Văn nghệ thế giới
Cổ vật Syria bị trộm cắp hoành hành
06:19 | 18/04/2012

Các chuyên gia cảnh báo, những khu vực dễ bị tấn công nhất ở Syria là những vùng bị giằng xé bởi xung đột, nơi bọn trộm cắp đã đột nhập vào các bảo tàng, di chỉ khai quật, công trình lịch sử và lấy đi nhiều cổ vật quý.

Cổ vật Syria bị trộm cắp hoành hành
Cao nguyên Aleppo - nơi có hàng trăm tu viện và nhà thờ cổ - là khu vực bị tấn công nhiều nhất ở Syria hiện nay

Cuộc nổi dậy kéo dài 1 năm của Syria đã gây ra nạn trộm cắp và phá hủy các di chỉ khảo cổ nổi tiếng của đất nước này, trong đó có thành phố cổ Palmyra và dấu tích Hy Lạp - La Mã Apamea.

“Trong 3-4 tháng qua, bọn trộm đã đánh cắp rất nhiều thứ. Ở Apamea, chúng tôi có một băng video ghi rõ hình ảnh bọn trộm đã dùng khoan để lấy các bức khảm. Còn ở Palmyra nhiều đồ vật bị đánh cắp và bọn trộm đã xúc tiến nhiều vụ đào bới bí mật” -  bà Hiba al-Sakhel, giám đốc các bảo tàng ở Syria, nói và cho biết thêm, nhiều di chỉ lịch sử khác ở Syria đã trở thành “con mồi” của bọn trộm cắp. Chúng đã lợi dụng tình trạng bạo lực đã lan tràn ở đất nước này trong hơn 1 năm qua để “chôm chỉa” các cổ vật.

Mặc dù tình trạng này đã xảy ra nhiều năm, song mức độ phạm tội ngày càng gia tăng do tình trạng bạo loạn, khiến nhiều di chỉ không được bảo vệ. “Các nhà khảo cổ ở Syria chưa tìm kiếm được hết các di chỉ, vì vậy đào bất cứ ở đâu bạn cũng có thể tìm thấy thứ gì đó. Tôi tin những vụ trộm cắp này là hành động của những người dân hám tiền và không mấy quan tâm tới tầm quan trọng của di sản” - bà Hiba al-Sakhel khẳng định.

Theo các chuyên gia, bọn trộm đã lấy đi nhiều cổ vật từ bảo tàng ở thành phố miền Trung Hama, trong đó có các loại vũ khí cổ và một bức tượng có niên đại từ thời Aramaic.

Chưa kể, thành lũy lịch sử Shayzar, Tây Bắc Syria, đã bị đập phá rất nhiều. Trong khi ở Apamea, một bức tượng đá cẩm thạch La Mã đã bị đánh cắp từ bảo tàng và lợi dụng ban đêm bọn trộm đã cướp phá di chỉ ngổn ngang này. Những đồ vật bị đánh cắp sau đó được chuyển lậu qua Lebanon và các nước láng giềng khác rồi bán trên thị trường đen.

Các băng video được tung lên YouTube còn cho thấy thành lũy al-Madiq, ở Apamea, đã bị nã pháo trong cuộc chiến giữa các lực lượng và quân nổi dậy. Thành cổ Ebla, thuộc tỉnh Idlib, thường xảy ra các cuộc đụng độ ác liệt, cũng bị bọn trộm tấn công. Còn ở Krak des Chevaliers, vốn được coi là "hòn ngọc của các lâu đài" đồng thời là điểm hút khách du lịch, lực lượng bảo vệ thậm chí không thể đặt chân vào di chỉ này do nó đã bị những kẻ có vũ khí xâm chiếm.

Michel al-Maqdissi, phụ trách các cuộc khai quật khảo cổ ở Syria, cho biết nơi đang gặp nhiều nguy hiểm nhất là cao nguyên Aleppo, khu vực vẫn được mệnh danh là “khối núi đá vôi”, vốn tập trung  hàng trăm tu viện và nhà thờ cổ. “Theo tôi, đây là vùng đang bị tấn công nhiều nhất hiện nay vì nó nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của Bộ Cổ vật” - Maqdissi nói.

Tháng trước, UNESCO đã thúc giục các nước thành viên và tổ chức quốc tế bảo vệ di sản văn hóa phong phú của Syria và đảm bảo các cổ vật không bị đánh cắp và gửi ra nước ngoài khi đất nước này đang chìm trong bạo lực. “Gây hại tới di sản đất nước chính là gây hại tới tâm hồn của người dân” - Tổng giám đốc Irina Bokova tuyên bố.

Syria có 6 di chỉ, gồm Damascus, Aleppo, Palmyra, Bosra, Krak des Chevaliers và lâu đài Saladin, các ngôi làng cổ ở miền Bắc, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Ông Marc Griesheimer, phụ trách khảo cổ và cổ vật tại Viện Trung Đông ở Beirut, khẳng định các di chỉ khảo cổ của Syria rất đặc biệt vì chúng chứng kiến sự tiến hóa của loài người. 

Bà al-Sakhel cho biết, các nhà chức trách Syria đã bắt đầu chuyển những đồ vật quý hiếm ra khỏi các bảo tàng để tránh bị trộm hoặc bị phá hủy và đã có kế hoạch cất giữ chúng trong ngân hàng trung ương.

“Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ gửi thông điệp tới người dân Syria, nói với họ rằng di sản của chúng tôi đang bị đe dọa. Di sản này không thuộc về Chính phủ hay Tổng thống, mà chúng thuộc về tất cả người dân Syria, thuộc về nhân loại. Vì vậy, chúng nhất định không bị phá hủy” - bà al-Sakhel nói.

                                                                                                    theo Việt Lâm TT&VH

 

Các bài mới
Các bài đã đăng