tác, mọi sự tìm kiếm, chọn lọc vốn văn hoá, vốn văn học nghệ thuật còn đang bị chìm lấp trong đời sống xã hội, thì cái đích vẫn là đáp ứng đời sống tinh thần lành mạnh, bổ ích cho công chúng, cho sự tiến bộ xã hội, không thể chỉ phục vụ cho ý thích cá nhân của tác giả.
Chính vì vậy, những người đứng đầu của các Hội Văn học nghệ thuật, những tác giả của các chuyên ngành văn học nghệ thuật đã từng có nhiều tác phẩm, có nhiều kinh nghiệm trong sáng tác, trong nghiên cứu, sưu tầm các công trình văn học nghệ thuật, chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra những giải đáp cho các vấn đề trong sáng tác: Xã hội mới đang đặt ra những vấn đề gì cho sáng tác văn học nghệ thuật? Liệu có còn khái niệm về một “nhân vật” trung tâm không? Nếu có, họ là ai? Là người công nhân? Hay người nông dân? Người trí thức? Tầng lớp thương nhân mới hình thành? Hay toàn thể con người thuộc mọi lĩnh vực lao động trong xã hội? Bởi có nhận thức được điều này, mỗi tác giả mới có thể chọn đề tài, chọn khu vực của thực tế đời sống để thâm nhập, sáng tác. Một câu hỏi “xưa như trái đất” nhưng hình như vẫn còn đặt ra là chúng ta sáng tác cho ai? Và có hay không có câu hỏi nữa là: Liệu tôi có quyền sáng tác cái mà tôi thích và cho riêng tôi không? Nếu có thì giới hạn cái tôi ấy đến đâu?
Một đặc điểm của văn học nghệ thuật nước ta là tính thống nhất và đa dạng bao gồm vốn văn học nghệ thuật của 54 dân tộc anh em. Vì vậy, vốn văn nghệ dân tộc của chúng ta rất phong phú. Trong tìm kiếm, sáng tác để hoà nhập thời hiện đại, vốn văn học, cũng như các chuyên ngành khác: Âm nhạc, Múa, Mỹ thuật, Sân khấu, Kiến trúc của các dân tộc anh em đóng góp một phần rất quan trọng, với những sắc thái từ Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên đến các tỉnh Tây Nam Bộ làm giàu bản sắc chung của dân tộc, gợi sự tin yêu của công chúng đối với văn học nghệ thuật. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, để phục vụ, tìm hướng sáng tác cho các chuyên ngành các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố đã có nhiều cuộc hội thảo tập trung vào vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, trong quá trình toàn cầu hoá về kinh tế đang diễn ra và càng sôi động hơn ở nước ta, nhất là sau Hội nghị APEC được tổ chức tại Hà Nội năm 2006. Những cuộc trao đổi về bản sắc dân tộc, dân tộc và ngoại tộc đang thu hút sự suy nghĩ, tìm tòi của nhiều văn nghệ sĩ. Trong các cuộc hội thảo, nhiều văn nghệ sĩ đã rất quan tâm nói đến quá trình tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp sáng tác trong các tác phẩm cổ điển, dân gian của dân tộc. Có tác giả nghiên cứu viết cả cuốn sách dày để giải mã các phương pháp sáng tác của các tác giả ký, truyện ngắn, tiểu thuyết thời Trung đại. Và đấy, cũng có thể xem là những mô hình sáng giá cho chúng ta tham khảo để tìm tòi, sáng tạo ra cái mới, trong sự mở rộng giao lưu với các trào lưu văn nghệ từ khu vực Đông Nam Á, đến các nước trên thế giới.
