Nghiên Cứu & Bình Luận
Ân tình với Huế của Huy Cận
14:29 | 16/10/2008

ĐOÀN TRỌNG HUY

Huy Cận có một quãng đời quan trọng ở Huế. Đó là mười năm từ 1929 đến 1939. Thời gian này, cậu thiếu niên 10 tuổi hoàn thành cấp tiểu học, học lên ban thành chung, sau đó hết bậc tú tài vào 19 tuổi. Rồi chàng thanh niên ấy tiếp tục về học bậc đại học ở Hà Nội.

Ân tình với Huế của Huy Cận
Nhà thơ Huy Cận khi trẻ

Huy Cận đã có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc và đầy ân tình với Huế. Đó là nơi hoàn tất bậc học cơ bản, nảy nở hồn thơ và ấp ủ nuôi dưỡng con người chính trị của người thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước. Ông đã thể hiện những tình cảm đẹp đó qua nhiều vần thơ, nhất là trên những trang văn hồi ký được hoàn thành trước lúc ra đi mãi mãi không bao lâu (Tuyển tập Huy Cận I, II - 1986, 1995 - Hồi ký song đôi I, II - 2003).

HUẾ, NƠI HÌNH THÀNH TRI THỨC VÀ NHÂN CÁCH TUỔI TRẺ.
Nhà nghèo, ở miền sơn cước Nghệ Tĩnh, Huy Cận may mắn được ông cậu đưa vào Quảng Điền rồi Huế để ăn học. Phải nói đây là sự chuyển đổi một thế giới cả về cảnh vật lẫn sinh hoạt. Cậu bé nhà quê từng chăn trâu và chơi các trò dân giã nơi đồng bãi nay được nhập vào một khung cảnh khác hẳn. Trước là huyện lỵ (Quảng Điền) sau là thành phố Kinh Đô cổ kính một thời.
Một không gian mới với đất trời cảnh sắc mới được mở ra theo con mắt trẻ thơ. Lần đầu tiên Huy Cận gặp biển trong chuyến đi chơi Thuận An, từ Đập Đá qua Nam Phổ. Bừng lên trước mắt là cái mênh mông xanh của biển. Tắm mình trong gió và khối xanh bát ngát. Trạng thái tâm hồn dạt dào rộng mở và lắng sâu. Huy Cận nhận tình yêu đầu tiên với biển và bộc lộ “từ đó đến nay tôi mê biển như một nỗi niềm”. Biển rộng mở mà lắng sâu, dào dạt làm say mê và cũng yên tâm vô cùng. Sống với Huế là sống với cảnh đẹp của sông Hương, núi Ngự. Một thiên nhiên mới đa dạng về hình thể, cảnh tượng sẽ là những hình ảnh đẹp nhập vào tâm hồn thơ trẻ.

Ngoài nhà trường, lớp học còn là bao quang cảnh sống động của cuộc đời xung quanh. Cũng là một thế giới rộng mở với sinh hoạt thị thành của ánh sáng điện, của ấn tượng văn minh in vào trí óc non trẻ. Như vậy là ngoài kiến thức sách vở còn biết bao điều lạ của đời sống thực tại, một thực tế mới đã xâm nhập tâm trí cậu học sinh.
Về trình độ văn hóa, liên tiếp từng năm học là những bước đi lên những đỉnh cao mới. Cậu thiếu niên trở thành thanh niên ham mê học hỏi luôn dấn bước và chiếm lĩnh được một cái nền học vấn cơ bản qua ba cấp học lại luôn luôn là người đi đầu để thực hiện cái chí lớn, những phương châm sống tích cực tràn đầy nghị lực. Biết bao chân trời mới về khoa học mở ra có sức hấp dẫn mạnh mẽ người thanh niên đầy khát vọng trí thức.
Tuy nhiên điều quan trọng là sự trau dồi kiến thức, học vấn đi liền với sự hình thành nhân cách con người chân chính nhất là trong hoàn cảnh xã hội cũ đầy bạc ác, bất công của bọn thực dân thống trị: “Biết cắn răng chịu thiệt, đứng vững gót mà làm người”.

