Các nhà khoa học vừa đưa ra nhiều chứng cứ về bức họa của Leonardo da Vinci tồn tại phía sau một bức tường trong Tòa thị chính thành phố Florence.
Hồi đầu tuần, các nhà khoa học thuộc dự án hợp tác giữa Hoa Kỳ và Italy tuyên bố với sự trợ giúp của các biện pháp kỹ thuật siêu hiện đại, họ đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy, một kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci vẫn đang tồn tại phía sau một bức tường trong Tòa thị chính thành phố Florence, sau gần 5 thế kỷ bị thất lạc.
Năm 1504, Leonardo da Vinci nhận được đơn đặt hàng từ Tòa Thị chính thành phố Florence, theo đó, ông sẽ vẽ một bức họa khổng lồ trên một bức tường trong tòa nhà Palazzo Vecchio.
Mang tên “The battle of Anghiari” (tạm dịch “Trận chiến của Anghiari”), bức tranh mô tả cuộc chiến năm 1440 khi lực lượng phe Giáo hoàng cùng với quân đội Florence đã tấn công chính Milan, thành phố quê hương của da Vinci. Trung tâm của tác phẩm là cuộc giao đấu quyết liệt, mang tính sống còn giữa bốn người lính ngay trên lưng ngựa. “The battle of Anghiari” được cho là bức tranh tường lớn nhất trong sự nghiệp của Leonardo; đồng thời cũng là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong cách người nghệ sĩ xử lý các vấn đề về cử động và hình dáng con người trong các tác phẩm sau này.
Đồng hành với “The battle of Anghiari”, một siêu họa khác, của một bậc thầy khác – cũng chính là đối thủ lớn nhất của da Vinci, cũng đã được đặt hàng cho tòa nhà Palazzo Vecchio: tác phẩm “The battle of Cascina” (tạm dịch “Trận chiến của Cascina”) - miêu tả cảnh những người lính Florence tắm khỏa thân trên dòng sông Arno - do Michelangelo đảm nhận. Những người đứng đầu thành Florence tin rằng, sau khi hoàn thành, hai bức bích họa khổng lồ của hai danh họa vĩ đại, nằm đối diện nhau trên hai bức tường của Tòa thị chính sẽ là minh chứng hùng hồn cho một thời kỳ thăng hoa của Nghệ thuật Phục hưng Italy, với Florence là trung tâm quan trọng nhất.
Thế nhưng niềm hy vọng lại trở thành “thất vọng” ngay từ đầu. Hai họa sĩ lớn tỏ ra không có duyên với nhau, và với cả chính hai tác phẩm của mình. Do từng gặp vấn đề về độ ẩm của thạch cao khi sáng tác bức tranh tường nổi tiếng “Last Supper” (“Bữa tối cuối cùng”), Leonardo quyết định thử nghiệm một kỹ thuật hoàn toàn mới là vẽ sơn dầu trực tiếp lên tường cho “The battle of Anghiari”. Tuy nhiên, một trận bão lớn đã làm độ ẩm trong không khí tăng lên bất thường, khiến các màu bị chảy và lẫn vào nhau. Chán chường, da Vinci quyết định bỏ dở dự án của mình vô thời hạn.
Hai bức tranh chưa hoàn thành bị lãng quên trong hơn nửa thế kỷ cho đến tận năm 1555 khi Giorgio Vasari, một sử gia chuyên ghi lại cuộc đời của các nghệ sĩ, nhưng lại may mắn nhận được đơn đặt hàng vẽ tác phẩm mới trên chính hai bức tường kia.
Sau gần 500 năm, những gì còn lại được biết đến nhiều nhất của “The battle of Anghiari” là một bức vẽ lại của Peter Paul Rubens. Với “The battle of Cascina”, người ta chủ yếu biết đến bản copy của một trong những học trò của Michelangelo là Aristotele da Sangallo. Tuy chưa ai được tận mắt chứng kiến bất kỳ một trong hai “siêu phẩm” trên, nhưng những giai thoại và tư liệu chắp vá có được xung quanh chúng vẫn liên tục được nhắc đến qua nhiều thế hệ, khiến đây trở thành một trong những hiện tượng nổi tiếng nhất trong giới hội họa.
Mặc dù đưa ra được một số chứng cứ về sự tồn tại của “The battle of Anghiari” nhưng dự án khôi phục tác phẩm này cũng đang phải đối mặt với rất nhiều sự phản đối trong giới chuyên môn Italy và quốc tế. Tạm bỏ qua nỗi lo rằng sự can thiệp của kỹ thuật hiện đại có thể sẽ làm hỏng bức tranh của Vasari, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân là một người chuyên viết về các họa sĩ, với vốn hiểu biết sâu sắc và sự ngưỡng mộ những tài năng trong giới hội họa, Vasari sẽ không đời nào có thể… vẽ đè lên bất kỳ tác phẩm nào của cả da Vinci và Michelangelo. Điều này dẫn đến một giả thuyết nhận được nhiều sự ủng hộ là tác phẩm của Vasari thực ra được vẽ trên một bức tường mới, được xây ngay phía trước, che đi bức tường nguyên gốc có bức vẽ dang dở của da Vinci.
Cũng không thể không đề cập đến nỗi hoài nghi của một số người khi cho rằng câu chuyện “The battle of Anghiari” đã bị thổi phồng quá mức. Những gì còn lại có thể chỉ là những phác thảo dang dở đã bị phá hủy nghiêm trọng sau hàng trăm năm, thậm chí không mang tính nghệ thuật cao như mong đợi. “Hy vọng nhiều để rồi thất vọng thật nhiều”, như người ta vẫn thường nói.
Theo Tiểu Phương - LĐO