Từ năm 1999 đến nay, lĩnh vực văn học nghệ thuật được Chính phủ quan tâm hỗ trợ. Nhất là từ năm 2004, cả 64 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố cũng được nhận hỗ trợ hằng năm. Chúng ta đã thấy nhiều tác phẩm được phát hành, triển lãm, biểu diễn đã có nhiều cố gắng đi sâu vào sự thật của đời sống xã hội, đi sâu vào nội tâm con người. Dù ở lĩnh vực chuyên ngành văn học nghệ thuật nào, các tác phẩm của các thế hệ tác giả đều có hướng tìm về giá trị tinh thần và văn hoá dân tộc. Một số tác giả trẻ cũng đã mạnh dạn thể hiện phương hướng của cuộc sống hiện đại thông qua những vở kịch ngắn, phim ngắn, những cuộc triển lãm, sắp đặt... Trong những năm qua, nhất là mấy năm gần đây, từ khi có hỗ trợ kinh phí của Chính phủ cho việc sáng tạo tác phẩm, sưu tầm nghiên cứu công trình văn học nghệ thuật, đề tài của các tác phẩm văn học nghệ thuật được mở rộng hơn. Không những vậy, ngay từ nội dung Quyết định hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, đến bản Thông tư hướng dẫn thực hiện kinh phí cho việc hỗ trợ tác phẩm, công trình nghiên cứu, sưu tầm văn học nghệ thuật đã gợi ý về một số đề tài nên được tập trung hỗ trợ, từ đề tài lịch sử dân tộc, đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đề tài thanh thiếu nhi; đề tài dân tộc thiểu số và bao quát vẫn là đề tài về cuộc sống hiện nay. Bất cứ đề tài nào nói đến con người Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử là tác giả đều có thể “với tay” đến và được Chính phủ khích lệ. Đặc biệt là những mảng đời sống ở các khu vực cuộc sống mang tính trọng điểm, nhạy cảm, thu hút nhiều tâm trí, tài lực, có khả năng mang lại sự đổi thay lớn lao cho diện mạo của đất nước, tạo dựng một cuộc sống tươi đẹp, làm nền tảng cho một đời sống tinh thần, văn hoá của thời đại. Những khu vực như thế có ở khắp mọi nơi trên đất nước ta: Thuỷ điện Sơn La; Thuỷ điện Nà Hang ở Tuyên Quang; khu chế xuất Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Tây, Hưng Yên, Bình Dương, Phú Yên... Đường Hồ Chí Minh chạy dọc dãy Trường Sơn đi qua hầu hết các tỉnh, thành phố sẽ là huyết mạch giao thông, tạo sự sống cho đất nước và đem tiến bộ xã hội đến các bản làng người dân tộc thiểu số. Rồi các thành phố lớn đang được mở mang, tạo đà phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta có thể tổ chức cho cá nhân, tập thể tác giả đi thực tế. Có chuyên ngành, cần thiết để có tác phẩm lớn, không chỉ hỗ trợ một năm, có thể hai năm và có thể kéo dài đến hết giai đoạn hỗ trợ (2010), nhưng phải có tác phẩm lớn. Tỉnh, thành phố nào mạnh về chuyên ngành nào, ta đầu tư tập trung về chuyên ngành đó. Thiếu tác giả chuyên ngành, ta có thể mời thêm để phối hợp với các Hội bạn trong khu vực. Trên thực tế, có nhiều tác phẩm được hình thành từ nhóm tác giả. Nhất là việc nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp tài liệu cho một công trình văn nghệ dân gian, loang ra diện rộng, trên nhiều tỉnh cũng rất cần được sự phối hợp không chỉ của Hội, mà còn của từng tác giả. Hy vọng rằng trong một vài năm tới, chúng ta sẽ có mùa bội thu về tác phẩm văn học nghệ thuật. Hy vọng rằng chúng ta sẽ có những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, những bức tranh, tấm ảnh, những ca khúc, điệu múa, công trình kiến trúc... ghi dấu ấn của một giai đoạn phát triển xã hội có một không hai trong lịch sử dân tộc, những công trình nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian mang đậm nét văn hoá dân tộc có từ nhiều thế kỷ trước, nhuần nhuyễn trở về đời sống hiện đại.
Hơn 10 năm qua, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trên cả nước đã có bước trưởng thành rõ rệt về tổ chức, tập hợp lực lượng văn nghệ đi vào hoạt động sáng tác. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền tỉnh, thành phố ngày càng quan tâm, hoạt động Hội ngày càng được mở rộng và đi vào nền nếp. Có kinh phí hỗ trợ của Chính phủ, hầu hết các Hội đã tổ chức được nhiều trại sáng tác, những đợt đi thực tế cho hội viên về huyện, xã, làng, bản; đến các vùng kinh tế trọng điểm trong tỉnh và liên kết với các Hội bạn tổ chức hội thảo, sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức trại sáng tác, hoặc cho hội viên được đi rộng tới các địa phương bạn. Các Hội cũng đã rất chú trọng khuyến khích sáng tác và nghiên cứu về lịch sử dân tộc, về các danh nhân văn hoá, các vị anh hùng dân tộc đánh giặc ngoại xâm các đời trước ở địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã có phát hiện mới, một số tác phẩm được chú ý. Các Hội cũng đã tổ chức được các cuộc thi, các đợt chấm và trao giải thưởng văn học nghệ thuật. Trong những năm gần đây, tác phẩm về cuộc sống hiện tại ở các tỉnh, thành phố ngày càng nhiều và chất lượng được nâng lên. Nhiều tác giả đã viết tiểu thuyết, một số tác phẩm văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu có giá trị đã vượt ra ngoài, được giới thiệu rộng rãi và đoạt giải thưởng của Trung ương. Tin chắc trong thời gian tới các tác giả chuyên ngành ở các Hội sẽ có nhiều tác phẩm tốt, đạt chất lượng cao hơn nữa. T.Đ (nguồn: TCSH số 222 - 08 - 2007)
|