Theo khoa học tâm lý, tuổi dậy thì dễ gây biến động và khủng hoảng tâm lý. Như tự thuật chân thành, Huy Cận vào loại dậy thì sớm, (khoảng 12, 13 tuổi) và rất may vượt nhanh được sự bùng nổ hỗn loạn của tâm lý để phát triển bình thường theo chiều hướng tích cực. Dấu hiệu tốt đầu tiên là sự tìm bạn như để thỏa mãn một yêu cầu giao lưu đầu tiên của tuổi vi thành niên. Tựu trường (1938) ghi lại kỷ niệm đẹp của tuổi “mực tím” một thời: “Lòng thơm ngát” “nỗi xôn xao thầm lặng” và những “náo nức của thời trẻ dại”. Huy Cận viết “nói sao hết sự bồi hồi cảm động của những chàng học sinh 13, 14 tuổi đi tìm bạn trong buổi chiều đầu tiên tựu trường (kí túc xá nội trú trường Quốc học Huế). Điều đáng quý là Huy Cận đã kết được bao nhiêu tình bạn, “nó bền chặt cho đến ngày nay”. Về thăm lại trường cũ Huy Cận nhớ câu của một nhà văn: “Sau những cánh cửa đóng kín này còn ngủ lại một phần quá khứ của tôi”, Huy Cận đã sống trong không khí đầm ấm, thanh tao của “một xã hội con trong một xã hội lớn”. Tình thầy trò nảy nở cùng với tình bạn. Cũng rất may là Huy Cận được học nhiều thầy giỏi, có đức độ và có lòng yêu nước thầm kín. Thầy Nguyễn Đình Dụ, thầy Đoàn Nồng, thầy Lê Xuân Phương...

Sau này nhiều thầy trở thành nhà giáo mẫu mực, cán bộ lãnh đạo của nền giáo dục mới, và cậu học trò Huy Cận dù làm tới quan chức cao cấp vẫn về thăm các thầy trong tình cảm thắm thiết, tự hào và trân trọng lẫn nhau.
Hầu như những đức tính cần và đủ cho một thiếu niên đã được hoàn chỉnh ở một cậu học sinh trung học (kỉ luật, chịu khó, ham học, cầu tiến, tự chủ, tự tin, can đảm...) để rồi lại được phát huy lên mức cao ở con người trưởng thành. Một điểm sáng chói trong tâm hồn chàng thanh niên Huy Cận là khát vọng tự do và những ý thức bước đầu về dân tộc. Nhân cách ấy báo hiệu một sự vượt thoát một sự bùng nổ sức mạnh mới cho con người Huy Cận sau này. Và điều cần nói ở đây là, nhà trường đô hộ của thực dân đã thất bại trong mục tiêu muốn biến học sinh thành những con cừu nô lệ. Huy Cận đã tự trang bị cho mình một thứ vũ khí sắc bén là tri thức khoa học, văn hóa để trở thành một con người cần thiết về ý thức và hành vi cho tương lai.

HUẾ - CÁI NÔI LỚN HỒN THƠ VÀ CẢM QUAN VĂN HÓA
Rất nhiều yếu tố đã làm nên nhà thơ trẻ Huy Cận. Gia đình, quê hương, xã hội. Rồi truyền thống văn học, văn hóa, lịch sử dân tộc. Và điều cốt yếu là một bản chất tâm hồn thi sĩ, một cốt cách thi nhân, nhà văn hóa. Đấy  là xét về lí luận, trên cái nhìn tổng thể.

