Nghiên Cứu & Bình Luận
Hiện thực chiến tranh trong "Vùng lõm" của Nguyễn Quang Hà
14:39 | 14/12/2011
LGT: Tiểu thuyết Vùng lõm của nhà văn Nguyễn Quang Hà được giải nhì cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam 2006 - 2010. Ngày 24 - 10 - 2011 Hội đã tổ chức tọa đàm tiểu thuyết Vùng lõm, Sông Hương xin giới thiệu bài tham luận của nhà văn Đỗ Ngọc Yên.
Hiện thực chiến tranh trong
Nhà văn Nguyễn Quang Hà. Ảnh: LVT
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4
ĐỖ NGỌC YÊN



Có người nói rằng chiến tranh là một cái “lò bát quái” khổng lồ, trong đấy những con người bằng xương bằng thịt ở cả hai bên chiến tuyến đều phải chấp nhận và đi qua. Kẻ nào chịu đựng được một cách tốt nhất sức nóng của cái lò ấy sẽ là người chiến thắng. Cái lò ấy không mấy xa lạ với những người trong cuộc như anh Nguyễn Quang Hà, những người đã từng đem hết cả sức trẻ trai, và cũng là toàn bộ sức lực của cả cuộc đời cho cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược cách đây hơn 40 năm về trước.

Hiện thực chiến tranh nhìn từ phía người lính

Sở dĩ phải nhìn hiện thực ấy trên hết và trước hết từ phía những người lính, vì chính họ là công dân của một quốc gia khi có kẻ thù đến cướp đất nước mình. Đất nước như là mẫu số chung, hay chữ số để ngoài ngoặc đơn, mà tử số hay chữ số trong ngoặc đơn chính là những con người cá nhân bằng xương, bằng thịt với tư cách là những thành viên của cộng đồng, đất nước. Sau cá nhân là gia đình, vợ con, những người thân, chòm xóm, quê hương... Cha ông ta đã từng dạy rằng: nước mất, nhà tan. Một logic tất yếu không thể đảo ngược được. Và khi đất nước có ngoại xâm thì “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, huống chi những thanh niên trai trẻ thuộc thế hệ anh Nguyễn Quang Hà hơn 40 năm về trước, ở cái thời mà được lên đường tòng quân đánh giặc với bạn bè cùng trang lứa, hòa cùng đoàn quân ra trận, còn vui và tự hào hơn bất cứ phần thưởng nào. Những người lính ấy là những tín đồ của tự do và độc lập dân tộc, họ lăn xả vào cuộc chiến mà không hề hay biết phía trước là con đường đầy chông gai, gian khổ, tốn nhiều mồ hôi, công sức, có khi phải hy sinh cả tính mạng, nên họ cứ đi và chỉ biết có chiến đấu và chiến thắng. Không đắn đo, suy nghĩ, không bàn tính viển vông, chỉ có đi... đi... đi, đánh... đánh... đánh và thắng... thắng... thắng.

Suy nghĩ, lòng nhiệt tình, ý chí quyết tâm ấy đã thấm vào máu những người lính. Nếu không may nằm xuống, cũng xong, vì họ đã ngã xuống cho quê hương, đất nước. Còn sống, họ còn mang theo hơi thở, sức nóng của cuộc chiến ấy cho đến hết đời. Không chỉ có những người lính làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta, mà còn có cả cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc đã hun đúc, tôi luyện nên những người lính.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Tọa đàm văn học tiểu thuyết "Vùng lõm" của nhà văn Nguyễn Quang Hà

