Triển lãm tranh của Klimt ở bảo tàng Correr, Venice, nơi những chân dung phụ nữ của ông tỏa sáng. Bài của Rachel Spence trên Financial Times
Gustav Klimt là họa sỹ kín đáo nhất trong các họa sỹ. Ông không có nhật ký hay chân dung tự họa: “Tôi ít hứng thú ở bản thân hơn hứng thú ở người khác như một chủ điểm hội họa, mà hơn cả là phụ nữ…”, ông tuyên bố. “Ở tôi chẳng có gì đặc biệt cả. Tôi là một họa sỹ vẽ vời từ ngày này qua ngày khác, từ sáng đến tối… Bất cứ ai muốn biết gì về tôi… phải quan sát thật kỹ tranh tôi.”
Klimt ắt phải ưng ý triển lãm này vì tranh ông được để cho chúng tự lên tiếng. Ý định của nhà tổ chức là làm sáng tỏ mối quan hệ giữa họa sỹ theo chủ nghĩa ly khai (Klimt) và Josef Hoffmann (họa sỹ Áo, 1870 - 1956), một trong những người khởi xướng và kiến trúc sư quan trọng của phong trào này. Đáng tiếc là triển lãm lại không có đủ số tranh cần thiết. Một bản sao chép Trụ ngạch Beethoven mà Klimt thực hiện cho triển lãm của Hoffmann năm 1902 cũng có mặt, mặc dù nhà tổ chức đã mắc lỗi trầm trọng khi không thông báo nó là bản tái tạo mãi đến khi vài tuần nhầm lẫn qua đi. Cũng có vài mẫu đồ đạc, thiết kế, trang sức, cộng với những mô hình nhà gỗ trường phái ly khai, có cả mô hình của dinh thự Stoclet được Hoffmann thiết kế và dựa vào đó mà Klimt tác nghiệp hội họa.
Buổi triển lãm Beethoven và dinh thự Stoclet là những biểu tượng bất hủ của trường phái hiện đại Vienna, được chống đỡ bởi ý niệm chủ chốt của chủ nghĩa ly khai về Gesamtkunstwerk (hoạt động nghệ thuật tổng hợp liên quan tới hội họa, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế và thủ công mỹ nghệ). Vì thế, chúng xứng đáng được trưng bày nhiều hơn tại đây. Nhưng những tác phẩm của Klimt đã cứu triển lãm này, kèm theo các tác phẩm khác của những người cùng thời, gồm một nhóm các họa sỹ trường phái biểu tượng và Ernst Klimt, em trai ông, và Franz Matsch (họa sỹ Áo, 1861 - 1942).
Các chi hoàn hảo và tông màu da tinh tế của bức Đàn ông khỏa thân, được vẽ khi ông mới mười tám tuổi và đang theo đuổi học thuật chính thống, cho thấy ông có chất nghệ sỹ trong từng tế bào. Tuy vậy, rèn luyện nghệ thuật không dành cho con trai một người thợ kim hoàn; thay vào đó, cùng với em trai Ernst, ông gia nhập trường Mỹ thuật và Thủ công. Sau khi tốt nghiệp, ông lập công ty riêng cùng Ernst và Matsch, và bắt đầu trang trí những công trình công cộng đồ sộ ở Vienna, biến thành phố này trở thành nguồn sáng lộng lẫy cuối thế kỷ XIX.
Chính vào những năm này mà Klimt phát triển những ý tưởng đã khiến các nhà mỹ học châu Âu thay đổi hoàn toàn. Giống như những người đi trước, ông là một họa sỹ cổ điển. Nhưng trong khi họ dựa vào thần thoại Hy Lạp để ủng hộ trật tự, lý tính và quyền lực, Klimt bị hấp dẫn bởi một nguồn năng lượng phóng đãng, hoang dại hơn, do Nietzsche (triết gia Phổ, 1844 - 1900) tìm thấy, trong Sự ra đời của bi kịch, cuốn sách có ảnh hưởng lớn tới ông.
Mê mẩn với tiềm thức và sự phi lý khiến Klimt trở thành tâm điểm thời của ông. Vienna cuối thế kỷ XIX là nguồn gốc của chủ nghĩa hiện đại thách thức thói bá quyền bảo thủ ở mọi mức độ. Khi những nhận thức đã đóng rễ ấy đào sâu vào khát khao và sợ hãi vốn trước đó là lãnh địa cấm, ít ai băn khoăn tại sao phụ nữ trở thành biểu tượng của phần lớn những thứ được tìm thấy.