Thực ra có những nguyên nhân rất sâu xa, với một quá trình hình thành dài lâu.
Huy Cận có một vùng quê nên thơ, có đồng ruộng có sông bãi và cả núi non. Thiên nhiên đẹp đẽ và hào phóng đã gợi mở bao rung động xôn xao về cái đẹp trong tâm hồn trẻ thơ. Kể cả những trò chơi phóng khoáng nơi thôn dã cũng đem đến cho cậu bé những cảm xúc lạ lùng. Lớn lên, nhớ về quê là nhớ cả một trời ấn tượng và xúc cảm hồn nhiên. Trí tưởng tượng và mộng mơ tuổi nhỏ như được cất cánh và cùng chắp cánh bay theo những cánh diều Thả tự nắng chiều lên quá núi/ Sang đêm diều lẫn với trời cao... Tiếng trống đất tưởng như hơi thở của đất, của núi rừng cổ xưa, tiếng trống đất tế trời trên núi cũng chính là sáng tạo âm nhạc đầu tiên của tuổi thơ. Cả những tiếng bình dị tưởng chừng vu vơ của tuổi nhỏ đồng quê cũng sẽ là tiếng gọi của thơ “Tiếng gà gáy sáng, nghe nghìn vạn lần vẫn không chán, vẫn dào lòng tin. Tiếng gà gáy gợi cảm về cuộc đời, rất cuộc đời mà cũng rất vũ trụ. Tiếng gà gáy: âm thanh của một sự yên tâm lớn”. Huy Cận đã cảm nghĩ như vậy và đã tự nhủ: “Thơ ơi, hãy có lấy giác quan ánh sáng của gà để gáy sáng, kịp báo hiệu cho đời những bình minh”. (Tiếng gà gáy sáng)

Cái tuổi hồng đồng quê ấy được chắp nối trong trời nước nắng gió Huế vào độ mới lớn của cậu thiếu niên. Bắt đầu là sự tiếp nhận những cảm quan và xúc động mới. Thiên nhiên thường hòa quyện chất thơ. Buổi trưa hè bãi biển dưới những bóng hàng cây phi lao rào rào lay động gió, hai bạn học sinh Quốc học Huy Cận và Sĩ Hiền ngâm ngợi say sưa thơ Đoàn Thị Điểm. Núi Ngự Bình, dưới bóng những cây thông trong nắng chiều vàng, họ lại cùng nhau đọc Giọt lệ thu của bà Tương Phố. Những tình bạn mới nảy nở, những cảnh đời, những số phận vui buồn, cảnh tượng, âm thanh xứ Huế hình như tất cả trở nên những yếu tố “tiền nghệ thuật” của một hồn thơ trẻ. Đoạn hồi ký diễn tả chân thành: “Cây bàng lá rụng, ngọn gió sông hiu hắt, cây bồ hòn đứng lặng trong chiều đông rồi tiếng đàn của ông Cả Soạn, của anh Cháu Đờn, ông xẩm chợ kể vè, rồi tình bạn trẻ thơ, tiếng gió biển trong rừng phi lao, ánh nắng thu trên mái rừng thông, tiếng chuông chùa Diệu Đế, tiếng hò mái nhì, mái đẩy trên sông Hương... Tất cả đã làm xao động trong tôi cái cảm giác thơ” (Nảy nở hồn thơ - Hồi ký song đôi).

Tất nhiên còn phải kể nguồn gốc từ sự tiếp xúc đầu tiên với Truyện Kiều qua ông bố và bà mẹ rất mê Kiều ngâm Kiều và giảng Kiều, từ người hát ví, hát dặm dân gian xứ Nghệ. Và tất nhiên là những rung động thơ ca đến từ tác phẩm trong nhà trường. Tất cả được ươm trồng, vun xới, nảy sinh trên một bầu trời Huế đầy xúc động dạt dào “xanh mượt bờ xanh”. Huế vấn vương của Huy Cận là Huế hoa thiên lý mùi hương thoảng/ Huế tím chiều thu dậy ước mơ, là Huế mà Cỏ cây đây đã hóa vườn trời và những bóng hình Người bước nhẹ không nghe tiếng/ Mà nặng lòng yêu biết mấy mươi. Tưởng tượng như Huế đã giăng bắt hồn thơ Huy Cận, và đến lượt mình, thi sĩ lại giăng bắt Huế một thời:
Hôm nay ta nấp, thơ giăng lưới
Bẫy tháng năm về bắt tuổi thơ

(Gió lạnh chiều đông)
Chế Lan Viên trong Bước đầu của tôi đã tự phân tích những gì làm nên hồn thơ và tài thơ của mình, trong đó có những yếu tố ngoài văn chương, xa văn chương. Như ta biết từ những tháp Chăm sừng sững “bí mật”, “lẻ loi” của thành xưa, những cửa nhà mái lá, cửa bàn khoa Bình Định, đến cái vòng quay kiên trì triền miên của các xe nước Quảng Ngãi”... Rồi cả những trò đổ giàn tỉ thí của các võ sĩ An Thái, An Vinh đầy tinh thần thượng võ. Huy Cận có thể nói như Chế Lan Viên “nhớ biết bao người, bao cảnh, bao sự việc đã giúp mình nên người nên văn” ở Huế.