Dù được thể hiện dưới hình thức thể loại tiểu thuyết, nhưng “Vùng lõm” rất giàu chất liệu hiện thực đời sống như hãy còn tươi rói của cuộc chiến ở vào giai đoạn cam go nhất, khi mà nỗi lo, sự trăn trở lớn nhất đối với huyện đội An Lạc nói riêng và khu V nói chung, khi ở xã Mai Trung còn là một “vùng lõm” đích thực vì thiếu sự hiện diện của quân giải phóng, lực lượng cách mạng, khiến người đọc cảm thấy dường như chiến tranh đang hiện hữu đâu đó, và nếu kết thúc thì cũng cách đây chưa lâu, nên có thể coi đây là một cuốn nhật ký chiến trường hay tiểu thuyết phóng sự chiến tranh cũng đúng. Cuốn sách miêu tả về quá trình hình thành, xây dựng một căn cứ cách mạng ở “vùng lõm” làng Hiền Mai để từ đấy phát triển ra toàn chiến trường khu V, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến tranh nhân dân ngay trong lòng địch. Đấy có thể được coi là căn cơ, cốt lõi để tạo lập nên thế trận toàn dân trong chiến lược chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt khác đấy cũng chính là mạch nguồn xuyên suốt tư tưởng chủ đề của Vùng lõm. Dù kẻ thù có lợi thế hơn nhiều về tiềm lực kinh tế và quốc phòng so với quân đội ta, nhưng cái thiếu duy nhất đối với chúng là mục đích chính nghĩa của cuộc chiến tranh, nên dù có gian khổ, hy sinh đến mấy thì người lính vẫn phải chiến đấu và đã chiến thắng.

Làng Hiền Mai cũng như bao làng khác của chiến trường Bình-Trị-Thiên năm xưa với lính tráng, đồn bốt chăng đầy, với mưu đồ “không cho Cộng sản ngóc đầu dậy”. Sự có mặt của chúng cũng đồng nghĩa với sự cướp bóc, hà hiếp những người dân thường vô tội, gây bao nhiêu đau thương tang tóc cho người dân. Chứng kiến cảnh một tên lính ngụy hạch sách, đe nẹt chị bán hàng quà vặt ngoài chợ làng, Hoài nói với Dư: “Anh coi người dân trong vùng địch tạm chiếm khổ không, phải đối diện với địch hàng ngày. Bị đủ mọi thứ kềm kẹp. Chúng thì có súng ống, có quân đội trong tay. Còn người dân chỉ có hai bàn tay trắng. Trước tình hình thế ấy, nhiều gia đình cho con đi lính ngụy chỉ để bọn tề ngụy không bắt nạt, không dọa dẫm, không ức hiếp. Người dân yêu nước cũng đành nằm im. Nằm im đã là yêu nước rồi...” (tr 104).

Sau trận đánh bất ngờ vào đồn Lồ Ô ở Mai Trung làm kẻ địch không kịp trở tay, những cái tên như Dư, Hoài, Xuân, Tiếm, Khôi, Cam, Đợi,... càng trở nên thân thuộc hơn đối với dân làng Hiền Mai. Nói đúng hơn chính những người lính này đã trở thành một phần máu thịt không thể thiếu đối với dân làng, dù có thể họ không cùng được sinh ra ở cái làng này, nhưng tất cả đều vì người dân làng Hiền Mai mà chiến đấu đem lại cuộc sống bình yên cho họ.

Trong hoàn cảnh của cuộc chiến lúc bấy giờ, từ hội họp, đi trinh sát mục tiêu, lập kế hoạch tác chiến, đánh đồn Lồ Ô, rồi vận động quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh bán vũ trang, cảm hóa kẻ lầm đường như Sỏi, Lộc, Lộ..., vận động những người có uy tín trong làng như giáo sư Nguyễn Bản, giúp đỡ quân giải phóng, phần lớn đều diễn ra trong đêm. Còn ban ngày, những chiến sỹ giải phóng quân buộc phải giấu mình trong những căn hầm bí mật chật ních và tối om do chính tay họ đào hay do mẹ của Hoài, dì Hới cùng người dân làng Hiền Mai đào để nuôi giấu cán bộ. Trong hoàn cảnh ấy của cuộc chiến, “nhiều gia đình vẫn tiếp tục làm cơ sở cho cách mạng, đào hầm bí mật ngay trong nhà cho anh em mình lánh thân... đồng bào đong gạo tiếp tế cho bộ đội” (tr 105).

Vùng lõm là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh nhân dân ở vùng chiến trường khu V khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai ngụy quyền lúc bấy giờ. Nói rằng đấy là cuộc chiến tranh nhân dân là hoàn toàn đúng với đầy đủ ý nghĩa của nó, vì những người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng. Sau khi chiến tranh kết thúc phần lớn trong số họ lại trở về đời sống của những người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam.