Vẽ năm 1894, ba năm trước khi chủ nghĩa ly khai được khởi xướng, Chân dung một quý cô của Klimt thật hấp dẫn vì nó được thực hiện rất khéo. Kết quả của sự căng thẳng giữa hội họa hiện thực - biểu trưng của thế giới kinh nghiệm chủ nghĩa - cùng những tưởng tượng mơ hồ và mang tính biểu tượng hơn, người phụ nữ quý tộc được diễn tả rất hiện thực, thanh thoát nhờ nét ửng hồng san hô trên má và đồ trang sức lấp lánh ở tay và cổ. Tuy nhiên khi để cho một cánh tay mỏng mảnh ẩn dưới chiếc găng tay đen dài, Klimt chuyển đổi một bức chân dung đơn thuần thành thứ gì đó hiểm ác, li kỳ và khêu gợi hơn. Trong khi đó, bức tường trang trí tinh xảo phía sau cô gái rõ ràng là điềm báo cho niềm đam mê với hình mẫu trang trí phẳng sẽ trở thành thương hiệu của ông sau này.
Năm 1897, Klimt, cùng với một nhóm đồng đẳng tiên phong, phá ngang khỏi nền tảng chính thống để tạo nên chủ nghĩa ly khai. Là câu trả lời của Vienna cho Art Nouveau (nghệ thuật mới), họ kiên định xóa bỏ tính học thuật nhàm chán với nhận thức mới về tuyến tính, trang trí và Gesamtkunstwerk. Klimt xông pha liều lĩnh với một câu phóng dụ: để một hiệp sỹ áo giáp mạ vàng dấn thân vào trận chiến chống lại thế lực hắc ám dưới hình thù những quái vật lông lá giống khỉ và những cô con gái hiểm độc của mình trước khi đại diện cho niềm hân hoan của nghệ thuật và tình yêu - hai khái niệm rõ ràng không thể gỡ bỏ khỏi ông - được mở ra bởi một dàn nữ hợp xướng và một đôi tình nhân hôn nhau tại thành lũy cuối cùng.
Kinh nghiệm của Klimt khi trang trí trần và tường khiến ông đặc biệt tài năng trong việc xóa nhòa biên giới giữa mỹ thuật và trang trí. Điều hấp dẫn về Trụ ngạch Beethoven là phương thức trong đó ông sử dụng những mẫu vẽ - kẻ ác được tạc vào những nét khảm trái ngược, người hùng ngược lại được đặt vào những vùng đầy màu sắc, mạ vàng nhịp nhàng và ôn hòa hơn - để phù phép những sự thật luân lý và độ cao, chiều sâu cảm xúc.
Vật trang trí với Klimt, giống như màu sắc với Matisse và nghệ thuật lập thể với Picasso, tạo một lối thoát khỏi những phương thức thị giác truyền thống. Không đâu mà điều này rõ hơn tại một trong những tuyệt tác tại triển lãm này, Judith I, mượn từ bảo tàng Belvedere. Klimt miêu tả người nữ anh hùng Do Thái, người quyến rũ rồi sát hại tướng Holofernes của Assyria để bảo vệ dân tộc giống như một quý cô người Áo hiện đại đã từng nếm máu. Quầng tóc đen, hàm dưới như chạm trổ và miệng giống đóa hồng, cô giống Marie Henneberg (một tranh chân dung khác của Klimt) một cách ấn tượng. Nhưng đôi mắt đánh đậm, răng nhe ra và ngực trần gợi lên hình ảnh một nữ chiến binh ma cà rồng. Và nếu bạn nghi ngờ nàng công chúa bên trong cô, thì có toàn vàng xung quanh: vàng ôm lấy cổ như cổ cồn trang sức cao, vàng bện vào váy the và vàng trang điểm những cây cọ tỏa ra từ vai.
Một trong những điểm sáng của triển lãm này là cơ hội được nhìn thấy Judith I đối diện vật đối xứng của nó, bức tranh được biết đến theo từng trường hợp là Judith II hay Salome. Vào thời điểm Klimt vẽ Salome, một bài luận chỉ ra một cách thuyết phục rằng ông muốn vẽ chân dung một phụ nữ định mệnh khác của mỹ thuật. Lần này, ông gắn nữ anh hùng của mình vào một kính vạn hoa duyên dáng đa sắc để ta có thể nhìn thấy đôi tay tựa móng vuốt, khuôn ngực trần và khuôn mặt có cặp môi đỏ.
Giữa một thế giới bão hòa vì nghệ thuật khỏa thân trong hàng thế kỷ, Klimt đã nhận ra rằng che giấu da thịt lại mạnh mẽ hơn là phơi bày nó. Kết quả là các biểu tượng cám dỗ lại hiệu nghiệm như bất cứ biểu tượng nào trong lịch sử. Trường phái hiện đại đã thay đổi cách đàn ông vẽ đàn bà. Cách đàn ông nghĩ về họ thì cần thêm một chút thời gian..
theo Nguyễn Thiện Hoàng Dương - NĐBND