Không thể không nhắc tới yếu tố ngôn ngữ. Huy Cận yêu mê say tiếng mẹ đẻ và xúc cảm sâu xa với giọng điệu quê hương. Tiếng Huế mà Huy Cận từng nhiều lần ca ngợi, đã góp phần tạo nên cảm hứng thi ca và văn hóa nồng nàn nơi Huy Cận. Đây là cảm giác hồn nhiên mà sâu sắc “Lần đầu tiên tiếp xúc với tiếng Huế, với giọng Huế, tôi có cảm giác lâng lâng, êm ái mà lại thắm thiết. Về sau, sống ở Huế mười năm trong cái tuổi lớn lên, từ 10 đến 20 tuổi (1929 - 1939) tôi càng cảm nhận và thấu hiểu cái giọng Huế nhẹ nhàng mà ấm sâu, thân tình và ân tình, cái giọng dường như lướt trên mặt nước, mà lại sâu thẳm trong lòng sông”. Sau này, Huy Cận có hẳn một bài thơ cho bạn gái Huế, ca ngợi chủ yếu là cái đẹp của giọng Huế: Giọng em vang vọng trời quê Huế/ Nhẹ thoảng trong veo mà xốn xang/ Nồng cháy như mồi thông núi Ngự/ Giọng em nửa thực, nửa mơ màng. Khi phân tích cái hay của nhạc điệu trong thơ Tố Hữu, cũng tương tự như ở Huy Cận, không thể bỏ qua tiếng nói, giọng hò, câu ca xứ Huế. Như vậy đó, tiếng Huế đã trở thành một âm sắc trong giọng điệu thơ Huy Cận, nó làm nên nét tâm hồn cùng với nét phong cách nghệ thuật Huy Cận.

Từ rung động thơ, từ cảm hứng văn chương dẫn tới cảm quan văn hóa Huy Cận. Đó cũng là sự mở rộng tự nhiên của một hồn thơ đa cảm. Huy Cận đồng thời cũng được tắm mình trong một không gian cố đô, được hít thở không khí văn hóa Huế và đương nhiên hấp thụ được những tinh hoa ấy (“vật thể hoặc phi vật thể”) một tiếng chuông chùa, một ngôi cổ tự, lăng miếu xưa hay một giọng hò xôn xao sóng nước lẫn sóng lòng để tất cả trở thành một nỗi niềm “bảng lảng” “vấn vương” một đời thơ.

HUẾ - VƯỜN ƯƠM CỦA TÌNH ĐỜI VÀ KHÁT VỌNG TỰ DO
Tiếp xúc với sách - trực tiếp và thường xuyên là từ tủ sách gia đình của ông cậu, của thư viện nhà trường - và của học đường, Huy Cận như được mở ra trong đầu óc bao thế giới mới lạ. Đó là cái thế giới trần gian gián tiếp qua bao khung cảnh, bao xứ sở, bao tháng năm... Tuy nhiên, cũng từ sách là bao vấn đề, bao nghĩa lý được đặt ra từ đó.
Hoàn cảnh nhà trường cũ có nét trong trắng, thanh tao đầm ấm nhưng cũng có khía cạnh khắc nghiệt của nó. Kỷ luật, quy chế gò bó cũng là một thứ kiềm chế. Ngoài mặt tích cực còn có mặt trái là cố ý đóng khuôn con người vào giáo điều chết cứng. Và trong cái xã hội thu nhỏ ấy, xã hội nằm trong xã hội lớn nô lệ, học sinh chỉ được phép cúi đầu. Tiếng mẹ đẻ trở thành một ngoại ngữ. Đó là một sỉ nhục lớn đối với lương tri còn non dại. Cậu học sinh Huy Cận cùng những bạn yêu tiếng Việt đặt ra loại “thẻ chó” (một miếng gỗ đẽo hình cái thẻ mà chó phải đeo để cảnh sát tiện kiểm soát). Kẻ phạm tội là người nào bị bắt quả tang nói tiếng Tây ngoài giờ học trong trường (trước giờ vào lớp, giờ ra chơi), đến lúc tan học phải mang thẻ ấy (tức nhận thẻ để lại “giao” cho người khác phạm tội). Một “trò chơi” rất trí tuệ, rất ý thức và luật chơi rất sắt đá. Đó là một kiểu phản ứng với thái độ nô lệ, Huy Cận đã kể lại điều này hồi đi học ở Huế với một tâm sự - tấm lòng cũng là ý thức: “Chúng tôi yêu quốc văn với tấm lòng người con thương mẹ, yêu thương người mẹ đẻ bị rẻ rúng, bị xem thường”. Tạp chí văn học Bước đầu được “xuất bản” nửa công khai, nửa bí mật, ra hàng tuần là một quyển vở đẹp chép tay những bài văn, bài thơ tự sáng tác nhằm trau dồi và bảo vệ tiếng Việt. Đó là biểu hiện lòng yêu nước hồn nhiên ban đầu.