Cùng chung một lý tưởng sống, một mục đích chiến đấu, nên phẩm chất ưu trội của người lính ở đây là bằng mọi giá đều phải chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Trong đời sống tình cảm, những sở thích cá nhân không phải lúc nào giữa họ cũng giống nhau. Chẳng hạn như mối quan hệ giữa xã đội trưởng Huỳnh Thế Tô, cán bộ biệt phái của huyện đội An Lạc Nguyễn Văn Dư và nữ chiến sĩ giải phóng quân Trần Thị Thu Hoài có lúc giữa ba người không khỏi có những đắn đo, suy nghĩ, buồn phiền về nhau. Nhưng không vì thế mà họ làm chệch hướng mục tiêu chung của cuộc chiến. Cái đáng quí nhất ở họ chính là biết đặt mục đích cuộc chiến đấu lên trên những tình cảm, ước vọng cá nhân.

Hiện thực chiến tranh nhìn từ phía con người

Cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta nếu chỉ nhìn nhận ở kết quả cuối cùng là thắng hay thua, giữa ta và địch thì sẽ là không thỏa đáng và chưa xứng với tầm vóc của nó.

Điều này đã được nhà văn Nguyễn Quang Hà bước đầu đặt và giải quyết vấn đề ở khía cạnh con người. Nói về một cuộc chiến mà chỉ quan tâm về lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật,... những yếu tố góp phần tạo nên kết quả thắng hay thua của cuộc chiến thì chắc chắn là chưa thấu đáo, thiếu tính thuyết phục. Vì điều ấy ở mọi cuộc chiến đều có thể cân, đo, đong, đếm được. Chỉ có các yếu tố ấy sẽ không thể nào lý giải được câu hỏi tại sao một quân đội thiện chiến được trang bị vũ khí tối tân, được chu cấp mọi phương tiện, điều kiện vật chất tốt nhất cho những người lính có mặt ở chiến trường, mà cuối cùng lại bị thất bại một cách thảm hại trước một quân đội kém hơn về so sánh sức mạnh
tổng lực. Thiết nghĩ chúng ta chỉ có thể đi tìm lời giải ấy từ khía cạnh con người với tư cách là chủ thể, là hạt nhân cốt tử đảm bảo thắng lợi cho cuộc chiến.

Chưa vội bàn đến những tên lính trong đội quân xâm lược đến từ bên kia bờ đại dương - quân Mỹ, mà trước hết ở đây chúng ta hãy xem cách hành xử về quan hệ giữa con người với con người cùng chung dòng máu Việt Nam, nhưng lại ở hai bên chiến tuyến.

Một bên là những người lính chiến đấu vì sự dẫn dụ của đồng tiền, vì bát cơm manh áo, vì những điều kiện vật chất sung túc của cá nhân và gia đình họ hay vì một lý tưởng nào khác, không phải vì độc lập tự do dân tộc như trung úy Phan Lộc, Lại Văn Sỏi, Trịnh Văn Lộ,... Còn phía bên kia là những người lính chiến đấu vì cuộc sống bình yên của nhân dân mình, vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình. Hai mục tiêu hoàn toàn trái ngược nhau ắt sẽ dẫn đến hai động cơ, sức mạnh không bao giờ giống nhau cả. Sau khi pháo Mỹ từ cây số 17 bắn vào nhà trung úy ngụy quân Phan Lộc ở Hiền Mai, như là đòn trả đũa vụ đồn Lồ Ô bị đánh cách đấy chưa lâu, đã giết hại bố và 5 người anh em của hắn thì dân làng Hiền Mai, dưới sự chỉ đạo của Dư đã mang 6 cái xác lên gặp Quận trưởng An Lạc bắt chúng bồi thường thỏa đáng cho gia đình nạn nhân dù đấy là người của gia đình của tên trung úy ngụy, rồi sau đấy mới chịu mang xác tử nạn về mai táng. Giáo sư Nguyễn Bản bằng cái tâm, sự hiểu biết và uy tín của mình đã bắt Quận trưởng phải cúi đầu nhận tội.

Đấy chính là khía cạnh nhân bản của cuộc chiến chỉ có thể có được từ phía người dân và những chiến sỹ giải phóng. Khía cạnh nhân bản ấy không thể có ở kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai. Nó chính là động lực, nguồn cội của mọi chiến thắng.

Một khía cạnh nhân bản khác mà nhà văn Nguyễn Quang Hà đã khai thác khá thành công trong Vùng lõm là tình yêu. Trước hết đấy là tình yêu đất nước, dân tộc. Xét cho cùng, những người như Phan Lộc, Lại Văn Sỏi hay Trịnh Văn Lộ cũng đều là người Việt Nam ta cả, cũng máu đỏ, da vàng. Có thể do nhiều yếu tố khách quan của cuộc chiến đã đẩy họ đi theo con đường làm tay sai cho kẻ thù xâm lược. Một lẽ thường tình, người Việt ai chẳng yêu nước mình, ai chẳng muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do: “Dân mình ai cũng khát độc lập, tự do cả. Con em họ cầm súng cho địch chẳng qua là bị lừa. Đánh thức được ý thức dân tộc trong họ thì họ là người mình cả” (tr 272). Tuy nhiên những người bên kia chiến tuyến có thể họ còn chưa hiểu thấu đáo thế nào là yêu nước, thương nòi, nhưng lại hiểu rất rõ những quyền lợi vật chất mà họ có được khi đứng trong hàng ngũ kẻ thù. Không ít người nghĩ rằng những người một thời cầm súng cho kẻ địch đều bị lừa cả. Thực tế chưa hẳn đã là như vậy, bởi lẽ họ cũng có lý tưởng và lý do riêng khi đứng trong hàng ngũ kẻ thù. Chỉ có điều lý tưởng và lý do ấy không song hành cùng dân tộc, thậm chí đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân.

Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, những người Cộng sản không chỉ biết có chiến đấu, mà quan trọng hơn là phải biết cảm hóa những người đã lầm đường lạc lối. Nguồn cội của sự cảm hóa chính là lòng bao dung độ lượng, thấm đẫm tinh thần nhân văn Cộng sản, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, lấy mục tiêu độc lập tự do làm cứu cánh thay vì quyền lợi vật chất trước mắt như kẻ thù vẫn làm. Chính vì ý nghĩa lớn lao của tinh thần nhân bản mà Dư và đồng đội của anh đã cảm hóa được trung úy Ngụy Phan Lộc, Lại Văn Sỏi và Trịnh Văn Lộ. Cảm hóa và lôi kéo những người lầm đường về phía mình cũng là cách để rút ngắn thời gian chiến tranh, cũng đồng nghĩa với việc xương máu của đồng bào mình đổ xuống ít hơn. Đấy cũng là mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến tranh mà nhân dân ta đã tiến hành ròng rã hàng chục năm trước đây.

Sau tình yêu đất nước là tình yêu của những người Cộng sản, tình yêu ấy đã được nhà văn Nguyễn Quang Hà miêu tả khá tỉ mỉ và chân thực qua mối tình giữa Dư và Hoài. Có thể nói Dư đến với Hoài hết sức tự nhiên và bằng sự chân thành.

Họ đã lấy hoàn cảnh cuộc chiến để làm phép thử nhiệm màu cho tình yêu đôi lứa đâm chồi nở hoa. Dư hy sinh, đã làm cho ước nguyện nên vợ thành chồng giữa hai người không được toại nguyện, giữa đường đứt gánh, nhưng không vì thế mà tình yêu của họ không đẹp và càng không phải đấy là bi kịch, trái lại sự hy sinh của Dư như là tô thêm sắc đỏ cho tình yêu. Bởi vậy khi Dư ngã xuống, dù có làm cho Hoài đau đớn, nhưng cô không gục ngã.

Có thể nói, tình yêu đôi lứa dù trong chiến tranh hay hòa bình, ở đâu trên thế gian này cũng là biểu hiện của tính nhân bản sâu xa nhất của con người. Không ở đâu tính người được bộc lộ một cách đầy đủ, phong phú và sâu sắc như trong tình yêu đôi lứa. Ở đấy mọi ước lệ và mọi rào cản mang tính chất hình thức của quan hệ thông thường đều bị vượt qua nhường chỗ cho bản tính người. Nhưng tình yêu đó sẽ bớt đi tính vị kỷ cá nhân, trở nên thiêng liêng và đáng quý biết bao khi nó được lồng trong tình yêu đất nước và dân tộc, lồng trong tình yêu đồng bào, đồng chí và đồng loại. Khi ấy, tình yêu lứa đôi như được chắp thêm đôi cánh của chim phượng hoàng mãi bay cao, bay xa đến bến bờ vô tận của hạnh phúc.

Đ.N.Y

(274/12-11)








Các bài mới
Các bài đã đăng