Vẫn là qua sách nhưng đã có những bước đi mới hơn qua bao nhiêu chân trời mới. Hiệu sách Hương Giang của Hải Triều với nhiều sách báo văn học cổ kim, đông tây nhất là văn học tiến bộ cách mạng, đã cung cấp cho Huy Cận hiểu biết phong phú hơn về xã hội và cuộc đời, góp phần nung nấu thêm tình yêu thơ văn, yêu đời và những nỗi niềm với đất nước.
Cái Phố Đông Ba của tôi ngày bé (thơ) và Xóm Mang Cá (văn) giúp Huy Cận nhìn thấy những cảnh đời buồn tủi của những người nghèo và số phận bất hạnh, trớ trêu, tội nghiệp của những người “me Tây”. Nguồn vui thấp thoáng qua giọng đàn, câu hát cũng như tắt lịm trong đau khổ. Lòng cảm thương những cảnh tình ấy sẽ nhóm lên đốm lửa nhân bản trong thơ Huy Cận.
Huy Cận đã làm những bài thơ đầu tay thấm đậm tình đời, tình người mà tình buồn, tình đau là âm hưởng chủ đạo. Tất cả đã bắt nguồn từ nơi ấy, từ thời ấy. Năm 1938, bài thơ Chiều xưa được đăng trên Ngày nay, khi Huy Cận còn ngồi trên ghế nhà trường, ban tú tài - Sau đó 50 bài thơ được tích góp lại vào Lửa thiêng, tập thơ đầu tay của Huy Cận xuất bản năm 1940, khi ra Hà Nội tiếp tục cuộc đời sinh viên. Năm sau, 1941, nhà thơ đi vào hoạt động bí mật.


Con đường đi đến cách mạng của Huy Cận không phải là ngẫu nhiên. Nhà thơ đã đến với ánh sáng từ những đêm đen buồn tủi, từ những nỗi đau đời. Chàng Huy Cận “hay sầu” nhưng biết yêu nước, biết ý thức về dân tộc có truyền thống quật cường. Hành động dấn thân trên đường cách mạng sau này có thể tìm thấy từ bước đi can đảm, vững chãi trong hoạt động yêu nước từ trường Quốc học kể cả hành động dám đương đầu thách thức trong cuộc tham gia biểu tình đón Gô - đa đại diện của Mặt trận Bình dân Pháp đến mức bị cắt học bổng và suýt bị đuổi học. Huy Cận đã chứng tỏ là con người mong muốn dân chủ và khát vọng tự do, những yếu tố tiên quyết làm nên cốt cách một trí thức cách mạng.

Huế là nơi “hòa điệu” các quang cảnh, hoàn cảnh: cảnh sắc (thiên nhiên), cảnh tượng (sự việc, sự kiện đời sống) và cảnh tình (tình người, tình đời). Huế là nơi “hòa điệu” ý tưởng và thực tại, ước mơ và hiện thực cũng là thách thức và hành động.
Huế là cả một mảng đời, mảng hồn máu thịt Huy Cận. Huế là vùng thẩm mỹ đặc sắc cũng là một vùng quê sáng tạo nghệ thuật say mê của Huy Cận.
Huế vấn vương một đời ân tình với Huy Cận là thế!

       Thành phố Hồ Chí Minh, 04/2007
Đ.T.H

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng